Khác Đọc

Ivo Andrić: Con rắn

[Ivo Andrić, ngay từ đầu, đã nằm trong kế hoạch của Xuất bản Khác: đây là một nhà văn rất lớn, người nắm giữ phần hồn của cả một vùng đất phức tạp trước đây được gọi là Nam Tư. Những câu chuyện của Andrić khiến người ta có thể hình dung và đi vào Bosnia hay Serbia, nắm bắt được cuộc sống của những người dân tại các thành phố mang tên khó nhớ như Višegrad. Nếu không có những nhà văn như Ivo Andrić, sẽ rất khó hiểu được nơi giáp ranh giữa văn hóa Ki-tô và văn hóa đạo Hồi như vậy: Andrić biết cách tái hiện những gì xảy ra đã từ rất lâu, nhiều thế kỷ trước đây, như trong Bosnian Chronicle; câu chuyện về cây cầu trên sông Drina của Andrić tạo thành một cuốn sách đặc biệt lớn, về chỉ riêng một cây cầu đá được dựng bởi một viên “vizir” gốc Bosnia-Serbia bị đưa sang Istanbul từ nhỏ, cây cầu ấy chứng kiến biết bao nhiêu biến cố trong suốt gần 500 năm, trở thành thứ duy nhất cố định ở đó giữa các biến động không ngừng: cây cầu nằm ở chỗ có thành phố Višegrad, biên giới giữa Serbia và Bosnia.

Ivo Andrić được các nhà văn thế hệ sau vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ, chẳng hạn có thể đọc những gì Danilo Kiš viết về Andrić.

Andrić không chỉ viết những cuốn sách lớn thiên về lịch sử, mà còn viết truyện ngắn, và thế giới truyện ngắn của Andrić cũng vô cùng phong phú. Dưới đây, truyện “Con rắn” sẽ cho thấy một phần các đặc điểm sự viết của Ivo Andrić.]

Trên con đường trắng cắt qua bình nguyên Glasinac trải dài hết tầm mắt, một cỗ xe thanh lịch màu vàng chậm rãi đi, được kéo bởi hai con ngựa ô vóc dáng khá nhỏ nhưng đầy sức sống mang trên mình bộ yên cương mới cứng. Ngồi trong xe là hai cô gái trẻ mặc hai chiếc áo choàng giống nhau bằng lụa nhẹ màu ghi và đội hai chiếc mũ rơm rộng vành với mạng che mặt được nâng lên và kéo ra phía sau. Đằng trước là lão đánh xe, một người gốc Kranj, miệng ngậm tẩu. Bộ râu và ria cùng hàng lông mày rậm rạp của lão phủ lớp bụi trắng tựa bột mì.

Hai cô gái, Agatha và Amelia, là con của Tướng Radaković, đang trên chuyến đi từ Sarajevo đến Višegrad. Một tháng trước họ đã tới Sarajevo, nơi cha họ được cử đến từ hồi mùa xuân.

Cha họ là một người đàn ông tóc đã bạc nhưng dáng người mảnh khảnh và hồng hào, thuộc gia tộc Radaković ở Vienna, những người trong vòng hơn một thế kỷ rưỡi đã cấp nạp cho Đế chế Áo các sĩ quan cao cấp. Vốn nguyên quán ở tỉnh Lika, từ lâu họ đã tiếp nhận quá trình Đức hóa, và đến thế hệ thứ năm hay thứ sáu thì tự coi mình là người Vienna chính gốc. Với chút vòng vèo, họ tự nhận mình là hậu duệ của một số ông hoàng Bosnia, và cứ nhìn vào huy hiệu gia tộc được khắc trên chiếc nhẫn to tướng mà mỗi thành viên đều đeo là có thể thấy minh chứng cho lời khẳng định này. Ngoài tên họ Croatia của ông tướng thì rất có thể truyền thuyết dòng họ cũng đã góp phần vào việc mùa xuân đó ông được giao chức tư lệnh sư đoàn ở vùng Bosnia bị chiếm đóng, đại bản doanh đặt tại Sarajevo.

Lúc này khi thời tiết man mát tháng Chín đã vào mùa, ông tướng bắt đầu đi giám sát các đội quân đồn trú của mình tại biên giới phía Đông. Višegrad được chỉ định trở thành căn cứ điểm cho chuyến đi này. Ông dự kiến sẽ ở đó hai hoặc ba tuần. Viên sĩ quan chỉ huy tại Višegrad là người quen cũ từ Vienna, một người độc thân lâu năm và là một tay chơi khả ái từ lâu đã bỏ mộng thăng tiến trong sự nghiệp, giờ chỉ được giao những nhiệm vụ dễ dàng trong việc bố trí lực lượng đóng quân ở các địa điểm nơi gã có thể thỏa mãn niềm đam mê vườn tược, sắp xếp phòng sinh hoạt và khu trại sĩ quan - niềm đam mê duy nhất gã ta còn giữ lại sau bao nhiêu thú vui vô bổ và đắt tiền trước đó, những thứ đã gán cho gã tiếng xấu với các sếp cao và cũng đồng thời khiến gã trở nên nổi tiếng với đồng nghiệp, giới phụ nữ, và cả những kẻ cho vay. Chính gã là người đã đề xuất ông tướng mang theo gia đình, và tự gã cũng nhận sẽ là người sửa soạn chỗ ở cho họ (“một khu tốt nhất dựa trên điều kiện địa điểm và hoàn cảnh lúc này”), và lo liệu việc cửa giả, tổ chức các chuyến săn, và lên kế hoạch vui chơi giải trí phù hợp cho các quý cô trong nhà.

