Khác Đọc

Khối arabesque sắc

(từ ba bài thơ đầu của LE SPLEEN DE PARIS, Charles Baudelaire)

Mỗi bài “thơ nhỏ bằng văn xuôi” ở đây toát ra sức mê hoặc, theo những cách khác nhau, vừa rõ rệt vừa khó hiểu: ta thấy chúng rõ ràng mở ra một viễn kiến mới - không phải sự mới trong kiểu trật tự nhận ra thông thường giữa cái/những gì đó là cũ vì đã biết từng quen, với cái/những gì hẳn chưa thậm chí chưa từng biết-quen mà khiến phải ồ! A! kia…; không phải kiểu như vậy; sự mới ở đây là mới của bước siêu vượt, đột ngột ra khỏi lực trọng trường của thói quen phổ biến, mà trông thấy được tính phổ quát thật sự đó.

Siêu vượt là một sự khó ở kỳ quặc đối với hiện hữu, tức là thói thường. Chẳng gì bằng hãy xem nó trong dạng cụ thể, ví như ngay ở bài thơ mở đầu của Le Spleen.

“I

Kẻ lạ

- Ai người mi yêu nhất, kẻ bí hiểm kia? nói đi, bố mi, mẹ mi, em gái hay em trai của mi?

- Tôi không có bố, không có mẹ, không có em gái, không có em trai.

- Bạn mi?

- Ngài đang dùng một ngôn từ mà cho đến lúc này tôi không biết nghĩa.

- Tổ quốc của mi?

- Tôi không biết nó nằm ở nơi nào.

- Cái đẹp?

- Tôi sẵn lòng yêu, nữ thần và bất tử.

- Vàng?

- Tôi căm ghét nó giống như ngài căm ghét Chúa.

- Này! thế mi yêu gì, kẻ lạ ngoạn mục kia?

- Tôi yêu những đám mây… những đám mây bay ngang… ở đó… ở đó… những đám mây tuyệt diệu!”

Trước hết thì bài thơ này không dùng đến loại hình ảnh-ẩn dụ, một phương tiện của chất trữ tình xưa nay vốn. Đối thoại này, trữ tình trong nhịp điệu, dùng trần thuật như văn xuôi, mà mô tả giản đơn như đúng thực, nhưng điều nó mô tả hay nói lên, thì thơ hay văn xuôi theo thường lệ đều bất cập: vậy nên nó kể một dụ ngôn tượng trưng, trong đó, các quy chiếu giá trị thường lệ đều mất nghĩa, “- Ngài đang dùng một ngôn từ mà cho đến lúc này tôi không biết nghĩa.”; “Vàng” thành đối tượng “tôi” “căm ghét”; “Ngài”, đối vị nguyên tuyền của “Chúa”, thì lại là kẻ truy vấn theo cách đầy vẻ quan tâm khả ái về lòng “yêu”. Phủ định nối tiếp phủ định, trong lời đáp của “Kẻ Lạ” kia, với một vẻ nhẹ nhõm mỉa mai, mà ngay cả với “Cái đẹp” thì anh ta cũng phủ định bằng lối uyển ngữ - bảo rằng “- Tôi sẵn lòng yêu, nữ thần và bất tử.” - tức là nói một lời đa nghĩa rằng “Cái đẹp” xưa ấy, xưa rồi! Và ta hẳn nhận thấy, trong chuỗi phủ định này, các rường cột của đạo lý lệ thường và sự tỉnh táo định kiến lệ thường, tức là cả cái thế giới vốn có, đều thành đối tượng. Sẽ không thật cần thiết nếu lại muốn thấy ở hình ảnh cuối bài thơ về “…những đám mây bay ngang…” chút ẩn dụ nào, bởi đó cũng lại là một uyển ngữ, như với “nữ thần và bất tử”, nhưng đây là vì viễn kiến quá xa vượt của anh ta. Dụ ngôn này trở nên một dụ ngôn chính bởi các câu hỏi đều do kẻ “căm ghét Chúa” đặt ra. Kẻ đó là thế nào, cái hình vị tự do mà là đối vị nguyên tuyền của “Chúa” là gì, thì hẳn không thể khác: là quỷ, thứ thiên biến vạn hóa khôn lường, mà thường lệ coi là bà đỡ cho tất tật tội và lỗi, hay xấu và ác. Quỷ - chính là tính, hay cái, phổ quát. Nó lập tức đem vào đây ý nghĩa tượng trưng không ai nhầm lẫn được của nó. Vậy nhưng lại là nó đặt cho “Kẻ lạ” các câu hỏi phân loại về cái tình cốt lõi của tính người: “yêu” cái gì? “yêu” ai nhất? - nghe như thể nó là thế lực thực tế cân nhắc trật tự người.

