Khác Đọc

Xung quanh Fénelon

Phê-nơ-long không sợ

Fénelon là một nhân vật lừng danh, lại còn là một con người tuyệt vời, không những thế Fénelon lại còn không sợ. Nguyễn Văn Vĩnh tìm ra được ở Fénelon (“Phê-nơ-long”) một nguồn cảm hứng lớn, vì Fénelon, đó không chỉ là văn chương hay tôn giáo, đó còn là một gợi ý vô song về cách tồn tại dưới áp bức.

Sống vào nửa sau thế kỷ 17 và thêm 15 năm đầu thế kỷ 18, Fénelon báo trước rất nhiều cho thế kỷ sẽ được gọi là “Ánh sáng”. Khi Fénelon qua đời thì xuất hiện một nhân vật lớn khác - như một sự tiếp nối - ấy là Montesquieu (các nhà nho Việt Nam rất biết Mạnh-đức-tư-cưu của “Vạn lý tinh pháp”). Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu “Pha-lan-xoa đơ Xa-li-nhắc đơ la Mốt Phê-nơ-long”: “Tài của tiên-sinh rất sớm. Năm 15 tuổi đã đứng giảng đạo, lời lẽ rất cao, ai nghe cũng lấy làm phục”.

Không chỉ văn chương và tôn giáo: vì ở Fénelon còn có những tính cách đặc biệt của một nhà sư phạm. Nguyễn Văn Vĩnh gọi “L’Éducation des Filles” của Fénelon là “sách Nữ-tắc”, dạy dỗ cho phụ nữ: chủ đề này chắc hẳn khiến những ai được dạy rằng “nữ nhân nan hóa” thấy hết sức tò mò.

Công cuộc dạy dỗ và đường công danh của Fénelon được Nguyễn Văn Vĩnh thuật tiếp, như sau: “Đến năm 1689, vua Lô-y XIV cử tiên sinh làm sư phó cho Hoàng-tôn là Bô-ngôn quốc-công (Duc de Bourgogne), năm 1693 tiên-sinh được vào Hàn-lâm-viện. Cách hai năm thì vua phong cho làm Đại-linh-mục giáo-đường Cam-bi-rê (Archevêque de Cambrai).” Fénelon, nhờ tính tình khoan hòa của mình, được người ta đặt cho biệt danh “Thiên nga Cambrai”. Fénelon sẽ nổi tiếng vì cuộc tranh luận với một nhân vật tôn giáo lớn khác thời ấy, Bossuet.

“Tê-lê-mặc” là sách Fénelon viết ra nhằm dạy cho quận công de Bourgogne. Đây là một cuốn tiểu thuyết vô cùng hấp dẫn (chưa ai đọc hai trang đầu mà không đọc một mạch hết luôn 500 trang, 18 chương - Nguyễn Văn Vĩnh không gọi là “chương” hay “thiên” mà “hồi”), nhất là khi sách được Nguyễn Văn Vĩnh dịch bằng một giọng văn vô cùng khoái hoạt (chắc hẳn Nguyễn Văn Vĩnh rất thích bản dịch của mình nên tuy đã dịch nó từ trước rất lâu, in cả thành sách, nhưng trong thập niên 30 lại cho đăng nó dài kỳ trên tờ “Thanh Nghệ Tĩnh tân văn”). Tê-lê-mặc (Télémaque) là con trai của Ulysse (“U-lịch vương”) danh tướng của Hy Lạp đi đánh thành Troie nhưng mãi không thấy về; mẹ của Tê-lê-mặc cũng rất nổi tiếng, như ai cũng biết: Pénélope (“Bê-nê-lốp”) ngày dệt thảm đêm lại tháo ra tại hòn đảo Ithaque. Đến tận Kundera vẫn còn sử dụng câu chuyện trở về của Ulysse làm nền cho một cuốn tiểu thuyết lớn - mà chắc ai cũng đã biết. Jean Giono hồi còn trẻ cũng viết một cuốn tiểu thuyết về Ulysse hồi hương (chúng tôi sẽ sớm xuất bản Giono - nếu Giono gây được nhiều quan tâm, điều mà tất nhiên chẳng ai biết được vào lúc này, thì khả năng lớn là chúng tôi cũng sẽ ấn hành bản dịch cuốn tiểu thuyết về Ulysse của Giono, nó sẽ gây rất nhiều ngạc nhiên).

