9-3-2023
Andersen
Hai cuốn sách: cuốn sách thứ nhất là một ráng mây, cuốn sách thứ hai là một quầng khói tím. Từ mây xanh hiện ra điệu vũ thấp thoáng ánh vàng, từ khói nhạt nổi lên một hình thù gây choáng váng - một miệng quái vật há hoác rồi nuốt lịm mọi bóng hình vào cát như chưa từng có gì tồn tại.
“Chôn tôi đi, chôn tôi đi!” tiếng vọng luồn qua sương đến bóp nghiến Anne Lisbeth - hai bàn tay rách nát, tuyệt vọng đào nấm mồ trước khi mặt trời mọc. Có kịp không? Có kịp không?
Cũng vẫn Anne Lisbeth: những tia nắng cuối cùng rọi chiếu con người đã chỉ còn thoi thóp, làm bừng lên trang Thánh Kinh trên ban thờ, mở ra những câu này: "Hãy xé lòng các ngươi và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Đức Chúa Trời."
“Đấy là vì tình cờ thôi!” người ta nói, cũng như bao điều xảy đến vì tình cờ. Chẳng một ai thấy Anne Lisbeth - linh hồn đã ở tít trên cao - trong ánh sáng, trong nhà của Chúa.
Gió nói: tất cả rồi tan biến, tất cả sẽ qua đi.
*
Trong thế giới của Andersen, mọi vật thức dậy vào ban đêm. Những bông hoa bắt đầu vũ hội của chúng, nhưng cũng cả những ý nghĩ nữa - nhẹ và trong suốt - chúng vô hình trong cái rỡ ràng huyên náo ban ngày.
Ban đêm người ta mơ, người ta lang thang, người ta nghe những tiếng vọng âm thầm, và đôi khi - rất ít người, chỉ những tâm hồn trong trắng nhất - biết làm một việc là dệt vải. Cô con gái mù trong lâu đài Cây Mặt Trời, nàng Elisa chấp nhận câm bặt mặc mọi chà đạp và vu khống để đan những cái áo bằng sợi tầm ma - việc của những người con gái ấy là chuộc tội: đi tìm những linh hồn lạc, mang họ quay về ngôi nhà họ bị bật ra - bởi bị nguyền rủa, hoặc bởi khát khao thế giới.
Đêm là của sự nhận ra, cũng là của những quyết định thảm khốc - nàng tiên cá phải chọn giết người mình yêu hay tan biến vĩnh viễn vào bọt sóng, bà mẹ phải chọn giữ lại đứa con hay để Thần Chết mang nó tới một cuộc đời có lẽ tốt đẹp hơn. Trong đêm hiện ra không còn giấu giếm hai cực tạo thành sự thật một cuộc đời: với Mộc thần nữ, đó là đỉnh cao của ánh sáng kinh kỳ, cũng là của tận cùng bẽ bàng rời rã: những chập chờn ký ức về ngôi nhà đã bỏ đi không bao giờ còn quay lại, và ngày mai: một lần nữa cuộc vũ sẽ lại bắt đầu - một vòng, lại một vòng - cho tới cái hạn đã thấp thoáng, như mặt trời đỏ máu.
Số phận một sinh vật phù du không ngơi nghỉ. Cứ nhảy đi, nhảy đi, nhảy mãi với đôi giày đỏ mà ngươi quý hơn tất cả, nhảy cho đến lúc chỉ còn da bọc xương, cho đến thân tàn ma dại. Nhảy đi, nhảy mãi đi, trên sân khấu mênh mông mà ngươi khao khát.
Sắp rồi, mặt trời sẽ hôn lên các đám mây và làm cho chúng đỏ rực lên! Gió đáp. Và lúc đó cô sẽ ở giữa những người chết, biến mất, giống như toàn bộ vẻ rực rỡ này sẽ biến mất trước khi năm kết thúc, và lúc đó tôi lại có thể chơi đùa với thứ cát nhẹ nhõm trên quảng trường này, tôi sẽ thổi bụi phủ lên mặt đất, thổi bụi vào không khí, bụi ấy! Mọi thứ đều chỉ là bụi mà thôi.
Mộc thần nữ nhìn thấy, như trong chiêm bao, dòng máu từ cánh tay buông thõng của cô gái tên Marie - một kiếp thiêu thân tiên tri cho chính số phận nàng. Chính lúc ấy, nàng muốn sống. Nhưng mặt trời máu đã lên. Chỉ một giọt nước mắt tròn xoe, và nàng biến mất.
Ngày lên, vẫn rạng rỡ và huyên náo. Chẳng ai để ý tới bông hoa nhàu nhĩ rồi sẽ chìm nát dưới chân người.
*
Những tâm hồn dứt tung mình khỏi rễ để lao vào thế giới. Chúng được trao một cuộc đời đúng như ao ước: sống và cháy rụi đến tận cùng. Nhưng làm sao khác được đây? Người kể chuyện không khoan nhượng, không xót thương. Lòng trắc ẩn của cái nhìn sắc bén buồn rầu ấy nằm ở sự ghi nhận trung thực những số phận đi hết con đường của chúng, dẫu con đường ấy - câu chuyện thực sự - luôn bị mây che mờ.
