2-9-2023
Ở nhà trọ Đức. Bad Wörishofen. Một chronicle
Tôi chạy lên bậc cấp nhà trọ ở Bad Wörishofen vào lúc nhập nhoạng tối. Đèn trong khu đã sáng lên - đó là nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ của thành phố. Hành trình ngỡ rất ngắn và dễ dàng hóa ra chẳng thiếu disaster rình rập, đánh úp một lữ khách dám lơ vơ giữa xứ Bavaria không một từ tiếng Đức (ngoài danke) giắt lưng. Khác với Frau Fischer trong truyện ngắn cùng tên, tôi không đói, mà cũng chẳng có viên quản lý nhà nghỉ nào đon đả đón mừng. Chuông cửa lẫn điện thoại vang, không ai tiếp. Mang tiếng khách sạn, nhưng đây là một nhà nghỉ gia đình thì đúng hơn, và dễ hiểu thôi nếu chẳng ai trực ngoài giờ. Khi tôi bắt đầu chuẩn bị cho viễn cảnh vất vưởng trắng đêm ngoài đường, giữa mùa hè nước Đức đột ngột trở lạnh và mưa không thương xót, sau bao công sức lặn lội tới đây, thì hai người phụ nữ ấy xuất hiện.
Lúc đó vừa qua 9 giờ.
Hai người bạn già, hẳn đi nghỉ cùng nhau, trở về từ cuộc tản bộ sau bữa tối. Họ ngạc nhiên thấy tôi luống cuống trên thềm, ngoài cánh cửa khóa, nghe tôi cuống quít trình bày tình cảnh muộn giờ check-in, mà bên trong chẳng có lấy một bóng người. Tôi rất hiếm hoi (để mình) lâm vào cảnh ngặt nghèo như thế, trong các chuyến đi. Vạch pin trên điện thoại hiển thị 2%. Cơn lo âu khiến nhịp tim tôi vọt lên cao vút, ấy vậy mà tâm niệm duy nhất trong tôi vẫn hướng về lý do duy nhất khiến tôi ở đây: một scenario như vậy có thể sẽ xuất hiện ra sao trong Ở nhà trọ Đức của Mansfield?
Frau nói được tiếng Anh trong hai người chần chừ một lát rồi quyết định không mở cửa để tôi vào cùng, vì biết cái tôi cần không chỉ là vào đến bên trong. Tôi cần nhận phòng. Cả hai nán lại, trấn an tôi bằng những cử chỉ từ tốn, rồi Frau biết tiếng Anh nói chuyện qua bộ đàm với chủ nhân, thực hiện mọi thao tác cần thiết để lấy chìa khóa tổng và đưa tôi lên phòng; người chủ khi ấy đã về nhà. Trong thang máy, bà hỏi tôi từ đâu đến, và không hề hỏi tiếp “tại sao (lại tới Bad Wörishofen)”, như nhiều người khác. Bà đưa tôi vào tận phòng, và chỉ đikhỏi khi đã dặn tôi cặn kẽ rằng đừng ra ngoài khi chưa có chìa khóa, mà hãy đợi tới sáng hôm sau.
Căn phòng đơn tầng trên cùng, ở góc nối hành lang, đầy đủ vật dụng và nom ấm cúng; tông màu đỏ khiến phòng còn trở nên đặc biệt ấm sau một chuyến đi dẫu không dài nhưng đã vài phen tôi lâm cảnh tứ cố vô thân. Người Đức thích nằm đệm lò xo và gối trên những chiếc gối mềm oặt (ít ra, ở những nơi tôi ngủ lại). Nếu không vì trời mưa lạnh, có lẽ tôi đã ôm gối xuống sàn qua đêm, như Katherine năm nào (hay đúng hơn, như nữ chính trong Frau Fischer). Tuy thế, giấc ngủ vẫn đến rất nhanh, sau một ngày mệt nhoài vì di chuyển và mưa gió.
