Khác Đọc

Đối và nghịch

(Về chương thứ tư của tiểu luận Họa sĩ của cuộc sống hiện đại)

Một đoạn, mở vào phần mở đầu chương thứ tư, kỳ lạ thú vị:

“Ông đi, ông chạy, ông tìm như vậy. Ông tìm gì? Hết sức chắc chắn, cái người đó, đúng như tôi đã miêu tả ông, cái người cô độc được phú cho một trí tưởng tượng tích cực ấy, luôn luôn đi xuyên qua sa mạc lớn những con người, có một mục đích cao hơn mục đích của một kẻ chuyên thơ thẩn thuần túy, một mục đích chung hơn, khác với khoái lạc thoáng qua của hoàn cảnh. Ông đi tìm cái gì đó kia mà người ta sẽ cho phép chúng tôi gọi là sự hiện đại; bởi không xuất hiện được từ nào chuẩn hơn nhằm diễn tả cái ý ấy. Chuyện nằm ở, đối với ông, chỗ tách từ mốt ra những gì nó có thể chứa đựng ở phương diện thi vị trong cái lịch sử, ở chỗ rút được cái vĩnh cửu từ cái trung chuyển.”

Trong đoạn văn này có một xê ri cụm từ có thể, giữa chúng với nhau, tạo các kết hợp khác nữa, theo kiểu kính vạn hoa, nhiều quen thuộc, từ đó tạo những hàm nghĩa đáng ngạc nhiên: đi tìm-cô độc-sa mạc người-mục đích cao hơn/chung hơn-khoái lạc thoáng qua-sự hiện đại.

Nhìn theo “phương diện thi vị trong cái lịch sử”, có thể thấy, ngoài “sự hiện đại”, các cụm từ kia, trong nhiều kết hợp-tương liên giữa chúng lối lịch sử qua tôn giáo, qua nghệ thuật, qua những “thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng” tức là qua các tiến hóa chung của phong hóa, đã nắm giữ hay thuộc về sự biểu đạt “cái vĩnh cửu” hoặc cái “đẹp” trong cảm năng phổ biến. Chỉ “sự hiện đại”, trong xê ri ấy, là cái chưa từng có, cái thuộc về “cái trung chuyển”. Như thế, gặp lại cái mẫu trong “lý thuyết mới” của Baudelaire về cái đẹp hai thành phần “bất biến” và “tương đối-khả biến”. Và “sự hiện đại” được phát minh.

Nó hiện ra trong tương phản với cái nhìn bỏ lỡ - sự bỏ lỡ mà Baudelaire gọi là sự “đánh mất ký ức về hiện tại”. Và đấy là một mâu thuẫn mở.

“Ông” ấy, tức M. G., vừa ở chương trước được mô tả là một người quan sát “đẫm dục vọng”, mang “dục vọng cưới lấy đám đông”, mang lòng “yêu cuộc sống phổ quát”, mang nỗi “ngưỡng mộ” những phong cảnh của thành phố lớn và đắm mình vào đó với toàn bộ sức của cảm tri và “con mắt đại bàng”, thì ở đây, vẫn “Ông” chính là một “cái người cô độc” “luôn luôn đi xuyên qua sa mạc lớn những con người”, ắt là xa lạ “với khoái lạc thoáng qua của hoàn cảnh”, chăm chăm đi tìm “sự hiện đại”. Cái tư thế cô độc rất đặc trưng đó, thậm chí trở nên xa lạ đối mặt với sa-mạc-người, đã, với ít hay nhiều tha hóa, trở nên một mô típ thường thức về nghệ sĩ hiện đại về sau; cũng vậy, là một đối xứng nữa, qua các trình hiện hiện tại, giữa kẻ yêu cuộc sống phổ quát và kẻ cô độc đi xuyên sa-mạc-người, trong cùng một con người, nghịch lý trong tương hỗ.