Tê-lê-mặc có người thầy Mentor (“Men-tô”) đi cùng cũng trải qua nhiều hoạn nạn, nhất là trên biển (nữ thần Aphrodite - Venus - rất hay gây chuyện với các anh hùng, lại còn gây chuyện dữ vì rất thân với thần biển Neptune tức Poseidon), không khác gì Ulysse cha chàng hay Énée nhân vật thoát khỏi Troie và lập ra La Mã. Thoạt đầu, Tê-lê-mặc gặp phải chính người tình cũ của ông bố mình, Calypso, cho nên phải chiến đấu chống lại dục vọng bốc lên ngùn ngụt như dầu sôi lửa bỏng. Fénelon tin rằng bằng cách kể những câu chuyện (khuyến thiện, nhưng không rơi vào mô phạm, giáo điều) thì học trò sẽ hiểu được sâu sắc về nhiều thứ. Trường đoạn Idoménée (“Y-đô-mê-nê”) là khi một người sẽ làm vua như Tê-lê-mặc phải học cặn kẽ các chi tiết của thuật trị nước, nhất là phải học bằng được tư thế của một quân vương chính đính.

Nội dung một cuốn sách như vậy rất dễ khiến Fénelon gặp rắc rối, thậm chí nguy hiểm (“Tê-lê-mặc phiêu lưu ký” được in lần đầu năm 1699, mà Fénelon không hề biết - không hiểu Nguyễn Văn Vĩnh lấy từ nguồn lầm lạc nào mà lại nói Fénélon viết cuốn sách vào năm 1712): Louis XIV không phải là một vị vua để người ta nhờn mặt. Nhất là Roi Soleil (cả “Louis” lẫn “Soleil”, rồi cả “Versailles” đã tạo rất nhiều cảm hứng cho giới nouveau riche ở Hà Nội ngày nay, thể hiện ở các tòa nhà to mới xây) rất hách dịch. Quả nhiên, Fénelon bị thất sủng. Đấy là thời nằm dưới một ý lớn: Nhà nước đồng nghĩa với Nhà nước-Thiên hựu (Providence), và Louis XIV thì đương nhiên coi Nhà nước chính là mình. Con đường dẫn đến chuyên chế đã rất rõ (“phong kiến chuyên chế”: chủ đề bình luận ưa thích của một số triết gia, chẳng hạn như Lukács), trong tình hình như vậy cùng lắm (các triết gia “Ánh sáng”) người ta cũng chỉ có thể hy vọng về một “quân vương chuyên chế được soi sáng”, hình tượng hay được gán cho Friedrich Đại đế nước Phổ, người bảo trợ cho nhiều triết gia, văn nhân, nghệ sĩ.

Thời của Louis XIV còn là thời của đấu tranh tôn giáo: xung đột giữa vua và giới quý tộc (chuyên chế tức là xóa bỏ hình thức cũ, tức là hình thức theo đó vua chỉ là một trong số các quý tộc, được chọn ra giữa những người ngang hàng) dịu đi thì xung đột tôn giáo bùng nổ. Louis XIV không còn muốn nương tay với người Tin lành nữa: dưới triều đại của Louis XIV, Édit de Nantes lừng danh bị bãi bỏ; Édit de Nantes là một Chỉ dụ từ đời vua trước, thể hiện tinh thần khoan dung tôn giáo (tolerance là yếu tố then chốt dẫn đến cái ngày nay vẫn rất thịnh hành: liberalism). Bãi bỏ nó đi, Louis XIV tạo ra một cuộc bỏ chạy khỏi nước Pháp của rất nhiều người. Phái Jansénisme (nếu muốn ngắn gọn: Port-Royal) cũng bị Louis XIV hạ lệnh đàn áp, san phẳng luôn cả trú sở.

Vậy nên cần phải không sợ, như Fénelon, cùng một số người khác, thì chúng ta mới có một cuốn sách như “Tê-lê-mặc phiêu lưu ký” để đọc, để nắm bắt được tinh thần một thời đại (bởi vì văn chương có ý nghĩa đó). Fénelon cũng không sợ, khi bảo vệ cho Madame de Guyon là một nhân vật thần bí nổi tiếng thời ấy - trong nhiều tiểu thuyết của Balzac có nhắc đến.

