Đang

8-9-2023

Bi kịch

[A Tragedy of Error là truyện đầu tiên mà Henry James viết, năm 21 tuổi, đăng trên một tờ tạp chí nhưng không ký tên. Về sau này, James không cho nó vào những gì mình tự tay chuẩn bị để in trong lúc còn sống.

Mãi về sau, câu chuyện mới xuất hiện trong một số tập tác phẩm posthumous của James.]

Bi kịch từ Lỗi

I.

Một cỗ xe bốn bánh thấp, kiểu Anh, đỗ trước cửa bưu điện một thị trấn cảng nước Pháp. Quý bà trong xe che mạng, cây dù ôm sát khuôn mặt. Câu chuyện của tôi bắt đầu khi một quý ông bước ra từ bưu điện và đưa cho nàng một lá thư.

Ông ta đứng bên thành xe một chốc trước khi vào. Nàng đưa ông giữ cây dù, rồi nâng mạng che, để lộ khuôn mặt tú lệ. Những người qua lại dường như hết sức chú ý tới cặp đôi, phần nhiều trong số ấy nhìn chăm chăm rồi trao đổi những cái liếc đầy ý nghĩa. Những kẻ đang ngước nhìn đúng lúc này thấy người phụ nữ tái nhợt đi, ánh mắt rơi xuống bức thư nọ. Bạn đồng hành với nàng cũng thấy cảnh ấy, và ngay tức thì ngồi vào chỗ bên cạnh, cầm cương, đánh xe như bay dọc đường chính của thị trấn, qua cảng, tới lối mở chạy men bờ biển. Tới đây, ông ta thả chậm tốc độ. Người phụ nữ ngả ra sau, mạng đã buông xuống, thư mở trên đùi. Coi vẻ nàng như bất tỉnh nhân sự, mắt nàng nhắm nghiền. Nhìn kỹ và yên tâm, ông ta vội vớ lấy bức thư, và đọc những dòng sau:

Southampton, ngày 16 tháng Bảy, 18…

Hortense yêu dấu,

Em sẽ thấy, qua dấu bưu chính, rằng anh đã gần nhà hơn cả ngàn dặm so với bức thư cuối cùng, nhưng anh chẳng đủ thì giờ giải thích sự dịch chuyển này. Ngài … đã cho anh một kỳ phép ngoài mong đợi. Sau bao tháng xa lìa, chúng mình sẽ được bên nhau mấy tuần. Ơn Chúa! Sáng nay bọn anh tới đây, từ New York, và anh may mắn tìm được một con tàu, tàu Armorique, thẳng đến H. Thư được gửi ngay, nhưng bọn anh có lẽ phải trì hoãn vài giờ vì thủy triều; bởi thế thư này sẽ đến tay em một ngày trước khi anh về tới: thuyền trưởng tính tàu sẽ tới nơi sáng sớm thứ Năm. A, Hortense! Thời gian sao mà đằng đẵng! Những ba ngày. Nếu anh không viết thư từ New York, ấy là bởi không nỡ giày vò em bằng sự chờ trông, mà, anh dám hy vọng, em đã thấy đủ dài. Tạm biệt. Đợi một lời chào nồng ấm hơn!

Người hết lòng vì em,

C.B.

Đặt lại lá thư lên lòng người bên cạnh, khuôn mặt người đàn ông đã bệch bạc chẳng kém. Ánh nhìn trống không của ông ta dõi vào một điểm phía trước trong chốc lát, rồi một câu chửi thề dẫu nén vẫn vuột qua môi. Mắt ông quay lại người đồng hành. Một lát ngần ngừ làm ông lơi cương và để con ngựa thủng thẳng nước kiệu, rồi ông khẽ chạm vai người phụ nữ.

“Nào, Hortense,” giọng ông ta êm ái tuyệt vời, “có chuyện gì thế; em ngủ đấy ư?”

Hortense chậm rãi mở mắt, và, trông thấy thị trấn đã nằm sau lưng họ, vén mạng che. Nét mặt nàng cứng lại bởi nỗi hãi hùng.

“Đọc đi,” nàng nói, chìa ra lá thư đã mở.

Quý ông kia đón lấy, vờ đọc thêm một lần.

“A! Ông Bernier về. Vui quá!” ông ta thốt lên.

“Vui ư, vui thế nào?” Hortense hỏi; “ta không thể đùa với cơn nguy nghiêm trọng đến thế, bạn ơi.”

“Quả vậy,” người kia đáp, “cuộc gặp sẽ nặng nề lắm. Hai năm vắng mặt không phải chuyện vừa.”

