Đang

22-8-2023

Ban thờ Người Chết (trích)

Chương IX (chương cuối cùng)

             Vậy nhưng đó đâu phải là lối thoát, nhất là khi ông khơi lại với bà chuyện về ước nguyện cuối cùng của ông - những gì ông đã định bà sẽ làm cho ông. Trước kia khi ông nói đến việc này, bà đã đáp với một lòng hăng hái thành thực chỉ dịu đi bởi sự e dè không muốn nấn ná lâu ở viễn cảnh ông qua đời - sự e dè làm ông cảm động. Lúc đó về cơ bản bà đã chấp nhận cái gánh ấy và khiến ông cảm thấy có thể cậy bà làm người canh gác ngôi đền của mình mãi về sau. Giờ, chính nhân danh những điều này, ông cầu xin bà đừng bỏ rơi ông khi tuổi già càng lúc càng đè nặng. Bà lắng nghe với sự lạnh băng sáng lóa - khăng khăng giữ đúng ý mình. Sự từ chối của bà còn dịu dàng hơn khi đồng ý trước đây, bởi ở đó có cả nỗi xót xa cho cảnh bị bỏ rơi của ông. Tuy thế, điều kiện của bà không đổi và chẳng phải vì không được nói ra mà nhạt đi, dù ông chắc rằng trong thâm tâm bà thấy - còn hơn cả ông - nỗi mất mát vì bị tước đi sự êm ái mà lòng tin nghiêm cẩn của ông đáng ra có thể mang lại cho bà. Cả hai đều đã bỏ lỡ tương lai xán lạn, nhưng bà mất nhiều hơn bởi vì suy cho cùng tất cả đáng ra đã là của bà; và sự chấp nhận mất mát của bà khiến ông hiểu bà ghì chặt ý nghĩ về Acton Hague đến đâu - dẫu phải hy sinh mọi ý nghĩ khác. Ông có đủ hài hước để cười u ám khi tự nhủ: “Quỷ tha ma bắt, sao bà ấy lại thích hắn hơn mình đến thế?” - dẫu thực ra ông quá hiểu vì sao. Nhưng cả khả năng phân tích của ông cũng không khiến mọi thứ dễ chịu hơn, và nỗi bức bối dai dẳng này có lẽ là bất hạnh lớn nhất ông từng biết. Chưa bao giờ có điều gì khiến ông muốn từ bỏ đến thế. Tất nhiên lúc này ông đã đến tuổi buông lơi nhiều thứ, nhưng ông vẫn chưa thấy là đã đến lúc từ bỏ tất cả.

             Sau sáu tháng, về cơ bản ông đã từ bỏ tình bạn từng êm dịu và đẹp đến thế với ông. Tổn thất này có hai gương mặt, và gương mặt nó quay sang ông vào hôm ông cố gắng lần cuối là gương mặt ít nhất ông còn có thể nhìn. Gương mặt này là tổn thất chính ông gây ra; gương mặt kia là tổn thất ông phải chịu. Điều kiện mà bà chưa bao giờ nói ra lời, ông vẫn thường lẩm bẩm khi chỉ có một mình: “Thêm một, thêm một - chỉ một thôi.” Rõ ràng ông đang lụi dần; ông thường cảm thấy điều đó khi bắt gặp mình - giữa mạch công việc - thất thần nhìn vào khoảng không và để giọng của hư vô trườn lên quyến mị. Chỉ riêng việc ông càng lúc càng ốm yếu cũng đã đủ khiến ông lo lắng. Sự bức bối của ông dần trở thành một nỗi sầu muộn mơ màng. Sức khỏe ông đã đến hồi suy kiệt. Ban thờ của ông cũng không còn; trong những giấc mơ của ông, nó chỉ còn là một miệng hang lớn âm u. Tất cả ánh sáng đã lụi - tất cả Người Chết đã chết đi lần nữa. Ban đầu ông không hiểu ngay làm sao bà có thể làm tắt hết nến, bởi chúng được thắp lên đâu phải vì bà hay bởi tay bà. Rồi ông hiểu ra là chính trong tâm hồn ông, cuộc phục sinh đã diễn ra, và giờ chúng không còn thở nổi trong bầu khí của tâm hồn này nữa. Nến có thể vẫn cháy đờ đẫn nhưng đã mất hết hào quang. Nhà thờ trở thành hư vô; chỉ hiện diện của ông, của bà, của họ mới khiến nó trở thành chốn phụng thờ độc nhất. Chỉ cần một sự lệch, tất cả thành sai hết - sự im lặng của bà làm âm nhạc vỡ tan.

