Đang

22-3-2023

Henry James viết tiểu luận

[Henry James viết tiểu thuyết, Henry James viết truyện ngắn - trong đó có cả nhiều truyện ma, Henry James viết các récit de voyage cũng như nhiều chronicle; nhưng Henry James cũng viết tiểu luận.

James the essayist là một phương diện quan yếu nếu thực sự muốn nhìn vào sự mênh mông trước tác của nhân vật đặc biệt lớn của văn chương ấy.

Dưới đây là Henry James nói về phê bình văn học.]


Phê bình

Nếu có thể nói phê bình văn học nở rộ trong xã hội thì chắc chắn nó đang nở rộ một cách huy hoàng, vì nó tuôn tràn trong những ấn phẩm báo chí định kỳ như một dòng sông vỡ đê. Số lượng bài phê bình nhiều không đếm xuể và nó là thứ hàng hóa mà nguồn cung chắc chắn dồi dào đến mức chẳng bao giờ thiếu dù cầu có thể ước lượng được. Thứ gây ấn tượng trước hết với người quan sát, trong một sự phong phú như vậy, là tỉ lệ khó ngờ giữa những gì được nói ra và các đối tượng được nhắc đến - quá thiếu ví dụ, minh họa và tác phẩm, và quá nhiều lý luận bị bỏ lửng; quá nhiều bàn tán và quá ít thử nghiệm, về cái người ta có thể gọi là sự dẫn dắt văn chương. Điều này quả thật không hề bất thường ngay khi chúng ta nhìn vào những điều kiện của báo chí hiện tại. Và rồi chúng ta nhận thấy những điều kiện này đã làm nảy sinh hoạt động “điểm sách” - một hoạt động nhìn chung chẳng có gì tương đồng với nghệ thuật phê bình. Văn chương thời vụ [định kỳ] là một cái miệng mở lớn luôn luôn đòi được ăn, một con tàu tải trọng khổng lồ cần được chất đầy. Nó giống như một đoàn tàu định kỳ khởi hành theo giờ đã thông cáo nhưng lại có thể thoải mái xuất phát ngay khi tất cả các ghế đều có khách ngồi. Ghế thì nhiều, còn đoàn tàu thì dài, và nó dẫn đến việc tạo ra hình nộm cho những khi vắng khách. Một hình nộm nhồi rơm được nhét vào ghế trống, tạo ra dáng vẻ con người có thể tin được cho đến hết hành trình. Nó trông giống như một hành khách, và người ta sẽ chỉ biết không phải vậy cho đến khi nhận ra nó chẳng nói chẳng rằng. Người gác tàu sẽ đến chỗ hình nộm khi tàu dừng lại, thổi bay lớp bụi bám trên mặt gỗ và tạo cho nó một dáng vẻ khác để chuẩn bị cho chuyến tàu sau. Theo cách nhìn này, trong những ấn phẩm báo chí định kỳ được bố cục tốt, những khối remplissage[1] ấy chính là những hình nộm của phê bình - những đợt sóng nhấp nhô theo quy luật của con triều bình luận. Chúng có lý do để hiện hữu, và mọi chuyện trở nên đơn giản hơn khi chúng ta tri nhận được điều này. Nó giúp giải thích tỉ lệ chênh lệch mà tôi đã nói đến, cũng như, trong rất nhiều trường hợp, chất lượng của lời lẽ đặc thù. Nó giúp chúng ta hiểu rằng “những bộ phận của dư luận” ấy phải vừa phong phú vừa kịp thời, việc xuất bản phải duy trì tiêu chuẩn cao của nó, rằng các quý bà và quý ông có thể kiếm tiền lương thiện bằng cách không lãng phí giấy mực. Nó cho chúng ta sự mường tượng về con số lớn có thể đạt được nhờ tất tật số tiền lương thiện được tích lũy theo nguyên cớ ấy, và ném chúng ta vào ánh hào quang rực rỡ trước sự tiến bước của nền văn minh và cách thức chúng ta sắp xếp các tiện nghi của mình. Từ điểm nhìn này, nó quả thật có thể tiến xa đến mức khiến chúng ta mê say về thời đại của mình. Còn toan tính nào hơn thế để khơi gợi cảm hứng cho chúng ta với sự tự mãn chính đáng hơn hình ảnh của một ngành mới và phát triển, một nền kinh tế sản xuất tốt? Nghề viết bài điểm sách vinh quang ấy, trong sự phô trương ồn ào của nó, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngày càng khỏe mạnh, có nhiều đặc tính khiến người ta vô tình có sự ngưỡng mộ với sự nghiệp thành công.