“Trời ơi! Em không đời nào dám đối diện ông ấy,” Hortense bật khóc thê thiết.

Một tay ôm mặt, tay còn lại nàng duỗi về phía bạn mình. Nhưng ông ta đang chìm trong một cơn mộng sâu quá, thành thử không nhận thấy cử động này. Chợt ông giật mình, bừng tỉnh bởi tiếng nấc của nàng.

“Nào, nào,” ông nói, bằng cái giọng khi đứng trước một hiểm nguy mà tự mình chẳng thấy an toàn, nhưng lại mong dụ người khác đừng tin vào nó, bởi sự thờ ơ của bạn đồng hành là cảnh tượng khiến mình thanh thản. “Ông ấy về thì có sao? Ông ấy sẽ chẳng nghe được gì. Chỉ ở lại một thời gian ngắn, rồi lại lên tàu đi xa, lòng không nghi ngờ, như khi cập bến.”

“Chẳng nghe được gì! Anh khiến em ngạc nhiên đấy. Mỗi cái mỏ chào ông ấy, dẫu chỉ để nói bon jour, cũng sẽ hót một điệu về hành vi sai trái của ai kia.”

“Thì sao nào! Người ta không nghĩ đến chúng mình nhiều như em tưởng đâu. Em và anh, n’est-ce-pas? Ta có mấy thì giờ mà bận tâm tới lầm lỗi của những người hàng xóm? Này đây, những người khác, ai ai cũng cùng một rọ, tốt xấu như nhau. Một con tàu ngoài khơi va phải đá tan thành từng mảnh, đám quỷ xấu số xô đẩy nhau mà trèo lên cột buồm nổi, còn ai thèm liếc những đứa vật lộn cùng sóng cả cạnh bên. Mắt chúng dán lên bờ, bận tâm duy nhất của chúng là chết sống của bản thân. Đời này, ta đều trôi nổi giữa sóng cồn biển động, đều tranh vật lộn tìm vào đất liền của tiền tài, ái tình hoặc thú vui. Tiếng gầm của những con sóng ta quẫy đạp tung lên, bọt sóng ta hất vào mắt mình khiến ta điếc và mù trước lời nói, việc làm của đồng loại. Miễn ta trèo được lên cao và khô ráo, bận tâm gì tới những kẻ kia?”

“Ừ, nhưng nếu không thì? Khi chính ta mất hy vọng, ta muốn kẻ khác phải chìm. Ta treo vào cổ họ những quả cân, và lặn xuống những vũng bẩn nhất lấy đá ném vào họ. Bạn ơi, làm sao anh cảm thấy những cú ném không nhắm vào anh. Đâu phải anh, trong lời nói của dân thị trấn, mà là em: người phụ nữ khốn khổ gieo mình khỏi cầu tàu, chìm trước khi một bàn tay nhân từ kịp nắm giữ lại, và rồi thi thể nàng ta lềnh phềnh trên mặt nước cho cả thế giới nhìn thấy. Khi chồng nàng tiến lên xem đám đông đang mải chuyện gì, liệu có thiếu những bạn hữu tốt bụng cho người ấy biết tin tốt rằng người vợ đã chết chăng?”

“Chừng nào người phụ nữ còn đủ nhẹ để nổi, Hortense, nàng không thể bị coi là chết chìm. Chỉ khi đắm khuất tầm mắt, người ta mới từ bỏ nàng thôi.”

Hortense lặng thinh một thoáng, trông ra biển qua đôi mắt sưng.

“Louis,” sau cùng nàng nói, “ta đang dùng toàn ẩn dụ: nhưng phần nào, em thực nghĩ đến chuyện dìm chết chính mình đấy.”

“Nhảm nhí! Một kẻ bị cáo buộc xin phán vô tội, rồi treo cổ trong nhà giam. Báo chí sẽ viết gì? Người ta sẽ bàn tán, đúng không? Lẽ nào em không lên tiếng được như họ? Một phụ nữ rơi vào chỗ sai, từ thời điểm cô ấy ngậm miệng và từ chối chiến đấu. Mà em lại hay làm thế. Chiếc mùi soa luôn luôn để trong túi kia, có khác nào lá cờ đầu hàng.”

“Em chắc mình không hề biết,” Hortense hờ hững; “có lẽ là vậy thật.”

