Khác Đọc

Chơi và tồn tại (phần 2)

Phần 1

Vậy trong những gì đã xuyên suốt dòng biện giải cuồn cuộn kia của Georg Lukács, đâu là thứ có thể khiến các tiểu luận phê bình trong sách này là một “nhất thể”? Vương quốc cội rễ “Tâm hồn” với “thực tại của tâm hồn” chăng? Điều ấy thật sự là hiện thân của tính phổ quát, đến nỗi nếu viện cớ đó cho “nhất thể” ở đây thì có vẻ giống với sự nghiêm túc ở các trưng bày hội họa có chung chủ đề biếtrồikhổlắmnóimãi. Cũng với nhẽ gần giống như vậy, sẽ khó nói rằng cơ cấu trừu tượng hóa của biểu tượng-định mệnh-hình thức là cái khả dĩ làm cho tập tiểu luận này thành “nhất thể”; hơn nữa, cơ cấu trừu tượng hóa đó chủ yếu giúp tạo nên sự phong phú và tính khác biệt ở mỗi tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, và thật ra nhất thiết, cần nhìn xem “viễn kiến” của nhà tiểu luận-nhà phê bình liệu có phải là thứ giúp tạo nên ở đây “một nhất thể mới, một cuốn sách đích thực”. Và trước tiên, có thể nhìn vào một trình bày có vẻ hiển nhiên của chính tác giả:

“Nhà phê bình là người nhác thấy định mệnh trong hình thức, người mà kinh nghiệm sâu nhất là nội dung tâm hồn ẩn giấu, một cách gián tiếp và vô thức, trong các hình thức.”

Nhưng đây lại là một ẩn dụ nữa - sự “nhác thấy” đối với “định mệnh” và các tầng ẩn tàng của tâm hồn đối tượng. Ta đi tới tầng sơ cấp của các mức ẩn dụ, mà ở đây, thể động sâu xa của trí năng mượn phương thức cái nhìn cảm quan để mô tả một sự nhận ra bởi trí năng đó - rằng nó “thấy định mệnh.” Sự “thấy” và sự nhận ra, trong mối tương liên ẩn dụ này, hàm ngụ một quá trình khởi đi từ một ý. “Viễn kiến” - đó trước hết là một ý, đồng thời-tức thời nó mở một cuộc nhận ra. Cần nhấn mạnh phương diện thời độ của một cuộc nhận ra, bởi nó không gói gọn trong một động tác được ẩn dụ như “nhác thấy”. Bởi Georg Lukács đã mô tả cuộc nhận ra như thế trong đoạn mở đầu tiểu luận xếp thứ hai trong sách này, PLATO TÍNH, THƠ VÀ HÌNH THỨC Rudolf Kassner; đoạn mô tả đó nói:

“và ở mỗi nhân vật ông bình luận (phần lớn là nhà thơ, nhà phê bình, họa sĩ) điều duy nhất làm ông hứng thú, điều duy nhất ông tập trung vào luôn chỉ để đi đến vấn đề này: hoạt động của một người trong cuộc sống; tương quan giữa nghệ thuật và sự sống của anh ta, cách chúng định hình và biến đổi nhau, khả năng sinh ra, hoặc không sinh ra, một sinh thể cao hơn từ chúng. Phong cách có phải là vấn đề cốt yếu của sự sống một con người hay không? Nếu đúng là vậy thì phong cách hiển lộ như thế nào, ở đâu? Có, trong sự sống của một nghệ sĩ, một giai điệu mạnh, không ngừng nghỉ, bền bỉ đến tận cùng và sau rốt sẽ khiến tất cả những gì thuộc về sự sống ấy trở thành tất yếu, cứu chuộc mọi thứ trong chính nó - một giai điệu trong đó tất cả những gì chệch choạc cuối cùng cũng sẽ được đặt vào đúng chỗ trong một nhất thể, hay không? Công trình vĩ đại của một cuộc đời có biến tác giả của nó thành một con người vĩ đại không, và nếu người nghệ sĩ quả thật là sự vĩ đại nguyên khối thì điều đó được biểu hiện như thế nào trong nghệ thuật?”

Ý được diễn giải trong câu hỏi về sự “trở thành tất yếu”, nhưng tính tất yếu này là tiên nghiệm, và thuộc về sự sống của nhà nghệ sĩ. Biện chứng tinh thần tiến vào các mâu thuẫn của nó trong “sự sống của anh ta” mà dĩ nhiên “anh ta” phải giải quyết các phản đề của chính mình khi nghệ thuật và sự sống của “anh ta” “định hình và biến đổi nhau”, làm hiển lộ sự kiện mà nhà tiểu luận sẽ thấy như là chuyển động của “một giai điệu mạnh, không ngừng nghỉ, bền bỉ đến tận cùng”. Cuộc nhận ra của nhà tiểu luận sẽ trải qua việc tra xét các phản đề mà “anh ta” đã giải quyết. Chính ở đây, trên cuộc nhận ra như vậy, mới nên nhắc tới một câu của Lukács ở tiểu luận mở đầu - câu mà các nhà bình luận nói rằng rất hay được người ta trích dẫn:

“Đúng là tiểu luận vươn tới sự thật: nhưng cũng như Saul lên đường tìm con lừa của cha nhưng cuối cùng lại lập ra một vương quốc, nhà tiểu luận thực sự truy cầu sự thật sẽ thấy ở cuối đường cái đích anh ta mong mỏi: cái sống.”

