Đang

13-3-2023

Cuộc gặp

[Henry James không chỉ viết tiểu thuyết: đó còn là tác giả của nhiều truyện ngắn; trong số các truyện ngắn của Henry James, một số hết sức quan trọng: những truyện ngắn lớn; một trong số đó là “The Beast in the Jungle”.

Ở chiều ngược lại, hơn hai mươi tiểu thuyết của Henry James gồm một số tiểu thuyết nhỏ; tuy nhỏ (về dung lương) nhưng nhiều khi chúng lại đặc biệt quan trọng, và lớn.

Dưới đây là chương thứ nhất của “The Beast in the Jungle”: cái tên “Cuộc gặp” do chúng tôi đặt.]


Cái khiến anh choáng váng trong cuộc gặp của họ không phải là những gì được nói ra - chắc chỉ là những chuỗi từ hầu như không chủ định bị sự hội ngộ đẩy bắn lên bề mặt. Anh được bạn đưa đến ngôi nhà cô đang ở chỉ một hai tiếng trước; nhóm khách ở ngôi nhà kia - mà anh cũng dự phần vào và, như mọi khi, thấy mình lạc lõng - đã được mời qua đây dùng bữa trưa. Ăn xong, người ta bắt đầu tản ra, đúng như dự liệu. Giờ là lúc chiêm ngưỡng Weatherend - những kỳ khu nội thất, những tranh và đồ gia bảo, những báu vật nghệ thuật đã đem lại danh tiếng cho nơi này. Những gian phòng mênh mông mở ra cho khách tha hồ lạc - tùy ý nhập vào khối người lờ lững hãy tách ra theo những tiếng gọi bí ẩn nào. Người ngắm người - đơn lẻ hay theo cặp - nghiêng mình trong những góc xa, tay trên gối, đầu gật gù căng thẳng như thú đánh hơi mồi. Nếu là hai người, ta sẽ có hoặc hai giọng trầm trồ cứ đẩy mãi nhau lên, hoặc một song tấu của im lặng thậm chí còn ngất ngây hơn thế. Chính nó rồi, Marcher tự nhủ, không khí đặc thù như trước một đợt đấu giá được người người trông đợi - cái đẩy thốc lên hoặc xoa dịu giấc mộng chiếm được vưu vật cho mình. Giấc mộng ở Weatherend lúc này đã bốc hừng hực, và bị nhấn chìm trong bầu khí ấy, John Marcher thấy mình hoang mang trước hiện diện của cả những người biết quá nhiều lẫn những kẻ chẳng biết gì. Những gian phòng sừng sững ấn thơ và sử lên anh không khoan nhượng, và không ít lần anh phải thả cho mình bị đẩy lạc xa hòng tìm được tọa độ chuẩn cho niềm chiêm ngưỡng. Cần phải nói rằng dạng chuyển động này khác hẳn nỗi hau háu của một số bạn anh - chuyển động của bọn họ là của một con chó sục quanh tủ bếp. Còn ở anh, cuộc dạt trôi nhanh chóng bị hút vào một hướng không ngờ.