Một vài khoảnh khắc ai điếu cho những khía cạnh chẳng mấy can hệ, vốn thuộc về đối tượng trong quẫn cảnh của chúng ta đây, ngang với những gì hoàn toàn nằm ngoài cảnh ngộ ấy. Mắt nàng vẫn không rời biển. Một khoảng lặng nữa qua đi. “Ôi, Charles tội nghiệp của em!” sau rốt nàng lẩm bẩm, “mái ấm anh trở về là đây!”

“Hortense,” người đàn ông cất giọng, như thể không nghe thấy nàng, dẫu, với một ai khác, dường như chính vì đã nghe nên mới lên tiếng: “Anh đâu cần nói với em, rằng không đời nào anh phản bội bí mật của chúng mình. Nhưng anh xin bảo đảm, chừng nào ông Bernier ở nhà, không kẻ còn còn sống mà thở ra một tiếng về nó.”

“Thế thì sao?” Hortense thở dài. “Ông ấy sẽ chẳng thể bên em mười phút mà không đoán được ra.”

“Ồ, về chuyện ấy,” bạn nàng khô khốc đáp, “đấy là vấn đề của riêng em.”

“Monsieur de Meyrau!” giọng người nữ vút lên.

“Với anh,” người kia tiếp tục, “bằng việc đảm bảo như thế, anh đã xong phần việc của mình.”

“Phần việc của anh!” Hortense khóc nức.

Ngài de Meyrau không đáp một lời, nhưng một cú vẩy roi sắc ngọt thúc ngựa tung vó. Không ai nói gì thêm. Hortense nằm ngả trong cỗ xe, giấu mặt trong chiếc mùi soa mà than khóc. Đồng bạn của nàng ngồi thẳng tắp, đôi mày nhíu lại, răng nghiến chặt, mắt nhìn thẳng phía trước, và, thỉnh thoảng, bằng những cú vụt nặng nề, giữ ngựa phi dồn. Khách bộ hành chưa biết chừng sẽ nhầm đó là kẻ hái hoa, đang đào tẩu cùng một nạn nhân sớm mệt nhoài vì chống cự. Lữ nhân quen biết họ có lẽ sẽ nhìn ra ý nghĩa sâu xa trong sự trùng hợp tình cờ này. Vậy nên, đi đường vòng, họ trở lại thị trấn.

Về tới nhà, Hortense đi thẳng lên boudoir nhỏ trên tầng hai, khóa mình trong đó. Căn phòng thuộc về phần sâu nhất của ngôi nhà, và cô hầu của nàng, khi ấy đang tản bộ trong khu vườn trải dài tới mép nước, nơi có bến đậu cho những thuyền nhỏ, thấy nàng, vẫn đội mũ bon-nê và mặc áo choàng, đóng màn cửa và khiến phòng ám đi. Nàng ở một mình trong vài tiếng. Lúc năm giờ, đã quá giờ thường được nữ chủ nhân cho triệu để lên đồ buổi tối, cô hầu gõ cửa phòng Hortense và ngỏ ý phục vụ. Từ trong phòng, tiếng Madame vọng ra, nói nàng đang đau nửa đầu và sẽ không thay đồ.

“Tôi có thể mang gì lên cho bà không ạ?” Josephine hỏi, “trà thảo mộc, đồ uống ấm, hay thứ gì đó?”

“Không gì, không gì cả.”

“Bà sẽ ăn tối chứ?”

“Không.”

“Bà đừng nên bỏ bữa thì hơn.”

“Mang cho tôi một chai rượu - brandy ấy.”

Josephine vâng lệnh. Khi cô quay lại, Hortense đang đứng trên ngưỡng cửa, và bởi một trong những cánh cửa chớp khi ấy đã được mở tung, cô có thể thấy, dù đã cởi mũ vứt trên xô pha, bà chủ vẫn mặc nguyên áo choàng, còn khuôn mặt hết sức nhợt nhạt. Josephine cảm giác mình đừng nên an ủi hay hỏi han.

“Bà còn cần gì thêm không?” cô đánh liều hỏi, khi trao cho bà chủ cái khay.

Madame lắc đầu, đóng cửa, khóa lại.

Trong một chốc, Josephine đứng đó, rối rắm, lừng khừng, và lắng tai nghe. Chẳng nghe thấy âm thanh nào. Cuối cùng, cô rón rén rùn người xuống và ghé mắt vào lỗ khóa.

