Khác Đọc

Gombrowicz về Bruno Schulz

Thứ Sáu

Trước mặt tôi có Bruno Schulz với bản dịch tiếng Pháp, đã được Suzanne Arlet (nhà thơ) cho hay từ vài tuần trước. Đó là một tập truyện ngắn nhan đề Traité des mannequins[1] (hầu hết các truyện lấy từ tập Những hiệu quế) do Juillard xuất bản.

Phần giới thiệu. Đầu tiên là Nadeau: “…chúng ta phải đảm bảo cho ông ấy một vị trí trong số những nhà văn vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.” Tiếp theo là nghiên cứu tuyệt vời của Sandauer[2] - rõ là ông ấy khá rành Schulz; ông ấy thận trọng nhưng sáng suốt.

Bruno.

Tôi đã biết từ lâu việc ấn bản này được chuẩn bị với rất nhiều nhiều kỳ công, tuy vậy khi nhìn thấy cuốn sách, tôi đã nhăn mặt. Giờ thì chuyện gì sẽ xảy ra đây? Nó sẽ là một “quả bom xịt” hay một thành công toàn cầu? Những liên hệ của nó với Kafka có thể làm mọi việc trơn tru hay, hết sức dễ dàng, ngăn trở nó. Nếu như họ nói, lại thêm một tác phẩm tương tự nữa, ông ấy thất bại. Nếu, mặt khác, họ nhận ra độ sáng đặc biệt của ông, ánh sáng rộn ràng phát ra từ ông ấy như một con bọ phát quang, thì ông sẽ trượt vào những tưởng tượng đã được vun xới bởi Kafka và các tiền bối của ông… Nhưng giờ mới là tháng Bảy chưa thể nói trước được gì, và chắc chắn không dễ để dự đoán số phận của tác phẩm hiếm có này tại Paris.

Quỷ dữ chiếm Paris! Thật mệt mỏi quá đỗi - Paris! Nếu không phải vì Paris, tôi chẳng phải nhọc lòng viết ra kỉ niệm này về một “người bạn đã khuất,” hẳn tôi chẳng cần làm bài tập văn pháp này.

Thứ Bảy

Khó mà gọi đó là tình bạn – trong những năm quen biết nhau chúng tôi vẫn chưa được sinh ra. Các năm 1934, 1935. Phố Aleje Ujazdowskie. Chúng tôi tản bộ. Nói chuyện. Ông ấy và tôi trên phố Służewska[3]. Ông, Witkacy, và tôi. Nałkowska[4], ông, và tôi. Trong bộ phim này, “thấp thoáng trên màn ảnh ký ức,” tôi thấy ông như một người hoàn toàn xa lạ với tôi, nhưng rồi tôi cũng thấy chính mình theo cách ấy - đó không phải chúng tôi, mà là phần giới thiệu về chúng tôi, một khúc dạo đầu, một đoạn nhập đề.

Tôi muốn dẹp bỏ ngay lập tức một sự khiếm nhã gây khó chịu, một thứ gì đó chắc chắn rất tệ: Bruno ngưỡng mộ tôi nhưng tôi không ngưỡng mộ ông.

Lần đầu tiên ông xuất hiện ở chỗ tôi, trên phố Służewska, sau khi xuất bản Những hiệu quế - tôi vừa mới công bố Hồi ký tuổi dậy thì[5] của mình. Ông nhỏ con, kỳ lạ, hão huyền, tập trung, sôi nổi, gần như phát sốt - và đó là cách những chuyện trò giữa chúng tôi bắt đầu, thường là khi đi dạo.

Chúng tôi thực sự cần nhau là điều không thể chối cãi. Chúng tôi thấy mình trong chân không, vị thế văn chương của chúng tôi mất hút trong khoảng không, người hâm mộ chúng tôi là những bóng ma, thứ gì đó như apparent rari nantes in gurgite vasto[6], chúng tôi đều trôi nổi trong Văn chương Ba Lan như một thứ trang trí, hoa văn, chimera, griffin.

