Khác Đọc

Cân và Đối

(Về chương thứ nhất của Họa sĩ của cuộc sống hiện đại)

Hẳn là luôn luôn nên đọc những cái viết của Baudelaire như đọc thơ của ông - điều này là noi theo gợi ý từ một nhận xét của ông về việc vẽ của Eugène Delacroix (trong tiểu luận thứ hai của sách này): từ việc xây các “cái máy” lớn đến những bức phác nhỏ chất kín chật thời gian sống mỗi ngày của danh họa ấy, không gì đi chệch ra ngoài nỗ lực “dịch” ra vật chất các giấc mơ lớn của suy tư, ám ảnh, nhiều bí ẩn, của họa sĩ. Tương tự như vậy sẽ mất chính xác nếu dù chỉ trên mặt chữ mà tách “sự hiện đại” rời với “Baudelaire”, bởi ông đã hoàn toàn tập trung vào suy nghĩ phát triển và thực thi những điều mà tinh thần hiện đại đích thực, cho tới ngày nay, vẫn phát triển và thực thi như việc đương nhiên phải thế. Liên quan, ở đây, chẳng hạn, ông nói, “… và nếu, từ một biểu lộ thuần túy thuộc vật chất được phép rút ra một kiểm tra triết học” - và đấy là típ của tư duy hiện đại mà ngay cả ngày nay có lẽ chẳng phải bất kỳ người-hiện-đại nào cũng thấu triệt (và liên quan hẳn không quá xa, nó khiến ta nhớ đến phạm trù “triết học” nơi Balzac chia Miếng Da Lừa vào).

Vậy hẳn nên nhìn chương thứ nhất của tiểu luận thứ nhất trong sách này theo cái mô thức đó: CÁI ĐẸP, MỐT VÀ HẠNH PHÚC - và ta thấy ngay “từ một biểu lộ thuần túy thuộc vật chất” là “Mốt” sẽ có thể làm “kiểm tra triết học” cho “Cái đẹp” và “Hạnh phúc”. Baudelaire ở đây sẽ đề xuất “một lý thuyết duy lý và có tính cách lịch sử về cái đẹp, đối lập lại lý thuyết về cái đẹp duy nhất và tuyệt đối” và ý ấy của ông hẳn đã có thể thấy , lối gợi ý rất mạnh do chính xác, ngay trên cái tiêu đề chương này: “Cái đẹp” và “Hạnh phúc” đối xứng qua “Mốt”, gợi lên một cấu trúc nhất thể.

Trình bày súc tích, nét và phóng khoáng, chuyển động nhanh và hợp lẽ với nền tri thức dày và êm back-up ngay đằng sau mỗi từ ngữ, “kiểm tra” này của Baudelaire rất giản dị, tiện nghi và dĩ nhiên hoàn toàn sáng sủa. Nhưng nó nhìn trên một tầm lớn, vào các điều hiển nhiên mà hầu như lúc nào cũng bị che khuất: tầm của một cái nhìn thấu thị đối với “hiện tại”; hoặc, nói cho giản dị phù hợp với thơ Baudelaire, đấy là tầm nhìn chỉ ra các bí mật ai cũng nhìn vào được nhưng không nhận thấy hay không chấp nhận.

Sự “kiểm tra triết học” này về “cái đẹp” trước tiên chỉ ra lối hiển nhiên cái cảm tri “dịch” cái thực tại, luôn luôn, không chỉ trên lưỡng phân của thời tính mà còn trên vùng đất của cảm năng. “Quá khứ hấp dẫn không chỉ bởi cái đẹp mà các nghệ sĩ từng biết cách trích xuất từ đó, đối với họ ấy là hiện tại, mà còn như là quá khứ, vì giá trị lịch sử của nó. Cũng giống vậy với hiện tại. Khoái lạc mà chúng ta rút được từ trình hiện hiện tại không chỉ nằm nơi vẻ đẹp mà nó có thể dùng để khoác lên mình, mà cũng cả nơi phẩm chất cốt yếu về hiện tại của nó.”

Chuyển vị của một thành phần thuộc “quá khứ” vào “hiện tại” như mô tả đồng thời cho thấy tương liên trong đó cảm tri về thực tại đi vào hoạt tác của cảm năng - vùng của đánh giá những “giá trị lịch sử” và/hoặc sự thể là đẹp hay xấu.

Có lẽ chẳng cần lưu ý, song cũng có lẽ lưu ý không thừa: về “cái đẹp”/“vẻ đẹp”, được bỏ đi câu hỏi dạng nguyên lý tại-sao-đẹp, chỉ đi vào cách thức  đẹp của nó. Vậy, như trong đoạn soi chiếu trên đây, hoạt tác cảm năng về cái đẹp thuộc quá khứ “buộc mình vào” “giá trị lịch sử” hiển nhiên đối xứng với hoạt tác cảm năng về vẻ đẹp đương thời “buộc mình vào” “phẩm chất cốt yếu về hiện tại của nó”; đối xứng qua chính “hiện tại”, bởi cái thuộc quá khứ kia do “được trích xuất” vào đương thời mà cũng trở nên “là hiện tại”, và do bởi đối xứng cho nên cái “phẩm chất cốt yếu về hiện tại” với tư cách hiện tại  đẹp.

