Khác Đọc

Mansfield về Woolf

[Vào thời của mình, Katherine Mansfield có mối quan hệ rộng khắp trong văn giới và nhiều lần bình luận tác phẩm của người khác. Đó là một nhà phê bình sắc sảo, và nhất là rất tinh quái - điều mà người ta cũng thấy trong những truyện ngắn mà Mansfield viết.

Ở đây, ta sẽ thấy một điều đặc biệt: cái nhìn giữa hai nhà văn nữ rất đặc biệt và sáng giá của cả một thời đại rực rỡ, khi Mansfield bình luận văn chương của Virginia Woolf.]


Bình luận Kew Gardens của Virginia Woolf

(“Một truyện ngắn”, 13/6/1919) - Athenaeum

Giá dụ sự thể ấy không đáng thở dài, thì hầu như cũng thi thú, khi nhớ rằng chỉ mới đây thôi, Samuel Butler đã khuyên các tác giả mới nhú có sổ ghi chép. Hồi đáp của tác giả cho lời khuyên ấy, ngày nay, sẽ là gì đây ngoài cái cười khoái chí: “Tôi có còn gì khác!” Quả vậy; nhưng nếu ta nhớ cho đúng, Samuel Butler đi xa hơn một chút; ông cho rằng nên giữ quyển số ấy trong túi con, và ấy là điều khiến tác giả mầm non thấy khó mà nhẫn nổi. Từ bấy đến nay, anh ta bận vươn lên và tỏa sáng tới mức kiệt tác của anh ta vẫn chưa được viết ra, nhưng kìa, công chúng đang há miệng chờ. Anh chẳng mời được gì, trước khi họ dạt sang nơi khác ư? Không đánh động nổi sự chú ý của họ chỉ bằng cái thô ráp và quấy quá đại khái? Rút sổ ra, thế là xong việc. Và bởi họ thấy những gì trong sổ tuyệt đối gây kích thích và thỏa mãn, lấy gì làm lạ việc không liều tạo ra thứ lớn hơn, vững chãi hơn, tích cực hơn? Những quyển sổ của nhà văn trẻ là vòng nguyệt quế của họ; họ ưa việc thảnh thơi dựa vào chúng hơn. Chính từ đây người ta bắt đầu thở dài, bởi chính từ đây tác giả trẻ bắt đầu phùng phình và đòi hỏi rằng, do họ chọn biến những quyển sổ thành Toàn bộ, chúng phải được nhìn nhận là tối trọng yếu, được đọc với sự nghiêm cẩn chết người và ngợi ca như một thể loại Nghệ thuật mới - nghệ thuật không nhận về đau đớn, không đời nào tự hỏi vì đâu ta đem lòng yêu điều này điều kia, mà bằng lòng với hứng thú tẻ nhạt của công chúng dành cho sự tạp.

Có lẽ đó là nguyên do người ta thấy truyện của Virginia Woolf như thuộc về một thời đại khác. Nó quá tách biệt với văn chương sổ sách của thời chúng ta, một ví dụ tuyệt mỹ về yêu từ cái nhìn thứ hai. Bà khởi sự nơi người khác bỏ ngỏ, tiến vào Kew Gardens, theo cách ấy, đơn độc, nhàn nhã, khi những tiếng hét nho nhỏ ban đầu của những người kia đã lịm dần, còn họ sớm rảo bước tới cuộc vui hay ho mới. Lạ làm sao, từ đoạn văn đầu tiên, ta ý thức được cảm giác thư nhàn ấy: truyện của bà tắm trong đó, như thể đó là một tia sáng, bất động và khả ái, tô đậm thêm sức nặng của mọi vật, và lấp đầy tất thảy những gì trong viễn kiến của bà bằng vẻ đẹp sống động, gây xáo trộn ấy, vẻ đẹp bảng lảng trong bầu không, ngay trước hoàng hôn, ngay sau bình minh. Trang nhã - đúng, trang nhã. Điều gì cũng có thể xảy ra; thế giới của bà đang nhón gót.

