Khác Đọc

Một giáo dục khác

Giáo dục châu Âu của Romain Gary (Xuất bản Khác sắp in) là cuốn tiểu thuyết nói tới một giáo dục khác. Độc giả không khỏi lờ mờ nhận ra chủ đề này ngay từ khi thấy nhan đề tác phẩm; song, chỉ là “lờ mờ” bởi lẽ người ta cũng rất dễ hiểu sai - nhất là hiểu nhầm - ý đồ người viết; vả lại, đây cũng là biệt tài của Romain Gary, mà độc giả Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong vòng những năm vừa qua: đấy là một nhà văn rất giỏi đánh lạc hướng. “Giáo dục” và “châu Âu” - các từ ngữ cấu tạo nên tên gọi của tiểu thuyết, đối với ai chưa nhìn nhận ra đặc tính linh hoạt đầy bất ngờ của Romain Gary, sẽ rơi vào lầm tưởng nhanh chóng cho rằng nội dung đằng sau đó hẳn nhiên dẫn tới các vấn đề đậm đặc tính lý tưởng và mô phạm.

Nhưng, không mấy ai ở xa sự mô phạm hơn so với Romain Gary. Không cố gắng trình bày bất cứ lý thuyết hay triết lý giáo dục to lớn nào, Romain Gary chỉ muốn nói về nỗi đau và rằng việc đủ đau đớn tỉ lệ thuận với mức độ “được giáo dục” của con người ra sao. Nói cách khác, một giáo dục khác mà tác giả khởi xướng là một giáo dục gắn với nỗi đau và bằng nỗi đau. Trong đó, đối với quá trình trưởng thành của một con người, có đủ đau đớn hay không mới là vấn đề. Người ta chẳng bao giờ thực sự hiểu được gì nếu chưa đau đớn đủ. Chủ đề này đã xuất hiện rất đậm trong Rễ trời, câu chuyện đồ sộ về con người nhỏ bé Morel cầm trên tay khẩu súng trường quyết bảo vệ những con voi ở châu Phi. Ta có thể hiểu, thông qua đây, rằng đau đớn là một vấn đề thiết thân của văn chương Romain Gary, cho dù các tiểu thuyết của Romain Gary (số lượng đặc biệt lớn) nói đến rất nhiều điều.

Việc sự đau đớn xuất hiện ngay trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Romain Gary, Giáo dục châu Âu, hết sức có ý nghĩa. Nhà văn đã tìm thấy ngay từ đầu sợi chỉ dẫn đường cho mình, để có thể đi qua mê cung con người. Ý về đau đớn có lẽ bắt nguồn trước nhất từ chính hoàn cảnh mà nó ra đời, khi Roman Kacew (Romain Gary) đang chiến đấu với tư cách một phi công thuộc đội máy bay ném bom Lorraine chống lại quân đội Đức Quốc xã. Trong những đợt nghỉ giữa các chuyến bay (thật ra, Romain Gary không bao giờ là phi công mà luôn luôn ở vị trí một trong những thành viên của tốp bay; điều này không ngăn cản ông phải trải qua các nguy hiểm lớn), ông sẽ tranh thủ viết tiếp các phần với tâm thế như thể đây là lần viết cuối cùng. Thông qua câu chuyện xoay quanh hành trình một quãng đời gia nhập đội quân du kích của nhân vật chính Janek Twardowski, Romain Gary đồng thời lần tìm chính mình. Đi qua tất thảy nỗi tuyệt vọng, sự khổ đau, niềm thất vọng cùng mất mát, vượt lên trên cả những lý tưởng ảo ảnh vốn dĩ được thêu dệt để nâng đỡ niềm hy vọng run rẩy về cuộc chiến và thắng lợi, tác giả nhận ra điều quan trọng còn lại chính là nỗi đau. Sự đau đớn mới là cái nhân bản của tác phẩm, bên cạnh những lý tưởng mơ mộng dẫn dắt nhân loại ra khỏi cơn ác mộng thời bấy giờ và cả sau này.