             Lại thêm ba tháng nữa - và giờ ông thấy cô đơn quá mức. Ông muốn quay lại, tự nhủ rằng những Người Chết của ông có lẽ sẽ không để ông rời bỏ họ mà không làm gì cho ông, khi đã gần gũi ông đến thế suốt bao năm. Tất cả vẫn đứng đó, đúng như ông đã bỏ lại - lung linh và cao lớn: chính hào quang rực rỡ đã từng khiến ông - những lần ông cho phép mình đem so cái nhỏ với cái lớn lao - nối ban thờ này với chuỗi đèn biển ở rìa đại dương cuộc đời. Sau khi ngồi đó đủ lâu, ông thấy nhẹ nhõm khi nhận ra những ngọn nến của ông vẫn còn một phẩm chất nào đó. Giờ ông rất dễ mệt và phải ngồi xe luôn luôn; tim ông rất yếu, chẳng còn đủ chỗ cho sự thăng hoa mà tưởng tượng từng mang lại. Dẫu thế ông vẫn quay lại, quay lại nhiều lần và cuối cùng suốt sáu tháng trời, ông ám nhà thờ với những viếng thăm dày đặc, càng lúc càng nôn nóng. Mùa đông, nhà thờ không được sưởi ấm; cái lạnh cản bước ông, nhưng ông thấy mình như được ôm trùm trong ánh rực của ban thờ. Ông ngồi đó, tự hỏi mình bà còn là gì và bà đang làm gì với những giờ vắng mặt. Có những nhà thờ khác, những ban thờ khác, những ngọn nến khác; theo cách này hay cách khác, bà sẽ vẫn có chỗ để phụng thờ; ông không thể cắt hẳn bà khỏi nghi lễ của lòng thành kính. Ông lý luận như thế nhưng không thỏa mãn, biết rõ rằng chẳng đâu khác có thể giống đến thế núi ánh sáng bà từng tả cho ông - và đó mới là những gì bà cần. Cái giống ấy càng lúc càng có vẻ lớn lao, các chuyến hành hương của ông cũng càng lúc càng dày; ông đau đớn khi tưởng tượng bà bị bỏ trong bóng tối. Chưa bao giờ nghi lễ của ông thực như những tuần này, chưa bao giờ những Người Chết đáp lại ông, thậm chí gọi mời ông đến thế. Ông thả mình lạc trong ánh sáng vô cùng vô tận - càng lúc càng vượt quá mọi trông đợi ban đầu của ông: nó sáng chói như viễn tượng thiên đường trong hình dung của một đứa trẻ. Ông lang thang suốt những vùng ánh sáng; ông đi giữa những cây nến, hết hàng này tới hàng khác, hết ngọn lửa này tới ngọn lửa khác, hết cái tên này tới cái tên khác: một linh hồn được cứu hiện lên trong mỗi ngọn lửa trắng lòa. Chính trong cảm giác lặng lẽ của việc đã cứu những linh hồn ấy, bản năng lạ lùng sâu thẳm của ông được hân hoan. Đây nào phải sự cứu vớt đục mờ của thần học, cũng chẳng phải phần thưởng của một thế giới phù du; những linh hồn này được cứu theo cách không tôn giáo hay công ích nào có thể - họ được cứu cho thế giới ấm áp, cho sự tiếp nối, cho sự vững vàng của ký ức và sự tưởng niệm con người.

