Khác Đọc

Thomas Bernhard và những cái ghế

Thế nào là một nhà văn lớn? Nhà văn lớn nhất thiết phải là kẻ tuyệt đối đáng ghét (ít nhất là trong mắt người cùng thời: đằng nào thì những người cùng thời cũng sẽ không hiểu họ; còn hậu thế thì tìm đến họ như liều thuốc chống lại sự đáng ghét ở thời của mình), vì đấy là một kẻ không chịu thỏa hiệp, thích quậy phá, đào xới tung tất thảy mọi điều an ổn mà xã hội cố gắng duy trì, một kẻ gieo rắc nỗi bất an và gây thù địch khắp nơi, một kẻ điên của thời đại. Tương ứng với nhà văn lớn, văn chương lớn thì rất gần với sự điên. Robert Walser còn vào luôn trại điên để ở. Và để viết văn tiếp.

Một trong những nhân vật đáng ghét lớn, rất lớn, là Thomas Bernhard, một con người với sự khó chịu hiển lộ rõ nét, một gây hấn lộ liễu có khả năng châm chọc ngay từ lần chạm mặt đầu tiên. Cứ thử nghĩ tới hình ảnh một thằng cha ất ơ nào ngồi trong ghế bành, dám chửi rủa cả một giới nghệ thuật tinh hoa là trụ cột tinh thần của xã hội này mà xem, quả là phạm thượng. Người như thế, ai cũng muốn xua đuổi, vì con người là loài động vật đến chết vẫn thích diễn, còn Thomas Bernhard thì lại quá sáng suốt và thiếu mơ mộng, ông rắp tâm chặt cho đổ mọi cuộc vui thú trên sân khấu. Và thêm một điều đáng ghét khác, Thomas Bernhard lại còn rất khó để bắt được.

(Chắc chắn là rất ít ai dám khiêu chiến với không chỉ Burgtheater - niềm vinh quang của sân khấu kịch Wien - như Bernhard, trong Cháu trai Wittgensten, và không chỉ với Burgtheater thời hiện tại, mà cả của quá khứ, nơi các diễn viên con cưng quyết định mọi điều, kể cả số phận tác giả cùng vở kịch, trong sự a tòng của công chúng.)

Bước vào văn chương Thomas Bernhard tức là bước vào một cõi toàn những lời chửi rủa hiểm độc, mà cái hiểm nằm ở chỗ chẳng biết lời chửi ấy có nhằm vào ta hay không, thế nên cứ luôn phải căng thẳng mà dỏng tai lên nghe, căng mắt lên nhìn. Đấy là còn chưa nói đến chuyện, đọc hết một câu (rất dài) của Bernhard đã là một thử thách. Thứ văn chương ấy đương nhiên là thảm khốc vì ta chẳng thể mong mỏi bất kỳ sự thương xót nào từ một người đã luyện tập được động tác ngồi trên ghế bành và quan sát tinh luyện đến mức nghệ thuật. Tức là, những người rơi vào tầm mắt của ông chẳng bao giờ thoát thân được lâu, sự sơ hở rất nhanh bị chộp lấy. Trong Cháu trai Wittgenstein, Bernhard kể lại những buổi ngồi ở quán cà phê nói xấu bất kỳ đối tượng nào mà mình nhìn thấy: chẳng hề có sự tốt đẹp ở bất kỳ đâu.

Song, liệu có bất kỳ ngoại lệ nào đối với Thomas Bernhard hay không? Giả dụ như một phép mầu nào đó, vì cuộc đời đổ nát này (lắm lúc) cũng có những phép mầu. Tin tốt rằng đã tồn tại một phép mầu như thế, và tin xấu rằng, phép mầu ấy rốt cuộc chỉ càng làm cuộc đời thêm thảm khốc.

