11-10-2022
Chơi và tồn tại (phần 1)
[Tất cả những từ ngữ câu đoạn đặt trong ngoặc kép ở bài này đều trích từ trong sách Tâm hồn và Hình thức, không có ngoại lệ nào.]
“Vậy nhưng (tất nhiên, chỉ ngày nay), tính người và hình thức đã trở thành vấn đề trung tâm của mọi nghệ thuật.” Georg Lukács đã có một đánh giá như vậy, vào thời kỳ ông viết những tiểu luận phê bình văn học rồi tập hợp thành cuốn sách này, như được ghi sau mỗi bài, đã được viết từ các năm 1907, 1908, 1909, và 1910. Viễn kiến đó của Lukács, cảm năng luận của ông, chứng tỏ đúng. Cái “vấn đề trung tâm” đó, đặc biệt là “Hình thức”, đã tiến tới vị thế một ám ảnh kéo dài ở “mọi nghệ thuật” suốt thời hiện đại đến nay, trở nên một vấn đề chủ yếu thường xuyên và, có lẽ, cũng có đâu đó “khao khát” trở lại cái tầm mức mà Lukács đã khám phá nó chăng. Dĩ nhiên, nhìn nhận đó không phải là thảo luận bao quát ở các tiểu luận-cuốn sách này của Lukács; ở đây, đúng như ông dự phóng, là sự viết văn chương tiểu luận phê bình, sự viết mà các chủ đề của nó khởi đi cũng như phát triển từ cái sống cụ thể, từ sự sống mà tiến hành các “cuộc bay tự do của viễn kiến”. Nhưng tất nhiên cuốn sách có một chủ điểm xuyên suốt của nó để khiến nó khả dĩ là, và điều này được lưu ý ngay từ đầu, trong loạt câu hỏi khai cuộc đầy tính tranh luận mà tác giả nhấn mạnh, một “nhất thể” văn chương-tiểu luận.
“Trước mắt tôi là các tiểu luận dự định hợp thành cuốn sách này và tôi tự hỏi liệu công việc này có khả dĩ không - liệu chúng có thể làm sinh ra một nhất thể mới, một cuốn sách đích thực không. Vấn đề không nằm ở chỗ các tiểu luận này có thể mang đến điều gì với tư cách các nghiên cứu về “lịch sử văn chương” mà ở chỗ liệu có điều gì ở chúng cho phép tự chúng là một hình thức văn chương mới không, và liệu nguyên tắc khiến chúng là như vậy có giống nhau trong tất cả các tiểu luận không. Nhất thể này là gì - nếu đúng là tồn tại ở đây một nhất thể? Tôi sẽ không cố đưa ra một công thức vì vấn đề đặt ra không phải là tôi hay cuốn sách của tôi. Câu hỏi trước mắt chúng ta là một câu hỏi quan trọng hơn, phổ quát hơn. Câu hỏi ấy là liệu có khả dĩ hay không một nhất thể như thế. Hình thức văn chương của những trước tác thực sự lớn thuộc loại này được khuôn tạo như thế nào, và hình thức ấy có thể đứng độc lập tới mức độ nào với các hình thức khác? Làm thế nào cách tiếp cận này và hình thức được ban cho nó đưa nó ra khỏi vùng của khoa học và đặt nó cạnh vùng của nghệ thuật mà không làm nhòe đi ranh giới giữa các vùng, cho nó lực đủ mạnh để xoay chuyển trật tự khái niệm mà vẫn phân biệt được nó với sự hoàn hảo băng giá của triết học? … tất thảy thảo luận từ trước đến nay vẫn chưa chạm đến cái cốt yếu của câu hỏi đích thực: cái là của tiểu luận, tiểu luận là gì. Hình thức biểu đạt nó hướng tới là gì, và đâu là những cách biểu đạt này được khuôn hình? … … Tôi muốn cố gắng định nghĩa tiểu luận chặt chẽ hết mức có thể chính bằng cách mô tả nó ở tư cách hình thức nghệ thuật.”
