10-12-2022
Goethe và thời Goethe
[Lukács viết lời tựa dưới đây cho Goethe và thời Goethe vào tháng Hai năm 1947 tại Budapest; Lucien Goldmann và Frank dịch cuốn sách sang tiếng Pháp và nhà xuất bản Nagel ấn hành nó ở Paris năm 1949]
Các tiểu luận được hợp lại trong tập sách này đã được viết vào khoảng 1930-1936; chỉ những nghiên cứu về Faust được hoàn thành vào năm 1940. Vậy nên, người ta có thể tự hỏi trong chừng mực nào việc xuất bản chúng lúc này được biện minh.
Khi ngày nay nếu động đến các vấn đề văn chương hay văn hóa Đức, người ta thường vấp phải những định kiến của những người không còn muốn nghe nhắc tới một sự kiểm tra hoặc kiểm tra lại chúng nữa. Người ta đặt, thường xuyên hơn cả, vấn đề về văn hóa Đức theo một cách thức trừu tượng và những câu trả lời, do thế, nhất thiết sai và trừu tượng, cả chúng nữa: một trong số chúng là sự chối từ quyết liệt văn hóa đó, hoàn toàn. Như là tuyên xưng lòng tin chống phát xít, việc này có vẻ hết sức triệt để. Trên thực tế, đó là một sự triệt để còn hơn là đáng ngờ. Thái độ phản-Đức có phải là một đảm bảo cho chống phát xít hay thậm chí một sự chọn vị thế chống lại phản động? Chẳng phải là có, trong số các nhà văn, nhà chính trị, v.v…, phản-Đức, những kẻ phản động đậm đà và thậm chí là phát xít? Chúng ta đã thu được gì đây khi chối từ Nietzsche hay Spengler như là các ông tổ tinh thần của phản nhân văn Đức hiện đại, nếu chúng ta, mặt khác, hào hứng với Ortega y Gasset?
Ở cực bên kia, người ta đặt vấn đề với cùng sự thiên vị. Người ta bảo: tiến hóa chính trị của những năm vừa qua hoàn toàn không được ảnh hưởng lên các đánh giá triết học và văn chương của chúng ta: dẫu Hitler có ngự trị thêm mười năm nữa tại Đức, thì điều đó cũng chẳng hề thay đổi tầm quan trọng mà văn chương Đức từ Goethe đến Rilke có đối với chúng ta.
Hai cực ấy đều trừu tượng như nhau. Cả sự kết án tổng chung, cả sự phân tách các hiện tượng khỏi nền xã hội của chúng đều không thể giải quyết vấn đề và nói cho chúng ta thái độ của chúng ta phải ra sao trước văn hóa Đức đã qua và hiện nay.
Đâu là ảnh hưởng có thể có, của một đặt ra có tính cách phê phán về chủ đề này, lên đổi mới dân chủ của văn hóa hiện thời?
Chúng ta hãy thử xích lại gần một vị thế cụ thể của vấn đề. Engels so sánh, ở đâu đó, tiến hóa của Đức và Pháp từ quãng thời gian bắt đầu sự thanh lý phong kiến cho tới sinh ra của nhất thể quốc gia và của dân chủ bourgeois. Ông đi đến kết quả theo đó vào mỗi thời kỳ người Pháp đã tìm được cho những vấn đề của lịch sử một lời đáp cấp tiến, còn người Đức, thì một lời đáp phản động.
Niên đại định mệnh đối với nước Đức là năm 1525, năm của cuộc chiến tranh nông dân lớn. Alexander von Humboldt đã thấy ở đây bước ngoặt khiến Đức lỡ mất tiến hóa của nó. Trong khi ở Pháp và Anh các thất bại của những cuộc nổi loạn nông dân lớn đã không ngắt quãng đường cấp tiến của tiến hóa, thì tại Đức thất bại của những người nông dân đã tạo ra một thảm họa mà các hệ quả còn được cảm thấy trong vòng nhiều thế kỷ.
Ở phương Tây (và tại Nga), những tranh đấu của các tầng lớp, vào giai đoạn suy tàn phong kiến, đã đưa đến quân chủ chuyên chế và đến những bước đầu tiên về phía nhất thể quốc gia. Ở Đức, thất bại của chiến tranh nông dân đã dẫn tới, không phải một dân chủ phong kiến của quý tộc, giống tại Ba Lan, chẳng hạn, mà tới một biến thể của quân chủ chuyên chế, đặc thù, hoàn toàn phản động và phản quốc gia: các công quốc nhỏ Đức. Thắng lợi của chúng cùng sự ổn định hóa của chúng muốn nói sự lập dựng và sự vĩnh cửu hóa hiện tượng chia nhỏ phong kiến của quốc gia Đức. Tự trị của các công quốc nhỏ từ nhiều thế kỷ ở Đức đã là trở ngại chính yếu cho nhất thể quốc gia. Cái gọi là tự trị của chúng, cái được coi là chính trị riêng của chúng, đã biến nước Đức thành một đối tượng thụ động của chính trị đối ngoại châu Âu, suốt một thời gian dài, chiến trường của các cuộc chiến tranh châu Âu. Ở đây cần phải nhấn mạnh, đi ngược lại những truyền thuyết tạo ra bởi các sử gia Đức, rằng, từ quan điểm ấy, Phổ từng là một công quốc Đức nhỏ mẫu mực; điều này muốn nói một trở ngại cho nhất thể quốc gia, một cánh cửa mở ra cho can thiệp nước ngoài. Từ quan điểm bên trong, tiến hóa đó có nghĩa là sự sinh ra của văn hóa bourgeois đã diễn ra theo một nhịp chậm đến cực điểm, và nó đã bị thay thế bởi một sự nửa phong kiến bị băng hoại. Khỏi cần phải chỉ ra thật chi tiết rằng các điều kiện xã hội như thế đã ngăn cản sự hình thành một văn hóa quốc gia cấp tiến.