Nhà trọ của tôi được xây từ đầu thế kỷ trước, với khu vườn nhỏ trước mặt và những mái đua ra bằng gỗ. Có thể nghe tiếng mưa rơi lộp bộp khi bước vào phòng sách, nơi kê một vài tràng kỷ và ghế bành phục vụ khách trọ. Trên giá không có sách của Mansfield. Tôi sẽ chẳng tìm thấy bất cứ cuốn sách nào của Mansfield ở Wörishofen, cả trong thư viện tôi tình cờ bắt gặp trên đường dạo bộ. Đó là một thư viện địa phương rất bé nhưng trông mới và sáng sủa; tôi thấy các cặp vợ chồng buồn chán lật qua sách rồi xếp lại về giá, đợi con họ chọn sách mượn về. Mất một lúc tôi mới nhận ra, sách trong thư viện không xếp theo thể loại hay ngôn ngữ, mà theo thứ tự tên tác giả. M. Không có Mansfield. Nhưng có một quyển của Modiano: Im Café der verlorenen Jugend. Điều này không lạ lắm, vì cuốn sách của Patrick Modiano thành công vang dội kể cả ở Trung Quốc, thêm nữa một trong những người dịch Modiano sang tiếng Đức lại là Peter Handke, nhân vật rất nổi tiếng.
Trong bữa sáng, tôi thấy mình chẳng khác nào một nữ chính trong Ở nhà trọ Đức: thiếu nữ trẻ ngoại quốc duy nhất giữa những người bản xứ. Tôi cũng là người duy nhất đi một mình: phần lớn đi theo cặp (vợ chồng, hoặc bạn thân) hay gia đình. Rất may, ngoài vài ánh nhìn thể hiện sự ngạc nhiên trước một hiện diện đột ngột và không hợp quần, thì không có cuộc hội thoại sỗ sàng hay sự đánh giá ngang nhiên nào. Có lẽ bữa sáng của Mansfield (và những người cùng trọ) hơn 100 năm trước cũng không khác nhiều những gì trên đĩa tôi hôm nay: bánh mì, trứng luộc, các loại phô-mai, bơ, mứt, kem tươi, sữa cùng trà và cà phê. Không ngon, nhưng là đồ tươi nhà làm. Khi tôi uống đến cà phê tráng miệng, hai người phụ nữ đêm trước xuất hiện. Fraunói tiếng Anh hỏi tôi ngủ có ngon không, và tất cả những gì tôi kịp biểu đạt là cười và cảm ơn. Khi tôi còn mải băn khoăn có nên hỏi tên bà chăng, thì bà đã về bàn cùng bạn mình. Dù rất nhã nhặn và chu đáo, bà không tỏ ra là người vồn vã và ham chuyện - có thể ở tuổi ấy (tóc bà trắng xóa, cắt ngắn, và lưng hơi còng), người ta chẳng còn muốn hiếu kỳ với bất cứ điều gì. Cũng có thể, bà đã biết những điều cần biết, mà chẳng cần mở lời: bất chấp tuổi tác, đôi mắt bà vẫn sáng và tinh nhanh; nhưng cũng nhờ tuổi tác, mà ánh mắt ấy chứa đầy thấu hiểu, kiên nhẫn và điềm đạm. Hoàn toàn không giống Frau Fischer, người lập chí “vắt kiệt những người mới gặp như miếng bọt biển”.
Nhiều ngày sau, tôi đã có thể kết luận, cà phê bữa sáng hôm ấy là một trong những tách (đúng hơn, bình) cà phê ngon nhất tôi có thể uống, ở nước Đức.