Chỉ cần nhắc rằng đừng quên đó cũng là một ẩn dụ, ẩn dụ ở mức cao nhất - bằng một ngụ ngôn trong Kinh Thánh; và một ẩn dụ mức cao sẽ hàm ngụ “mọi khả thể” của miền được ẩn dụ; duy chỉ một tính tất yếu là thoát khỏi đó, vì nó tiên nghiệm. Và “tất yếu” ở đây, Lukács xác định nó trong khi bàn về Rudolf Kassner:

“Tác phẩm và sự sống đạt được sự hợp nhất và kết tinh tuyệt đối trong các týp thuần - đúng hơn, chỉ phần sự sống liên quan tới tác phẩm là có giá trị và cần xét đến. Sự sống chẳng là gì, tác phẩm là tất cả; sự sống chỉ là ngẫu nhĩ, tác phẩm mới là tất yếu.”

Song, vừa trích dẫn ở trên, “cái sống” mới là cái đích trong “mong mỏi” của nhà tiểu luận; và vẫn không nên hiểu “cái đích” ấy bên ngoài trường ẩn dụ - vì nó không phải biểu nghĩa cho một sự đạt tới-tựu thành cái gì đó, như thể một đoạn thẳng trên một đường thẳng. Một lần nữa hãy xem lại một chi tiết hữu quan từ tiểu luận mở đầu:

“Nhưng Socrates, trong cùng đối thoại, đã tuyên bố lý tưởng vĩnh cửu của những người thuộc tạng mình, một lý tưởng mà cả những kẻ trong đó rung động chỉ bám chặt vào những gì thuần túy thuộc con người lẫn những người mà hữu thể sâu thẳm là thơ đều không hiểu, không bao giờ hiểu được: lý tưởng ấy là bi kịch và hài kịch phải được cùng một người viết ra; “bi” và “hài” chỉ khác nhau ở điểm đứng và cái nhìn. Tuyên bố này bộc lộ cảm nhận sâu thẳm nhất của nhà phê bình về sự sống: sự vượt trội của điểm đứng, của cái nhìn, của khái niệm so với sự cảm thấy tức thì.”

Như vậy đã có thể thành một mô thức: nhà tiểu luận đi tới “cái sống” bởi anh ta là “nhà phê bình về sự sống” - nhị nguyên luận của Lukács về kinh nghiệm sống không chỉ là một lý luận; “cái đích” ở đó làm ẩn dụ cho cuộc nhận ra của nhà tiểu luận, trong đó hàm ngụ thời độ của một cuộc nhận ra - “của điểm đứng, của cái nhìn, của khái niệm”, tức những thể động của trí năng; và toàn bộ phê bình của các tiểu luận ở đây là phê bình các chuyển động; và “viễn kiến” của phê bình ấy mở ra bởi sự “thấy” đối với một “định mệnh”.

Viễn kiến - trước hết, đó là một ý. Nhưng ta cần thấy nó trong tương liên chặt chẽ, của đối thoại, với một “hình thức” ở mức khái niệm: “Hình thức” - trước hết là một ý. Do bởi mỗi “hình thức” này nhất thể với “định mệnh” của nó, như Lukács đã làm rõ, nên nó bao hàm cái cấu trúc trừu tượng hóa của Lukács về “kinh nghiệm sống” - cái sống/sự sống - tức cái “thực tại của tâm hồn” ở mức cụ thể và thực; theo đó, sẽ thấy “hình thức” cũng là một dạng thể động của “tâm hồn” và bởi thế mỗi hình thức đều có thời độ của nó; và toàn bộ cái nội hàm này - lực của ý, lực của dục vọng, lực của giới vật chất cơ hữu, bị tính ngẫu nhiên chi phối, đến ba lần.

Tính ngẫu nhiên, sự tình cờ, những cái ngẫu nhĩ, chúng tạo nên trường của “bất định” và, trong sự sống/cái sống của nhà nghệ sĩ, làm một phần hợp thành chuyển động của “một giai điệu mạnh, không ngừng nghỉ, bền bỉ đến tận cùng” - nếu sự sống của nghệ sĩ đó thực tạo nên được “một giai điệu” như thế.

Một “viễn kiến” phải thấu suốt toàn bộ những yếu tố nói trên; do đó, ta thấy rằng cái “tất yếu” hay tính “tất yếu” mà Lukács luôn nhấn mạnh thì không chỉ có ý nghĩa một sự hoàn tất hoàn toàn đáng và như đã luôn “khao khát”; mà, cùng với và trong “định mệnh,” nó dường như sẽ luôn luôn mất thời độ: một “hình thức,” cụ thể, sẽ hết thời độ đặc trưng của nó, dẫu nó dường như vẫn còn kia - chỉ là bởi nó đi vào tha hóa; hoặc “vỡ vụn” với tư cách là một ý.

