Khác Đọc

Chơi và tồn tại (phần 3)

Phần 2

Có thể nói đến Lịch sử, là bởi, ngay từ câu mở đầu tiểu luận xếp thứ tư trong sách này, TRIẾT HỌC LÃNG MẠN VỀ SỰ SỐNG – Novalis (Sự sống của một con người đích thực phải là một biểu tượng thuần nhất - NOVALIS, BLÜTENSTAUB) đã mở vào các khái luận về một trường đoạn lịch sử, rất đặc trưng, một lịch sử bởi các ý và các tinh thần, mà dĩ nhiên chúng đã chứng tỏ lực đặc biệt mạnh dẫn dắt trên các thực tại, và “đặc biệt phong phú” về phương diện con người chủ ý, cũng đậm tính người như một giao hưởng của Beethoven; một trong những khái luận này chắc hẳn phải khiến giật mình vì tiếng vọng tương lai bây giờ của nó, i.e., “Napoleon và sự phản động của trí thức đã đến gần nhau tới đáng sợ; sau làn sóng vô chính phủ mới trên bờ vực sụp đổ, trật tự cũ lại một lần nữa ngóc đầu trở dậy.”

Tuy nhiên, những nét phác khoáng đạt đó và đặc biệt cái “không khí” những thứ ấy gợi lên, bao gồm, dĩ nhiên, tiếp theo đó, hợp thành một nhất thể, toàn bộ văn chương của tiểu luận này với diễn đạt bóng bẩy cao vời và không ngừng vươn lên mãi, và những đợt sóng bất tận của các phép chuyển nghĩa trong cùng sắc thái đó, xuyên suốt một trình thuật lịch sử: một luồng gió mạnh, của một bi kịch.

Không phải Georg Lukács viết một cảm hứng anh hùng. Cứ lắng nghe trong các “không khí” văn chương khác nhau qua mỗi tiểu luận ở đây, thì hầu như chắc rằng, sự phê phán này, đối với một cá nhân luận lý tưởng trong dự phóng giải pháp tối hậu “về sự sống,” của “những người Lãng mạn buổi đầu” của nước Đức, đã được cho một lựa chọn phong cách thể hiện tương hợp với bản tính của chủ đề và nhân vật. Bản tính đó đã được phác ra trong khúc ouverture của tiểu luận này.

"Bối cảnh là thế kỷ mười tám đang ngắc ngoải: thế kỷ của lý trí luận [1], của người bourgeois hiếu chiến đang trên đà thắng lợi và ý thức được sự thống trị của mình. …

… Jena cuối thế kỷ mười tám. Một giai đoạn trong cuộc đời một vài con người, và đối với thế giới cũng chỉ có ý nghĩa mang tính giai đoạn. Khắp nơi trên trái đất, chiến trận vang rền, những vũ trụ từng oanh liệt đến thế đến hồi suy sụp. Trong khi đó, ở đây, trong một thị trấn nhỏ nước Đức, vài người trẻ tuổi bắt đầu tụ lại với nhau, toan tính tạo ra từ hỗn loạn tột cùng một văn hóa mới, một văn hóa thực sự phổ quát và hòa hợp. Họ lao vào công việc này với sự ngây thơ liều lĩnh không thể nào lý giải, dạng ngây thơ chỉ được ban cho những người mà hoạt động của ý thức đạt đến cường độ bệnh hoạn, và với những người này cũng chỉ cho một lý tưởng độc nhất trong đời, trong chỉ vài khoảnh khắc. Đó là vũ điệu trên miệng núi lửa tuôn trào, một giấc mơ sáng chói về cái bất khả; ký ức về nó vẫn sống trong tâm hồn người quan sát như một nghịch lý gây chóng mặt sau rất nhiều năm. Mặc cho sự phong phú của những gì họ đã mơ và đã gieo trồng, “vẫn có một điều gì đó thiếu lành mạnh về toàn bộ việc này.” Một tòa Babel tinh thần phải được dựng lên, dẫu nó chẳng có nền tảng nào ngoài không khí; nó nhất thiết phải sụp đổ, nhưng khi nó sụp, những người xây nó cũng sụp theo."

