Khác Đọc

George Steiner về Alain

[George Steiner vô cùng am hiểu văn hóa và văn chương Anh-Mỹ cùng văn chương Đức; nhưng về văn chương và triết học Pháp hay Ý, đấy cũng là một nguồn sáng chói; việc George Steiner qua đời cách đây không lâu khiến người ta thấm thía tầm quan trọng của một ông thầy ở tầm vóc như vậy

dưới đây là vài đoạn Steiner dùng để vinh danh một ông thầy khác: Alain, tác giả của Đoản luận về Giáo dục mà Xuất bản Khác vừa in

Steiner đặt ra vấn đề, làm thế nào để hiểu một nhân vật như Alain - cũng trong cuốn sách Lessons of the Masters, Steiner từng nói, Socrate là nhân vật dự báo Alain - cũng như Wittgenstein]


Tại “nền cộng hòa của các ông thầy giáo”, Émile-Auguste Chartier (1868-1951) là chủ tể. Chính ông ký tên “Alain”. Hiện diện của ông, không phải bàn cãi, vô cùng xuất chúng trong lịch sử tinh thần và trí tuệ của châu Âu. Ảnh hưởng của ông thấm đẫm sự giảng dạy ở Pháp và các yếu tố nhiều ý nghĩa của khối chính trị từ 1906, năm khôi phục danh dự cho Dreyfus, cho đến những năm 40 của thế kỷ 20. Văn xuôi của ông nổi bật nhờ một sự tiết kiệm và một sự sáng sủa chưa từng được vươn tới. Sự toàn vẹn nhiều tính cách khắc kỷ của ông gây ngây ngất cho nhiều thế hệ học sinh và môn đệ. So sánh với Socrate đã trở nên quá quen thuộc. Alain là “nhà thông thái ở thành phố”, “ông thầy của những ông thầy”. Ngoài các tác phẩm triết học và chính trị, ngoài các tiểu luận về nghệ thuật và thơ, như khi ông soi sáng cho La Jeune Parque của Valéry, Alain còn cho in những suy tư thuộc tự truyện của mình. Histoire de mes pensées [Câu chuyện về các suy nghĩ của tôi], vào năm 1936, là một báu vật. Cũng như các suy tư của ông về chiến tranh, trong Mars.

Tuy nhiên, chính cái tên Alain lại gần như không được biết đến tại thế giới Anh-Mỹ. Người ta đã gần như không dịch ông. Tại sao người ta lại làm điều đó? Tôi không có câu trả lời chuẩn xác. Chắc hẳn là có một vấn đề về bối cảnh. Các Đon luận [Propos] của Alain, vốn dĩ là những memoranda súc tích nhưng thường được viết rất kỹ lưỡng (ông đã cho đăng khoảng năm nghìn đoản luận trên báo chí hằng ngày và hằng tuần từ 1906 tới 1936, với một ngắt quãng giữa 1914 và 1921), động đến “những điều phổ quát”; nhưng chúng làm như vậy bằng cách tự quy chiếu theo cách thức rất sắc đến cái tức thì, đến sự vị chính trị, xã hội, ý luận hay nghệ thuật vào thời điểm. Nghệ thuật ngắn của Alain đặt giả định một hiểu biết có chung. Đối với một người nước ngoài, đối với độc giả Pháp sau Thế chiến thứ hai và đối với thanh niên, những hoàn cảnh từng truyền cảm hứng cho chúng đã mờ đi. Thêm nữa, các bài của Alain hài hòa với giọng thầy giáo của ông. Với khoảng cách, với sự mất đi của con người, trang viết có lẽ đã đánh mất sức mạnh giúp người ta sống của nó. Sự thông thái cùng sự nồng ấm của các tình cảm không vì thế mà bớt đi, một phần lớn. Thêm một lần nữa, tại sao lại có một sự vắng mặt như thế khỏi ý thức Anh và Mỹ?

Đối với Alain, sống là nghĩ. Đó là chép từ tồn tại ra như một đợt sóng của suy nghĩ bất tận. Đẳng thức này từng là then chốt đối với Descartes và Spinoza, cả hai đều chiếm một địa vị đặc biệt trong sự giảng dạy của Alain. Nhưng không ai trong số họ từng nhận ra một cách đầy đủ, truyền đi thì lại càng ít hơn, chiều “xác thịt” của suy nghĩ, sự đồng thanh tương ứng của nó với cơ thể con người ở tất tật những gì là vật chất trên đời. Alain tự nuôi dưỡng mình bằng Marx, nhưng “duy vật luận về ý thức” ấy xét về nền tảng là của chính ông. Hẳn chẳng một ai khác ngoài Alain có thể tuyên bố rằng nơi Platon, còn hơn ở bất kỳ người nào, được diễn tả một “tình yêu thuộc trời cao đối với những điều thuộc trần thế”. Giống Socrate, Alain cho cái thường nhật đi qua bộ lọc và hút niềm vui của mình trong các nghệ và các nghề, trong nhu cầu về làm dường như bẩm sinh ấy, thứ nối chặt kỹ năng của người thợ mộc chuyên dựng nhà vào với kỹ năng của Rembrandt và của Bach. Sự trộn lẫn của sáng chế kỹ thuật và phân tích thuộc trí năng, “chất tính” thể chất và tinh thần của chiến tranh - ông từ chối một chức vụ chỉ huy và phục vụ trong hàng ngũ lính thường từ 1914 đến 1918 - hấp thụ lấy ông như ông từng hấp thụ Socrate. Nhưng mọi chất đều là suy nghĩ; tồn tại con người là “suy nghĩ trong triển hạn”. Hẳn người ta có thể so sánh cách thức của Alain và “duy vật luận lối Platon” của ông với Apology của Newman, với Autobiography của R. G. Collingwood. Henry Adams của Education hẳn có thể hiểu Alain. Nhưng, trong điển phạm Anh-Mỹ, những cuốn sách của ông chỉ sáng lên từ các lề. Làm thế nào mà người ta có thể ước lượng được tầm vóc của Alain đây, khi mà chính cái từ “trí thức” cũng không xa chỗ mang ý hạ thấp?

(còn nữa; trích từ Lessons of the Masters)

Cao Việt Dũng dịch

Tags: Alain George Steiner Cao Việt Dũng