10-6-2023
The Stein Experience / Kinh nghiệm Stein
Gertrude Stein thường không được xem như nhân vật điển hình của một phong trào nghệ thuật nhất định, song luôn luôn xuất hiện ở trung tâm của những trường phái nổi bật nhất đầu thế kỷ 20. Gertrude Stein không phải đại diện, mà tựa hồ một đấng dọn đường hơn. Three Lives (Ba truyện đời) cũng vậy. Cuốn sách đầu tay, được Stein viết không lâu sau khi từ bỏ trường y Hopkins và tìm đến Paris, được cho là tiên phong của trường phái Lập thể (Cubism) trong văn chương, nhưng lại không đóng vai trò biểu tượng như bức Nu descendant un escalier của Marcel Duchamp trong hội họa. Lý do nằm ở việc Stein luôn đẩy giới hạn đi đến cực điểm, mà không dừng lại ở một khía cạnh, không chỉ khai thác một yếu tố duy nhất. Tuy về hình thức, Three Lives là một cách thể hiện đậm chất cubist, nhưng Stein chỉ mượn hình thức ấy như một trường thí nghiệm để thử thách những giới hạn hoàn toàn mới về ngôn từ. Vì vậy, giống như bản thân Gertrude Stein, Three Lives không chủ trương một tuyên ngôn theo kiểu manifesto thuần túy, song là một phòng lab riêng với những thực nghiệm về lối văn phong biệt cách (unidiomatic) và trùng lặp có chủ ý.
Đầu tiên phải kể đến những tên gọi: “The good Anna”, “The sweet Melanctha”, “The gentle Lena”. Những tính từ vô thưởng vô phạt như “good” và “gentle” xuất hiện xuyên suốt cả ba câu chuyện - trong những hoàn cảnh khác nhau, gắn với những con người khác nhau. Anna gắt gỏng và hay bị bòn tiền được gọi là “good”, những người Đức thanh bần đối xử keo kiệt với Lena cũng “good”, anh bác sĩ chăm chỉ chữa bệnh cho người da đen mà sỉ vả Melanctha vẫn “good”. Lena lơ đãng không làm gì theo ý mình là “gentle”, người chồng chăm sóc con hết lòng và để mặc cô trong tiếng chửi rủa của mẹ anh cũng là “gentle”. Có khi phải hiểu “good” như một kẻ ngay thẳng trực ngôn nghịch nhĩ, song có lúc lại phải hiểu “good” như là đức tính của một người lương thiện nhưng thấp cổ bé họng. Có khi phải hiểu “gentle” như một kiểu dịu dàng, có khi phải hiểu “gentle” theo một cách nhu nhược, không thể phản kháng. Văn tâm Gertrude Stein có khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực, nhưng thay vì thể hiện chủ trương công khai trong câu chữ, Stein liên tục khoác lên những lớp ngụy trang của sự hời hợt, lỏng lẻo, thậm chí là sơ sài đến xúc phạm. Khi độc giả vượt qua được cảm giác bị xem thường, ắt sẽ thấy chủ ý của Stein trong những từ ngữ này - một sự tổng hòa phức tạp và vô lý của hình ảnh, thân phận, trạng thái, và nội tâm qua chuỗi tính từ trùng điệp nhưng không hoàn toàn giống nhau: “Melanctha Herbert was a graceful, pale yellow, intelligent, attractive negress. She had not been raised like Rose by white folks but then she had been half made with real white blood.” Melanctha, một "yaller girl" lai trắng, trắng đến mức nhìn thấy màu da “pale yellow” tái nhợt giống như bà mẹ da trắng cũng “pale yellow” của cô. Nhưng Jefferson Campbell, một chàng "mulatto" cũng lai trắng, lại được Stein miêu tả rằng: “Jeff Campbell was a robust, dark, healthy, cheery negro” - cùng một kiểu “lai giống” nhưng đậm màu hơn, lại gần gũi hơn với những bệnh nhân da màu mà anh thích chăm sóc, và trăn trở vì thảm trạng cù bất cù bơ của họ. Cùng với đó là một Jane Harden, một "negress" như Melanctha, nhưng trắng đến mức hầu như không ai nhìn ra được: “Jane was a negress, but she was so white that hardly any one could guess it. Jane had had a good deal of education.”