Gió nói: tất cả sẽ qua đi. Người ta hát một bài thánh vịnh rồi đi về nhà. Trong cơn bão, Chúa ném cát lên quan tài. Cát bay phủ kín những vòm lớn. Bụi gai và hoa hồng mọc trùm nhà thờ cổ. Chẳng ai đến quấy rầy người chết. Chỉ còn một câu chuyện truyền đi hun hút - được kể bởi gió, bởi bão, bởi mặt trăng. Để rồi đến một ngày, Bố cò kể cho đàn con câu chuyện cũ xảy ra vào thời cụ kỵ tằng tổ của mẹ mình. “Lũ nhỏ sẽ nói gì đây?” mẹ cò hỏi. “Đúng thế, đó chính là điều quan trọng nhất!” lời của bố cò.
Và cần phải như thế: câu chuyện phải bị hiểu lệch, phải mủn thành những lời quê góp nhặt dông dài. Mọi dấu vết phải bị xóa đi, để còn cơ hội để thực sự lặp, thực sự xảy ra câu chuyện cũ mà luôn mới.
*
Tính chất cổ tích của thế giới Andersen không nằm ở sự khuyến thiện, sự giữ mình vô nhiễm dù những dấu hiệu bên ngoài dường như đều trỏ vào đó. Thế giới ấy xuất phát, trước hết, từ cái nhìn của trẻ con (chứ không phải, như đôi khi người ta hay nhầm, là một thế giới người lớn gửi vào các ẩn dụ trẻ thơ). Một đứa trẻ đọc Andersen sẽ thấy ngay rằng đó là một câu chuyện đúng. Trẻ con - bởi chưa bị nhiễu bởi tạp âm, bởi vẫn còn nói chuyện được với các con vật và những bông hoa - không bao giờ nhầm lẫn về một số điều cốt yếu. Không phải là bởi chúng là thiên thần. Chúng có thể rất thánh thiện, cũng có thể rất độc ác (và chẳng ai nói được như Andersen, như trong câu chuyện về cây thông non, về sự tàn nhẫn của trẻ con). Một đứa trẻ khóc về sự độc ác của thế giới - người ta đã giật lấy con búp bê của nó treo tít lên cây. Cũng đứa trẻ ấy cười nhạo con vịt khập khiễng có lớp da đỏ ở chân, và nó biết như thế là tội lỗi - chắc chắn là tội lỗi, không cách nào quanh co được. Không giống người lớn, đứa trẻ chưa biết vin vào những thành trì định kiến để ru ngủ tiếng nói bên trong. Nếu băn khoăn, nó chỉ cần hỏi con búp bê, “Bạn có cười các con thú không?” và thế là chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Ngược với người ta thường nghĩ, thế giới một đứa trẻ có thể nhìn thấy phức tạp và chắc chắn ít nghèo nàn hơn thế giới người lớn nhiều. Ở đó, số phận đã được viết ra, trong suốt. Ở đó có những hình bóng hãi hùng sẽ một ngày lôi tuột nó đến vực thẳm - đối mặt với số phận của nó. Cũng ở đó có những kỷ niệm ấm áp sẽ vụt sáng, trở thành niềm an ủi, nguồn nâng đỡ cho những thử thách sau này. Khu vườn hoa hồng của Chúa và lâu đài của Bà chúa tuyết, nụ hôn giết người của Nữ thần băng giá và nụ hôn sưởi ấm của các công chúa Thái Dương - mê cung đã định hình từ tuổi thơ; đứa trẻ lớn lên chỉ để nhận ra nó, đi vào đó.
Bởi vì ấy là thời đại của truyện cổ tích. Cậu bé Hans Christian Andersen đã choáng ngợp, đã sung sướng biết bao nhiêu khi, ở ngôi làng êm đềm biệt lập giữa núi non của mình, một ngày cậu biết rằng có một thế giới khác - một thế giới cũng đang náo nức trước những phát minh mới, những kỳ hoa dị thảo đem về từ những chốn nhiều người còn không biết là đâu. Cả một vô tận các khả năng! Cả một ngây ngất của triển lãm và biểu diễn! Sân khấu lớn đã mở ra, chàng thanh niên rời bỏ ngôi nhà tuổi thơ, lên đường tìm mình trong thế giới. Rồi một ngày chàng nhận ra sân khấu ấy cũng vẫn là sân khấu những con rối mà chàng dựng lên thuở bé, từ cuốn kịch Shakespeare chỉ hiểu lõm bõm và những câu chuyện của người cha. Chàng thấy lại cậu bé Hans Christian và những giấc mơ giữa rừng núi Bắc Âu hung hiểm, và người kể chuyện ra đời.
