Khác Đọc

Alain: về Giáo dục

Từ lâu rồi, tôi thấy rất mệt những khi nghe nói rằng người này thông minh còn người kia thì không.

Tôi thấy hãi hùng, như trước sự xuẩn ngốc tồi tệ nhất, cái chuyện sao mà lại có thể nhẹ dạ đi đánh giá đầu óc người ta như vậy. Ai, dẫu có thể bị đánh giá là tầm thường, sẽ chẳng trở thành bậc thầy hình học, nếu người ấy đi theo trật tự và không sờn lòng? Từ hình học đến các nghiên cứu cao nhất và hóc búa nhất, sự chuyển cũng tương tự như từ trí tưởng tượng lang bang đến hình học; khó khăn như nhau; không thể vượt qua với người thiếu kiên nhẫn, chẳng là gì với những ai có kiên nhẫn và chỉ xem xét từng khó khăn một. Về sự sáng tạo trong các khoa học đó, và về cái ta gọi là thiên tài, tôi thấy chỉ cần nói rằng người ta chỉ thấy những hiệu ứng của chúng sau một thời gian dài làm việc, là đủ; và nếu một người chưa phát minh ra một thứ gì, tôi nào biết có phải chỉ vì người ấy còn chưa muốn làm việc đó.

Cũng vẫn cái người từng bước trở lùi trước khuôn mặt lạnh lùng của hình học, tôi gặp lại anh ta hai mươi năm sau, trong một nghề mà anh ta đã chọn và theo đuổi, và tôi thấy anh ta khá thông minh ở những gì anh ta thực hiện; còn những người khác, những người muốn ứng tác trước khi xong được một công việc đầy đủ, về những cái đó nói toàn điều xuẩn ngốc, mặc cho họ hữu lý và là các bậc thầy trong những lĩnh vực khác. Tất cả họ, theo tôi thấy, đều ngu xuẩn quá mức trong những vấn đề thuộc lẽ thường, vì họ không chịu nhìn trước khi cất lời. Do đó tôi nghĩ mọi người đều thông minh như họ muốn. Lẽ ra chỉ riêng ngôn ngữ thôi cũng đã dạy tôi đầy đủ về điều này; vì đần [imbécile] hết sức chính xác muốn nói yếu [faible]; bản năng thông thường theo một cách nào đó gí ngón tay chỉ cho tôi thấy khác biệt giữa một người biết đánh giá và một kẻ ngốc. Ý chí, và tôi còn muốn nói chuẩn xác hơn nữa, công việc, là thứ bị thiếu.

Vì vậy, tôi hình thành thói quen nhìn vào con người, khi tôi thích đánh giá họ, không phải cái trán mà cái cằm. Không phải bộ phận kết hợp và tính toán, vì lúc nào mà nó chẳng đủ; mà là bộ phận túm chặt lấy không chịu buông. Điều này cũng như nói, theo cách khác, rằng một trí tuệ tốt là một trí tuệ vững. Ngôn ngữ chung cũng nói một người có trí tuệ kém để chỉ người mà đánh giá dựa trên tập quán và ví dụ. Descartes, mà cái bóng vĩ đại vẫn đi trước chúng ta, tít đằng xa, đã đặt ở đầu cuốn Luận [Discours] nổi tiếng của ông một câu thường được trích dẫn nhiều hơn được hiểu: “Lẽ thường là thứ được chia sẻ rộng rãi nhất trên đời.” Nhưng ông đã chiếu sáng ý đó cách trực tiếp hơn bằng việc nói trong Suy niệm [Méditations] rằng Đánh giá là chuyện của ý chí chứ không phải của niệm năng, do đó đặt cho thứ chúng ta thường gọi là trí thông minh cái tên sự hào phóng.