Trong ba nhân vật này, Jane là nhân vật đầu tiên có được thứ hiểu biết mà cả Melanctha và Jefferson điên dại tìm kiếm. Thứ hiểu biết không bao giờ được Stein định nghĩa cụ thể - một thứ “understanding” phảng phất mùi hiện sinh, chỉ phù hợp trong xã hội của những “người da đen”. Sự hiểu biết của Jane có màu sắc am tường sự đời đặc trưng của dân negro, nhưng cũng phức tạp ở chỗ cô nghiện rượu như một bà đầm da trắng bắt gặp được trong văn học Tây Âu thế kỷ trước. Trong khi những nhà văn như Zora Neale Hurston và Jean Toomer hai thập niên sau khai thác triệt để đề tài passing (việc coi một người da đen như da trắng), thì Stein chỉ đề cập lướt qua, vừa đủ để khiến câu chuyện phức tạp hơn lớp bì phu của con chữ. Melanctha và Jefferson, mặc dù dòng máu giống nhau, lại nằm ở hai thái cực đối lập. Melanctha chơi bời với đủ mọi loại đàn ông cả đen lẫn trắng, giàu lẫn nghèo, tri thức lẫn lao động. Thứ màu da nhờn nhợt, xanh xao, không đơn thuần là một thí nghiệm di truyền được Stein mượn từ kiến thức y sinh, mà là biểu hiện của một sự lai tạp, pha trộn trong những trải nghiệm cố tình không chọn lọc của Melanctha. Ngược lại, Jefferson Campbell, cái tên dễ khiến liên tưởng đến Thomas Jefferson và George Campbell của chủ nghĩa Enlightenment (Khai sáng), với một kiểu giáo dục cứng nhắc trong khuôn khổ của tháp ngà - học y, đọc những thứ khoa học khô khan và phức tạp để gom nhặt kiến thức, từ đó luận ra thế nào là thiện ác, thị phi - lại trăn trở nhiều, gắn bó nhiều với những người da đen hơn bất kỳ nhân vật nào khác trong truyện. Nghịch lý ở chỗ, chính Melanctha mới là người khăng khăng nhắc nhở bản chất "negro" của Campbell đã bị chôn vùi dưới nền giáo dục trịch thượng và đặc quyền anh đem ra đời.
Một đặc điểm khác được William James cho là idiosyncrasy – đặc sắc của Stein – là sự trùng lặp: những câu thoại lặp đi lặp lại, lấp đầy bằng những chữ “and,” “and,” và những lần miêu tả hoàn toàn giống nhau sau mỗi một sự việc đứt quãng. Anna mắng nhiếc Sallie và mấy con chó trong nhà, vì Anna “đôn hậu” (good). Anna bị bà Katy già bỏ rơi suốt mùa hè đau ốm, dù Anna “đôn hậu.” Anna mang hết tiền cho bà Lehntman mở nhà tế bần, vì Anna “đôn hậu,” Anna bỏ rơi bà Lehntman, tìm đến nhà Drehten, cũng phải nhớ rằng Anna “đôn hậu.” Mỗi lần Jeff Campbell chuẩn bị ghét bỏ Melanctha, anh lại nhớ đến cô bằng sự “ngọt ngào” (sweet). Mỗi lần Jeff Campbell sỉ vả cô, Melanctha lại nhớ ra anh “dịu dàng” (gentle) và “tốt” (good). Những tính từ trùng lặp như những đoạn genes cơ bản của một người. Chọn lựa những tính từ biệt cách để bao trùm, đại diện cho những tình huống phi lý và phức tạp là một trò chơi Stein tự tạo ra và tự chiến thắng.
Với ba cốt truyện đơn giản, Stein không kể chuyện bằng tình tiết, bằng kịch tính, mà bằng sự trở đi trở lại của những kết luận này sau mỗi sự việc ngẫu nhiên và ngắt quãng. Một thứ ý thức (consciousness) có thể nói là hội tụ tư tưởng của James với xuất thân tôn giáo của Stein: với James là sự quay trở lại với bản thể vô hình, bí ẩn của mình, chỉ có thể khơi gợi bằng những tính từ xoàng xĩnh; với the Stein experience (kinh nghiệm Stein), là sự tồn tại của Thánh kinh không nhờ vào câu chuyện, mà nhờ vào chính ngôn từ của nó. Tham vọng của Stein là tạo ra một thứ trình tự chữ nghĩa, một mô hình ngôn ngữ không thể tiếp nhận bằng tư duy, cũng không thể tiếp nhận riêng bằng cảm nhận, mà là tổng thể của một quá trình tư duy và cảm nhận đan xen và luân phiên lẫn nhau. Với độc giả, quá trình này bị thôi thúc bởi sự tác động phiền nhiễu của ngôn từ - một sự dọn đường của Gertrude Stein cho phong trào Dada.
Hoàng Trang