Khác Đọc

Dịch Alain

Từ vô vàn ngẫu nhĩ, Propos de littérature của Alain rơi trúng tôi cho sự dịch. Ngay tại khoảnh khắc ấy, ảnh tượng của bản dịch trọn vẹn đã hiện ra, không đơn thuần là một ảo ảnh. Nhưng lập tức tôi cũng rơi vào bẫy dịch, tất yếu theo mọi nhẽ. Tôi bước vào thế giới văn chương do Alain phóng chiếu và cả vào cái bẫy vô hình kia như bao kẻ khởi sự lên đường, mỗi đêm một tiểu đoạn, một khám phá, cả một niềm hân hoan vì cái thu lượm được, không hề biết và cũng không chủ định biết những gì đang chờ đợi ở phía trước. Chính văn chương và sự khám phá là động lực của hành trình. Thế nên bỗng dưng tôi thành ra anh chàng khoác vào bộ giáp trần trụi của ngôn ngữ, cầm theo cuốn từ điển rồi hăm hở xông tới những hốc từ bụi câu, choảng nhau cùng những cối xay ý. Sau bao khua khoắng đến mệt nhưng hào hứng vào khoảng không của mỗi cuộc chiến, tôi lại tưởng thưởng cho mình chút ngơi nghỉ của mảnh đêm còn lại với niềm tin đã hoàn thành phần việc, để rồi tiếp tục rong ruổi đến với cuộc chiến mới vào đêm hôm sau. Ngoái nhìn chặng đường đã đi qua, rồi thì phần đường tít mù cần đi tiếp, tôi thấy mình rơi tõm vào tác phẩm từ bao giờ. Hẳn nó đã nuốt lấy tôi thành một con chữ biến dịch; nhưng chẳng phải con chữ ấy là cả tác phẩm đang trải ra trong thời độ của sự dịch sao? Và bản dịch phải đã hiện hữu khiếm diện từ thời điểm khởi đầu khi Alain dừng bút, nếu không muốn nói từ trước đó? Văn bản gốc và văn bản dịch, giống như ở cặp hình-bóng cái này khớp chính xác với cái kia theo luật của tự nhiên, chỉ là các cách gọi theo nghĩa thường của một nhất thể là tác phẩm. Nhưng bản thân tác phẩm trong nghĩa đầy hơn này lại cần được tạo tác từ hai cá thể: tác giả và người dịch. Hãy đơn giản nghĩ đến một bản nhạc được chơi bởi một cái máy nhịp đúng chằm chặp nốt chuẩn cao độ nhưng thiếu hoàn toàn sự phong phú của âm sắc và xử lý, bạn sẽ thấy điều vừa nói trên là hiển nhiên. Tuy rằng âm nhạc và văn chương có những dị biệt, nhưng ý về tác phẩm nhất thể vẫn đáng để cân nhắc. Cái bất khảmà người dịch đảm nhiệm là tạo ra cái đã được tạo ra rồi, khám phá điều mình đã biết trọn vẹn, như Đức Mẹ sinh ra Chúa đã tạo ra bà. Quá chú tâm vào các ý, vào niềm vui mà những bất ngờ đem lại, tôi đã không ý thức đủ vai trò của người dịch. Theo nghĩa này, cám dỗ được khám phá trong lúc dịch là một cái bẫy. Cùng với đó là cám dỗ của việc dịch đúng: đúng ý, đúng cấu trúc câu, đúng từ. Chuyện bắt đúng ý là không hề dễ với một tác phẩm phê bình văn chương vì sẽ có những ý ngầm hay mở ở nhiều mức độ, đặc biệt với văn bản của Alain. Cấu trúc câu, giữa hai ngôn ngữ nguồn và đích, có độ vênh nhất định; bản thân tôi đã tham vọng và thỏa hiệp nhất có thể để giữ nguyên cấu trúc nguồn nhằm trung thành với văn phong của tác giả, ảo tưởng. Bởi lẽ, làm như thế, tôi vừa buộc thật chặt một cái gì thật lỏng. Văn phong của Alain, như ta sẽ thấy, lỏng đến không ngờ; và quả thực tôi đã không nhận ra và cần đến sự chỉ từ bên ngoài. Từ vô số từ trong ngôn ngữ nguồn tác giả nhặt ra các từ nhất định để dựng nên tác phẩm; rồi lại từ vô số từ trong ngôn ngữ đích người dịch chọn ra các từ để dịch tương ứng, tất nhiên có những lúc anh ta phải chế từ thậm chí phải để nguyên chữ gốc không dịch, và đừng quên điều đó phải được đảm bảo xuyên suốt tác phẩm, vẫn là ảo tưởng. Cho dù chúng ta nhất trí bằng phép thần kỳ nào đó mà cả ba điều ấy có tựu thành chăng nữa, ảo tưởng dịch đúng vẫn còn nguyên vì ngay từ đầu ta đã mắc vào cái bẫy của những phân tách và chia cắt. Ở lưng chừng dốc chếch của sự dịch, khi đã mù mờ nhìn ra những cạm bẫy, một trở ngại khổng lồ nữa cần vượt qua là quán tính. Người dịch mang theo sự ì của ngôn ngữ, của cơ thể và tinh thần riêng rất khó để thay đổi. Điều hãi hùng trong hình phạt dành cho Sisyphus không chỉ ở sức nặng của tảng đá khổng lồ, không chỉ ở việc phải lặp lại công chuyện từ đầu mỗi khi gần xong, mà còn bởi mọi thứ sẽ lặp lại y hệt. Câu hỏi của Sphinx vẫn treo ở đó: phải dịch thế nào? Tôi đành vi phạm đến hai lần một ý của Alain: một tác phẩm đích thực là một nguyên khối, nó khước từ mọi lời bình.