Chiều tháng Mười ấy, nó đưa anh tới cuộc gặp với May Bartram. Khuôn mặt cô - một gợi nhắc mơ hồ chứ chưa được nhớ ra ngay khi họ ngồi cách xa nhau nơi cái bàn rất dài - đã lập tức khơi lên trong anh một nỗi bứt rứt êm dịu. Nó hiện ra như đoạn sau của một điều gì mà phần đầu anh đã lạc. Anh nhận ra nó, chào đón nó đúng với tư cách một tiếp tục - tuy không biết là tiếp tục của cái gì. Chuyện còn kích thích hơn bởi bằng cách nào đó anh biết - dẫu không có dấu hiệu trực tiếp nào từ cô - rằng không giống anh, cô đã không để lạc mối dây. Tuy thế, anh thấy rõ rằng cô sẽ không chịu trao nó cho anh nếu anh chưa vươn tay ra đón. Anh đã thấy không chỉ điều đó mà còn nhiều điều nữa - những điều thật lạ lùng khi xét tới việc vào thời điểm tình cờ đưa họ lại gần nhau, anh vẫn đang vân vê cái ý nghĩ rằng mọi tiếp xúc quá khứ giữa họ đều thật ất ơ, thật tầm phào - tóm lại chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu quả không có gì đáng nói thì tại sao ấn tượng của anh về cô lúc này lại có vẻ ẩn chứa nhiều điều đến thế. Đành phải lý giải rằng trong cuộc sống như của họ lúc này, chỉ có thể đến đâu biết đến đó - không mong gì hơn. Anh thấy dễ chịu, dù không thể giải thích tại sao, về việc người phụ nữ hẳn chỉ đóng vai một bà con nghèo trong nhà này; anh cũng khoan khoái khi biết rằng cô không chỉ ghé qua mà ở hẳn đây và gần như là một kẻ làm công. Chẳng phải sự che chở cô nhận được là công trả cho nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan, xử lý những kẻ phiền phức, kiên nhẫn trả lời thắc mắc của chúng về lịch sử ngôi nhà, phong cách nội thất, tác giả các bức tranh và những chốn ma thường ưa tới hay sao? Không phải cô có dáng vẻ một người hành khất giơ tay chờ shilling bố thí - chẳng gì có thể khác cô hơn thế; nhưng khi cuối cùng cô cũng lướt về phía anh - trông thật uy nghi rực rỡ, tuy rõ ràng đã nhiều tuổi hơn - hơi quá mức - so với lần gặp trước thì hẳn là bởi cô thấy được rằng suốt mấy tiếng vừa rồi, anh đã dành nhiều tưởng tượng cho cô hơn cho tất cả những người khác trong nhà gộp lại và do đó đã thâm nhập được một loại sự thật mà những kẻ khác quá nặng, quá đần không thể sờ được đến. Cô ở đó, thực hơn bất kỳ ai; cô ở đó - hiện thân của bao nhiêu chịu đựng trong suốt những năm mênh mông giữa hai cuộc gặp; anh biết cô nhớ anh cũng không khác gì anh nhớ cô - nhưng sâu và rõ hơn nhiều.

Trước khi cất lời, họ đã chỉ còn một mình - cùng nhau - trong một căn phòng mà trung tâm là bức chân dung tuyệt đẹp trên lò sưởi. Những người khác đã xô đến rồi dạt khỏi đây, và cái đẹp của chuyện này nằm ở chỗ chưa cần thốt ra lời nào, họ đã gần như ngầm hẹn nhau nán lại. May mắn là cái đẹp còn nằm ở những điểm khác - một trong đó là việc ở Weatherend, hầu như không có nơi nào không đáng dừng bước ngắm nhìn. Nó nằm ở cách ngày thu đang trễ nải chìm dần dõi mắt vào những cửa sổ cao, cách luồng sáng đỏ ối phóng ra từ gầm trời u ám đùa với dải ốp tường già, góc thảm già, những màu già nua cũ kỹ. Và thật đẹp, thật đúng cái cách cô lướt tới - như thể, bởi cô đang ở trạng thái xử lý dạng người thô thiển giản đơn hơn, anh có thể chọn - nếu muốn giữ tất cả ngủ yên - coi thoáng chú ý cô dành cho anh là một phần việc cô phải làm. Nhưng vừa nghe giọng cô, khoảng trống mênh mông đã lấp đầy, mối dây lạc tìm về; chút mỉa mai mà anh tưởng thấy trong tư thế cô đã mất hoàn toàn lợi thế. Anh gần như cuống lên, cố bật ra được - trước khi cô kịp nói - cùng cái câu này: “Ta đã gặp nhau ở Rome, nhiều năm về trước. Tôi còn nhớ hết.” Cô thú nhận mình đã hụt hẫng - cô chắc chắn anh không hề, và để chứng minh mình cũng hụt hẫng chừng nào, anh bắt đầu phun tới tấp những mảnh ký ức bỗng đột ngột hiện ra khi anh gọi. Khuôn mặt cô, giọng nói cô - giờ đã ở đây để trợ lực cho anh - đã làm được kỳ diệu: dưới ngọn đuốc của người thắp đèn, cả một chuỗi sáng bùng lên. Marcher ngẩn ngơ trước những rực rỡ bất thần ấy, nhưng anh còn lấy làm khoan khoái hơn khi cô chỉ cho anh, vẻ thích thú, rằng trong lúc vội vàng chỉnh lại mọi thứ cho đúng, anh đã làm lệch tung hết cả. Không phải ở Rome mà ở Naples; không phải chưa đầy tám năm mà đã gần mười năm. Cô không ở với chú dì mà ở với mẹ cùng anh trai; anh cũng không đến cùng nhà Pemble mà cùng nhà Boyer - anh đã đi từ Rome cùng họ - điểm này anh có chút nghi hoặc, nhưng rõ ràng cô có lý. Nhà Boyer thì cô biết, nhưng không biết nhà Pemble, dù có nghe loáng thoáng, và chính nhờ những người đi cùng anh mà họ mới gặp nhau. Cơn bão khủng khiếp đã buộc họ phải tìm nơi trú ẩn không xảy ra ở Cung điện Caesar mà ở Pompeii - họ đã ở đó vì một phát hiện khảo cổ học quan trọng.

