15-12-2023
Thomas De Quincey
[Confessions of an English Opium-Eater của Thomas De Quincey là một kiệt tác có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử văn chương thế giới. Charles Baudelaire sớm nhận lấy nguồn cảm hứng từ bên kia biển Manche ấy; ta có thể đoán, chính vì ảnh hưởng mãnh liệt của De Quincey mà Baudelaire nhất định gán cho Edgar Poe tội nghiện thuốc phiện, trong khi Poe vô cùng trong sạch ở khía cạnh này. Thomas De Quincey và Edgar Poe chính là hai nhân vật nước ngoài quan trọng hơn cả đối với Baudelaire: ta khó tưởng tượng nổi một Baudelaire nếu thiếu họ. Ngược lại, công lao của Baudelaire cũng vô cùng to lớn, trong việc làm cho họ được biết đến một cách thực sự rộng rãi, cho dù có những khi nước Anh hay nước Mỹ ruồng bỏ họ.
Ta cũng không thể tưởng tượng được một Oscar Wilde, hay thậm chí một J. D. Salinger nếu thiếu “ông tổ” Thomas De Quincey.
Bản dịch tiếng Việt Confessions of an English Opium-Eater sẽ sớm được Xuất bản Khác in.
Dưới đây là bài viết đầu tiên về Thomas De Quincey của dịch giả phụ trách cuốn sách ấy - và hẳn không chỉ một mình nó, trong riêng địa hạt văn chương De Quincey.]
Để đọc các tác giả từ những thế kỷ xa xôi, cần một chút cảm giác, một chút kiên nhẫn và không phải là ý tồi nếu để niềm tin dẫn lối (dù biết viển vông và sáo mòn khi nhắc đến niềm tin trứ danh ấy, nhưng ai có thể phủ nhận được sự cần thiết?), thứ từng là, ở đúng vào chỗ đó, sự độc đáo mà phong cách của họ ngay lập tức thu hút độc giả và giới phê bình lúc đương thời. Nhìn lướt qua danh mục trước tác đồ sộ của Thomas De Quincey, có thể phần nào cảm thấy tham vọng lớn của ông trong sự viết, cùng với đó, ngay lập tức, một sự trớ trêu: toàn bộ những gì De Quincey viết đều trước hết đăng tạp chí, sau mới được biên tập và in thành sách. Thomas De Quincey viết nhiều vô kể, phê bình, tiểu luận, tự truyện, dịch… Trước khi mở ra sự nghiệp văn chương lẫy lừng mà sau này rất nhiều nhà văn xem như một nguồn (một nguồn khác: nhà văn của nhà văn, Honoré de Balzac, cũng với chữ de tự thêm vào như Thomas De Quincey), ông trải qua quãng đời không ít sóng gió và vô vàn thất bại, mà trong văn chương
những kinh nghiệm khó chịu thường là khởi nguồn của phấn hứng, thậm chí của sự trưởng thành… (Henry James - Vẽ một phụ nữ)
Bản thân De Quincey thời trẻ từng tỏ thái độ khinh thường việc bán kiến thức (viết sách) để kiếm tiền. Rốt cuộc, khi nỗi lo tài chính ụp lên đầu, ông nghĩ đến việc viết một cách nghiêm túc. Sự xuất hiện của kiệt tác Confessions of an English Opium-Eater (sắp tới sẽ xuất hiện trong tiếng Việt với nhan đề Gentleman cắn thuốc phiện) đánh dấu sự nghiệp văn chương lẫy lừng của Thomas De Quincey. Nhưng trước đó có một khoảng đệm nhỏ là giai đoạn làm biên tập cho tờ Westmorland Gazette từ 1818.Dưới tay ông, tờ báo gia đình ấy bắt đầu đăng các chuyên mục về những chuyến đi hút thuốc phiện, các bình luận về Kant, và hàng loạt các tin vặt về những vụ giết người khắp châu Âu, được viết với lối văn giàu tưởng tượng và những vấn đề cá nhân được bày tỏ như một chủ đề đáng được công chúng lưu ý. De Quincey ba mươi sáu tuổi khi Gentleman cắn thuốc phiện ra mắt, năm 1821 (khi Wordsworth tầm tuổi ấy, rốt cuộc De Quincey sau bao dùng dằng trì hoãn cũng lần đầu gặp được nhà thơ anh hùng của mình, và chàng thanh niên trẻ tuổi, lúc ấy đã bắt đầu bập vào thuốc phiện, rất sớm phải mang cảm giác khó ở vì thất vọng và phải đối mặt với sự ngẫn của mình), vào thời điểm đó nước Anh tắm trong thuốc phiện, nó được dùng làm mọi thứ từ giải trí (giá rẻ hơn bia rượu) cho đến chữa đau bụng và đau đầu. Người ta nuốt như thuốc viên hoặc hòa tan trong rượu tạo thành laudanum, thứ De Quincey ưa thích.