Tôi khởi sự vào rừng - giờ là công viên Kurpark (Cure Park) - sau bữa sáng, như những người lưu trú tại Wörishofen năm 1909 đã từng. Quanh Bad Wörishofen có nhiều bảng giới thiệu phương pháp trị liệu bằng nước do Sebastian Kneipp - một linh mục Đức - sáng tạo, góp phần khơi dậy phong trào trị liệu tự nhiên đầu thế kỷ XX, biến Wörishofen thành một thị trấn nghỉ dưỡng có tiếng. Tuy vậy, mãi đến năm 1920, người ta mới thêm chữ “Bad” (nhà tắm) vào trước tên thị trấn, và tới 1949, Bad Wörishofen được nâng lên thành phố. Ở Wörishofen, biển chỉ đường tới các điểm spa, trị liệu nhiều gấp mấy lần biển chỉ đường tới ga tàu - nơi, như thường lệ, thường nằm tại trung tâm các thành phố và thị trấn ở châu Âu, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt và vận hành của cả khu vực. Và, cũng tương tự nhiều địa phương khác, con đường dẫn ra ga ở Bad Wörishofen được gọi giản dị đúng như vậy, Station Road/Bahnhofstraße. Hẳn người đọc Ở nhà trọ Đức sẽ nhớ rất lâu hoạt cảnh xuất sắc trong Con người tân tiến có “Đường Ga” làm nền: Fräulein Sodowska ngã ngất - hoa lệ và đầy kịch tính - trên con phố này, trước cửa hàng làm tóc, đợi Herr Giáo sư tới giải cứu. Trong lúc chạy hụt hơi ngược dốc - bởi đó là một con dốc, lát đá, và không hề bằng phẳng - ngược gió, mưa và chắc mẩm đã lỡ tàu - tôi vẫn để mắt tìm kiếm một hiệu tóc nào đó biết đâu còn tồn tại sau một thế kỷ. Dĩ nhiên là không có cửa hiệu nào như vậy: một bên đường là khách sạn 4 sao với mặt tiền chiếm gần hết đoạn phố, bên còn lại là mấy hiệu bánh, cà phê, khiến tôi hơn một lần muốn bỏ cuộc (lúc ấy đã quá giờ tàu trên vé), dừng lại và chui vào một góc ghế bành, dưới ánh đèn cam ấm nóng, náu khỏi cơn mưa gió dập vùi. Cuối cùng, tôi đã không làm thế.
Phương pháp của Kneipp, trong mắt những người hiện đại, chắc không còn kỳ quặc và phi lý như Mansfield từng miêu tả kèm nỗi hoài nghi, chế giễu. Được xây dựng trên các yếu tố: trị liệu bằng nước, vận động, dinh dưỡng, sử dụng thảo dược và hướng tới cân bằng thân tâm, phương pháp ấy vài phần tương tự với phong trào “thuận tự nhiên” đang trở nên ngày càng phổ biến. Quãng thời gian ít ỏi không cho tôi kiểm chứng tận nơi những thủ thuật trị liệu tại đây, nhưng không thể phủ nhận chất lượng môi trường, không khí của Bad Wörishofen hoàn toàn có thể giúp cải thiện sức khỏe, ở mức độ nhất định. Nghi ngại đậm đặc của Mansfield dành cho các phương pháp trị liệu cùng cái nhìn giễu cợt hướng vào tính cách trưởng giả Đức xuất phát từ âu lo về sức khỏe thì ít, mà phần nhiều do nỗi bức bối khi phải chôn chân ở một thị trấn xa xôi, yên ắng, tẻ nhạt, bị cắt khỏi đời sống và các mối quan hệ bấy giờ đang đà bung nở, và nỗi lạc lõng giữa những người không cùng quốc tịch, ngôn ngữ. Ít nhất là vậy, ở thời điểm 1909, khi Mansfield còn chưa biết rồi đây mình sẽ phải chịu đựng những gì, bệnh tật sẽ nối nhau tới xoay chuyển đời mình ra sao. Sau này, Mansfield không ít lần lao theo những lựa chọn mâu thuẫn và đáng ngại chẳng kém với sức khỏe và cuộc đời của mình, trở nên ám ảnh về sức khỏe và những đổi thay vi tế trong cơ thể như bất cứ kẻ nào bệnh tật quấn thân, nhưng cùng lúc khước từ việc tin (và muốn) rằng mình sẽ khỏe lên. Đau yếu cũng là một temptation.