Thế giới Andersen thấp thoáng hai hình bóng thần tiên: những cô bé thánh thiện không bao giờ rời bỏ ngôi nhà - lòng tin, kể cả khi buộc phải lên đường đi tìm và chuộc tội cho những linh hồn lạc; những người già có thể nhìn thấy cả thế giới hiện ra từ cây đèn đường cũ mà chẳng cần phải đi đâu. Thế giới ấy ra đời từ chính nỗi hoài nhớ vô biên hướng tới thiên đường lạc kia. Đó không phải là con đường của khắc kỷ mà là con đường buông mình đến tận cùng cám dỗ - dù là cám dỗ về phía hào quang, tri thức hoàn bị, hay một phút giây diệu kỳ đáng để từ bỏ mọi thứ trên đời. Thường xuyên xuất hiện ở đó cuốn Sách Thiêng chứa mọi điều, nhưng không sao đọc được. Lối vào đã mất, và phải tìm lại nó. Người kể chuyện tìm bằng cách nghe từ bất kỳ ai đã thấy - cơn bão, những bông hoa, lũ chuột, và nhất là mặt trăng, tuy không phải lúc nào chúng cũng chịu kể.
Giống như một thân cây buồn bã, người kể chuyện chứa tất cả trong mình, không bỏ sót một cái gì: những linh hồn trong trắng và những linh hồn tội lỗi, những kẻ tìm lại được đường và những kẻ mãi mãi trầm luân, nhất là sự ghen tị rất đỗi con người: những trái tim đen bầm đi khi chứng kiến những số phận được nâng lên cái đẹp đỉnh cao của bi kịch. Đến cả phận con sâu cái kiến, cỏ dại, ma trơi - những kẻ mà số phần là không bao giờ được yêu cũng không bị quên lãng. Tất cả những gì đã đến chốn này đều để lại dấu, đều phải vật vờ lang thang cho tới ngày được hóa giải. Thằng bé cầm bánh lái hét lên: “Chúa ơi!” Con tàu vừa đâm phải một tảng đá lớn ăn xuống đáy biển và nó chìm dần giống như một chiếc giày cũ nơi ao làng. […] Chẳng ai chứng kiến chuyện này, ngoài lũ mòng biển kêu quèng quẹc và lũ cá […] Chỉ cái cốc cùng mẩu gỗ sơn xanh dùng để thay đế không chìm, mẩu gỗ giữ cho nó nổi lềnh bềnh; cái cốc cứ thế trôi dạt. Một linh hồn đã về với Chúa, nhưng cái cốc vỡ - chứng nhân của một tồn tại khốn khổ - vẫn ở đây để làm việc của nó, giống như những “chi phấn hữu thần liên tử hậu” trong một văn chương khác - một văn chương cũng ôm cả địa ngục vào mình.
Người kể chuyện viết một câu chuyện, gọi là Chuyện đời tôi. Nhưng cả đó cũng vẫn là một màn biểu diễn. Có những lúc - hiếm hoi - Andersen kể về những người sân khấu, Cái ngày cô lấy chồng, anh là nhân vật vui tươi nhất, nhưng, đêm đến, anh khóc; nếu công chúng được nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của anh, hẳn họ sẽ vỗ tay hoan hô." Lại có kẻ, giống như người đóng vai hiệp sĩ kia, bộ râu xoăn trên cằm, mặt dày phấn tì lên kính: người ta đã huýt sáo la ó anh ta, và họ làm thế là đúng. […] Anh ta có một sự nhạy cảm sâu sắc và yêu nghệ thuật một cách cuồng nhiệt, nhưng nghệ thuật thì lại chẳng yêu anh ta. […] Anh ta nhìn tôi, mỉm cười, vậy mà chỉ một phút trước, anh ta vừa bị la ó […] Tối hôm đó, một cỗ xe tang nghèo nàn rời cửa ô thành phố, không có lấy một người đi theo […] không ai hết, trừ trăng. Trong một góc sát bức tường nghĩa địa, người ta chôn người tự sát, đám tầm ma sắp từ dưới đất trồi lên, người phu đào huyệt sẽ ném các cành gai xuống đó và lũ cỏ dại lan sang từ những ngôi mộ khác.
Trong hai kẻ - kẻ bị hắt hủi, cô độc và kẻ được hoan hô vì khuôn mặt rúm ró của mình - kẻ nào đáng thương hơn? Cái nhìn của Andersen có rất nhiều số phận nhưng không bao giờ là cáo trạng - không đao phủ, cũng không nạn nhân. Nó đúng nghĩa là câu chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh” - một câu chuyện vui, nhưng chẳng có nỗi buồn nào mênh mông hơn cái nhìn vào thế giới vui tươi lặp lại không bao giờ ngừng ấy.
Ba phút sau, khung cảnh lại trống vắng, tất cả họ đều đã đi khỏi, không còn nghe thấy chút âm nhạc nào nữa; nhóm người đã đi, nhưng đống đổ nát thì còn ở lại, không chút thay đổi, cũng như vẫn sẽ vậy trong nhiều thế kỷ nữa, và lúc đó, chẳng ai sẽ còn biết gì về những tiếng vỗ tay hoan hô của hôm nay, về nàng ca sĩ xinh đẹp, về âm nhạc mà nàng đã khiến vang lên cũng như nụ cười của nàng, mọi thứ sẽ bị lãng quên và trôi qua; ngay cả với tôi, giây phút này cũng sẽ là một kỷ niệm biến mất.
Anh Hoa