Điều này giải thích cho việc nước Đức đã rất muộn thì mới bước vào, cả từ quan điểm kinh tế và chính trị lẫn từ quan điểm văn hóa, lên con đường bourgeois hóa hiện đại. Những trận chiến đầu tiên trong cuộc tranh đấu các tầng lớp của vô sản đã được tiến hành tại phương Tây, trong khi các vấn đề của cách mạng bourgeois được đặt ra lần đầu tiên, vào năm 1848, dưới một hình thức cụ thể, với Đức. Nếu trừu tượng hóa Ý, Đức là nước duy nhất nơi nhất thể quốc gia cần tạo ra trở nên vấn đề trung tâm của cách mạng bourgeois. Cách mạng Anh hồi thế kỷ 17 và Cách mạng Pháp thế kỷ 18 đã xảy ra nơi các Nhà nước quốc gia được lập dựng xong trong một chừng mực rất lớn, những nhà nước đã đạt đến, quả đúng là vậy, sự hoàn hảo của chúng trong và bởi các cách mạng ấy; chính vì vậy, trong hai cuộc cách mạng đó, sự hủy bỏ phong kiến và nhất là sự giải phóng nông dân đã nằm ở ngay tiền cảnh. Chủ yếu chính điểm đặc biệt ấy của cách mạng Đức là thứ đã khiến cho khả dĩ giải pháp một phần và có tính cách phản động của 1870.
Hệ quả của toàn bộ chuyện này là tại Đức tiến bộ xã hội và phát triển quốc gia không giúp lẫn nhau và không đồng đều tiến lên, mà đối lập với nhau. Chính vì thế phát triển của chủ nghĩa tư bản, cả nó nữa, đã không tạo ra một tầng lớp bourgeois có khả năng tự đặt mình đứng đầu quốc gia. Ngay cả lúc chủ nghĩa tư bản đã trở nên hình thức kinh tế thống trị, còn hơn thế nữa, ngay cả khi nó đã bước vào pha đế quốc, thì điều hành chính trị vẫn cứ nằm lại trong tay các “lực cũ”.
Ở Đức cũng như khắp nơi, chuyên chế của các Nhà nước nhỏ chuyển hóa giới quý tộc cũ độc lập thành quý tộc triều đình, áo thụng hoặc quân phục. Cuộc nổi loạn Sikingen, đi trước chiến tranh nông dân không lâu, đã là chuyển động độc lập cuối cùng của tiểu quý tộc phong kiến phong cách cũ. Kể từ đó, nếu đặt sang một bên một số lượng nhỏ những ngoại lệ mỗi lúc một hiếm hơn, thì chúng ta nhận thấy sự quan liêu hóa và sự lệ thuộc của giới quý tộc. Ấy là một tiến trình lẽ dĩ nhiên cũng đã diễn ra ở Pháp. Nhưng tính cách xã hội của nó ở đó đối lập chằn chặn. Tại Pháp (và tại Anh), văn hóa bourgeois càng lúc càng thêm hoạt tác lên quý tộc, ngay cả lên khối phản động hơn cả, đến mức sớm biến thành ra một kẻ lập dị kỳ khôi và lạ thường mọi con người nào xa lạ với tiến hóa đó. Ở Đức - nhất là nơi Phổ, chỗ sẽ quy định phong cách của Reich tương lai - thì, ngược lại, chính ý luận của các thân hào áp con dấu của mình lên các lớp có tính cách quyết định của trí năng tính bourgeois. Từ những thói quen bên ngoài cho tới ý luận, chúng ta nhận thấy ở mọi chốn sự đồng hóa ấy của các trí thức bourgeois vào với ý luận của thân hào.