Ấy là theme của Woolf. Trong Kew Gardens, trảng hoa rợp những bông đỏ, xanh, vàng. Suốt chiều tháng Bảy nóng nực, nam nữ “tản mát qua luống hoa bằng cử động khoan nhặt lạ kỳ, chẳng phải không giống đàn bướm xanh bướm trắng trắng lượn ngang thảm cỏ bằng đường bay dích dắc, từ luống hoa này sang luống hoa nọ”, nghỉ chân chốc lát, bị “mắc” trong tấm lưới rực sắc ấy, rồi bước tiếp, và lạc lối. Đời sống nhì nhằng kỳ bí của luống hoa tiếp tục nằm ngoài sự đụng chạm của đám sinh vật lạ lùng này. Một cơn gió nhẹ thoảng, khơi động những cánh hoa, để những màu của chúng hòa với đất nâu, sỏi xám, vỏ một con sên, một hạt mưa, một chiếc lá, và trong khoảnh khắc cuộc đời bí mật hé mở; thế rồi gió lại thổi, và các màu nhoáng lên trong không trung, chỉ còn lá và hoa…

Điều ấy đến thật thường xuyên - hay thật thảng hoặc - trong đời, khi ta đi giữa cây cối, xuôi ngược những lối đi quen và lạ, ngang những bãi cỏ, vào ra bóng mát, một điều gì - vì nguyên nhân ta chẳng thể khám phá - khiến ta dừng bước. Vì đâu, nay hồi tưởng chiều tháng Bảy đó, ta thấy thật sắc nét luống hoa nọ? Ta hẳn đã bước ngang vô vàn hoa, hôm ấy; tại sao chỉ những bông này hiện lại? Quả ta đã dừng trước chúng, nói đôi câu, rồi đi tiếp. Nhưng, dẫu không ý thức được vào thời điểm ấy, có điều gì đang diễn ra - một điều gì…

Nhưng chừng như, tác giả, với nụ cười thông tuệ, cũng thờ ơ với những sinh vật lạ và cung cách của chúng chẳng thua gì những đóa hoa. Đời chi li phong phú mà bé nhỏ của con sên - cái cách bà miêu tả! con côn trùng xanh bước sắc nhọn - sự quan hoài của bà với nó mới nhiệt thành sao! Trầm trồ và cả tin, ta ngỡ chúng chiếm toàn bộ quan tâm của tác giả, tới khi bất chợt, bằng một cử chỉ, bà cho ta thấy trảng hoa, mọc cao, trải rộng, trong sức nóng và ánh sáng, lấp đầy một thế giới.


Bình luận Night and Day của Virginia Woolf

(“Một con tàu vào cảng”, 21/11/1919) - Athenaeum

Không hình thức viết nào ngày nay được bàn tán hăm hở và rộng rãi hơn tiểu thuyết. Đâu là định mệnh cho nó? Ta được nghe, từ những bậc quyền uy xuất chúng, rằng tiểu thuyết đang chết; và cũng từ những uy quyền cao ngang ngửa, rằng đến tận giờ nó mới bắt đầu sống. Giới bình luận suýt soát chia thành hai phe. Đưa mỗi phe cùng một cuốn sách, và từ một phía vang tiếng ngợi khen, phía còn lại đồng thanh chê trách, bên nào cũng to, cũng cả quyết và hạn hẹp, ngang nhau. Đọc các bài bình luận trên báo, người ta sẽ tưởng, chưa bao giờ trong lịch sử thế giới có sự phân phát lửa thiêng hào phóng tới vậy, cùng sự trưng bày choáng lộn vô tri, ngu dốt và nhàm chán. Nhưng giữa tất thảy chia phân và lẫn lộn này, hình như đã có chung một ý kiến tuyên bố rằng, đây là thời thử nghiệm. Chết, tiểu thuyết sẽ nhường lối cho một hình thức biểu đạt mới; sống, nó phải chấp nhận thực tế của một thế giới mới.

