Khác Đọc

Mặt nạ mãi không rơi

John Middleton Murry tới Viện Phát triển Hài hòa Con người, Fontainebleau, chiều 9/1/1923. Katherine Mansfield theo đuổi phương pháp điều trị lao phổi tại đó từ tháng Mười 1922. Nhiều năm nay, với người bệnh thấp khớp và lao phổi, mùa đông nước Anh đã trở thành ác mộng. Sau quãng xa cách, Murry thấy vợ mình “nhợt nhạt, nhưng rạng rỡ”. Họ nói chuyện rất lâu. Katherine hào hứng, dường như chẳng mấy chốc có thể rời nơi này và, như mọi khi, vẽ nên một viễn cảnh êm ái: họ sẽ về Anh, sống thật giản dị trong một căn nhà thôn quê. 10 giờ tối, Katherine lên phòng ngủ. Đặt chân lên thang gác, những cơn ho kéo đến, mỗi lúc một nặng hơn. Chợt Katherine ho ra máu, dần nghẹt thở; “Em tin… em sắp chết rồi.” Bác sĩ cùng y tá lao tới. Chỉ vài phút sau, sinh mệnh Katherine Mansfield chấm dứt, ở tuổi 34.

Cái chết đau đớn và dữ dội, câu nói tỉnh táo và ánh mắt thao thiết cuối cùng dành cho người chồng-cộng sự lâu năm khiến cuộc đời Katherine Mansfield khép lại như một câu chuyện đầy đủ, trọn vẹn kịch tính. Chỉ kéo dài 34 năm, nhưng cuộc đời ấy đầy ắp biến cố, vắt qua nhiều đối cực, đầy nghịch lý và bí ẩn như chính con người Mansfield, mà dẫu mọi sự kiện, chỉ dấu, sau một thế kỷ, đều đã bày trước mắt, thì màn sương quấn quanh con người ấy vẫn ở đó, che giấu và bao bọc một trong những nhà văn xác lập văn chương Anh hiện đại, đẩy Mansfield lùi về phía sau, vào một vị trí tuy quan yếu, nhưng ẩn mật, không dễ nhìn ra.

Katherine Mansfield, tên thật Kathleen Mansfield Beauchamp, sinh năm 1888 tại Wellington, New Zealand, trong một gia đình khá giả; người cha (Harold Beauchamp) là một thương nhân thành đạt, được trọng vọng tại Wellington. Không cần miêu tả quá rõ thời thơ ấu của Kathleen: rất dễ nhận ra những chi tiết mang tính tiểu sử trong những truyện ngắn lấy bối cảnh New Zealand, như Prelude, At the Bay, The Garden Party… Kathleen cùng các chị em sống sung túc và hưởng một nền giáo dục tương đối đầy đủ tại quê nhà, trước khi được gửi sang London năm 1903 để theo học tại Queen’s College, một trường trung học nữ sinh tân tiến. Đây là một quyết định sẽ khiến ông Beauchamp hối hận về sau; nhưng chính nhờ nó, định mệnh của Kathleen Beauchamp đã hoàn toàn thay đổi. Trong ba năm ở London, Katherine dần khai phá năng khiếu văn chương, và đồng thời, tính hướng, của bản thân. Vốn yêu thích nghệ thuật, đặc biệt say mê cello và sách, sự viết đến với Katherine không thể tự nhiên hơn. Vài truyện ngắn đầu tay, chịu nhiều ảnh hưởng của Dickens và Wilde, được chọn đăng báo trường (ví dụ: A Happy Christmas Eve). Những tiềm năng được khai mở tại London, ý tưởng về cuộc đời tự do, không câu thúc và viết - như một sự nghiệp, khiến cuộc trở về Wellington và đời sống giao tế quanh quẩn ở vùng đất “rìa” này trở nên khó bề chịu đựng với cô gái trẻ. Katherine dùng hết sức thuyết phục cha mẹ cho phép quay lại London, và sau nhiều đấu tranh, ngày 06/7/1908, Katherine Mansfield lần thứ hai rời Wellington, cho tới vĩnh viễn.