Đó là mở đầu VỀ BẢN TÍNH VÀ HÌNH THỨC CỦA TIỂU LUẬN Thư cho Leo Popper; tiểu luận này, khá chắc chắn đã được viết để dẫn nhập cho tập hợp các tiểu luận đã có trước, và với phong cách của các Đối thoại Platonic, bức thư học thuật này trước tiên “biện giải” tách tiểu luận phê bình với khoa học và nghệ thuật, làm phát lộ nó với “tư cách hình thức nghệ thuật” mà, đặt vào dải phổ của các hình thức nghệ thuật, tác giả so sánh tiểu luận như “tia tử ngoại” trong quang phổ ánh nắng. Điều khiến cho tiểu luận phê bình thành tiểu luận phê bình cũng là điều làm cho các tiểu luận ở đây có thể hợp nên một “nhất thể”. Đó sẽ là điều gây ngạc nhiên nhất, cho thấy Georg Lukács trong việc này vượt ra các ảnh hưởng, trừ ảnh hưởng của Plato - cái nền tảng Platonic không thể vượt qua ở ông. Trong phương diện “lịch sử văn chương” ở các tiểu luận này, cho thấy phong cách Hegelian; trong các phần giải thích, hay “biện giải”, luôn luôn mở rộng không ngừng, một cách vô cùng thuyết phục và lôi cuốn, nhiều khi rất khó mà nắm bắt cho hết hay lặn xuống tới đáy của chúng - vì đáy của chúng đa bội - cho thấy các dạng biến dựa trên nhị nguyên luận Kantian; nhưng, bởi đây là trường của nghệ thuật, cho nên, theo Lukács, cái viết cần đủ lực “xoay chuyển trật tự khái niệm mà vẫn phân biệt được nó với sự hoàn hảo băng giá của triết học”, nói về “Hình thức” mà viễn kiến sâu xa hơn “Hình thức”. Toàn bộ sự phong phú của hội tụ tri thức như thế sẽ tạo khả thể đưa đến “khoảnh khắc” xác định “bản tính” của tiểu luận phê bình.
Ý trong khái niệm “viễn kiến” của Lukács ở các tiểu luận này phân cực rõ ràng: trong khi nhìn nhận rằng “chưa bao giờ hoàn toàn hết khả năng” phê bình sẽ biến hình thành một môn khoa học, ông tách rời chúng dứt khoát - tiểu luận phê bình cần đem tới viễn kiến tương đồng như của văn chương và nghệ thuật:
“Ta chỉ thực sự quan tâm tới những gì về cốt yếu là mới, là độc nhất - thứ mà sự thành tựu các mục tiêu khoa học, dẫu hoàn toàn hay xấp xỉ, vẫn không chạm đến được. Khoa học tác động lên chúng ta bằng nội dung còn nghệ thuật thì bằng hình thức; khoa học cho ta các dữ kiện và tương quan giữa chúng, nhưng chỉ nghệ thuật mới cho ta khải thị tâm hồn và định mệnh. Chính tại điểm này, con đường tách đôi, hoàn toàn không có thay thế hay chuyển tiếp.”
Đó là sự “tách đôi” có lẽ khó được đồng vọng vào thời nay khi các khoa học nhân văn và tâm lý học ngày càng cố gắng lấn sâu vào vùng “của cái không thể đo đếm, cái bất khả thuyết”; tuy nhiên, vẫn là thực một điều rằng “chỉ nghệ thuật mới cho ta khải thị tâm hồn và định mệnh”. Trước đó, Lukács bác bỏ một ý thông thường phổ biến liên quan đến tiêu chuẩn: cứ “viết hay” thì thành “nghệ thuật” tiểu luận phê bình; nếu xem xét theo đường lối đó, thì “chính xác là vô chính phủ, là phủ định hình thức cho phép một trí năng tin rằng nó hoàn toàn tự chủ và có thể tùy ý giỡn với mọi khả thể”.