Người ta không bao giờ tìm ra các mức của trí thông minh. Các vấn đề, được giản lược hóa hết mức, chẳng hạn như bốn bằng hai cộng hai, thì dễ giải quyết đến mức bộ óc trì độn nhất cũng có thể vượt qua mà không gặp khó khăn, nếu nó không vướng vào những khó khăn tưởng tượng. Tôi muốn nói rằng không có gì là khó, nhưng chính con người khó đối với chính anh ta. Ý tôi là kẻ ngốc giống như một con lừa ve vẩy tai và chẳng chịu đi. Do tâm trạng, do tức giận, do nỗi sợ, do tuyệt vọng; phải, chính những nguyên nhân như thế tổng hợp lại và xoáy vào nhau khiến người ta ra ngu ngốc. Con vật nhạy cảm, kiêu hãnh, đầy tham vọng, hay nhột ấy thà hành động như một con thú trong mười năm hơn là làm việc trong vòng năm phút bằng tất cả sự đơn giản và khiêm tốn. Giống một người ngồi trước cây đàn piano và bị vấp, chỉ cần nhầm liên tiếp ba lần là anh ta sẽ vứt bỏ hết luôn. Tuy nhiên, một người sẵn lòng tập chạy gam; nhưng, theo lý trí, người ấy lại không muốn làm việc. Có lẽ vì cảm giác rằng một người có thể phạm lỗi với đôi tay mình, nhưng người ấy không được phép, mà không nhục nhã ê chề, phạm lỗi với tâm trí, thứ vốn dĩ là tài sản đích thực và thiết thân của anh ta. Chắc chắn là có thịnh nộ trong các tâm trí hẹp hòi, một loại nổi loạn, và như một sự nguyền tự nguyện.

Đôi khi người ta nói rằng chính trí nhớ tạo ra sự khác biệt, và rằng trí nhớ là một món quà. Trên thực tế, ta có thể thấy rằng ai cũng thể hiện là mình có đủ trí nhớ trong những điều mà anh ta đang chăm chú làm. Và những người ngạc nhiên rằng một nghệ sĩ dương cầm hoặc vĩ cầm có thể chơi bằng trí nhớ, đơn giản cho thấy rằng họ không biết về công việc đầy bướng bỉnh, thứ làm nên nghệ sĩ. Tôi cho trí nhớ không phải điều kiện của công việc, mà đúng ra là kết quả của nó. Tôi ngưỡng mộ trí nhớ của nhà toán học, và thậm chí tôi còn ghen tị với ông; nhưng đó là bởi vì tôi đã không chạy gam như ông đã làm. Và tại sao? Là bởi vì tôi muốn hiểu ngay lập tức, và đầu óc lộn xộn và khó dạy của tôi đã tự ném mình vào một nhầm lẫn nực cười, rồi không sao mà tự an ủi cho nổi. Mọi người đều nhanh chóng lên án bản thân. Tính tự cao là hoạt động đầu tiên bị trừng phạt. Từ đó mà có sự nhút nhát khó trị ấy, nó nhào xuống khi còn chưa gặp trở ngại, vấp ngã có chủ đích, từ chối sự giúp đỡ. Lẽ ra trước tiên cần phải biết làm thế nào để mắc lỗi, và cười. Người ta sẽ đáp lại, những người từ chối khoa học đã đủ vớ vẩn rồi. Đúng, nhưng sự vớ vẩn lại nghiêm trọng cách khủng khiếp; nó giống như một lời thề không dâng hiến bản thân cho điều gì hết.

Tôi đi đến kết luận này, rằng bài tập trên trường là thử thách cho tính cách, chứ chẳng hề về trí thông minh. Dù là chính tả, bài dịch xuôi hay làm tính, thì đó vẫn cứ là chuyện vượt qua tâm trạng, chuyện của học cách muốn.


Nếu các nhà sư phạm không chuyển hướng sang những miếng mồi khác, sẽ xảy ra trường hợp giáo viên thì biết nhiều điều, và học sinh thì chẳng biết gì cả. Chỉ có một cách duy nhất để in chính tả và ngữ pháp vào trong đầu một đứa trẻ; đó là nhắc lại và yêu cầu chúng nhắc lại, đó là sửa chữa và yêu cầu chúng sửa chữa. Đứa trẻ sẽ báo cáo các lỗi của nó lên tấm bảng đen, trước sự chứng kiến ​​của cả lớp, và tay cầm phấn mà nhìn lại bài chia động từ của nó. Nếu cần phải làm cho nó hiểu các phân từ hợp giống hợp số hợp thì như thế nào, thì nó sẽ viết chẳng phải một ví dụ, đồng thời để ý chính tả, mà là mười ví dụ; và cả lớp sẽ viết chúng vào bảng con, rồi nắn nót chép lại vào tập. Các bài tập ấy tốn nhiều thời gian; có thể mất đến một tiếng đồng hồ để uốn nắn một câu. Các ông thầy dạy piano chẳng hề ngạc nhiên khi một đứa trẻ học quá ít trong vòng một tiếng. Nhưng các nhà sư phạm coi thường phương pháp ngu xuẩn ấy, vốn dĩ là phương pháp của mọi xưởng thợ. Một viên thanh tra nói với một cô giáo, người đã sửa mười lỗi sai bằng hai mươi ví dụ - “Khi nào cô mới dạy bài?”