Ngoại trừ tiểu thuyết, ông viết rất nhiều thể loại, để lại những dấu ấn riêng biệt. Ông dịch Jean Paul, Kant, bình luận Shakespeare, Milton, và bi kịch Hy Lạp (De Quincey nổi tiếng thạo tiếng Hy Lạp)… De Quincey cũng viết những bài tiểu luận dưới hình thức thơ văn xuôi mà ông gọi là “văn xuôi nồng nhiệt” (impassioned prose), với bản thú nhận năm 1821 được cho là nỗ lực khởi phát, được nối tiếp bởi các tiểu luận dưới hình thức thơ văn xuôi được tập hợp trong Suspiria de profundis (Những tiếng thở dài từ vực sâu), bắt nguồn từ những trải nghiệm viễn tưởng với thuốc phiện, và The English Mail-Coach năm 1849, mà thoạt đầu De Quincey định viết như là một phần của Suspiria… Có thể hình dung Văn xuôi nồng nhiệt rất gần với những Thơ nhỏ bằng văn xuôi của Baudelaire, và phần thứ hai Un mangeur d’Opium của Les paradis artificiels (Những thiên đường giả) chính là bản dịch sang tiếng Pháp bản thú nhận của De Quincey, đôi chỗ Baudelaire thêm vào những ấn tượng riêng.
Là một bậc thầy về phong cách văn xuôi, De Quincey không tránh khỏi rơi vào việc các tác phẩm lớn của ông sau này được đọc để quan sát phong cách hơn là để hiểu. Tuy vậy, phần nào có thể hiểu việc bỏ qua ấy là do chính bản thân chúng đã vượt lên trước thời đại và các đề tài ông đề cập nằm ngoài những lợi ích phổ thông của cuộc sống và không gây hấp dẫn như một chỉ dạy thực tế một vấn đề tầm thường. Phong cách ấy, mà Baudelaire gọi là lối suy nghĩ “xoắn ốc tự nhiên” mang những nỗi ám ảnh lặp lại. Chẳng hạn như vụ sát nhân rúng động dư luận năm 1811 của John William làm De Quincey ngỡ ngàng và ông nhiều lần tái hiện trong các tiểu luận, On Murder Considered as one of the Fine Arts, khi De Quincey muốn làm rõ tâm trí của kẻ sát nhân và On the Knocking at the Gate in Macbeth, một bài phê bình tuyệt tác về vở kịch Macbeth của Shakespeare. Hay cái chết của người chị gái Elizabeth từ rất sớm đã hằn một dấu vết mãi mãi, cùng lúc gắn chặt cái chết với mùa hè vĩnh cửu. Sau này có rất nhiều phiên bản khác của Elizabeth mà De Quincey tự tạo ra, đầu tiên là Ann cô gái đã sống chung cùng ông trong chuyến chu du xứ Wales như một tay ma cà bông đích thực. Và chính trong quãng thời gian bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm những phiên bản khác ấy, năm 1804 ông bị cơn đau mặt hành hạ và phải tìm đến thuốc phiện.
Bên cạnh những ám ảnh tâm trí trở đi trở lại kia, rất có thể một nỗi ám ảnh sớm nhất mà ông dính vào, là việc vay món tiền mà ông biết mình hoàn toàn có nguy cơ không thể trả nổi và sẽ bị cuốn theo nó. De Quincey lấy tiền đó mua sách, và trong những sách ông kiếm được, có bộ lịch sử nước Anh, dự kiến sẽ còn tăng lên theo thời gian. Nhưng, khao khát thứ gì còn rộng lớn và nguy hiểm hơn nữa, ông quyết định đem về một quyển lịch sử chung về hàng hải, được trình bày dựa trên nhiều chuyến đi, một tác phẩm mà cái tên đã báo trước sự vô tận, có thể lên đến hàng nghìn tập, và cú vung tay ấy có lẽ trở thành nguồn cơn của các hệ quả sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Về sau, ngoài việc nghiện thuốc phiện và phong cách văn chương trác tuyệt, De Quincey còn nổi tiếng với việc có rất nhiều sách (ông chuyển nhà khi sách đầy ứ không còn chỗ chứa) và ngập ngụa trong nợ nần vì hào phóng quá độ.
Công Hiện