Tiến trình đó giải thích tình trạng đầu óc Đức hiện đại, mà lẽ dĩ nhiên chúng tôi không thể phân tích trong không gian chật hẹp mà chúng tôi có ở đây. Chúng tôi chỉ muốn thu hút sự chú ý của độc giả lên vài điểm cốt yếu; chẳng hạn như, lên sự thiếu can đảm dân sự trong đó Bismarck từng thấy một đặc trưng quốc gia và chắc hẳn đấy là một nét đặc thù của giới quý tộc triều đình và áo thụng. Trong liên quan chặt với nó, là nỗi sợ mọi quyết định tự trị và mọi trách nhiệm và, cùng lúc, sự tàn bạo phi nhân tính và chẳng chút coi trọng về phía những kẻ thấp hơn (bị che giấu đi với những người ở cao hơn). Sự thiếu năng lực chính trị thường được ghi nhận của giới bourgeois Đức có nguồn gốc nơi cùng tiến hóa ấy. Người bourgeois Đức cần một “trật tự” và anh ta tạo ra “trật tự” đó để phụng sự cho bất kỳ ai và bất kỳ cái gì; sự quỵ lụy, thứ Byzance luận, cuộc tìm kiếm các vinh dự càng lúc càng trở nên những đặc trưng của giới bourgeois Đức và cho thấy sự vắng mặt gần như hoàn toàn của mọi phẩm cách ở giới bourgeois ấy.
Sau sự lập ra mang tính cách phản động nhất thể Đức, một công việc tái giáo dục về ý luận đã làm được một việc là khiến nhìn thấy trong tính cách lạc hậu kia một lợi thế, bằng cách gây tin tưởng rằng chính nước Đức đó sẽ được gọi để vượt qua các mâu thuẫn của dân chủ hiện đại bằng cách tạo ra một “nhất thể cao hơn”. Không hề là ngẫu nhiên khi ý luận phản dân chủ đã được lập dựng lần đầu tiên chính tại Đức, khi trong thời kỳ đế quốc Đức đóng một vai trò hướng dẫn trong lập dựng ý luận phản động.
Nhịp nhanh mà phát triển của chủ nghĩa tư bản chậm chân đã có ở Đức đã biến Reich thành một trong những Nhà nước đế quốc chính yếu. Ấy là một sự vị quyết định, bởi đế chế thuộc địa cùng các tầng cầu ảnh hưởng của Nhà nước đó tỉ lệ nghịch trong tương quan với lực và với những tham vọng chủ nghĩa tư bản của nó. Đó là lý do cuối cùng khiến Đức đã thử, trong hai cuộc thế chiến, buộc thế giới phải phân chia lại các thuộc địa và các tầng cầu ảnh hưởng. Thất bại tất yếu của hai toan tính ấy không chỉ là kết quả từ tương quan cụ thể giữa các lực: cấu trúc của tương quan giữa các lực đó, quả thật, bản thân nó là kết quả của hướng đã chọn bởi phát triển của chính trị bên trong và bên ngoài Đức. Mưu mẹo ti tiện và sự tàn bạo rất lớn ở vào chỗ của nhìn xa trông rộng và sự mạnh mẽ, các xoay xở chiến thuật cùng các kỹ thuật ở vào chỗ của một chiến lược với những tầm nhìn rộng rãi, đặc trưng hóa cho chính trị của Đức trong hòa bình cũng như trong chiến tranh. Nếu, như Clausewitz từng nói, chiến tranh thực sự là một sự tiếp tục của hòa bình với các phương tiện khác, thì các cuộc chiến tranh của Đức mang lại cho chúng ta một hình ảnh tập trung của những khía cạnh chết chóc và bị bóp méo của tiến hóa Đức.
Rất rõ, việc ở đây cần phải có một nhìn nhận sáng sủa triệt để. Vấn đề chỉ là biết xem bằng cách nào làm được điều đó. Chối từ hết thảy là một giải pháp cũng khó chấp nhận ngang với ân xá chung. Phải hiểu và áp dụng, theo một cách thức cụ thể, sự thật đơn giản sau đây: tiến hóa văn hóa của Đức là kết quả của một tranh đấu giữa tiến bộ và phản động. Trong chừng mực ở Đức các khuynh hướng phản động đã trở nên chiếm ưu thế, chính phải từ đó mà khởi đi nhìn nhận sáng sủa về ý luận. Nhưng điều này muốn nói, cùng một lúc, rằng những khuynh hướng cấp tiến của cuộc sống Đức phối hợp với toàn bộ khuynh hướng nhằm đến đổi mới của châu Âu, cũng như mọi văn hóa dân chủ được đổi mới đều phải tìm thấy các kẻ thù nơi những ý luận phản động của phương Tây. Một sự triệt để thực và khách quan trong thanh toán với phản động Đức chỉ có thể đạt được nhở một tinh thần lịch sử cụ thể.
