Khác Đọc

Romain Gary nói

[Năm 1974, Romain Gary cho in cuốn sách La Nuit sera calme; đây là dạng sách “conversations” hay “entretiens”, tức là những cuộc nói chuyện dài: trong sách, François Bondy hỏi, còn Romain Gary trả lời.

Mãi về sau này, người ta mới biết, François Bondy, một người bạn của Romain Gary từ hồi còn nhỏ, ở Nice, chỉ được “mượn tên”, còn toàn bộ cuốn sách là sản phẩm của Romain Gary, cả phần câu hỏi lẫn phần câu trả lời: như vậy, đây cũng là một trong những lần Romain Gary sử dụng bút danh, không khác mấy so với trường hợp Émile Ajar, Fosco Sinibaldi hay Shatan Bogat.

1974 cũng chính là năm cái tên “Émile Ajar” bắt đầu xuất hiện, và ngay năm sau đó nhận prix Goncourt. Dưới đây là một số phần trích từ La Nuit sera calme.]

FRANÇOIS BONDY: Chúng ta quen biết nhau từ bốn mươi lăm năm nay rồi…

ROMAIN GARY: Trường trung học Nice, lớp mười… Khai giảng vào tháng Mười. Có một “học sinh mới” và thầy giáo hỏi cậu ta sinh ở đâu. Cậu đứng dậy, với bản mặt Ibn Séoud sơ sinh của mình và đã cõng trên lưng, ở tuổi mười lăm, trọng lượng của nhiều thế kỷ, cậu nói “Berlin”, và cậu lăn ra cười rũ rượi, trong cái lớp học gồm ba mươi thằng lỏi con Pháp ấy… Chúng ta đã có cảm tình với nhau ngay lập tức.

FRANÇOIS BONDY: Cậu từng lúc nào cũng có trí nhớ thật khủng khiếp, cậu đã chẳng bao giờ quên điều gì và hẳn vậy thì thật không dễ…

ROMAIN GARY: Thì người ta viết những cuốn sách mà.

FRANÇOIS BONDY: Tại sao cậu lại chấp nhận tự nói về mình ở đây, trong khi cậu sống hết sức khép kín?