Vậy là ông tướng lên đường với bà vợ, hai cô con gái, và đứa con trai, một học viên tại trường sĩ quan quân đội đang trong kỳ nghỉ phép lúc đó.

Họ rời Sarajevo vào buổi sớm ngày hôm trước. Ông tướng, cùng bà vợ thân hình trùng trục và đứa con trai học viên sĩ quan, đi trên cỗ xe kiệu ngựa màu đen nặng trịch, loại mà hãng Saračević tại Sarajevo chỉ dành cho giới quyền quý thuê vào các dịp trọng đại. Những cô con gái, đều đã trưởng thành, lén tính toán đi riêng bằng cỗ xe của ông tướng, một chiếc xe nhẹ và sơn sáng màu. Họ hào hứng trước viễn cảnh hai ngày trọn vẹn ở cùng nhau, và trong khi đi qua vùng quê vô danh hoang dã, có thể nói chuyện thỏa thích mà không bị làm phiền; hai người đặc biệt yêu quý nhau, cho dù điểm chung duy nhất giữa họ là nhan sắc xinh đẹp.

Agatha, người chị gái, với bản tính trầm lặng và tỉnh táo, điềm tĩnh và đáng tin, lúc nào cũng bận rộn với các công chuyện của gia đình hay nhà cửa. Bạn bè người Vienna của cô gọi trêu cô là Caritas, bởi khi mới mười sáu tuổi, cô đã thành lập một hiệp hội của riêng mình để chuyên giúp đỡ người nghèo. Cô thuộc kiểu người mà hạnh phúc cá nhân không phải là điều trước nhất cũng như sau rốt trong đời, kiểu người sẽ tìm thấy niềm vui qua việc trở nên có ích với người khác.

Chỉ trẻ hơn có một năm nhưng cũng đáng yêu y như chị, Amelia có phần nào mỏng manh và xanh xao hơn. Biệt danh của cô là Ophelia. Cô có năng khiếu âm nhạc, yêu thích sách vở và các thú vui giải trí. Kể từ hôm thổ lộ lòng mình, cô đã phải chịu đựng (chỉ từ này mới thích đáng) một tình yêu phức tạp và vô vọng dành cho người bạn ấu thơ, một chàng trai trẻ lạnh lùng và khép kín, có lẽ sẽ khiến kiểu người kiên cường hơn cả Ophelia quay gót đi theo nhà tu. Amelia không vào tu viện, vì những thứ đó không còn thịnh hành nữa - đó là năm 1885 - nhưng cô gái tiếp tục đau khổ vì chàng trai, hoặc, đúng hơn, vì tình yêu cô dành cho anh ta, như một căn bệnh thầm kín và dai dẳng. Những vết thương ẩn mình mất nhiều thời gian hơn để chữa lành, và người duy nhất mà cô có thể giãi bày một cách thoải mái là chị gái của mình. Agatha đón nhận với lòng kiên nhẫn và niềm đồng cảm chân thành, luôn luôn sẵn sàng để hiểu, xoa dịu và an ủi em.

Hai cô gái từ bé đã luôn luôn bên cạnh nhau dường như không thể tách rời. Khi cha họ được chỉ định vào những lực lượng đóng quân nhỏ tại Hungary và Galicia, hai chị em theo học cùng một trường nội trú gần Vienna. Rồi khi, ông phục vụ năm năm tại Praha và Vienna, họ trải qua những năm tháng trưởng thành đầu tiên của mình ở hai thành phố đó.

Giờ đây trong chuyến đi ngoạn mục và đáng nhớ qua vùng núi Romanjia hoang dã và dọc theo theo bình nguyên Glasinac bất tận, người em gái có cơ hội hiếm hoi để tâm sự với chị. Sau lời bộc bạch thủ thỉ dài dòng và đặc biệt quằn quại, cô gái cảm thấy suy sụp và bắt đầu khóc. Giữa bình nguyên mặt trời hầm hập, xung quanh lởm chởm những dãy núi xanh đằng xa, nỗi thê lương của cô nghe càng thêm đau đớn và tuyệt vọng hơn bình thường.

