Khác Đọc

Thủy

        Người phụ nữ đứng trước cánh cửa vào nhà, trong đêm, mãi không quyết định được. Đêm nín lặng - đó là thời điểm của những quầng trăng máu, những quãng sao lãng, những xào xạc lá, những bóng và vọng bủa vây - cả không gian phập phồng những dấu hiệu cứ cuộn mãi lên từ những xa thẳm nào - bên ngoài, bên trong - đe dọa một lần nữa nhấn chìm kẻ lạc loài trong cơn sóng của đê mê và bải hoải. Người phụ nữ đứng trước ngưỡng cửa, thấy rờn rợn mơn man những ánh mắt găm vào lưng, chạy suốt cơ thể mình - những ánh mắt núp trong tối, đêm đêm ngóng chờ kẻ bước vào khung cửa sáng, ánh mắt của nỗi sợ, sự phấn khích, ham muốn điên rồ, của những bẽn lẽn đầy ẩn ức hay của khoái cảm tò mò ghen tị? Bao nhiêu dục vọng con người cuộn vào một ánh mắt xoáy lốc - màn đã kéo, nàng bước vào khung cửa.

        Chao đảo trong cơn lốc những ánh mắt hữu hình và vô hình càng lúc càng thít chặt như đã tạo thành nhịp điệu, người phụ nữ bắt đầu trút bỏ - từng lớp, từng lớp trên mình - những lớp hóa trang hay thật ra là điều gì cốt yếu trong tồn tại của nàng, có thể biết được ư? Liệu có thể nào, sau khi bóc hết những lớp vỏ bên ngoài, người ta sẽ đến được với cái lõi trong suốt giấu đâu đó bên trong - cái đẹp vô ngần chỉ có thể tin chứ không bao giờ được thấy? Những ánh mắt rập rình trong tối bỗng như thốc tới, người phụ nữ vội vã ôm đồ mở khóa lao vào nhà, để lại sau lưng nỗi hẫng hụt mênh mông.


        Bên ngoài là thế giới quay cuồng, còn bên trong: triền miên mất ngủ. Phải mất ngủ đến đêm thứ bao nhiêu, bao nhiêu lần chong mắt tuyệt vọng nhìn mặt trời máu trồi lên để chấp nhận sự trôi dạt vô vọng của mình, như một người chết còn sống bó trên thuyền độc mộc xuôi dòng nước đen không biết đâu là cuối, trong một bầu khí chập chờn như có như không nhưng có thể khiến ta điên loạn: tôi có bệnh hay không có bệnh, toàn bộ chuyện này có phải chỉ là tưởng tượng không? Chỉ khi cuối cùng cũng được buông tha thì ta mới thực sự hiểu thứ đã bủa vây mình khủng khiếp đến độ nào - khủng khiếp chính vì nó tạo cảm giác chẳng có gì - một làn khói gạt đi là tan biến. Cứ vật vờ như thế, mọi thứ dần trượt khỏi tay, thậm chí đến chuyển động trôi dạt cũng không còn thấy nữa - như chiếc quan tài độc mộc ngắc ngoải trong một vũng bùn.

        Edgar Allan Poe từng viết về trạng thái chập chờn cơn tỉnh cơn mê này: bị kéo vào một vô cùng và biết là mình đang bị kéo. Clarice Lispector thì nói: sống là như thể mệt rũ rồi nhưng không sao ngủ được - the body demands, the spirit never ceases.

        Những gì nhìn thấy, hiện ra trong cuộc trôi dạt tàn khốc ấy chẳng bao giờ rời bỏ ta. Sau này, kể cả khi đã đoạn tuyệt với thế giới của mất ngủ, người phụ nữ vẫn sẽ cảm thấy, trong khi nằm, những bóng hình trước đây đờ đẫn xung quanh, vật vờ đi lại, lòng trĩu nặng nỗi khiếp sợ cái giường.