Trong khúc toát yếu này, mọi thứ đều rõ ràng, báo trước trình thuật lịch sử tiếp theo sẽ không kể các bóng tối bí ẩn hay thách đố, cũng báo trước kết cục định mệnh của chủ đề và nhân vật – vậy vấn đề của câu chuyện, hay đúng hơn vấn đề nó “thấy” và muốn trình hiện trên chuyển động toàn cảnh kia, có thể là gì? Nhìn vào focus, Nhân vật của nó, có thể thấy mối mâu thuẫn nó nhìn vào: ở cái “toan tính tạo ra từ hỗn loạn tột cùng một văn hóa mới, một văn hóa thực sự phổ quát và hòa hợp,” nỗ lực “gieo trồng”  “một giấc mơ sáng chói về cái bất khả”  –  “Một tòa Babel tinh thần phải được dựng lên, dẫu nó chẳng có nền tảng nào ngoài không khí.”

Lukács nói rằng cái “phổ quát” là một trong các cách khác để gọi “hình thức.” Vậy nên vấn đề ở đây, nói cách khác là tầm nhìn hay viễn kiến của nhà tiểu luận, trong câu chuyện này, là về cái “hình thức” mà “những người Lãng mạn buổi đầu” “đã gieo trồng.” Đó là một cuộc “gieo trồng” các mầm của mâu thuẫn, như sẽ thấy qua biện giải của Lukács; tuy nhiên, hẳn nên lưu ý chuỗi đánh giá này của ông:  một nền văn hóa mới thực sự phổ quát và hòa hợp-giấc mơ về cái bất khả-một tòa Babel tinh thần; và điều đánh giá đó hàm ngụ là, mặc dù mâu thuẫn một cách tất yếu, dự phóng của Lãng mạn, như một phong cách, sẽ còn triển hạn khôn lường bởi nó luôn tìm lối vươn lên những mức cao nhất của tính người – những ảo tưởng ở mức thật, và những toan tính thực hóa các “sự thật của thần thoại,” và nhất là bởi nó gắn chặt vào thơ.  Nhưng Lukács cho thấy cái điều có thể nắm bắt “ad hoc”: ông nhấn vào “triết học về sống của người Lãng mạn – dẫu chưa bao giờ họ phát biểu chúng một cách có ý thức.” Và triết học, tức một triết học – triết học này hoặc kia, luôn luôn khuôn định nó rõ rệt, là một hình thức cũng như “văn hóa” là hình thức vậy.

Cái mà Lukács gọi là “triết học về sống của người Lãng mạn” ở đây chủ yếu nói đến sự viết mang tính triết học rõ rệt của Novalis – câu trích dẫn và cái tên tác phẩm “Blutenstaub” đưa lên subtitle đã chỉ rõ ý đó; và đấy cũng là, đã trở nên, týp mẫu của Lãng mạn – điều có nghĩa nó đem một lực rất mạnh cho một sự tạo “hình thức” – nó xây tất cả quanh “cái tôi” phổ quát, mà trong ý của Novalis là siêu việt, ngay cả đối với một cá nhân luận khả dĩ lý tưởng. Nhưng sự tạo “Hình thức” đó, do gắn chặt vào với thơ, hẳn đã muốn đem Tâm hồn thay vào chỗ của Tinh thần. Và, tuy không áp đặt, nhưng niềm tin của “những người Lãng mạn buổi đầu,” hay cũng có thể nói chung cho các tính lãng mạn về sau, vào “sứ mệnh sáng tạo một nền văn hóa mới,” cái sẽ “phải là cái đích chung quyết của mọi con đường,” cái sẽ là một “nhà thờ vô hình” mà họ có sứ mệnh xây lên đạt được độ phổ quát phong phú có khả năng ôm trùm hết thảy. Một tôn giáo mới như thể sắp sửa được tạo ra, một tôn giáo phiếm thần, nhất nguyên, phụng thờ tiến bộ, một tôn giáo sinh ra từ những chân lý mới và những khám phá khoa học mới," thì đã dường như phác ra cái gì đó, rộng lớn, tham vọng, như một ý hệ. Bởi toàn bộ điều ấy theo mode lịch sử: nó muốn tạo ra một văn hóa “hòa hợp chung quyết” theo cái đường lối sẽ nhúng chung vào đó tất tật mọi khác biệt.

