Khác Đọc

Hành trình tình cảm - Laurence Sterne (trích)

[Viết Hành trình tình cảm, Laurence Sterne có quy chiếu là vài nhà văn Anh quốc khác, nhất là Tobias Smolett.

Nhưng Sterne cũng quy chiếu đến - và đây là một sự tự quy chiếu - Tristram Shandy, cuốn tiểu thuyết của chính ông. Hành trình tình cảm là cuốn sách ra mắt độc giả Việt Nam của Laurence Sterne; Xuất bản Khác cũng sẽ sớm in bản dịch Tristram Shandy, vẫn dưới bàn tay của dịch giả Nguyễn Hoài.

Một người ở đảo đi vào lục địa và ghi chép lại hành trình ấy: đây là cả một truyền thống; trong truyền thống ấy, Laurence Sterne giữ một vị trí rực sáng, với Hành trình tình cảm, một du ký thuộc dạng người ta không còn biết viết nữa, sau này. Bản thân từ “tình cảm” trong nhan đề cũng đã trở thành cả một thành ngữ.

Dưới đây là đoạn trích ở chặng đầu chuyến đi, khi Laurence Sterne (trong Hành trình tình cảm, Sterne tự nhận mình là “Yorick”, nhân vật trong Tristram Shandy nhưng cũng là nhân vật trong Hamlet của  Shakespeare) mới từ Dover sang tới Calais. Nhìn thấy ở sân khách điếm của mình có một cỗ xe ngựa xập xệ, Sterne nhảy lên đó ngồi và viết lời tựa cho Hành trình tình cảm, hay nói đúng hơn, cho dạng hành trình của riêng ông.]

Chắc chắn nhiều triết gia đi rong đã nhận thấy tạo hóa bằng thẩm quyền bất khả tư nghị của mình đã xác lập những giới hạn nhất định hòng chế ngự nỗi bất mãn của một người: bà đã thực hiện mục đích đó theo cách kín đáo nhất và dễ dàng nhất, ấy là buộc hắn phải chịu những cưỡng bách khôn thoát, là phải tìm lại được sự thanh thản của hắn, và chịu đựng được những khổ sở của hắn ở đất nước của mình. Chỉ có ở đó, bà mới trao cho hắn những vật phù hợp nhất để chia sẻ hạnh phúc, cũng như để gánh chịu một phần cái gánh nặng bao giờ cũng là quá sức đối với một đôi vai duy nhất. Đúng là, chúng ta được phú cho một quyền năng chẳng hoàn hảo lắm, ấy là đôi khi ta có thể lan tỏa hạnh phúc của ta vượt khỏi những giới hạn của tạo hóa, nhưng bởi những khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp và những điều tòng thuộc, và cũng bởi những khác biệt về giáo dục, phong tục và thói tật, chúng ta chịu quá nhiều trở ngại trong việc thông đạt những tình cảm của chúng ta vượt ngoài lãnh vực riêng của ta, đến mức thường thì đấy là một sự bất khả hoàn toàn.

Điều này sẽ luôn luôn dẫn tới một hệ quả, đấy là cán cân thương mãi tình cảm luôn luôn ngả về phương bất lợi cho kẻ lữ khách biệt xứ: anh ta phải mua thứ anh ta chẳng mấy khi dùng với mức giá tùy ý kẻ khác - người ta hầu như chẳng đối đáp với anh nếu thiếu phần chiết khấu cao - và thế là anh ta sẽ không ngừng, mãi mãi, đi tìm những tay môi giới hợp lý hợp tình hơn để bán lấy lời đàm của anh ta, và chẳng cần tài thánh cũng đoán được những đồng bạn của anh ta là người thế nào…

Điều này đưa tôi đến vấn đề của mình; và tất nhiên nó cũng dẫn tôi (nếu cái xe Cóc nghiêng ngả chẳng khác chi chiếc bập bênh này cho phép tôi viết tiếp) đi vào những căn nguyên tác thành, cũng như những căn nguyên cứu cánh của sự du hành…

Những người vô công rồi nghề rời khỏi đất nước họ mà ngao du vì lý do này hay lý do khác có gốc gác từ một trong ba căn nguyên khái quát sau…

                Sự yếu đuối của thể xác,

                Sự khờ dại của tâm trí, hoặc

                Nhu cầu tất yếu.