Viễn kiến nghệ thuật tính soi chiếu từ thực tại của tiềm tàng hiện thực của “mọi khả thể”, về phía cứu cánh ở sự mở ra của “khải thị tâm hồn và định mệnh”, và âm vang của những tiếng như thế, phong cách của Phê phán, và biểu thị văn hóa tinh hoa của ngữ vựng trong tất cả các tiểu luận ở đây, báo cho biết nó chỉ đi vào những vĩ độ cao của tinh thần, nơi dục vọng là về những gì cao vọng như chân lý, sự vĩ đại, cái tuyệt đối, tính lý tưởng và tính phổ quát, và tương tự (tuy nhiên, chẳng nên quên rằng chỉ do các kết hợp đúng mà từ và ngữ biểu đạt được cái tinh hoa, chứ không phải bằng sự lạm dụng chúng). Các tiểu luận trong tập này, PLATO TÍNH, THƠ VÀ HÌNH THỨC Rudolf Kassner; SỰ VỠ VỤN CỦA HÌNH THỨC TRƯỚC CÁI SỐNG Søren Kierkegaard và Regine Olsen; TRIẾT HỌC LÃNG MẠN VỀ SỰ SỐNG Novalis; HÌNH THỨC SỐNG BOURGEOIS VÀ NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT Theodor Storm; CÔ ĐỘC MỚI VÀ THƠ CỦA NÓ Stefan George; KHAO KHÁT VÀ HÌNH THỨC Charles-Louis Philippe; KHOẢNH KHẮC VÀ HÌNH THỨC Richard Beer-Hofmann; PHONG PHÚ, HỖN LOẠN VÀ HÌNH THỨC Một tranh luận về Laurence Sterne; SIÊU HÌNH HỌC CỦA BI KỊCH Paul Ernst, đều bàn luận số phận của những cao vọng, trong một không khí lý tưởng luận biến động và định mệnh. Và đằng sau những điều cao vọng như thế hẳn là một đạo đức học tương ứng, thông qua cá nhân luận theo cái nhìn Georg Lukács - cái nhìn đã xác lập vị thế đối thoại với hiện trạng của văn hóa qua việc biện giải vị thế của tiểu luận phê bình và nhà tiểu luận.
Đặt tiểu luận vào trường nghệ thuật cũng là đòi hỏi về cao vọng của nghệ thuật. Đấy cũng là lý do Lukács coi tiểu luận phê bình là nhánh thứ sinh trong cái ông xem như một phả hệ các sự viết của “đối thoại của Plato, trước tác của các nhà thần bí, Tiểu luận của Montaigne, nhật ký tưởng tượng và truyện ngắn của Kierkegaard”. Tất cả có chung một “thực tại” sâu thẳm, gồm cả bí ẩn, ở “tâm hồn”.
Ý của “tâm hồn” trong các tiểu luận này cần phải nhìn trong cái khung đó - cái khung tinh thần cao vọng của văn hóa tinh hoa lớn và rực rỡ đang mất thời độ; hay có lẽ đúng hơn, ngữ vựng và tinh thần đó biểu thị trường của “tâm hồn” nhận thấy “định mệnh” của nó. Và lẽ dĩ nhiên tất cả đó là về con người, phần nào gần “với tư cách ý lực và tư cách biểu hiện”. Đấy là những đặc tính của cái thực tại biểu tượng tính Lukács gọi là “thực tại của tâm hồn”.
Cảm năng luận của ông khám phá “bản tính và hình thức” của tiểu luận từ việc khám phá miền biểu hiện của thực tại đó:
“Như vậy, có hai dạng thực tại của tâm hồn: sự sống (la vie) phổ quát và một cái sống cụ thể (la vie): hai dạng này thực như nhau nhưng không bao giờ có thể hoạt tác cùng lúc. Các yếu tố của cả hai có trong kinh nghiệm sống của mỗi người, dẫu cường độ và độ sâu của chúng luôn biến đổi; cả trong ký ức nữa, ở bất kỳ thời điểm nào, ta cũng chỉ cảm thấy được một trong hai dạng thực tại của tâm hồn. Kể từ khi một cái sống bắt đầu, từ khi con người tìm cách hiểu và thiết lập trật tự cho nó thì đã tồn tại nhị nguyên này trong kinh nghiệm.”