“Vị kỷ luận của người Lãng mạn mang đậm sắc thái xã hội và thế tục. Họ hy vọng rằng sự mở ra của những tầng sâu và độ cao chưa từng biết của cái tôi cuối cùng sẽ đưa con người thực sự gần với nhau; chính họ cũng tìm thấy trong đó sự cứu rỗi khỏi những hỗn loạn và cô độc của riêng mình. Họ tin chắc rằng sự viết độc đáo, ngoan cường, không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào của họ sẽ tạo ra được hiệp thông đích thực và tất yếu giữa người viết và người đọc, sẽ đảm bảo độ phổ biến của họ–một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các nhà Lãng mạn.”

Trình thuật lịch sử ở đây, khái luận hơn là mô tả, nhấn mạnh đến một tình trạng “cô độc” có thể xem như phổ biến, của rất nhiều những “cái tôi”, tương phản trên nền một thời kỳ đầy “những hỗn loạn” xã hội – một thời kỳ phản động đặc trưng, với thỏa hiệp giữa những kẻ đang lên với người đang xuống, là nguyên nhân của tình trạng mà Lukács ví von như một “đại dương hỗn loạn của vô vàn ý thức cá nhân ủ dột, mất cương,” như là tiền đề cho “triết học về sống của người Lãng mạn.” Triết học đó có thật sự khuôn tạo được một hình thức cho “sống” hay không – trên chuyển động dự phóng  tới “cái tôi đích thực” và qua đó tạo nên một “hòa hợp chung quyết” của thảy mọi cá nhân, tương hợp được với một axiom như “Sự sống của một con người đích thực phải là một biểu tượng thuần nhất” – ? Thái độ của Lukács, được nói rõ ngay từ đầu, và hơn một lần nhắc lại, thông qua bình luận của Hegel về dự án của những người Lãng mạn Đức buổi đầu:  “Dẫu sao vẫn có một điều gì đó thiếu lành mạnh về toàn bộ việc này.”

Dù cái sự thể của “toàn bộ việc này”, xuất chúng, mang tính phức hợp, và bất xác trong “mục đích tối hậu,” có thể là gì, thì phẩm chất chung căn bản của nó Lukács đã tóm lại trong trình thuật:

"Điều họ cố đạt đến, giờ đây chúng ta gọi là “văn hóa,” nhưng khi nó đứng trước mắt họ lần đầu như một mục tiêu có khả năng cứu chuộc, họ đã tìm cách nắm bắt nó bằng hàng nghìn công thức văn chương, cố đến gần nó bằng hàng nghìn cách khác nhau. … của nỗ lực khủng khiếp ở những người khao khát tạo ra một phong cách mới; … Vấn đề, tất nhiên, được đặt ra với họ hết sức rõ ràng, không chút mơ hồ bởi bản thân sự sống. Một thế giới mới như thể đang trong quá trình hình thành, sinh ra những con người mới với những khả thể mới về sự sống; nhưng cả sự sống cũ–vẫn bám trụ dai dẳng–và sự sống mới đang dần thành hình đều không có chỗ cho những người con ưu tú nhất của mình. Mọi sự trở nên ngày càng khó khăn hơn, gay go hơn cho những con người thực sự lớn của thời đại–việc chỉ đơn giản tồn tại, thuộc về sự sống, nhận lấy một vị trí, một thế đứng đối với họ đã thành gần như bất khả. Khắp nơi, trong mọi tác phẩm nghệ thuật, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao có thể sống được, phải sống như thế nào? Họ kiếm tìm một đạo đức của thiên tài (“thiên tài là điều kiện tự nhiên của con người,” Novalis nói) và, còn hơn thế, một tôn giáo của thiên tài—vì ngay cả đạo đức cũng chỉ có thể là phương tiện để đạt tới mục đích tối thượng ấy, hòa hợp chung quyết ấy. Tất tật những tôn giáo cũ,Trung Cổ, Hy Lạp của Goethe và cả Công giáo đều chẳng là gì hơn các biểu tượng tạm thời cho khát khao hoàn toàn mới này, ý chí cuồng bạo không chấp nhận điều gì thấp hơn hợp nhất tuyệt đối của họ nâng mọi tình cảm lên tầng tôn giáo, không bỏ sót gì, từ bé mọn đến lớn lao, tình bạn và triết học, thơ và sự sống.

Các tông đồ của tôn giáo mới này quần tụ trong những salon ở Berlin và Jena, tranh cãi và thảo luận trong bầu không khí hừng hực nghịch lý chương trình cho cuộc chinh phục thế giới mới."

