Khác Đọc

Họa sĩ của cuộc sống hiện đại

“[…] mỗi thời có cách của nó, ánh mắt của nó và nụ cười của nó.

“[…] bởi gần như toàn bộ sự độc đáo của chúng ta phát xuất từ con dấu mà thời gian in lên các cảm tri của chúng ta.

(Chương IV)


Sau tập thơ văn xuôi Le Spleen de Paris, việc cho ra mắt thêm một tiểu luận có giá trị lịch sử như “Họa sĩ của cuộc sống hiện đại” là vô cùng cần thiết để độc giả có thể có được cái nhìn toàn cảnh hơn về vai trò của Baudelaire đối với nghệ thuật hiện đại. Cái nhìn ấy là không thể thay thế, dẫu nó hướng vào thơ hay vào hội họa. “Họa sĩ của cuộc sống hiện đại” trên hết không phải một tiểu luận dạng bình tán hay tụng ca thô thiển cá nhân họa sĩ cùng gia tài họa phẩm nào. Đúng hơn, thông qua bàn luận về công việc sáng tạo của Constantin Guys, chân dung Baudelaire trong vai trò một nhà phê bình với cảm tri nhạy bén về thời đại sẽ được bộc lộ hết sức rõ ràng. Tiểu luận này tồn tại như một tuyên ngôn của Baudelaire về tính hiện đại.

Hai thành tựu quý giá nhất mà Baudelaire đã làm được trong vỏn vẹn chưa đầy trăm trang giấy là kéo mọi thứ (nổi bật nhất là nghệ thuật) về đúng vị trí của nó (như gợi dẫn từ đề từ thứ nhất) và tóm cái hiện hữu phức tạp của hiện tại vào trong một định nghĩa tương đối gọn gàng, làm tiền đề cho những triển khai phía sau về vị thế của người sáng tạo trước thời đại và nghệ thuật (đâu đó đã hé mở ở đề từ thứ hai). Trước hết cần bàn tới hành động tóm của Baudelaire, làm rõ các khái niệm ngay từ đầu là điều cần thiết. Theo Baudelaire, sự hiện đại là: "Cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ"của hiện tượng sự vật. Cụ thể, ông muốn nhấn mạnh bản chất dễ thay đổi và đa dạng của một đời sống mới mà ở đó, sự cứng nhắc trở nên hết sức ấu trĩ, trì độn và ngớ ngẩn. Rồi phải có hành động tómsong hành mới khiến hành động kéo trở nên xác đáng. Từ cấp độ thuần vật chất nhất, Baudelaire kéo những bộ váy, trang phục, chuyện trang điểm ở phái nữ… cho tới cấp độ cao hơn là cái đẹp, nghệ thuật, vị thế của người nghệ sĩ…, tất tật đều được ông sắp xếp lại vào đúng các bệ giá trị mà chúng thuộc về. Cụ thể, cuộc sống hiện đại, được thúc đẩy bởi hàng hóa và quá trình sản xuất nhân tạo những ham muốn nhân tạo, là nơi sản sinh ra các môi trường đô thị vốn dĩ chính là chỗ sinh sống của các loại người mới - các á thần. Nơi ấy, không có gì là thật và cũng chẳng có cái gọi là tự nhiên. Nghệ thuật từ đó, chẳng còn có thể sống trong ảo tưởng về việc tái hiện cái “vĩnh cửu”, mà chỉ thực sự có giá trị khi biết nắm bắt những điều thú vị và thoáng qua. Ở đây cần phải bàn sâu thêm nữa về quan điểm thế nào là cái đẹp của Baudelaire. Ông cho rằng cái đẹp mang tính nhị nguyên, là hệ quả định mệnh từ tính chất nhị nguyên của con người: “Cái đẹp được làm ra từ một yếu tố vĩnh cửu, bất biến, mà phẩm chất là vô chừng khó để xác định, và từ một yếu tố tương đối, thuộc hoàn cảnh, thứ sẽ là, nếu người ta muốn, lần lượt hoặc cùng một lúc, thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng. Nếu không có yếu tố thứ hai này, thứ vốn giống cái vỏ gây vui thú, nhiều hối thúc, ngon lành, của bánh ngọt thần thánh, thì yếu tố thứ nhất hẳn sẽ là không thể tiêu hóa, không thể coi trọng, không được thích ứng và tiếp nhận vào bản tính con người.” Baudelaire đã tạo nên một cú chuyển dịch khỏi thực tại luận, tạo hướng đi mới cho nghệ thuật hiện đại. Chỉ có thực tại luận mới rơi vào lầm lạc phân tách giữa chiều sâu và bề mặt. Song khi tự nhiên không còn tồn tại xơ cứng trong một thời đại trung chuyển nữa, thì đâu còn có thể nghiên cứu chiều sâu rồi đóng đinh một sự vật cho được. Thay vào đó, phải nắm lấy cái phù du của thời đại như một cảm hứng dồi dào, một thành tố không thể phủ định khỏi phạm trù cái đẹp. Ở đây, thấp thoáng cái kỳ dị mà Baudelaire hết lòng say mê…