Giờ đây đã tới lúc đặt ra, theo một cách thức cụ thể, câu hỏi: đâu là thái độ của chúng tôi đối với văn hóa Đức? Hoặc, chính xác hơn - để vẫn ở lại trong những giới hạn của cuốn sách này và không khơi lên các vấn đề mà thậm chí chúng tôi còn không thể phác họa câu trả lời - đâu là thái độ của chúng tôi đối với giai đoạn của Goethe? Đã từ lâu người ta gặp vấn đề ấy trong văn chương, nhất là văn chương Anglo-Saxon, sau Thế chiến thứ nhất. Hiệu lệnh thời thượng được biết lối phổ quát: Weimar chống Potsdam. Nhiệm vụ mà nó đề xuất đã tự mình tố cáo sự sai của nó. Văn hóa Đức không thể quay “ngược về sau”, về Weimar của Goethe, chẳng hề hơn so với văn hóa Anh về lại Shakespeare hay văn hóa Pháp về Racine. Văn hóa Weimar mang, trong sự lớn lao cũng như trong những giới hạn của nó, dấu ấn của quốc gia Đức bị chia nhỏ, lạc hậu về xã hội và kinh tế, bị áp bức về chính trị. Hẳn người ta không sao tưởng tượng được quyết định biến quá khứ ấy (nó đã qua một cách chung quyết) thành một hiện tại bằng cách bỏ đi tiến hóa đã diễn ra trong khoảng thời gian.
Tuy nhiên có một vấn đề khác: tới điểm nào văn hóa của Weimar có thể có một tầm quan trọng hướng lối đối với tính giéc-manh hiện thời? Trong chừng mực nào nó có thể trở thành một đối trọng về văn hóa, một lực đối lập với sự Phổ hóa của tinh thần Đức? Cái đó là một câu hỏi thực. Nhưng cả ở đây các khó khăn nghiêm trọng cũng hiện lên. Trước hết hẳn sẽ là lố bịch khi “hé lộ” Goethe và Schiller với người Đức. Từ hơn một thế kỷ nay, toàn bộ văn hóa Đức phát triển dưới dấu hiệu của họ. Bản thân chủ nghĩa phát xít cũng đã chỉ loại bỏ khỏi lịch sử văn chương Đức Böerne và Heine; Goethe và Schiller đã giữ được vị trí trung tâm của họ. Điều này biến, ở vẻ ngoài, tình hình còn trở nên nhiều vấn đề hơn nữa. Bởi dường vậy thì, thoạt đầu, Goethe và Schiller có phần trách nhiệm trong tiến hóa sai của các tầng lớp thống trị tại Đức và thậm chí của toàn dân tộc Đức; rằng họ tham gia những tội lỗi phạm bởi người Đức chống nhân loại. Quả thật không chỉ đám phát xít đã biến Hölderlin, chẳng hạn, nhờ vào các trích dẫn lệch lạc khéo léo hay thô thiển, thành ra một ông tổ tinh thần của chủ nghĩa phát xít. Cũng có những nhà văn tiến bộ, với sự giúp đỡ, cả họ nữa, của các trích dẫn cô lập giật ra khỏi bối cảnh, bị đánh giá quá cao hoặc bị bóp méo, đã chất lên lưng Goethe và Schiller một tham gia về trách nhiệm của tiến hóa Đức phản động và đã biến họ thành những người tiền triệu cho phản động Đức.
Hẳn sẽ không đáng, việc dành sự chú tâm dẫu nhỏ nhất cho những nhầm lẫn đó nếu không có đằng sau chúng cả một thế kỷ của làm giả lịch sử lối hệ thống, thứ đã bóp méo hoàn toàn dáng vẻ của thời kỳ cổ điển trong văn chương Đức. Chính vì thế cần phải có một hiểu biết thực về lịch sử, về văn chương và về triết học, một nghiên cứu khoa học độc lập và không định kiến, thì mới hòng, bên dưới vô số lớp gây biến dạng, làm cái nguyên ủy lại hiện ra đúng như nó từng và như nó vẫn, với các hiệu ứng nghiêm túc và cấp tiến mà hẳn nó có thể có, ngày hôm nay.
Trong cuốn sách của mình về Lessing, Mehring đã phát triển phối cảnh đúng duy nhất trong đó người ta phải nhìn nhận văn chương Đức hồi cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Văn chương ấy là sự chuẩn bị về ý luận cho cách mạng bourgeois dân chủ ở Đức. Chỉ bằng cách nhìn nhận, từ quan điểm đó, toàn bộ thời kỳ văn chương Đức đi từ Lessing tới Heine, chúng ta mới sẽ có thể thấy nằm ở đâu những khuynh hướng cấp tiến hay phản động thực sự.
Mehring đã đặt vấn đề chuẩn xác và ông cũng đã thấy, ít nhất là một phần, con đường mà nghiên cứu cần phải theo: cần phải xem xét kỹ các điều kiện đặc thù của tiến hóa Đức, tính cách lạc hậu về kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước, nhưng phải nhìn toàn bộ cái đó trong tổng thể của tình hình quốc tế, cái đã quy định - cả về dương tính lẫn âm tính - phát triển nguyên ủy của văn chương Đức. Cách mạng Pháp lớn, thời kỳ Napoléon, kỳ Trung hưng, cách mạng tháng Bảy, là những sự kiện đã ảnh hưởng lối cũng sâu sắc như nhau lên tiến hóa văn hóa của Đức cũng như cấu trúc xã hội bên trong của nó. Mọi nhà văn Đức quan trọng đều không chỉ sáng tạo trên địa hạt của phát triển của tổ quốc riêng của anh ta, mà là, cùng lúc, người đương thời giàu sức hiểu, phản chiếu tinh thần của các sự kiện thế giới mà anh ta đồng hóa và phát triển.
