Khác Đọc

Xung quanh Balzac

Nhân vật của Balzac

Nhân vật của Balzac là một khu rừng: vậy thì độc giả rất dễ mắc vào nguy cơ chỉ thấy cây mà không thấy rừng.

Nhưng cũng đừng quá lo: có phương cách cho mọi điều (như các nhân vật của Cervantes hay nói). Với Miếng da lừa ta có một điểm khởi đầu rất tốt: thời điểm viết cuốn tiểu thuyết lớn ấy, Balzac chưa hình dung ra rừng nhân vật của mình. Lúc thấy được là cần làm cho các nhân vật quay trở lại, từ cuốn sách này qua cuốn sách khác, Balzac hiểu ra, mình đã đạt tới một điều rất lớn: đấy chính là “Eurêka” của Balzac (ai cũng cần có Eurêka của riêng mình, chẳng hạn Edgar Poe - một tác giả của chúng tôi, sắp tới đây: tức là rất sắp - viết một tác phẩm tên đúng là “Eurêka”).

Mở đầu của Miếng da lừa là cảnh đánh bạc, một scène kinh điển - chắc hẳn, phải đến tận Dostoievski ta mới có những tay bạc khét tiếng tới mức ấy. Nhưng cần nhìn kỹ vào đây: đó không phải màn đánh bạc duy nhất trong cuốn tiểu thuyết. Trước đó, Rastignac (Ra-xĩ-ti-nhắc) đã cầm tiền của Ra-phần đi đánh bạc (và thắng, được rất nhiều tiền: lần đầu tiên Ra-phần biết thế nào là ăn chơi chính là vào quãng đó). Nhưng, Rastignac là một nhân vật rất quan trọng trong toàn bộ La Comédie humaine.

Câu chuyện của Rastignac, tất nhiên, nằm ở Père Goriot, trong đó Rastignac sống ở một nhà trọ - miêu tả ngôi nhà, sẽ không ai quên nổi nếu đã đọc, cũng như đoạn cuối đời của Ra-phần trong Miếng da lừa là không thể quên - giữa một bên là lão Goriot khốn khổ và, bên kia, cựu phạm nhân khổ sai Vautrin, biệt hiệu “Trompe-la-mort”. Rastignac tuyên bố (đây là một trong những câu nói lừng danh hơn cả trong lịch sử tiểu thuyết) sau đám ma Goriot, nghĩa địa Père-Lachaise, đại ý, “giờ còn tao với mày”, một lời đe dọa gây khiếp hãi. Đối tượng mà Rastignac thách thức là Paris; Rastignac đã trở nên biểu tượng của “chinh phục Paris” như thế. Rastignac sẽ trở thành tình nhân của Delphine con gái của Goriot, tức là phu nhân Nucingen, và Rastignac sẽ trở thành một nhân vật lớn trên chính trường. Chỉ riêng như vậy đã rất hấp dẫn, nhưng chuyện càng hấp dẫn bội phần hơn nếu đặt sự thăng tiến của Rastignac cạnh con đường của một nhân vật khác, de Marsay, cũng xuyên suốt nhiều tác phẩm (mà câu chuyện chính được kể trong Cô gái mắt vàng, một trong những gì cần được coi là đầu tiên - ít nhất thì cũng vô cùng đáng nhớ - trong lịch sử văn chương lấy những người lesbian làm đối tượng).

Đã nhắc đến Nucingen, nếu đi theo “sợi dây” ấy (bởi cấu trúc của La Comédie humaine, một số nhân vật chính là chỉ đỏ dẫn đường), ta sẽ bắt gặp một cảnh tuyệt diệu: lão già Nucingen chợt tình cờ bắt gặp, trong một đêm nọ, cô thiếu nữ Esther, và đem lòng yêu đắm đuối - đến cả vợ của lão (Delphine de Nucingen) cũng phải lấy làm lạ, vì ai cũng tưởng Nucingen chỉ yêu mỗi tiền. Vậy là thêm một lần nữa câu “lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình” được chứng thực.

Trở lại với Miếng da lừa: không chỉ có Rastignac, vài nhân vật nữa cũng xuất hiện ở (những) chỗ khác. Nếu không kể chủ tiệc Taillefer (chính Nguyễn Văn Vĩnh chú thích trong bản dịch của mình là phải đọc trong L’Auberge rouge thì sẽ biết chuyện hồi trẻ), nhiều người tham gia bữa tiệc nảy sinh từ lời ước đầu tiên của Ra-phần sau khi có miếng da lừa trong tay cũng có các vai trò ngoài Miếng da lừa, nhất là “băng” các nhà báo, như Bixiou, Vignon, nhất là Blondet (“Ê-minh”, theo cách gọi của Nguyễn Văn Vĩnh), đặc biệt trong Illusions perdues; Claude Vignon còn là nhân vật quan trọng của một cuốn tiểu thuyết - rất lớn - khác của Balzac, “Béatrix”. Finot, tay buôn văn mua tác phẩm của Ra-phần (Ra-xĩ-ti-nhắc làm mối lái) rất khét tiếng nơi thế giới xuất bản-báo chí của Hết ảo tưởng.