Bồn ngâm, bồn rửa, vòi phun, nhà trị liệu nước… cực kỳ đa dạng rải khắp Wörishofen, đặc biệt tại Kurpark. Công viên có nhiều ao, đầm và một vườn hoa - hàng chục giống hoa hồng - xen kẽ vài cổng vòm rợp hoa chuông tím xanh và thơm ngát. Chiếc ghế khắc hình Mansfield mà tôi tìm kiếm - một trong những công trình tưởng niệm quãng gắn bó của Mansfield với thành phố này - nằm bên một bờ ao nhỏ, thụt vào khỏi đường chính và khuất dưới những tàng cây, khiến người ta dễ dàng lướt qua không hay biết. Và đúng là, như tôi để ý về sau, băng ghế ấy chẳng đón ai nghỉ chân. May sao, hoặc là, nhờ một linh cảm nào, tôi chọn đúng điểm ấy để dừng xem bản đồ, và Katherine Mansfield’s bench hiện lên sát cạnh.
Không nhờ kiểu tóc đặc trưng và biển giới thiệu dựng khiêm tốn cạnh bên, khó tưởng tượng người phụ nữ ấy là Mansfield: đôi mắt như được vẽ trong một truyện tranh phương Tây, ngây ngốc, buồn cười và vô hại. Nhưng tôi vẫn nán lại bên băng ghế ấy hồi lâu (thay vì ngồi trên ghế, sớm ướt và bẩn sau những trận mưa không nghỉ; nước Đức trải qua những tuần lạnh và mưa đột ngột cuối hè, thời tiết cực đoan gây bối rối cho cả người bản địa). Tôi đoán đã có những chiều dài, mặt trời mùa hè mãi không khuất dạng, Mansfield ngồi đó dưới những tàng cây, đọc, viết, và để tâm trí mình lang thang trong rừng. Toàn bộ ghi chép của Mansfield ở Bavaria giai đoạn này đã bị chủ nhân tự tay thiêu hủy - những nhà nghiên cứu và viết tiểu sử chỉ dựng được một bộ khung sơ sài về những điều hẳn đã xảy ra - biến quãng 1909 của Mansfield ở Đức trở thành một trong những giai đoạn bí ẩn nhất đời người phụ nữ này. Vậy nhưng, trong cái tĩnh mịch gần như tuyệt đối của buổi sáng ấy (mưa vừa tạnh, trời cao xanh ngắt, mây vừa tan; chưa nhiều người vào công viên tản bộ), tôi không còn thấy những đám mây xám chì và trĩu nặng của Ở nhà trọ Đức dằn lên mình nữa. Tôi hình dung giữa những châm chích và cười cợt trong tập truyện mỏng kia, giữa cảm giác bất lực trong cảnh tù túng khó thoát thân, cơn bài xích thường trực hướng vào những tâm hồn xa lạ, từng có những buổi dạo chơi dễ chịu, thư thái và bình yên, mà sự xoa dịu, nếu không nhờ bạn đồng hành, thì ít nhất cũng bởi tiết trời và cảnh trí (ta đều biết Mansfield ưa thích và gắn kết với thiên nhiên chừng nào). Và, có thể lắm chứ, những giao đãi vui nhộn và trò chuyện hợp ý, xua bớt cô quạnh, buồn chán, ngột ngạt bủa quanh một thiếu nữ đôi mươi mẫn cảm.
Phần mình, dẫu không hứng chịu những cuộc đối thoại tọc mạch, không mong muốn, hay những ánh nhìn bất thiện, tôi cũng thấy mình ngấp nghé ở ranh giới bị bài trừ. Những hội thoại xã giao có lịch thiệp và hòa nhã đến mấy, tôi vẫn ý thức, hay đúng hơn, biết được, mình hoàn toàn là một sinh vật ngoại lai (không chỉ ở Bad Wörishofen). Ý niệm này kết nối tôi với Mansfield ngay tức khắc. Ở nhà trọ Đức, khi ấy, không chỉ là những chế báng hay giễu nhại: đó còn là tự vệ, là chống chọi đáo để nhưng thầm kín (và thực ra rất dịu dàng) từ một tâm hồn và thân xác mỏng manh, một kẻ ở thế yếu, dễ tổn thương, theo mọi nhẽ.