Nhưng không thể phủ nhận rằng có một số người hay soi mói nhất định không bị cuốn hút bởi cảnh tượng đó, những người nhìn nó với nhiều nghi ngại, những người nhìn thấy đích đến lờ mờ của nó và những người thấy không có gì hơn để nhìn ngay cả dưới ánh sáng rực rỡ (về bản thân nó, tinh thần của nó và mục đích của nó, trong số những thứ khác) rằng cảnh tượng ấy được cho sẽ trở nên phổ biến. “Có thứ ánh sáng rực rỡ như vậy thật hay không?”, chúng ta có thể nghĩ đến những người hoài nghi sốt ruột nhất sẽ hỏi, “và chẳng phải tác động của nó đúng hơn là một sự u ám tự mãn và không ích lợi nào đó sao?”. Sự kết hợp nở rộ giữa lối điểm sách tùy tiện này và hệ thống xuất bản kỳ diệu của chúng ta đã giúp phổ biến sự dung tục, sự thô thiển, sự ngu ngốc trên quy mô lớn đến vậy có thể trình hiện, trong tâm trạng như vậy, như một phát kiến chưa từng có cho ý đồ đen tối. Tinh thần hoang mang ấy có thể băn khoăn, mà không có lời đáp nhanh chóng, Chức năng có tính định kỳ vô nghĩa và không liên quan như thế là gì trong đời sống con người? Một tinh thần như vậy sẽ tự nhủ làm thế nào nó tồn tại được trong đời sống con người, và xét cho cùng, điều quan trọng hơn, văn chương kháng cự nó thế nào; quả thật văn chương có thật kháng cự được nó và không nhanh chóng bị nó nhấn chìm xuống dưới hay không. Những dấu hiệu của thảm họa này sẽ không thuộc vào số những gì chúng ta cho là quá kín đáo không thể nhận ra - sự thất bại về chất lượng, sự thất bại về phong cách, sự thất bại về hiểu biết, sự thất bại về suy nghĩ. Vì thế trường hợp này cần được thừa nhận một cách cay đắng rằng nó là thứ cho thấy chúng ta đang phải trả giá rất lớn cho việc phổ biến lối viết và cơ hội đó; rằng việc nhân bội sự ủng hộ lối viết huyên thuyên ấy có thể gây chết người như một bệnh dịch; rằng văn chương tồn tại về cốt yếu, trong chiều sâu thiêng liêng của sự hiện hữu của nó, dựa trên sự tôi luyện hoàn hảo và mẫu mực; rằng, như các sinh vật nhạy cảm khác, văn chương dễ mất tinh thần, và rằng chẳng có toan tính nào tốt hơn phương pháp giáo dục vô trách nhiệm khiến văn chương bịt tai và ngậm miệng. Ngây thơ và thiếu hiểu biết về văn chương chính là lấy đi không khí và ánh sáng của nó, và hậu quả sự kết bạn xấu ấy chính là việc nó mất nốt cả trái tim. Tất nhiên, chúng ta có thể tiếp tục nói về nó rất lâu sau khi bản thân văn chương đã buồn chán đến chết, và dường như đây chính là cách mà con cháu chúng ta sẽ nghe về nó. Tuy nhiên, chúng sẽ chấp nhận sự tiêu biến của nó.