Mở đầu tiểu luận về Rudolf Kassner, một nhà phê bình-nhà văn, Lukács trích dẫn mối băn khoăn chủ yếu của Kassner mà ông thấy là ý chi phối, là cái đích cấu trúc nên toàn bộ phê bình của tác giả này:

“Ở đâu tôi cũng gặp, hết lần này đến lần khác, những người chơi một nhạc cụ giỏi vô song và thậm chí còn sáng tác theo một thể thức nào đó, nhưng sau này, trong cuộc sống thường nhật, lại trở nên hoàn toàn xa lạ với âm nhạc của chính mình. Đó chẳng phải là một hiện tượng đáng suy nghĩ sao?”

Chẳng phải sao: đấy là một trường hợp rất tốt để quy chiếu điều mà Lukács mô tả nhà tiểu luận là một người “nhác thấy định mệnh trong hình thức” và tìm kiếm “kinh nghiệm sâu nhất là nội dung tâm hồn ẩn giấu”. Câu hỏi tại sao những người rất giỏi nhạc kia lại không “sống trong nghệ thuật” đó của họ, lại sống “cái sống” hoàn toàn “xa lạ” với âm nhạc mình trình tấu hay viết ra, là câu hỏi về tồn tại của một con người làm và sống cái nghệ thuật của mình, theo cái mẫu đã khuôn từ các triết gia thời cổ cho đến “những nhà thần bí” từ Đông sang Tây - khuôn định sự sống mình theo “hình thức” triết học của mình, hay “hình thức” mà niềm xác tín thiêng thánh của mình, đã khuôn tạo trong “cái sống” của mình. Nghệ thuật và văn chương vốn từng lâu dài có phẩm chất sống đó - như Lukács đã nhìn nhận trong tiểu luận đầu, rằng trước kia triết học, khoa học , và nghệ thuật “là bất phân và tạo thành một chỉnh thể độc nhất”, trình hiện những ý, những tình cảm, những dục vọng. Như vậy, câu hỏi đó của Rudolf Kassner cho thấy “viễn kiến” độc đáo của ông, theo đó, ông nhận ra phương diện “sự sống” nghệ thuật ở những nhân vật ông chọn để bình luận - cuộc nhận ra cũng theo cách độc đáo, mà Lukács mô tả như một lựa chọn phân cực triệt để, loại bỏ tính ngẫu nhiên, chỉ tìm tòi tái dựng bức chân dung “định mệnh” của nhân vật:

“Những gì kém cỏi, thiếu tính nghệ thuật đơn giản là không tồn tại đối với ông, ông thậm chí còn chẳng thấy chúng  …  ông không mảy may hứng thú với thất bại của họ và chỉ quan tâm đến ranh giới giữa thất bại và thành công ở chừng mực nó có quan hệ không thể tách rời với bản tính nhân vật - ở chừng mực nó tôn lên thành tựu cao nhất của anh ta thông qua con đường âm bản bằng cách làm nền cho hành động vĩ đại, mang tính biểu tượng của toàn bộ cuộc đời anh ta. Cái nhìn của Kassner làm rụng đi tất thảy những gì không cốt yếu nơi người nghệ sĩ. Khả năng gợi mở của sự không nhìn nơi ông lớn đến độ chỉ cú liếc mắt của ông là đủ lột sạch lớp vỏ trấu; ta thấy ngay vỏ trấu chỉ là vỏ trấu: chỉ những gì Kassner coi là hạt mới quan trọng.”

Tiêu thức nhận dạng trong phê bình của Kassner cô đọng và giản dị, như Lukács nhiều lần nhắc đến và diễn giải một cách tâm đắc:

“Những phương thức biểu đạt khác nhau ứng với những dạng tâm hồn khác nhau: nhà thơ viết văn vần, nhà Plato viết văn xuôi, và - khác biệt quan trọng hơn hết - “thơ có luật, văn xuôi thì không.” Nhà thơ viết văn vần, nhà Plato viết văn xuôi. Một người sống trong cấu trúc nghiêm ngặt của luật, người kia thì trong hàng ngàn nguy cơ và biến ảo - một người đắm trong sự toàn bích sáng chói và ngất ngây tự đủ trong chính nó, người kia, hết lần này đến lần khác, bị nhấn chìm dưới những đợt sóng của tính tương đối.”