             Giờ ông đã ở lại lâu hơn tất cả bạn bè mình; ngọn lửa cuối cùng thắp lên đã ba năm tuổi. Chẳng còn ai để thêm vào nữa. Hết lần này đến lần khác ông rà lại danh sách chỉ để thấy nó đã đủ. Nếu có một ngọn nến nữa thì ông nên đặt nó ở đâu? Ông ngẫm nghĩ, với một sự thiếu thành thực mà ông thấy rõ, rằng sẽ rất khó tìm chỗ cho nó. Mặt đối mặt với quần tụ mà chính mình đã tập hợp, đi qua các lịch sử con người, mân mê những cái vỏ rỗng và nghịch với lặng im, càng lúc ông càng thấy rằng mình chưa bao giờ đưa vào đây một kẻ lạ. Ông đã chỉ có những người chiều chuộng và những bầu bạn lớn, nhưng toàn bộ lòng thành kính của ông dường như chỉ là một sự kính trọng thông thường. Dẫu thế, ông vẫn không đổi lập trường, dù càng lúc càng nghe dập dồn lời cầu khẩn cho một cây nến nữa. Rồi đến một ngày, vì kiệt sức, nếu sự đối xứng yêu cầu một ngọn nến nữa, ông sẽ nhượng bộ - nhưng chỉ vì đối xứng mà thôi. Đối xứng là hài hòa, và ý về hài hòa bắt đầu ám ảnh ông; ông nói với mình rằng tất nhiên hài hòa là tất cả. Trong tưởng tượng, ông tách cấu trúc mình đã dựng ra thành từng mảnh, xếp lại, ướm‎ thử, tạo ra các tương phản khác. Ông xê dịch các cây nến, thay đổi khoảng cách, cố xóa đi cảm giác về một sự thiếu ở đây. Có các quan hệ tinh tế và phức tạp - cả một đồ hình các liên hệ chéo nhau, và có những khoảnh khắc ông như chớp thấy sự trống rỗng hiện ra rõ ràng đến thế với người phụ nữ đang lang thang trong cảnh lưu đày hay đang ngồi ở chính nơi ông đã thấy bà cùng bức ảnh Acton Hague. Theo cách đó, cuối cùng ông đến được một hình dung về cái toàn thể, cái lý tưởng: nó nói rằng cần đúng một cây nến nữa. “Chỉ một nữa thôi - để hoàn chỉnh; một nữa, một nữa thôi” - những lời này rì rầm trong đầu ông. Có một sự hỗn loạn lạ lùng trong suy nghĩ, bởi ông cảm thấy cái ngày mà chính ông cũng sẽ là một trong những Người Kia đã đến gần. Khi ấy, những Người Kia sẽ còn ý nghĩa gì với ông - họ chỉ có ý nghĩa với người sống thôi mà? Ban thờ này sẽ còn ý nghĩa gì với ông, kể cả khi ông đã được nhập vào quầng Người Chết, khi chẳng còn hy vọng duy trì nó nữa? Cần gì sự hài hòa khi đằng nào thì tất cả ánh sáng cũng sẽ tàn lụi? Ông có thể duy trì nó bằng cách khác, nhưng nghĩa độc nhất mà ông đặt vào đó sẽ phải bỏ thôi. Vậy mà ông đã mong nó có thể sống với người duy nhất ngoài ông hiểu nó.

