Đang

12-4-2023

Henry James về Gustave Flaubert

Gustave Flaubert (phần 1)

Năm 1877, Gustave Flaubert viết thư cho một người bạn: “Anh nhắc đến những bức thư của Balzac. Tôi đã đọc chúng khi chúng vừa xuất hiện, nhưng với rất ít hào hứng. Với chúng người đàn ông thu gặt được nhiều, nhưng không phải người nghệ sĩ. Ông ấy lậm quá mức vào business. Chẳng bao giờ gặp được ở đó một ý chung, một dấu hiệu nào cho thấy ông ấy để tâm đến bất kỳ cái gì khác vượt quá các quan tâm vật chất… Một cuộc đời mới thảm hại làm sao!” Quãng thời gian các tập sách được in (năm trước đó), ông đã viết thư cho Edmond de Goncourt: “Nỗi lo tiền mới lớn làm sao và tình yêu nghệ thuật mới ít ỏi làm sao! Ông có nhận thấy rằng ông ấy không một lần nào nói đến nó không? Ông ấy chiến đấu vì vinh quang, chứ không phải vì cái đẹp.”

Độc giả những bức thư của chính Flaubert, gần đây được cháu gái ông, Madame Commanville, ấn hành - tập thứ tư của chúng kéo đến ngay trước cái chết của ông, những kẻ nghiền ngẫm lời chứng sống động và dữ dội cho niềm ham mê mãnh liệt và chuyên nhất của ông hẳn sẽ cảm động trích những lời trên đây nhằm chỉ ra tương phản. Về nhà văn, người ta sẽ không nói rằng chính ông không có lấy một lần nói đến nghệ thuật mà sẽ nói, rất gần sự thật, rằng gần như không có lấy một lần ông nói tới bất kỳ điều gì khác. Hiệu ứng tương phản quả thật rất mạnh ở mọi nơi trong ấn phẩm dị thường ấy; nhờ nó, ký ức về Flaubert nhận được một cú a la xô hẳn sẽ đào sâu bầu không khí của ân sủng bị hụt mất, thứ từ nay trở đi dường sẽ treo lơ lửng phía trên cuộc đời cá nhân của ông. “Cầu cho tôi bị lột da”, ông viết vào năm 1854, “trước khi cố biến những cảm giác riêng của mình thành văn chương.” Điệp khúc thường hằng của ông trong các bức thư là sự vô nhân xưng, như ông gọi, của người nghệ sĩ, theo đó tác phẩm cần tuyệt đối chỉ là chủ đề và phong cách của anh ta, không kèm một cảm xúc nào - đó chỉ một đặc trưng còn chưa được chuyển dịch hết, không hơn. Có trích dẫn đến đâu cũng không tả đủ sự cuồng của ông đối với cái ý ấy; gần như mọi cảm giác của ông đều là một cơn cuồng như vậy, tới nỗi ta tự hỏi chúng có thể vay mượn hình thức nào từ dự liệu về một cuộc phơi bày thông thống như kia sau khi ông qua đời. “Một trong các nguyên tắc của tôi là không bao giờ được viết ra cái ngã của mình. Người nghệ sĩ phải hiện diện trong tác phẩm của mình giống Chúa trong sáng tạo, vô hình và toàn năng, được cảm thấy ở mọi nơi nhưng không bao giờ được nhìn thấy.” Ấy là vai trò mà ông áp cho hình thức, sự tách rời hoàn toàn ấy, thứ giúp tác phẩm hoàn hảo sống được cuộc đời chính nó, thành thử ông coi là thô thiển và ô nhục việc tạo ra bất kỳ ấn tượng nào không được tính toán thật gắt gao. “Cảm giác” nhất thiết là thô, vì không thể tránh khỏi, chúng không được chọn lựa, và sự chọn lựa (hướng đến tổng thể bức tranh) là luân lý cao hơn cả của Flaubert.

Nguyên tắc ấy vắng hẳn ở các hội đồng biên tập những bức thư của ông, chúng đã được đem phô hết cho thế giới đúng theo kiểu vơ được bao nhiêu trưng bấy nhiêu - không đắn đo, không nương nhẹ. Có nhiều bức, tất nhiên, đã bị hoàn cảnh đặt ngoài tầm với, nhưng mặc cho những lỗ hổng thấy được, ta vẫn có một trưng bày ngồn ngộn và tương đối đầy đủ.