“Tuy nhiên, nguyên khối ở đâu? Tôi chỉ tìm thấy những từ. Nhưng chính sự sắp xếp của các từ mới tạo nên tác phẩm; bởi vậy tôi sẽ không thể nói cái gì quan trọng và cái gì không; mọi thứ đều quan trọng […] ta không muốn đọc trích đoạn hay mẩu chọn lọc nào nữa […] vì không gì có thể thay thế tác phẩm; cần đọc đi đọc lại nó, cho tới khi toàn bộ tác phẩm hiện diện trong từng từ nhỏ nhất; đó là luật của các tác phẩm viết mà ta không thể ôm trọn tổng thể từ một cú nhìn, giống như ta làm với một bức tượng.”

Tác phẩm được Alain mở đầu bằng lời độc thoại với tinh thần của chính mình về thơ ca, về thi sĩ và về tình huống của nhà phê bình là bản thân ông, rồi được khép lại bằng tiểu đoạn cuối về Jean-Christophe, tiểu thuyết trường thiên của Romain Rolland, thông qua đó, yếu tính của tinh thần được lập định. Toàn bộ tác phẩm có thể xem như một sự bùng nổ của cú chập đầu-cuối ấy, một bản hòa âm của nhiều dòng giai điệu hòa trộn cùng nhau, một bức tranh về văn chương trong phối cảnh nền của triết học, tôn giáo, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác, ở đó các nốt và hợp âm, đường nét và màu sắc rung lên theo luật của tự nhiên và luật của con người. Alain triển khai các ý dựa trên trục căn bản tự nhiên-con người-ngôn ngữ-nghệ thuật-văn chương, từ đó phân ra các nhánh về con người – thể xác-tâm hồn-tinh thần, về nghệ thuật – âm nhạc-hội họa-kiến trúc-hùng biện-kịch nghệ, và chính yếu về văn chương dọc theo chiều dài tác phẩm – thơ ca-sử thi-ngụ ngôn-văn xuôi-tiểu thuyết. Cần nói rằng đó không hề là một cái gì mang tính cơ giới với những lắp ghép rời rạc. Mọi thứ quện vào nhau, các mối nối mềm mại và chính xác. Ta hãy dừng lại một chút để chơi trò cắt dán, chẳng hạn, với ý nghĩ. Hạn từ này được xét trong mối quan hệ tổng thể, trở đi trở lại xuyên suốt tác phẩm, và cũng là như vậy với các hạn từ khác: thế giới, cái đẹp, thi sĩ, tiểu thuyết gia… Trong chuỗi vòng ấy, mỗi hạt ngọc đều là trung tâm, lấp lánh và ánh chiếu lẫn nhau.