Dạy bài, đó là nói trong khi giữ dưới ánh mắt ba mươi cái đầu dựng thẳng; đó là trình bày bằng ngôn ngữ không được hay ho về quy tắc của các phân từ; đó là tạo nỗ lực chú ý, trí nhớ, và cổ họng, các nhà hùng biện và nhà diễn thuyết đều biết quá rõ; đó là làm mòn dây thanh quản người ta và đem lại cơn đau nửa đầu; đó là lên án bản thân phải mang trong đầu hai bài một tiếng; tôi có thể nói là ba bài mỗi sáng, và hai bài mỗi chiều, nếu những chỉ thị, mà tôi dám nói là hắc, được người ta làm theo thật đúng. Tuy nhiên có những cuốn sách hay; và nếu trẻ em thay phiên đọc thay vì nghe, thì mỗi bài học cùng lúc sẽ là một bài đọc; và ta biết rằng đọc là điều khó nhất và là điều kiện của mọi nền văn hóa, dù người ta giả định là nó khiêm tốn đến đâu. Nhưng các nhà sư phạm trông chừng mọi sự; đối với họ thì phải có bài học hùng hồn, cảm động, sống động.

Lưu ý rằng thử nghiệm thì đã được làm. Từ một bài học ra trò chỉ còn lại chút đỉnh sau tám hôm, và sau hai tuần thì chẳng còn gì ráo. Chính bằng cách ngâm lên, bằng cách đọc, bằng cách chép và chép lại, rốt cuộc đứa trẻ giữ lại được một cái gì đó. Ai cũng biết điều này; nhưng viên thanh tra ngồi trong lớp như thể ngồi ở rạp hát muốn nghe thấy một đoạn độc thoại viết khéo, hoặc một cuộc đối thoại được sắp đặt sẵn trong đó dăm ba đứa trẻ tung ra những lời đáp bắt buộc đã có sẵn chỗ từ trước. Tuy nhiên theo lẽ thường, một thanh tra không bao giờ nghe giáo viên, mà chỉ hỏi những gì bọn trẻ biết. Nếu phải đánh giá một lớp học piano, thì tôi muốn nghe học trò, chứ không phải giáo viên; và nếu học trò biết những gì chúng phải biết, thì tôi xin thầy dạy phương pháp sư phạm cho tôi. Nhưng, chỉ thông qua mỗi nhận xét ấy, thấy rõ là tôi không được sinh ra để làm người Quan trọng. “Người giỏi biết mọi thứ mà chẳng cần học gì.”


Biết đọc, đó không chỉ là biết các chữ và làm vang tiếng những tập hợp chữ. Mà đó là đi nhanh, đó là đưa một ánh mắt thám hiểm cả câu; đó là nhận ra các từ theo kết cấu của chúng, như người thủy thủ nhận ra các con tàu. Đó là bỏ qua những gì hiển nhiên, và nhảy thẳng vào khó khăn chính, như những người biết đọc nhạc làm rất tốt. Thế nhưng, cái tốc độ khủng khiếp ấy, chẳng phải là không có rủi ro, nhưng ở đó người ta tìm được khoái thú đoán định, không phải là tốc độ của cậu học trò chúi mũi vào cuốn sách, gí ngón tay đi từ âm tiết này sang âm tiết khác. Trước công việc đánh vần đau đớn này, sự chú ý chìm vào giấc ngủ. Người ta nên đọc nhanh; nhưng người ta sẽ rơi vào tình trạng lắp bắp. Có những phương pháp khéo léo nhằm làm cho ta nhận ra các chữ cái; nhưng khó khăn không nằm ở chỗ nhận dạng chữ cái. Tôi không nghĩ người ta từng tìm kiếm phương pháp nào đó nhằm đánh thức tinh thần của tổng thể và giải thoát khỏi đánh vần. Những người có khiếu hơn cả thì tự đến được đó; còn những người khác thì nên được đưa đến đó, họ thường, tôi dám cược điều này, bị trì chậm do một nỗi đắn đo, do sự thiếu tin tưởng vào bản thân; họ đọc giống người ta xúc đất; hết cục đất này đến cục đất khác, và đặt cả tâm trí ở đầu lưỡi xẻng. Thế nhưng tôi chắc chắn rằng cậu bé dũng cảm cứ nhổ hết âm tiết này đến âm tiết khác có thể phát quang toàn bộ Kinh Thánh mà chẳng tiến bộ gì. Bước học nghề luôn chậm chạp; nó vô giá trị ở đây. Bước từng bước một ta mới đi xa; nhưng khi ta đọc, điều quan trọng không phải là đọc đến cuối dòng; mà người ta phải chạy đến đó trước và rồi trở lại. Đức hạnh làm việc không giống như đức hạnh đọc.