Hoặc nếu ai đã đọc “Vĩnh biệt” thì biết cảnh Philippe (de Sucy) ngã lăn ra bất tỉnh; đúng lúc đó một cỗ xe đi ngang, ấy là xe chở vợ chồng ông tòa Grandville; chính nhờ bà vợ có lọ muối mà Philippe được cấp cứu. Grandville cũng xuất hiện trong rất nhiều sách khác thuộc La Comédie humaine, với câu chuyện chính Une double famille tức là “Một gia đình nhân đôi”.

Điều hay của việc đọc Balzac nằm ở chỗ, nếu không biết chuyện về Grandville, chuyện về Blondet ở (những) chỗ khác thì cũng chẳng hề hấn gì cho sự hiểu câu chuyện. Tuy nhiên, vì đã như vậy, cho nên nếu biết thì coi như đã mở rộng được rất nhiều điều.

Cũng như cảnh đánh bạc vô cùng ấn tượng mở đầu Miếng da lừa rất dễ khiến người ta quên đi mất là đã có một cuộc đánh bạc trước đó. Nhưng chưa hết: vẫn có thêm một cuộc đổ bác khác, còn trước nữa; đấy là hồi Ra-phần còn rất trẻ, ông bố còn sống, tại một bữa tiệc Ra-phần đã liều lấy tiền của bố đánh bạc, may mà thắng.

Nếu xâu chuỗi được như vậy, thì đã bắt đầu có thể thoát được cảnh ngộ trớ trêu của thấy cây mà không thấy rừng. Và bỗng như thể tới được quãng rừng thưa chim hót suối chảy: vậy thì, dường như, cuộc đời Ra-phần đờ Va-lăng-tinh chính là một trò đánh bạc, hay nói đúng hơn nữa, cuộc đời nói chung, rất có thể, chẳng là gì khác ngoài trò đổ bác.


Balzac và

Balzac có vô vàn mối quan hệ, như ta thấy ngay ở đề tặng các cuốn tiểu thuyết (và truyện ngắn). Cái nào cũng được đề tặng cho một ai đó: đó có thể là Delacroix, Chopin, Liszt, Berlioz, Hugo, etc. nhưng cũng có thể là một người nếu không có lời đề tặng của Balzac thì về sau sẽ chẳng còn ai biết đến. Balzac dựng cả một “gallery” song song với “gallery” gồm vô vàn nhân vật mình tạo ra. Nhưng không chỉ có vậy.

Balzac và Dostoievski

Balzac là thần tượng của Dostoievski, ít nhất là trong một quãng thời gian tuổi trẻ (thần tượng rất lâu dài và bền bỉ của Dostoievski phải tính là Schiller). Góp thêm cho điều này là chuyến Balzac sang Nga (và tới Saint-Petersburg), lúc Dostoievski còn rất trẻ: người tình của Balzac, như ta biết, là Bà Hanska, điều này khiến Balzac có sang Nga, hay nói đúng hơn, sang Đông Âu. Vốn dĩ Balzac không phải là người ưa du lịch, nhiều cảnh miêu tả những chỗ như ở Hà Lan khiến người ta phải sửng sốt, vì Balzac chưa đến đó bao giờ, nhưng tả rất chuẩn xác; vừa cưới Hanska xong, về lại Pháp thì Balzac qua đời. Trong niềm hào hứng tuổi trẻ, Dostoievski đã dịch một cuốn tiểu thuyết của Balzac, Eugénie Grandet. Về sau có người xem thử bản dịch của Dostoievski: chất lượng rất tệ.

Balzac và Oscar Wilde

Wilde có một câu nói thuộc vào hàng đỉnh cao trong lịch sử đọc Balzac (nhưng Wilde rất giỏi làm điều đó, phát ra những câu vô cùng khủng khiếp, tuy nhìn mặt thì Wilde không có vẻ gì có tiềm năng cho điều đó; mặt của Wilde rất “nạc”): Wilde nói một trong những sự kiện lớn nhất trong đời mình là Lucien de Rubempré chết. Đấy là nhân vật trong Illusions perdues và nhất là trong “Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ”. Lucien này còn nổi tiếng hơn Lucien của Stendhal (Leuwen) và quả thật đấy là nhân vật có cuộc đời quá mức hấp dẫn.