Với chúng ta, những kẻ ưa quanh quất dưới cảng, xem tàu mới được đóng, tàu cũ quay về, và biết bao tàu ra khơi, Night and Day hiện ra trong cảnh lạ kỳ, tĩnh tại và cả quyết, nương ngọn gió thong dong mà rẽ nước vào cảng. Sự lạ kỳ nằm tại tính dửng dưng, khí thái hoàn mỹ tĩnh tại, tuyệt không dấu hiệu của việc trải qua một hải trình nguy ngập - sự vắng các vết sẹo. Con tàu nằm đó giữa những đoàn tàu lạ - tôn vinh nền văn minh, vì lòng ngưỡng mộ và tán thán của chúng ta.

Không sao cưỡng nổi việc so sánh “Night and Day” với các tiểu thuyết của Austen. Có những thời khắc, thật vậy, người ta suýt bị dẫn dụ mà reo lên Austen thời nay đây rồi. Tác phẩm được tỉa tót, xuất chúng và thông minh tột đỉnh, nhưng trên hết - hữu ý. Không một chương nào ta không có ý niệm về người viết, về tính cách, quan điểm và sự kiểm soát của bà với tình thế. Ta cảm tưởng chẳng điều gì áp được lên bà: bà chọn thế giới của mình, lựa các nhân vật chính với sự lưu tâm tử tế nhất, và, sau khi họa một vòng tròn quanh nhân vật để họ tồn tại và tự do trong khuôn khổ ấy, bà tiến tới, với sự trọng thị hiếm hoi, ghi lại các quan sát của mình. Kết quả là một tiểu thuyết rất dài, nhưng ta không thấy kết cục nào khác. Sự tiến triển thong thả ấy quan yếu về cung cách, như người đọc, dẫu thừa sức, cũng đâu hề uống rượu trong một hớp. Trong trường hợp tiểu thuyết của Austen, ta chịu phép một câu thần chú nhỏ; cứ như thể, nhận ra mình an toàn, ta nộp mình cho tác giả, đinh ninh dù những thứ bà cho ta thấy xem chừng lạ lùng đến đâu, ta cũng chẳng hãi sợ hay choáng váng. Những tạo tác của bà, có thể nói, là những kẻ đặc quyền; ta có thể trông vào đầu óc tinh nhạy của bà hòng giải nguy, an tai (nếu tai họa phải giáng xuống) giúp họ, và trông chừng đường đi cho họ quang quẻ ở hồi kết. Chính cách thể hiện sức mạnh của Woolf khiến “kết thúc có hậu” bà dựng nên chẳng đời nào được hiểu như thắng lợi của con tim trước khối óc. Nhưng trong khi thần chú của Austen lên ta vẫn mạnh như cái ngày tiểu thuyết của bà được hoàn thành và ra mắt, văn của Woolf lại đánh mất phần nào sự hiệu nghiệm. Điều gì khiến ta mê say? Với Austen, đó là xúc cảm của bà với cuộc đời, rồi đến xúc cảm cho việc viết; nhưng với Woolf, những cảm xúc này cứ liên miên nhường chỗ cho nhau, và thế là tính cấp thiết của mỗi thứ đều bị hư hại. Khi đọc, ta khó lòng biết được điều gì là tối thiết; chỉ sau đó, và, đặc biệt khi hồi tưởng những nhân vật phụ, ta mới bắt đầu hoài nghi. Sally Seal của Hội Suffrage, ông Clacton với tiểu thuyết Pháp của mình, bà già Joan trong chiếc váy cũ kĩ, bà Denham hiện diện giữa đống tách đĩa: quả những nhân vật này chẳng mấy quan trọng - nhưng sự sống trong họ là bao? Ta có cảm tri kỳ quặc rằng, một khi bút của tác giả nhấc lên, chẳng còn nơi họ bất kỳ tiếng nói hay động tác nào, và sẽ không được cứu hồi tới khi bà thêm vào đôi ba nét, hoặc viết tiếp một câu bên dưới. Giá họ chỉ mịt mờ, nhòa nhạt, điều ấy sẽ bớt hiển hiện, thế nhưng họ lại được giữ trong quầng sáng bất di dịch mà tác giả tưới lên thế giới của mình, và khi ấy, ánh sáng kia dường như chiếu vào, nhưng không xuyên qua họ.

