Khác Đọc

Đọc Một dấu hiệu của tình yêu

Ký ức lần đầu biết đến Nguyễn Thu Thủy là qua cuộc phỏng vấn với Linda Lê trong chuỗi hành trình châu Âu của cô. Trong bài viết đó, không chỉ những đoạn đối thoại có liên quan đến văn chương, mà nữ tác giả cũng tái tạo lại những sự im lặng và cái xâm chiếm đến từ bên ngoài. Im ắng từ chỗ nhân vật đang ngồi với vẻ phòng thủ. Im lặng từ thứ màu đen phả khắp không giản… Từ đó biết tác giả, nhưng cũng đã muộn.

Một dấu hiệu của tình yêu là tập sách đầu tiên có dịp trải nghiệm với nữ tác giả. Trong im có động, và sự lắng nghe “giọng nói” của Nguyễn Thu Thủy từ nhiều năm trước như cũng ùa về ở cuốn sách này. Tác giả năng động ở nhiều địa hạt, từ báo chí, văn chương, kịch bản phim… cho đến đôi khi là những status trên mạng xã hội. Ở cô có nhiều nghịch lý, mà như một ý cô đã viết về, rằng mình làm người lớn mãi thì cũng chẳng xong.

Không biết ngẫu nhiên hay là cố tình mà bài viết đầu sách Bài học từ con ốc sên lại tương đối đúng và có thể là một cái tựa chung, bao quát hết mọi văn bản ở phía sau đó. Trong cấu phần này Nguyễn Thu Thủy viết về những nghịch lý, rằng thứ tuyệt diệu cũng có thể đến từ nỗi e sợ, và những dấu vết trong cuộc hành trình mà sinh vật đó để lại cũng chính là những hữu hình ta có thể thấy. Do đó dễ dàng nói rằng văn chương cũng là dấu vết mà cô để lại. Ở đó ta thấy một người chân thật, sống động và cũng đôi khi lại rất mẫn cảm.

Trong những xã luận đầu sách, Nguyễn Thu Thủy rất hăm hở đi vào các đề tài xã hội. Từ chuyện đàn bà, hôn nhân đến siêu hình hơn, thời gian - không gian và những trăn trở của đời thường nhật. Mượn những hình tượng có phần dung dị, Nguyễn Thu Thủy nói về những suy tư mình đã trải qua, và biến nó thành nhẹ nhàng nhưng không dễ có. Phần lớn chủ điểm đòi hỏi ta phải “tri chỉ tri túc”, biết vừa biết phải, như đó là điều không dễ có được trong cuộc đời này.

Con người chạy đua, lao đi và rồi sợ hãi cũng tỉ lệ thuận như là sợi tóc. Họ không chờ ai và lại gây ra những sự thử thách. Phần này rồi sẽ tiếp nối với những phần cuối, khi những lần chia sẻ cùng những bè bạn trên mạng xã hội, nơi con người cá nhân nhất hiện ra với những danh sách cuốn sách nên đọc, với những ký ức về nơi nước Nga… và có đôi khi là tips hướng dẫn cho việc kinh doanh… Như chính tác giả cũng có lần nói, một vật gì đó khi đã tồn tại trên cõi đời này thì đều có hai giá trị là thật và ảo. Ảo nếu mang đến được tác động tốt thì còn ổn hơn thứ thật-vô-nghĩa, và có lẽ thế mà cô cho mình tự do trên không gian đó.

Nguyễn Thu Thủy mang cho ta cảm giác như cô có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi vấn đề và các câu chuyện. Nhưng cô cũng rất thường trực tránh xa nơi đó. Như câu trả lời một cuộc phỏng vấn, việc đăng quang hoa hậu cho cô nhiều thứ ngang bằng với những gì bị lấy đi. Do đó, việc ở trên mạng xã hội dường như không phải là cách để cô truyền đi một điều gì đó quá là khác biệt, mà là học cách nhìn những sự khác biệt từ đó tôn trọng mọi người, để rồi tin chắc nó sẽ cho ta những thứ quý giá.

Với sách, với văn chương, dường như Nguyễn Thu Thủy có một tình yêu lớn với kho tàng này. Cũng như là sự im lặng cô từng thấy ở Linda Lê, sách là sống động, và nó đôi khi cũng dễ chơi khăm những người tìm nó. Như những ký ức về các chuyến đi race, hình ảnh cô nói về một chuyến xe chở đầy những sách là hạnh phúc nhất mà cô có được… rồi sẽ ở mãi trong đầu người đọc, bởi lẽ chẳng có điều gì tuyệt diệu hơn thế.