Và không chỉ là chính những sự kiện ấy, mà cả sự chuẩn bị của chúng cùng các hệ quả của chúng. Ở đây chúng tôi phải ghi nhận - và trong điều này chúng tôi vượt qua các phối cảnh của Mehring - rằng tính cách lạc hậu về kinh tế và xã hội của Đức đã không, ở những gì liên quan đến phát triển văn chương và triết học, đối với những nhà thơ và nhà tư tưởng lớn chỉ là một trở ngại; nó cũng hàm ý một lợi thế nhất định. Những bất lợi thì hiển nhiên. Ngay cả những người khổng lồ như Goethe và Hegel cũng đã không thể tự giải thoát hoàn toàn khỏi bầu không khí ngạt thở ấy của tinh thần philistin chật chội vây quanh toàn bộ văn chương cổ điển Đức. Ngược lại, mới thoạt đầu, người ta khó lòng thấy được ở chỗ nào vị thế thuần ý luận của các vấn đề lớn thời đó, được nối chặt chẽ vào với những điều kiện ti tiện và philistin của đất nước, đã cùng lúc lập dựng một lợi thế quan trọng cho khả năng can đảm mà đặt ra các vấn đề và suy nghĩ những câu trả lời cho tới các hệ quả cuối cùng của chúng. Chính vì những nền móng xã hội cùng các hệ quả xã hội của một số vấn đề thơ hay lý thuyết, không ngay tức thì hiển hiện trong cuộc sống thực tiễn, đã nảy sinh cho tinh thần, cho suy nghĩ, cho sự chuyển dịch văn chương, một không gian ở vẻ ngoài tương đối không giới hạn, như không thể biết đến đối với những người đương thời của các xã hội phương Tây tiến hóa hơn.
Nói ngắn gọn, không hề là ngẫu nhiên khi các luật của chuyển động mâu thuẫn của tiến hóa, các nguyên tắc nền tảng của phương pháp biện chứng trở nên có ý thức chính tại Đức, trong thời kỳ đi từ Lessing đến Heine, khi Goethe và Hegel đưa phương pháp ấy lên trình độ cao nhất mà nó có thể đạt tới ở bên trong những giới hạn của suy nghĩ bourgeois. (Tôi đã phác họa tiến hóa văn chương và triết học Nga trong cuốn sách của tôi Các nhà thực tại luận Nga lớn nơi tôi đã chỉ ra rằng các nhà tư tưởng Nga hồi những năm 50, Tschernischewskij và Dobroljubow, là những khuôn mặt của trung chuyển giữa dân chủ cách mạng và viễn kiến xã hội chủ nghĩa về thế giới). Từ đó mà có chuyện một trong các thời kỳ cấp tiến cuối cùng của suy nghĩ bourgeois, một trong những cách mạng tinh thần cuối cùng của nó diễn ra chính ở nước Đức vào thời của Goethe. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi việc chế tạo bởi Marx và Engels - cũng là những người Đức - ra phương pháp triết học đi xa nhất, duy vật luận biện chứng, choàng vòng hoa lên thời kỳ đó. Chẳng phải là không có lý do mà Lenin lại chỉ biện chứng Hegel như là một trong ba nguồn của mác xít.
Phân tích tổng thể các tương quan đó vượt quá các khuôn khổ của lời tựa này, đã là vì cuốn sách của chúng tôi không hề muốn phân tích từ mọi quan điểm khối các vấn đề đó. Chính vì thế tôi sẽ chỉ đề cập chi tiết những vấn đề đặc thù của tiến hóa của Đức vào thế kỷ 19 sau khi đã cho in các nghiên cứu của tôi về những nhà thực tại luận Đức thời kỳ ấy. Ở đây không thể nào mang lại điều gì khác ngoài một phác họa ngắn các vấn đề có tính cách quyết định trên đó đã tập trung sự làm giả phản động lịch sử của văn chương cổ điển Đức; phác họa sẽ cho phép độc giả hiểu rõ tầm quan trọng cùng biểu nghĩa của cuộc tranh đấu giữa tiến bộ và phản động trong thời kỳ tiến hóa đó.
Câu đầu tiên trong số những câu hỏi có tính cách quyết định ấy là câu hỏi về tương quan với chuyển động thế giới của ánh sáng. Một mặt lịch sử phản động về văn chương cố gắng trên điểm này đặt đối lập tiến hóa Đức với tiến hóa Pháp, tưởng tượng ra một sự thù địch giữa chúng, gán một cách sai trái cho các nhà ý luận cấp tiến lớn của nhận thức quốc gia Đức một thứ sô vanh chống Pháp. Mặt khác, nó tìm cách đưa vào văn chương Đức hồi cuối thế kỷ 18 một ý luận gây tăm tối, kẻ thù của ánh sáng (lý thuyết về cái gọi là tiền lãng mạn).