Hồi vẫn còn những cuộc thi ngâm thơ, kẻ nào trí nhớ không vững thì ăn gian một chút, ấy chẳng phải để chiếm một vị trí cao, mà là để tránh bị phạt; tên đồng lõa ngồi cạnh hơi dịch cuốn sách của nó lại, đã giở sẵn đúng chỗ; thế rồi một cái liếc nhìn, được trí nhớ chuẩn bị sẵn trợ lực, thâu được một lượng lớn ký hiệu quý báu ấy, tuy thế chúng đâu ở xa trong tầm mắt; nhưng ai cũng biết rằng người ta đọc được từ rất xa, khi ít nhiều biết về nội dung của nó. Một bài tập tuyệt vời. Tôi không hiểu tại sao trẻ con không thỉnh thoảng nên đọc những bản văn mà nó ít nhiều thuộc lòng. Và biết đâu ta có thể cho nó xem bản văn theo lối chớp nhoáng, giống các biển hiệu sáng đèn trưng lên hay chạy chữ ra. Cái từ triết học giống như một tảng đá ngầm khó chạm tới khi người ta dùng tay bám vào nó; nhưng toàn bộ từ thì dễ nhận ra như xe cút kít hay đầu máy xe lửa. Nếu một từ như vậy xuất hiện, hoàn toàn, trong khoảnh khắc của một tia chớp, tâm trí sẽ tiếp nhận tốt hơn; nó phán xét, nó thống trị. Một câu ngắn, và thậm chí là cả một đoạn gồm nhiều chi tiết, hẳn sẽ sớm được nhận biết nếu ta thấy nó xuất hiện nhiều lần rồi biến mất ngay lập tức. Nếu được đào tạo theo trò chơi đó, tâm trí sẽ rình mò đúng cách; nó sẽ không ào vào tấn công các âm tiết; ở đó nó sẽ áp dụng lóe chớp của sự đánh giá, thứ mà những người mù chữ đôi khi lại có được, rất mạnh, đối với những thứ khác. Sự chú ý hẳn sẽ được chuẩn bị để hiến thân toàn bộ, như một bước nhảy vọt. Vấn đề nằm ở chỗ học đọc, và cũng là học nghĩ, cái này với cái kia không bao giờ tách rời nhau. Thế nhưng một âm tiết không hề có nghĩa, và thậm chí một từ hầu như cũng không. Chính câu là cái giải thích cho từ.

Khi ở trên xe buýt, tôi cũng tự giải trí, như mọi người, bằng cách đọc những mẩu quảng cáo dán trên kính và bị lộn ngược; lúc ấy tôi giống như một kẻ mù chữ; vì tôi dễ dàng nhận ra từng chữ cái, nhưng cả một từ thì hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi đánh vần, nhưng chẳng bao giờ tôi có tri giác tức thời ấy, vô cùng dễ dàng, mà không ai lưu ý đến, thứ cho phép tôi nhận ra một từ như tôi nhận ra một khuôn mặt. Và nếu có thói quen xem xét khuôn mặt theo từng bộ phận, cằm, mũi, mắt, thì tôi sẽ không bao giờ nhận ra một khuôn mặt. Thêm nữa, nếu quy tắc suy nghĩ của chúng ta là đi từ chi tiết đến tổng thể, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ được bất kỳ điều gì, vì mọi chi tiết đều bị phân chia, và cứ vậy mãi không thôi. Tinh thần tổng thể, đó mới là tinh thần. Vì thế, rất có thể đánh vần là một khởi đầu rất tệ, dẫu có thế nào.

(trích từ Đoản luận về Giáo dục, Propos sur l’Éducation, XXIV, XXXVI, XXXIX)

Alain, Khương Anh dịch

Tags: Alain Khương Anh