Anh chấp nhận, anh thích thú những chỉnh sửa của cô, dù kết luận ở đây, cô rút ra, là anh thực sự đã không nhớ chút gì về cô. Bất lợi duy nhất anh cảm thấy là khi tất cả đã trở thành lịch sử không thể lung lay thì dường như chẳng còn gì nữa cả. Họ vẫn nán lại bên nhau, cô quên bẵng nhiệm vụ của mình - chẳng còn gì cô có thể dạy anh - và cả hai quên bẵng ngôi nhà, chỉ rình đợi xem có còn ký ức nào bất thần thổi tới nữa hay không. Rốt cuộc, chẳng bao lâu anh và cô đã bày được lên bàn hết những lá bài hai bên nắm giữ; chỉ có điều chúng không hợp đủ một bộ bài: quá khứ, dẫu được khơi động, gọi mời, khuyến khích, cũng chẳng thể nhả ra cho họ nhiều hơn nó có. Nó đã giúp họ gặp nhau - cô hai mươi, anh hăm lăm; nhưng chẳng có gì lạ hơn, họ như ngầm công nhận với nhau, là nó đã không làm được nhiều hơn cho họ. Họ nhìn nhau như cùng nhìn một cơ hội bị bỏ lỡ; hiện tại này sẽ khác biết bao nếu hiện tại kia - đã trôi vào thăm thẳm, kẹt ở một miền xa lạ - không èo uột đến ngớ ngẩn như thế. Tính ra giữa họ chỉ xảy ra hơn chục điều đáng nói - toàn những thứ trời ơi đất hỡi của tuổi trẻ, những e ấp, những lầm lẫn, những hạt giống nhỏ bị chôn sâu - quá sâu (chẳng phải ư?) để có thể nảy mầm sau chừng ấy năm. Marcher chỉ có thể cảm thấy đáng lẽ lúc ấy mình phải chủ động hơn - phải giúp cô khi thuyền lật trên vịnh hay ít nhất là cứu lấy cái túi của cô - bị một tay lazzarone [1] giật mất trên đường phố Naples. Và sẽ thật tuyệt nếu lúc ấy anh bỗng bị sốt, phải ở khách sạn một mình - cô có thể đến thăm anh, viết thư cho người nhà anh, đưa anh ra ngoài trong thời gian dưỡng bệnh. Như thế, giờ họ hẳn sẽ có được cái thứ mà cảnh này dường như thiếu. Nhưng mọi chuyện dẫu sao vẫn quá kỳ diệu - họ không thể cứ thế mà buông tay; và nhiều phút liền họ bất lực tự hỏi vì sao cuộc tái ngộ lại bị trì hoãn lâu đến thế. Họ không gọi nó bằng cái tên ấy nhưng nấn ná hết phút này đến phút khác, không đành quay lại với đám đông, và đó dường như là thú nhận rằng cả hai đều không muốn mọi thứ cứ như thế mà chấm dứt. Họ cố nghĩ xem vì sao cuộc gặp không diễn ra sớm hơn, nhưng càng nghĩ, họ càng nhận ra mình biết về nhau ít đến thế nào. Đến một lúc, Marcher thấy thực sự đau đớn. Thật vô ích khi vờ rằng cô là một người bạn cũ - chẳng thể xếp cô vào một nhóm nào, dù anh thấy cô sẽ rất hợp làm bạn cũ của anh. Anh đã có đủ bạn mới - trên sân khấu của ngôi nhà kia, anh chìm nghỉm trong bọn họ; nếu cô chỉ là một người bạn mới, chắc anh sẽ chẳng buồn nhìn. Anh muốn thêu dệt một chuyện gì đó, muốn kéo cô tin cùng anh rằng một pha lãng mạn hay kịch tính nào đó đã xảy ra giữa hai người. Anh gần như đã nhoài mình vào tưởng tượng - cố đẩy lùi thời gian - quờ quạng tóm lấy một điều gì khả dĩ trong tuyệt vọng sợ những nét phác thảo về một khởi đầu mới cuối cùng sẽ hóa bẽ bàng. Họ sẽ chia tay, và không còn cơ hội thứ hai, thứ ba nào nữa. Họ sẽ cố và sẽ thất bại. Rồi chính lúc mọi thứ tưởng như hỏng hết, cô lại quyết định nhảy xuống nước và quả thật đã hóa giải mọi sự. Cô vừa cất lời, anh đã biết ngay là nãy giờ cô đã cố ghìm lại những gì mình sẽ nói - đã hy vọng có thể không cần tới nó; sự đắn đo này khiến anh cảm động vô biên khi, ba bốn phút sau, anh cuối cùng cũng thấy được toàn bộ mức độ của nó. Những gì cô hé lộ làm tan biến mọi mây mù và cho anh mảnh ghép còn thiếu - thật lạ lùng là anh có thể vô tình làm rơi mất nó.