“Khoái lạc mà chúng ta rút được từ trình hiện hiện tại…” thì đối xứng với sức “hấp dẫn” từ cái đẹp thuộc quá khứ kia, mà điều hẳn nên nhấn vào ở đây là cả hai niềm vui thú đó thực ra cùng một loại, hay nên nói chúng là một. Tuy nhiên cái đánh giá sau cùng có liên quan về chúng Baudelaire sẽ nói đến vào cuối chương này.

Có thể nói các thứ đó đối xứng nhau, và tương đương nhau, vì rõ ràng cả hai cùng tương tác với, và trong, “hiện tại”: “sự đẹp đặc biệt, sự đẹp của hoàn cảnh và nét điểm của phong hóa” tương tác với “cái đẹp duy nhất và tuyệt đối” được “trích xuất” từ quá khứ vào các “trình hiện hiện tại”.

Chẳng phải chuyện như thế trong cảm năng đã xảy đến với tất cả chúng ta hay sao!

Và tiến tới, khi Baudelaire tiếp đó giới thiệu vật mang chủ đề chính - “một xê ri tranh khắc các mốt bắt đầu với Cách mạng và kết thúc ở quãng Tổng tài” - ông lịch sự nêu khẳng định rằng “giá trị lịch sử” của đẹp-nghệ thuật nằm ở chỗ nó, “tất tật hoặc gần như tất tật” biểu thị “luân lý cùng cảm năng của thời đại” mà trong đó nó đã được tạo thành, bởi “Ý mà con người có về sự đẹp được in vào toàn bộ chỉnh trang của anh ta”.

“Rốt cuộc con người giống với những gì mà anh ta muốn trở thành.”

Chính ở câu khẳng định mang lực thơ đích thực - thấu suốt và độc sáng - này là điểm thuận lợi để nhìn được rõ ý của Baudelaire về “nhị nguyên của con người”, tức con người tâm hồn-và-thể xác, mà ông nói rằng nó quyết định, là “định mệnh” của tính nhị nguyên của nghệ thuật hay của đẹp, tức phẩm chất “vĩnh cửu”-trong-“hoàn cảnh”, ý ấy dường như là cốt lõi trong cảm năng luận hiện đại mà ông đề xuất.

Xê ri tranh khắc về mốt, Baudelaire lấy nó làm chủ đề, hiển nhiên để giới thiệu cảm năng luận ông sẽ đề xuất về “sự đẹp đặc biệt, sự đẹp của hoàn cảnh và nét điểm của phong hóa”. Như ông đã nói, bằng các hoán dụ, ngay từ đầu, những bản tranh này, và rồi ông sẽ nói rộng ra cụ thể hơn trong các chương sau - loại hình này của tranh, cho tới lúc đó vẫn nằm ở vị thế nghệ thuật “minores”. Và, thật hiển nhiên mà hẳn không hề dễ nhận ra, chúng làm một hiện thân về thăng trầm của những “ý” những “muốn”, cũng tức là những biến chuyển của “luân lý và cảm năng của thời đại”.

"Những tranh khắc ấy có thể được dịch sang thành xấu hoặc thành đẹp; nếu thành xấu, chúng trở nên các biếm họa; nếu thành đẹp, các bức tượng cổ đại.

Những phụ nữ vận các trang phục kia ít nhiều giống biếm họa hay tượng cổ đại, tùy theo mức độ của thơ ca hay của sự thô thiển đánh dấu lên họ. Vật chất sống động biến thành uốn lượn những gì đối với chúng ta dường quá cứng đờ. Trí tưởng tượng của khán giả ngày hôm nay vẫn có thể khiến áo dài kia và khăn san kia bước đi và run rẩy."

Ở trên ta đã thấy sự đối xứng của hoạt tác cảm năng với quá khứ và hoạt tác cảm năng với hiện tại; thì ở đoạn này ta thấy cách mà chúng mâu thuẫn, hay, nói cho sát đúng hơn, các khả thể của sự “dịch” sang bè đối vị trong hoạt tác của cảm năng đó. Đấy chẳng phải tính thất thường của chúng, cũng của “nhị nguyên của con người”, hay sao - cái bản tính mà có lẽ, hay phải chăng, đã luôn bị lờ đi hay cưỡng chế hay bị che khuất đi trong trường dominant của một “cái đẹp vĩnh cửu” “bất biến” nào đấy mà, trùng hợp thay, cũng được quy chiếu “hoàn cảnh” dẫu theo nghĩa rộng và lớn hơn. Tuy nhiên, trong tầm nhìn lớn, những dịch chuyển đó chẳng có hỗn loạn.