Rudolf Kassner, theo Lukács, chính là “một trong những người đậm đặc Plato tính nhất trong văn chương thế giới”. Viễn kiến của Lukács đi qua cái giới hạn của một nhà Plato như thế, mà ông thấy là một “kẻ thù của cảm năng hiện đại, của những khuôn phác nhòe mờ, những phong cách lẫn lộn …” - điều cho thấy thời độ của Plato tính không còn triển hạn. Nhà Plato là dạng người “có vấn đề”, Lukács phân tích cái nhìn của Kassner, và con đường của dạng người này là phải đi “tới được điểm tất cả trở thành tất yếu”, tới chỗ mọi thứ đều biểu đạt và chỉ biểu đạt “yếu tính của con người họ … , tất cả đều là biểu tượng … như trong âm nhạc, chẳng là gì ngoài cái nó biểu nghĩa và chẳng biểu nghĩa gì ngoài cái là.” (Một định nghĩa trác tuyệt về âm nhạc; và Lukács trong các tiểu luận này không dè xẻn những định nghĩa như vậy về các nghệ thuật, khiến cuốn sách này thực sự là một bản thảo cảm năng luận Lukács - cũng giống như Lukács nhận định về các parerga của Arthur Schopenhauer.) Như đã nói, tính tất yếu đó là tiên nghiệm, bởi thế nó thôi thúc nhà Plato theo lối phải có “một xác tín tuyệt đối, hoàn toàn vắng bóng hoài nghi và dao động”, thứ xác tín mà Lukács cho thấy chỉ “nhà thơ” đạt tới trong những “cú vọt lên không trọng lượng” của họ. Kassner không phải một “nhà thơ”.

“Trong ông sống mãnh liệt - tuy được ngụy trang kín đáo một cách khó tin - nỗi khát khao xác tín, sự chừng mực và giáo điều, tất cả được gói kín trong nghịch biện nghiệt ngã, được che đậy bởi lớp vỏ lý thuyết rắn chắc. Là tuyệt đối trác tuyệt những nghi ngờ, do dự và băn khoăn của ông - chúng khiến ông cự tuyệt mọi sự chừng vời, chỉ cho phép ông đánh giá con người dưới ánh sáng gắt gao của sự cô lập chứ không phải trong sự hòa hợp của các tổng hợp rộng lớn.”

Vậy sự chặt chẽ trong viễn kiến của Kassner về các “sự sống” nghệ thuật đòi hỏi hy sinh “cái sống” ở những mức khác nhau thế nào đó - và Lukács nói rằng phong cách của Kassner “được xác định chính bằng chuyển động giữa hai cực này” của “sự cô lập gắt gao” với “sự hòa hợp của các tổng hợp rộng lớn”.

“Kassner là người mơ nhiệt thành của nhất thể vĩ đại, nhưng sự tận tụy và trung thực cũng khiến ông là con người của Ấn tượng - người hăm hở thu vào mọi chi tiết nhỏ. Hai phẩm chất song tồn này là nguồn gốc của sự mãnh liệt chói lòa, đồng thời là lớp sương mờ không thể xuyên thủng của phong cách ông.”

Tuy nhiên, hẳn là một mức đáng kể thế nào đấy của sự chừng mực “giáo điều” đã khiến viễn kiến của Kassner không thể triển hạn; trong khi, ở tư cách một nhà văn, Lukács không thấy ông sáng tạo được nhân vật sống thật - “Nhà Plato làm việc mổ xẻ tâm hồn nhưng không sáng tạo con người.” Nhưng có lẽ đó không phải là “vấn đề” của một nhà phê bình. “Cái nhìn thiên về phân tích của anh ta chỉ có thể nhận ra một con người thật, bằng xương bằng thịt ở những thực tại mạnh như vậy. Đôi khi tôi cho rằng sự trung thực của nhà phê bình đích thực - điều bắt anh ta phải mổ xẻ kỹ lưỡng đến thế các nhân vật, phải cố tả họ đúng như họ thực là - bắt nguồn từ ý thức sâu sắc những giới hạn của chính anh ta. Nhà phê bình, kẻ không thể tạo ra điều gì ngoài các liên hệ, tương quan, đến gần sáng tạo nhất khi neo chắc được vào một thực tại mạnh, sống động.”

Viễn kiến của Kassner không đi xa hơn thời của Lãng mạn: “trong toàn bộ trước tác của Kassner, tiểu luận về Shelley là tinh tế và nhiều chất thơ hơn cả”. Lukács trong đánh giá đó xem Kassner là một nhà Plato “tinh thuần” - điều có thể bao hàm rằng đó là “định mệnh” của ông ấy, như một nhà phê bình, mà những “giới hạn của chính anh ta” không phải là vấn đề của “chính anh ta” - nó là vấn đề của “hình thức.”

Thu hút rất nhiều, nếu không nói gần như tất cả, là tiểu luận thứ ba trong sách này: SỰ VỠ VỤN CỦA HÌNH THỨC TRƯỚC CÁI SỐNG -Søren Kierkegaard và Regine Olsen; hoặc, cho kín kẽ hơn, cái chủ đề này, về cuộc Kierkegaard dứt bỏ hôn ước với Regine Olsen, và liên quan tới “Nhật ký kẻ quyến rũ” đã được bàn luận rất nhiều và với nhiều tìm tòi phát hiện các chứng từ và thư tín liên đới; hẳn vì “cái bóng âm hiểm” ấy của chủ đề là rất lớn, mà Lukács đem đến phê bình này sắc thái tựa hồ staccato cho hành văn mỗi câu, đoạn, thậm chí, dường như với mỗi từ, đẩy chúng vào đối thoại tranh luận ráo riết. Song, hẳn cũng cần thiết nhắc lại rằng Lukács ở đây bàn đến Kierkegaard từ ngõ vào qua những cái viết “văn chương sắc tinh” của triết gia này, dẫu dĩ nhiên không bỏ qua triết học đặc biệt của Kierkegaard như là “nhất thể” ở tồn tại ông. Ở tiểu luận mở đầu, Lukács đã đặt Kierkegaard vào phả hệ các nhà tiểu luận lớn kể từ Plato, như một truyền thống của những sự viết “đặt câu hỏi trực tiếp” với “cái sống” và “sự sống”. Tuy nhiên, “câu trả lời” buộc phải đạt được “hình thức” “trước cái sống”.