“Anh biết không, anh đã nói với tôi một điều không sao tôi quên được và kể từ đó đã khiến tôi không ngừng nghĩ đến anh; hôm ấy trời nực lắm, chúng ta đi Sorrento - bên kia vịnh - để hóng mát. Trên đường về, anh đã kể chuyện đó cho tôi, chính khi chúng ta ngồi đón gió dưới mái hiên thuyền. Chẳng lẽ anh quên rồi ư?”

Anh quên thật - và ngạc nhiên còn hơn xấu hổ vì điều đó. Nhưng quan trọng là anh không thấy ở đây gợi nhắc sỗ sàng về một lời đường mật buông tuồng nào. Sự phù phiếm của phụ nữ bao giờ cũng nhớ dai, nhưng cô rõ ràng không hề ám chỉ theo hướng ấy. Với một phụ nữ khác - một người khác hẳn cô, có lẽ anh đã sợ một màn ỡm ờ ngớ ngẩn. Do đó, khi thú nhận rằng anh quên thật, anh biết mình đang mất chứ chẳng được gì. “Tôi cố nghĩ… nhưng mãi không ra. Nhưng tôi nhớ hôm ta đi Sorrento.”

“Tôi không chắc là anh nhớ,” một lúc sau May Bartram đáp; “và tôi không chắc là tôi muốn anh nhớ. Thật đáng sợ khi phải đưa một người quay lại với con người anh ta mười năm về trước. Nếu anh đã có thể sống xa hẳn nó,” cô mỉm cười, “thì còn tốt hơn.”

“A, nhưng nếu  không thể, thì tại sao tôi lại…?” anh hỏi.

“Ý anh là sống xa khỏi con người cũ của tôi?”

“Không, khỏi con người cũ của tôi. Tất nhiên tôi biết lúc đó tôi là một tên vô lại,” Marcher tiếp tục; “nhưng thà rằng tôi biết - từ cô, từ chuyện mà cô muốn nói - mình là dạng vô lại nào. Thế vẫn hơn là chẳng biết gì.”

Nhưng cô vẫn ngần ngừ. “Nhưng nếu anh đã hoàn toàn không còn như thế nữa…?”