“Rồi sẽ có một ngày gần thôi, có lẽ, một tấn kịch sẽ xuất hiện trên một sân khấu nào đó, nơi chúng ta sẽ thấy sự sống lại của những trang phục ấy, bên dưới đó ông cha chúng ta từng được phấn khởi giống chính chúng ta trong các thứ quần áo khốn khổ của mình (chúng cũng có nét duyên của chúng, quả đúng vậy, nhưng là theo một bản tính nhiều tính cách luân lý và tinh thần hơn), và nếu chúng được mang và được làm cho sống động bởi các nữ diễn viên và các diễn viên trí tuệ, chúng ta sẽ kinh ngạc vì đã có thể ngu độn mà cười chúng. Quá khứ, trong khi vẫn giữ sức lôi cuốn của bóng ma, sẽ lấy lại được ánh sáng cùng chuyển động của sự sống, và sẽ tự biến mình thành hiện tại.”

Hẳn Baudelaire không có ý nói “quá khứ” “sẽ tự biến mình thành hiện tại” theo nghĩa đen. Cảm năng đã được thấy là lưỡng phân, và như trong đoạn trích trên đây, đúng hơn là các phase khác nhau của nó sẽ thay nhau là ưu trội trong hoạt tác ở mỗi “hoàn cảnh” cụ thể - như ông vừa cho ta một hình dung. Và theo đó, hoàn toàn ngược với các biểu hiện “nhị nguyên”, phân đôi, hay “bất biến” hay hỗn loạn, cảm năng gây ấn tượng như một nhất thể - cái nhìn Baudelaire chỉ ra - nhưng chỉ là nhất thể và chỉ tạo nghĩa ở tư cách đó khi và trong tương tác với “hiện tại”.

"Chính ở đây là một cơ hội đẹp, thật vậy, để thiết lập một lý thuyết duy lý và có tính cách lịch sử về cái đẹp, đối lập lại lý thuyết về cái đẹp duy nhất và tuyệt đối; nhằm cho thấy rằng cái đẹp lúc nào cũng, không thể tránh, thuộc một cấu tạo nhân đôi, dẫu ấn tượng mà nó tạo ra là một; bởi khó khăn trong việc thấy cho rõ những yếu tố khả biến của cái đẹp trong nhất thể của ấn tượng chẳng hề tước bỏ chút nào sự cần thiết của đa dạng trong cấu tạo của nó. Cái đẹp được làm ra từ một yếu tố vĩnh cửu, bất biến, mà phẩm chất là vô chừng khó để xác định, và từ một yếu tố tương đối, thuộc hoàn cảnh, thứ sẽ là, nếu người ta muốn, lần lượt hoặc cùng một lúc, thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng. Nếu không có yếu tố thứ hai này, thứ vốn giống cái vỏ gây vui thú, nhiều hối thúc, ngon lành, của bánh ngọt thần thánh, thì yếu tố thứ nhất hẳn sẽ là không thể tiêu hóa, không thể coi trọng, không được thích ứng và tiếp nhận vào bản tính con người.

… Hãy xem, nếu bạn thích, cái phần thuộc về chất một cách vĩnh cửu như tâm hồn của nghệ thuật, và yếu tố khả biến như cơ thể của nó."

Không nghi ngờ gì, Baudelaire ở đây nhấn mạnh vào “yếu tố thứ hai”, cái “yếu tố tương đối, thuộc hoàn cảnh” và, hẳn rất cốt lõi, chính là cái “yếu tố khả biến” - cái nắm giữ vị thế “như cơ thể” của nghệ thuật. Sự nhấn mạnh này, “yếu tố khả biến này” - cái có thể là “lần lượt hoặc cùng một lúc, thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng” - khiến có thể hiểu, dẫu theo lối âm bản, rằng “yếu tố tương đối” ấy là đối xứng với “yếu tố vĩnh cửu, bất biến” kia mà dù thế nào hẳn cũng không tránh khỏi các nền tảng “thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng”.

Các nền tảng ấy, chẳng những chỉ “như cơ thể” của “cái đẹp” và/cũng “nghệ thuật” mà cũng là “như cơ thể” của “Hạnh phúc” - thứ, đến lượt nó, cũng khả biến-tương đối-thuộc hoàn cảnh.

“Chính vì vậy Stendhal, tinh thần hỗn xược, hay trêu chọc, thậm chí đáng ghê tởm, nhưng các hỗn xược lại khơi lên lối hữu ích sự trầm tư, đã tiến lại được gần sự thật hơn so với nhiều người khác, khi bảo rằng Cái Đẹp chỉ là lời hứa về hạnh phúc. Chắc hẳn định nghĩa này vượt quá đích; nó quá mức đặt cái đẹp vào sự quy thuận trước lý tưởng hay biến đổi tới mức vô chừng mực của hạnh phúc; nó tháo gỡ quá nhậm lẹ nghệ thuật khỏi tính cách quý tộc của nó; nhưng nó có công lao lớn là nhất quyết đi xa được khỏi nhầm lẫn của các nhà hàn lâm.”

Đây không hẳn là một hoài nghi phê phán đối với cái được mệnh danh là “hạnh phúc”, đúng hơn đây là hoài nghi phê phán đối với cảm năng thực tiễn nói chung và cảm năng luận đương thời. Và Baudelaire sẽ tất nhiên trình bày điều đó trong các chương tiếp theo của tiểu luận này.

Nguyễn Chí Hoan

Tags: Baudelaire Nguyễn Chí Hoan