Và cô nhìn thấy:

Nữ chủ nhân đã tới bên cửa sổ đang mở, và, xoay lưng về phía cửa phòng, đang trông ra biển. Một tay, buông thõng bên mình, đang nắm lấy cổ chai; tay còn lại đặt trên một chiếc cốc thủy tinh trong đã có nước; nàng đứng đó, cùng một bức thư để ngỏ, trên chiếc bàn bên cạnh. Nàng cứ giữ tư thế ấy, tới khi Josephine bắt đầu phát mệt vì chờ. Nhưng ngay khi cô hầu chuẩn bị nhỏm dậy mà chưa thỏa nỗi tò mò, bà chủ nâng chai, rót rượu đầy cốc. Josephine càng hăm hở nhìn. Hortense giơ ly một thoáng trước ánh sáng, rồi dốc cạn.

Josephine không ngăn nổi tiếng huýt sáo dạt ra. Nhưng nỗi ngạc nhiên biến thành sửng sốt khi cô thấy bà chủ chuẩn bị uống cốc thứ hai. Nhưng, Hortense đặt cốc xuống khi chưa uống đến nửa, như thể bị gõ bằng một ý nghĩ bất thần, rồi tức tốc băng ngang phòng. Nàng cúi xuống trước một tủ con, và lấy ra cái ống nhòm nhỏ dùng trong nhà hát. Cầm nó ở tay, nàng về bên cửa sổ, đưa lên mắt và lại nhìn ra biển một lúc nữa. Mục đích của chuỗi hành động này, Josephine không sao hiểu được. Kết quả hiển hiện duy nhất, là bà chủ đột nhiên đặt ống nhòm lên bàn, thả người vào ghế bành và lấy tay che mặt.

Josephine không tài nào ôm nỗi kinh ngạc lâu hơn. Cô tất tưởi xuống bếp.

“Valentine,” cô bảo chị bếp, “Madame gặp chuyện gì trên đời mới được chứ? Bà ấy không ăn tối, đang uống hàng cốc brandy, mới phút trước còn nhìn ra biển với một cái ống nhòm và giờ thì ôm thư trên đùi mà khóc lóc thảm thương.”

Đang nạo vỏ khoai, chị bếp ngước lên kèm cái nháy mắt đầy thâm ý.

“Còn gì được nữa, ngoài việc ông về?”

II.

Sáu giờ, Josephine và Valentine hẵng đang ngồi bàn tán tiền căn hậu quả của cái sự kiện mà chị bếp đã gợi ý. Bỗng Madame Bernier rung chuông gọi. Còn gì khiến Josephine mừng bằng. Cô gặp bà chủ đang xuống lầu, tóc đã chải, mình khoác áo, mặt che mạng, không một dấu tích bồn chồn, nhưng tái nhợt.

“Tôi ra ngoài đây,” Madame Bernier nói, “nếu Ngài le Vicomte tới, bảo ông ấy rằng tôi ở nhà mẹ chồng, và mong ông ấy chờ tới lúc tôi về.”

Josephine mở cửa, để bà chủ đi qua; rồi cứ đứng đó, nhìn nàng băng qua sân trước.

“Mẹ chồng,” cô hầu lẩm bẩm, “còn có mặt mũi nói ra!”

Lên tới đường lớn, Hortense không băng qua thị trấn để tới khu phố cổ nơi bà cụ, mẹ của chồng nàng, sống, mà rẽ một hướng hoàn toàn khác. Nàng đi theo lối bờ ke, ven cảng, tới khi bước vào một khu tấp nập, chủ yếu là ngư dân và thủy thủ sinh sống. Đến đây, nàng vén mạng. Hoàng hôn dần xuống. Nàng bước đi, như nguyện thu lại càng ít sự nhìn ngó càng tốt, nhưng lại đánh giá chi li dân cư ở khu vực nàng lọt vào. Váy nàng mộc mạc, chẳng gì nơi diện mạo nàng khơi dậy sự chú ý; nhưng, nếu bằng một lý do nào, người đi ngang lỡ để mắt tới nàng, kẻ ấy hẳn không khỏi kinh ngạc trước sự chuyên chú dồn nén nàng dành săm soi từng dáng hình bắt gặp. Tư thái của nàng thuộc về người đang kiếm tìm bằng hữu thất lạc lâu năm, hoặc có lẽ, đúng hơn, kẻ thù biệt tích lâu năm, trong đám đông. Cuối cùng, nàng dừng chân trước loạt bậc cấp dẫn xuống bến đậu nửa chục thuyền con, dùng để chở hành khách giữa hai bờ cảng, những khi cây cầu kéo phía trên đóng để thuyền bè đi lại. Khi đứng đó, nàng chứng kiến cảnh tượng sau:

(còn nữa)

Chi Quân dịch

Tags: Chi Quân Henry James