Khác Đọc

Tròn một năm của Khác

Chúng tôi đã bắt đầu theo cách thức - như người ta hay nói - “out of the blue”. Toàn bộ khởi đầu của câu chuyện là “out of the blue” đối với chính chúng tôi: đùng một cái, chúng tôi in sách.

Cách đây đúng một năm, ba vở kịch của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch (“Bệnh tưởng”, “Trưởng-giả học làm sang” và “Người biển-lận”) được đưa vào nhà in, trong tháng Sáu. Đầu tháng Bảy, chúng trở thành ba quyển sách: đấy là ba quyển sách đầu tiên của Khác; chúng khiến chúng tôi hiểu là đã có thể làm được. Như vậy là, chúng tôi trở thành một nhà xuất bản.

Đấy là một sự ngẫu hứng? Tất nhiên, nhưng chỉ một phần: dẫu người ta không sinh ra đã là editor, mà người ta trở thành editor (nếu muốn nói theo cách mà người ta vẫn hay nói), thì sự trở thành editor của chúng tôi có một quá trình không hề ngắn.

Quá trình đó bao gồm nhiều năm quan sát, từ rất gần: cần phải quan sát những quyển sách, đo nhiệt độ cơ thể cuộc sống sách vở ở Việt Nam (và không chỉ Việt Nam: không ai nhìn gần được rõ nếu không biết nhìn ra xa), tìm cách hiểu tiến hóa (bởi vì đúng là có một tiến hóa) của công việc xuất bản tại đây.

Điều đó không hề dễ: không ai dám nói là dễ, chuyện biết về câu chuyện sách của Việt Nam.

Nhưng “câu chuyện sách” ấy cần được tiếp nối. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng, mình không hẳn được hưởng “số đỏ” khi mà nhà xuất bản của chúng tôi bắt đầu vào đúng thời điểm càng ngày người ta càng nói nhiều hơn về sự hấp hối của sách.

Sách có thể thực sự chết hay không? Cái gì cũng có thể chết, kể cả khi ở bề ngoài vẫn hết sức sống động: mọi thứ đều chết khi không còn lòng tin đặt vào nó nữa. Nền văn minh của loài người là văn minh sách, điều đó rất đúng, nhưng đấy chỉ là một khoảnh của văn minh, xét cho cùng cũng không hề dài: nếu tính từ mốc Gutenberg, còn chưa được đến một nghìn năm. Ta cần nghĩ tới những gì to lớn, thậm chí khổng lồ, như khủng long: chúng đã biến mất; hay voi, sự khổng lồ (cuối cùng) của thời chúng ta, hẳn chúng cũng sẽ khó tồn tại.

Thế nhưng, tiếc nuối khủng long (hay voi) không làm cho chúng ta to lớn thêm lên chút nào. Là con người, cùng lắm thì chúng ta cũng chỉ có thể viết lại câu chuyện về khủng long, hoặc voi.

Viết lại các câu chuyện: đó chính là lẽ sống của những quyển sách. Sách chứa đựng các câu chuyện. Từ đây mà có sự Khác của chúng tôi. Nhưng tự miêu tả bản thân vừa không dễ dàng lại vừa không có ý nghĩa “tích cực” nào. Tốt nhất là để độc giả tự thấy sự khác ở sách của chúng tôi.

Trong vòng một năm vừa rồi, sự khác ấy đã bắt đầu được thấy, nhất là được cảm thấy. Điều này giải thích cho việc chúng tôi tìm được nhiều cộng tác viên. Điều rất bất ngờ (nhưng thật ra, đấy là một tất yếu) nằm ở chỗ: cộng tác viên của chúng tôi, tuyệt đại đa số, còn rất trẻ. Một nhà xuất bản chỉ có ý nghĩa khi trở thành biểu hiện cho một thế hệ mới. Hiện nay, chúng tôi rất hồi hộp đợi xem một nhân vật sinh năm 2006 có vượt được qua vài thử thách để thực sự trở thành cộng tác viên của chúng tôi hay không - nếu được, đó sẽ là người trẻ nhất cộng tác với chúng tôi; tất nhiên, “kỷ lục” - nếu đó là một kỷ lục - sẽ sớm bị phá. Dẫu thế nào, trong năm vừa rồi, các cộng tác viên trẻ tuổi đã gây những ấn tượng vô cùng lớn. Vậy mà, người ta bảo giới trẻ ngày nay chỉ biết chơi game và xem youtube. Thế hệ nào cũng bị vu khống; thế hệ nào cũng rất cần bị vu khống.

Nhưng thế hệ nào cũng cần được rèn luyện, để có thể nói ra những gì mình cần nói, các câu chuyện mà mình cần kể. Editor là một dạng thợ thủ công, cần rất nhiều tập luyện, và ở trong một cám dỗ thường trực: cám dỗ trở thành nghệ sĩ. Đây là một trong những dạng công việc luôn luôn nằm ở ranh giới giữa nhiều thứ (trong đó có các ngôn ngữ), và cặp artisan-artist chưa bao giờ là một tương quan dễ xử lý.

