Khác Đọc

Buồn đến thế

Giáo dục cũng cần được giáo dục.

(Karl Marx)

Khi Giáo dục châu Âu được in (vẫn còn là dưới nhan đề đầu tiên Forest of Anger chứ chưa phải Éducation européenne, tất nhiên bằng tiếng Anh), Romain Gary vui sướng báo tin cho mẹ - vẫn ở lại Nice: Hôtel-Pension Mermonts (“mer” là biển còn “monts” là núi) mà bà mẹ của Romain Gary trông coi đã trở nên một cái tên quen thuộc với rất nhiều độc giả ngót một trăm năm vừa rồi. Cho đến lúc ấy, liên lạc giữa hai mẹ con, một người ở lại Pháp, một người sang Anh chiến đấu dưới quyền chỉ huy của tướng de Gaulle - hoàn cảnh mà situation của Madame de Melville ở câu chuyện về những người bourgeois Paris, tức là truyện do Adam Dobranski viết và đọc cho những người du kích đồng đội trong Giáo dục châu Âu, tái hiện - vẫn diễn ra tương đối bình thường, các bức thư của bà mẹ được gửi qua Thụy Sĩ rồi từ đó chuyển đến tay Romain Gary. Và vậy là cho đến lúc ấy, lần đầu tiên Romain Gary có cảm giác thực sự hiện thực hóa được những kỳ vọng mà mẹ đặt vào mình; trước đó, mới chỉ có một danh hiệu vô địch bóng bàn Nice, chắc hẳn trong một giải đấu dành cho lứa tuổi thiếu niên, cùng hai truyện ngắn đăng trên tờ tạp chí Gringoire mà Romain Gary gửi từ Paris về Nice: hai tác phẩm văn chương ấy có số phận huy hoàng tại chợ Buffa, nơi bà mẹ không ngừng rút tờ báo ra khoe với tất tật người quen, tức là tất cả những ai có mặt ở đó. Còn không ít thời gian nữa thì Romain Gary mới làm được các việc khác, như thể trả những món nợ dính chặt vào các lời hứa lúc bình minh của cuộc đời. Điều kỳ lạ là thư trả lời của Nina, bà mẹ, tỏ ra không đặc biệt hào hứng; như vậy thì rất khác so với thái độ bình thường của bà, người từng khẳng định trước mặt những người hàng xóm Ba Lan rằng con trai bà sẽ trở thành đại sứ Pháp.

Vào thời điểm đó, đối với Romain Gary, Ba Lan, Wilno, nước Nga và Đông Âu nói chung đã là chuyện xa xôi trong quá khứ. Nhưng quá khứ không là gì đối với những ai có ký ức khổng lồ (một trong các thème của cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Les Cerfs-volants, về những cái diều, là trí nhớ tuyệt hảo của những người nhà Fleury): trong La Promesse de l’aube, Romain Gary khẳng định mối tình đầu của mình (năm Romain Gary 9 tuổi còn cô bé Valentine tai quái 8 tuổi - bối cảnh của câu chuyện tình là sân của ngôi nhà “No 16 de la Grande-Pohulanka”, thành phố Wilno) chính là nguồn cảm hứng cho Éducation européenne và cả Le Grand Vestiaire sau đó. Ta biết điều này đúng đến mức nào: nhân vật chính của Giáo dục châu Âu tên là Janek (Jan): Romain Gary đã lấy tên địch thủ tình yêu của mình đặt cho nhân vật (cf. La Promesse de l’aube, chương 11: cái chương suýt xảy ra án mạng và gây xì căng đan lớn tại Đại sứ quán Ba Lan ở Paris nhiều năm về sau, lúc hai cậu bé từng thổn thức vì Valentine gặp lại nhau, đã trở thành đàn ông chín chắn; họ thực sự chín chắn, vì vẫn nuôi dưỡng thằng bé con ở bên trong mình). Lúc Janek Twardowski và Zosia gặp nhau lần đầu tiên trong khu rừng Wilejka: “- Cậu tên là gì? - Jan Twardowski. - Janek, cô nói, Janek… Tên hay quá. Tôi có thể gọi cậu như vậy không? - Được.” (Giáo dục châu Âu, tr.56). Đến lúc này, dường như Romain Gary đã trở nên độ lượng với địch thủ cũ, Jan hay Janek. Motif hai cậu bé cùng yêu một cô bé Ba Lan cũng sẽ trở lại trong Les Cerfs-volants: Lila, cô con gái nhà Bronicki, là đối tượng tình yêu của Ludovic (Ludo) Fleury và Hans von Schwede, cậu bé người Đức.

Có không ít điều trở đi trở lại trong những cuốn tiểu thuyết của Romain Gary, mà dưới đây ta sẽ nhìn vào một số.