        Nhưng có thể không chóng mặt và mất ngủ được ư, sau cú liếc vào vực thẳm, sau khi bị  nhìn? Tấm canvas rơi, chân trời giả những sắc màu sụt xuống. Từ đó đi ra, chỉ còn có thể bám vào một tin tưởng cứ lùi mãi vào hào quang cổ tích, một vì sao chỉ riêng hẹn mình trong ô cửa mỗi đêm, một thế giới như đã từng và như chẳng bao giờ, vĩnh cửu trong ánh sáng của mơ tưởng trẻ thơ: “Sau này, mặc cho ai nói gì về nước Nga, lật lại lịch sử, kéo đổ các tượng đài, tôi tin những con người trong ảnh kia từng hạnh phúc.”

        “Ôi tôi tin tôi tin đời hạnh phúc/ Và mặt trời còn chửa tắt hào quang.”

        Nhưng can đảm làm sao, đáng quý làm sao và tuyệt vọng làm sao kẻ cầu nguyện trong hoàng hôn, đợi tin lành, kẻ đã bị cái sống nhìn ra, tóm lấy, cuốn vào những thao thức khôn nguôi, những giằng xé triền miên của ngạo nghễ và yếu đuối, tin tưởng và ngờ vực, trốn chạy và săn đuổi.

        Không ở đâu điều đó rõ ràng, đau đớn như với tình yêu: sự bất cần, khinh bạc lắm lúc đến độc ác, nhưng - cũng cùng một con người - sự dịu dàng, kiên nhẫn và lòng biết ơn không biết đến giới hạn. Định mệnh và tội lỗi vấn vít nhau trong cuộc dấn mình vào giữa cuộc đời - cái tài tình không thương xót gây nước mắt cho người và những giọt nước vì những khổ đau mà chính tài tình của mình mang tới.


        Lời cầu nguyện giữa những im lặng thảng thốt, trong đêm nghe lá xào xạc bên ngoài: liệu mình còn có thể yêu ai được nữa không?


        Kẻ đã biết địa ngục thì hiểu rằng chẳng thể có cứu rỗi bên ngoài nào ngoài sự chấp nhận nỗi đau, để nó ăn mòn ta, rả rích rả rích. Nhưng cũng kẻ ấy được trao khả năng dùng nỗi đau của mình để đến với nỗi đau của người khác, dùng cảm nhận về vô hạn của mình để tin vào vô hạn nơi người khác.

        Một câu chuyện viết bằng tình yêu là câu chuyện của lòng tin, của sự nhẫn nại và chịu đựng - chịu đựng trong sự chấp nhận nỗi không thể nguôi ngoai của nó, thậm chí chủ động gạt đi mọi mê tín có chức năng an ủi, miệt mài bóc những lớp vỏ, kiên quyết cự tuyệt mọi sự nhờ nhợ giông giống, dẫu chẳng thấy trước mặt điều gì khả dĩ lấp nỗi rỗng trong mình. “Tình yêu không phải là an ủi, nó là ánh sáng” (Simone Weil).

        Và vậy nghĩa là phải bước qua cả những khoái cảm đau đớn, những giả vờ đê mê rên rỉ, những tự mị của mình ngắm mãi mình.

        Đi tìm và được nhận vào một thế giới cần vô cùng nhiều lòng tin và can đảm, nhưng biết bước ra khỏi đó khi đến lúc còn cần lòng tin và can đảm hơn gấp bội.



        Sau nghi lễ, nhịp thành hình, người ta tìm được chỗ của mình trong một trật tự vững vàng, không nghi hoặc. “Lần nào cô cũng nhập vào với ngôi nhà, biết được một cách trọn vẹn rằng mình đang ở đây, rằng quả thật mình đang sống, nỗi khổ sở vì nhân dạng vô hình không còn đè nặng lên cô nữa. Mọi việc chắc sẽ kéo dài mãi mãi như vậy, cho đến lúc, cô nghĩ, cô trở thành bà già không cách nào rời khỏi ngôi nhà có bốn căn phòng nằm kề nhau này được nữa, sống và chết ở nơi mình thuộc về, mọi thứ khác đều xa xôi như thể diễn ra sau một tấm vách trong suốt nhưng ngăn cách âm thanh một cách tuyệt đối.”