Phạm trù “kinh nghiệm” xác nhận “thực tại” này, và nhị nguyên luận Kantian trong kinh nghiệm được Lukács chuyển vào nhị nguyên của phương thức biểu đạt của thực tại ấy, đối nhau: “nguyên tắc tạo hình ảnh và nguyên tắc lập nghĩa. Với một nguyên tắc, chỉ tồn tại các vật; với nguyên tắc kia, chỉ tồn tại các quan hệ giữa chúng, các khái niệm và giá trị”. Sự chuyển này dường như khiến “nhị nguyên này” trở nên thuần lý thuyết, và Lukács cho biện giải đó tiếp tục phát triển theo hướng có thể xem như “trí năng” thực tiễn: cho dù có nguyên tắc tạo hình ảnh đối lập với nguyên tắc lập nghĩa, nhưng “bản thân sự phân biệt hình ảnh và nghĩa cũng là một trừu tượng hóa, vì nghĩa đã luôn được gói trong hình ảnh; hào quang của cái nằm bên kia hình ảnh vẫn được phản chiếu trong từng hình ảnh - không thể khác. … trong sự thuần nhất trần trụi của chúng, hình ảnh và nghĩa chỉ là những trừu tượng xác định hai giới hạn của cảm năng con người, nhưng chỉ với sự trợ lực của những trừu tượng như thế, tôi mới có thể định nghĩa hai cực xác định những biểu đạt văn chương khả dĩ. Và sự viết cương quyết cự tuyệt hình ảnh nhất, vươn tha thiết nhất tới những gì nằm bên kia hình ảnh, là sự viết của các nhà phê bình, các nhà Plato luận và các nhà thần bí.”
Như vậy dễ thấy sự “khải thị tâm hồn và định mệnh” là do “nguyên tắc lập nghĩa” mà có thể; song, "những biểu đạt văn chương khả dĩ "chẳng thể không do “nguyên tắc tạo hình ảnh”.
Trước đó Lukács đã cho sự viết của các nhà thơ tương ứng trọn vẹn với “nguyên tắc tạo hình ảnh” và, phản biện một phản bác dự kiến rằng nhà thơ-nguyên lý cùng nhà phê bình-nguyên lý như vậy chỉ là “các trừu tượng rỗng”, ông giải thích rõ: đó quả là trừu tượng nhưng không hẳn đã rỗng; là trừu tượng “bởi đến cả Socrates cũng phải dùng hình ảnh để nói về “thế giới không hình thức” của ông, thế giới nằm bên kia mọi hình thức, và đến cả sự “vắng hình ảnh” của các nhà thần bí Đức cũng chỉ là ẩn dụ”; là không rỗng khi thơ là sự áp đặt một luật lệ lên các vật - các “hình ảnh” nó thu nhiếp vào - và nhà thơ, nhà phê bình người Anh “Matthew Arnold từng gọi đó là criticism of life [phê bình sự sống].”
Vậy thì nhị nguyên kinh nghiệm của Lukács dường như mang ý nghĩa thao tác, tức là lý luận, hoặc, có lẽ, đúng hơn là cách của ông để nói lên một “thế giới không hình thức” bên trong cái thế giới bao la của kinh nghiệm sống; đặc biệt khi tiếp đó ông viết:
“Thơ trình hiện các tương quan chung quyết giữa con người, định mệnh và thế giới, và không nghi ngờ gì, cả nó cũng bắt nguồn từ những tầng sâu thẳm kia, kể cả khi nó thường không ý thức được điều đó.”
Cả “nó” cũng bắt nguồn từ thế giới “bên kia hình thức” và-hoặc thế giới mà những nhà thần bí Đức tìm kiếm một khải thị gia nhập - vậy nên các phương thức biểu hiện “thực tại của tâm hồn” không cô biệt khỏi nhau, chẳng hạn như “kịch gia đích thực (tức là trong chừng mực anh ta là nhà thơ đích thực, đại diện chân chính của nguyên tắc thơ)” và cả thi gia đều không cô biệt khỏi Socrates và Plato khi hướng tới chỗ “đặt câu hỏi cho sự sống” và đấy cũng là việc dành cho tiểu luận phê bình. Nhị nguyên kinh nghiệm của Lukács như vậy quả là ở hẳn vào trường của nghệ thuật, tức là tiểu luận cũng phải chịu giới hạn nhị nguyên đó - giới hạn đã phát biểu với kịch rằng,
“phải thâm nhập được một cái sống con người cụ thể ở mức sâu sắc, mãnh liệt tới độ gần như không thể thấy nó trừu tượng hóa thành một khái niệm chung chung về sự sống. Tuy vậy, chính ở đây tính kịch mất đi bởi một nguyên tắc khác: cái sống cụ thể, từ đó câu hỏi nảy sinh, lập tức mất toàn bộ tính vật chất của nó ngay thời điểm câu hỏi về sự sống cất lên.”