[Sự cô đơn: không thể viết mà không có nó, Mansfield đã hiểu điều ấy ngay từ đầu. Có lao vào bao nhiêu cuộc tình, có viết (rồi lại đốt) bao nhiêu bức thư, có khẩn thiết gọi những người thân đến bên để được chiều chuộng chăm sóc đến thế nào chăng nữa, Mansfield vẫn chỉ thực sự viết được khi bị tước đi mọi điểm tựa. Một cuộc trốn chạy vô vọng và tuyệt vọng từ giây phút đầu tiên, phía nào cũng là đau đớn, chỉ có thể là đau đớn, nhưng chẳng thiếu ân sủng và cả niềm vui. Ở nhà trọ Đức, dù đứng riêng hẳn với các sáng tác sau này của Mansfield về phong cách, không được tác giả cho phép tái bản khi còn sống vì nhiều lý do, thậm chí ngấp nghé vận mệnh bị từ bỏ - disowned, vẫn cứ chiếm vị trí quyết định đối với văn nghiệp của Mansfield: chỉ sau In a German Pension, Katherine Mansfield mới thực thành nhà văn.]
Để tới Bad Wörishofen, dễ nhất là đi tàu từ München (Munich) - ấy là lý do Herr Rat đã nằng nặc khuyên nhân vật nữ trong Người Đức với thịt tới München tham quan sau kỳ nghỉ dưỡng. Mansfield đã dừng chân ở đó ít ngày sau khi rời Wörishofen, khoảng tháng Mười, và rất có thể đã chứng kiến sự kiện lớn nhất của thành phố: Oktoberfest. München cũng (rất có thể) là bối cảnh cho Cú chao của con lắc,truyện ngắn duy nhất có bối cảnh thành thị trong cả tập. Và Viola, cô văn sĩ (?) rỗng túi, chôn chân trong nhà trọ, đối diện với những lời giục giã tiền nong, vá víu trông cậy vào người tình cũng cùng đường bí lối, vào buổi sáng cùng kiệt ấy, đã tự dựng lên một thử thách, đẩy mình vào để chiến thắng trở ra, như cách duy nhất để tiếp tục – chẳng phải Mansfield, một lần hiếm hoi, đã cho ta nhìn trực diện, không qua lớp màn nào, (hoặc nếu có, thì rất mỏng), vào mình đó ư?
Tôi cũng khởi hành từ München, nhưng rốt cuộc tới Bad Wörishofen bằng taxi, vì lỡ bến cần xuống. Hệ thống tàu ở Đức không quá hiện đại, và tàu xe muộn có hệ thống (ngộ nhận, rằng mọi thứ ở Đức đều đúng giờ, đã được giải thiêng). Người soát vé, một phụ nữ cao to, rắn chắc, cho phép tôi lên toa hạng nhất để đợi tàu quay lại, trong lúc bà ăn tối bằng một chiếc sandwich hẳn mang theo từ nhà. Nắng lịm, trời sậm đi và điện thoại tôi cũng cạn dần pin. Chỉ toa hạng nhất mới có ổ cắm, nhưng chẳng ích gì, vì tàu không chạy nên đâu có điện. Lòng như lửa đốt, tôi quyết định gọi taxi để đến được Wörishofen trong vòng mười lăm phút thay vì đợi tàu quay lại. Người soát vé giúp tôi báo địa chỉ, và thông qua ứng dụng nhắn tin, dịch cho tôi biết mười lăm phút nữa taxi sẽ đến. Hãng taxi chính ở Wörishofen, họ sẽ đón tôi về. Sốt ruột, tôi ra trước cửa ga chờ: cửa chính đã đóng, xung quanh không một bóng người, ngoài một đám đàn ông, chắc là sống gần đó, đang tụ lại hút thuốc cạnh bãi đỗ xe. Một thanh niên đi về phía tôi, bước chân nhanh nhẹn, không chần chừ. Giống nhiều đàn ông Đức tôi gặp, ngoại hình anh ta thô ráp, ăn mặc đơn sơ. Hơi nôn nao, tôi làm cử chỉ nhường đường, nhưng anh xua tay nói không cần, bằng tông giọng nhẹ và mềm hơn tôi kịp tưởng tượng. Anh ta không vào ga, mà đi về phía bãi xe, hóa ra để nhập hội hút thuốc. Nhưng chợt tôi thấy anh ta chạy ngược về: một cô gái trên xe lăn tự động đang tìm cách đi qua hàng xe đạp dựng trên vỉa hè. Anh ta mau mắn xếp xe rộng lối cho cô, vòng ra sau giúp cô đẩy xe, và nói khẽ. Không rõ họ có quen thân - tôi thì đoán là có, vì đây là một thị trấn nhỏ, thuộc dạng thị trấn nơi ai ai ắt cũng biết nhau. Anh ta gật đầu cám ơn khi tôi dịch nốt cái xe đạp còn lại.