Sau khi đọc cuốn sách đầu tiên của tôi, Bruno phát hiện ra một người đồng hành nơi tôi. Ông tiếp tục xuất hiện, để tìm sự xác nhận nơi tôi, để tôi cung cấp cho ông cái Bên ngoài , thứ mà nếu thiếu đi thì cuộc sống nội tâm sẽ bị kết án là độc thoại – và ông muốn tôi dùng ông theo cách tương tự. Ông xuất hiện như một người bạn, đúng thế (tôi nhấn mạnh), như một tâm hồn đồng điệu để gia cố và gây lòng mến nơi tôi.

Và đây là chỗ bị “hụt” hay “lệch khớp,” theo như từ ngữ trong tác phẩm của chúng tôi… vì bàn tay ông chìa ra không gặp bàn tay tôi. Tôi đã không đáp lại lòng yêu mến nơi ông, tôi đã dành cho ông vô cùng ít, gần khư không gì cả, từ bản thân mình, mối quan hệ của chúng tôi là một thất bại hoàn toàn… nhưng có lẽ như vậy lại bí mật có lợi cho chúng tôi? Có lẽ ông và tôi cần một thất bại lớn hơn là cộng sinh trong hạnh phúc?

Hôm nay tôi có thể nói điều này một cách cởi mở vì ông đã chết.

Bởi thế cho phép tôi sung sướng lặp lại lần nữa: Ông đã gầy dựng tôi ra sao, ông đã củng cố tôi như thế nào. Trong cuộc đời văn chương u sầu của mình tôi đã nhận quá đủ những đối xử tàn tệ, nhưng tôi cũng gặp được vài sự ưu ái, hoàn toàn không ngờ trước, với sự xa hoa của một vị vua Ba Tư - không ai, tuy thế, hào phóng hơn Bruno. Chưa bao giờ, trước đó hay về sau, tôi được tắm trong niềm vui sướng thuần khiết như vậy vì mọi thành tựu nghệ thuật của mình. Chưa từng ai ủng hộ tôi một cách chân thành như vậy, chưa từng ai sung sướng với tôi, từng vồ lấy mỗi một và tất cả mọi suy tư của tôi như ông ấy đã làm - tôi lưu ý: chưa bao giờ trong quãng tình bạn của chúng tôi Bruno có bất cứ ác ý nào; thực vậy, ông cho tôi nếm thứ sữa của lòng tốt con người… Tôi chỉ cần kể chuyện đã xảy ra với Ferdydurke là đủ. Tôi đưa ông ấy xem bản thảo dang dở, và ông trả lại nó chưa đầy một tuần sau, mặt ông tối sầm.

- Anh nên quay lại với những tưởng tượng của anh trong Hồi ức tuổi dậy thì, như thế hợp với anh hơn – ông nói với vẻ bực dọc thấy rõ.

Nhưng sau này, khi đã đọc Ferdydurke ở dạng sách, ông bốc hỏa làm tôi gần cháy rụi, dù tôi vốn lạnh lẽo. Khi có cơ hội đến Vác-sa-va, ông đã diễn thuyết một bài (sau đó được in lại trên tờ Skamander[7]) về Ferdydurke tại Hội Nhà văn, gây được tiếng vang và làm đám quan chức hồi ấy tức điên.

Bạn có cho là tôi không đoán trước được? Và rồi chẳng phải sẽ tế nhị hơn biết bao nếu tôi không đẩy mình lên hàng đầu trong kỷ niệm về một “người bạn đã khuất” này? Khiêm tốn!.. Tôi phải vội cảnh báo bạn rằng tôi quen thuộc với quy tắc này trong khía cạnh xã hội cũng như đạo đức của nó. Nhưng chẳng phải Hoàng tử Ypsilanti đã nói rằng những ai hiểu được là không nên ăn cá bằng dao thì đều có thể ăn cá bằng dao sao? Quá nhiều những chỗ cảnh vẻ. Và nếu như bạn có trong đầu những cân nhắc về đạo đức sâu sắc hơn thế nữa, thì tôi sẽ nói với bạn, hết sức thẳng thắn, rằng nếu cứ giữ im lặng về những điều này tôi sẽ hoàn toàn bóp méo những gì đã tồn tại giữa chúng tôi - và cái việc giống như tội ác này, phạm bởi một nhà văn mà châm ngôn của anh ta là ở gần sự thật nhất có thể, là không thể tha thứ. Có lẽ tôi không nên viết về Schulz đối với tôi, hay là tôi đối với Schulz - nhưng liệu kiểu tiết chế này có đáng được đề xuất không? Những mụ giúp việc già đứng đắn, không phải văn chương, mới nên tránh những chủ đề nguy hiểm. Bỏ đi điều này ư? Nỗi chán ghét, sự mệt mỏi với chính mình áp đảo tôi bởi ngay cả ở đây, trong khi viết về một “người bạn đã khuất,” tôi phải là chính mình… Tôi phải mạo hiểm trở nên đáng ghét.