Mehring, trong những gì liên quan tới Lessing, đã phản bác học thuyết đầu tiên trong số những học thuyết sai đó. Ông đã chỉ ra các dây nối giữa phê phán Voltaire và Corneille bởi Lessing và vấn đề chính yếu mà giai đoạn giải phóng quốc gia của Đức đặt ra, cuộc tranh đấu giữa văn hóa giả hiệu của các triều đình Đức nhỏ bắt chước theo Versailles. Ông đã chỉ ra rằng Lessing không chỉ tiến hành cuộc tranh đấu ấy dưới dấu hiệu của Sophocle và Shakespeare, mà cũng và thậm chí nhất là dưới dấu hiệu của Diderot. Sự làm giả còn đi xa hơn nữa lúc vấn đề nằm ở thời kỳ của “Sturm und Drang”. Được đặt trên vài trích dẫn, bị giật khỏi bối cảnh, từ những tác phẩm của Goethe trẻ, của Schiller và của Herder, chúng ta được thấy ở đây những cuồng hoan đúng nghĩa của thói sô vanh Đức chống Pháp. Trên thực tế, Montesquieu, Diderot và Rousseau cũng là những người bảo trợ về tinh thần của chuyển động ấy và cái gọi là tinh thần chống Pháp ở đây được hướng lối theo một cách thức con thống thiết hơn chống lại tinh thần phản quốc gia của các triều đình nhỏ; chỉ trong tổng thể ấy mà người ta mới có thể hiểu được sự bảo vệ Shakespeare chống lại Voltaire. Vô số đoạn trong các tác phẩm, những bức thư và những trò chuyện của Goethe cho thấy tầm quan trọng của Voltaire đối với sự hình thành của ông về tinh thần, trong quãng trưởng thành của ông. Và thậm chí chúng tôi còn chưa nói tới các quan hệ của Goethe già với văn chương Pháp thời của ông (Mérimée, Hugo, Stendhal, Balzac).
Lý thuyết về cái gọi là đối lập của “Sturm und Drang” với Aufklärung còn khó trụ vững hơn. Những làm giả chính thức lịch sử Đức đặt đối lập một mặt ý thức lịch sử đang sinh ra trong “Sturm und Drang” với cái gọi là tinh thần phản lịch sử của Aufklärung, và mặt khác xuất phát từ một đối lập cơ học giữa tình cảm và lý trí nhằm đến một phi lý tính vờ vịt của văn chương Đức thời kỳ đó. Chúng tôi chỉ nhắc lại những gì chúng tôi vừa nói về sự sinh ra của biện chứng. Cái đã trở nên quen thuộc việc chỉ định như là phi lý tính của Aufklärung thường xuyên hơn cả là một đà về phía biện chứng, một cố gắng vượt qua logic hình thức cho đến lúc đó chiếm ưu thế. Điều này chắc hẳn giải thích một khủng hoảng về khuynh hướng triết học thống trị của Aufklärung, sự chuyển sang một trình độ cao hơn của suy nghĩ. Nhưng cái đó cũng là một khuynh hướng quốc tế của toàn bộ suy nghĩ của ánh sáng, dẫu cho trên điểm này Aufklärung Đức đóng như phát triển cuối cùng, một vai chỉ dẫn. Engels chỉ ra, chẳng hạn, nơi Diderot và Rousseau, các típ phát triển rất cao của khuynh hướng biện chứng ấy.
Chính đây là một vấn đề nối chặt vào với vấn đề sử luận. Tinh thần phản lịch sử của suy nghĩ ánh sáng là một truyền thuyết bịa ra bởi phản động lãng mạn. Chỉ cần nghĩ đến những nhà văn như Gibbon và Voltaire là đủ thấy đến mức nào truyền thuyết đó không thể trụ vững được. Cả trên điểm này, Aufkläung Đức chắc hẳn đi xa hơn. Nhưng nó không làm điều đó theo hướng của sử tính giả hiệu lãng mạn. Herder, thông qua “phổ quát tính lịch sử” của mình, chẳng hạn, là một người tiền triệu cho viễn kiến biện chứng về thế giới nơi Hegel. Tiểu luận về Werther, trong tập sách này, xử lý đối lập vờ vịt giữa tình cảm và lý trí.
Từ toàn bộ điều đó thấy rõ rằng Goethe trẻ tham gia tiến hóa chung của suy nghĩ ánh sáng và ở bên trong nó trong tiến hóa của Aufklärung Đức nói riêng, tiến hóa tự đóng khung mình vào tiến trình lớn của chuẩn bị về ý luận của Cách mạng Pháp. “Tuổi trẻ của Goethe” (và của Schiller), như vậy, là một bộ phận hữu cơ và quan trọng của một chuyển động cấp tiến thế giới.
