Khác Đọc

Sự vắng mặt của dấu câu

“Anna đôn hậu có những lý tưởng cao cả về trinh tiết và nề nếp của loài chó.”

Những nhân vật được nặn lên dưới bàn tay của Gertrude Stein, ngoài việc mang một dáng vẻ xù xì, bần hàn, thậm chí là nhếch nhác, đồng thời cũng gánh những cuộc đời tầm thường trớ trêu - đến mức thứ “lý tưởng cao cả” chỉ gửi gắm trọn trong ba con chó, một con đã mù và già yếu. Không phải riêng nhân vật, mà ngay cả câu từ cũng vậy. Dường như Stein cố tình để cho văn chương của mình cũng mang cái dáng vẻ nghèo nàn ấy: chẳng thể tìm nổi một từ nào để miêu tả Anna văn vẻ hơn là “nhọc nhằn” và “phiền toái”, và chúng lặp đi lặp lại như thể vốn liếng của Stein đã cạn kiệt.

Kỳ thực, để nói về văn chương của Stein, đó chỉ là lớp bề ngoài đơn điệu, gai góc mà Stein đã đem trưng ra từ trong tác phẩm đến ngoài đời sống của mình. Nó không mang dáng dấp sang trọng, phù hoa, cũng không có vẻ kịch tính, trữ tình của văn chương những thế kỷ trước. Stein đã dọn đường cho một cách biểu đạt nghệ thuật mới, đánh dấu sự dấn thân của loài người sang một dấu mốc gọi tên là “hiện đại” - nghệ thuật đã chuyển hướng, không còn là sự tái hiện cái đẹp, như một kiểu ru ngủ con người. Nghệ thuật phải chạm đến, phải phơi bày những khía cạnh khó chịu nhất, tầm thường nhất của đời sống, để đi tìm thứ mà Tristan Tzara trong dada manifesto gọi là “novelty”: “A work of art should not be beauty in itself, for beauty is dead; it should be neither gay nor sad, neither light nor dark to rejoice or torture the individual by serving him the cakes of sacred aureoles or the sweets of a vaulted race through the atmospheres.”

Và, để làm được điều ấy, ranh giới đầu tiên Stein đập bỏ, là những dấu câu.

"Tình bạn thì dựa vào ân huệ. Luôn luôn có một nguy cơ đổ vỡ hoặc một quyền năng mạnh hơn chen vào giữa. Sức ảnh hưởng chỉ có thể là một cuộc diễu hành đều đặn khi nào một người chắc chắc không bao giờ đào tẩu được.

Anna rất muốn có Bà Lehntman và Bà Lehntman cần Anna, nhưng luôn luôn có cách khác để làm mọi việc và nếu Anna đã từ bỏ một lần thì cô cũng có thể làm vậy lần nữa, cho nên tại sao Bà Lehntman phải thực sự sợ hãi?"

Stein không đi đến cực đoan như cách Faulkner triệt tiêu những dấu chấm trong Go Down, Moses. Cách của Stein giống như vờn một con chuột. Có khi câu ngắn ngủi, có khi dừng đột ngột, có khi lại cố tình bỏ đi vài dấu phẩy khiến một vế câu dài hơn và khiến cho vế sau như lạc lõng không thuộc về câu nào: “nhưng luôn luôn có cách khác để làm mọi việc và nếu Anna đã từ bỏ một lần thì cô cũng có thể làm vậy lần nữa, cho nên tại sao Bà Lehntman phải thực sự sợ hãi?”

Trong bài thuyết giảng năm 1934 ở Chicago, Stein cho rằng:

A comma by helping you along holding your coat for you and putting on your shoes keeps you from living your life as actively as you should lead it. . . . . The longer, the more complicated the sentence the greater the number of the same kinds of words I had following one another, the more the very many more I had of them I felt the passionate need of their taking care of themselves by themselves and not helping them, and thereby enfeebling them by putting in a comma…

Dấu phẩy bằng cách cùng giúp anh giữ áo cho anh và mang giày cho anh ngăn anh sống cuộc đời anh chủ động như anh nên sống… Câu càng dài, càng phức tạp càng nhiều từ giống kiểu nhau tôi cho nối tiếp nhau, tôi càng cảm nhận được càng nhiều càng rất rất nhiều nhu cầu mãnh liệt cho chúng tự mình lo phận mình và không giúp chúng, và như thế làm chúng yếu đi bằng cách đặt một dấu phẩy…

Stein quả thật đã mặc sức chơi đùa với những tính từ và để chúng “tự lo phận mình” mỗi khi nhắc đến một nhân vật: “Đến chỗ bà thầy bói là một điều rất tệ. Anna là một Người Công giáo Nam Đức sùng đạo và các vị linh mục Đức ở trong nhà thờ luôn luôn nói rằng làm những việc như vậy là rất xấu.” Stein khiến người ta phải tự thắc mắc, đâu là mối liên quan giữa người Nam Đức với việc một người Công giáo sùng đạo. Và như thế, khi tự biết lo phận mình, những tính từ, tưởng chừng như chắp vá vô lý, qua mỗi câu mỗi đoạn lại gợi mở thêm từng chút, từng chút về quá khứ và cuộc đời của nhân vật.

Phải nói rằng, một yếu tố đặc biệt giúp Stein sáng tạo được thứ hiệu ứng này, là ngôn ngữ Anh. Chất liệu sáng tác của Stein là một thứ ngôn ngữ chặt chẽ về ngữ pháp, và chính vì thế sự thiếu vắng dấu phẩy trở thành một con dao hai lưỡi, có thể giết chết văn chương và mặt khác cũng có thể tạo ra vị trí độc đáo của Stein trong dòng chảy văn học. Chính bởi chặt chẽ về ngữ pháp, nên độc giả có thể lần mò theo những chủ-vị ngữ để vừa đọc, vừa đoán; trò chơi mà Stein tạo ra cho cả người viết và người đọc giống như một ván sudoku: ta cứ vừa đọc, vừa điền những dấu câu vắng mặt, thích thú và khoái chí khi hóa giải được thử thách. Nhưng thật ra, mọi thứ đã nằm trong sự tính toán và sắp đặt sẵn sàng của người sáng tạo.

Hoàng Trang

Tags: Gertrude Stein Hoàng Trang