Sự chật chội và mất kết nối ở New Zealand, cuộc sống lạc lõng trong gia đình bourgeois, kiểu cách khiến Katherine cồn cào mong thoát khỏi chừng nào, thì về sau, mảnh đất cùng những con người đã bị bỏ lại phía sau lại hiện diện trong phong thái và văn chương của Mansfield đậm nét chừng ấy. Ký ức về cảnh sắc, phong thổ, con người, đặc biệt là thời thơ ấu ở Wellington xuất hiện xuyên suốt sự nghiệp Mansfield, làm nền cho những truyện ngắn đầu tay rồi trở thành theme của các tác phẩm quan trọng nhất, như Prelude, At the Bay, The Garden Party… Sau cái chết của người em trai duy nhất trong Thế chiến thứ nhất, quê nhà và ký ức tuổi thơ trở nên ám ảnh, nhen lên trong Mansfield mong muốn đặt chân lại về vùng đất mình đã nhất quyết rời xa. Thế nhưng, cho đến khi qua đời, Mansfield chỉ có thể thấy New Zealand trong hồi ức.

Không chỉ ở New Zealand, K.M. mới như một “người ngoài”. Suốt cuộc đời, K.M. sẽ không thuộc về bất cứ đâu, bất kỳ ai. Giữa những người Anh chính gốc, Katherine Mansfield được nhìn như “dân thuộc địa”, nổi bật, khác lạ với phục sức và điệu bộ “hoang dã”, phóng khoáng (nhiều ảnh hưởng từ thổ dân Maori bản địa), trên nền xuất thân trung lưu bình phàm, tuy giàu có. Cái nhìn hướng vào Mansfield, trong niềm yêu thích, thường lẫn sự tò mò, lấy làm kỳ thú những nét tự do, ngoài khuôn khổ. Cả đời, Mansfield cũng không gia nhập bất cứ hội, nhóm hay phong trào nào, cho dù từng quan hệ thân thiết với hàng loạt văn sĩ lừng lẫy của Bloomsbury, như T. S. Eliot, Bertrand Russell, vợ chồng Leonard và Virginia Woolf… Nhiệt thành, chan hòa, cởi mở, rồi rũ bỏ, cô lập, giữ khoảng cách: nhiều mối quan hệ của Mansfield diễn ra theo chu trình như vậy. Đời sống tình cảm của Mansfield càng ngổn ngang và phức tạp, với vô số người tình thuộc cả hai giới, để rồi trải qua những năm cuối đời bên chồng và một “vợ” - một cuộc đời phiêu bạt trong tao loạn, cơ hàn, bệnh tật.

Rất khó thâu tóm Mansfield, người phụ nữ tư mật và bí ẩn tột cùng ấy, trong một miêu tả ngắn; nhưng rất may, chính Mansfield để lại gợi ý. Một ngày năm 1921, Mansfield viết:

Chúng ta chẳng phải đàn ông hay phụ nữ. Chúng ta là sự phối trộn của cả hai (We are a compound of both). Tôi chọn người sẽ làm nảy nở và khai phá tính nam trong tôi; anh chọn tôi để mở rộng tính nữ trong anh.

Đó là ghi chép nhanh của Mansfield về tình yêu, nhưng cũng rất có thể, là ý thức về những nhân cách trái ngược bên trong, và sự xác lập vị trí, khoảng cách với tất cả, từ chối áp lên mình một sự phân loại, xếp đặt rạch ròi.