Hai căn nguyên đầu tiên bao gộp hết thảy những kẻ du hành trên đất liền hay trên biển, lên đường vì kiêu hãnh, vì hiếu kỳ, vì phù phiếm, hay vì buồn chán; nhóm này có thể chia nhỏ và kết hợp tới vô tận.

Loại thứ ba bao gồm một quân đoàn những kẻ tuẫn đạo hành hương; đặc biệt là những lữ khách khởi sự hành trình của họ đặng đem cái lợi về cho các tăng lữ, hoặc là những kẻ mang án lên đường theo mệnh lệnh của các quan thầy, được đề cử bởi thẩm phán - hoặc các trai tráng mã thượng bị đày đi bởi những thân sinh và người bảo trợ đầy tàn nhẫn, rồi du hành theo chỉ dẫn của những người giám hộ được đề cử bởi Oxford, Aberdeen và Glasgow.

Còn một loại thứ tư nữa, nhưng bọn này số lượng nhỏ quá, đến nỗi chẳng đáng phân ra một loại riêng, nếu không phải vì công trình này nhất thiết phải hướng tới sự chính xác và tinh vi ở mức cao nhất, hòng ngừa việc các tính chất bị lẫn lộn vào nhau. Những kẻ mà tôi đang nói đến, là những kẻ vượt bể cả mà lưu lại ở miền đất toàn người xa lạ, hòng thu vén tiền bạc vì những nguyên do đủ loại, những cớ lẽ đủ loại: nhưng bởi họ sẽ giúp bản thân và người khác tránh được cơ man rắc rối chẳng cần thiết, bằng cách cứ ở nhà mà thu vén - và bởi những lý do lên đường của họ thì thuộc loại ít phức tạp nhất so với mọi mẫu người di cư khác, tôi sẽ phân loại những người này bằng cái tên

                Những lữ khách Đơn giản.

Như vậy thì toàn bộ các lữ khách có thể rút về vài đầu mục sau.

                Lữ khách vô công rồi nghề,

                Lữ khách hiếu kỳ,

                Lữ khách trí trá,

                Lữ khách kiêu hãnh,

                Lữ khách hão huyền,

                Lữ khách buồn chán.

Rồi kế đó là Lữ khách Cấp thiết.

        Lữ khách mang tội và bị đày,

        Lữ khách vô tội và bất hạnh,

        Lữ khách đơn giản,

và nhóm cuối cùng, là Lữ khách Tình cảm (tức là chính tôi) người lên đường du hành, mà giờ đây tôi đang ngồi thuật lại chi tiết - xuất phát từ sự cấp thiết và từ khao khát lên đường, chẳng kém bất cứ ai trong nhóm này.

Đồng thời, bởi cả sự đi cùng những quan sát của tôi sẽ thuộc một kiểu khác xa so với mọi tiền bối, tôi cũng ý thức rất rõ rằng tôi có thể phải đòi một vị trí chỉ dành riêng cho tôi mà thôi - nhưng có lẽ tôi nên nhập vào nhóm Lữ khách Phù phiếm, đặng mong được người ta chú ý đến, cho đến khi tôi tìm được những cơ sở phân loại đích đáng hơn, thay vì chỉ có cái Phương tiện Mới mẻmà tôi đang đi.

Nếu độc giả của tôi cũng từng là lữ khách, thì với những nghiền ngẫm và khảo cứu trên đây, anh ta có thể định đoạt được vị trí và hạng của mình trong danh mục kia… - đấy sẽ là một bước tiến trên con đường tự biết mình; bởi rất có thể ngày nay anh ta vẫn còn giữ lại được đôi chút sắc vẻ hoặc nét tương đồng với cái anh ta ngày xưa từng hấp thụ hay thực hiện.