Quả đúng rằng hình tượng Goethe trẻ dẫu thế nào là điểm yếu hơn cả trong truyền thuyết phản động của Goethe. Bởi sự nổi loạn của Goethe trẻ chống lại trật tự có sẵn, chống lại nước Đức thời của ông là nhiển nhiên tới nỗi ngay cả lịch sử chính thức của văn chương cũng không thể hoàn toàn chối nó. Sự gặt hái lại càng bởi thế mà phong phú hơn trong tiến hóa về sau của Goethe nơi truyền thuyết khởi đi từ sự xa rời của ông khỏi cuộc sống công cộng, đi đến, xuyên qua lòng căm ghét Cách mạng Pháp, với một Goethe, vốn dĩ là một trong những hình tượng lớn nhất của triết học phi lý tính hiện đại “về sự sống”, một ông tổ tinh thần của Schopenhauer và của Nietzsche và còn hơn nữa, trên bình diện văn chương, một trong những người lập ra phản thực tại luận phong cách hóa. Truyền thuyết lịch sử ấy có ảnh hưởng lớn và phổ biến đến mức người ta tìm thấy lại các hiệu ứng của nó ngay cả ở những nhà văn cấp tiến và chống phát xít.
Nhằm chiến đấu chống lại tất tật các truyền thuyết đó hẳn cần viết một tiểu sử Goethe mới. Ở đây chúng tôi phải tự giới hạn mình - bằng phong cách gần như điện tín - vào các điểm quan trọng hơn cả. Trước hết chúng tôi nhấn mạnh công lao của Mehring, người đã hiểu rằng Goethe đã không chạy trốn sang Ý do thất tình, vì cuộc khủng hoảng trong mối tính của ông với Charlotte von Stein mà bởi toan tính của ông trong việc cải cách về mặt xã hội công quốc Weimar chiểu theo đúng những nguyên tắc của suy nghĩ ánh sáng đã thất bại trước sự kháng cự của triều đình, của giới quan liêu và của Charles-August (những tìm kiếm của riêng tôi, mà tôi không thể trình bày ở đây, đã dẫn tôi đến với lòng tin rằng không chỉ Mehring đã thấy đúng trong cách ông nhắm tới nỗi thất vọng của Goethe trước cuộc sống công cộng duy nhất khả dĩ vào giai đoạn ấy tại Đức, mà còn có chuyện toan tính và thất bại của Goethe bao trùm nhiều địa hạt khác mà Mehring không biết). Chính ở đây có các rễ của sự nhẫn nhục về sau nơi Goethe. Sự rút lui của ông khỏi cuộc sống công cộng, như vậy, chứa đựng một phê phán không nương tay sự chậm trễ về xã hội của nước Đức thời ông. Sự nhẫn nhục của ông không hề hàm ý chút chối bỏ nào, cả các nguyên tắc của Aufklärung lẫn những mục đích xã hội của nó, nó là một chối từ nước Đức đúng như nó vốn dĩ vào thời kỳ ấy, với các công quốc nhỏ kẻ thù cho tiến bộ của nó. Độc giả cuốn sách này sẽ không tìm thấy ở đó các phân tích cụ thể về những tương quan của Goethe với các vấn đề xã hội lớn thời ông; nhưng nếu do chính bản tính của nó một cuốn sách tiểu luận như thế này không thể mang tới một hình ảnh rộng lớn và hoàn chỉnh về tất tật những vấn đề kia, thì tôi hy vọng rằng cách thức mà Goethe dùng để thực sự đặt các vấn đề và cả những nét chung trong các câu trả lời của ông, tuy vậy, lại sẽ toát ra từ đó.
Những tương quan của Goethe với Cách mạng Pháp được nối chặt chẽ vào với tổng thể các vấn đề ấy. Truyền thuyết xuất phát ở đây từ những phản động đầu tiên của Goethe trước Cách mạng, từ các vở hài kịch của ông - chúng ta hãy nói rõ ràng điều này - vụn vặt và không biết điểm dừng; nó lờ đi tất tật những lựa chọn vị thế sau này, chín hơn, mà yếu tính hẳn có thể được tóm tắt trong nhận định rằng ông đã nhất quyết tán thành các mục đích xã hội của Cách mạng Pháp, cùng lúc chối từ với cùng lượng mạnh mẽ những phương pháp plébéien trong hiện thực hóa, của nó. Ấy là một trong vô số câu hỏi mà nơi giải pháp Goethe đi theo một con đường song song với con đường của người đương thời lớn lao nhưng trẻ hơn của ông: Hegel. Cả hai đều hiểu rằng sự bừng nở và thắng lợi của Cách mạng Pháp mở ra một giai đoạn mới cho toàn bộ văn hóa phổ quát; cả hai đều nỗ lực, mỗi người trong lĩnh vực của mình, rút ra hết mức có thể những hệ quả của bước ngoặt ý luận đó. Thực tại luận của Goethe ở kỳ chín của ông, như chúng tôi chỉ ra trong cuốn sách, là một sản phẩm hữu cơ của cách thức hình dung các sự kiện lớn giai đoạn ấy.