Chẳng nên nghĩ đến tính tôn giáo nào ở đây. Dụ ngôn này, bởi là thơ, ám chỉ nguồn cảm hứng xuyên qua những thành phần quái dị thuộc tính người - chẳng hạn, nỗi ham muốn của đám đông hiện đại kia về những “ân sủng u tối” giúp “quên đi những hãi hùng nhạt nhẽo của sống” và “ham muốn chẳng bao giờ còn nhìn thấy lại nữa các thần linh của họ, vợ của họ, những đứa con của họ,” … như trong “XXIX . Con bạc hào phóng” nơi “tôi” và “người đồng tịch lạ thường của tôi” tức “Dê già”, một hỗn danh của quỷ, chủ nhân sòng bạc xa hoa nhất tiện nghi nhất bí ẩn giữa Paris, cùng uống rượu hút xì gà hảo hạng thảo luận “về cái ý vĩ đại của thế kỷ, tức là về tiến bộ và khả năng cho hoàn hảo hóa và, nhìn chung, về tất tật các hình thức của sự phô trương con người.”…

Như thế, dụ ngôn này, thông qua Ngài-căm-ghét-Chúa, cũng ám chỉ đến một thứ Baudelaire đã nói rõ trong “Gửi Arsène Houssaye” ở đầu tập thơ: “một cuộc sống hiện đại và trừu tượng” của “những thành phố thật lớn”, nơi các Thần Dục vọng, sẽ còn xuất hiện ở hơn một bài thơ khác trong tập, nắm trong tay mình, là hiện thân của, những nguồn lực bí mật, hùng mạnh nhất, sâu khuất, của “những thành phố thật lớn” và của chính cái đô thị lớn này. “Kẻ lạ” cho quỷ thấy anh ta thực sự “lạ”, vượt ra ngoài các trật tự thường lệ mà nó cân nhắc đến; mặt khác, tuy nhiên, vì rõ ràng ở đây là “mối giao du” giữa anh ta với kẻ “đồng tịch” quyền thế, qua đoạn thoại thấm nhuần tính tượng trưng, “Kẻ lạ” bày ra hoàn toàn tính tượng trưng mà anh ta gánh vác - anh ta siêu vượt những điều bị phủ định và luyến tiếc kia, giữa Quỷ và Chúa, và trở nên “kẻ lạ ngoạn mục” đối với tất thảy, do đó đột ngột đem tới một sự hiểu mới bằng cái nhìn xuyên suốt những phô trương tính người, ngớ ngẩn người lố bịch, khoái cảm người đau đớn, mới “lạ” và “ngoạn mục”.

Nỗi đau, cũng muôn vàn, là một tượng trưng lớn theo truyền thống thuộc tính người, và “bài thơ nhỏ” thứ hai - “II. Nỗi tuyệt vọng của mụ già” - bày ra một biểu tượng hoàn hảo:

“II

Nỗi tuyệt vọng của mụ già

Mụ già quắt queo vui sướng xiết bao khi thấy đứa trẻ xinh đang được mở tiệc mừng, tất cả mọi người đều muốn làm vui lòng nó; cái kẻ xinh ấy, mong manh như mụ, mụ già bé nhỏ và, cũng giống mụ, không răng chẳng tóc.

Thế là mụ lại gần nó, muốn sao cười với nó, tặng cho nó những vẻ mặt dễ coi.

Nhưng đứa bé khiếp hãi vẫy vùng dưới các vuốt ve của mụ già lom khom, hét toáng lên ầm cả nhà.

Thế nên mụ già rút trở lại vào nỗi cô độc vĩnh hằng, và mụ chui vào một góc mà khóc, tự nhủ: “A! với chúng ta, những giống cái già nua bất hạnh, đã quá tuổi để làm vui lòng rồi, ngay cả với những kẻ thơ ngây; và chúng ta vấy kinh sợ lên những đứa bé mà chúng ta muốn yêu!””