Nhưng xét cho cùng, từ mỗi thời đại, sẽ chỉ còn lại vài gương mặt cho hậu thế, những người không sợ.


Iliad, Odyssey và Tê-lê-mặc

Khi viết “Les Aventures de Télémaque” (Tê-lê-mặc phiêu lưu ký), Fénelon phải làm một công việc hết sức không đơn giản, thậm chí rất khó, dẫu đó cũng là một việc rất nhiều hấp dẫn.

Đấy là vì, “Tê-lê-mặc” liên quan rất nhiều đến Iliade (Iliad) và nhất là Odyssey (Odyssée) - nếu muốn nói rõ hơn, nó còn có nhiều điểm quy chiếu tới anh hùng ca lớn nhất của thế giới La Mã, Énéide (Aeneid) của Virgile. Nhưng Iliade và Odyssée thì ai cũng biết, cũng rành, ít nhất là những người phương Tây: chúng thuộc vào những gì nằm ở nền tảng của hiểu biết từ bác học đến bình dân, và không ngớt xuất hiện đi xuất hiện lại. Chỉ cần nghĩ đến cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ulysses” của James Joyce hay bộ phim trong nhan đề có “Odyssey” của Stanley Kubrick là đủ. Chẳng ai không biết những nạn mà Ulysse phải trải qua, Sirène hát, Lotosphage, Lestrygon, tên khổng lồ một mắt, lũ bò trên Đảo Mặt trời: những người đi cùng Ulysse giết bò nên bị trừng phạt, vì đấy là bò của thần Mặt trời; thấy bò bị giết, thần bèn lên khóc lóc với Zeus tức Jupiter (“Giu-bi-tề”) rằng mình có mỗi một niềm vui, ngày ngày làm trời sáng rồi lại làm trời tối vì được ngắm bò, không còn bò nữa thần dọa cho tối thui hết luôn - tất nhiên nếu vậy thì kể cả Giu-bi-tề cũng phải hãi.

Không chỉ (rất) thuộc mấy câu chuyện ấy, người ta còn nghiên cứu, tìm tòi suốt hàng thế kỷ, tranh cãi đi tranh cãi lại. Ta có thể nhớ đến công việc khảo cổ liên quan đến thành Troy (Troie), hoặc về Ulysse và hành trình trên biển của Ulysse, có nhân vật như Victor Bérard bỏ cả đời để tìm hiểu, đi khắp nơi để tìm cách xác định các địa danh, rồi san định, bình luận từng câu, từng từ. Nếu muốn nhắc đến phê bình văn học: chương về Homer của Erich Auerbach trong cuốn sách nổi tiếng về “mimesis”.

Nhưng câu chuyện về Télémaque con trai Ulysse (ta gọi “Ulysse/Ulysses” là theo cách gọi của La Mã; trong thế giới Hy Lạp, đó là Odysseus) rất tiện cho Fénelon. Ông tổng giám mục hiểu rằng câu chuyện về một người sẽ lên làm vua tốt đến mức nào trong công cuộc dạy dỗ một nhân vật nhiều khả năng sẽ lên làm vua (Fénelon là thầy dạy của cháu nội Louis XIV). Ta thử hình dung, Fénelon sẽ phải suy nghĩ như thế nào.

Ở đoạn đầu “Tê-lê-mặc phiêu lưu ký”, khi Télémaque kể chuyện cho Calypso, ngay lập tức ta có chi tiết trước đó Télémaque đã đi tìm mấy người bạn đồng ngũ của Ulysse để hỏi tin tức. Cụ thể hơn, Télémaque đã đến gặp Nestor và Ménélas. Nestor thì ở Pylos còn Ménélas, Lacédémone (tức là Sparte/Sparta).