Ở tiểu thuyết Giáo dục châu Âu, hành trình “được giáo dục” trong cuộc chiến của cậu bé Janek có thể chia ra thành các chặng từ lúc bắt đầu nhận sự giáo dục cho tới lúc kết thúc (đương nhiên từ “kết thúc” chỉ mang tính tương đối, gắn với chặng đời được tái hiện cụ thể của Janek trong tác phẩm; giáo dục là một quá trình vô tận).

Trước hết là chặng thứ nhất của hành trình, gắn với nỗi đau đớn đầu tiên nhưng mang vai trò tiền đề mở ra những nỗi đau khác: sự tách lìa khỏi gia đình. Cuộc phiêu lưu của Janek chỉ thực sự bắt đầu khi người bố bị sát hại và cậu bé quyết định chui ra khỏi hầm ẩn nấp để đến chỗ những người du kích. Không chỉ riêng Janek, bạn bè cậu cũng đều là những người đã mất đi cha mẹ, thảng hoặc nếu còn thì cũng gần như vô nghĩa. Nhiều người tin rằng, văn chương Romain Gary gần như một kiểu Kafka, trong việc tái tạo các mỗi quan hệ giữa cha và con. Đọc Giáo dục châu Âu, không khó để liệt kê ra vài cặp cha con không khắc tư tưởng thì cũng khắc khẩu; người cha duy nhất có vẻ như có khả năng dạy được đứa con trai là bác sĩ Twardowski (cha của Janek) thì lại chết ngay từ chương III. Tuy vậy, Romain Gary có lẽ còn hướng tới một thử nghiệm xa hơn thế. Chúng ta đều biết rằng tác giả vốn là người rất yêu và chịu nhiều ảnh hưởng từ người mẹ của mình. Thế nhưng trong Giáo dục châu Âu, vai trò của các bà mẹ cũng rơi vào tình cảnh chẳng khác vị trí của các ông bố là bao. Đó là lúc Zoska ngồi chờ các tay lính Boche mua dâm và phát hiện mình đã quên mất khuôn mặt của mẹ khi định nghĩ tới bà. Hoặc như Janek, cậu không bao giờ có ý định tìm kiếm mẹ của mình dù tác phẩm từng đề cập tới chi tiết thông báo rằng mẹ cậu còn sống. Về sau này, trong cuốn tiểu thuyết nhiều yếu tố tự truyện Lời hứa lúc bình minh, Romain Gary cho ta thấy tình mẫu tử giữa nhà văn và mẹ được ông coi trọng tới nhường nào. Nhưng cùng lúc, ta cũng hiểu được, có cả một cuộc chiến đấu âm ỉ nhưng đau đớn của cậu bé chống lại các kỳ vọng của mẹ: kỳ vọng của bố mẹ luôn luôn là nhà tù lớn, nó êm ái, đầy tình yêu thương, nhưng vẫn là nhà tù. Không ai có thể trưởng thành nếu thiếu đi sự ý thức về điều này, một điều xét cho cùng hết sức con người. Vậy thì dường như, Giáo dục châu Âu là nỗ lực giải phóng cảm giác gò bó ấy, nơi Romain Gary có thể mở ra một khả thể khác cho đời sống của mình, một đời sống nơi chẳng có bất cứ “lời hứa” hay sự che chở nào, một đời sống chỉ có cá nhân hoàn toàn làm chủ các quyết định thay đổi cuộc đời nó. Quyết định thử nghiệm ấy thậm chí còn rất cương quyết khi gần như ta cảm thấy một thái độ bình thường đến thản nhiên của các nhân vật trong truyện dù mất đi mối liên kết với gia đình. Đặc biệt là những đứa trẻ, chúng đã sớm học cách chấp nhận nỗi đau rằng chúng chẳng là ai giữa cuộc đời khi không còn người thân. Moniek Stern, thằng bé Wunderkind, với tài chơi đàn từng là báu vật vô giá trong lòng cha mẹ mình, nhưng khi cha mẹ mất, phải tự mình sinh tồn giữa cuộc đời, cậu rốt cuộc chỉ còn là trò mua vui cho đám trẻ khác. Và cũng chính trong luận điểm này, mọi thứ đôi khi phải được đẩy tới mức xung đột đến không thể hòa giải mới khiến nỗi đau đớn trở nên đáng giá. Mà thông thường, xung đột khiến một người bình thường dễ cảm thấy dằn vặt nhất, hẳn nhiên là xung đột với gia đình. Một chi tiết rất hay về du kích Tadek Chmura cần được nhắc đến: anh ta thà chết trong rừng với cơn ho lao cho lý tưởng, còn hơn phải trở về nhà với người cha ra sức thuyết phục anh thỏa hiệp (để giống ông ta, trong một lập luận hết sức thuyết phục hướng tới sự sinh tồn như là điều duy nhất đáng giá). Tadek quyết ngoan cố đến mức khắc nghiệt bởi nếu không, anh còn chẳng có đủ tư cách để sở hữu trọn vẹn nỗi đau mà anh muốn hiến mình. Có lẽ đấy mới là điều lớn lao hơn cả, đau đớn của mỗi con người.