Và tôi đã phản ứng trước sự hào hiệp của Schulz thế nào? Tôi mến ông… đúng thế. Chúng tôi đã có nhiều chuyện trò thân tình, tôi thường ủng hộ ông; trong mắt người khác, chúng tôi là một cặp. Có vẻ! Bản tính tôi chẳng bao giờ cho phép tôi tiếp cận ông cách nào khác ngoài ngờ vực; tôi đã không trông cậy vào ông cũng như nghệ thuật của ông. Liệu tôi có nên thành thật bảo rằng tôi đã chẳng đọc bất cứ một truyện nào của ông từ khởi đầu cho đến kết thúc không? Không - chúng làm tôi chán đờ người. Bởi thế, tôi phải hết sức cẩn thận trong mọi điều mình nói, để ông không nghi ngờ gì về lỗ hổng ấy, thứ rình rập cả hai chúng tôi. Thực sự ông đã nghi ngờ bao nhiêu?

Tôi không tự trách mình chút nào vì đã thiếu tình cảm để đáp trả. Ngược lại - tôi xem là đáng tán thưởng việc đã không để mình bị mua chuộc; tôi thấy thật hấp dẫn khi một người đáp lại bằng cái lạnh băng giá trước sức nóng kinh khủng từ người khác; một nghệ sĩ không nên là hàm số cho nhiệt độ của kẻ khác. Ngoại trừ việc… tôi đã viết một bài ngắn về Bruno trên tờ Kurier Poranny và tôi nhớ rằng đã rất sợ mọi người bảo tôi ca ngợi ông vì ông ca ngợi tôi… thoát khỏi nỗi sợ này xong thì ra đời một bài báo không trực tiếp viết về Schulz mà về cách người ta nên đọc ông. Và đôi khi tôi có thể khá nhỏ mọn với ông và điều này thậm chí có thể xem là bần tiện nếu không kể đến sự bần tiện trong tính bủn xỉn của tôi, giống như sự cao thượng nơi lòng hào hiệp của ông. Không đáng tin. Cứ như thể. Không thật. Trong đức hạnh và trong tội lỗi, phôi chúng ta vô tri.

Chủ nhật

Chúng tôi là bạn? Đồng nghiệp? Đã bao lần chúng tôi được nhắc đến cùng nhau trong những đống văn chương tồn kho đủ loại dưới tên “văn xuôi thử nghiệm Ba Lan.” Và tuy vậy nếu có tác giả nào tồn tại trong nghệ thuật Ba Lan đối lập một trăm phần trăm với tôi, đó là ông.

Tôi không thể nào nhớ được liệu điều này đã từng được nêu ra một cách cởi mở trong các cuộc đối thoại giữa chúng tôi những khi ông ghé thăm Vác-sa-va hay chưa. Nhưng một lần, khi đang dạo trên phố Aleje Ujazdowskie, trước tượng đài Chopin, ông nói rằng mặc dù các tác phẩm của chúng tôi được nối với nhau bởi “sự mỉa mai, nhạo báng phi thực tế, trò chơi trốn tìm, chỗ tôi trên bản đồ cách xa chỗ anh hàng trăm dặm, và còn nữa, giọng anh, để gặp được giọng tôi, hẳn phải bị làm chệch hướng bởi thứ gì đó khác; chẳng có đường dây liên lạc trực tiếp nào giữa chúng ta.”

Theo ý tôi, là như thế này: Bruno là người chối bỏ chính mình. Tôi là người đi tìm bản thân. Ông muốn thủ tiêu. Tôi muốn nhìn thấy. Ông sinh ra để làm nô lệ. Tôi sinh ra để làm ông chủ. Ông muốn sự phỉ báng. Tôi muốn được “ở trên” và “cao hơn”. Ông thuộc chủng tộc Do Thái. Tôi xuất thân từ giới tiểu quý tộc Ba Lan.