Năm 1908, trở lại London, với tiền sinh hoạt hằng tháng do gia đình chu cấp chỉ đủ sống, Katherine Mansfield vẫn chưa thực sự bước vào con đường viết văn - như một nghề nghiệp - dù đã lập chí theo đuổi văn chương và có một vài truyện ngắn được đăng báo ở New Zealand. Bù lại, với sức hút và phẩm chất nghệ sĩ của mình, Katherine trở thành nhân vật được mến mộ tại nhiều cuộc giao tế, trải qua nhiều phiêu lưu tình ái mà hệ quả không mong nhất là cái thai (với một nhạc công thanh mai trúc mã) không được thừa nhận, dẫn tới cuộc hôn nhân chóng vánh với một thầy dạy nhạc mới gặp đôi lần, năm 1909. Ngay trong đêm tân hôn, Katherine bỏ người chồng mới cưới để đến với Ida Baker, bạn gái thời nữ sinh, người “vợ” sẽ đi cùng Mansfield tới cuối đời. Vụ việc rúng động ấy lan về tận New Zealand, khiến nhà Beauchamp không thể làm ngơ. Trong dịp hiếm hoi thể hiện vai trò làm mẹ, Annie Beauchamp thân chinh sang London, tách Katherine khỏi Ida và đưa tới Bad Worishofen (một thị trấn nghỉ dưỡng vùng Bavaria, nổi tiếng với những nhà nghỉ và spa trị liệu), để Katherine một mình lại đó rồi trở về New Zealand, cắt ngay đứa con gái phóng túng khỏi danh sách thừa kế. Không khó đoán ra, nơi này đã tạo cảm hứng cho Mansfield khởi thảo những truyện ngắn lấy bối cảnh nhà nghỉ Đức, trong năm 1910 sẽ xuất hiện trên The New Age, tạp chí văn chương do Alfred Richard Orage chủ biên. Khả năng quan sát vừa bao trùm vừa chi tiết, trí nhớ và óc hài hước sắc sảo khiến những truyện ngắn về nhà nghỉ Đức cân bằng giữa tính chân thực và sự phóng đại mỉa mai. Nhưng Bad Worishofen có ý nghĩa nhiều hơn thế. Ở đó, Mansfield sảy thai: đó là lần cuối Katherine có cơ hội làm mẹ; cũng ở đó, Mansfield gặp một người tình Ba Lan, kẻ mang tới vô vàn rắc rối, bao gồm thứ bệnh lậu gây nhiều đau đớn và vô sinh, cùng một tác giả người Nga mà tên tuổi Mansfield sẽ vĩnh viễn gắn liền, theo một cách không hẳn tích cực: Chekhov. The Child who was tired được cho là sự bắt chước trắng trợn Sleepy của Chekhov, hoặc nhẹ nhàng hơn, là cách Mansfield diễn giải lại truyện ngắn này. Dẫu sao, ở thời điểm ấy, Chekhov chưa được biết tới nhiều tại Anh, và năm 1911, In a German Pension ra mắt, ngay lập tức đem lại tiếng tăm (và thu nhập) cho Katherine Mansfield. Lúc này, Katherine 23 tuổi.

Cũng trong năm 1911, K.M. gặp John Middleton Murry (J.M.M.), một biên tập viên trẻ, đầy tham vọng, vốn là sinh viên Oxford xuất thân khiêm tốn. Ngay lập tức, họ thấy ở nhau đối tượng mình cần. Rất nhanh, Murry trở thành người gắn bó với Mansfield trong cả tình yêu lẫn công việc, như cộng sự và tình nhân; như biên tập viên, rồi chồng; mối quan hệ nhiều mỏi mệt và sóng gió đeo đẳng đến giây phút cuối đời, cả sau khi Mansfield không còn nữa. Được bạn bè đặt biệt danh “đôi hổ”, họ cùng nhau biên tập và viết bài cho tạp chí Rhythm (sau này là The Blue Review), bất chấp những eo hẹp về tài chính. Khi ấy, cả hai còn rất trẻ, đầy tham vọng và những dự đồ. Sự suôn sẻ không kéo dài lâu - và chính từ thời điểm này, dường như mọi dễ dàng, êm ái cũng lụi hẳn. Trái ngược với thơ ấu đủ đầy, nửa đời sau của Mansfield là dằng dặc túng bấn, khó khăn, thường xuyên phải cậy nhờ bạn bè, liên tục đổi chỗ ở, và càng về cuối càng chỉ là những nơi trú thân tồi tàn. Sự suy sút rồi phá sản của hai tờ tạp chí trong vòng vài năm khiếnMansfield nếm trải mùi vị long đong, thất bại, buộc lòng từ bỏ cuộc sống ao ước tại Paris. Tuy nhiên, các tạp chí này dẫn Mansfield tới nhiều mối duyên nghệ thuật lâu dài, mà gắn bó, thậm chí sâu nặng nhất là cặp đôi D. H. Lawrence và Frieda. D. H. Lawrence tìm thấy ở K.M. và J.M.M. tình bạn cũng như sự chia sẻ văn chương, trong khi Frieda mau chóng coi Katherine là bạn tâm giao, chia sẻ mọi tình cảm thầm kín. Quan hệ giữa hai cặp đôi từng mật thiết tới mức thuê nhà sống gần nhau ở Buckinghamshire, trước khi những cuộc cãi vã của vợ chồng Lawrence khiến không khí trở nên ngột ngạt, và hết lần này tới lần khác, Mansfield bỏ đi.

