18-5-2023
Đi lạc
Đọc “Những hiệu quế”
Hiếm nhà văn nào để lại thật ít tác phẩm nhưng được ngưỡng mộ như một trong số những nhà văn lớn nhất như Bruno Schulz. Một người viết ra thứ văn chương lệch thời, và dường như để nhấn mạnh thêm điều đó, ông mang lấy một kết thúc chệch khỏi số phận chung của phần lớn người Do Thái lúc bấy giờ. (Điều này làm tôi nhớ đến chi tiết người bố mà Romain Gary kể trong “Lời hứa lúc bình minh”, suốt bao nhiêu năm hình ảnh người bố ấy chỉ tồn tại trong tâm trí nhân vật chính như một biểu tượng mù mờ chung chung, nạn nhân của nạn diệt chủng, và chỉ thực sự được nhìn nhận như một người bố đích thực và duy nhất khi nhà văn được một người bạn cho biết, lúc xếp hàng đi vào phòng hơi ngạt, bố ông vãi đái ra quần.)
Một điều đáng chú ý nữa, dường như Bruno Schulz chẳng hề muốn làm văn. Ông để lại hai tập truyện ngắn, một vài truyện ngoài tuyển tập, cùng với bản dịch tiểu thuyết Der Prozess của Franz Kafka. Nhưng gọi là hai tập truyện ngắn cũng có phần khiên cưỡng, việc chia chúng như vậy có thể nghĩ rằng chỉ mang tính chất thời điểm. Các truyện ngắn của Schulz xoay quanh những con người và khu phố tỉnh lẻ quê nhà, tất cả hiện lên từ một thời xa xôi không mấy ăn nhập vào tình thế lúc ấy của nước Ba Lan hay Châu Âu, và chắc chắn còn lâu chủ đề của chúng mới là mối quan tâm chung của cộng đồng. Các truyện chẳng có “truyện”, chẳng kể lại sự kiện nào quá mức quan trọng, hoặc sự kiện nếu có cũng chỉ nằm ở phông nền. Các hình ảnh và chi tiết không ngừng láy lại và biến tấu khiến người đọc chẳng thể tránh khỏi nguy cơ lẫn lộn truyện này sang truyện kia. Bruno Schulz khắc, với những nét tỉ mẩn lặp đi lặp lại, nên một thế giới độc nhất. Ta bám vào từng đường vạch của ông, lần theo những mảnh tưởng như rời rạc mà cái máy quay hồi cố ấy lia phải, rồi nhận ra, chẳng hay từ lúc nào, thứ ông đang tạo nên kia đã vượt xa khỏi hiện thực.
Tuy nhiên, có lẽ mục đích của Schulz không phải là tạo ra một thế giới lừa mị mờ ảo. Ông tìm cách gọi tên mọi thứ, thoạt đầu ban cho chúng những hình hài giả định, những chủ đề, từ đó các hình ảnh bốc lên, tự chúng phát triển, sinh sôi nảy nở chồng lấn lên nhau, chỉ để sau đó đổ ập rồi tự gầy dựng lại từ đầu. Cho đến khi tìm được cốt tủy của tồn tại, các hình ảnh và sự vật kia tha hồ lặp lại, quấy rầy, méo mó đi, hoặc đơn giản là khiến cho không thể chịu đựng nổi. Ngay cả cơn buồn chán của những thời khắc đơn điệu lê thê cũng chỉ chịu chấm dứt khi tìm ra được hình ảnh biểu trưng cho nó.