Giống như ta xem một bộ tượng tròn, điêu khắc tuyệt hảo! Nỗi u uất ở câu chuyện này khép lại trong chính nó. Tuy nhiên, đấy là từ góc độ chiêm ngưỡng nghệ thuật, và đấy là cái trữ tình của thơ này. Nhưng bên trong nó, độ căng giữa hai hình ảnh “Mụ già quắt queo” với “đứa trẻ xinh” mỏng manh, cùng “không răng chẳng tóc”, độ căng giữa các cực hạn, tương liên và giằng néo lẫn nhau, cũng như giữa “các vuốt ve” với hiệu quả là sự “khiếp hãi vẫy vùng”, bày ra một tính tượng trưng rõ rệt. Hình ảnh tượng trưng của bài thơ-văn xuôi này ròng và thuần: không bất kỳ một lời một chữ nào là chen vào hay nhãng ra, tất cả nhất thiết chỉ tham góp đúng và đủ cho ý nghĩa sau cùng của nó. Vậy nhưng ý nghĩa của nó là gì? Phải chăng, giống như những biểu tượng lớn, nó đơn giản là khép lại trong chính nó, giữ chặt lấy câu chuyện ở dạng thuần khiết, chỉ để cho lực của các ý từ bên trong phát ra không ngừng?

Biểu tượng thực thì mang tính đa nghĩa như một hằng số đặc hữu, và không thể bị gói vào một diễn giải đơn. Tuy nhiên, với bài thơ này, toát ra sức mê hoặc “vĩnh hằng” của một biểu tượng thật, thì, bởi nó tiếp ngay sau bài “Kẻ lạ”, nó sẽ mang mối liên hệ về tính tượng trưng từ “kẻ lạ ngoạn mục kia”. Và tính tượng trưng đó đã mở rộng thành một biểu tượng ở đây. Song, như đã nói, nó sẽ không nhả ra cho ta một lời giải thích nào ngoài cái ý nghĩa sau cùng thuộc câu chuyện nó đã kể, và sẽ không nhường lối cho bất kỳ diễn giải ngoại suy nào - “Mụ già quắt queo” “lom khom”, “đứa trẻ xinh” “hét toáng”, sẽ dứt khoát không vào vai ẩn dụ hay phúng dụ; cả hai sẽ sống như chính họ trong câu chuyện này, chứ không ám chỉ. Và như thế đã đủ: cùng “vui sướng xiết bao”, nhưng Mụ già và Đứa bé xinh ở về hai cực xa nhau dữ dội, khiến “vui sướng” hóa ra một khoái cảm đau đớn.

Phải nên dựa vào tính thơ của nó: sự thuần khiết của câu chuyện - bởi thơ , nó có khả năng trình hiện những gì thuộc yếu tính mà không bị các thứ trình tự bối cảnh, các quy ước có thể làm rườm - nó không giải thích, chỉ bày ra những gì viễn kiến của nó chiếu soi. Độ thuần khiết của câu chuyện ở đây phản ánh độ thuần khiết của một cái nhìn nhà thơ, nhất lãm, cụ thể, và cũng hầu như có tính biểu tượng bởi làm sinh ra các ý nghĩa. Thông điệp của nó có thể đơn giản là một nỗi đau của “tuyệt vọng”-“cô độc vĩnh hằng”, song độ lớn và đẹp lạ thường của nó, tính tượng trưng của nó, là bởi chỗ cái nỗi “bất hạnh” này không có nguồn cơn nào khác - “không răng chẳng tóc”, con người tựa hồ gần nhất với cái “bản sinh” - ngoài cái hiện hữu bản thân mình trong một hiện tại mình.

Chính là ở điểm đó ta hẳn nên thấy mối liên hệ của tính tượng trưng đó tiếp tục mở rộng, không gián đoạn, trong bài “thơ nhỏ” đứng thứ ba trong tập này:

“III

Kinh xưng tội của nghệ sĩ

Sao mà những cuối ngày mùa thu buốt thấu thế! A! thấu đến phát đau! bởi có một số cảm giác tuyệt diệu mà sự mơ hồ không loại trừ nồng độ mãnh liệt; và làm gì có mũi nhọn nào sắc bén hơn mũi nhọn của Vô Tận.

Khoái lạc lớn, khoái lạc đặm ánh mắt vào mênh mông của bầu trời và biển! Nỗi cô đơn, sự im lặng, trinh nguyên không thể so sánh của azur! một cánh buồm lẻ rung động phía chân trời, nó, bởi vẻ nhỏ bé và nỗi cô độc đang bắt chước tồn tại không thể cứu chữa của tôi, giai điệu đơn âm của sóng dồi, tất tật những thứ ấy suy nghĩ thông qua tôi, hoặc giả tôi nghĩ thông qua chúng (bởi trong độ lớn của cơn mơ mẩn, cái tôi mau chóng biến mất đi!); chúng nghĩ, tôi nói, nhưng là lối âm nhạc và thật xinh, chẳng hề loằng ngoằng phức tạp, không tam đoạn luận, không suy ra.

Tuy nhiên, những suy nghĩ đó, dẫu chúng đi ra từ tôi hay phóng tới từ các vật, chóng trở nên có cường độ quá cao. Năng lượng trong khoái thú tạo ra một nỗi khó ở cùng một đau đớn rõ. Những dây thần kinh quá căng của tôi chỉ còn mang đến các rung đảo kêu to và đau.