Giáo dục châu Âu là một cuốn sách hết sức thành công: khi in tại Pháp năm 1945, nó nhận giải thưởng: Prix des Critiques, được dịch ra nhiều thứ tiếng, Romain Gary thì vừa 30 tuổi. Trong La nuit sera calme còn nói thêm, cùng trong năm 1945, Romain Gary nhận được hai lời mời chào: Georges Bidault mời vào làm ở Bộ Ngoại giao Pháp (hay được gọi là “Quai d’Orsay”) và một nhóm các nhà tài phiệt thì mời làm chủ tịch một hội đồng quản lý khoảng ba mươi nhà thổ ở Pháp. Romain Gary đã chọn ngành ngoại giao, như ai cũng biết. Raymond Aron đã đọc cuốn tiểu thuyết từ khi nó còn là bản thảo và rất thích, còn khi sách đã in, Raymond Queneau vô cùng ca ngợi (Queneau cũng sẽ chính là người duy nhất nghi ngờ về một fiasco, khi “nhà văn” Émile Ajar xuất hiện), nhưng cuốn sách còn khiến một nhân vật khác hết sức quan tâm đến Romain Gary: chính là Jean-Paul Sartre. Sartre (cùng Simone de Beauvoir) đã gặp Romain Gary (tất nhiên là mời tới quán cà phê) và cả hai vô cùng phấn khích khi nói chuyện với nhân vật nhà văn mới mẻ từ trên trời rơi xuống (nếu nghĩ đến chuyện đó là một phi công trong đội máy bay chiến đấu, thì điều này cần hiểu theo đúng nghĩa đen), cảm thấy bị mê hoặc trước một tồn tại kỳ ảo như vậy, một hiện sinh khó có thể độc đáo hơn. Sartre hứa sẽ đăng feuilleton cuốn tiểu thuyết sắp tới của Romain Gary trên tờ tạp chí của mình, Les Temps modernes, khi đó mới thành lập. Nhưng cuốn tiểu thuyết Tulipe của Romain Gary đã không được đăng dài kỳ trên tờ tạp chí ấy: có vẻ như là khi đọc nó, Sartre đã thấy hối vì lỡ hứa như vậy, và lờ đi. Dẫu có thế nào, phải sau đó rồi, Romain Gary mới bắt đầu trở thành tác giả của nhà xuất bản Gallimard. Tulipe, với giọng điệu và cách nhìn của nó, còn khiến Romain Gary nhận được ý kiến từ đích thân Charles de Gaulle (cuốn tiểu thuyết đã vặn ngược mọi diễn biến của lịch sử, nó được viết theo hình thức burlesque, và hoàn toàn có thể gây khó chịu cho nhiều người) - nhưng cho đến cuối cùng, Romain Gary lúc nào cũng hết sức trung thành với de Gaulle. Thậm chí từng có lần de Gaulle hỏi Romain Gary có muốn làm việc bên cạnh mình không: cơ hội đã bị bỏ lỡ, chỉ vì Romain Gary ngần ngừ vài giây chứ không trả lời ngay (chuyện được kể trong La nuit sera calme). Nhân vật gây mê hoặc như Romain Gary dường như cũng có thể cảm thấy bị mê hoặc, nhất là trước de Gaulle và một nhân vật bất ngờ nữa: André Malraux - La nuit sera calme kể một câu chuyện rất hay về cuộc gặp giữa Malraux và ông cha Teilhard de Chardin, một hình mẫu cho ông cha dòng Tên Tassin trong Rễ trời.

Vĩ thanh của mối tương quan Romain Gary-Sartre: Romain Gary là một trong những người đầu tiên hiểu ra tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện sinh thật ra là gì, những lý thuyết được viết thành câu chuyện, trong đó chẳng mấy có sự sống thực. Điều này được Romain Gary thể hiện rất rõ trong tiểu luận Pour Sganarelle, cuốn sách mở ra một cycle, “Frère Océan”: ngoài Pour Sganarelle còn có La Danse de Gengis Cohn và La Tête coupable (mà về sau Romain Gary cứ nhất định gọi là La Fête coupable). Bởi vì, Romain Gary cũng viết các cycle: ngoài “Frère Océan” còn có “La Comédie américaine” gồm Les Mangeurs d’étoiles (The Talent Scout) và Adieu Gary Cooper (The Ski Bum).