Không chỉ một lần, trong thư từ và sổ ghi chép, K.M bày tỏ mong muốn có một cuộc sống ổn định, dẫu địa điểm cho cuộc sống ấy thường xuyên thay đổi: London, Paris, thành thị, nông thôn, ven biển… Thực tế, cuộc đời Mansfield là sự dịch chuyển liên miên giữa các căn nhà, các khu phố, các vùng đất, các quốc gia. Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ… Chiến sự khốc liệt ở châu Âu không ngăn được những hành trình ngang dọc, một khi Mansfield đã muốn. Sự xê dịch liên tục ấy không chỉ đến từ hoàn cảnh kinh tế hay tình trạng sức khỏe sau này, mà nhiều hơn, từ chính nỗi khó ở của Mansfield khi ở một nơi chốn, hoặc gần một ai đó, quá lâu. Niềm yêu mến ban đầu, rất nhanh, có thể biến thành ngao ngán, chán ghét - Mansfield tuyệt không phải người có tính tình dễ chịu. Tỉ lệ thuận với nét cuốn hút, tươi vui, hài hước ở Mansfield là sự mẫn cảm, đòi hỏi, khó tính và hay chê trách - giữa miệng lưỡi sắc bén và phản xạ sát thương là khoảng cách quá mong manh. Càng thân cận, càng dễ trở thành nạn nhân. Không đếm xuể những phàn nàn của Mansfield về Murry trong thư gửi Ida, và ngược lại. Thế nhưng, trong mắt những ai đã gặp, Katherine Mansfield là một sinh vật thu hút tột đỉnh, có lẽ lý do không ngoài chính những nét trái ngược ấy: vui nhộn nhưng bí ẩn, mơ mẩn nhưng dung tục, ẩn sau khuôn mặt không cảm xúc là trí óc sắc sảo, tinh quái, khả năng quan sát và ghi nhớ tuyệt vời. Ai cũng biết Mansfield hay thổi phồng, phóng đại, thậm chí bịa ra các chi tiết về đời mình; nhưng càng biết, họ lại càng bị thu hút nhiều hơn về phía người phụ nữ ấy, sinh vật khả ái luôn biết cách kể chuyện, tới mức những lời nói dối và sai khiến cũng sở hữu ma lực. Và chẳng ai nói Mansfield thiếu chân thành, dù trong tình bạn hay tình yêu.

Thế chiến thứ nhất mang đến nhiều xáo trộn và mất mát, mà cú đánh lớn nhất là việc em trai, thành viên gia đình thân thiết nhất với Katherine, Leslie Beauchamp, hy sinh tại Pháp. Mansfield, rơi vào cơn trầm cảm kéo dài, cùng Murry tới Bandol, miền Nam nước Pháp, hòng lánh xa London. Khi cơn đau dần nguôi, Mansfield bắt tay sửa chữa The Aloe, dựa trên thời thơ ấu tại New Zealand. Sự nghiệp của Mansfield lẫn Murry, suốt thời gian dài, không có nhiều tiến triển. Năm 1916, Mansfield và Murry, bằng những nước đi táo bạo, bước vào vòng quan hệ lừng danh của Lady Ottoline Morell, gặp gỡ những tên tuổi như T. S. Eliot, Bertrand Russell, Aldous Huxley, Lytton-Strachey, rồi mở ra nhân duyên với Virginia Woolf, khi ấy tiếng tăm còn chưa vang dội. Thời điểm đó, Hogarth Press do Leonard và Virginia Woolf thành lập đang tìm kiếm những tác phẩm mới. Prelude (tiền thân là The Aloe) được chọn in năm 1918, là cuốn sách thứ hai. Với sự khâm phục to lớn, Virginia Woolf hết lời ngợi ca, quảng bá Prelude dẫu sau này Mansfield bộc lộ bất mãn không nhỏ vì buộc phải sửa chữa và cắt gọt quá nhiều.