Trong tiểu luận trước, về Rudolf Kassner, Lukács đã diễn giải tóm lược viễn kiến của Kassner về Kierkegaard; và giọng Lukács ở đó rộng lớn, cao vọng tương hợp, nhưng là nhanh nhịp nhàng:

“Nhưng ngay khi họ khởi sự trên con đường gian nan hướng tới sự sống phổ quát, tới sự tạo khuôn (những cách khác để gọi hình thức), họ liền rơi thẳng vào sụp đổ, héo mòn, tự tử và tha hóa. Kierkegaard tạo ra một hệ thống đạt được mức của cái sống, một hệ thống mà cội nguồn sâu thẳm là lòng tin nhưng lại được dựng trên nền tảng đầy Plato tính; để làm được điều đó, ông đã phải khuất phục nhà cảm năng, nhà thơ trong mình, phải sống đến tận cùng tất cả những phẩm chất của nhà thơ để có thể hợp nhất chúng vào toàn thể. Sống đối với ông cũng giống như viết đối với nhà thơ, và nhà thơ ẩn trong ông chẳng khác nào bài ca mỹ nhân ngư đầy cám dỗ của cái sống.”

Có lẽ, giọng ấy, là bởi đánh giá của Rudolf Kassner, được Lukács trích dẫn cụ thể vào tiểu luận này, hoàn toàn ngả vào thơ, theo đó lãng mạn tính hơn là Plato tính:

“Kassner, trong một bình luận không thể quên và không thể vượt qua về Kierkegaard, bác bỏ mọi diễn giải. “Kierkegaard,” ông viết, “biến quan hệ của mình với Regine Olsen thành thơ, và khi một Kierkegaard biến sự sống của mình thành một bài thơ, anh ta làm vậy không phải để giấu sự thật đi mà là để hé lộ nó.””

Viễn kiến của Lukács đem vào đây tầm nhìn Phê phán-hiện đại: nhìn vào “nghịch lý”, đẩy lên lực của “hoài nghi” của “Plato tính” ở Kierkegaard cho tới đúng chỗ nó vốn song tồn với lực của “nhà thơ” và “sâu thẳm hơn”, của một “nhà thần bí” “bên dưới văn chương sắc tinh của Kierkegaard - đặc biệt là Nhật ký kẻ quyến rũ”. Lukács nhìn nhận ý của Kassner về việc “Kierkegaard biến sự sống của mình thành thơ”. Nhưng trong viễn kiến Lukács, như đã thấy, “thơ” chính là một “hình thức”; và điều ông đề cập ở đây là, nhìn vào thực tại, vào phương diện thực tại luận “quan sát ở cự ly gần” đối với những “giới hạn” mà Kierkegaard đã “đấu tranh” để khuôn định “sự sống” của mình “thành một bài thơ” bằng cái giá của hành động khuôn “cái sống” vào “hình thức,” thì “có lẽ” đó chỉ là một “trò chơi” với một “mặt nạ” trên cái sân khấu “sự sống” vốn “không bao giờ có hài kịch thuần”.

Kassner trong bình luận được dẫn đó đã không nói theo lối ẩn dụ - ông thậm chí hẳn đã làm một “cú lao mình” - thuật ngữ Kierkegaard - qua giới hạn của hoán dụ để trình hiện sự thành thơ của “sự sống” Kierkegaard, gần hết mực khả dĩ theo nghĩa đen, đầy chất “Ấn tượng luận” về sự kiện. Vậy thì trước hết đấy đã phải là “cú lao mình” của chính Kierkegaard. Và sự “thoáng thấy” của Lukács chuyển dịch tiêu điểm của bình luận nói trên, đưa sự kiện về phạm trù của hành động: đó là “động tác” - như là “cú lao màu nhiệm, nhờ đó tâm hồn biến từ cái này thành cái kia, bỏ lại những sự vị luôn tương đối của thực tại để đạt tới sự vững chắc vĩnh cửu của hình thức” và được dự phóng “rằng yếu tính của động tác nằm ở một hành động, một hướng tới hay quay khỏi điều gì: vững như đá và chứa trong nó tất thảy, với một lực không thể nào lay chuyển” - ở đây, hành động là Kierkegaard “quay khỏi” mối hôn ước với Regine Olsen; và Lukács đặt câu hỏi cho toàn bộ “động tác” này.