Nhưng tiểu luận lại là “tia tử ngoại”; duyên do của nó bắt nguồn từ cái Lukács mô tả là “những kinh nghiệm sống không thể biểu đạt được bằng bất kỳ động tác nào, vậy nhưng vẫn trông chờ, vẫn vươn tới sự biểu đạt”. Ông đặt vào dạng kinh nghiệm sống đó loại rung động ta có đối với “những rung động con người” được biểu hiện trong các nghệ thuật. Như vậy “nguyên tắc lập nghĩa” phải chi phối kinh nghiệm ở đây - xác lập những mối liên hệ, giá trị, đánh giá: nó là cảm năng, và do đó, là trí năng. Nhị nguyên kinh nghiệm sống, với trường hợp mô tả này, dường như hàm ngụ rằng “cái sống” và “sự sống” được nhận ra theo một phân biệt tương tự như trí năng thực tiễn và trí năng thuần. Nhưng Lukács không hề nói như vậy. Tới đây ông cho thấy điều ông đã nêu ra trước đó, dưới dạng câu hỏi, rằng làm thế nào tiểu luận, do lối tiếp cận đã trình bày, có “lực đủ mạnh để xoay chuyển trật tự khái niệm mà vẫn phân biệt được nó với sự hoàn hảo băng giá của triết học”. Và bước xoay chuyển này của ông, dẫu là hệ quả từ các lớp biện giải nối nhau tự nhiên như các lớp sóng, vẫn gây kinh ngạc:
“Cái tôi muốn nói đến ở đây là trí năng, khái niệm tính với tư cách kinh nghiệm cảm quan, với tư cách thực tại trực tiếp, tức thì, với tư cách nguyên tắc bộc phát của tồn tại; cái nhìn trong hiển lộ thuần nhất, không ngụy trang hay che giấu với tư cách sự kiện của tâm hồn và lực khởi nguyên của cái sống. Câu hỏi được đặt ra một cách trực tiếp: sống là gì, con người là gì, định mệnh là gì, nhưng chỉ là câu hỏi mà thôi vì ở đây, câu trả lời không mang tới một “đáp án” như trong khoa học hay - ở độ cao thuần khiết hơn - trong triết học. Thay vào đó, đây là chuyện của biểu tượng, định mệnh và bi kịch, giống như trong mọi dạng thơ.”
Đây là một biểu hiện điển hình tính hiện đại ở Lukács: nghịch lý chính là thực tại, như chẳng hạn các rung động của trí năng - “có những câu hỏi thì thầm vọng lên từ sâu thẳm, … có những quan hệ định mệnh thuần là tương quan giữa các định mệnh tự chúng” - trong đó kinh nghiệm cảm quan đã đồng thời-tức thời là sự hiểu và tự hiểu, không cần đến lực của tình cảm và dục vọng; trong đó “cái nhìn” chỉ thuần là động tác của “tâm hồn” như là các thể động của “cái sống” mà thông thường sẽ lập tức tha hóa bởi các xung động quan hệ con người và những “rung động con người” - đều do tình cảm và dục vọng. Bước xoay chuyển này, với trí năng như là thực tại trực tiếp bởi cái nhìn thuần nhất, ta thấy một truyền thống Platon-Kant đi vào tính hiện đại của Lukács; và nhắc đến một truyền thống như vậy bởi nó sẽ tạo bối cảnh cho cái Lukács gọi là “nghịch biện tinh quái” của nhà tiểu luận - cách anh ta giấu mình đi, cách anh ta dùng những sự thể hay sự vật nhỏ nhặt hay ngẫu nhĩ mà đặt các câu hỏi lớn và sâu sắc, i.e., “một cách trực tiếp: sống là gì, con người là gì, định mệnh là gì”… Và với tất cả những điều trên đã hàm ngụ một cá nhân luận, Lukács khẳng định nó trong đoạn định nghĩa cho thấy rõ cái rung động của trí năng, sâu thẳm:
“Sự viết nào cũng trình hiện thế giới thông qua biểu tượng về một quan hệ định mệnh; và ở bất kỳ đâu, vấn đề định mệnh cũng quyết định vấn đề hình thức. Nhất thể này, sự song tồn này mạnh tới mức không bao giờ tồn tại một trong hai yếu tố mà không có yếu tố kia; một lần nữa, ở đây, chỉ có thể tách bạch chúng nhờ trừu tượng hóa. Phân biệt tôi đang cố thực hiện, do đó, chỉ xuất hiện trong thực hành như một chuyển dịch trọng tâm sự chú ý: thơ nhận khuôn mặt và hình thức của nó từ định mệnh, và hình thức trong thơ chẳng là gì ngoài hiển lộ định mệnh tất yếu; nhưng trong công trình của các nhà tiểu luận, hình thức luôn trên con đường trở thành chứ không bao giờ là định mệnh. Phân biệt của tôi là như sau: định mệnh nâng các vật vượt ra ngoài thế giới vật, làm nổi lên cái cốt yếu và loại bỏ cái không cốt yếu; trong khi đó, hình thức vạch ra các giới hạn quanh một chất mà nếu không có chúng, chất này sẽ tan biến không tăm tích vào toàn thể. … Nhà phê bình là người nhác thấy định mệnh trong hình thức, người mà kinh nghiệm sâu nhất là nội dung tâm hồn ẩn giấu, một cách gián tiếp và vô thức, trong các hình thức. Hình thức là kinh nghiệm lớn của anh ta, hình thức - với tư cách thực tại trực tiếp - là hình ảnh, nội dung sống cái sống trong sự viết của anh ta. Hình thức, vọt lên từ suy tư có tính biểu tượng về các biểu tượng của sự sống, giành lấy sự sống của chính nó thông qua lực của chính kinh nghiệm này. Nó trở thành một cái nhìn, một điểm đứng, một thái độ đối với cái sống từ đó nó vọt lên - khả năng khuôn hình, tái tạo cái sống ấy. Khoảnh khắc định mệnh của nhà phê bình, do đó, là khoảnh khắc mà vật trở thành hình thức - khi mọi tình cảm và kinh nghiệm dẫu gần hay xa hình thức được ban cho hình thức, khi chúng tan chảy rồi cô đặc thành hình thức. Đó là khoảnh khắc thần bí của hiệp thông giữa ngoại giới và nội giới, giữa tâm hồn và hình thức.”
Sau cùng thì, ở đây, ta vẫn không biết “định mệnh” ở một mức cụ thể nào đó, có nghĩa ta biết rằng “định mệnh” thuộc về cái “thế giới không hình thức” như của Socrates mà chỉ Plato đã làm cho thế giới đó đi vào mức thật - như Lukács không ngừng nói đến. Đó là cái tất yếu cá biệt, với tính cá biệt phổ quát: định mệnh và hình thức, hình thức và định mệnh, vươn tới nhau và cùng nhau, trong “nhất thể” mà có thể dẫn chiếu về nhị nguyên luận của kinh nghiệm sống. Cá nhân luận trong hình ảnh nhà tiểu luận-nhà phê bình ở đây, với “hình ảnh” gần như trong suốt vô hình, là viễn kiến về một cá nhân luôn luôn hướng tới những “khoảnh khắc thần bí của hiệp thông giữa ngoại giới và nội giới”, tức hướng tới những khoảnh khắc cho “khải thị tâm hồn và định mệnh”. Khoảnh khắc như thế dĩ nhiên cũng xác định “bản tính và hình thức” của tiểu luận, tuy nhiên, hẳn nên thấy đó không phải một thứ cố định, không phải một “vật” dẫu rằng nó cũng có mức cụ thể nào đấy ít ra bởi nó gắn không tách rời với nhà tiểu luận; nhưng nó không cố định - nó là “khao khát”, như Lukács đã nhấn mạnh rằng cuộc đời của Socrates là cuộc đời sống cái sống tiểu luận nhất: chỉ sống vì các khái niệm và câu hỏi cốt yếu không bao giờ đạt đến câu trả lời chung quyết. Ý về “khao khát” tương ứng hầu như tuyệt đối với ý về “khải thị” và “hiệp thông” bởi lẽ chúng đều biểu đạt sự đi, sự chuyển động tới miền mục đích ở bên kia các hình thức hay hình ảnh. Nhưng có lẽ chẳng nên coi rằng ở đấy có một con đường nào đấy: ở đó sẽ có các bi kịch.
Hàn Hoa