Không quá mười lăm phút, khi điện thoại của tôi còn không đầy 5% pin, taxi tới (một pha đúng giờ may mắn: tàu xe ở Đức hóa ra vẫn có thể rất đúng giờ). Người lái xe vạm vỡ, húi cua, mặc áo phông quần soóc, nhanh nhẹn giúp tôi nhấc va li và khởi hành về Bad Wörishofen. Hay là ông ta bị gọi trong lúc đang ăn tối ở nhà nhỉ? Xe lao vun vút, với tốc độ gần 200km/h, trên đường vắng, chậm dần khi qua một cụm nhà nghỉ đã lên đèn, yên tĩnh và mơ màng trên nền trời đang chuyển màu tím thẫm. Đã đến ư? Thế thì nhanh quá. Xe không dừng lại, mà lướt qua tấm biển in chữ Mindelbau. Cái tên rất quen, nhưng nhất thời tôi không sao định vị nó từng xuất hiện nơi nào. Chỉ đến sáng hôm sau, giở lại Ở nhà trọ Đức, tôi mới nhìn thấy Mindelbau trong Ở “nhà nghỉ Lehmann” và Quý bà Cấp tiến. Thị trấn không lạnh lẽo và xơ xác như miêu tả - Mansfield tá túc tại Mindelbau khi đã vào đông, vắng lặng và hoang vu như bất cứ nơi nghỉ dưỡng mùa hè nào khác.
Nếu chỉ đọc Ở nhà trọ Đức, tôi sẽ mãi mường tượng Bavaria, và cụ thể hơn nữa, Wörishofen, như một vùng đất cằn cỗi, xám ngoét, tiêu điều, chất chứa mỏi mệt. May thay, tôi đã chính mắt thấy mình sai. Cố không quan tâm tới tiếng cười nói rổn rảng trong toa, tôi đăm đăm nhìn cảnh trí ngoài cửa sổ, và cả dưới bầu trời trĩu mây, chỉ le lói ánh nắng, vẫn thấy một góc Bavaria đẹp chừng nào. Tàu đi qua những cánh đồng tít tắp, mà tôi chỉ kịp nhận ra ngô, rồi hướng dương. Người Đức ở những vùng khác không thích việc thế giới cứ mặc định họ là người Bavaria, những kẻ uống bia như nước lã và tối ngày chén xúc xích, kiêu ngạo, hẹp hòi, cộc tính… Quả thật, biểu cảm, thái độ những người Đức tôi gặp ở Munich và Wörishofen không mấy hiền hòa và niềm nở, kể cả những người làm dịch vụ. Thế nhưng, chính sự nhiệt thành và tận tâm sau vẻ ngoài thô ráp và cứng nhắc nọ đã giúp tôi tới được Wörishofen như dự định, sau nhiều trắc trở. Họ không nhẹ giọng hay ra dấu an ủi tôi giữa cơn hoảng hốt, càng không tỏ vẻ sốt sắng, nhiệt tình, dẫu cử chỉ và hành động của họ có chu đáo đến đâu. Thậm chí, tôi nhớ được rất ít nụ cười. Nhưng tôi đã không hề bị bỏ mặc, không một phút cảm thấy tủi thân, ở Wörishofen. Tôi may mắn hơn Mansfield chăng? Hay tôi không drama queen bằng? Chủ nhà trọ của tôi là một phụ nữ cực kỳ dễ chịu, từ tốn và nhã nhặn. Buổi tối bất trắc ấy, tôi tới nơi thì bà đã đikhỏi; có một dòng ghi chú trong email đặt phòng mà tôi đọc sót (điều rất hiếm xảy ra; thế nhưng trong hành trình dài, không chỉ ở Bad Wörishofen, những bất trắc và sự cố cứ không ngừng xảy đến): check in trước 18:30. Câu đầu tiên tôi nói khi gặp bà sáng hôm sau, là xin lỗi. Nhưng bà chủ không để tôi kịp bày tỏ sự áy náy: vừa tất bật bày biện đồ ăn sáng, bà vừa hỏi han và xin lỗi tôi hết lời, bằng giọng dịu dàng, chậm rãi. Khi biết tôi đến Bad Wörishofen vì Katherine Mansfield, khuôn mặt bà bừng sáng lên. Có người đến vì Mansfield, kiểu như vậy. Đáng tiếc, tôi đã không để Ở nhà trọ Đức lại đó - sát giờ ra ga, không đủ thì giờ cho những phân vân. Cũng không đủ thời gian để tôi đi dọc phố Kathreinerstraße, hay tới quảng trường cùng tên.