“Động tác” là xác quyết, xóa đi mọi khả thể có trước hành động đó, “xóa bỏ hoàn toàn tất cả những gì mơ hồ” từ những sự vị chỉ có tính tương đối trong chuyển động sự sống thực tại, để chỉ còn đúng tư thế thuần và chân xác như nó . “Động tác” chính là chuyển động của “hình thức”. Lukács cho thấy đấy là hệ luận từ triết học của Kierkegaard:

"Khác biệt cốt yếu giữa sự sống này và sự sống khác nằm ở câu hỏi sau: sự sống ấy là tuyệt đối hay chỉ tương đối; những đối cực không thể pha trộn trong sự sống ấy có thực sự được phân tách bởi một đường rạch ròi, dứt khoát hay không. Cần phải xác định xem đâu mới là hình thức đúng của các vấn đề sống,  … Nhưng ý nghĩa sâu thẳm của triết học Kierkegaard nằm ở chỗ ông xác lập bên dưới những biến đổi không ngừng của sự sống một số điểm cố định và vạch ra bên trong các sắc thái không ngừng tan chảy vào nhau một số phân biệt tuyệt đối. Một khi đã xác định được quả thật có những vật thực sự khác nhau, ông bày chúng ra trong sự khác nhau mồn một, không chút mơ hồ - cái phân tách chúng không bao giờ còn có thể bị bất kỳ biến sắc hay chuyển tiếp nào làm nhòe nữa. …  Không có hệ thống nào cho sự sống. Trong sự sống chỉ có cái rời, cái đơn, cái cụ thể. Tồn tại là khác. Và chỉ hiện tượng cụ thể, đơn lẻ mới có thể thực sự không mơ hồ, không biến đổi. Sự thật chỉ là chủ quan - có lẽ; nhưng cái tuyệt đối chủ quan chắc chắn là sự thật; cái đơn là cái duy nhất là; cá nhân là người thực.

Trong sự sống có một số vùng khả thể cơ bản, mà Kierkegaard gọi là các bước: bước cảm năng, bước đạo đức, bước tôn giáo. Các bước này phân biệt nhau với sự rạch ròi không cho phép bất kỳ chuyển tiếp nào. Nối chúng là phép màu, là cú lao mình, là biến hình đột ngột của toàn bộ hữu thể một con người.

Như thế, đây chính là sự thành thực của Kierkegaard: ông nhìn tất cả trong sự phân biệt rạch ròi - hệ thống tách rời sự sống, người tách rời người, bước tách rời bước; ông nhìn trong sự sống cái tuyệt đối, không chấp nhận thỏa hiệp tầm thường nào."

Sau “cú lao mình” của “động tác”, tư thế đã xác lập đơn, rời, và cụ thể, và “thành một nhất thể mới”.

Đó là tầm nhìn cực lớn của triết học Kierkegaard, đối với nhận thức, mà còn “vẫn sống được trong nhịp các khao khát của chúng ta” ngày nay - những “phân biệt tuyệt đối” nội tại thế giới và sự sống; tầm nhìn này tác động một mức bất định nào đấy lên các viễn kiến thực tại luận và lý tưởng luận, gây những ảnh hưởng bề sâu. Hẳn đấy là một nguyên nhân khiến những câu hỏi của Lukács trong tiểu luận này rất nhiều có dạng nghi vấn xác suất “Có lẽ …” và “Có lẽ …”

Song điều đó không làm yếu đi tính tranh luận của các luận điểm ở đây; dường như nó củng cố cho một thảo luận chắc chắn của Lukács:

“Sự thành thực nội tại trong động tác của Kierkegaard chỉ có thể được đảm bảo nếu mọi thứ ông làm là vì Regine Olsen. … Nhưng câu hỏi là liệu cuộc đời Regine có phải thứ duy nhất ông cứu hay không. Chẳng phải chính thứ mà, ông tin, khiến họ nhất thiết phải chia lìa cũng là cái cốt yếu đối với sự sống của chính ông sao? Chẳng phải ông đã không từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại sầu muộn (một cuộc chiến hẳn ông sẽ giành thắng lợi) vì ông yêu nó, có lẽ yêu tha thiết hơn mọi điều gì khác và không thể hình dung sự sống mà không có nó sao? “Sầu muộn của tôi là lâu đài của tôi,” ông viết, … … …  Bất cứ điều gì Kierkegaard làm, vì bất kỳ lý do gì, đều chỉ là để cứu sống Regine Olsen. Dẫu động tác cự tuyệt có thể có bao nhiêu nghĩa bên trong, bên ngoài - trong mắt Regine Olsen - động tác này phải là độc nghĩa. Kierkegaard cảm thấy rằng đối với Regine, chỉ có một hiểm nguy, hiểm nguy của sự mơ hồ. … … Nhưng sự chia tay đến quá đột ngột, dẫu đã được dọn đường bằng những trận cãi nhau dài và căng thẳng. Regine đột nhiên phải thấy Kierkegaard là một người khác hoàn toàn con người nàng từng biết; nàng sẽ phải đánh giá lại từng lời, từng sự im lặng trong mỗi phút họ bên nhau để có thể thấy rằng cái mới quả thật nối với cái cũ - để thấy Kierkegaard là một chỉnh thể con người; … … Chúng ta đã nói rằng mặt nạ kẻ quyến rũ là động tác của Kierkegaard - vì Regine Olsen. … Regine, tất nhiên, chỉ có thể thấy động tác, và động tác bắt nàng phải đánh giá lại toàn bộ các sự kiện trong sự sống của mình, … … Điều gì đã xảy ra giữa Regine và Kierkegaard là sự sống, là thực tại của cái sống, và nó chỉ có thể bị rũ đi, làm rối tung theo cách bất khả vãn hồi trong cái nhìn hồi cố sinh ra từ việc buộc phải đánh giá lại động cơ.”