Tôi biết rõ đây là một kết luận bi quan, và tôi không giả vờ nói về nó một cách vui vẻ. Nhiều nhất tôi có thể nói là có những thời điểm và những địa điểm mà văn chương gây ấn tượng đỡ tuyệt vọng hơn những thời điểm và địa điểm khác. Một trong những địa điểm ấy là Paris, và một trong những thời điểm ấy là việc sống thoải mái ở đó. Phong cách bình luận thô-nhưng-thật không bám rễ sâu với người Pháp như chúng ta, và hệ quả, theo tôi, có giá trị phê bình cao hơn nhiều. Phê bình được xem là một nghệ thuật khó nhất, tinh tế nhất, tùy hứng nhất; và chất liệu của nó tùy thuộc vào sự chắt lọc và hạn chế. Nghĩa là, dẫu người Pháp có luôn đúng về những gì họ bình luận hay không, họ vẫn gây ấn tượng với tôi rằng họ không sai với những gì không bình luận. Họ xuất bản hàng trăm cuốn sách hoàn toàn không được bình luận, vậy nhưng họ vẫn là những người làm sách tốt hơn chúng ta rất nhiều. Cần thừa nhận số lượng như vậy chẳng hề liên quan đến cảm quan phê bình, rằng chúng không thuộc về văn chương, và rằng việc sở hữu cảm quan phê bình ấy chính xác là thứ khiến người ta không thể đọc chúng và ngán ngẩm nói về chúng - đặt chúng, như một phần của kinh nghiệm phê bình, ra ngoài sự quan tâm. Cảm quan phê bình ấy, ở Pháp, ne se dérange pas[2], đúng như thế, đến chuyện nhỏ như vậy. Mặt khác, không ai phủ nhận rằng, một khi bắt đầu chuyển động, nó sẽ đi xa hơn cảm quan phê bình chúng ta. Nó xử lý chủ đề nhìn chung tinh tế hơn. Sự thẳng thắn của chúng ta, như những công cụ xúc giác cho một quá trình nhạy bén, đôi lúc vẫn gây ngạc nhiên, ngay cả khi thường xuyên được thể hiện. Chúng ta lầm lũi ra vào công việc như thể đó là một trạm xe lửa - thứ dễ nhất và phổ biến nhất của nghệ thuật. Trên thực tế, nó lại là phần phức tạp nhất và đặc thù nhất. Cảm quan phê bình không còn phổ biến đến mức nó tuyệt đối hiếm, và việc sở hữu một nhóm những phẩm tính phục vụ cho nó là một trong những khác biệt lớn nhất. Đó là một món quà quý và đẹp vô giá; vì thế, không cần phải nghĩ rằng nó sẽ được chuyển qua tay quá nhiều người, người ta biết rằng họ sẽ chỉ phải đứng ở quầy một tiếng để xem việc đó diễn ra thế nào với đồng bạc giả. Chúng ta có quá nhiều giảng sư nhỏ; thế nhưng tôi không những không đặt vấn đề về tính thiết thực của phê bình trong văn chương, mà tôi còn muốn nói rằng vai trò của nó có thể là tuyệt đối hữu ích khi khởi phát từ những nguồn sâu xa, từ sự kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm và nhận thức. Từ góc độ này, người ta nhận thấy nhà phê bình là người trợ giúp đúng nghĩa cho nghệ sĩ, một người mở đường, người diễn giải, người anh em. Càng lưu ý về giọng điệu ấy và càng ghi nhận phương hướng ấy chúng ta sẽ càng hưởng lợi từ một nền văn chương phê bình. Khi người ta nghĩ về trang bị cần thiết cho công việc tự do theo tinh thần này, người ta phải sẵn sàng gần như tỏ lòng kính trọng với trí tuệ đã đưa ra nó; và khi người ta coi nhân vật danh giá ấy được trang bị hoàn thiện - được trang bị cap-à-pie[3] với sự hiếu kỳ và đồng cảm - người ta sẽ yêu ngay dáng vẻ ấy. Nó chắc chắn là hình tượng của chàng hiệp sĩ đã quỳ gối trong suốt cuộc gác đêm và có lòng sùng kính khi thực hiện công việc của mình. Vì có điều gì đó cần hy sinh trong nhiệm vụ của anh, bởi vì anh tự coi mình là hòn đá thử chung. Tận lực, hướng hết tâm trí và dốc hết sức lực, để cảm nhận và cảm nhận đến khi anh hiểu, và để hiểu rõ đến mức anh có thể nói, để có nhận thức về mức độ dục vọng và ấn tượng bao quanh như không khí; để tò mò khôn nguôi và kiên định không gì lay chuyển, nhưng vẫn mềm dẻo và dễ kích động và quyết đoán, hạ mình để chinh phục và tiến hành chỉ đạo - đây là những cơ hội tốt cho một tinh thần chủ động, những cơ hội để bổ sung ý tưởng về vẻ đẹp độc lập cho quan niệm của sự thành công. Nhà phê bình là một công cụ giá trị chỉ khi anh ta có sự cân bằng giữa cảm tính và háo hức, sự cân bằng giữa phản ứng và hồi đáp và thấu suốt; vì trong văn chương phê bình chắc chắn  nhà phê bình, cũng như nghệ thuật là nghệ sĩ; điều chắc chắn là nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật và nhà phê bình sáng tạo phê bình, chứ không phải ngược lại.