Giờ cần phải quay trở lại với vị họa sĩ của chúng ta bởi dù sao, tiểu luận cũng tên là “Họa sĩ của cuộc sống hiện đại”. Như đã trình bày, gương mặt chính của tiểu luận là Constantin Guys, một họa sĩ vẽ tranh minh họa và vẽ màu nước với tay nghề cao. Ông đã mô tả toàn bộ cuộc sống của người dân Paris thuộc Đế chế thứ hai trong tranh của mình - từ quán cà phê, các cận thần và kỹ nữ cho đến những quý cô thanh lịch tại nhà hát opera, những chiếc xe ngựa sang trọng chở những người giàu có và nổi tiếng, và ăn mặc bảnh bao trên các đại lộ. Việc lựa chọn Constantin Guys như một tiêu biểu của họa sĩ trong cuộc sống hiện đại là lựa chọn hết sức khôn ngoan của Baudelaire. Ở Constantin Guys có các phẩm chất tương thích với đòi hỏi của nghệ thuật hiện đại. Đầu tiên, ngay từ chính sự vô danh của vị họa sĩ đã có thể coi là khẳng định cho cảm giác rằng tính hiện đại với bản chất linh hoạt của nó có thể bắt gặp trong những chỗ bị bỏ qua hoặc bị coi là lợi ích thiểu số. Ngoài ra, không thể bỏ qua một điểm rất hấp dẫn về tiểu sử của vị họa sĩ này, một phóng viên cho tờ Tin tức London. Chính bởi nơi trình hiện tác phẩm của Constantin Guys không phải là trong các Salon mà là ở trên một tờ báo (báo chí là sản phẩm của xã hội hiện đại), nên các phẩm chất sáng tạo mà ông có sẽ hoàn toàn khác biệt. Vị họa sĩ đã sớm quen với việc phải tìm kiếm những gì mới lạ, chưa biết, không quen thuộc rồi tái tạo nó nhằm truyền đạt nhận thức của mình trong thời gian ngắn nhất có thể để chuyển về văn phòng của tờ tạp chí. Nghĩa là ông luôn luôn trong tư thế linh hoạt, hòa đồng và vận động đầy nhanh nhẹn, thay vì như một số họa sĩ mà Baudelaire miêu tả, vẫn chăm chăm vận lên người nhân vật của mình bộ trang phục từ quá khứ đã cũ mèm. Nhưng như thế là chưa đủ, còn một phẩm chất nữa: phải có trí nhớ tốt. Baudelaire tinh quái đã dành hẳn một chương V chỉ để nói về điều này, chính trong lần đọc văn bản đầu tiên tôi đã thực sự không hiểu và nghĩ rằng ông đang trêu đùa người đọc. Nhưng quả thật, trí nhớ tốt là một đòi hỏi của tính hiện đại. Những họa sĩ hiện đại như Constatin Guys sẽ vẽ bằng ký ức chứ không phải theo một mẫu có sẵn, họ vẽ theo hình ảnh được lưu vào bộ não chứ không phải theo tự nhiên. Chỉ có như vậy, người họa sĩ mới mong theo kịp được hiện thực luôn biến đổi mang cái đẹp thoáng qua phút chốc.

Đây là một bài giới thiệu ngắn về tiểu luận “Họa sĩ của cuộc sống hiện đại” sẽ được in cùng với tiểu luận “Tác phẩm và cuộc đời Delacroix” trong ấn bản sắp tới của Xuất bản Khác. Tựu trung để nói về Baudelaire, càng đọc Baudelaire ta mới càng thấy rằng số mệnh của ông phải chịu kết chặt với đời sống đô thị cùng tinh thần hiện đại. Điều đó thực đầy nghịch lý và khổ sở nhưng dường như Baudelaire chẳng bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi nó, dù ông gắng sức chạy trốn đến nhường nào khỏi cái đời sống khiến ông phải đau đớn thét lên: “Cuộc sống khiếp hãi! Con người khiếp hãi”. Cho tới nay, nhắc tới Charles Baudelaire, cái tên ấy vẫn cứ là một nhân tố nổi trội về sự tinh nhạy trong mối cảm tri với tính hiện đại mà tiểu luận này là một minh chứng.

Note nhỏ: Lần nào cũng vậy, cứ cố gắng viết một thứ gì đó về Baudelaire là bản thân tôi lại rơi vào mong muốn trì hoãn. Baudelaire cùng văn bản của ông đang trên đường cho tôi thấy tác hại của việc “cố quá”…

Vả lại, Baudelaire, đó chính là bậc thầy về một bộ môn rất khó: procrastination.

Hoàng Bảo Trân

Tags: Baudelaire Hoàng Bảo Trân