             Tháng Ba, ông đổ bệnh và phải nằm liệt giường hai tuần. Khi khá hơn, ông được cho biết hai việc đã xảy ra. Một là một bà mà đám gia nhân không biết (bà không để lại tên) đã đến ba lần để hỏi thăm ông; hai là trong khi ông ngủ và đôi khi cả khi thức, lúc thần trí lang thang, người ta nghe ông lẩm bẩm: “Chỉ một nữa thôi - một nữa thôi” - hết lần này đến lần khác. Ngay khi thấy mình đi lại được - trước cả khi bác sĩ cho phép - ông ngồi xe đến thăm bà. Bà không ở nhà, nhưng chính điều đó cho ông cơ hội - trước khi lại đổ bệnh - đến nhà thờ lần nữa. Ông vào một mình; ông đã không cho bất cứ ai theo mình, dù là gia nhân hay y tá - về điểm này, ông luôn luôn biết phải nói thế nào cho được việc. Ông biết rõ những con người trung hậu này nghĩ gì; họ đã khám phá ra mối quan hệ bí mật của ông - thỏi nam châm đã hút ông suốt bao nhiêu năm và chắc chắn đã đoán già đoán non về những lời kỳ quái mà họ thuật lại với ông. Người phụ nữ không tên là mối quan hệ bí mật - cái cách ông cuống cuồng tìm gặp bà chẳng màng khuyên can đã tỏ rõ điều đó. Ông quỳ sụp trước ban thờ, đầu gục trong tay. Sự yếu đuối của ông, những mệt nhọc của cả một đời đã tóm được ông. Ông thấy mình đến đây để đầu hàng vĩnh viễn. Ban đầu ông còn tự hỏi có cách nào thoát không; rồi càng lúc càng chẳng còn tin rằng mình có thể, chính ham muốn thoát ra cũng dần rời bỏ ông. Ông đến - như đã luôn luôn - để thả lạc chính mình; những vạt dài ánh sáng vẫn ở đó cho ông thả mình lang thang; chỉ là lần này, một khi đã lạc, ông sẽ không bao giờ quay lại. Ông đã nộp mình cho cái chết, thật tốt; lần này nó sẽ giữ ông lại. Ông không cách nào gượng dậy khỏi tư thế ấy; ông tin là mình sẽ chẳng bao giờ dậy nữa; mọi những gì ông có thể làm là ngước mặt, đăm đăm nhìn những đốm sáng của mình. Trông chúng mới rực rỡ làm sao - rực rỡ bất thường, nhưng đốm sáng hút ông nhất có một vẻ lung linh chưa từng thấy. Đó là giọng chính của hợp ca - trái tim chói ngời của quầng sáng, và nó như đang tỏa rộng, vươn đôi cánh lửa khổng lồ. Ban thờ bốc lên sáng quắc; nguồn của quầng sáng cuộn thành hình, và đó là hình hài cái đẹp con người, tình thương con người - khuôn mặt xa xôi của Mary Antrim. Bà mỉm cười với ông trong hào quang thiên đàng - bà mang hào quang ấy xuống cùng để đưa ông theo. Ông cúi đầu tuân phục, nhưng đồng thời một cơn sóng khác trào tới. Có phải đó là hân hoan cực điểm nhói thành đau đớn? Ngay giữa hân hoan ông bỗng thấy khuôn mặt đã chôn vùi của mình nóng rực như bị thiêu đốt bởi một lời khiển trách. Ông đặt nỗi hân hoan mình đang được hưởng với hạnh phúc ông đã từ chối trao cho một người khác. Hơi thở của dục vọng bất tử này là toàn bộ những gì người ấy xin cho mình; cuộc giáng thế của Mary Antrim mở rộng tâm hồn ông với những rung động ăn năn hướng về Acton Hague. Cứ như thể Stransom đã đọc được những gì mắt bà muốn nói.

             Chỉ giây sau, ông đã ngơ ngẩn nhìn quanh trong nỗi tuyệt vọng khiến ông thấy rõ nguồn sống đang rút dần. Nhà thờ trống trơn - ông chỉ có một mình; nhưng ông vẫn muốn thực hiện lời cầu khẩn cuối cùng. Cái ý ấy cho ông đủ sức mạnh để cố; ông vùng dậy được, dù lảo đảo phải bám vào lưng ghế. Đằng sau ông là một dáng hình phủ phục - ông đã từng thấy nó: một phụ nữ đang để tang, rạp mình trong sầu muộn. Ông đã thấy bà trước kia - khi đến đây lần đầu, và ông nhìn bà cho tới khi bà có vẻ đã nhận ra sự chú ý của ông. Bà ngẩng đầu lên và gặp mắt ông; người đồng hành cùng ông trong cuộc thờ phụng dài đã quay lại. Bà nhìn ông, bối rối và sợ hãi; ông nhận ra mình đã làm bà sợ. Rồi vụt đứng dậy, bà tiến thẳng về phía ông, dang rộng hai tay.