“Nếu đúng là như vậy thì cớ gì tôi lại không chịu được sự thật. Vả lại có lẽ tôi vẫn chưa thay đổi gì đâu.”

“Có lẽ. Nhưng nếu anh vẫn thế,” cô nói, “thì tôi cho là anh sẽ nhớ. Không phải ấn tượng của tôi có liên quan gì đến cái từ bất công mà anh dùng cho mình đâu. Nếu tôi thấy anh ngu ngốc, dù chỉ một chút thôi” cô giải thích, “thì những gì anh nói sẽ không ở lại với tôi lâu đến thế. Chuyện này là về bản thân anh.” Cô như chờ anh tự nhận ra, nhưng khi thấy mắt anh chỉ có băn khoăn, không một dấu hiệu nhúc nhích nào, cô đành tự đốt thuyền. “Chuyện đó đã xảy ra chưa?”

Và chỉ cần như thế. Trong khi vẫn đăm đăm, nghi hoặc nhìn cô, ánh sáng bỗng hiện ra, máu bắt đầu dồn lên mặt anh - đã thoắt trở nên nóng rực.

“Cô muốn nói tôi đã kể cho cô…?” Nhưng anh không nói được nữa, sợ lỡ lời.

“Một chuyện về anh - một chuyện người ta không thể nào quên được, chừng nào họ còn nhớ anh. Chính vì thế tôi hỏi anh,” cô mỉm cười, “thứ anh nói lúc ấy… nó đã đến chưa?”

Cuối cùng anh cũng thấy, nhưng vừa nhận ra, anh đã chìm nghỉm trong hoang mang và xấu hổ. Anh thấy ngay rằng điều đó khiến cô thương hại anh, như thể cô đã sai khi khơi lại chuyện này. Nhưng anh không cần quá một giây để chắc chắn được rằng đó không phải là sai lầm. Sau cú choáng nhẹ đầu tiên, việc cô biết, dẫu lạ lùng, bắt đầu có vẻ thật êm dịu với anh. Cô là người duy nhất trên đời, ngoài anh, nắm giữ bí mật này, và suốt bao năm nay cô đã giữ nó, dù chính anh đã quên là mình từng trao nó cho cô. Giờ thì chẳng còn lạ nữa - việc họ không thể gặp nhau như chưa từng có gì. “Tôi cho là,” cuối cùng anh nói, “tôi biết cô muốn nói đến chuyện gì. Chỉ lạ là tôi đã quên hết việc tôi từng tin cô đến thế.”

“Hẳn là vì anh đã trao lòng tin cho nhiều kẻ khác rồi?”

“Chưa từng có ai. Không một ai… kể từ đó.”

“Vậy ra tôi là người duy nhất biết?”

“Người duy nhất trên đời.”

“A,” cô vội nói, “tôi cũng chưa từng để lộ nó cho ai. Chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi nhắc lại những gì anh kể.” Cái cách cô nhìn anh khiến anh tin cô lập tức. Mắt họ gặp nhau: không còn nghi ngờ gì nữa. “Và sẽ không bao giờ.”

Sự khẩn thiết gần như quá khích trong giọng cô khiến anh không còn lo cô đang ngầm chế nhạo mình nữa. Toàn bộ việc này - kể từ lúc cô nắm giữ bí mật của anh - dường như đã trở thành một hạnh phúc xa xỉ chưa bao giờ anh được biết. Nếu cô không mỉa mai thì rõ ràng cô đồng cảm, và điều đó suốt thời gian dài anh đã chẳng nhận được từ bất kỳ ai. Anh cảm thấy nếu là hiện tại thì không có cách nào anh có thể thổ lộ cho cô, nhưng việc anh vô tình làm thế trong quá khứ xa lắc có lẽ sẽ đưa anh đến một điều gì đó. “Vậy thì đừng. Chúng ta cứ thế này là tốt nhất.”

“Ồ, tôi thì ổn thôi,” cô cười, “nếu anh cũng vậy!” Rồi cô nói: “Vậy là anh vẫn cảm thấy như lúc ấy?”