Night and Day thuật lại nỗ lực hòa giải giữa thế giới thực tại với thứ, để cho hay, ta hãy gọi là thế giới mơ mẩn, của Katharine Hilbery. Nàng thuộc về một trong những gia tộc lừng lẫy nhất nước Anh. Ông ngoại nàng là “đóa hoa tuyệt mỹ gia đình nào cũng đủ vênh vang” - một nhà thơ lớn. Cha của Katharine chữ nghĩa lỗi lạc, còn chính nàng, đứa con một, “có vị thế trội hẳn trong đám anh chị em họ và những mối lân giao”. Trang nghiêm, xinh đẹp, nức tiếng thực tế và sáng suốt vượt bậc so với tuổi, nàng cai quản nhà cửa cho cha mẹ ở Chelsea, nhưng hoạt động ấy không khiến Katharine phải nhọc. Nàng sống đời cô quạnh tách biệt khỏi phòng tiếp khách của Cheyne Walk, và mảnh đời ấy bị chia cắt giữa các giấc mơ “thuần hóa ngựa hoang trên những trảng cỏ nước Mỹ, lèo lái tàu lớn tránh doi đá trong bão giông” với nghiên cứu toán học. Việc sau là sự chống đối bán chủ đích nhưng mãnh liệt phản lại truyền thống gia đình, phản lại việc làm ra những câu từ và (thứ mà Woolf gọi theo cách lạ kỳ là) “cái rối rắm, rấm rứt và mịt mờ của thứ văn xuôi hay nhất.”

Nhưng chỉ sau khi đính ước, bước vào cuộc hôn phối đăng đối mọi đằng với William Rodney, một học giả mà kiến thức về Shakespeare, về tiếng Latin và Hy Lạp không dung tranh cãi hay phủ nhận, nàng mới nhận ra, bằng cách ấy, nàng đã bội phản thế giới mơ mẩn của mình, mà không hay - tình nhân cưỡi ngựa lớn phi dọc bờ biển và những cánh rừng nguyên lá. Đời cứ mãi là thứ thiếu khuyết này, thế giới như ta biết đây, với hình hài, bóng bẩy và an toàn? Katharine chẳng có xúc động làm thơ, thế nhưng thi sĩ trong nàng khiến nàng thấy nơi Ralph Denham người đàn ông cho nàng niềm mê say lớn lao và lạ lùng ấy, như lửa cháy sáng cả hai thế giới chỉ bằng một mồi lửa hân hoan…

Sẽ thật lý thú nếu biết được Woolf ý đồ ẩn tàng bí mật về thế giới mơ của Katharine và của Ralph với độc giả bao sâu. Ta được hay rằng nó ở đó, và ta tin; thế nhưng hiểu biết của ta về hai người họ lẽ nào không tăng tiến vượt bậc, nếu có gì hơn là những giả định như màn rủ che khuất sự thật?..

Về phần thế gian, thế giới thực của ông bà Hilbery, William Rodney, Cassandra Otway - tại đó ta coi trọng hết mức sự hào phóng mỹ diệu của tác giả. Nơi ấy xa thẳm, đóng chặt và phong kín với ta lúc này. Còn gì xa xôi hơn ngôi nhà Cheyne Walk, sừng sững trong đêm, với ba cửa sổ cao chói lòa ánh sáng, những rèm nhung luôn luôn khép, và biết rằng bên trong, một người trẻ tuổi đang chơi Mozart, bà Hilbery đang ước có nhiều hơn những chàng trai trẻ tựa Hamlet, còn Katharine cùng Rodney phải đối diện hình ảnh kỳ vĩ của Denham, bước chân qua lại, trong bóng tối ngoài kia…

Ta những tưởng thế giới đó đã tan biến mãi mãi, rằng không thể tìm trong đại dương văn học mênh mông một con tàu không hay những điều đang xảy ra. Nhưng đây, Night and Day, tươi, mới, và tinh xảo, một cuốn tiểu thuyết của truyền thống tiểu thuyết Anh. Giữa niềm hâm mộ, nó khiến ta thấy già và buốt: ta chưa từng nghĩ sẽ trông vào thứ gì như thế nữa!