        Nhưng khi đến lúc, khi không còn lịm đi vì đê mê đau đớn thì phải thấy: người phụ nữ đọc được câu chuyện trong một ánh mắt khác - ánh mắt chứa bí mật của ngôi nhà: “sau khi trút được bí mật của nó, ngôi nhà không còn thực sự quan tâm đến cô, không còn liên tục đè nặng lên cô như một nhà tù êm ái nữa.” Cứ thế, vòng cương tỏa nới dần, cho đến ngày người phụ nữ biết là mình có thể đi.

        Đi khỏi ngôi nhà uy quyền, mang theo bí ẩn của ánh mắt, của sự nhìn và bị nhìn, của tự do và quy thuận. Trong chuyển động cùng nhịp, trong khung cửa, người phụ nữ và người đàn ông nhìn cô hầu, đồng thời phơi mình trần trụi trước ánh mắt ngời ham muốn của kẻ đã quỳ ở đúng vị trí người phụ nữ đang quỳ. Người phụ nữ băng ngang hành lang, đến giữa sân - địa phận của cô ta, nhìn cô ta rung lên không ngừng giữa những quầng trăng tỏa rồi khuỵu xuống trong đê mê đau đớn. Chẳng bao giờ nàng biết người đàn ông - linh hồn của ngôi nhà lớn - có biết nàng cũng thấy những gì anh thấy hay không.


Một nhà thơ từng viết - những câu được dịch ra tiếng Việt:

        Mắt tôi nhìn xuống bộ phận sinh dục của người yêu tôi:

        chúng tôi bị nhìn, bởi nhau:

        chúng tôi nói những điều tăm tối

        […]

        Chúng tôi đứng ôm nhau trong khung cửa, ngoài đường họ nhìn chúng tôi:

        đã đến lúc, con người phải biết thôi!

        Đã đến lúc, thời gian.

        Es ist Zeit.

Một nhà thơ khác, trong tiếng Việt:

        Hãy nhìn anh rất lâu, thật lâu. Cho tia mắt

        gỡ dần những hình bóng u hoài phủ trên

        xác ướp. Thời gian quay tròn quanh nó rồi

        tan vỡ. Khởi đầu bằng thời khắc của chúng ta.

Đi khỏi ngôi nhà lớn nơi diễn ra nghi lễ, người phụ nữ mang theo bí mật gì? Ta biết nó hiện hình như một sự đi theo, một lời hứa của cái nhìn - của sự được bị nhìn. Nó là gì? Tia nắng trước khi tắt lịm muốn nói điều gì - có thể biết được chăng?



        Có một điều chắc chắn: khi bước ra khỏi đó, người ta chẳng còn ngờ vực chút nào về sự tồn tại của những thế giới vô hình, những thế giới nối thông với nhau, những cặp rắn và những dây leo đi lại giữa các thế giới để truyền dấu hiệu. Chúng vẫn ở đó, dẫu người ta có được nhận vào để thấy hay không. Suy cho cùng, được thấy là để làm gì đây, nếu không phải là để học sự kiên nhẫn, sự diệt trừ mọi cái nhìn phản trắc qua lỗ khóa. Nếu không được mở cửa cho thì đừng tìm cách nhìn. Bài học với khung cửa cũng là bài học với thời gian: đừng tìm cách đi trước, biết trước - để làm gì, khi chỉ có một sự đúng thôi: đúng nhịp.


        Được nhận vào chuyển động thì mới chuyển động.