Và ông là một tên khổ dâm vô độ không ngừng nghỉ - người ta cảm thấy điều này ở ông mọi lúc. Không, ông không được tạo ra để thống trị! Một quỷ lùn tí hon với cái đầu to tướng, có vẻ quá sợ hãi để dám tồn tại, ông bị tống ra khỏi cuộc đời và nằm dọc theo đường biên của nó. Bruno không thừa nhận quyền tồn tại của mình, ông tìm kiếm sự thủ tiêu của mình - không phải là ông muốn tự sát; ông chỉ “chiến đấu” để không tồn tại với mọi sức lực của ông (và điều này đúng là thứ khiến ông, theo kiểu Heidegger, quá nhạy cảm với tồn tại). Theo tôi chẳng có cái mặc cảm à la Kafka trong nỗ lực này, mà giống thứ bản năng khiến con vật bệnh tách ra, tự loại bỏ mình đi hơn. Ông vô dụng. Ông chẳng dính dáng. Có thể là chứng khổ dâm của ông cũng mang một khía cạnh khác, tôi không biết, nhưng chắc chắn đó là sự kính trọng dành cho sức mạnh của sự tồn tại, thứ đã giẫm nát ông.

Kẻ bị loại ra khỏi cuộc đời thì nên làm gì đây? Anh ta chẳng thể làm gì khác ngoài trú ẩn trong Tinh thần - và đó sẽ là Chúa nếu anh ta là một tín đồ; Đạo đức nếu như anh ta chẳng phải tín đồ mà là một người công chính; Nghệ thuật nếu như anh ta tôn sùng cái đẹp… Bruno không quá nghi ngờ Chúa cũng như ông chẳng hứng thú mấy với ngài, và mặc dù ông bày tỏ một cảm giác đạo đức sâu sắc trong mọi việc, ông hoàn toàn không xem đạo đức như là giáo lý hay mệnh lệnh dẫn lối cho mọi hành động. Vậy chỉ còn lại nghệ thuật… Và thực vậy, tôi thấy ông hoàn toàn tận tụy với nó, bị nó vắt kiệt với một lòng nhiệt tâm và sự tập trung mà tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ ai khác - ông là một người cuồng tín của nghệ thuật, nô lệ của nó. Ông bước vào nhà tu kín này và phục tùng sự khắc nghiệt của nó, tuân theo những mệnh lệnh nghiêm ngặt nhất của nó với lòng khiêm nhượng vô biên để đạt đến mức hoàn hảo.

Nhưng ông chưa bao giờ đạt được sự thánh hóa.

Theo những gì tôi hiểu về Bruno, một người không hề dễ hiểu, xu hướng khổ dâm của ông, được Sandauer giải tỏa đúng lúc, tạo nên chìa khóa dẫn đến sự thất bại về tinh thần, điều đã xảy ra với ông tại nơi ẩn náu cuối cùng - trong nghệ thuật. Đúng vậy, phép biện chứng của niềm vui và nỗi đau thì xa lạ với chứng khổ dâm (cũng như đặc tính của nghệ thuật), và còn xa lạ hơn nữa với mong muốn tự hủy diệt, điều này có thể giải thích được nhiều thứ.

Sẽ ra sao khi một thầy tu đang tự quất mình đầy sốt sắng trước một ảnh thờ thì đột nhiên cảm thấy rằng chiếc roi không còn là công cụ tra tấn nữa mà đã trở thành công cụ làm ngây ngất? Sự phát triển hợp lý của tình huống này dẫn chúng ta đến một nghịch lý rùng rợn: tội nhân, để được cứu rỗi, nghĩ ra ngày càng nhiều cực hình khủng khiếp hơn nữa, tuy vậy càng đau lại càng vui, càng tội lỗi lại càng ngọt ngào!