Tiếp theo, đến với chặng thứ hai, tạm vạch từ quãng thời gian khi Janek gia nhập đội quân du kích cho tới gần trước thắng lợi của cuộc chiến, cũng là chặng mà nỗi đau đớn được biểu hiện vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, có thể hình dung một cách khái quát, rằng những sự đau đớn đều dẫn các nhân vật tới một cái đích: đập vỡ các lý tưởng. Để tồn tại trong trận chiến, người ta phải lừa lọc, phản bội, tàn sát lẫn nhau; niềm tin, lòng trung thành là những giá trị bị nghi hoặc. Con người sẽ sớm nhận ra sự thật rằng châu Âu với những đại giáo đường cổ kính nhất, những Đại học lừng danh nhất, nơi tất cả mọi người từ khắp ngóc ngách đều tìm tới để học hành hành, sau rốt chỉ cung cấp cho ta một lý do đủ tốt, đủ sạch sẽ để ta có thể dễ dàng giết chết một người chẳng hề làm gì ta. Hoặc rằng, những người lính trẻ được miêu tả là đã xả thân chiến đầu vì một lý tưởng Tự do. Thế nhưng, bằng cách nào đó trong một vài phân đoạn của tiểu thuyết, lý tưởng Tự do còn không to lớn bằng ý chí kết tinh từ nỗi hèn hạ vì cái đói, sự mỏi mệt vì không thể tiếp tục sống trong rừng của người lính du kích hay cơn ghen tuông của những đàn ông ra trận có vợ ở nhà ngoại tình. Chính nỗi đau - và cả, rất nghịch lý, sự thờ ơ - thúc đẩy con người hành động, họ có thể trưởng thành hoặc tha hóa, bước tiếp hay sụp đổ, nhưng đau đớn mới biến kinh nghiệm họ có trở nên chân thực và vững chãi.

Cuối cùng, hành trình kết thúc khi trận chiến giành thắng lợi và giờ đây Janek đã trở thành sĩ quan, giờ đây anh không còn đủ trẻ để hiểu ngôn ngữ của cây sồi nữa. Đối với phần cuối tác phẩm, có ba chi tiết chủ yếu được Romain Gary gợi tới là hình ảnh đàn kiến, lũ bướm và lời dặn dò của cha Janek: “Chẳng điều gì quan trọng mất đi”. Lời nói của người cha có vẻ nghiêm túc, đặt cạnh hình ảnh đàn kiến và lũ bướm nhỏ bé như đùa giỡn, vừa có vẻ bổ sung lại vừa như tạo nên mâu thuẫn cho các thông điệp. Chính chỗ này, quả thật là Romain Gary, một nhân vật với đầy tính bất ngờ. Kết thúc hành trình của tiểu thuyết, Giáo dục châu Âu với một nền giáo dục khác, đối với người viết, đó là lòng chân thành hay sự mỉa mai? Có lẽ chính sự không chắc chắn ấy mới là thứ khiến văn chương của Romain Gary giữ được giá trị cho tới ngày nay. Sự không chắc chắn làm một lời khẳng định cũng có thể biến thành giả thuyết. Nó khiến tác phẩm vừa như bày tỏ nhưng cũng vừa như chẳng cố nói lên điều gì.

Hoàng Bảo Trân

Tags: Romain Gary Hoàng Bảo Trân