Người chị gái làm dấu chỉ vào tấm lưng to lù lù của lão đánh xe, nhắc nhở cô không nên để lộ cảm xúc trước mặt người hầu, rằng sẽ có đủ thời gian cho cô khóc sau đó, rồi kéo cô lại gần mình dỗ dành. Sau một lúc sụt sịt trên vai chị, cô gái với mái tóc vàng sáng ngẩng đầu dậy. Khuôn mặt cô dường như bừng lên rạng rỡ trong ánh nắng mặt trời tháng Chín. Họ trao nhau nụ cười gần như y chang trong nét xinh đẹp của hàm răng họ, đôi môi và con mắt lấp lánh, nhưng một nụ cười dường như nói, “Giờ mọi thứ đỡ hơn và dễ dàng hơn rồi phải không?” và nụ cười còn lại, “Vâng, đúng là thế, nhưng nỗi đau vẫn hoàn đau và sẽ luôn luôn là như vậy.”

Lúc này, trong khi cỗ xe tiếp tục trên cung đường của nó, họ mê mẩn tận hưởng bầu không khí và khoảng rộng mênh mông trải dài qua sự chuyển tiếp khung cảnh đất trời. Cỗ xe kiệu chở những thành viên gia đình còn lại tụt về phía sau, chậm hơn gần một tiếng ngựa chạy.

Trời đã gần trưa. Con đường chúc xuống theo lối khó nhận biết. Đến đây cao nguyên có vẻ như chùng lại một chút và lần đầu tiên họ cảm nhận sự oi nóng trong ngày, cảm giác giống giữa hè hơn là đầu thu. Nhìn về cảhai bên đều có thể thấy những chòi gia súc thưa thớt dựng lên bằng những khúc cây khô xám lét. Các kết cấu hình thù trơ trọi và trống không mang ấn tượng bị bỏ mặc hoàn toàn. Xung quanh không thấy bất kỳ bóng dáng con người hay nhà cửa, không một cái cây hay cánh đồng trồng trọt, hoặc vật nuôi hay chỉ một con chim, trong không khí nóng nực. Từ đoạn trũng nông con đường bắt đầu lên dốc theo đường cong lớn. Mấy con ngựa đi chậm lại và hơi thở chúng trở nên khó nhọc hơn. Cuối cùng khi chúng đã kéo được cỗ xe lên tới điểm cao nhất của con dốc, bình nguyên lại hiện lên một lần nữa, nhưng không còn bằng phẳng và đồng đều như lúc trước. Giờ mặt đất chênh chếch nghiêng, hai bên khung cảnh được điểm xuyết bởi những tụ đồi nhỏ và sống núi với các lúm hốc phủ đầy bụi cỏ thấp.

Trên một khoảnh đất phẳng nhỏ bé bên phải con đường họ thấy một túm mấy người đang đứng. Trong đó có hai người đàn bà nhà quê lom khom nhìn thứ gì trên mặt đất. Cả hai chị em thấy họ cùng lúc. Khi đến gần hơn họ nhận ra những người đàn bà đang xúm quanh một đứa trẻ nhỏ nằm sấp. Bên cạnh họ là một cậu nhóc. Những người đàn bà và cậu nhóc ngẩng lên nhìn chằm chằm vào hai cô gái như thể những bóng ma.

Thấy rõ ngay bé gái nằm trên cỏ bên cạnh đống lửa đang lên cơn sốt và rất yếu. Hai chị em lại chỉ biết nói mỗi câu “Ngày tốt lành” bằng tiếng Bosnia, ngoài ra thì họ không biết làm sao để người khác hiểu mình được. Họ gọi lão đánh xe tới. Lão ta lưỡng lự khi phải rời khỏi chỗ ngồi, nhưng khi xong xuôi việc cố định đội hình xe ngựa lão đi lên con dốc và bắt đầu làm người thông dịch.

Đứa trẻ đã bị rắn cắn trong bụi cây khi đi lùa đàn cừu. (Cả hai chị em đông cứng người lại trong một khoảnh khắc bối rối và sợ hãi như thể chính họ vừa giẫm phải một con rắn.) Thông tin này được nói ra qua lời người đàn bà trẻ hơn, mẹ của đứa bé, vừa kể vừa khóc lóc với hơi thở ngắt quãng giữa các từ, như thể đang chật vật gánh nặng trèo lên đồi dốc. Người đàn bà già hơn là một mụ chuyên chữa bệnh bằng bùa ngải ở một ngôi làng gần đó. Bà ta đang ngồi xổm bên cạnh cô bé, thì thầm.