Cái nét căn bản của “toàn bộ việc này,” như trình thuật nắm bắt, là “khát khao,” đầy cảm xúc, và “tình cảm;” và điều đó đặc biệt rõ trong mệnh đề được dẫn của Novalis – “thiên tài là điều kiện tự nhiên của con người.” Đấy là căn bản “tâm hồn,” là “ý chí”, ước muốn siêu vượt lý trí và thực tại hóa sự siêu vượt:  “họ đang toan tính tạo ra một thế giới mới nơi thiên tài, nhà thơ của thế giới ấy, có thể tìm được quê hương.” Ở đây thì “quê hương” ẩn dụ về một “định mệnh” – cái phổ quát trong một trình hiện cá biệt của nó, với tính cá biệt phổ quát: Lukács đặt Lãng mạn trong tương liên với Goethe: “Goethe đã tìm thấy quê hương ngay trong sự sống của thời đại mình.” Bình luận này của ông gián tiếp nói rằng “thiên tài” thuộc về phạm trù lịch sử – nó không thể và chẳng phải là một “điều kiện tự nhiên” dù theo nghĩa quy ước hay bất-quy ước.

Cái duy nhất, xét từ so sánh tương liên đó, còn khả dĩ cho “những người Lãng mạn buổi đầu” – chứ không phải do họ lấy làm lựa chọn chuyên nhất – chỉ là thơ. Nhưng thơ, và “nhà thơ,” đã là các hình thức, chẳng khác gì các hình thức thuộc “nghệ thuật” và nghệ sĩ; chúng sẽ không thể đồng thời là “tôn giáo” hay là “triết học,” với tư cách là “Hình thức” đúng. Sự tổng hợp “bất khả” đó, mà Lãng mạn dự phóng, trong hình thức của “một nền văn hóa” thì duy chỉ có Goethe làm được và đã “hoàn thành” “không lâu trước đó;” cái “nền văn hóa” cũng thuộc phạm trù lịch sử, không hề là “tự nhiên;” và một sự tổng hợp đúng, mà Lukács không đề cập ở đây, chính là trên miền của triết học, thì chỉ Hegel, không lâu sau đó, hoàn thành được trong công trình tổng hợp vĩ đại của ông.

Thơ – trữ tình và đã hiện đại – thì trước hết chỉ vào cá nhân, cũng như “tâm hồn,” nó vốn không “sinh ra từ nỗ lực vạch ra đường hướng chung” như Lãng mạn dự phóng:

“Thơ là đạo đức của nó, đạo đức là thơ của nó. Novalis từng nói rằng đạo đức, ở gốc rễ, chính là thơ; Friedrich Schlegel thì cho rằng mọi phát kiến, mọi sự tìm ra cái mới đích thực đều có giá trị đạo đức tự thân. Nhưng người Lãng mạn không có ý định cô lập mình trong cá nhân luận. “Suy nghĩ là đối thoại, là khởi phát dây đồng cảm,” Novalis nói.”

Và cái sợi “dây đồng cảm” ấy, như tất cả dây, sẽ để buộc:

"Họ muốn tạo ra một văn hóa, làm nghệ thuật trở thành một điều học được, muốn làm chủ thiên tài. Họ muốn—như ở những kỷ nguyên vĩ đại của loài người—mọi giá trị mới tạo ra phải trở thành tài sản không thể tách rời, họ muốn tiến bộ không còn chịu chi phối của sự ngẫu nhĩ. Họ thấy rõ rằng nền tảng khả dĩ duy nhất cho một văn hóa như thế là một nghệ thuật sinh ra từ kỹ thuật và tinh thần của vật chất. Họ muốn dâng mình cho nghệ thuật tạo ra các tổ hợp từ đúng, như những nhà giả kim cổ xưa từng bỏ cả cuộc đời nghiên cứu các khả thể của việc kết hợp kim loại.

Nhưng tạo ra một công trình nghệ thuật, dẫu là một công trình toàn bích, không thể là mục tiêu tối thượng đối với họ; nếu công trình nào có giá trị thực, giá trị ấy chỉ nằm ở việc nó là phương tiện có tính giáo dục, Bildung [khả năng khuôn định]. “Trở thành Chúa, làm người, tự giáo dục, tự khuôn định mình”—đây chỉ là những biểu đạt khác nhau của cùng một nghĩa," Friedrich Schlegel nói, và Novalis bổ sung: “Thơ là hình thức thể động của tinh thần con người.” Hoàn toàn không phải chuyện nghệ thuật vị nghệ thuật, đây là một tôn giáo đích thực, một Phiếm thi luận [pan-poetism].