Quên cơn đau đi. Hãy để chúng tôi nói về tự-hủy diệt. Người nghệ sĩ thần thánh này - thật thế - chắc chắn đã có thể giành được thật nhiều địa vị và sự kiêu hãnh, thật nhiều tinh thần, từ rực rỡ của những thành tựu nghệ thuật thành thử sự suy nhược về mặt sinh học hẳn sẽ ít quan trọng hơn. Ông có thể nhập vào tồn tại trong một tầng cầu khác, bởi vì cuộc đời đã từ chối ông. Kẻ tự hạ mình sẽ được tôn lên cao - ông có thể vươn lên theo cách này. Nhưng giả như tha hóa và hèn mọn không khiến ông phải trả giá thì sao, giả như chúng không có giá trị phẩm hạnh nào đối với ông thì sao, ngược lại, ông hài lòng với tất tật những thứ đã làm ông mất giá, những thứ đã quật ông xuống đất. Ông tiếp cận nghệ thuật như thể nó là cái hồ ông định chết chìm trong đó. Khuỵu gối trước Tinh thần, ông trải nghiệm khoái cảm nhục dục. Ông muốn làm một người hầu, không hơn. Ông khao khát không tồn tại.

Đó là tòa án của kẻ thích mùi vị đòn roi!

Và nếu như ông nói nghệ thuật là “sự phản bội” hay một thứ “mồi nhử”, thì chính là do sự trụy lạc này mà ra.

Thứ Hai

Và chính với một nghệ sĩ trụy lạc như vậy tôi đã kết bạn. Kể từ khi ông đằm mình trong lạc thú và quỳ xuống với đầy nhục cảm, chẳng phải là chí ít nghệ thuật đã có thể trở thành một công cụ của phẩm cách ông dù chỉ nhất thời, thứ gì đó mà ông có thể sử dụng cho chính tâm hồn mình hay đơn giản là để dùng riêng hay sao? Sandauer gọi ông là Hermes. Không, không, trong tâm trí tôi chẳng có Hermes nào nơi ông; ông vô dụng như một vật trung gian giữa tinh thần và vật chất. Thực tế, thái độ ngang ngạnh của ông đối với tồn tại (câu hỏi rất Heidegger “Tại sao Có-gì chứ không phải Không-gì mới tồn tại?” có thể là châm ngôn cho tác phẩm của ông) dẫn đến sự thật là đối với ông vật chất được chiếu sáng bởi tinh thần, và tinh thần được thành hình, nhưng tiến trình Hermes-hóa này được thêm gia vị với khao khát làm “suy nhược” tồn tại: vật chất thì bị hỏng, bị bệnh, hoặc ngấm ngầm thù nghịch, hoặc đánh lừa, và thế giới tinh thần bị biến thành một chuỗi ảo ảnh hoàn toàn thuộc về xác thịt của màu sắc và ánh sáng, ý định về phần tinh thần của nó bị phá hỏng. Thay thế tồn tại bằng nửa-tồn tại, hoặc bằng có vẻ như tồn tại - đó là ước mơ thầm kín của Bruno. Ông cũng muốn làm yếu đi vật chất giống như tinh thần. Chúng tôi thường thảo luận về các vấn đề đạo đức và xã hội khác nhau nhưng đằng sau mọi điều ông nói đều nằm phục sự thụ động của ai đó đem đến đổ nát. Như một nghệ sĩ, ông hoàn toàn vừa vặn với mọi chất liệu trong tác phẩm của ông, trong trò chơi của riêng ông và những sắp đặt từ sâu bên trong, khi ông viết một truyện ông chẳng có luật nào khác ngoài luật nội tại của việc giải hình thức. Một kẻ khổ hạnh giả, vị thánh khoái lạc, tu sĩ dâm đãng, người thỏa mãn hư vô. Và ông biết điều này.

Trong khi ông đặt mình dưới nghệ thuật theo cách này, tôi lại muốn “ở trên” nó. Đây là bất đồng chính của chúng tôi.