Prelude chính thức xác lập tên tuổi Katherine Mansfield như nhà văn nữ hàng đầu với phong cách văn chương hiện đại, không tập trung vào cốt truyện mà khám phá, miêu tả những rung động, tâm tư mơ hồ, vi tế của nhân vật. Từ đây, Mansfield bước vào thời kỳ sáng tác mạnh mẽ nhất của mình, với những truyện ngắn tuy không nhiều tình tiết nhưng đi sâu, thăm dò những tầng sâu kín nhất, bằng giọng trần thuật điềm nhiên - như một người quan sát và ghi lại chân thực, tỉ mỉ. Nhân vật chính của Mansfield phần nhiều là phụ nữ, với các xung động đan cài, những nỗi sợ bản năng; cũng như Mansfield, họ hướng tới tự do trong một xã hội gia trưởng, nơi người vợ nhiều khi chỉ là một món trang sức, và làm mẹ chưa chắc là một món quà, mà đồng nghĩa với rất nhiều đau đớn, trói buộc. Lại thêm một mâu thuẫn: sinh nở và nuôi dưỡng, trong truyện của Mansfield, thường gắn với nỗi sợ và nỗi đau, là những trói buộc mà phụ nữ, một khi bước vào hôn nhân, không cách nào thoát khỏi, dù thuộc tầng lớp lao động như người vợ bưu tá, hay phu nhân một thương gia thành đạt. Nhưng sự bài xích ấy, nỗi sợ khó gọi tên ấy không ngăn Mansfield khao khát một đứa con của riêng mình, trong vòng tay. Giống như Virginia Woolf, dường như nuối tiếc lớn nhất trong đời Katherine là không thể làm mẹ.

Cũng từ Prelude, giọng chế giễu, nhạo báng trong In a German Pension không còn. Vẫn sắc sảo, châm biếm, nhưng nét trào phúng ẩn cài dưới những miêu tả, tường thuật khách quan, nhiều khi hờ hững. Sự đả kích của Mansfield nhằm vào tầng lớp bourgeois, dẫu thuộc về New Zealand, Đức, Anh hay Pháp, vẫn là chủ đề xuyên suốt, nhưng được bày tỏ duyên dáng hơn, cùng nhiều cảm thông và thương xót dành cho tầng lớp lao động và những người kém may mắn.

Chiến tranh kết thúc, con đường văn chương bắt đầu rộng mở; nhưng chính lúc này, những tiên liệu đen tối về sức khỏe cũng tới. Bệnh lao phổi, những cơn đau ngực và xuất huyết phổi khiến mùa đông nước Anh trở nên ngoài sức chịu đựng, và từ đó bắt đầu những chuyến dưỡng bệnh dài ngày tới những vùng ấm, với Ida Baker kề cạnh như một “người vợ” tận tụy. Ida sẽ sống hẳn cùng J.M.M. và K.M., bất chấp sự bài xích lẫn nhau giữa hai người được Katherine tin cẩn nhất. Murry trở thành biên tập viên của The Athenaeum, và Mansfield bắt đầu viết các bài điểm sách cho tạp chí này, tập trung vào các tác giả Anh ngữ đương thời, trong đó có những bài đáng chú ý về Joseph Conrad, Virginia Woolf, E. M. Forster… Đánh giá của Mansfield về tiểu thuyết Night and Day khiến Woolf chịu tác động mạnh, và khiến tình bạn của hai người phụ nữ, hai nhà văn nữ, đứng trên bờ vực sụp đổ, nhưng cũng là động lực để Virginia Woolf bứt phá với Mrs. Dolloway, dù khi ấy Mansfield đã qua đời.

Như tất cả những ai chịu giày vò vì bệnh tật, Katherine Mansfield luôn ao ước mình khỏe hơn, để ít nhất có thể ngồi dậy, cầm bút. Những hoạt động giản dị, bình thường nhất cũng trở nên quá xa vời. Nhưng dường như, chính thể chất hư nhược và các cơn đau đớn khiến Mansfield viết nhiều và hay hơn bao giờ hết: những truyện ngắn xuất sắc nhất của Mansfield đều được sáng tác trong vòng ba năm cuối đời. Trong sổ ghi chép của mình, Mansfield nói: “sự chịu đựng của con người là không giới hạn, là vĩnh viễn”, không có cái gọi là “vượt ra ngoài”, chẳng có gì như thế; "phải quy phục. Không được kháng cự. Nhận lấy nó. Để nó bao trùm. Chấp nhận toàn bộ. Khiến nó thành một phần cuộc đời." Viết, là để biến đau khổ thành niềm vui, và đau đớn, sẽ phải biến thành Tình yêu.