Phép mầu đó, được kể lại trong cuốn tự truyện mang tên Cháu trai Wittgenstein, là tình bạn đẹp đẽ giữa ông và người cháu trai của triết gia Ludwig Wittgenstein: Paul Wittgenstein. Paul Wittgenstein là người bạn tinh thần quý báu, người đã xuất hiện rất đúng lúc để cứu nguy và mở đường, người sẵn sàng ngồi ghế cạnh Bernhard và cùng nhau, họ chế nhạo các đối tượng được lựa chọn từ đám đông trước mặt. Có rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ mà Bernhard nhắc tới, ví trong một đoạn Bernhard kể về hành trình truy lùng tờ Neue Zürcher Zeitung, người bạn ấy đã không ngần ngại cùng ông di chuyển ba trăm năm mươi ki lô mét từ nơi này qua nơi khác chỉ để có tờ báo mà cuối cùng vẫn không tìm được. Thế nhưng, tình bạn đó cũng không nằm ngoài vận động của sự tiêu diệt và tha hóa dần dần. Paul Wittgenstein từ một nhân tố nổi trội, trải qua nhiều biến cố (đặc biệt là thời gian chữa bệnh tâm thần ở Pavillon Ludwig), đã trở nên lẩm cẩm và già nua, như một người có lẽ từ lâu đã thoát khỏi thế giới này nhưng thân thể thì bị ép buộc phải ở lại. Thậm chí bởi tình bạn này từng quá đẹp, nên mỗi dấu hiệu của tha hóa lại càng gây sát thương, Thomas Bernhard coi những đoạn cuối của mối quan hệ chỉ còn là hành trình ông phải chứng kiến người bạn của mình từng ngày chết đi.

Có một điều thú vị: trong Cháu trai Wittgenstein, hình ảnh Bernhard ngồi trên ghế cũng rất thường xuất hiện (lần này là các băng ghế chứ không còn là chiếc ghế bành). Có thể thấy lập trường rất vững vàng ở một người như Bernhard, dù trong bất cứ khoảnh khắc nào của đời sống, ông vẫn không quên mất vị trí của một người ngồi trên ghế và quan sát. Cái con người chửi rủa tưởng như kẻ nát rượu ấy thực ra vô cùng tỉnh táo, vì đặc biệt tỉnh táo nên đặc biệt sáng suốt, và vì quá sáng suốt nên khốc liệt:

Giờ đây tôi không còn nói được, chúng tôi đã ngồi trên chiếc xô pha ấy nói những chuyện gì, thế nhưng tôi đã sớm đứng dậy và cáo từ và bỏ người bạn vô vọng ngồi lại trên chiếc xô pha xanh đen ấy một mình. Bất chợt tôi không thể chịu nổi ông nữa, tôi liên tục nghĩ, rằng tôi đã không còn cùng ngồi với một người sống, mà với một kẻ đã chết từ lâu và tôi bèn đào tẩu khỏi ông. Vẫn trong lúc tôi ở trong căn hộ của ông, ông đã, kẹp chặt hai tay giữa đầu gối, bắt đầu khóc, bởi ông bỗng lại nhìn thấy rất rõ, rằng đó là kết thúc, thế nhưng tôi đã không muốn ngoái đầu lại, tôi xuống cầu thang đi ra ngoài trời nhanh chóng hết mức. Tôi chạy qua Stallburggasse và rồi qua Dorotheergasse, đi qua Stephanplatz đến Wollzeile, nơi rốt cuộc tôi có thể đi vài bước bình tĩnh. Trong công viên thành phố tôi ngồi xuống một băng ghế và cố gắng tự giải thoát khỏi tình cảnh đáng sợ của mình bằng cách dùng đầu óc kiểm soát thật chặt chẽ nhịp thở, bởi lúc nào tôi cũng có cảm giác mình sắp bị nghẹt thở đến nơi. Tôi đã nghĩ, khi ngồi trên băng ghế ở công viên thành phố, rằng đấy có thể là lần cuối tôi gặp người bạn của mình. Tôi không tin rằng một cơ thể đã suy yếu đến mức ấy, trong đó gần như không còn một tia sáng nào, bởi tuyệt đối không còn một ham muốn sống nào nữa, còn cầm cự được lâu hơn vài ngày.

Vậy là Thomas Bernhard chỉ toàn phơi ra đó nỗi đau của cuộc tồn tại, cuộc tồn tại không chút hy vọng. Tiếng chửi rủa hiển ngôn trên trang giấy (thứ vẫn thường được nhiều người nhấn mạnh: nhưng nhấn mạnh như vậy là rất nhầm, đồng thời không hề động được vào phần cốt lõi của văn chương ấy) thực chất không nặng nề bằng một nỗi buồn mênh mông, khoét cái lỗ sâu hoắm đằng sau ấy. Lời chửi rủa đó xuất phát từ tâm một kẻ quan sát đã thấu tận bản lai và rồi chấp chới mắc kẹt trong thế không thể thỏa hiệp. Đó là kẻ mang nặng nỗi khó ở của tinh thần bởi sự ngạt thở song cũng chẳng thể điên dại hoàn toàn (một trong những điểm khác biệt giữa ông và người bạn Paul Wittgenstein).

Thanh Nghi

Tags: Thomas Bernhard Thanh Nghi