Như đã nói, tôi xuất thân từ tầng lớp tiểu quý tộc, cái ách này gần nặng ngang bằng và chỉ ít bi thảm hơn một chút so với cái ách của hàng ngàn năm bài Do Thái. Tác phẩm đầu tiên tôi viết vào năm mười tám tuổi là lịch sử gia đình tôi, dựa trên các tài liệu lưu trữ gồm có bốn trăm năm sống sung túc ở Samogitia[8]. Một địa chủ - dù anh ta là một chủ đất ở Ba Lan hay một nông dân Mỹ cũng chẳng khác gì nhau - sẽ luôn nuôi dưỡng ngờ vực đối với văn hóa, bởi vì sự tách biệt của anh ta với các trung tâm lớn của hoạt động con người khiến anh ta kháng cự lại những sản phẩm và những va chạm của con người. Và anh ta sẽ mang bản chất của một chủ nhân ông. Anh ta sẽ đòi hỏi văn hóa phải vì anh ta, không phải anh ta vì văn hóa; tất tật những khiêm tốn phục vụ, tận tụy, hy sinh, sẽ đều đáng ngờ đối với anh ta. Những quý tộc Ba Lan đã nhập tranh vẽ từ Ý ở thời của họ ấy, liệu có chuyện họ hạ mình trước một kiệt tác treo tường không? Chẳng riêng ai hết. Cả người làm công cũng như những nghệ sĩ đã tạo ra chúng đều bị coi rẻ.

Tôi, ngược lại, kẻ phản bội và chế nhạo “giới” của mình, tuy vậy tôi vẫn thuộc về nó - và tôi dường như đã nói rằng rất nhiều gốc rễ của tôi được tìm thấy trong thời kỳ mà giới tiểu quý tộc tự do nhất, thế kỷ thứ mười tám. Tôi mang rất nhiều vẻ Sắc-xông. Vậy thì, bởi lý do này, Bruno, quỳ gối trước nghệ thuật, hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhưng chưa hết. Đặt một chân trong thế giới tiểu quý tộc vui tươi, chân còn lại trong thế giới của văn chương trí tuệ và tiên phong, tôi ở giữa hai thế giới. Ở-giữa không phải một cách tồi để nâng bản thân lên - nhờ áp dụng quy tắc chia để trị bạn có thể tạo ra sự ngấu nghiến lẫn nhau của hai thế giới rồi thoát ra và vút lên “ở trên” chúng.

Tôi có thói quen tỏ ra mình thuần là một nghệ sĩ với họ hàng ở quê nhà (để chọc tức họ), và với các nghệ sĩ tôi tỏ ra mình thuần là một địa chủ quý phái (để cũng chọc tức họ luôn).

Tôi luôn phát cáu với đám nghệ sĩ quá mức cuồng nhiệt. Tôi không thể chịu đựng những thi sĩ quá thi sĩ, và những họa sĩ quá tận tụy vẽ tranh. Tôi thường muốn con người không hiến hoàn toàn bản thân cho bất cứ thứ gì. Tôi muốn rằng anh ta luôn thờ ơ một chút với những gì anh ta làm. Bruno còn hơn cả một nghệ sĩ so với tất tật các thi sĩ bị nguyền rủa gộp lại với nhau, và vì một lý do ngược đời mà ông hoàn toàn không tôn thờ nghệ thuật một chút nào. Để tôn thờ, người ta phải là ai đó, còn ông thì muốn đánh mất mình ở đó, để biến mất hoàn toàn.

Còn tôi, trái lại, muốn là chính mình, chính mình, không phải một nghệ sĩ hay một ý tưởng hay bất kỳ tác phẩm nào của tôi - chỉ là bản thân tôi. Tôi muốn ở trên nghệ thuật, viết lách, phong cách, các ý.

Thứ Ba

Ông muốn tôi công kích ông. Hơn thế tôi còn có ấn tượng rằng ông đã hiểu một sự thật hết sức lạ lùng - cụ thể, là tôi, đã biết ông từ lâu, chẳng hề chịu khó đọc sách của ông. Ông kín đáo và không hỏi dò tôi về nó, biết rằng tôi sẽ trượt bài kiểm tra. (Nhưng có lẽ ông biết - giống như tôi - rằng nghệ thuật đỉnh cao hầu như còn chưa được biết đến, rằng ít nhiều chúng hoạt động khác thường, bởi chính sự hiện diện của chúng trong văn hóa hiện hành?) Mọi thứ gì trở thành hiểu biết của tôi về ông (và giờ vẫn tiếp tục) đều đến từ những mẩu đọc (chúng làm quáng mắt tôi) trộn lẫn với những mẩu còn lại từ rất nhiều chuyện trò của chúng tôi. Có lẽ ông cũng thích việc tôi xem thường chúng? Và đã đặt tôi lên bệ vì tôi đã xem thường chúng?