Cả người và vật luôn có vẻ cố bày tỏ, theo lối tự nhại lại và đầy lên không biết mệt ấy. Từ cái phông nền lúc nhúc đám đông những kẻ ủ dột như những đốm mốc xám xịt khi buồn chán và ồn ào lan khắp khi kích động như chứng phát ban, những kẻ hùa nhau chạy ùa từ mốt này sang mốt nọ mãi mãi không ngừng nghỉ và để rớt xuống hàng đống mặt nạ, trội lên trên đó vài con người trơ trọi, kỳ quặc, bị ăn mòn bởi những dục vọng riêng và chỉ chực tàn lụi đi. Những ông chú, bà dì, anh em họ hàng hay láng giềng xung quanh, thoạt đầu hiện lên đơn giản và chẳng có gì khác thường. Rồi các hình hài mù mờ gợi lên từ quá khứ ấy bắt đầu nhúc nhích, chúng phân tách, lặp lại, từng lớp xếp chồng, rẽ nhánh đâm cành và trở nên phi thực, trào lộng, khái quát, chi li, nhưng rốt cuộc lại tạo ra được những nhân vật ấn tượng với rất ít nét vẽ. Những hình ảnh hoang đường đầy ắp trong truyện có lẽ chẳng nhằm mục đích làm ta lạc mất phương hướng, người và vật ở đó, ngược lại, dường như tỏ rõ ý chí muốn thoát khỏi số phận chung, thứ rốt cuộc luôn nhấn chìm, lần lần nuốt mất từng giờ, từng người.
Nổi hẳn lên trên tất cả những thời khắc hầm hập sức nóng sự kiện hay ủ dột những ngày lê thê ấy người cha, huyền bí và ít giống thực nhất nhưng lại vững chãi như một ngọn tháp cao làm điểm mốc cho cả đoàn quân lầm lạc kia bám vào. Ông trung thành với những ý tưởng và thử nghiệm kỳ quái, chỉ để đi từ thất bại này sang thất bại khác. Đặc biệt khinh bỉ các quy tắc hướng đạo thời thượng, ông luôn biết cách, với những trò quái đản và đôi khi vượt quá sức chịu đựng của mọi người trong nhà, lôi tuột họ khỏi trạng thái đờ đẫn của những ngày ù lì dài dằng dặc. Ông vừa là chủ tướng vừa là quân tiên phong trong công cuộc liên miên chống phá thành trì của buồn chán. Và khi tất tật xô nhào theo những xu hướng điên rồ, ông lại chính là chốt chặn cuối cùng bảo vệ cái không ai hiểu, chẳng được ai công nhận, và mọi người đồng loạt cố tình phớt lờ ông đi. Thường xuyên ông bị giam cầm trong những nỗi ám ảnh kinh khiếp hành hạ từng đêm, những giọng nói hay mắt nhìn vô hình quỷ quyệt chĩa ra từ mọi góc tối, những kẽ nứt tường hay khe hở ván sàn. Mang trong mình mối quan tâm thường hằng về bí ẩn vĩnh cửu của vật chất, ông không ngừng tấn công vào bản chất của sự vật với các thí nghiệm đầy nguy cơ và những lý thuyết tà đạo của mình. Vị vua mất đi vương quốc ấy đơn độc suy ngẫm về sự cứu rỗi thế giới giữa một môi trường buồn tẻ và thờ ơ, vô cảm trước mối quan tâm siêu hình của ông, đến mức gần như sụp đổ dưới áp lực của sứ mệnh được đặt lên vai ông từ một thế lực vượt quá con người. Sau mỗi thất bại ê chề ông thu mình trong cô độc rồi trở lại tiếp tục lao vào những thử nghiệm lạ lùng khác. Nhưng rốt cuộc, con người kỳ bí và hay thay đổi, thủ lĩnh của Tà đạo vĩ đại, người luôn bị ngầm xem như điên dại và bị kết án vĩnh viễn thuộc về phần rìa của cuộc sống ấy lại là kẻ kiên định nhất giữa những người đầy đủ lý trí chỉ chực lao theo các thú vui bất chợt hay buông mình cho dục vọng dày xéo.
Như thế, rõ là thật ngây thơ nếu nghĩ Bruno Schulz muốn dàn dựng lại khung cảnh quê hương cùng những người và vật thân thuộc thời thơ ấu đã mất đi. Hẳn cũng giống như Marcel Proust, người đã khăng khăng từ chối ý tưởng xem bộ “Tìm thời gian mất” như một tự truyện, Schulz chẳng muốn nói về bản thân mình cũng như không mô phỏng y nguyên những người hay vật đã tồn tại thật, những thứ chẳng còn nữa và việc dựa vào sự trung thành của ký ức là điều không thể. Có lẽ, ông muốn chạm tới đáy sâu nhất của tồn tại, cốt tủy của những sự vật sự việc kia bằng cách đi qua đường vòng, dựng lên những chuyện hoang đường, lặp lại và không ngừng biến đổi, cứ thế cho đến khi chạm được đến cái lằn ranh mờ mịt, thứ phân tách cái này với cái khác.