Anh không thể không tự nhủ rằng cô thực sự quan tâm, dù anh vẫn không ngớt kinh ngạc. Anh đã cam chịu sự cô độc thê thảm quá lâu và ồ, hóa ra anh không cô độc chút nào. Không một giờ nào - kể từ khoảnh khắc trên tàu Sorrento. Người cô độc là cô, nhìn cô anh tự nhủ: sự bất tín của anh đã khiến cô chỉ có một mình. Kể cho cô chuyện đó - thế có khác gì đòi ở cô một điều ghê gớm - cái điều cô đã hào hiệp cho đi mà không nhận được từ anh một lời cảm ơn - dù chỉ ở dạng hồi ứng tinh thần: anh đã quên, anh đã làm hỏng cuộc gặp. Ban đầu, anh chỉ dám xin cô đừng cười nhạo anh. Cô đã đáp lại - thật đẹp - suốt mười năm qua và vẫn đang tiếp tục. Giờ anh phải bù đắp bằng lòng biết ơn vô hạn. Nhưng muốn thế trước tiên anh phải có một hình dung thật rõ ràng. “Chính xác là tôi đã nói gì về…?”

“Về những gì anh cảm thấy ư? À, đơn giản thế này. Anh nói đã từ rất lâu, trong sâu thẳm, anh có cảm giác mình sinh ra là để dành cho một điều gì đó - một điều hiếm có, kỳ dị, thậm chí quái đản, ghê rợn sớm muộn rồi sẽ đến. Xác tín ấy, dự cảm ấy rùng rùng trong xương tủy anh và có lẽ một ngày kia sẽ phá hủy anh.”

“Cô gọi thế là đơn giản ư?” John Marcher hỏi.

Cô ngẫm nghĩ một hồi. “Có lẽ vì khi anh nói, dường như tôi hiểu.”

“Cô hiểu?” anh sốt sắng hỏi.

Một lần nữa cô đăm đăm nhìn anh. “Anh vẫn tin vào điều đó?”

“Ôi!” anh bất lực kêu lên. Có quá nhiều điều để nói - quá nhiều.

“Dù đó là gì,” cô tuyên bố rành rọt, “rõ ràng nó vẫn chưa đến.”

Anh lắc đầu - giờ hoàn toàn khuất phục. “Vẫn chưa. Chỉ là, cô biết đấy, đó không phải là một việc gì tôi sẽ làm, một thành tựu sẽ khiến tôi được người đời tán tụng. Tôi không vô lại đến mức đó. Tất nhiên nếu tôi như thế thì có khi sẽ tốt hơn.”

“Vậy đó là điều anh chỉ có thể chịu đựng thôi ư?”

“Đúng hơn là chờ đợi nó - gặp nó, đối diện nó, thấy nó đột nhiên nổ tung giữa đời mình, có lẽ phá hủy toàn bộ ý thức, có lẽ hủy diệt tôi, nhưng cũng có lẽ chỉ nắn chỉnh lại mọi thứ, làm biến đổi gốc rễ toàn bộ thế giới của tôi và để lại tôi đối mặt với kết quả - dẫu nó hiện ra như thế nào.”

Cô nghe, nhưng tia sáng trong mắt cô vẫn không phải là giễu cợt. “Những gì anh vừa tả chẳng phải là nỗi trông chờ - hay là cảm giác hoang mang hãi hùng mà nhiều người cũng biết - cảm giác sa chân vào tình yêu sao?”

John Marcher ngẫm nghĩ. “Có phải cô từng hỏi tôi câu này rồi không?”

“Không - lúc đó tôi chưa dám bạo như thế. Nhưng giờ tôi thấy có vẻ là vậy.”

“Tất nhiên,” anh nói sau một thoáng im lặng, “cô thấy có vẻ là vậy. Tất nhiên chính tôi cũng thấy có vẻ là vậy. Tất nhiên những gì chờ đợi tôi có lẽ chỉ là như thế. Nhưng,” anh tiếp tục, “nếu đúng thế thì giờ tôi đã biết rồi mới phải.”

“Ý anh là vì anh từng yêu?” Và rồi, vì anh chỉ lặng lẽ nhìn cô, “Anh đã yêu, và tình yêu không phải là cuộc rung trời chuyển đất, là sự kiện lớn mà anh chờ đợi?”