Và với những kiểu phê bình ấy cũng tương tự như trong các kiểu nghệ thuật - kiểu tốt nhất, kiểu duy nhất đáng nói đến, là kiểu khởi sinh từ kinh nghiệm thật nhất. Về tổng thể vấn đề, có cả trăm yết thị đang được dán ngoài nhà và dường như tồn tại vì sự tiện lợi của những người ngang qua; thế nhưng nhà phê bình lại sống trong nhà, lần mò qua vô số căn phòng của nó, không biết đến những yết thị bên ngoài. Anh ta chỉ biết rằng mình càng có nhiều ấn tượng, thì càng có thể ghi lại nhiều hơn, và rằng càng đắm chìm, anh bạn tội nghiệp, anh ta càng có thể viết ra nhiều hơn. Cuộc đời của anh ta, ở mức độ này, là quả cảm, vì anh ta phải làm thay cho người khác. Anh ta phải hiểu thay cho người khác, phải trả lời thay cho họ; anh ta luôn luôn phải sẵn sàng. Anh ta biết rằng toàn bộ vinh quang của công việc, với anh ta, ngoài sự thành công trong mắt mình, phụ thuộc vào việc quỵ lụy không biết mệt của mình, và đó là một nhiệm vụ kinh khủng. Tuy nhiên, tôi xin phép không đề cập, như thể công việc của anh ta là một việc làm thường nhật có ý thức, bởi cảm giác nỗ lực rất dễ bị mất đi trong sự háo hức của trí tò mò. Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng có những lúc căng thẳng bởi nó gắn kết mật thiết với cuộc đời. Sự mật thiết ấy của nhà phê bình, trong văn chương, được gắn kết gấp đôi, bởi anh ta phải ứng xử cả gián tiếp lẫn trực tiếp với cuộc đời; nghĩa là, anh ta xử lý kinh nghiệm của người khác, mà anh ta hòa trộn thành của mình, và không phải với những kinh nghiệm được sáng tạo và chắt lọc của nhân vật được tiểu thuyết gia thoải mải tạo ra, mà với đám tác giả không khoan nhượng đó, lũ nhóc ồn ào của lịch sử đó. Anh ta phải làm chúng sống động và thoải mái như tiểu thuyết gia làm với những con rối của mình, thế nhưng anh ta, như ngạn ngữ vẫn nói, phải bằng lòng với những gì mình có. Chúng ta phải thông cảm với anh ta nếu hình dung đó, ngay cả khi mục đích thực đã được thấu suốt, đôi lúc lộn xộn, bởi luôn luôn có những chủ đề khó hiểu và những chủ đề khó nhằn; và chúng ta bù đắp mọi thứ cho anh ta bằng sự kính trọng thuần khiết đặc biệt của mình khi chân dung ấy, giống như những chân dung thích hợp của nghệ thuật khác, thực sự là một văn bản được lưu giữ bằng sự dịch.

1891

Lê Ánh dịch


[1] Lấp đầy (tiếng Pháp trong nguyên bản).

[2] Không quan tâm (tiếng Pháp trong nguyên bản).

[3] Từ đầu đến chân (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Tags: Henry James