Đó là giấc mơ cổ xưa của thời đại hoàng kim. Nhưng thời đại hoàng kim không phải là chốn trú ẩn thuộc về một quá khứ đã mất đi mãi mãi, chỉ đôi khi hiện ra chập chờn trong những huyền thoại xa xôi—đó là mục đích mà mỗi người có nghĩa vụ phải theo đuổi, không ngừng nghỉ."

Chẳng thể có gì thấm đẫm tính người hơn thế. Và bởi có tính phiếm thần, hệ luận này không có quy chiếu, tức là về thực chất nó chỉ quy chiếu chính mình dẫu có xiển dương bất kỳ truyền thống hay “thời đại hoàng kim” nào mà nó cho là hữu quan tương liên.

“Cái nhìn Lãng mạn là Phiếm thi luận đích thực: toàn thể đều là thơ, thơ là “một và toàn thể.” Chưa bao giờ, chưa từng với ai, từ “nhà thơ” lại mang ý nghĩa thần thánh, phổ quát như đối với người Lãng mạn Đức. Kể cả nếu trong các thời đại sau này vẫn sẽ có nhiều người, nhiều thi sĩ coi thơ là ngôi đền độc nhất xứng đáng được dâng tế vật, chỉ kỷ nguyên Lãng mạn mới ôm siết toàn bộ sự sống một cách cuồng bạo và tuyệt vọng đến thế; chỉ nó mới không ngoảnh mặt với sự sống, không chối từ những sản vật phong nhiêu của sự sống; nó là khả thể duy nhất của việc thành tựu mục tiêu chung quyết mà không vứt bỏ điều gì trên hành trình. Cái người Lãng mạn nhắm tới là một thế giới nơi sự sống ở mức thực có thể diễn ra. Cũng như Fichte, họ nói về cái “tôi.” Theo nghĩa này họ là các nhà vị kỷ luận, bầy tôi và tín đồ cuồng nhiệt của sự định hình và bừng nở của cái tôi; đối với họ, ý nghĩa của mọi thứ đều được quy về việc chúng đóng góp tới đâu cho sự biến đổi và lớn mạnh của cái tôi nơi họ. “Chúng ta vẫn chưa là ‘tôi,’” Novalis viết. “Nhưng chúng ta có thể và phải trở thành ‘tôi,’ chúng ta là nụ của cái ‘tôi’ rồi sẽ thành hình.” Nhà thơ là con người duy nhất ứng với con đường này, chỉ anh ta thực sự sở hữu khả thể của việc trở thành ‘tôi’.”

Dĩ nhiên, với hệ luận về một “cái tôi” như thế, là đã bước thẳng vào địa phận của siêu hình học trong “Hình thức” xưa cũ của nó; và đấy không phải bước tổng hợp của “Nhà thơ;” chỉ là một bước mơ hồ, ở mức “ý tưởng.” Nhưng những người Lãng mạn đưa cái mơ hồ đó vào “sự sống,” chỉ bằng thơ:

" … vấn đề cốt yếu là làm sao đạt được sự thụ động tuyệt đối, sự buông mình hoàn toàn trước cuộc đời; đó là triết học về sống của người Lãng mạn—dẫu chưa bao giờ họ phát biểu chúng một cách có ý thức. Đối với họ, nghệ thuật của sống là nghệ thuật thích ứng và chuyển hóa mọi sự kiện xảy đến theo đường lối độc nhất của thiên tài. Họ khai thác đến kiệt cùng, nâng lên mức của tất yếu tất cả những gì số phận đặt vào đường đi của họ; họ biến số phận thành thơ, nhưng không khuôn gò hay áp chế nó. Con đường họ đi phải dẫn đến hợp nhất hữu cơ của tất cả những gì xảy đến với họ; hình ảnh của các vật tự đạt đến một hòa hợp tuyệt bích mà không cần điều khiển. … Nghệ thuật sống của người Lãng mạn là thơ với tư cách thể động; họ biến những luật nền tảng nhất, sâu kín nhất của nghệ thuật thơ thành mệnh lệnh tuyệt đối đối với sự sống. Khi nào tất cả được hiểu đúng và được sống đến tận cùng, mâu thuẫn ở mức thực không còn nữa. Dẫu bề ngoài theo đuổi những con đường nào, người Lãng mạn đều chỉ truy cầu duy nhất một điều: sự khuôn định và bừng nở cái ‘tôi’;"