Trở lại cụ thể với Giáo dục châu Âu: đó là một cuốn sách rất buồn. Việc nó không thực sự có cốt truyện càng tạo thuận tiện hơn cho sự len lỏi của nỗi buồn vào mọi ngóc ngách có thể tưởng tượng. Trước hết, là tuổi của nhân vật: Janek Twardowski 14 tuổi. Có rất nhiều cậu bé 14 tuổi trong các tiểu thuyết của Romain Gary. Đó là một cái tuổi rất buồn, khi người ta không còn đủ nhỏ (để hiểu ngôn ngữ của những cái cây nữa) nhưng lại cũng chưa đủ lớn: một quãng đứt đoạn kịch liệt của cuộc đời. Luc Martin của Le Grand Vestiaire (đây là một cuốn tiểu thuyết rất nhiều tính cách Dickens) 14 tuổi, Fosco Zaga của Les Enchanteurs (cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là nước Nga) 14 tuổi, Ludo Fleury của Les Cerfs-volants cũng 14 tuổi. Ta cũng nhớ, Romain Gary được mẹ đưa đến Pháp (Nice) năm 14 tuổi: đoạn miêu tả rất đáng nhớ (cf. La Promesse de l’autre, chương 19), Romain Gary nói là mình đã chạy ngay ra biển, và biển nhận ra người quen ngay lập tức, nên các đợt sóng cứ thi nhau bò tới liếm những ngón chân của cậu bé. Sở dĩ như vậy là vì trước đó Romain Gary đã đến Địa Trung Hải: chi tiết mà người ta không thực sự xác quyết được là có đúng hay không - dẫu thế nào, thì những ai từng viết tiểu sử Romain Gary (Anissimov, Bellos, etc.) đều hiểu là khó xác định đúng sai trong những gì Romain Gary tự kể về chính mình tới mức nào. Cuối chương 20 của La Promesse de l’aube là một đoạn rất đáng nhớ: “Chère Méditerranée! […] J’ai été heureux sur ces galets.” Janek của Giáo dục châu Âu: “nó lại cảm thấy hẳn thực sự chỉ còn rất ít điều để học, và rằng, mặc cho tuổi còn non của nó, nó đã là một người học xong. Nó hau háu đợi một dịp để chứng tỏ là nó đã học được bài học của mình, và nó ngang hàng với những người mà nó chia sẻ cuộc sống cùng những mối nguy hiểm, nhưng đôi khi vẫn tiếp tục đối xử với nó với một chút trịch thượng, như thể nó hẵng còn là một đứa trẻ con” (Giáo dục châu Âu, tr.288-289).

Và cả hình thức chiến đấu trong Giáo dục châu Âu nữa: sự chiến đấu du kích, kể cả khi cuối cùng có giành được chiến thắng thật đi nữa, thì vẫn cứ là một cách thức của tuyệt vọng, lúc nào cũng thấm đẫm nỗi nhục nhã của chui lủi hang hốc và sự sợ hãi mỗi tiếng lạo xạo của cành cây. “Đã từ lâu, những người này [các du kích] chỉ còn chiến đấu chống lại cái đói, cái lạnh và nỗi tuyệt vọng.” (Giáo dục châu Âu, tr.31). Không phải ngẫu nhiên khi, sau Giáo dục châu Âu, cùng ba tiểu thuyết nữa (TulipeLe Grand Vestiaire và Les Couleurs du jour), đến Rễ trời, Romain Gary quay trở lại với sự “ra bưng chiến đấu”, tất nhiên là trong một hoàn cảnh khác. Thêm một cuốn sách lớn nữa: dường như cần phải quay lại được với yếu tố đúng của mình, tức là maquis, cùng các maquisard, thì văn chương Romain Gary mới thực sự trở nên lớn lao: một sự lớn lao có thể gây chóng mặt, nhưng cũng hết sức mong manh, như thể lúc nào cũng chực đổ sập xuống. Cần phải đi ra ngoài lề, một khoảng lề nhất định, thì mới có thể bắt đầu nhìn thấy nhiều điều được; cứ ở trong mãi, người ta sẽ trở nên mù.

Đấy là vì, Romain Gary là một con người chiến đấu trong địa hạt của lý tưởng. Không phải chống lại lý tưởng, mà là chiến đấu nhằm nhìn rõ nó. Lý tưởng là một điều rất khó. Con người không thể sống vì lý tưởng hay bằng lý tưởng, nhưng nếu không có lý tưởng thì con người cũng lại không thể thực sự sống được. Khi nghe Adam Dobranski đọc câu chuyện viết trong quyển vở của mình, du kích Czerw bình luận: “Cậu rơi vào lý tưởng luận.” (Giáo dục châu Âu, tr.108). Vậy là cái từ ấy đã được nói ra. Nhưng, xét cho cùng, những người du kích đi qua được những khốn cùng của mình nhờ một hình ảnh của lý tưởng: Du Kích Nadejda (trong tiếng Nga, nghĩa là "hy vọng). Hy vọng, rồi thì những con họa mi: không biết bao nhiêu con chim họa mi đã hót, chẳng để làm gì, nhưng tiếng hót của chúng lại chính là mọi điều, nhất là những gì không thể thiếu. Không gì quan trọng có bao giờ chết đi.