“Chỉ bằng cách dựa vào trật tự bên ngoài mà tâm hồn được tạo tác… có tâm hồn, đó là suy nghĩ nghiêm túc và ngu dại… Mọi ý nghĩ đều tốt cho văn xuôi; tất cả những gì cần thiết ở đây chỉ là sự kiên nhẫn để gỡ rối. Nhưng thơ ca muốn một sự kiên nhẫn khác, cái gạt bỏ các ý nghĩ. Làm rung lên toàn bộ cơ thể người và thế giới, và, bằng một đặc quyền cấu trúc và sự đơn giản đến tột độ, đợi tiếng hát tự nhiên, tiếng hát của giờ khắc… Văn xuôi đẹp không tự xếp thành thơ. Nó từ chối thơ. Văn xuôi đẹp là một nghệ thuật khác. Các khúc quanh của nó được giấu kỹ; ta cảm nhận chúng ở Voltaire, ở Montesquieu, ở Stendhal. Tôi không thể nói nét ấy đến từ đâu. Chắc chắn nó không đến từ nhịp, mà đúng ra nó phá vỡ nhịp. Và giả sử, như tôi tin vậy, rằng thơ ca là nghệ thuật nói cổ xưa nhất, văn xuôi sẽ là một sự từ chối thơ ca đầy cương quyết. Bội bạc. Vì, như tôn giáo đi từ tượng sang thần học, cũng vậy ý nghĩ đi từ thơ ca sang văn xuôi. Tại sao? Bởi vì chính tự nhiên làm ra các câu thơ đẹp. Và âu cũng chính tự nhiên tạo ra mọi ý nghĩ… Balzac và Stendhal đã tìm ra những thứ dường như quá đỗi đơn giản đối với độc giả thông tuệ; nhưng may thay chúng đã không đơn giản cho bản thân họ; đó là bởi họ đã nghĩ ngợi xuất phát từ sự ngu dại tự nhiên; họ đã gỡ rối cuộc sống của chính mình. Tôi có ý tưởng rằng họ luôn bắt đầu lại, và trước tiên không hiểu mô tê gì. Tôi cũng tìm thấy ở đó nhiều ý nghĩ hơn ở các nhà tư tưởng. Họ khuấy động một đáy bùn. Hơn nữa, người thông tuệ đọc chúng cảm thấy bối rối và gần như được cứu rỗi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Chuyển động được mô phỏng này không nghi ngờ là cái đẹp… Và chính tương lai thực sự vô định ấy tạo nên sự sống của một nhân vật; thay vì thế, ở tiểu thuyết gia nào nghĩ quá nhiều về người của mình, mọi thứ bị định sẵn ngay từ đầu; và tôi cảm thấy rằng ông ta đang kể cho tôi một câu chuyện đã kết thúc. Ý giết chết nhân vật.”

Tính nguyên khối còn được thể hiện thông qua hình thức của tác phẩm. Mỗi tiểu đoạn không thực sự có tiêu đề; chính xác hơn, tiêu đề của mỗi tiểu đoạn là những từ đầu tiên trong câu đầu tiên của tiểu đoạn ấy. Như thế, cùng với tính liên tục của các ý được triển khai, các tiểu đoạn nối vào nhau không đứt quãng, chúng đồng thời còn phản chiếu nhau từ xa vì các ý sẽ trở lại và được phát triển tiếp, tất cả cùng quy về nhan đề chung Đoản luận: văn chương. Văn phong mà Alain lựa chọn là thứ văn nói linh hoạt, lúc độc thoại, lúc trò chuyện với độc giả, lúc thì với một nhân vật tưởng tượng, một tác giả cụ thể trong đời thực hay trong tâm trí của Alain. Đó là thứ văn nói của ranh giới giữa nghĩ, đọc lên thành tiếng và viết, ứng hợp hoàn hảo với bộ ba nhà phê bình, thi sĩ và tiểu thuyết gia. Văn ấy là da thịt căng mềm cho bộ khung của những trục, và tác phẩm tựa như một sinh thể tự nó cất tiếng. Văn ấy kéo mọi thứ lại gần nhau mà vẫn đặt mỗi thứ ở đúng vị trí, nó cùng lúc ở bên ngoài và bên trong văn chương.

Tôi vừa đi một đường vòng để trở lại với câu hỏi: dịch Alain thế nào? Lời đáp có lẽ không nằm ở những ý mà nằm ở sự viết, ở chính sự dịch, tức là ở thời gian. Chắc tôi sẽ mày mò, hẳn rồi, và học cách kiên nhẫn, như một nhà thơ, như một tiểu thuyết gia, và thời gian sẽ hoàn thành phần việc của nó. Xin dừng bút ở đây vì con chữ biến dịch kia một lần nữa phập phồng. Con chữ gập ghềnh và say mê ấy có lần tôi đã đánh rơi trong một nhịp:

"Tout l’univers chancelle et tremble sur ma tige. [1]

Khoảnh khắc ấy của trí tưởng tượng, nó đây không tì vết, không dụng công, không tìm kiếm; và ngay nguyên nhân ở đó, giáo lý ở đó, trong một từ nhỏ bé duy nhất, từ sở hữu ấy, bất ngờ và tất yếu. Hạnh phúc được chiêm ngưỡng ấy không chút hao mòn."

Đ. T. P.


[1] “Cả vũ trụ chao đảo và run rẩy trên cọng thân em.” - câu thơ trong bài La jeune Parque (Nàng Mệnh trẻ) của Paul Valéry.

Tags: Alain