“Sự hiện đại” như vậy trình hiện hiện tại ở các mối tương liên nghịch lý, chẳng hạn như “cái lịch sử” nằm trong “mốt”, “cái vĩnh cửu” ngự trong “cái trung chuyển” (hay “cái thoáng qua”), và cứ thế còn nữa, dĩ nhiên. Nghịch lý có thể biểu hiện qua tương phản, ở đây là M. G., nhà họa sĩ thuần do thiên phú và tự đào luyện, tạo ra một “hội họa về phong hóa của hiện tại” của riêng ông, sống động, tương phản với “các triển lãm tranh hiện đại của chúng ta” trong đó bày ra “khuynh hướng chung của các nghệ sĩ trong việc phủ trang phục cũ lên tất tật những chủ đề. Gần như tất tật đều dùng các mốt cùng các đồ gỗ thời Phục hưng” - cái sự “lười biếng lớn” loại đó tương phản với sự “cần mẫn một cách đặc biệt” của M. G. mà đối tượng là “sự đẹp bí hiểm” không ngừng được sản sinh “lối ngoài chủ đích” bởi “cuộc sống con người” trong lúc cuộc sống ấy hoạt động và chuyển biến.

Baudelaire liền sau đó đưa ra định nghĩa lừng danh của ông về “hiện đại” trong nghệ thuật: “Sự hiện đại, ấy là cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ, một nửa của nghệ thuật”; và theo đó cái nhìn của nghệ thuật vào thực tại từ dựa trên cái nền của kinh nghiệm chuyển sang dựa trên cái nền của những “ấn tượng” đồng thời, hay cách khác, những tương quan về thời độ - nghệ thuật “trích xuất” lấy “cái đẹp bí hiểm” của một thực tại bất kỳ, bởi và trong các điều kiện đương hiện của thực tại đó, trong cái đặc thù hiện có, trong độ dài hiện hữu của nó; những điều kiện hay hoàn cảnh, bao giờ cũng hữu hạn như tên gọi của chúng, đem vào cuộc sống điều mà Baudelaire sẽ gọi là “giá trị cùng đặc quyền cung cấp bởi hoàn cảnh”, và then chốt nhất, đấy là phẩm chất độc đáo “bởi gần như toàn bộ sự độc đáo của chúng ta xuất phát từ con dấu mà thời gian in lên các cảm tri của chúng ta”. Đấy là “ấn tượng” trong nghĩa rộng nhất, như Baudelaire đã nói về model M. G. của ông ở cuối chương này:

“M. G., được hướng lối bởi bản tính, nằm dưới ách bạo chúa bởi hoàn cảnh, đã đi theo một con đường hoàn toàn khác. Ông đã bắt đầu bằng cách chiêm ngắm cuộc sống, và thật muộn thì mới lo sao mà học lấy các phương cách nhằm diễn tả cuộc sống. Từ đó đã nảy sinh một sự độc đáo gây rung động, trong đó những gì có thể vẫn là man dã và ngây thơ hiện ra như một chứng cứ mới cho sự nghe lời ấn tượng, như một phỉnh nịnh sự thật.”

Trong đánh giá này, có thể thấy mối tương liên giữa “chiêm ngắm cuộc sống” với “nảy sinh một sự độc đáo gây rung động” là hoàn toàn ứng với đánh giá bên trên rằng “gần như toàn bộ sự độc đáo của chúng ta xuất phát từ con dấu mà thời gian in lên các cảm tri của chúng ta” - sự “chiêm ngắm” ấy, hướng vào thực tại như một thức mạnh và có thời độ đặc hiệu của cảm tri, do “được hướng lối bởi bản tính” chứ không bởi kinh nghiệm, mà nắm lấy “con dấu” đó, tuân theo “ấn tượng” mà “thời gian in lên” nó, bởi thế rõ ràng ứng hợp với sự nắm lấy “giá trị cùng đặc quyền” mà “hoàn cảnh” cung cấp.

Hẳn là nên thấy như vậy về sự mà Baudelaire gọi là “cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ” - những tương quan các thời độ khác nhau đồng thời trong một hiện tại thực tại đi vào “ấn tượng” của cái nhìn, thoát khỏi lực tác động của kinh nghiệm vốn dĩ luôn luôn chia thực tại đó vào các ô của thói quen. Theo đó “sự hiện đại” đem đến nghịch lý: “sự độc đáo gây rung động” - thứ cảm giác “vĩnh cửu” nơi con người - của nó có “một nửa” tạo nên từ “những gì có thể vẫn là man dã và ngây thơ” (so với thành kiến nghệ thuật thực tại luận kinh nghiệm hiện hành), và là cái “một nửa” quyết định. Song nghịch lý chưa dừng ở đó - như đã thấy, Baudelaire nói rằng cách “nghe lời ấn tượng” như vậy còn ví được “như một phỉnh nịnh sự thật”.

