Khác Đọc

Kannitverstan

Con người hoàn toàn có thể sở hữu cơ hội ngày ngày, ở Emmendingen và Gundelfingen cũng như tại Amsterdam, nhìn nhận được về tính cách phù du của mọi sự trên đời, nếu anh ta muốn, và tự thỏa mãn với số phận của mình, ngay cả khi đối với anh ta không trung không được vạch ngang dọc bởi lũ chim bồ câu đã rô ti sẵn. Nhưng thông qua đường vòng kỳ quặc nhất mà, xuyên qua nhầm lẫn, một thợ thủ công người Đức đã đạt tới, ở Amsterdam, sự thật, và ý thức được về điều đó. Bởi khi ông đến thành phố thương mại lớn và giàu có ấy, đầy những ngôi nhà tuyệt vời, những con thuyền đung đưa trên sóng, và những con người bận bịu, ngay tức khắc ông đã bị choáng váng khi thấy một ngôi nhà lớn và đẹp như ông còn chưa thấy trong suốt chuyến đi của mình từ Duttlingen đến Amsterdam. Thật lâu, ông kinh ngạc ngắm nhìn tòa nhà lộng lẫy đó, sáu ống khói của nó trên mái, các bo viền đẹp cùng những cửa sổ cao, to hơn cả ở chỗ ông cửa nhà bố ông. Rốt cuộc, ông không thể tự ngăn mình bắt chuyện với một người đi ngang qua. “Bạn thân mến”, ông nói với người đó, “anh có thể nói cho tôi biết tên của cái ông sở hữu ngôi nhà tuyệt diệu kia không, với những cửa sổ trồng đầy hoa tuy líp, thủy tiên, quế trúc?” Nhưng người kia, có khả năng là đang có những việc quan trọng hơn để làm, và bất hạnh thay lại hiểu tiếng Đức chính xác ở mức người đặt câu hỏi hiểu tiếng Hà Lan, tức là chẳng hiểu chút gì, đáp ngắn gọn, giọng rất sẵng, “Kannitverstan”; rồi đi tiếp. Ấy là một từ Hà Lan, hoặc ba, nếu nhìn nó kỹ hơn, và muốn nói: “Tôi không biết.” Nhưng người ngoại quốc trung hậu của chúng ta tưởng đâu đó là tên của cái người mà ông muốn biết. “Chắc đấy phải là một người may mắn lắm, cái ông Kannitverstan kia”, ông vừa tự nhủ vừa tiếp tục đi. Qua hết ngõ này tới ngõ khác, ông tới vịnh tên là “Het Ey”, nghĩa là “I Hy Lạp”. Tại đó, tàu đậu san sát, cột buồm tua tủa; và thoạt tiên, ông không biết bằng cách nào, chỉ với cặp mắt của mình, có thể làm được cái việc là thấy và ngắm cho đủ tất tật những báu vật kia, cho tới khi một con tàu lớn, vừa từ Đông Ấn đến và đang được dỡ hàng thu hút sự chú ý của ông. Nhiều dãy dài hòm xiểng cùng thùng bao đã được chất đống trên mặt đất, sát cạnh nhau. Người ta vẫn chở thêm ra nhiều hòm và thùng nữa từ con tàu, rồi thì những thùng tô nô đựng đầy đường và cà phê, đầy gạo và hạt tiêu và, xin thứ lỗi, cứt chuột. Nhưng lúc, sau khi đã nhìn thật lâu, rốt cuộc ông hỏi một người, đang vác một cái thùng trên vai, tên của con người may mắn được biển mang vào đất liền tất tật các hàng hóa kia. Câu trả lời: “Kannitverstan.” Thế là, ông tự nhủ: “Ái chà, mình hiểu rồi! Thật không có gì đáng ngạc nhiên, cái người được biển mang đến cho ngần ấy của cải thì cũng phải khiến mọc lên trong thế giới những ngôi nhà như thế, với những bông tuy líp như thế trước các cửa sổ, trồng trong các chậu mạ vàng.” Vậy là, ông quay đi và nảy ra những ý nghĩ thật buồn, vì ông là một kẻ nghèo giữa biết bao nhiêu người giàu có trên đời. Nhưng đúng vào lúc ông tự nhủ: “Giá như một ngày kia mình cũng có được cuộc đời dễ dàng như cái ông Kannitverstan ấy”, thì ông đi vào một phố ngang và trông thấy một đoàn đưa tang lớn. Bốn con ngựa phủ vải đen kéo một cỗ quan tài cũng phủ đen, chậm rãi và buồn bã, như thể chúng biết là chúng đang đưa một người chết tới nơi yên nghỉ của ông ta. Đi theo sau là một hàng dài bạn bè cùng những người quen biết của quá cố nhân, cứ hai người một, mặc những cái áo khoác đen, và câm lặng. Phía xa, có thể nghe thấy tiếng một cái chuông nhỏ đơn côi. Thế là người ngoại quốc liền thấy ập lên mình cảm giác hoài nhớ, giống mọi người tốt đều vẫn vậy những khi nào ở trước một người chết và, mũ bỏ ra cầm tay, ông đứng đó bồi hồi cho đến lúc tất cả mọi người đi qua hết. Nhưng ông tiến lại gần người đi cuối trong dãy dài kia, đúng vào lúc người đó đang nhẩm tính trong đầu xem bông của ông ta sẽ mang lại cho ông ta bao nhiêu tiền lời nếu mỗi quintal tăng thêm 10 gulden, ông nhẹ tay níu áo khoác của người đó và ân cần xin được thứ lỗi: “Chắc chắn đó cũng từng là một người bạn tốt của ông, ông nói, cái người đang được chuông gọi kia, bởi vì ông đi cùng ông ấy với một dáng điệu buồn bã và chăm chú đến thế.” - “Kannitverstan!” ông ta đáp lại ông. Thế là, vài giọt nước mắt lớn trào ra từ cặp mắt con người trung hậu Duttlingen của chúng ta, và đột nhiên ông thấy lòng nặng trĩu, rồi lại nhẹ nhõm: “Kannitverstan khốn khổ, ông kêu lên, giờ đây còn lại với ông những gì từ sự giàu có? Cùng một thứ mà một ngày kia tôi cũng sẽ giành được trong sự nghèo khổ của tôi: một bộ quần áo khâm liệm cùng một cái quách, và từ tất tật những hoa đẹp có lẽ là một bông romarin trên ngực lạnh hay một bông hoa dại ngoài đồng.” Chìm đắm trong những suy nghĩ ấy, ông đi cùng người chết như thể mình là một người trong gia đình, đến tận mộ, ông thấy cái ông Kannitverstan kia được đưa xuống nơi yên nghỉ, và xúc động với bài điếu văn bằng tiếng Hà Lan, mà ông chẳng hiểu lấy một lời, hơn nhiều so với từng bao giờ ông xúc động trước những điếu văn tiếng Đức mà ông không mấy để tâm. Rốt cuộc, lòng nhẹ nhõm, ông đi khỏi cùng những người khác, ăn ngốn ngấu thật ngon miệng một miếng Limbourg tại một quán trọ nơi người ta hiểu tiếng Đức, và những khi, sau này, cảm thấy bức bối vì thấy biết bao nhiêu người trên đời thật là giàu còn ông thì thật nghèo, ông chỉ cần nghĩ tới ông Kannitverstan ở Amsterdam, tới ngôi nhà lớn của ông ta, con tàu kỳ vĩ của ông ta, và nấm mồ hẹp của ông ta, là đủ.

(Nguồn: Nhị Linh)

Johann Peter Hebel, Nhị Linh dịch