Những thư từ này, tất nhiên, không phải là đối tượng mà ý thức văn chương cao nhất của Flaubert chăm chút, nhưng khó mà ngoảnh khỏi sự thật rằng trong thời đại tàn nhẫn của chúng ta, số phận không khoan nhượng vẫn thắng con người mà, trong tưởng tượng của ta, đã nghiến răng đấu đến cùng với nó. Lý tưởng của ông về nhân phẩm, danh dự và vinh quang‎là sẽ không một điều gì được biết về ông ngoài việc ông là một nhà văn đã đẩy nghệ thuật của mình đến toàn bích. “Tôi vẫn cảm thấy,” ông viết năm 1852, “rằng tôi sẽ không chết trước khi làm gầm lên được ở đâu đó một phong cách giống như những tiếng ngâm nga trong đầu tôi - một tiếng gầm đủ sức dẹp im mọi lách chách của lũ vẹt và châu chấu.” Đây đúng là một tai nạn ghê rợn đối với kẻ đã tuyên bố rằng “sự tôn thờ nghệ thuật nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh, và lòng kiêu hãnh là cái con người chẳng bao giờ có thể có quá nhiều”. Bất động, khép kín, điên cuồng, ngờ vực, giày vò quay quắt trong tình yêu hướng tới biểu đạt thần thánh cùng những chủ đề gian khổ, cao vời, với một lý tưởng bất khả, ông giữ đời mình sạch bang mọi thô tục, đẩy bật mọi ánh nhìn sỗ sàng của báo chí và công chúng chỉ để sau khi chết bị kéo lê ra giữa chợ, bị đặt dưới ánh điện rùng rợn nhất. Cuộc trưng bày của Madame Commanville giao ông cho lũ Philistine với mọi điểm yếu phơi hở hoác, mọi bí ẩn bay biến, mọi bí mật bị vạch trần. Gần như toàn bộ tập thứ hai, chưa nói đến phần lớn tập đầu, là thư tình ông viết cho người phụ nữ duy nhất ông bày tỏ những cơn thăng của phấn hứng. Cũng phải nói thêm rằng hình thức chung quyết của văn chương ông trau chuốt đến đâu thì phong cách riêng tư của ông lại cẩu thả nhường ấy. Và kết cục là một hiện tượng cực kỳ thú vị cho kẻ nào sẵn mối quan tâm đến “nghệ sĩ tính” trứ danh; tôi cho rằng một độc giả ít được chuẩn bị hơn sẽ khó lòng thấy được gì, bởi Flaubert đích thực là một nhà văn của các nhà văn, đúng như Shelly là “nhà thơ của các nhà thơ”; nhưng ta có thể tự hỏi có phải đã đến lúc tiết mục chính trong cuộc bày tỏ sự kính trọng với một vĩ nhân thôi là hiến tế nhân vật ấy trên bàn thờ sự tò mò bằng những nghi thức đẫm máu hay chưa. Thư từ của Flaubert, quả vậy, đã thổi bùng, thổi rát toàn bộ câu hỏi về quyền và bổn phận, về sự đúng đắn và tế nhị của nỗi thèm biết dường như không cách nào khắc chế. Đặt ra một quy tắc chung có lẽ vẫn là bất khả lúc này, bởi người ta vẫn cả quyết rằng biết là tốt, và muốn biết dẫu sao cũng là tự nhiên. Một ngày nào đó, chúng ta hẳn sẽ có thể đồng ‎‎ýrằng mọi thứ đều là tương đối, rằng các dữ kiện được hé lộ thường bóp méo tổng thể, và rằng với một số loại hiểu biết, cái giá chúng ra quá cao so với giá trị của chúng. Khi ấy, biết đâu chúng ta sẽ còn thấy khó chịu nếu có kẻ cứ ông ổng vào tai mình rằng tác giả những kiệt tác vững vàng, hoàn hảo, của  Madame BovarySalammbô, và “Saint-Julien l’Hospitalier” thật ra là một tay hẹp hòi hay quang quác, cả tính tình lẫn đạo đức đều không có chút nào phẩm giá cao cả ngự trị lý tưởng văn chương của ông.

(còn nữa)

Giả Linh Hoa dịch

Tags: Henry James Flaubert