Một chủ đề lớn xuyên suốt những truyện ngắn của Bruno Schulz là lạc đường. Không giống như nhân vật người cha là trung tâm và không ngừng biến đổi trong mọi khung cảnh, yếu tố này ngầm ẩn chi phối mọi tầng trong tất cả các truyện. Ta bắt gặp đây đó những mê cung gió lộng cuồn cuộn đen thui trong đêm bão bùng, hay các căn nhà mang mặt tiền giống hệt nhau gây muôn vàn khả năng nhầm lẫn từ phía ngoài cũng như bên trong các hành lang. Những con người héo mòn dần dần, mãi không thoát ra được ký ức và những dục vọng riêng lẻ, hay đám đông lầm lạc luôn gom hết sức lực bổ nhào theo các mốt thời thượng. Đối với Schulz, “Tự nhiên” là thứ lừa mị đánh bẫy người ta, qua những phát minh tưởng như hoàn toàn dựa vào tài khéo của nhân loại. (Đám đông hừng hực lên vì các phát minh thừa mứa và những triết lý sống mới ở truyện “Sao chổi” rất giống với những kẻ hung hăng điên lên vì cuộc thi phát minh khoa học trong “Chết trả góp” của Céline.) Ngay cả đến loài vật cũng chẳng khác, một bộ lạc chim quái thai lệch lạc ngay từ khi được ấp ra, bay đi phủ kín trời rồi trở về rơi rụng như những mẩu giẻ mục nát không còn rõ hình dạng; hay nỗi khổ sở vô biên của vật chất bị mắc kẹt trong những ma nơ canh, không hiểu sao lại phải chịu đựng trong cái hình hài luôn bị cưỡng bức đầy bạo ngược ấy.
Và nằm ở vị trí trung tâm của cả tập truyện, “Những hiệu quế” là một truyện tuyệt đẹp về đi lạc. Nếu như xuyên suốt các truyện, cậu bé – người kể – hầu như không giữ vai trò nào quan trọng ngoài một vệt mờ lẫn vào đám đông trên phông nền, thì ở đây lại trở thành trung tâm của hành động. Sự kiện chính hết sức đơn giản, cậu bé đi lạc trong một đêm lạ lùng. Cái đêm đáng nhớ ấy chỉ được cậu nhận ra khi không còn cảm thấy mình bị lạc nữa, dẫu thoạt đầu gây lo ngại vì đã xáo trộn tất tật những phố thân quen thành thử cậu không tìm được lối đi qua những hiệu quế cho thỏa tính hiếu kỳ. Và rồi như chẳng còn giới hạn hay thúc bách nào, cậu phiêu lưu qua những nơi quen thuộc nhưng với lối vào khác ngày thường, đặt chân lên những phố xa lạ và cùng chú ngựa đi đến tận vùng xa nhất của thành phố. Rồi cậu trở về, cảm thấy tràn đầy hân hoan vì đã với đến được toàn bộ vẻ đẹp của đêm tuyệt diệu độc nhất ấy.
Bruno Schulz đã thoát ra được cái mê cung mình tự dựng lên kia. Gombrowicz, nhà văn Ba Lan cùng thời mà Schulz hết sức ngưỡng mộ cũng như xem là bạn, sau này đã viết về ông trong Nhật ký: “…Kẻ bị loại ra khỏi cuộc đời thì nên làm gì đây? Anh ta chẳng thể làm gì khác ngoài nương tượng vào Tâm hồn – và đó sẽ là Đức Chúa nếu như anh ta là một tín đồ; Đạo đức nếu như anh ta chẳng phải tín đồ mà là một người công chính; Nghệ thuật nếu như anh ta truy tầm cái đẹp. Bruno không hẳn là không tin Chúa nhưng cũng chẳng hứng thú lắm với ngài, và mặc dù ông luôn có tinh thần đạo đức sâu sắc trong mọi việc, ông hoàn toàn không xem đạo đức như một giáo lý hay mệnh lệnh dẫn lối cho mọi hành động. Vậy chỉ nghệ thuật còn lại…”.
Xuân Trường