Điều không ngờ tới, là suốt thời gian ở Đức, tôi nhớ nhiều nhất về Người Đức với thịt. Tỉ lệ béo phì ở đất nước này đã trở nên đáng báo động, đứng đầu châu Âu cùng, trớ trêu thay, Vương quốc Anh. Cả hai chỉ chịu thua một cường quốc khác: Mỹ. Sự châm chích và đối kháng trong Người Đức với thịt trở nên hài hước hơn bao giờ hết; nếu Anh quốc có fish and chips thì người Đức (ở phía Bắc) cũng ăn Pannfisch (cá áp chảo kèm khoai tây rán, xốt mù tạt), không hề kém cạnh. Chính lúc này, dường như phương pháp Kneipp, đề cao vận động và chế độ ăn thô, nhiều rau củ, lại trở nên cần thiết với cả hai hơn bao giờ hết. Crudités, như người Pháp hay nói.
Hiệu sách tôi thường ghé thăm ở thành phố tôi lưu trú, có sách của Mansfield, và về Mansfield. Đó là một hiệu sách đẹp, từng là địa điểm mua sách yêu thích của Karl Lagerfeld (một nhân vật có rất nhiều sách kèm với gu về sách rất đáng ngờ), và dĩ nhiên không bán sách cũ. Gần như không có best-seller, cũng không có các “dòng” sách. Chỉ toàn những cái tên quen thuộc, phần nhiều là Đức (và Áo, và Thụy Sỹ, và Czech), nhưng dĩ nhiên cả Pháp, Anh, Mỹ Latin… (trong tiếng Đức) xếp không theo thứ tự nào (hoặc, một thứ tự tôi không đủ sức nhìn ra). Chẳng cần cố ý tìm bất cứ ai, mọi thứ đều ở sẵn đó, cứ nhẩn nha vừa đi vừa nhìn, là thấy tất. Giữa hàng loạt cái tên lớn, khỏi cần nói tôi bất ngờ đến độ nào, khi thấy những đầu sách về Mansfield đặt ở vị trí cực kỳ dễ thấy (hơn Woolf). Người Đức thích Katherine Mansfield, và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lần lượt những bản dịch của hai phía Đông và Tây được ấn hành. Hẳn Mansfield sẽ lấy đó làm vui: thời trẻ, Mansfield rất muốn học tiếng Đức, và không ít lần dùng tiếng Đức trong thư gửi một vài người. Dù nửa sau cuộc đời Mansfield gắn nhiều hơn với Pháp hay Thụy Sỹ - những phong khí hoàn toàn khác - thì những dấu vết nước Đức để lại trên tâm hồn mẫn cảm ấy sau quãng thời gian ngắn ngủi ấy vẫn còn, thậm chí còn rất rõ.
Rất có thể, chính tại nhà trọ Đức, Mansfield đã thấy cái đó; ấy là: kết cục.
Chi Quân