Từ sách và những trải nghiệm của bản thân mình, Nguyễn Thu Thủy có cách nhìn thiên nhiên tương đối khác lạ. Nó vừa đẹp đẽ như “những người dân tộc khi gặp chuyện không vui thì một mình đi vào rừng, nói hết lòng mình cho cây nghe, nhẹ nhõm rồi thì trở về, không vướng bận gì nữa. Họ biết dựa vào thiên nhiên một cách bản chất và thân tình, nương theo nó mà không cố công cải tạo hay chế ngự”, nhưng cũng đôi khi trở nên mong manh trước cây trước cỏ và những bí ẩn của lửa, của mối, của nước.

Thiên nhiên và những chấm phá cũng là nguồn cơn cho những truyện ngắn như Chuồn chuồn mang bít tất và Bốn căn phòng. Vì sao lại là bít tất? Vì là ký ức về một bà lão luôn luôn thân thiện dù có là trong trường hợp nào nữa. Trong đó cô viết: “Cái thế giới mà nhà văn ấy tạo ra, nơi có bà già đi bít tất, có trẻ con hiểu tiếng động vật, là một thế giới quy củ, mọi người và mọi vật đều phải biết chỗ của mình, mọi sự vi phạm đều phải trả giá rất đắt. Nhưng đó cũng là thế giới kỳ diệu nhất mà người ta từng tạo ra được.”

Tính nhân văn ấy và sự đẹp đẽ ấy dường như đến từ những GiamiliaCây phong non mà cô đã đọc được khi mình còn nhỏ. Cũng như những cái cây ấy, con người chen chúc như là những lá kim để mà tồn tại. Ở đó điều quan trọng nhất là sự cân bằng cũng như thể trạng đối xứng tuyệt đối như là chuồn chuồn. Loài sinh vật ấy như là phúc lành từ những ơn trên, nơi “chủ thể là uy quyền”, tưởng như đã có tất cả nhưng cũng đôi khi “cân bằng là bản án chứ không phải là ân sủng”. Điều này lại sẽ dẫn đến mong ước vừa đủ mà cô nhiều lần nói trong status của mình. Trạng thái khó đạt được ấy nhưng đầy đẹp đẽ.

Sự đối xứng ấy không chỉ thấy được ở Chuồn chuồn mang bít tất với căn nhà – hàng cây đối xứng, với người phụ nữ và nhân vật chính trông từa tựa nhau; mà còn được thấy ở Bốn căn phòng, nơi vợ chính thất và cô hầu phòng mà ta không thể rõ được là thực hay hư. Liệu họ là sự ám ảnh lẫn nhau hay chính là hai tâm hồn hoàn toàn khác biệt? Nguyễn Thu Thủy đẩy người đọc đến mức cực hạn vì sự dồn nén, để trong những hơi thở gấp, ta cũng hoang mang không biết liệu mình vừa vượt quá ngưỡng những gì xứng đáng được hưởng, hay là thật ra không có quyền gì để kiểm soát nó?

Bốn căn phòng là truyện ngắn đậm đặc tính nữ, và cũng tương tự như Chuồn chuồn mang bít tất, nó mang một chút nào đó câu chuyện của bản thân Nguyễn Thu Thủy, mà cô sẽ bộc lộ sau này ở phần cuối sách. Cả cuốn sách này được viết ra bởi tình yêu, và phía ngược lại, nó cũng là những dấu hiệu để giải mã Nguyễn Thu Thủy. Từ những xã luận, góc nhìn và các luận bàn, ta sẽ lại thấy chúng trong văn bản mang tính hư cấu, và rồi lại được hiểu thêm về một con người.

Đó là còn chưa kể đến kịch bản nhắng nhít và đậm chất kịch mà cô viết ra - một loại văn bản tới nơi tới chốn với những đặc tính bao gồm làm quá và các tình tiết rồi sẽ nối nhau cho đến vô cùng. Tuy vậy vẫn có một mảnh hồn cô ở đâu trong đó, và những người phụ nữ, hay là chính cô, đều chứa trong mình một sự cô độc.

Như cô nói rằng mỗi lúc đi chạy ngang cái cây cô độc, cô lại thấy nó có niềm vui riêng, từ đó ai nhìn thấy nó thì cũng vui theo. Hóa ra niềm vui đơn giản như thế, đến gần tự nhiên đến thế, nhưng nó rồi chỉ xảy ra trong chiều kích khác, nơi cô vừa chạy và vừa suy ngẫm. Ở đó loại bỏ hết mọi yếu tố trần tục, con người được dấn sâu hơn vào bản thân mình, từ đó tham chiếu và các phản ảnh bắt đầu hiện ra. Tận cùng chữ nghĩa cho đến sau cùng là tìm thấy mình, dù là ở đâu và vào lúc nào, và cũng lúc đó, tình yêu bắt đầu.

Ngô Minh.

Tags: Tử Yên Nguyễn Thu Thủy Ngô Minh