Đây là những gì đã được kể trong Odyssée. Cũng đã được kể trong đó là cuộc gặp của Ulysse-Télémaque tại chỗ của Eumée người chăn lợn ở đảo Ithaque. Vấn đề đặt ra đối với Fénelon là: tạo ra câu chuyện ở giữa đó, từ khi Télémaque rời khỏi chỗ Nestor-Ménélas đến lúc về lại Ithaque (tất nhiên, nếu tính kỹ thời gian thì sẽ thấy nhiều điểm vô lý: nhưng điều này thì chấp nhận được, vì ngay trong Odyssée cũng đã có không ít vô lý về thời gian). Fénelon còn tạo ra cuộc gặp Ulysse-Télémaque từ trước khi về Ithaque (nhưng hai bên không nhận ra nhau: kể cả điều này cũng chấp nhận được, vì trong Odyssée, lúc Ulysse đã trở về thì gần như không ai nhận ra, trừ một bà hầu già do rửa chân nhìn thấy vết sẹo và một con chó già).

Và mọi chuyện đã trở nên nước sôi lửa bỏng: những kẻ đòi lấy Pénélope (rất đông) đã trở nên rất sốt ruột. Trước đó, bọn họ cũng bình tĩnh, một phần nhờ mưu của Pénélope ngày dệt thảm đêm tháo ra: nhưng mưu ấy cũng chỉ kéo dài thời gian được ba năm, sau có con hầu phản, mách bọn cầu hôn nên bại lộ - chính vì vậy, trong Odyssée, Ulysse không chỉ tiêu diệt lũ cầu hôn mà ngay sau đó còn trừng trị bọn hầu gái làm phản: 12 trên tổng cộng 50 hầu bị treo lên cho chết.

Như vậy là dựa trên một câu chuyện có sẵn (Odyssée), Fénelon tạo ra một câu chuyện lồng vào đó, lợi dụng các kẽ hở để đưa những chi tiết cần thiết vào. Idoménée từng xuất hiện thoáng qua trong Odysée sẽ có vai chính yếu trong câu chuyện về Tê-lê-mặc; trong “Tê-lê-mặc” cũng xuất hiện, chẳng hạn, Néoptolème, con trai của Achille. Ngoài mục đích có một câu chuyện (hay) cho mục đích dạy dỗ, Fénelon cũng nhân cơ hội bổ khuyết nhiều điều, nhất là tạo dựng câu chuyện cho nhiều nhân vật vốn dĩ chỉ là nhân vật rất phụ trong Odyssée.

Những câu chuyện như thế này (Iliad, Odyssey và “Tê-lê-mặc”) có sức kích thích rất lớn. “Tê-lê-mặc” không kể lại những gì Télémaque làm đã được thuật trong Odyssée nhưng ta biết, nếu đọc Odyssée, lúc đến gặp Ménélas thì Télémaque cũng gặp Hélène (nàng “Hê-liên”), chính là nguồn gốc cuộc chiến tranh kinh hồn, và chính Hélène đoán ngay được ra chàng là con trai của Ulysse (đến tận Goethe cũng cho nàng Hélène vào “Faust”). Ménélas cũng kể mình phiêu bạt như thế nào và lồng vào câu chuyện ấy có sự thể người anh em Agamemnon bị Égistre cùng Clytemnestre lập mưu giết rồi sau con trai Agamemnon là Oreste trả thù (tích truyện nổi tiếng nhất, nguồn cảm hứng lớn lao cho bi kịch Hy Lạp).

Người ta có thể đố nhau tên các nhân vật rất rất phụ trong Tam Quốc diễn nghĩa, hoặc với những ai mê bóng đá, nói được cầu thù ghi bàn thứ 1000 trong lịch sử World Cup thì dễ, nhưng bàn thằng thứ 1001 hoặc 1002 do ai ghi lại rất khó. Có thể làm điều tương tự: Nestor sai một người con trai của mình đưa Télémaque đến chỗ Ménélas. Câu hỏi: người con trai của Nestor tên là gì?

Ai mà trả lời được chính xác: đó là Pisistrate thì rất xứng đáng nhận một booklet của chúng tôi. Nhưng rất tiếc, sẽ không có phần thưởng ấy, vì điều đó không nằm trong điều lệ của Chương Trình Xuất Bản.