        Phải biết bước ra khỏi những vùng hư ảo đúng lúc, nhưng đồng thời: phải tạo ra chúng. Có thể bí mật của người phụ nữ khi bước ra khỏi ngôi nhà lớn nằm ở chính sự tạo ra này. Sự tạo ra ghê gớm nhất là đặt được cho mình một cái tên. “Tử Yên” là thời điểm hiểu rằng: “viết, là vẽ một cánh cửa lên một bức tường không thể vượt qua, rồi mở cửa ra,” và rằng nhà văn là người tạo ra một thế giới - vô hình với kẻ bên ngoài nhưng vô hạn với chính mình.

        Đó cũng là bí mật của tình yêu. Làm thế nào để tiếp tục yêu nhau? Một nhà văn bắt đầu bằng việc đặt tên cho mình rồi mới thấy cần phải có những cuốn sách từng viết: “Tình yêu bạn biết đấy, thứ nó cần chính là trí tưởng tượng. Mỗi người cần sáng tạo ra người kia của mình bằng toàn bộ trí tưởng tượng và sức mạnh của bản thân và không được nhượng bộ thực tế, dù chỉ một ly một tấc; đến lúc đó, khi hai trí tưởng tượng gặp nhau, sẽ chẳng có gì đẹp hơn.” Trút bỏ những lớp vỏ và tạo ra cả một thế giới ở trong nhau - hai việc ấy tưởng như trái ngược nhưng là một - là một cả ở chỗ lúc nào cũng sẵn sàng mạo hiểm tất cả để trút bỏ thêm, để thấy thêm. Ta yêu ở người kia cái kẻ mà cả thế giới nhìn nhưng chẳng hề hay biết, kẻ chỉ mình ta khám phá được, bằng lòng tin, bằng toàn bộ khao khát ánh sáng trong ta, và mỗi lần được thấy lại - bởi vì phải như thế, phải ở trong chuyển động cùng để được thấy nhau - thì chẳng có gì ngoài niềm vui, lòng tin và lòng biết ơn vô hạn; chỉ cần như thế, tất cả đều trở nên có thể chịu đựng, kể cả sự cùng quẫn nhất: những triền miên đờ đẫn khi ta lạc mất người kia, tức là lạc mất chính mình.

        “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy” và “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây”: có đau đớn nào hơn? Nhưng đau đớn không thể nguôi ngoai, đó là sự thật của tình yêu.




        Cuối cùng thì chỉ còn một bí ẩn - cũng có thể là bí ẩn duy nhất: cái chết. Đó là thời điểm của sự đọc, cũng là thời điểm của sự tạo ra huyền thoại về một cuộc đời - nói cách khác: thời điểm của lịch sử và làm giả lịch sử. Chính trong sự vắng, hiện diện là lớn nhất: kẻ đang sống bị chiếm bởi cái bóng của một người đã sống, đã hiện ra thành câu hỏi khôn nguôi về định mệnh. Cái chết là ngẫu nhĩ hay tất yếu - là cú bay bị ngắt thảng thốt giữa chừng hay viên ngọc hoàn thành tác phẩm lớn là cuộc đời con người sáng tạo? Tác phẩm ấy là gì? Tia sáng nói gì trước khi tắt lịm? Muôn vàn câu hỏi dệt từ những giấc mơ sương khói - những câu hỏi cho đến cùng chẳng thể nào có câu trả lời. Nhưng bí ẩn - đó có thể là ý nghĩa lớn nhất của những sự sống dạng này. Giống như những sự đọc đích thực khơi động sự viết, dấu hiệu về cái sống đích thực nơi một con người khơi động những nguồn sống thao thức nơi kẻ khác, những kẻ mơ thấy nó, lạc giữa những đường ngang ngõ dọc của nó như trong một mê cung mà không biết rằng chính trong cuộc đi lạc, họ đang chập chờn vẽ ra con đường của chính mình. Mỗi người, mỗi thế hệ cần những bí ẩn như thế để bị hút vào và - trong sự chiêm ngưỡng khôn nguôi - viết ra câu chuyện về tình yêu, về cái sống của mình - luôn khác nhưng luôn là một.

Anh Hoa

Tags: Anh Hoa Tử Yên Nguyễn Thu Thủy