Chúng tôi khác, bởi vì chúng tôi làm một việc hết sức đơn giản: chúng tôi đặt vào trung tâm công việc của chúng tôi một điều: đọc. Sự đọc cần phải là nền tảng của xuất bản. Khi một nhà xuất bản thấy cần đặt ra motto riêng của mình là “Sách là để đọc”, thì tình hình chung có thể đã trở nên không hẳn là ít nghiêm trọng.

Sách để bày thì cũng giống như sách để kê chân, tức là bị sử dụng không đúng mục đích. Sách quá nặng không thể cầm mà đọc được, giống sách kinh mà các giáo chức đặt trên bệ trên bục, sách không có lề, sách quá nhiều arabesque hoa lá cành… rất không nên trở thành hình mẫu.

Sách đặc biệt cần được giản dị. Đọc là một công việc cá nhân và nhiều tính cách khắc kỷ.

Và nhất là, sách đi cùng một điều: giá trị.

Chính ở đây, chúng tôi thấy cần nói rõ: sách có giá trị, chứ sách không có “dòng”. Việc nhìn nhận “các dòng sách” rất có thể chỉ là cách để các editor che giấu đi một phần sự không đọc (mấy) của họ - vì có không ít editor không thực sự đọc sách. Đối với chúng tôi, một quyển sách có giá trị hoặc không, có nhiều giá trị hoặc ít giá trị, chứ chúng không thuộc về dòng này hay dòng kia.

Việc nhìn nhận “theo dòng” có thể dẫn đến tình trạng mà ta có thể miêu tả bằng vài ví dụ.

Khi ai đó nói, sách triết học sẽ ăn khách, thế là “nhà nhà, người người” đâm đầu làm sách triết học. Kết quả là ta có hằng hà sa số sách triết học nhập môn, hiểu triết gia này trong sáu mươi hoặc bốn mươi bảy phút, sách dẫn nhập, introduction, short introduction, rồi very short introduction - chắc hẳn sẽ sớm có sách “introduction không thể ngắn hơn được nữa”.

Hoặc, lúc một người khác tuyên bố, sắp đến trào lưu sách Đông Dương, thế là Indochine khốn khổ trở thành đối tượng cho “người người, nhà nhà”, và hệ quả là ta bỗng có không biết bao nhiêu là sách khiến ta nghĩ, những khi bước vào hiệu sách (vả lại, hiện nay còn rất ít hiệu sách) là mình đang ở Tonkin hồi nảo hồi nào. Trước đây không lâu, nhiệm vụ của môn lịch sử là dạy học sinh rằng từng có một thời thuộc địa, còn hiện nay, nhiệm vụ hẳn là: từng có thời thuộc địa, nhưng nó đã hết rồi. Cứ như thể, chủ nghĩa thực dân không phải là một vết nhơ lớn trong lịch sử nhân loại.

(tất nhiên, đây là còn chưa kể đến “dòng” sách ngôn tình, “dòng” sách kỹ năng sống, “dòng” sách phụ nữ công sở, vân vân và vân vân)

Nhưng sự khác, nếu thực sự đẩy nó đi, lại đến được sự giống. Ít nhất là khiến gặp lại nhiều điều. Đấy là những gì chúng tôi đã chứng minh, trong nửa năm ngoái: đối với chúng tôi, lịch sử xuất bản Việt Nam, câu chuyện sách của Việt Nam có một thời điểm rất lớn, hết sức rực rỡ: thời điểm của Nguyễn Văn Vĩnh. Với Xuất bản Khác, lần đầu tiên, những gì quan trọng hơn cả mà Nguyễn Văn Vĩnh từng dịch (đấy là một trong những dịch giả lớn nhất của Việt Nam), từ cách đây một trăm năm, đã quay trở lại. Cần phải nối lại được với những gì có ý nghĩa (và giá trị) trong quá khứ.

Cũng như bổ khuyết những gì thiếu hụt: một Katherine Mansfield, một George Eliot và (sắp tới đây) một Gertrude Stein, đó là các tác giả đặc biệt quan trọng nhưng người ta gần như không thể đọc được gì, trong tiếng Việt. Trường hợp tương tự: Henry James. Hoặc ngay cả những nhà văn đặc biệt lớn, người ta cứ tưởng là đã biết đủ, nhưng thật ra cái biết ấy còn rất nhỏ, vì thiếu sách. Trong địa hạt này, cần kể tới Balzac hay Maupassant, hay Proust.

Làm cho một người như Bruno Schulz đến được Việt Nam, hay Baudelaire trở thành tác phẩm của một thế hệ độc giả Việt Nam trẻ trung, đấy là những điều chúng tôi muốn làm, và sẽ tiếp tục làm.

Sang năm, hẳn sẽ còn nhiều sự khác hơn.