Thư riêng cho John Murry Middleton

Em bình luận Virginia cho mục tiểu thuyết tuần này. Em không thích nó, Boge. Ý kiến riêng của em, ấy là lời nói dối trong tâm hồn. Chiến tranh chưa từng đến: thông điệp của nó là vậy đấy. Em không muốn (Chúa tha lỗi!) tổng động viên và xâm phạm Bỉ, nhưng cuốn tiểu thuyết không thể cứ thế gạt cuộc chiến ra. Đã phải có một sự thay lòng. Thực đáng sợ khi thấy sự “ổn định” của loài người. Em thấy, trong mối cảm nồng đậm nhất, rằng chẳng gì có thể như trước nữa - rằng, với tư cách nghệ sĩ, ta sẽ thành kẻ phản bội nếu thấy khác đi: ta phải xét đến nó và tìm những biểu đạt mới, những khuôn mới cho suy nghĩ và cảm thụ của chúng ta. Phóng đại chăng? Cái gì đã từng thì vẫn đó, nhưng giờ đây Jane Austen viết sao được Northanger Abbey nữa - hoặc nếu bà viết, em sẽ chẳng ngó ngàng.

Có một cảnh con con trong sách của Virginia, trong đó một người trẻ tuổi duyên dáng chơi đàn luýt với thái độ mơ màng nhẹ nhõm: nó thực đã khiến em khiếp sợ - nhận thấy cái lạnh cùng tận và sự thờ ơ. Nhưng em sẽ thật cẩn thận và cố hết sức để giữ tư cách và tỉnh táo. Bên trong, em khinh thường tất cả bọn họ như một băng hèn. Ta phải đối diện với cuộc chiến của mình. Họ thì sẽ không. (10/11/1919)

Nhưng thực tình, Bogey, càng đọc em càng thấy những cuốn tiểu thuyết kia không thể được. Đọc chúng xong, em như con cừu no căng ngóng tìm con nào chưa được cho ăn. Và thế nhưng em thấy không ai đặt được quy tắc. Chẳng hề là chuyện chất liệu, phong cách hay cốt truyện. Em chỉ có thể nghĩ bằng những termnhư “một sự thay lòng”. Em không sao tưởng được, bằng cách nào sau cuộc chiến, những người đàn ông ấy có thể chắp lại mối cũ như thể chưa từng có chiến tranh. Với anh, em sẽ nói ta đã chết và lại sống. Ấy sao có thể là cuộc sống cũ? Không có nghĩa cuộc sống bớt quý giá hay “những điều bình nhật của ánh sáng và ban ngày” đã mất. Chúng không mất, chúng được làm quánh, chúng được chiếu soi. Giờ ta biết mình như mình là. Theo cách nào đó, ấy là một tri nhận bi đát: như thể, cả khi ta sống một lần nữa, ta đối diện với cái chết. Nhưng qua Sống: phải thế. Ta thấy chết trong đời như ta thấy chết ở một bông hoa tươi chưa nở. Tụng ca ta dành cho vẻ đẹp của hoa: ta biết vẻ đẹp ấy trở nên bất tử, bởi ta biết. Anh có thấy vậy không - hay trái lại - hay như thế nào?

Nhưng, dĩ nhiên, anh chớ tưởng em có ý tha-hồ-hưởng-lạc bằng nhận tri này. Không, em nói về “hình phạt vĩnh cửu bất tận”. Nhưng khác biệt giữa anh với em là (có thể em sai) em chẳng thể thẳng tưng nói cho bất cứ ai về những hình phạt đó: chúng là bí mật của em. Em có thể viết về một cậu bé ăn dâu hay một phụ nữ chải tóc trong buổi sáng lộng gió, và ấy là cách duy nhất em nhắc được tới những bí mật kia. Nhưng chúng phải ở đó. Không thể lui. Họ mặc sức tiến lùi, nhún chân, nhảy nhót theo làn hơi dịu nhẹ nhất tùy thích, nhưng em chán đến chết bởi những thứ đó rồi. Virginia, par exemple. (16/11/1919)

Hạo Nguyệt dịch

Tags: Katherine Mansfield Hạo Nguyệt