Năm 1920, Bliss and other stories được xuất bản, gây tiếng vang lớn và nhận về nhiều tán thưởng từ giới phê bình. Mansfield không thể tận hưởng danh tiếng ấy: sức khỏe của Mansfield suy sút trầm trọng, bắt đầu chuỗi ngày chạy chữa, thử nhiều loại phương pháp chữa bệnh, không chút thành công. Sự lao lực, kiệt quệ không khiến Mansfield ngừng viết. Năm 1922, The Garden Party and other stories, tập truyện thứ ba và cũng là cuối cùng khi Mansfield còn sống, tiếp tục gặt hái thành công tại Anh, trong khi Mansfield kiệt lực với liệu pháp X-quang tại Paris.

Cuối năm 1922, Mansfield quyết định thử phương pháp trị liệu của Gurdjieff: lưu trú tại Viện Phát triển Hài hòa Con người cùng những người bệnh khác (phần lớn là người Nga), lao động chân tay như một cách để lập lại cân bằng cho cơ thể, giúp cơ thể tự chữa lành. Thiếu căn cứ khoa học và gây nên nhiều tranh cãi, nhưng phương pháp ấy, với Mansfield, vẫn là một kinh nghiệm đáng giá - dẫu nửa đời sau không dư dật, Katherine vẫn luôn luôn là một “tiểu thư” hiếm khi động tay việc nhà. Kinh nghiệm lao động trong quãng thời gian này hẳn đã gợi cho Mansfield mong muốn về cuộc sống điền viên ở nông thôn. Nhưng chẳng ai biết được, liệu Mansfield có hài lòng với cuộc sống ấy hay chăng, hay lại thấy bức bối và tìm cách rời bỏ nó, một khi đã đạt được. Cơn xuất huyết sau cùng khiến Katherine Mansfield vĩnh viễn nằm lại Fontainebleau, ngày 9/1/1923.

Sau khi Katherine qua đời, Murry tiến hành thu thập, tuyển chọn, biên tập và xuất bản các tác phẩm của Mansfield, gồm cả những truyện dang dở, đồng thời công bố sổ ghi chép và những bức thư của Mansfield, như cách để tôn vinh tác giả lớn nhất Murry từng cộng tác, cũng là động thái xóa mờ những chi tiết “không đẹp” của bạn đời. Việc ấy dường như trái với ý nguyện lẫn bản tính của Mansfield: đã nhiều lần, Mansfield đòi người quen hủy thư do mình viết (Mansfield đích thực là một người viết thư, với hàng nghìn lá thư trong đời), và từng viết trong sổ rằng, mình không muốn để lại vết dấu. Nhưng dẫu sao, vẫn cần cảm ơn Murry: thư và sổ của Mansfield cho ta nhìn sâu hơn vào thế giới mù sương kia. Khác với giọng điềm nhiên, thậm chí dửng dưng khi sáng tác, thư từ và ghi chép của Mansfield chân thành và đầy xúc cảm, bộc lộ những cồn cào, đau đớn, giằng xé không lúc nào nguôi: khao khát yêu đương, nỗi bất an và nhu cầu được bao bọc, chăm sóc, song song với ham muốn bức thiết về cô độc, khoảng cách và che giấu bản thân. Chính Mansfield, hơn bất cứ ai khác, đã hoang mang, nghi hoặc, không thể thấy mình trong nỗi ghét bỏ và thương xót bản thân. Và viết, vì thế, là cách để Mansfield nhìn sâu nữa, sâu nữa vào mình. Rất khó biết, sau cùng, Mansfield đã thấy được mình chưa?

Cuộc đời, tác phẩm của Katherine Mansfield vậy là đã ở đó, toàn bộ; nhưng dường như mặt nạ của Mansfield vẫn đó, không ai có thể gỡ xuống: mọi thú vị, tinh quái, nhiệt thành, rung cảm, yếu ớt, mê say, những ham muốn, hy vọng, cả sự châm biếm không tha chính mình… tất thảy, đều ẩn sau một diện mục tuyệt đối thờ ơ. Một chiếc mặt nạ không vì bất cứ ai mà rơi xuống.

Chi Quân

Tags: Katherine Mansfield Chi Quân