Balzac và Théophile Gautier

Balzac là người hiếm hoi hiểu ra từ sớm tài năng của Gautier, nhất là với cuốn tiểu thuyết Mademoiselle Maupin, và là người mở đường cho Gautier có thể đăng báo, để kiếm tiền.

Balzac và Stendhal, và Hugo

Quá dễ tìm hiểu, đề nghị google.

Balzac và Baudelaire

Còn rất trẻ, một lần Baudelaire trông thấy (từ xa) Balzac. Balzac đang ở trong một hội tụ tập hút hít, thuốc phiện, nha phiến, haschish gì đó. Baudelaire tả là Balzac có thử hút, nhưng chỉ tí ti. Cảnh tượng Balzac in một ấn tượng rất sâu đậm lên Baudelaire, một nhân vật vốn dĩ rất khó bị cái gì gây ấn tượng, vì lý tưởng của Baudelaire là dandy, gentleman kiểu Anh, rất lạnh lẽo và thản nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Balzac và Jules Barbey d’Aurevilly

Barbey d’Aurevilly ngày nay tương đối bị lãng quên, nhưng đó từng được mệnh danh là “mandarin” của văn đàn Pháp. Khi một cuốn tiểu thuyết của Barbey d’Aurevilly được in, Théophile Gautier reo mừng: từ khi Balzac chết đi giờ mới có một tiểu thuyết mạnh mẽ đến thế này.

Balzac và Alain

Triết gia Alain là một độc giả lớn của Balzac. Nhiều người đã biết Alain mê Bông huệ trong thung như thế nào, nhưng thật ra Alain mê nhất Một vụ việc ám muội (Une ténébreuse affaire) - mà chúng tôi sẽ in vào sang năm. Alain coi đó là cuốn tiểu thuyết vô song.

Balzac và Roland Barthes

Trong một học kỳ tại trường Cao đẳng Thực hành, Barthes đã cho các học trò của mình “băm nhỏ” truyện ngắn Sarrasine của Balzac. Sau đó rồi, Barthes viết lại thành một kiệt tác của phê bình văn chương thế giới, S/Z. Tuy nhiên, Barthes mê nhất Proust, Flaubert và Sade.

Balzac và Éric Rohmer

Với Nouvelle Vague (Làn sóng mới), mà ai cũng biết là quan trọng đến thế nào trong lịch sử điện ảnh (Truffaut, Godard, etc.), Balzac là nhân vật rất đinh. Jacques Rivette làm phim chuyển thể tiểu thuyết của Balzac, FerragusNữ công tước de Langeais, Truffaut để cho nhân vật của mình nằm ngủ úp lên mặt quyển Bông huệ trong thung, Rohmer quay sang hỏi một người khác, “Anh đã đọc Mặt bên kia của lịch sử hiện thời chưa?” giống Charlus hỏi người ta đọc Hết ảo tưởng chưa trong Tìm thời gian mất. Đặc biệt với Éric Rohmer, Balzac là nguồn dưỡng chất lớn. Từ quê nhà lên Paris để học chuẩn bị thi École Normale Supérieure, Rohmer đọc tuần tự hết Vở kịch con người.

Balzac và Alain Robbe-Grillet

Robbe-Grillet và Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) thì vô cùng bài trừ Balzac. Tuy nhiên, ngày nay chắc chắn người ta đọc Balzac nhiều hơn Robbe-Grillet; Céline gọi Robbe-Grillet là “Váy Cháy”, vì cái họ nếu viết theo âm đọc thì có thể trở thành “Robe Grillée”. Dẫu có vậy, Robbe-Grillet là một nhà văn thực sự lớn.

Balzac và Balzac

Và cuối cùng: cái họ “Balzac” từ đâu ra? ta biết họ của Balzac ban đầu là Balsa hoặc Balssa. Một phần nguyên nhân là vì muốn giống với một Balzac khác: Guez de Balzac, một nhân vật nổi tiếng vào thời thập thất thế kỷ (có thể google để tìm hiểu).




Có một câu nói có thể khiến người ta giật mình vì sự đơn giản và sự đúng của nó, đó là có hai cảm giác con người hơn cả, ấy là thất tình và thua bạc. Cảm giác đầu tiên thì quá phổ biến, có thể đến với bất kỳ ai, còn cảm giác sau thì không phải ai cũng từng đi qua. Hai cảm giác con người nhất đó một buổi tối nọ đã dồn tụ lại nơi một chàng thanh niên mà tư chất thì vẫn có thể nói là nhiều hứa hẹn, nhưng về tinh thần thì như là bỏ đi rồi. Trên gương mặt chàng phải tỏ ra những đau đớn ghê gớm đến mức nào mới đủ khiến cho những con ma xới bạc, lòng như không còn có thể động vì chuyện con người, có thể rùng mình khi thoáng nhìn thấy chàng bước chân vào chốn đỏ đen đó, cái chốn mà một là cho người ta lên mây, hai thì là nơi giúp đốt nốt những hi vọng cỏn con sau cùng một con người. Ngòi bút Balzac, ngay từ khi mở đầu Miếng da lừa, đã để lại những ám ảnh chạy suốt cho đến những trang cuối cùng.