Mối quan hệ của Goethe với Hegel (và đã từ trước quan hệ của Schiller với Schelling) đưa chúng ta đến vấn đề viễn kiến về thế giới. Chừng nào tân-Kant luận chiếm ưu thế, mốt là đòi thái độ không-triết học, và thậm chí phản triết học của Goethe. Kể từ khi với giai đoạn đế quốc, cái gọi là “triết học sự sống” đã trở nên tại Đức dòng tinh thần ưu thế, danh tiếng triết học của Goethe đã tăng rất cao, điều này tuy thế lại đóng góp rất ít cho sự hiểu các sự vị thực. Từ Nietzsche xuyên qua Gundolf, cho tới Spengler, Klages, Chamberlain và Rosenberg, mỗi người đã biến Goethe thành người tạo ra viễn kiến về thế giới: chiếm ưu thế, phi lý tính, phản động và kẻ thù của tiến hóa. Thật không may chúng tôi đã không có dịp xem xét cho đến cùng vấn đề đó trong cuốn sách. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng các nghiên cứu về Faust sẽ chỉ cho độc giả thấy phương pháp mà anh ta có thể dùng và hướng trong đó cần phải tìm: Goethe, bên cạnh Hegel và song song với ông, ở tư cách hình tượng lớn của biện chứng lịch sử đang được cụ thể hóa.
Hiển nhiên là vấn đề Goethe sẽ không thể bị cạn kiệt, ngay cả khi cuốn sách của tôi mang tới lời đáp chi tiết cho tất tật những câu hỏi ấy. Để làm điều đó hẳn sẽ cần cả một chuyên luận. Tôi đã dự định và chuẩn bị một chuyên luận trong suốt nhiều năm. Thật không may chất liệu của nó đã bị mất vào một bước ngoặt bất hạnh của các sự kiện chiến tranh, thành thử tôi phải tạm thời từ bỏ việc làm xong công việc đó. Vậy nên tôi bày ra đây những nghiên cứu này với một sự nhẫn nhục nhất định, với độc giả.
Sự nhẫn nhục ấy liên quan đến các đặc trưng của giai đoạn Goethe gần như cũng ngang với đến nhân cách của chính Goethe. Cuốn sách này chỉ mang tới một số nét thành phần trong các nhân cách của Schiller và Hegel. Tôi cũng hoàn toàn ý thức được rằng ngay một phác họa cho giai đoạn của Goethe vẫn sẽ cứ ở mức hơn là phân mảnh nếu nó không chứa một đặc trưng nghiêm túc của Lessing và của Herder. Và ngay cả khi người ta không quên Hölderlin - về ông, như độc giả sẽ có thể tự thuyết phục mình, đã phải phá hủy lượng truyền thuyết cũng ngang bằng với về Goethe - điều này chỉ khiến ổn thỏa được trong chừng mực các dòng từng biểu đạt một vọng âm triệt để hơn của Cách mạng Pháp so với ở Goethe và ở Hegel trở nên hiển hiện. Phân tích họ hàm ý sự đưa ra ánh sáng những nguyên nhân từng quy định thất bại bi thảm của các dòng như vậy nơi nước Đức của Goethe.
Những nhận xét có tính cách nhập đề này chỉ được phác họa qua loa. Bản thân cuốn sách chỉ mang lại một chất liệu có tính cách phân mảnh. Tôi hy vọng, tuy thế, mình đã chỉ ra được rằng ở đây vấn đề nằm ở một thời kỳ cấp tiến - trong các đường chính của nó - của văn hóa phổ quát. Tương tự như tại Pháp và Anh sự chuẩn bị về ý luận cho cách mạng bourgeois (từ Hobbes cho tới Helvetius) đã lập ra triết học duy vật, cũng vậy, nó đã đặt cùng các nền móng cho suy nghĩ biện chứng hiện đại. Và song song với đó nó đã tạo ra chính nơi tác phẩm thơ của Goethe một cây cầu giữa hiện tại luận lớn của thế kỷ 18 và hiện tại luận lớn của thế kỷ 19. Suy nghĩ và nghệ thuật con người ở đây đã có một bước tiến lớn về phía trước.
Sau đó, không cần nữa, tôi hy vọng là vậy, một biện minh chi tiết cho tầm quan trọng và tính thời sự mà nghiên cứu về giai đoạn Goethe bày ra. Không định hướng ý luận, văn hóa và văn chương mới nào là có thể nếu không có một nghiên cứu mới và một ước lượng mới về những dòng lịch sử thế giới trong quá khứ, và nhất là quá khứ gần hơn cả. Nếu chúng ta muốn chiến đấu thực sự chứ không chỉ bằng những lời suông chống lại các dòng phản động từng thống trị Đức cho đến giờ, hiểu biết về những tranh đấu văn hóa, ý luận và văn chương đã sản sinh văn chương và triết học cổ điển Đức trở nên không thể thiếu.
György Lukács, Cao Việt Dũng dịch