Tất cả, đúng vậy, đều có thể, và thậm chí là đẹp, nếu, trong chừng mực, tất cả ngần ấy thứ “phong nhiêu của sự sống” bao gồm, dĩ nhiên, cả “cái tôi” đó, chỉ tồn tại trong và chỉ trong “thiên tài” của cái “tôi” siêu hình từ thời đại “giả kim” mà “cái tôi” đương hiện cố gắng vươn tới hay làm phát lộ. Những cái “tôi” ở mức thực của Lãng mạn, trong sự sống này, như Lukács cho thấy, không ở trong thời độ của sự hòa hợp, chứ chưa nói một “hòa hợp chung quyết” khoáng đại hơn: “đã chỉ cần chút ít xô lệch giá trị trong tinh thần của một vài người trong số họ để “Hansa” tan rã, hòa âm kỳ diệu vụt biến thành chuỗi chát chúa đinh tai.”

“Triết học Lãng mạn về sự sống” hẳn là một phiên bản lý thuyết của thuật giả kim.

“Thực tại ở mức thật của sự sống biến mất trước mắt họ và được thay thế bằng một thực tại khác, thực tại thuần thơ, thuần tinh thần. Họ tạo ra một thế giới đồng chất, thống nhất một cách hữu cơ trong chính nó và coi đó là thế giới thực. Điều này đem lại cho thế giới của họ tính cách thiên thần, lửng lơ treo giữa thiên đường và mặt đất, sáng lòa vô thể; nhưng sức căng khủng khiếp giữa thơ và sự sống–thứ trao cho cả hai sức mạnh thực và khả năng sáng tạo–chính vì thế mà mất đi. Và họ thậm chí còn chẳng đi tìm nó, họ chỉ đơn giản bỏ lại nó phía sau trong cú bay quá nhẹ thẳng đến thiên đường;”

Nhưng triết học ấy quả đã hiện tồn, chỉ có điều, ở mức thực với “sự sống,” triết học ấy, như Lukács cho thấy, đã làm một cuộc lộn ngược.

“Giấc mơ cùng nhau tiến đến mục tiêu chung quyết cũng tan đi như sương mịn và chỉ vài năm sau, hầu như chẳng ai trong số họ còn hiểu nổi ngôn ngữ của nhau nữa. Theo cùng một cách, giấc mơ sâu thẳm nhất, hy vọng về một nền văn hóa mới cũng tan đi. Nhưng lúc này họ đã đủ say sưa với việc thuộc về một cộng đồng và không còn tiếp tục những chuyến vút bay trên những con đường riêng cô độc nữa. Nhiều người trong số họ trở thành kẻ bắt chước chính tuổi trẻ của mình; vài kẻ khác, kiệt sức vì cuộc kiếm tìm vô vọng một tôn giáo mới và viễn cảnh vô chính phủ sát kề—thứ chỉ càng làm mạnh thêm khát khao trật tự—nhẫn nhục quay lại vùng nước yên của những tôn giáo cũ. Thành thử chính những kẻ từng khởi sự khuôn định lại, sáng tạo lại thế giới cuối cùng lại trở thành người cải đạo thuần thành.”

Có lẽ đấy là bởi trong một thời kỳ phản động đặc trưng, Lịch sử vẫn thắng thế; và lực của phản động đó vẫn còn triển hạn mãi trong đương thời, trong những chuyển động suy đồi thực thụ. Nhưng sự lộn ngược đặc trưng hơn của triết học đó, Lukács cho thấy, diễn ra với sự sống ngắn ngủi của Novalis, “nhân vật trung tâm, … người duy nhất trong số những lý thuyết gia lớn của nghệ thuật sống Lãng mạn thành công trong việc sống một sự sống đạt đến hòa hợp đích thực.” Trường hợp, hay câu chuyện, Novalis thì rất nổi tiếng rồi, cho nên chỉ cần nhắc ở đây những đánh giá nổi bật của Lukács – và có lẽ cũng cần thiết lưu ý rằng, tiểu luận này, được viết sớm nhất, vào năm 1907, so với các tiểu luận còn lại trong TÂM HỒN VÀ HÌNH THỨC, vậy nên ta không thấy ở đây những luận đề khái niệm trực tiếp với cặp đôi đó; song, bởi nhất thể của cuốn sách, vẫn nên nhìn thấy cặp đôi ấy trong viễn kiến ban đầu này của tác giả.