Mụ thầy lang được biết đến dưới cái tên Smilja người Serbia. Một người đàn bà mặt đỏ ửng, khung người vạm vỡ với đôi mắt to tối màu, bà ta là thầy lang và người xem bói cho cả vùng đó. Sự xuất hiện đột ngột của hai quý cô lạ mặt không làm bà ta dao động dù chỉ một chút. Bà ta tiếp tục việc chữa trị, tuyệt nhiên bình thản với sự tập trung hoàn toàn làm đường nét bà ta hiện lên với một vẻ điềm tĩnh và giàu lòng trắc ẩn thường thấy trên khuôn mặt những y sĩ tốt. Bệnh nhân chắc hẳn sẽ an tâm khi có mặt bà, nếu như không phải là đã quá ba tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc xảy ra tai nạn, và đứa trẻ đã chuyển sang tình trạng đờ đẫn tê cứngđiển hình ở nạn nhân bị rắn cắn - mắt nhắm, môi mím chặt, sắc mặt sầm tối, hơi thở ngắn, da tái nhợt và đổ mồ hôi lạnh. Bà thầy phép quan sát tất tật mọi biểu hiện từ đầu, và đang dồn toàn bộ tập trung vào những tiểu tiết, tất cả ngoại trừ vết thương vô hình trên cẳng chân sưng vù của cô bé. Trong sự bình tâm không chút dao động, bà ta chăm chú nhìn vết thương như thể nó là một loại ký tự bí mật. Cứ chốc chốc bà ta lại dùng móng tay cái dài ngoằng viền quanh vết thương một đường lượn sóng trông giống tia sét xoắn ốc tượng trưng cho những đường sọc đen gãy đứt trên lưng con rắn. Bằng một giọng nhỏ nhưng đều và chắc, bà ta lẩm nhẩm vài lời đôi lúc loáng thoáng thấy vần điệu, song còn lại lẫn vào trong tiếng thầm thì cầu nguyện. Sau đó, nâng đầu cô bé dậy và vừa đung đưa trên vết thương, bà ta đọc trong họng:

Sớm chủ nhật Lena lên đường

Đến một cánh đồng gom bó rạ

Trong bó rạ con rắn da vàng

Cắn Lena và làm cô bé khóc,

Mẹ em thương hết lời xoa dịu:

"Lena bé nhỏ, đừng sợ đau,

Mẹ sẽ tìm lá bùa phép thuật:

Sữa nai rừng từ đằng kia lấp ló

Và sữa táo giấu bí mật cất đi."

Theo sau là bài khấn nhịp nhịp trong những âm thanh gằn từ cổ họng không rõ tiếng không rõ nghĩa, ngắt đoạn bằng một hơi thổi trầm ngâm, đầu tiên trực tiếp lên vết thương, sau vào không trung, và cuối cùng theo bốn hướng la bàn. Xong xuôi, bà thầy phép từ từ thẳng người dậy, như thể mọi thứ giờ đã đâu vào đấy theo trật tự tốt nhất có thể, và bắt đầu gỡ một đầu thắt nút của chiếc khăn ngắn, lấy ra nắm lá rắn (lá đi-khốt) tẩm ướt bằng nước bọt rồi đắp lên vết thương.

Cô chị dõi theo mụ thầy lang mặt nghiêm nghị lãnh cảm với thái độ phản đối. Cô cảm thấy đúng ra phải chống lại những mê tín dị đoan như vậy, lên tiếng ngăn chặn thứ phép thuật phù phiếm này và thay vào đó phải cócách gì điều trị hợp lý cùng liều thuốc thực sự là thuốc. Nhưng cô vẫn chỉ đứng như bị xích tại chỗ, như thể ngay khi bước xuống xe cô lập tức rơi vào vũng cát lún nhớp nháp và dửng dưng nơi để di chuyển được phải cần đến nỗ lực kinh khủng nhất, cũng tại đó mọi ý nghĩ hình thành và tiêu biến ngay lúc được sinh ra. Cô phải chuẩn bị tinh thần và tập hợp toàn bộ sức mạnh để nhích lại gần hiện trường sự vụ.

Giờ, đứa bé nằm nghiêng sang bên trái. Cái áo dài trắng bị xổ ra phủ tới quá đầu gối, chân trái đặt nghiêng một bên trên mặt đất và sưng tấy rõ rệt. Không thấy hình vết cắn, nhưng chắc hẳn nó ở đâu đó chỉ trên mắt cá chân một chút, bởi ngay đấy có đường tròn xanh xanh với viền mép tấy đỏ. Em bé khẽ rên và cứ mỗi lúc cả thân thể giật lên như trong cơn nấc.

Sau khi tiến lại gần, người chị nhìn đăm chiêu thật lâu vào cái chân tấy đỏ. Cặp lông mày mảnh sẫm màu nhíu vào nhau, khiến khuôn mặt cô mang một biểu cảm hết sức lạ lùng và không tự nhiên. Lo lắng, cô em gái bước đến cạnh chị và hỏi thầm, giọng đầy vẻ nghiêm trọng:

“Người ta xử lý vết rắn cắn thế nào ạ?”

Vẫn chăm chú nhìn bé gái đau yếu, Agatha dường như không nghe thấy câu hỏi.