Và ông ngay đó đã phác ra cái profile, đáng kinh ngạc ngay cả với ngày nay, của điều được gọi như “sự thật”:

“Đối với phần lớn trong số chúng ta, nhất là đối với những người buôn bán, trong mắt bọn họ thì tự nhiên không tồn tại, nếu chẳng phải là trong những tương quan về lợi ích với các áp phe của họ, cái huyền ảo thực của cuộc sống bị nhão đi lối dị thường.”

Không nghi ngờ gì, “cái huyền ảo thực của cuộc sống” ứng hợp với cái “tự nhiên” và cũng rõ là, như vậy, nghệ thuật không nhằm đem lại một thứ “tự nhiên” lối “phần lớn” phàm tục. “Sự hiện đại” sẽ “xứng được để trở nên đồ cổ” theo mức mà nó làm phát lộ được “sự đẹp bí hiểm”, thậm chí là “sự đẹp kỳ quặc”, mà “cuộc sống con người đặt vào” phương diện “huyền ảo thực” của nó. Điều ấy ứng hợp với “nửa còn lại” của nghệ thuật “là cái vĩnh cửu và cái bất biến”. Nó bất biến theo lối như một quy luật:

“Tương liên thường hằng của cái mà người ta gọi là tâm hồn với cái mà người ta gọi là cơ thể giải thích rất rõ bằng cách nào mọi thứ gì có tính cách vật chất hoặc bốc tỏa của cái tinh thần đều trình hiện và lúc nào cũng sẽ trình hiện cái tinh thần từ đó nó phái sinh.”

Chẳng phải hơn một người đã từng nói rằng sở dĩ cuộc sống có thể chịu đựng được là do ở đó có “cái tinh thần”, có “cái huyền ảo thực” của sống. “Sự hiện đại” Baudelaire là một tinh thần luận hiển nhiên về nghệ thuật hiện đại.

Và, hẳn không thừa để nhìn lại một lần nữa “tính cách vật chất” rất hiện thực của tinh thần luận ấy khi nhớ ở ngay phần đầu chương thứ nhất Baudelaire đã nói rằng: “thế nhưng, chính hội họa về phong hóa của hiện tại là thứ tôi muốn tự buộc mình vào, hôm nay”. Theo đấy, ông đảo ngược cái nhìn nghệ thuật vào thực tại. Sự đảo ngược mà Baudelaire chỉ ra: thực tại cốt ở chuyển biến của nó, cái chuyển biến (như “dòng sông sức sống chảy”) cốt ở “nơi phẩm chất cốt yếu về hiện tại của nó” (chẳng hạn, các “mốt”, và dĩ nhiên tất tật gì gắn với chúng), và như thế, trong nội hàm của cái “yếu tố thứ hai” “tương đối” và “khả biến” của đẹp-nghệ thuật, gồm “lần lượt hoặc cùng một lúc, thời kỳ, mốt, luân lý, dục vọng”, rõ ràng “thời kỳ” đã sắm vai làm chất nền của ba thành tố kia - chỉ cần thay “thời kỳ” bằng “hiện tại”, lập tức thấy mốt, luân lý và dục vọng thoắt trở nên sống động đến thế nào. Đấy chẳng phải do “xuất phát từ con dấu mà thời gian in lên các cảm tri của chúng ta” sao.

Phong hóa, dĩ nhiên, có thể nói là thứ chuyển vận tạo ra chính các “thời kỳ” và ngay trong mỗi “thời kỳ”, và gồm đủ “mốt, luân lý, dục vọng”. Trong hội họa trước hiện đại, như người ta đã biết, “phong hóa của hiện tại” theo nghĩa Baudelaire nói ở trên cũng đã đi vào những bản phác nghiên cứu của họa sĩ, rồi đi vào tác phẩm của họa sĩ để sắm vai các cảnh nền cho chủ đề chính và nhân vật của bức họa; và dĩ nhiên đấy cũng là phong hóa của “thời kỳ” tương ứng hay phù hợp. Nhưng giờ đây thì “phong hóa của hiện tại” trở thành típ chi phối các chủ đề hội họa; và nói về “phong hóa của hiện tại” thật ra là một lối nói để nhấn mạnh, bởi “phong hóa” thì luôn luôn *đang là *trong các thứ tiến hóa không ngừng trên những vốn dĩ là của nó.