ROMAIN GARY: Vì tôi sống hết sức khép kín… Và tôi không cảm thấy chút run rẩy của lòng tự ái nào trước cái ý phải mở lòng mình trước bất kỳ ai - tôi rất thích “bất kỳ ai”, đó là một người bạn - và phải tự nộp mình cho “ý kiến chung”, vì “cái tôi” của tôi không hề có chút o ép nào về phía chính tôi trên mọi phương diện, ngược hẳn lại. Có sự thích phơi bày bản thân, và cũng có phần của lửa. Tự độc giả sẽ quyết định xem đây là cái gì. Gari muốn nói “cháy đi!” trong tiếng Nga [các nhà bình luận hay tỏ ý nghi ngờ cách diễn giải này của Romain Gary], ở thức mệnh lệnh - thậm chí còn có một bài hát Di gan cổ lấy nó làm điệp khúc… Đấy là một mệnh lệnh tôi chưa từng đi chệch, cả trong tác phẩm lẫn trong đời tôi. Như vậy tôi muốn thực hiện ở đây cái phần của lửa để “cái tôi” của tôi phải cháy, để nó cháy bùng lên, trong những trang này, để ai cũng biết, như người ta vẫn hay nói. “Cái tôi” làm tôi cười, đó là một kẻ rất hài, và chính vì thế cái cười dân gian từng thường là khởi đầu cho một đám cháy. “Cái tôi” có một sự tự phụ khó mà tin nổi. Nó còn không biết mười phút nữa chuyện gì sẽ xảy đến với nó nhưng nó tự coi mình là nghiêm túc đến mức bi kịch, nó chơi trò Hamlet, độc thoại, gọi vời vĩnh cửu và thậm chí còn cả gan, sợ ra phết, viết những tác phẩm của Shakespeare. Nếu cậu muốn hiểu phần mà nụ cười đóng vai trò trong tác phẩm của tôi - và trong đời tôi - thì cậu phải tự nhủ rằng ấy là một cuộc thanh toán với “cái tôi” của tất tật chúng ta, với các sự tự phụ kinh người của nó và các tình yêu đầy chất bi ca của nó với chính nó. Cái cười, sự chế nhạo, sự nực cười là những công trình của thuần khiết hóa, của dọn dẹp, chúng chuẩn bị cho các trong lành tương lai. Nguồn đúng nghĩa của cái cười dân gian và của mọi cái hài, đó là đầu mũi kim châm cho thủng quả bóng “cái tôi”, vốn dĩ phồng tướng lên vì tầm quan trọng. Đó là Arlequin, Chaplin, tất tật những “người xì hơi” cho “cái tôi”. Cái hài là một sự nhắc nhở lòng khiêm nhường. “Cái tôi” lúc nào cũng bị tụt quần ở chốn công cộng. Các quy ước cùng những định kiến tìm cách giấu đi cái đít để trần của con người và rốt cuộc quên mất sự trần truồng nền tảng của chúng ta. Vậy nên, tôi sẵn sàng “tự nói về mình”, như cậu bảo, mà không đỏ mặt xấu hổ. Còn có các lý do khác nữa. Trước hết, tôi có một đứa con trai còn quá nhỏ nên chưa thể gặp tôi được, nên tôi chưa thể nói được cho về toàn bộ những điều này. Chừng nào nó hiểu, thì tôi sẽ không còn ở đây nữa. Việc này khiến tôi bị bấn kinh khủng. Kinh khủng đấy. Tôi thì tôi muốn có thể nói với nó về toàn bộ những cái đó, khi nào nó hiểu được, nhưng tôi sẽ không còn ở đây nữa. Không thể nào, về mặt kỹ thuật. Cho nên, tôi nói với nó ở đây. Sau này nó sẽ đọc. Và rồi, thì, có tình bạn. Tôi cảm thấy mình được vây quanh bởi một tình bạn rất lớn, thậm chí ở mức không thể tin… Những người mà tôi hoàn toàn không quen biết… Các độc giả viết thư tới gửi tới. Ta nhận được, cứ cho là thế, năm, sáu bức thư mỗi tuần, từ suốt nhiều năm nay, và cứ một độc giả viết thư, thì có lẽ có cả trăm người nghĩ đến tôi giống người ấy, những người suy nghĩ và cảm thấy giống tôi. Cái đó tạo nên một số lượng tình bạn không thể tin nổi. Hàng tấn và hàng tấn. Họ đặt cho tôi đủ mọi loại câu hỏi, và tôi không biết trả lời, khuyên nhủ, nghe như là dạy dỗ ấy, và tôi không thể nói chuyện với từng người được, vậy nên tôi nói chuyện với họ ở đây, với tất tật… Sau đó rồi, họ sẽ không hỏi tôi các lời khuyên nữa, họ sẽ thấy là tôi không bao giờ có khả năng cho chính tôi các lời khuyên, vả lại, xét về cốt yếu, không có câu trả lời đâu.

FRANÇOIS BONDY: Cậu cảm thấy mình có những bổn phận về phía các độc giả của cậu?

ROMAIN GARY: Không bổn phận nào. Tôi không có lợi ích công cộng, nhưng tôi trung thành trong tình bạn… như cậu biết rõ đấy. Nhưng tôi báo trước với cậu rằng tôi sẽ không nói tất, vì tôi ngừng lại trước sự tố cáo. Ta không thể thực sự “tự nói về mình” mà không nói về những người khác, những người mà các bí mật từng đóng một vai trò trong đời ta. Tôi rất muốn nhận “xì căng đan” cho riêng tôi, nhưng tôi không có quyền trưng bày những người khác ra, vì đối với tôi “xì căng đan” hoàn toàn không có cùng nghĩa như đối với họ. Còn có rất nhiều người thấy tự nhiên là một xì căng đan. Tính dục, chẳng hạn. Và có những lời tâm sự. Nhiều người tôi chẳng quen mấy tâm sự với tôi, dễ dàng đến đáng kinh ngạc. Tôi chẳng biết tại sao họ lại làm thế, tôi cho đấy là vì họ biết tôi không phải là người của cảnh sát.

Cao Việt Dũng dịch

Tags: Romain Gary Cao Việt Dũng