Cô từng thấy cảnh bệnh tật và nghèo khổ tại khu ổ chuột ở Vienna trong những lần đi xem xét định kỳ với các thành viên trong tổ chức của cô. Nhưng đây - đây là một thứ hoàn toàn mới và khá đáng sợ. Ở kia, người ta luôn luôn biết còn cần cái gì và phải làm thế nào để giúp, ít nhất là trong khả năng có thể. Bên đó, người ta giải quyết vấn đề bằng cách cứu trẻ em khỏi những phụ huynh tệ, những kẻ nghiện rượu, hoặc trả tiền thuốc cho một căn bệnh dễ dàng chẩn đoán, hay cho người bệnh ăn uống tốt hơn hoặc thay đổi không khí. Nhưng một người có thể làm được gì ở đây? Tình huống khốn khó này dường như nằm ngoài tầm với và khả năng can thiệp của bất kỳ ai. Vẫn với vẻ trầm trọng bất an, Agatha hỏi hết câu này đến câu khác, còn lão đánh xe phiên dịch ngập ngừng giữa các đoạn ngắt quãng.

Cho đến giờ họ đã làm được gì rồi? Hoá ra trước đó họ đã nặn máu ra khỏi vết thương hết mức có thể và buộc ga-rô trên đầu gối, rồi sai một cậu trai, là anh cô bé, chạy về làng lấy rượu brandy. Bà mẹ đứa trẻ vừa lau nước mắt lẫn mồ hôi, vừa khua tay chỉ chỗ ngôi làng qua một điểm mơ hồ đằng xa. Giờ họ đợi. Họ chẳng thể làm gì khác.

“Ông có rượu rum hay brandy không?” Agatha hỏi lão phu xe.

“Không, thưa cô. Tôi không uống rượu hay mang theo thứ đó khi đang làm việc.”

Agatha kỳ thực muốn đuổi cả hai người họ đi khuất mắt, mụ thầy niệm chú với khuôn mặt giả tạo và lão phu xe với cái vẻ bí mật đắc chí trước thực tế rằng giờ đây không ai có thể làm được gì, còn cô chỉ muốn xắn tay áo lên và làm gì đó có ích. Nhưng cô đứng đó bất lực, bực dọc với chính bản thân và với tất cả mọi người xung quanh.

“Không thể để một con người chết thế này được,” Agatha lẩm bẩm thầm tự trách móc thành tiếng mà bản thân không hề biết. Cô quỳ xuống, đổ một ít nước hoa lên khăn tay và nhẹ nhàng lau trán và khuôn mặt đứa bé. Đứa bé chỉ càng rên to hơn.

“Cồn, tất nhiên rồi! Chỉ cồn mới có thể cứu sống cô bé,” Agatha lẩm bẩm, như thể cô vừa mới nhận ra điều đó. Sau đấy cô quay ra nói với lão đánh xe. “Làm ơn hãy quay đầu cỗ xe luôn bây giờ và chạy nhanh nhất có thể về gặp cha và mẹ. Nhờ họ lấy chai rượu cognac và khẩn trương quay lại đây. Nhanh lên, ông có nghe không?”

Nhưng tốc độ không đi đôi với lão phu xe người Kranj này, ông ta mặc nhiên cho rằng loạt hành động của cô chủ trẻ giữa những người đàn bà Bosnia quê mùa này là một sự phóng đại, có chút không thật, và nói chung là vô lý, cũng y như cái cách mấy quý ông sĩ quan say mèm thích pha trò khi họ cứ giục lão phải đánh xe nhanh hơn vào cái giờ quỷ quái nào đó qua những đoạn đường gồ ghề và khó khăn. Nhưng lão ta đã quay đầu xe và bắt đầu đánh ngựa đi. Với Agatha lão trông như đang bò.

Suốt cả lúc đó, Amelia đứng một bên, cảm giác vô dụng, và dõi theo người chị “lớn” của cô. Khi chỉ còn mình họ, họ có thể nhìn xung quanh và đánh giá tình hình. Trong cái nóng khắc nghiệt giữa trưa nhóm người nhà quê trông đen đủi và bối rối đến thảm hại trên bình nguyên chói chang. Những người đàn bà đứng đó như hóa đá. Bà mẹ đứa trẻ liên tục liếc sang hướng Tây, về phía ngôi làng có thứ rượu brandy cứu sinh, nhưng ánh nhìn lại đầy sự giày vò và không có hy vọng, như thể ngôi làng cách xa cả nửa vòng thế giới. Mụ thầy bùa im lặng đợi công trình của mình phát huy tác dụng. Thằng nhóc đứng cạnh chán ngán, trong khi cô bé bị rắn cắn nằm đó với chiếc áo bẩn dính đầy cỏ, cẳng chân sưng vù chìa ra cứng đờ.