“Tôi vẫn ở đây, cô thấy đấy. Nó đã không phá hủy tôi.”

“Vậy thì đó không phải là tình yêu,” May Bartram nói.

“Chà, ít nhất tôi đã nghĩ đó là tình yêu. Tôi coi đó là tình yêu… đến giờ vẫn thế. Dịu êm có, hào hứng có, khổ sở có,” anh giải thích. “Nhưng không có gì lạ lùng, kỳ dị. Đó không thể là cuộc gặp định mệnh của tôi.”

“Anh muốn điều gì đó chỉ của riêng anh… điều gì chưa ai biết hoặc từng biết?”

“Vấn đề không phải là tôi ‘muốn’ gì - Chúa biết tôi chẳng muốn bất cứ điều gì. Tất cả chỉ xoay quanh nỗi khiếp đảm đã luôn luôn ám lấy tôi - nỗi khiếp đảm ngày ngày tôi sống.”

Tất cả rõ ràng, rành mạch tới độ anh có thể thấy rõ sức áp chế của lời mình nói. Nếu lúc trước cô chưa thực quan tâm thì giờ cô sẽ phải quan tâm.

“Có phải đó là cảm giác của một lực bạo chúa không?”

Giờ chính anh lại muốn trình bày cho thật rõ ràng. “Tôi không nghĩ nhất thiết phải vậy. Tôi chỉ nghĩ nó là tự nhiên và chắc chắn không thể nhầm với bất cứ điều gì khác. Tôi hình dung nó đơn giản là cái đóCái đó - tự nó - sẽ có vẻ hoàn toàn tự nhiên.”

“Vậy thì tại sao nó còn có vẻ kỳ dị nữa?”

Marcher ngẫm nghĩ. “Sẽ không như thế… với tôi.”

“Vậy thì với ai?”

“À,” anh đáp, cuối cùng cũng mỉm cười, “với cô chẳng hạn.”

“A, vậy nghĩa là khi chuyện xảy ra, tôi cũng sẽ có mặt?”

“Cô luôn luôn có mặt… vì cô biết.”

“Tôi hiểu.” Bỗng cô lật lại. “Nhưng ý tôi là ở cuộc định mệnh của anh.”

Sau câu nói ấy, bầu không khí nhẹ bỗng giữa họ bỗng như bị kéo trĩu xuống; cứ như thể cái nhìn dài giữa anh và cô đang bắt đầu thít lại, buộc chặt họ vào nhau. “Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào cô… nếu cô chịu cùng tôi nhìn nó.”

“Anh sợ ư?” cô hỏi.

“Đừng bỏ tôi lúc này,” anh tiếp tục.

“Anh sợ ư?” cô nhắc lại.

“Cô nghĩ tôi mất trí sao?” anh sấn tới thay vì trả lời. “Cô chỉ thấy tôi là một gã điên vô hại thôi à?”

“Không,” May Bartram nói. “Em hiểu anh. Em tin anh.”

“Ý em là em cảm thấy nỗi ám ảnh - nỗi ám ảnh khốn khổ của anh - có thể ứng với một thực tại nào đó ư?”

“Một thực tại nào đó.”

“Vậy em sẽ cùng anh nhìn nó?”

Cô ngập ngừng, rồi, lần thứ ba, cô hỏi. “Anh sợ ư?”

“Anh có bảo em là anh sợ không… hồi ở Naples?”

“Không, anh chẳng nhắc gì tới chuyện đó.”

“Vậy thì anh không biết. Và anh muốn biết,” John Marcher nói. “Và tự em sẽ nói cho anh em có thấy thế hay không. Nếu em nhìn cùng anh, em sẽ biết.”

“Được thôi.” Lúc này họ đã đến đầu kia căn phòng, và ở cửa, ngay trước khi bước qua, họ dừng như đợi một kết luận. “Em sẽ nhìn nó cùng anh,” May Bartram nói.


[1] Tiếng Ý: khố rách áo ôm

Anh Hoa dịch

Tags: Henry James Anh Hoa