Novalis mang một “định mệnh” khác với Goethe – nhân vật vĩ đại mà, như trình thuật ở đây, Novalis nỗ lực vượt qua một cách phê phán. Có tài năng xuất chúng và mắc bệnh nan y lúc còn rất trẻ, Novalis dẫn dắt cuộc đời mình triệt để theo lối biểu tượng.

"Chương trình của sự sống ở ông chỉ có thể mang độc một hình thức: tìm ra nhịp đúng cho những cái chết trong sự sống mà ông đã biến thành một bài thơ và đặt sự sống của ông vừa khít như một phần không thể tách rời vào giữa những cái chết này, trong một hòa hợp chung quyết. Phải sống sao cho cái chết trở thành một khoảnh khắc tất yếu chứ không phải một sự kiện làm gián đoạn cái sống; …

"Chính ở Novalis, các thiên hướng Lãng mạn được đẩy đến tận cùng. … định mệnh của ông luôn đặt ông vào những tình huống mà một người khác hẳn sẽ chẳng rút ra được gì ngoài sự cam chịu hoặc ngất ngây bi kịch, nhưng bất cứ thứ gì tay ông chạm vào đều biến thành vàng, và không gì có thể đến với ông mà không nuôi dưỡng tinh thần ông. … tất cả những gì rơi vào tiếp xúc của ông đều biến thành hòa âm; thậm chí cả tồn tại của một viên chức nhà nước cũng được chuyển hóa thành một khúc khải hoàn. Nhưng ông vẫn muốn cái chết. …

"Novalis là nhà thơ đích thực duy nhất của Lãng mạn. Chỉ ở ông, toàn bộ tâm hồn Lãng mạn mới biến thành một khúc ca, và chỉ ông mới biểu đạt không gì khác ngoài tâm hồn ấy. Những người khác, nếu có là nhà thơ, chỉ là những nhà thơ trường phái Lãng mạn; Lãng mạn cung cấp cho họ những mô típ mới, điều chỉnh hướng phát triển của họ hoặc làm phong phú nó, nhưng họ đã là nhà thơ từ trước khi nhận ra những rung động Lãng mạn bên trong mình và vẫn là nhà thơ sau khi đã bỏ chủ nghĩa Lãng mạn. Nghệ thuật và văn chương của Novalis—không có cách nào khác, đây vẫn là cách biểu đạt duy nhất dẫu đã trở thành sáo ngữ—hợp thành một nhất thể không thể phân tách, biểu tượng của Lãng mạn trong toàn thể của nó. …

"Trong số những người Lãng mạn tìm cách điều khiển sự sống, ông là nghệ sĩ thực tiễn duy nhất của nghệ thuật sống.

"Nhưng kể cả ông cũng không nhận được lời đáp cho câu hỏi của mình: ông đặt câu hỏi cho sự sống và cái chết mang câu trả lời đến cho ông. Tụng ca cái chết có lẽ quan trọng hơn tụng ca sự sống, nhưng đó không phải là bài ca mà những người Lãng mạn khởi sự đi tìm.

“Bi kịch của Lãng mạn là chỉ mình sự sống của Novalis có thể trở thành thơ. Chiến thắng của ông là án tử hình giáng xuống nó. Tất cả những gì các nhà Lãng mạn muốn chinh phục từ sự sống cuối cùng không thể sánh với một cái chết đẹp. Triết lý sống của họ là triết lý của cái chết; nghệ thuật sống của họ là nghệ thuật chết.”


Các đánh giá trên đây tuôn chảy một luồng không khí tranh luận trực tiếp với hiện đại; tuy nhiên, “điểm đứng, cái nhìn, khái niệm” của nó cho thấy rõ một tầm nhìn của “hoài nhớ” và “khao khát” trong phong cách Platonic: không phải Goethe, mà chính là Novalis khơi dậy một hình bóng của một “sự sống” tiểu luận, một sự sống Socratic, dẫu là theo lối âm bản.


[1]: Rationalism: lý trí luận; idealism: lý tưởng luận.

Hàn Hoa

Tags: Lukács