“Liệu cô bé có chết không?” người em gái hỏi giọng đầy sợ sệt.

“Không nếu như chúng ta có thể cho cô bé đủ lượng cồn kịp thời,” người còn lại trả lời với giọng một chuyên gia.

Im lặng bao trùm - chỉ bị phá vỡ bời tiếng rên rỉ lùng bùng không ngớt từ miệng đứa trẻ. Mặt trời trút xuống không chút nhân nhượng. Bình nguyên miên man xám xịt dường như nuốt trọn lão phu xe. Thời gian đứng lặng, nóng và bất dịch, như nỗi khốn khổ và đau đớn bao quanh họ.

“Chúa ơi, Agatha, cuộc sống gì thế này! Vùng quê gì đây, kiểu người gì đây!” cô em gái thì thầm, cố gắng trấn tĩnh sự bất an sâu thẳm của chính cô.

Mắt Agatha dán chặt vào đường chân trời nơi không lâu nữa sẽ xuất hiện cỗ xe ngựa. Một cách đều đặn và máy móc, bà mẹ đứa trẻ lau những giọt nước mắt vô hình tuôn ra vô tận.

Đột nhiên đứa trẻ oẹ khan và gập người dữ dội, rồi nôn tháo mà đầu vẫn nằm sát mặt đất. Bà mẹ cúi xuống nâng đầu con, trong khi Agatha lau miệng cô bé với chiếc khăn tay đính viền ren. Cơn co giật hành hạ cơ thể bé nhỏ thêm vài lần nữa, khiến cơ thể lúc sau trở nên bất động và lạnh tái. Hơi thở nghe nông hơn. Agatha kéo chiếc áo trắng lên và thấy cả bụng đứa bé cũng bắt đầu sưng. Một mùi hôi và buồn nôn của phân toả ra từ người đứa trẻ, thức ăn tràn khỏi cơ thể theo mọi đường.

Agatha ngước dậy và ra dấu hỏi xem họ có nước không. Trên cỏ đặt một vại nước bằng đất nung, và từ chiếc vại họ rót cạn những giọt cuối cùng, cho thấy rằng quanh đây mấy dặm không còn nước nữa. Khi hỏi xin một cái thìa nhỏ để cậy hàm răng cắn chặt của đứa bé, cô phải loay hoay mất một lúc họ mới hiểu được nhau; và lần này câu trả lời cũng là không.

“Không gì cả - không có đến một điều tốt lành,” Agatha nói, lau những ngón tay trên chiếc khăn mùi soa cô em gái đưa cho. Đối diện với quá nhiều nỗi bất lực, lòng tốt của cô cũng bắt đầu làm cô thất vọng.

Cô xếp hai tay phía trước và với một vẻ bất lực, phiền não nhìn sang bà phù thủy đang khom lưng trên mặt đất khô rụi, bình thản và tự tin với bài thuốc niệm chú của mình và thứ thuật, nó, đánh giá từ cái nhìn của bà ta, đã phát huy tác dụng và ắt sẽ hiệu nghiệm, tùy theo ý Chúa. Nguôi ngoai cơn khó chịu trong lòng, Agatha định nhờ bà ta tiếp tục với câu thần chú và bùa ngải của mình, sau khi xét thấy tình thế không thể làm gì khác, thì kể cả là gì đi nữa cũng hơn việc đứng thuỗn ra đó hết sức thụ động trong khi nọc độc đang chạy khắp cơ thể đứa bé và lây lan sự hủy hoại theo từng phút.

Cô em gái hay bắt chước theo chị một cách vô thức. Giờ cả hai bọn họ đều đứng xếp tay và đợi, giống hai người đàn bà quê mùa kia, chờ đợi sự cứu giúp. Lúc này cả họ cũng bắt đầu hơi cảm thấy như thể mình vẫn luôn đứng khúm núm trơ trọi thế này, bất lực và thừa thãi dưới bầu trời rộng lớn trên miền đất phẳng vô tận với bãi cỏ lún phún không một dấu vết con người ngoại trừ mấy chuồng bò tồi tàn buồn thảm, trông chính xác như một sân khấu bị bỏ hoang. Họ cảm thấy như những kẻ nghèo khổ và rách rưới, không biết tự khi nào bị cuốn vào tấn kịch của cuộc đời chăn nuôi tiền sử, với gánh nặng như chì đè trên đầu, trên mắt và cả tứ chi, đày đọa khởi nguồn trong cơn chấn động bí ẩn không cùng trong đó duy chỉ có thế lực ác độc ẩn mình trong cơ thể đứa bé còn tiếp tục sống, đập từng nhịp và tàn phá không chút trở ngại gì.

Bà mẹ lau nước mắt và mồ hôi trong im lặng rồi, giữa những hơi thở hắt ra, nấc lên từng tiếng than khóc trong thứ ngôn ngữ hai chị em không nghe được nhưng thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó.