Như vậy, “động tác” “mặt nạ kẻ quyến rũ” có thể chỉ có độc một nghĩa hay không, do bởi “sự thành thực nội tại” mà người ta ắt không thể nghi ngờ ở triết gia Kierkegaard, khi mà nếu “động tác” đó bị xem xét lại về “động cơ” - lại là những “khả thể” mà lẽ ra một “động tác”, một “hình thức” đã phải xóa bỏ tiềm thế của chúng rồi. (Lukács: “để ngắn gọn: hình thức là khả thể duy nhất”.) Ở đây vẫn là câu hỏi đã mở đầu tiểu luận này:

“Giá trị đối sống của một động tác là gì? Nói cách khác, đâu là giá trị của hình thức trong sự sống, ở chừng mực hình thức sáng tạo sự sống và nâng nó lên? Động tác là một chuyển động biểu đạt rõ một điều gì đó không chút mơ hồ. Hình thức là con đường duy nhất dẫn tới cái tuyệt đối trong sự sống; động tác là thứ duy nhất đủ trong chính nó, thực tại duy nhất cao hơn khả thể đơn thuần. Chỉ động tác đủ sức biểu đạt sự sống: nhưng liệu có thể nào biểu đạt sự sống hay không?”

Lukács đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này. Toàn bộ câu chuyện về “động tác” Kierkegaard ruồng bỏ Regine làm thành câu trả lời. Tạm gác qua một bên phần cốt truyện-tiểu sử ở đấy, hãy xem ý về “động cơ”, ở mức khái niệm, đã được Lukács đánh giá vai trò ở tư cách nó dự phần vào “giá trị của hình thức” bởi không thể nghi ngờ nó thuộc về lực của cái sống-sự sống. Đánh giá này khá nặng nề, ở tiểu đoạn cuối của tiểu luận - không nghi ngờ gì nó đứng vào chỗ những thứ có tiếng nói cuối cùng, ở vị trí đó trong văn bản.

"12

Sự ra đời của tâm lý học đặt dấu chấm hết cho cái vĩ đại: sự quá rõ, quá sáng, không chút mơ hồ của nó chẳng là gì ngoài một biểu hiện rụt rè của khát khao vươn tới cái vĩ đại. Nơi tâm lý học bắt đầu, không còn nữa hành động mà chỉ còn động cơ thúc đẩy hành động; và bất cứ điều gì đòi hỏi giải thích, bất cứ điều gì chịu được giải thích đều đánh mất sự xác quyết thuần nhất của chúng. Kể cả nếu còn lại gì bên dưới đổ nát, cơn lũ những lời giải thích cũng sẽ cuốn sạch chúng không khoan nhượng. Trên đời không có gì kém vững hơn những lời giải thích và tất tật những gì được xây trên chúng. …

Sự sống bị các động cơ thống trị là dao động vĩnh viễn giữa vương quốc Lilliput và vương quốc Brobdingnag; và vương quốc mong manh nhất, khốn cùng nhất trong tất cả là vương quốc lý trí của tâm hồn, vương quốc của tâm lý học. Một khi tâm lý học đã xâm nhập một sự sống thì chẳng thể nào còn chỗ cho sự thành thực và sự vĩ đại của cái tuyệt đối xác quyết. Khi tâm lý học thống trị thì chẳng còn động tác nào có thể thu nhiếp toàn bộ sự sống cùng tất thảy những tình huống của nó. Động tác chỉ có được sự vững, chắc và chân xác thuần nhất, không chút mơ hồ khi tâm lý học vẫn ở mức của quy ước.

Ở chính điểm này, thơ và sự sống phân biệt một cách dứt khoát, đầy bi kịch. Tâm lý học của thơ luôn là một xác tín không chút mơ hồ, vì nó là một tâm lý học ad hoc; …

Trong sự sống, chẳng có gì tuyệt đối chân xác, chẳng có gì không vướng mơ hồ và hoài nghi - ở đó không có tâm lý học ad hoc bởi cái quan yếu đối với nhất thể không chỉ là các động cơ, và không phải nốt nào một khi đã ngân lên cuối cùng cũng nhất thiết phải bị làm cho câm lặng."