Cho nên sự đảo ngược này tuy rõ ràng nhấn mạnh vào “hiện tại” nhưng hẳn chẳng nên thấy ở diễn đạt “hiện tại” đó một thời tính suông hay có thể tự trị hay có thể tách rời; mà hẳn nên thấy, rõ ràng chẳng kém, đó là cái thời độ đặc hiệu của những “sự đẹp đặc biệt, sự đẹp của hoàn cảnh” lấy ra được từ những “trình hiện cuộc sống bourgeois cùng các cảnh tượng của mốt”, từ “sự hài hòa gây kinh ngạc của sự sống nơi các thủ đô, sự hài hòa được duy trì lối thiên hựu xiết bao nơi ồn ĩ của tự do con người” “khiến sự sống trở nên lúc nhúc, gây âm nhạc rung đảo; khắp nơi nào một dục vọng có thể tạo dáng … , khắp nơi nào con người tự nhiên và con người quy ước tự biểu lộ ra trong một sự đẹp kỳ quặc, khắp nơi nào mặt trời soi sáng các niềm vui mau chóng của con thú đồi bại!” và vân vân, thảy đều là “trình hiện cái tinh thần” của chúng vậy.

Quy luật đó là tiên nghiệm với tính hiện đại:

“Đã có một sự hiện đại đối với mỗi họa sĩ cũ; phần lớn những bức tranh chân dung đẹp còn lại với chúng ta từ các thời trước đây được ăn vận các trang phục thời của họ. Chúng hài hòa một cách hoàn hảo, vì quần áo, đầu tóc và thậm chí cả cử chỉ, ánh mắt cùng nụ cười (mỗi thời có cách của nó, ánh mắt của nó và nụ cười của nó) tạo thành một tổng thể mang sức sống hoàn chỉnh.”

Có thể thấy mỗi trình hiện tạo ra được “một tổng thể mang sức sống hoàn chỉnh” sẽ luôn luôn tương đương với một trình hiện hiện tại, ít nhất là bởi “tinh thần” thì luôn luôn - có thể nào khác chăng - là “hiện tại” hiện hữu; chính bởi thế, sự đảo ngược cái nhìn nghệ thuật về thực tại - tầm nhìn hiện đại này - thực sự có “một nửa” là các căn nguyên “duy lý” như đã nói rõ trong cảm năng luận Baudelaire; chẳng hạn, ông lưu ý hơn một lần về một trình hiện có tính hiển nhiên hơn cả, kinh điển với nghệ thuật tạo hình, dường như cũng là một trong những điều dễ bị bỏ qua hơn cả - trình hiện các chân dung người, của các “thời kỳ”:

“Ý mà con người có về sự đẹp được in vào toàn bộ chỉnh trang của anh ta, … và thậm chí xâm nhập một cách tinh tế, xét về lâu dài, các nét trên khuôn mặt anh ta.” … “mỗi thời kỳ có cách của nó, ánh mắt của nó và cử chỉ của nó.”… “Trong nhất thể tên là quốc gia, các nghề, các đẳng cấp, các thế kỷ đưa vào sự đa dạng, không chỉ nơi các cử chỉ và các cung cách, mà cả trong hình thức dương tính của khuôn mặt. Một cái mũi như thế, một cái miệng như thế, một vầng trán như thế lấp đầy một quãng của thời độ mà tôi không định xác định ở đây, nhưng chắc chắn là nó có thể được đặt vào một tính toán.”

Ý về sự đẹp đặc trưng của mỗi thời kỳ, rồi bản thân các thời kỳ ở hình thức “thế kỷ”, cùng các phạm trù cuộc sống như quốc gia, nghề, đẳng cấp, hết thảy sẽ “in vào” các nét mặt, cung cách, cử chỉ, ánh mắt, cho đến “cả trong hình thức dương tính của khuôn mặt” - các đánh giá “duy lý” này cho thấy rõ cái nội hàm của ví von về sự “phỉnh nịnh sự thật” của việc “nghe lời ấn tượng” là hiện thực lối sâu xa đến thế nào!

Ở đấy là căn nguyên tính nghịch lý của “sự hiện đại” với tư cách một tinh thần luận của một thế giới ngày càng choán đầy bởi những “cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ” vậy.

Nguyễn Chí Hoan

Tags: Baudelaire Nguyễn Chí Hoan