“Ôi, tội cho cái thân bất hạnh này! Huu-uu, tất cả đều dồn hết lên đầu tôi. Huu-uu, tôi đúng là một kẻ khốn khổ đáng nguyền rủa!”

Và lần nữa bà ta lại đưa mắt nhìn theo đường chân trời tìm cậu bé đã đi khoảng ba tiếng trước để mang chai rượu brandy đến, và đang lãng phí thời gian như thể cậu ta đang rước về chính Cái Chết.

Cuối cùng, cỗ xe màu vàng sáng hiện ra trở lại trên con đường lớn. Agatha sốt sắng vẫy chiếc khăn tay ra hiệu với lão đánh xe, giục lão nhanh lên, nhưng lão già là một kẻ chậm chạp bẩm sinh không gì có thể xoay chuyển. Lão mang xuống một chiếc bình dẹt thủy tinh với cái nắp bằng bạc còn có thể dùng làm móc treo.

Họ khó nhọc cậy mở cái miệng cứng ngắc của đứa bé. Agatha từ từ và cẩn thận đổ rượu cognac vào miệng em, sợ lỡ như cô bé trớ ngược ra. Khi nào thấy cô bé bắt đầu sặc, Agatha ngay lập tức rút lại cái bình và đợi. Theo cách này bình từ từ cạn rượu. Khoảng mười phút sau trên trán em lấm tấm những giọt mồ hôi lớn, mắt sáng ra và đôi má ửng lên.

Qua lời phiên dịch của lão đánh xe Agatha giải thích rằng bằng mọi cách phải giữ cho đứa trẻ tỉnh táo, rằng họ cần xoa bóp trán và ngực cô bé và mỗi lúc lại nâng cánh tay lên để lưu thông hơi thở và kích động tim. Họ gật đầu và hứa làm theo, nhưng trong sự bàng hoàng, quên cảm ơn hay chào tạm biệt cô gái. Nhóm người nhỏ vẫn giữ nguyên như thế, chỉ trừ hai con người lạ mặt khác thường trong phục trang thị thành lộng lẫy của họ.

Hai cô gái nhanh chóng vào chỗ ngồi trong chiếc xe đang chuyển bánh trên con đường băng qua bình nguyên. Cách họ một khoảng từ phía sau cỗ xe kiệu bám bụi đang ì ạch chạy tới.

Địa hình càng lúc càng trở nên không đồng đều. Bình nguyên nâng lên rồi dốc xuống cùng lúc. Cái nóng oi ả dữ dội hơn. Những chỏm sống núi đất đỏ bắt đầu bao viền hai bên đường và khắp nơi thấy bóng dáng những bụi cây thấp nham nhở: cây bách lùn, hoa lê lư, bụi tầm xuân, cây sơn trà, và những bụi gai không tên sát rạt mặt đất. Khung cảnh phút chốc mất đi vẻ đẹp hùng vĩ và u sầu thường thấy ở những bình nguyên tiếp giáp hòa quyện với bầu trời trong một đường thẳng mờ kéo dài vô tận; nó bắt đầu trông âm u và xơ xác, theo một hướng nào đó nghèo nàn, và mất cân đối. Lũ ngựa phi nhanh hơn. Lão đánh xe thúc vào hai bên hông chúng, nóng lòng bỏ xa cỗ xe kiệu để những quý ông quý bà trong đó khỏi phải hít đống bụi mà lão đang tung mù lên. Chiếc xe nhẹ hơi chúi về đằng trước lặng lẽ tháo chạy theo con đường mòn phủ kín bụi.

Hai chị em ngồi nhìn thẳng trong sự im lặng bao trùm, trôi theo cái oi nóng mệt nhoài của cảnh vật và buổi chiều ngột ngạt. Vậy mà ngay sáng đó thôi, mọi thứ đã thật khác, thật tươi mới và đầy sức sống, cũng trên Bình nguyên Glasinac này khi họ còn đang tán gẫu chuyện nọ kia và Amelia đã được khóc một chút để xoa dịu cho trái tim thất tình của cô.

Mắt dính chặt vào dải khuy trên vai áo lão phu xe, Agatha vẫn nhăn nhó như lúc ở cùng với đứa bé ốm yếu khi nãy. Giờ đây biểu cảm đó khiến nét mặt cô mang vẻ vừa xa cách vừa cảnh giác. Amelia im bặt nhìn sang chị đầy lo lắng, cảm thấy sự thôi thúc phải nói điều gì đó để phá vỡ sự tĩnh lặng đang đè lên mọi thứ, nhưng cô không dám vì sợ sẽ làm người chị thông thái của mình càng buồn rầu hơn. Cô ngại ngùng đặt tay lên tay Agatha. Agatha, như thể vẫn luôn chờ cử chỉ ấy, ngả mái đầu sẫm màu lên vai em gái và nhắm mắt lại. Amelia dõi theo chị gái từ bên cạnh, thấy bờ môi run run và hàng lông mi dài rậm đang cố cầm nước mắt. Một cảm giác đau nhói trong lòng, cô gái vụng về ôm chị và nói:

“Đừng chị, đừng khóc. Không có gì để khóc cả. Xin chị đấy. Một người chị tinh tế như chị mà lại vậy.”