Và giờ đây độ sâu của bầu trời làm tôi ngẩn mặt; độ trong của nó khiến tôi điên ruột. Nỗi vô cảm của biển, sự bất động của cảnh tượng gây nổi loạn nơi tôi… A! có phải vĩnh viễn chịu đau đớn, hoặc giả vĩnh viễn chạy trốn cái đẹp? Tự nhiên, nữ phù thủy chẳng chút xót thương, nữ đối thủ luôn luôn chiến thắng, cứ để mặc ta! Ngừng cám dỗ các ham muốn của ta cùng lòng kiêu ngạo của ta đi! Việc nghiên cứu cái đẹp là một cuộc đấu tay đôi nơi nghệ sĩ hét lên hoảng sợ trước khi bị thua.”

Đấy là cơn khó ở kỳ quặc của sự siêu vượt - cái “tồn tại không thể cứu chữa của tôi”, luôn luôn bị đâm thúc bởi, hay ngược lại, nhìn thấy thấu suốt bởi, cái “mũi nhọn của Vô Tận”.

“Tự nhiên” hay “bầu trời và biển” hay “cái đẹp” - ta biết rằng Baudelaire không hề làm thơ phong cảnh, mà làm thơ về phong hóa - những thứ tự nhiên kia “suy nghĩ thông qua tôi, hoặc giả tôi nghĩ thông qua chúng” và “chúng nghĩ, tôi nói,” đấy chính là “cái tôi” chuyển động trên bước sóng của “các uốn lượn của mơ mẩn” và “các nhảy nhót của ý thức” (- “Gửi Arsène Houssaye”).

Từ chiêm ngưỡng với “khoái lạc”, sang chiêm ngưỡng với “ngẩn mặt” rồi đến “điên ruột” tới mức “gây nổi loạn nơi tôi”, khoái cảm là những cơn khó ở phổ rộng, đầy những nét tinh tế của nỗi mỉa mai tinh tế: “nghệ sĩ” là một tồn tại đặc biệt, luôn hiện hữu một cách tượng trưng ở khoảng giữa nỗi đau đớn “vĩnh viễn” vì “cái đẹp” với trạng thái “vĩnh viễn chạy trốn cái đẹp” - “cái đẹp” mà “Tự nhiên” làm chủ chỉ bởi nó xui khiến được người ta “ham muốn” với “kiêu ngạo”. Thế nên “nghệ sĩ” đi “nghiên cứu cái đẹp” như là “một cuộc đấu tay đôi”. Và tuy nhiên, đó thuộc về số các cảm giác “mơ hồ” “tuyệt diệu” và “mãnh liệt”.

Ở đây, đành phải chút suy đoán, “cái đẹp” tựa hồ chính là cái “mũi nhọn của Vô Tận” nhưng là từ phía những “chuyển động trữ tình của tâm hồn” (- “Gửi Arsène Houssaye”). Đẹp này, là một khối arabesque sắc và nhọn. Và khối arabesque đó xoay, như một khối rubic điềm triệu cho nhan nhản những rubik sau này.

Hãy thêm vào một mô tả từ một bài khác, trong số rất nhiều những thí dụ khác từ những bài thơ trong tập này, Đẹp đó có thể từ cái “bữa tiệc nội tâm” của những tương phản mạnh, ví như “hài kịch ở ngay bờ nấm mộ” - những tương phản có thể giúp, nếu “anh” thuận tình, làm cho “các ảo tưởng biến mất” cho “anh thấy bản sinh hay sự vị đúng như nó tồn tại bên ngoài chúng ta” bên ngoài những “hào quang dữ dội của dục vọng” chúng ta; cũng đồng thời vì thế có phản chiếu như ở vào trước “Gương”: “- Tại sao anh lại soi gương, bởi vì anh chỉ có thể hết sức khó chịu khi thấy anh ở đó?”

Và các công tua đó của khối arabesque này chuyển động không ngừng: nó là biển như Baudelaire hơn một lần mô tả ở đây - chuyển động giản đơn nhưng biểu hiện vô số hình trạng; tuy nhiên nó thị hiện sắc bén như cắt vào tâm trí giống như ta nắm vào lòng bàn tay quả dẻ gai còn nguyên vỏ: đấy, nó đẹp, hoàn toàn!

Nó quá phong phú, đến mức, người ta chẳng thể làm gì hơn ngoài một việc đơn giản là cứ đọc nó thôi.

Nguyễn Chí Hoan

Tags: Baudelaire Nguyễn Chí Hoan