             “Vậy là bà đã có thể đến? Chúa gửi bà đến đây!” ông thầm thì, mỉm cười hạnh phúc.

             “Ông ốm quá - đáng ra ông không nên ở đây,” bà lo lắng.

             “Tôi nghĩ Chúa cũng gửi tôi đến đây. Lúc đến tôi còn ốm, nhưng thấy bà tôi khỏe lại rồi.” Ông nắm tay bà, và nhờ thế có thêm sức mạnh. “Tôi có chuyện phải kể với bà.”

             “Đừng nói!” bà dịu dàng van vỉ; “để tôi kể đã. Chiều nay, bởi một phép mầu nào đó, phép mầu kỳ diệu nhất, mọi bất đồng và xa cách giữa chúng ta bỗng rời bỏ tôi. Lúc ấy tôi đang ra ngoài - gần đây, vừa lang thang một mình vừa nghĩ ngợi, và đột nhiên, điều gì đó trong tim tôi đã khác. Vậy đó, tôi thú nhận với ông rồi. Quay lại, quay lại đây ngay - cái ý ấy như khiến tôi mọc cánh. Như thể tôi vừa đột nhiên thấy điều gì đó - như thể tất cả đã trở thành có thể. Tôi có thể đến đây vì những gì ông đã phụng thờ: thế là đủ. Vậy là tôi ở đây. Không phải vì tôi - cái đó đã xong rồi. Nhưng tôi ở đây vì họ.” Và hổn hển, như vừa cất được gánh sau lời giải thích hấp tấp tuôn trào, bà ngước nhìn ông với đôi mắt phản chiếu toàn bộ hào quang của ban thờ.

             “Họ ở đây là vì bà,” Stransom nói, “tối nay họ hiện diện như chưa bao giờ trước đây. Họ nói giùm cho bà - bà không thấy ư? - trong vụt trào ánh sáng, họ đồng thanh như một hợp ca thiên thần. Bà không nghe thấy họ nói gì sao? Họ cho phép chính những gì bà đã đòi tôi thực hiện.”

             “Đừng nói về chuyện đó - đừng nghĩ nữa; quên chuyện đó đi!” Bà thầm thì van vỉ, và với nỗi kinh hoàng dâng lên trong mắt, bà vòng cánh tay quanh ông để đỡ lấy ông, giúp ông ngồi xuống.

             Ông thả mình dựa hẳn vào bà; ông buông mình xuống ghế và bà quỳ xuống bên ông, vai ủ trong cánh tay ông. Ông cứ để vậy hồi lâu, đăm đăm nhìn lên ban thờ. “Họ nói rằng vẫn thiếu một - họ nói chưa đủ, chưa xong. Chỉ một nữa thôi,” ông thì thầm - “chẳng phải đó là điều bà muốn sao? Một thôi, một nữa thôi - đúng thế.”

             “Không - không cần thêm gì nữa!” bà thì thầm rên rỉ, như thể bởi một nỗi kinh hoàng vừa bục trào.

             “Một nữa thôi,” ông nhắc lại, “chỉ một thôi!” Và đầu ông gục trên vai bà; bà cảm thấy ông chỉ ngất đi vì mệt. Nhưng một mình cùng ông trong nhà thờ âm u, một nỗi sợ ghê rợn trùm xuống bà về những gì có thể xảy ra: khuôn mặt ông đã vẩn màu trắng của cái chết.

Henry James

Anh Hoa dịch

Tags: Henry James Anh Hoa