Vô thức lặp lại hành động trước đó của chị gái ban sáng, cô chỉ vào lão đánh xe, ánh nhìn khẩn cầu chị hãy tự kiềm chế bản thân. Agatha vội chấn chỉnh lại mình và lau nước mắt, nhưng tới đó nước mắt cô lại dâng lên không thể kìm hãm, cô lại gục đầu trên vai em và nói, giọng run rẩy ngạt ngào:

“Ôi, chị đã nói với em từ lúc ở Vienna về cái nơi chốn quê quạnh chúng ta sẽ đi đến rồi. Giờ thì em thấy đó. Không một thứ khốn khổ nào dưới cõi trời này - chị đã kể mãi với em về sự nghèo khổ và chốn hoang vu - cái rách rưới xấu xí không lời nào diễn tả. Chị đã nói với em, đúng không? Nó thật tệ, tuyệt đối thậm tệ!”

“Chị yêu, làm ơn, bình tĩnh lại.” Người em gái bối rối cố gắng an ủi chị. “Đừng như trẻ con thế. Chị có nhớ Bá tước Prokesh từng bảo rằng chị phóng đại mọi thứ - và cả câu nói Thổ ngữ ông hay nhắc với chị: Kẻ rơi nước mắt cho cả thế giới sẽ chẳng còn mắt nữa. Ông ấy biết mình đang nói gì, ông đã sống đủ lâu ở phương Đông rồi. Thế giới đầy rẫy khổ đau và những nơi chốn lạc lõng như thế này, và không có gì chị hay em có thể làm được cả.”

“À, không gì cả, thực sự là không có gì. Nhưng ít nhất ta cũng nên cố gắng. Ai đó phải cố gắng - ít nhất dù chỉ một chút - bởi vì cứ thế này cuộc sống là bất khả, họ không thể và chúng ta cũng không thể sống được. Tệ đến nỗi không có nổi một từ cho nó.”

“Nhưng đó không phải lỗi của chị hay em,” cô em gái thoáng chút lên giọng, gần như sắp khóc.

“Không, tất nhiên không phải,” người chị chán nản đáp lại. Nhưng ngay lập tức cô tự chữa lời mình. “Thựcsự, chị không biết nữa. Không phải lỗi của chúng ta, đó là điều dễ thấy. Cuối cùng thì cũng chẳng phải lỗi của ai cả, nhưng nhìn cái cách những con người đó sống và những thứ họ làm. Em tận mắt thấy mà. Phải là lỗi do ai đó chứ không thì sao chuyện kinh khủng này lại có thể xảy ra được? Thực sự kinh khủng!”

Với một sự dịu dàng vừa trẻ con vừa trầm mặc, người em đặt tay mình đầu tiên lên miệng chị gái, rồi lên mắt chị, như để dập tắt đi những giọt nước đang tràn ra. Khi làm vậy bản thân cô cũng nhòa lệ, dâng lên trong cảm giác mơ hồ của sự xấu hổ, tức giận và đau buồn đối với cơn bộc phát của chị, thúc đẩy từ bản năng vị kỷ của những cô gái trẻ, đẹp và được chiều chuộng, chỉ hiểu và chịu đựng được những giọt nước mắt có liên hệ với nỗi đau của chính họ. Cảm xúc cô hiện giờ đọng lại trong duy nhất một điều ước khẩn thiết: Rằng cơn khóc lóc này của chị cô dừng lại và tất cả những chuyện về sự khốn khổ và không may từ giờ sẽ không được nhắc đến nữa. Giọng cô khiển trách và khó chịu thì thầm qua nước mắt, cả khi đang đặt trán chị trên trán mình:

“Đừng khóc, Agatha. Bình tĩnh lại, em xin chị. Người đánh xe đang nghe đấy. Thực tình, em không hiểu. Bosnia không đáng để chị khóc. Làm ơn dừng lại đi! Em không chịu nổi phải nhìn chị khóc nữa. Em không thể.”

Níu vào nhau và hòa quyện trong dòng nước mắt, hai chị em đi qua Bình nguyên Glasinac, quên đi lão đánh xe và cả thế giới. Vùng đất bằng phẳng nhanh chóng biến mất và được thay thế bởi khu vực đồi núi dốc. Con đường bắt đầu đi xuống rõ rệt và hai bên đường cây cối thực vật dày lên. Phanh thắng trên bánh xe ngựa phát ra tiếng kêu cứng ngắc nghe kèn kẹt.

Nam Linh dịch

Tags: Ivo Andrić Nam Linh