Kierkegaard có xa lạ với điều ấy trong câu chuyện “động tác”-“mặt nạ quyến rũ” này hay không? - Dĩ nhiên, không. Ở tiểu đoạn số 8, Lukács đã nhận xét: “Cái nhìn tâm lý của Kierkegaard đã cướp khỏi ông lòng tin ngây thơ (ngây thơ đối với một Kierkegaard) rằng người phụ nữ được yêu, người mà những kẻ hát rong kiên quyết quay đi khỏi để có thể yêu nàng theo cách của riêng mình - hay thậm chí cả những huyễn ảnh phi thực về nàng - có thể đủ khác thực tại để tình yêu trở thành tuyệt đối.” Đó là mở vào luận đề của Lukács về tính tôn giáo ở Kierkegaard; dẫn đến khẳng định rằng với Kierkegaard, chỉ có thể tìm được “tình yêu tuyệt đối” như thế ở tương quan với Chúa. Nhưng chẳng phải đấy cũng là một “động cơ” hay sao. Song, “bởi cái quan yếu đối với nhất thể không chỉ là các động cơ”, mà căn bản là “động tác”, một “cú lao mình” loại bỏ hết những sự vị tương đối ở một quãng “chuyển tiếp” - mà cứ theo ý Kierkegaard thì quãng đó là không có thật - và tư thế ở đây đã sang “bước tôn giáo”. Lukács nhìn nhận hiện tượng tinh thần đó:

"Sự anh hùng của Kierkegaard nằm ở chỗ muốn, từ chính sự sống, ép được, khuôn được hình thức. Sự thành thực của ông nằm ở chỗ ông nhận ra con đường nhất thiết phải tách đôi - ông phải chọn, đã chọn và đi đến cùng con đường đã chọn. …

Sự anh hùng của ông quả đã đạt được một điều, trong sự sống cũng như trong cái chết: ông đã sống theo cách mà mọi khoảnh khắc của sự sống đều được khuôn thành động tác vĩ đại, tư thế bất biến của ông được duy trì đến tận cùng, và ông chết một cái chết đúng lúc, đúng thời điểm ông muốn, đúng cách ông muốn. Nhưng chúng ta đã thấy đến cả động tác xác quyết nhất của ông cũng thật thiếu chân xác, thật mơ hồ khi quan sát ở cự li gần"

Cái Lukács gọi là việc “quan sát ở cự ly gần” chính là các luận điểm phân tích về tâm lý trên văn chương và chứng từ của/về Kierkegaard mà tiểu luận này đã bày ra. Tâm lý học đã nói lời cuối cùng, về những dao động bất thành muốn rời khỏi “động tác” - “mặt nạ kẻ quyến rũ”, về “động cơ” ở một “kẻ tuẫn đạo,” về những lời giải thích, của Kierkegaard. Và do bởi không đủ “xác quyết”, do bởi “thiếu chân xác”, với những “mơ hồ”, cái “mặt nạ” ấy từng suýt bị chủ nhân của nó bỏ xuống - tức “hình thức” dẫu đã “ép” nên nhưng lại không thực sự bởi “một tiếng gọi, một mệnh lệnh từ sâu thẳm” của “định mệnh,” thế nên “động tác thuần nhất, chân xác, không mơ hồ nhất của sự sống ông - hoài công! - rút cục không còn là động tác nữa”.

Hẳn một điều đáng lưu ý ở đây là “tâm lý học” đi vào viễn kiến của nhà tiểu luận-phê bình, và đứng vào một vị trí then chốt. Sự kiện do bởi “động tác” này, “vĩ đại” và độc đáo, cho một cơ hội vô song để đánh giá “hình thức” như nó , như “một điều gì từng thực sự sống”, liệu có phải chỉ nhắm đích vào “việc hiểu và đánh giá ý nghĩa của sự kiện ấy trong tổng thể sự sống của Søren Kierkegaard và của Regine Olsen”.

Dường như không phải thế. “Tâm lý học” không là môn mới, nhưng vào thập niên đầu thế kỷ hai mươi, khi Lukács viết những tiểu luận này, “tâm lý học” mới chính thức tiến vào trường khoa học hiện đại, và một đối tượng nổi bật của nó là hành vi người. Song, như đã thấy, Lukács không dành cho nó những lời có cánh, và dẫu vậy, cũng không hề coi nhẹ vai trò của nó trong “kinh nghiệm sống”-“thực tại của tâm hồn” - nơi nó vốn được nhận tên.

Dường như trong bình luận này, “tâm lý học” chuyên chở một hàm ý về thời Hiện đại: sự mất thời độ của các văn hóa tinh hoa cho đến lúc ấy có một biểu hiện ở những sự mất ảo tưởng về sự thật - như trường hợp về “động tác” này của Kierkegaard.

Trong tiểu luận mở đầu sách này, Lukács đã có lưu ý:

“Ảo tưởng về sự thật! Đừng quên phải chậm chạp và khó nhọc nhường nào thơ mới bỏ được nó. Chuyện xảy ra còn chưa lâu lắm, và không có gì chắc chắn sự biến mất của ảo tưởng là hay.”

“Hay” hay không, thì mất vẫn là mất - bởi đấy là ảo tưởng. “Hình thức” thì thật sống, bởi có “Tâm hồn”.

Không nghi ngờ gì: Lukács noi theo con đường của chính Plato “nhà tiểu luận lớn nhất từng sống và viết”, dẫu Lukács không thể có một Socrates cho mình; thay vào đó, hẳn ông đã thấy Lịch sử trong vai này. Lịch sử Hegelian hoàn toàn có thể đem hình bóng cho một “khao khát” hướng đến cứu cánh ở Tinh thần tuyệt đối.

Phần 3

Hàn Hoa

Tags: Lukács