Romain Gary sẽ đẩy đi rất xa cái nhìn vào lý tưởng của mình (muốn nhìn được vào nó, cần phải có vị trí đúng). Đặc biệt là trong hai cuốn tiểu thuyết ngắn nằm giữa Rễ trời và Lời hứa lúc bình minh: đấy là L’Homme à la colombe và Lady L. Không có gì nguy hiểm cho con người hơn so với các ý, nhất là trong hình thức ý luận của chúng. Trong Les Mangeurs d’étoiles, một nhân vật người Cuba nói rằng mình đã được nhận sự “giáo dục lịch sử” (thêm một lần nữa, sự giáo dục quay trở lại trong văn chương Romain Gary): điều đó đồng nghĩa với hiểu rằng dưới thời Batista có nhiều người bị xử bắn, và dưới thời Castro, chuyện vẫn vậy. Chẳng có gì thực sự khác đi, kể cả khi con người ta đã chịu đựng bao nhiêu nỗi khốn cùng tưởng chừng không thể chịu nổi.

Sự buồn của văn chương Romain Gary sở dĩ lớn như vậy lại chính là vì - đây là một trong những nghịch lý ở Romain Gary; đó là một nhân vật gồm rất nhiều nghịch lý, người từng phát biểu, sự anh hùng lớn nhất trong chiến đấu là đào ngũ, hoặc tự nhận mình là một người Catholique không tin đạo - có rất nhiều điều hài hước ở đó: Romain Gary là một grand farceur, một trong các nhân vật nuôi dưỡng cái hài rất đặc trưng của tinh thần Đông Âu. Tương phản (nhiều lúc rất lớn) ấy khiến nỗi buồn có thể trở nên khổng lồ: chính sự đầy ắp mới là thứ tạo ra nỗi trống rỗng khủng khiếp, mà có nhét vào bao nhiêu con voi thì vẫn không đủ. Chính sự hài hước khiến cho tuy Rễ trời có rất nhiều âm hưởng của Conrad nhưng vẫn rất khác, hay chính Giáo dục châu Âu, cho dù ta dễ dàng thấy có nhiều dấu ấn từ L’Armée des ombres của Kessel thì nó vẫn có thể là chính nó, không trộn lẫn vào đâu được. Điều này mới thực sự khiến ta hiểu là Romain Gary tạo được kỳ tích lớn thế nào khi làm cho không ai nhận ra được là mình đứng sau “Émile Ajar”.

Các nhân vật của một thời cách đây gần một trăm năm đọc rất khác ta: Janek của Giáo dục châu Âu đọc Karl May và Kipling (đoạn mấy con quạ trên sông Volga, ta còn nhận ra Gogol) - còn Ludo Fleury của Les Cerfs-volants thì đọc James Oliver Curwood và Fenimore Cooper. Đấy là những tác giả giúp ta nhìn được vào lý tưởng - lý tưởng, một phần lớn và chính yếu của nó, là xa hẳn ra. Chính Romain Gary đã dần dà đóng vai trò tương tự, đối với độc giả của thời hôm nay. Càng ngày càng không có nhiều nhà văn làm được một điều: bắt ta phải cười, mê hoặc ta, để rồi đẩy ta vào những nỗi buồn mênh mông. Cứ như thể Địa Trung Hải cũng không còn rộng lắm nữa, còn các khu rừng châu Phi thì không còn cả chỗ cho lũ thú vật truyền thống của mình.

Mấy chương cuối của La Promesse de l’aube đặc biệt buồn. Điều này lý giải tại sao đó là cuốn sách được đọc vô cùng nhiều, và là trong thời gian rất dài. Cuốn sách dành cho những ai không chịu tuyệt vọng. Người ta cần nỗi buồn, nếu đó đúng là sự buồn thuần khiết, vì chỉ nó mới chạm được vào niềm vui. Mấy chương cuối ấy kể rằng, Nina, bà mẹ của Romain Gary, khi biết là mình sắp chết (trước đó, ta liên tục bắt gặp những ống kim tiêm insuline, cùng nhiều lần bà mẹ ấy bị ngã ngất xỉu ngoài đường), đã nghĩ ra một điều: bà viết sẵn rất nhiều thư, gửi cho người bạn ở bên Thụy Sĩ, để những bức thư của bà vẫn đến được với con trai mình, kể cả lúc bà đã chết. Chính vì vậy, khi Romain Gary thông báo cho mẹ chuyện cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Giáo dục châu Âu, vừa được in, và thông qua đó tác giả trở thành nhà văn, thì tuy vẫn nhận được hồi đáp, nhưng lời hồi đáp không mấy hào hứng, mà chỉ có nội dung hết sức chung chung. Bà mẹ ấy đã biết cách nhìn mọi điều, trong đó có cả con trai mình, từ một vị trí khác - vị trí duy nhất đúng.

Cao Việt Dũng

Tags: Romain Gary Cao Việt Dũng