Người đầu tiên di thực giống nho Burgundy tới Mũi Hảo Vọng (ta thấy đấy là một người Hà Lan) chẳng bao giờ mơ được uống tại Mũi cùng thứ rượu vang, cùng thứ nho được trồng trên những đồi núi Pháp - bởi cái người này thật phớt tỉnh quá - nhưng chắc chắn ông ta đã trông đợi được uống một thức cồn màu đỏ; nhưng dẫu tốt hay xấu, hay vô thưởng vô phạt - ông đủ từng trải để biết rằng, cái đó chẳng phụ thuộc vào lựa chọn của ông, mà chính cái thứ thiên hạ gọi là may rủi mới quyết định thành công của ông: tuy nhiên, ông cứ hy vọng điều tốt đẹp nhất; và trong cơn hy vọng ấy, bởi một nỗi tự tin thái quá vào sự tỉnh táo của cái đầu, cùng sự thâm thúy của trí xét đoán của mình, Người Hà Lan ấy chắc hẳn đã hất nhào cả hai thứ ấy trong vườn nho mới; và qua việc cởi truồng, đã trở thành trò cười trong mắt đồng bạn.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với Lữ khách đáng thương, kẻ giương buồm và rong ruổi qua những vương quốc văn minh hơn trên địa cầu, hòng mưu cầu tri thức và tiến bộ.

Tri thức và tiến bộ là những thứ anh ta nhận được khi lên đường vì mục đích ấy; nhưng đấy có phải là kiến thức hữu ích, là tiến bộ đích thực hay không, thì lại tùy thuộc cả vào may rủi - và thậm chí cả khi kẻ phiêu lưu thành công, thì những kiến thức và tiến bộ anh ta lĩnh hội phải được dùng một cách thận trọng và tỉnh táo, thì mới mong ra được kết quả - nhưng bởi vận số lại thường đi theo hướng ngược lại cả trong sự lĩnh hội lẫn sự ứng dụng, nên tôi cho rằng một người sẽ là khôn ngoan, nếu anh ta có thể chế ngự bản thân, nếu bằng lòng không có tri thức bên ngoài hay những tiến bộ bên ngoài, nhất là nếu anh ta lại sống ở một quốc gia chẳng quá thiếu cả hai thứ trên - và quả thật, tôi đã bao lần phải chịu cái giá là nỗi xót xa, khi tôi thấy người Lữ khách hiếu kỳ đã phải đi bao nhiêu là khổ ải để có thể trông những cảnh mới lạ và xem xét những phát kiến, trong khi, giống như Sancho Pança nói với Don Quixote, tất tật những thứ đó họ hẳn có thể tìm thấy một cách dễ dàng tại quê nhà. Ở một thời nhiều ánh sáng đến nỗi hiếm có quốc gia hay ngóc ngách nào của châu Âu mà ánh sáng của nó lại không giao cắt trao đổi với những ánh sáng khác - Tri thức, trong hầu hết các nhánh của nó, trong hầu hết các áp phe, thì cũng giống như âm nhạc trên một phố ở Ý, ai thích thì nghe, chẳng phải trả tiền - Nhưng dưới gầm trời này không có quốc gia nào - Chúa chứng thực cho tôi, (một ngày nào đó tôi sẽ phải đến trước tòa án của Ngài và thuật lại tác phẩm này) - đấy là tôi không bốc phét - Nhưng dưới gầm trời này chẳng có quốc gia nào đầy mứa muôn loại sự học - một nơi người ta có thể dễ dàng đeo đuổi, hoặc cầm chắc chiếm lĩnh các khoa học, hơn là ở đây - nơi nghệ thuật được khuyến khích và chẳng mấy chốc sẽ vươn cao - nơi Tạo hóa (hiểu theo nghĩa toàn thể) thì hầu như đứng ngoài - và tóm lại, ở đó có nhiều trí khôn, nhiều nét đặc sắc cho tinh thần tha hồ thụ hưởng - Kìa, hỡi những người đồng bào, các ngài đang đi đâu…

- Chúng tôi chỉ đang ngó cái xe này, họ bảo - Xin kính chào các ngài, tôi nói, rồi bước xuống cái xe và bỏ mũ - Chúng tôi đương thắc mắc, một người hỏi, rằng lữ khách hiếu kỳ là thế nào - đâu là động cơ xui khiến lữ khách đó hoạt động. ­- Đấy là sự bứt rứt muốn viết một cái tựa, tôi bình thản nói - Người kia, hẳn là một lữ khách đơn giản, liền bảo, tôi chưa từng nghe đến một cái tựa được viết trên một chiếc xe Cóc. - Đáng lẽ sẽ hay hơn, tôi nói, nếu nó được viết ở trên một chiếc Vis à vis.

Người Anh không ngao du để gặp người Anh, tôi lui về phòng mình.

Nguyễn Hoài dịch

Tags: Laurence Sterne Nguyễn Hoài