Grand Siècle

22-3-2023

Voltaire, 18 & 17

Thật kỳ lạ, vì ở Việt Nam, nơi hay được miêu tả là thấm đẫm nhiều thứ của Pháp, kiến trúc, văn hóa, đồ ăn và cho đến cả các từ ở trong tự vị, Le Grand Siècle, tức là thế kỷ 17, cái thế kỷ làm nên nước Pháp, lại không mấy hiện diện. Phải đến khi các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh quay trở lại (xem những gì Xuất bản Khác đã in trong nửa cuối năm vừa rồi, 2022: xuatbankhac.com/dat-sach/), thì điều hiển nhiên ấy mới hiện ra một cách rõ nét. Bởi vì, cuối cùng thì Nguyễn Văn Vĩnh vẫn cứ là người duy nhất - cách đây đã một thế kỷ - thực sự nhìn được vào thế kỷ ấy (Molière, Fénelon, Lesage, etc.).

Nguyễn Văn Vĩnh, như vậy, không chỉ khiến chúng ta nhìn thấy lại nhiều điều, những gì từng xảy ra trong một thực tại đã bắt đầu xa xôi và dần trở nên mù mờ, mà còn dẫn đường, mở ra một perspective: những gì thực sự có ý nghĩa đều làm được như vậy.

Bắt đầu cuộc nhìn vào thế kỷ 17 của văn chương Pháp bằng Voltaire, đó là một nghịch lý: Voltaire là con người của thế kỷ 18, thậm chí thế kỷ 18 của nước Pháp còn mang một biệt hiệu: Thế kỷ Voltaire. Người ta sẽ nói, tiếng Ý là ngôn ngữ của Dante, tiếng Anh là ngôn ngữ của Shakespeare, tiếng Đức là ngôn ngữ của Goethe - cùng sơ đồ ấy áp dụng vào cho tiếng Pháp thì nan giải hơn nhiều, một phần vì người Pháp cãi nhau liên miên (người ta sống để cãi nhau hay cãi nhau để sống - để nhại Molière), một phần vì vị trí tương ứng với những Dante, Shakespeare và Goethe có thể thuộc về nhiều hơn một nhân vật: Rabelais chẳng hạn, hay thậm chí Hugo. Nhưng, có thể chắc chắn một điều, tiếng Pháp hay được gọi là ngôn ngữ của Voltaire hơn cả.

Voltaire (và cả Rousseau) đặc biệt quan trọng còn vì ý nghĩa đối với cuộc Cách mạng 1789 xảy ra không lâu sau đó (tức là sau khi Voltaire qua đời): đây là một trong những nhân vật chuẩn bị nhiều hơn cả cho cuộc cách mạng ấy, trên nhiều phương diện.

Và Voltaire là một scandal: tác phẩm thời ban đầu, Lettres philisophiques, hồi thập niên 30 của thế kỷ 18, là một scandal đúng nghĩa. Kể cả cho đến ngoài 40 năm sau đó, khi vinh quang của Voltaire đã lên đến mức tột đỉnh, thì vẫn có cái gì đó ở con người ấy (Arouet) lúc nào cũng chực gây scandal.

Là một triết gia vào thế kỷ 18 đồng nghĩa với một công việc rất nguy hiểm. Một philosophe của giai đoạn ấy gần như không có điểm gì chung với hình dung quen thuộc về những con người trầm tư, lặng lẽ, sâu sắc, thấu hiểu. Voltaire đặc biệt hoạt bát (và thuộc vào số những người viết nhiều thư nhất trong lịch sử), và gây khó chịu vô cùng. Đặc biệt, “philosophie” vào thời ấy còn muốn nói nhiều điều khác: sự suy đồi (nhất là trong đối kháng với Ancien Régime đang đi tới hồi kết không thể cứu vãn của nó), và kể cả muốn nói sách cấm. Những cuốn sách gọi là livre philosophique hoàn toàn có thể là sách mà đội quân mật thám của cảnh sát truy đuổi ráo riết. Rất nhiều philosophe từng bị tống vào nhà ngục Bastille mà viên giám đốc ở thời điểm 14 tháng Bảy năm 1789, de Launay, vô cùng nổi tiếng.

Sách cấm, nhưng cũng cả best-seller, từ khi từ ấy còn chưa xuất hiện. Một best-seller lớn của Voltaire là Le Siècle de Louis XIV. Chúng ta sẽ dùng đúng cuốn sách này, Thế kỷ Louis XIV, để bắt đầu chuyên đề “Grand Siècle”: đó là thế kỷ của bi kịch - và hài kịch -, của sự tranh cãi khủng khiếp xem có cần bắt chước người xưa (Modernes vs Anciens) hay không, nhưng đó cũng là thế kỷ của vua Louis XIV: nói ngắn gọn, quân chủ chuyên chế.

Một người như Voltaire nhìn vào một thế kỷ như thế kỷ 17, chỉ riêng điều này thôi đã nhiều ý nghĩa. Thêm nữa, Voltaire, hiện thân cho tinh thần của thế kỷ 18, nhiều khi ta nhận ra con người ấy hẳn sẽ chọn thế kỷ 17 để sống, nếu được chọn.

Voltaire và Thế kỷ Louis XIV cũng là - đây là lần đầu tiên ở Việt Nam - cách để giúp Voltaire thoát khỏi chỉ riêng một vai trò xét cho cùng hết sức chật hẹp: vai trò tác giả của những câu chuyện luân lý và tinh quái nhiều khi lấy cảm hứng từ tận Trang Tử bên Tàu. Voltaire cần được nhìn nhận trong những công việc khiến Voltaire mất nhiều thời gian nhất để thực hiện, trong cuộc đời mình. Đó là Voltaire sử gia, đó cũng là - điều này rất hiển nhiên - Voltaire triết gia.

Cao Việt Dũng