Quà của Phê-nơ-long

Vẫn rất hay xảy ra chuyện, khi người ta ồ ạt đổ xô đi tìm cái gì đó, thì thường lại đánh mất đi cơ hội có được cả một kho báu ngay cạnh mình. Quan sát thế giới sách vở ở đây trong vài năm qua, ai cũng có thể nhận xét rằng những gì được đặt hy vọng nhiều nhất đều nằm trong những cuốn sách thuộc các chủ đề dạy làm giàu, biết cách nắm bắt tâm lý con người, và dạy con cái sao cho thành tài. Toàn những cuốn sách sáng lòa, hứa hẹn ngay lập tức; nhưng kết quả thì thường không như trông đợi; cứ thế, các trường phái mới lại được dịp du nhập. Ấy vậy mà, rất có thể, tất cả những điều vừa nói đều sẵn có, nằm khiêm tốn trong một cuốn sách bị lãng quên, và vừa quay trở lại sau gần một thế kỷ: Tê-lê-mặc phiêu lưu ký của ông linh-mục Phê-nơ-long.

Nhan đề là truyện phiêu lưu, nhưng kỳ thực là mượn truyện phiêu lưu để giãi bày những điều tuy hết sức chính đáng nhưng lại là nhạy cảm vào hoàn cảnh đó (sau khi có người lén mang sách đi in, Fénelon đã ngay lập tức thất sủng và rơi vào kiềm tỏa). Ở đây, phải thừa nhận Fénelon đã dùng bối cảnh hết sức tài tình, một cuộc phiêu lưu của chàng Tê-lê-mặc đi tìm cha là U-lịch vương bốn phương ai cũng biết tiếng, đã thu gom hầu khắp các sự kiện, nhân vật nổi danh của thế giới Hy Lạp, La Mã. Điều này, bản dịch tiếng Việt quả là may mắn, đặc sắc hơn rất nhiều nhờ biệt tài kể chuyện của Nguyễn Văn Vĩnh. Suốt cuốn sách, không bỏ lỡ dịp nào, Nguyễn Văn Vĩnh lại chú cho người ta cả một tích truyện hấp dẫn vào trong vài dòng ngắn ngủi. Có lẽ hiếm khi nào độc giả lại mong cho các chú thích cứ dài ra thêm như thế (một độc giả vừa finish bản dịch cũng nhận xét, nhờ NVV mà câu chuyện cuốn hút hơn hẳn, còn như hai bản Iliad và Odyssey in gần đây thì đã phải chào thua).

Tê-lê-mặc phiêu lưu đi tìm cha, trải qua bao kiếp nạn, nhờ thế mà học lấy những điều cần yếu để làm một vị vua xứng danh trong tương lai, nối nghiệp cha cai quản xứ Y-tắc. Ở mỗi sai lầm, mỗi kiếp nạn, ông thầy Men-tô đều biết giữ khoảng cách với Tê-lê-mặc. Chính điều đó khiến các phân tích, dạy bảo của ông sau đó mang một sức nặng ngay lập tức, thoát khỏi sự sáo rỗng phổ biến ở chủ đề này. Không chỉ dạy bảo một người trẻ, Men-tô còn sửa cả những vì vua. Sửa được, là bởi ông nắm bắt được tâm lý đối tượng, hiểu rõ những nguyên nhân, dục vọng của cả quân vương lẫn thường dân. Dường như Fénelon muốn nói, ai cũng được phép sai, và ai cũng cần sửa (ông đã không may động đến lòng vua Louis XIV, bị trừng phạt, nhưng vẫn không sợ như trong status trước đã nói). Trường đoạn Men-tô lấy hoàn cảnh vua Y-đô-mê-nê ra giảng cho Tê-lê-mặc về phép cai trị, ngày nay có thể hiểu là phép quản trị, trong đó việc nhìn nhận vai trò và vị trí của người đứng đầu đối với người ở dưới vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì những nhầm lẫn trong nhìn nhận vị trí mà người ta, một mặt chỉ chực đè lên người xung quanh, đồng thời khúm núm với người trên.

Ai cũng có thể sửa, nhưng cần có tai chịu nghe, ở đây thì là cần phải đọc. Những ý nghĩa và niềm vui như những món quà từ quyển sách giản dị của ông thầy tu Phê-nơ-long có thể đến với bất kỳ ai, chỉ cần họ bắt đầu từ việc cầm quyển sách lên.

Khác

Tags: Fénelon