Ra-phần đơ Va-lăng-tinh bước chân vào xới bạc không phải vì một phút bốc đồng. Nhìn lại cả một tuổi thơ bị người cha kiểm soát ngặt nghèo, lớn lên mới được tự do đôi chút thì lại rơi vào cảnh bơ vơ khi người cha qua đời, kéo theo rất nhiều những hệ luỵ xấu cho một tương lai ngay trước mắt. Thời điểm mới vào đời đó, cái lòng của chàng trai lại chỉ chực bốc lên ngùn ngụt vì những gái má phấn, lại bắt gặp ngay hoàn cảnh éo le, thiếu người thân thích, bạn bè hẻo lánh. Buổi khó khăn đó có thể tiêu diệt ý chí của bất kì ai, nhưng Ra-phần, rất đáng ngưỡng mộ, bắt mình phải sống một cuộc đời khổ hạnh và nghiêm ngặt, thật chỉ đủ sống cầm hơi mà lao vào lao động với hi vọng vượt thoát nghịch cảnh. Chuyện này cũng nhắc nhớ về một nhân vật khác của Balzac, Phê-lix trong Bông huệ trong thung, cũng đáp lại những hắt hủi của cuộc đời bằng một ý chí phi thường, những mong một ngày kia những bông hoa trí tuệ của mình sẽ khiến tất cả phải thán phục.

Giữa lúc đương sống cuộc đời ông thầy tu, vì sự dắt díu của một người bạn tên Ra-xĩ-ti-nhắc, Ra-phần bỗng sa chân vào vòng ăn chơi, bắt đầu cuộc chìm nổi trong vòng ái tình mà những khổ sở và cả sung sướng ngút ngàn đều do một “gái vô tình” gây ra, bá tước Phê-đô-ra. Chuyện tình (thật ra thì cũng không chắc là có thể gọi đây là một cuộc tình hay không) hầu như chỉ là chuyện hai người, dẫu cho Phê-đô-ra chưa khi nào thiếu người theo đuổi. Dẫu vậy nó gây ra những câu hỏi mà phải rất để ý, người đọc mới bắt đầu hơi nhìn ra được, chẳng hạn vì sao Ra-phần lại khổ sở như vậy, hay rốt cuộc Phê-đô-ra muốn gì? Về Ra-phần, không phải không bất ngờ khi, vào cái đêm chàng trốn trong phòng ngủ của nữ bá tước, cái người mà chỉ một ánh mắt cũng xua tan những căm hờn, giận dỗi của anh chàng si tình kia, rốt cuộc đã không có gì xảy ra. Ra-phần sau đó đã không ngần ngại thừa nhận, mình say mê, không phải là say mê cái tấm thân ngà ngọc nọ (Phê-đô-ra hẳn lúc đó cũng phải uất ức, tuy chỉ thốt lên vỏn vẹn “Ông này…”, biết rằng lúc nào cũng có cả một tập đoàn xin chết, mà nay một trong số đó lại khẳng định, không thèm). Người ta phải tin cái tâm sự đó của Ra-phần là thật, rằng không phải chàng nói vậy vì tự ái. Vì rõ ràng, Ra-phần đã luôn cư-xử vô cùng đúng mực trước nàng Bô-linh, một cô gái nhan sắc khác, lại hết lòng tôn thờ mình. Vậy cái gì là cái thiêu đốt Ra-phần?

Ra-phần, hay Phê-đô-ra, đã luôn luôn biểu hiện cho sự mình phản-đối lấy mình, một ý rất quan trọng được Balzac gọi tên ngay từ đầu. Đây là một cuốn truyện về những nhân vật mà với nhiều người là không thể hình dung (như Nguyễn Văn Vĩnh, khi tả về những cách ăn chơi của đám Ba ri đài các đã phải lược bỏ, vì ở đây không ai có thể biết được chúng là như thế nào), nhưng nó cũng chính là một cuốn truyện về “mình”, mà xuyên suốt nó không thiếu những dịp để người ta giật mình. Một ý làm sợi dây dẫn đường đó thôi cũng đủ kích thích độc giả “muốn” trở đi trở lại với Miếng da lừa, và rộng hơn, với ông béo Balzac.

Khác

Tags: Balzac