Tôi cũng đã bị làm kinh ngạc bởi hiểu biết sâu sắc và dễ dàng của ông về những thứ khiến tôi xa lánh nghệ thuật nhưng gắn tôi vào những điều thường ngày trong cuộc sống. Những người có văn hóa, có học thức khó mà nắm được điều này nơi tôi. - Làm sao có thể, người như anh, một nhà văn không đúng nghĩa, khó làm vừa lòng, lại chán Kafka, không hứng thú với hội họa, đọc tiểu thuyết rẻ tiền? - Tôi thường bị hỏi những câu như thế. Bruno chẳng hề gặp khó khăn gì với thằng bé học trò trong tôi (có lẽ đơn giản là vì với sự minh mẫn kỳ diệu của mình ông nhìn nhận tôi với những giới hạn rộng hơn).

Bất lực. Giải thích sai. Ai biết được… có lẽ điều này thúc ông tới không chỉ bởi ông là một kẻ thù của việc quan niệm dựa trên nguyên tắc. Có lẽ là bởi khả năng biết sợ nơi ông va vào khả năng không biết sợ nơi tôi mà sự liên hệ giữa chúng tôi hóa ra một sự tăng tiến chung từ góc nhìn tiềm năng nghệ thuật của chúng tôi?


Thứ Tư

Nếu ai đó nghe lén những chuyện trò của chúng tôi trong những năm đã xa ấy, hẳn anh ta sẽ xem chúng tôi như những kẻ âm mưu. Mưu đồ gì? Bruno nói với tôi về một “bản thảo cũ phi pháp” và tôi nói với ông về việc “làm nổ tung tình thế” và “xâm hại hình thức.” Ông nói với tôi về “sự đánh lạc hướng của thực tại” và tôi tiếp tục về việc “phải phóng những câu chối tai.” Cũng có lúc nói về “văn hóa nhóm” và “chỉ-thiếu-cái đẹp” và “kistch” (mà Bruno gọi là “thế phẩm”), v.v… Loại phòng thí nghiệm gì đây?

Thật ra chúng tôi đúng là những kẻ âm mưu. Chúng tôi mải mê thử nghiệm một thứ chất nổ được gọi là Hình thức. Nhưng đây không phải hình thức theo bất kỳ nghĩa thông thường nào - vấn đề là “tạo ra hình thức”, “chế ra nó”, và “tạo ra người ta qua sự hình thành của hình thức”. Thật khó để tôi giải thích được trong vài từ; ai quan tâm nên nhìn vào sách của chúng tôi. Tôi sẽ chỉ lưu ý rằng dù mỗi chúng tôi khởi đầu khác nhau (vì trong khi tôi muốn tiếp cận bản thân mình, và con người nói chung, qua một khiêu khích của hình thức và những tiếng nổ chói tai của nó, Bruno rút mình khỏi thuật giả kim này như biếu không, hoàn toàn cho không, với tính vô tư của một tồn tại ngoài lề), chúng tôi ít nhiều có nét chung. Bruno thầy tu không có Chúa… và tôi, với tính kiêu ngạo kiểu con người, thứ thực sự là “một mình với chính nó”, không hỗ trợ bởi bất cứ gì, một ông vua của cái mệnh lệnh tuyệt đối gào lên trong rỗng không: hãy là chính mình!

Do đó, những chơi đùa với hình thức này đã hòa hợp chúng tôi. Và chính xác ở đây tôi nghi ngờ - với những nhà thí nghiệm như chính chúng tôi, những người đang trong giai đoạn thử nghiệm - rằng sự thất bại trong mối ràng buộc chung của chúng tôi có thể là điều đáng mừng nhất. Sẽ ra sao nếu tôi đã đáp lại ngưỡng mộ bằng ngưỡng một - chẳng phải chúng tôi sẽ quá thỏa mãn sao… quá nghiêm túc trong mắt nhau? Giả như ông cảm thấy sự kính sợ của tôi, giả như tôi, trong cơn ngưỡng mộ, đặt một giá trị lên sự ngưỡng mộ của ông - chẳng phải như vậy sẽ làm mỗi người chúng tôi quá nặng nề để làm thí nghiệm… với một người khác nữa sao? A, đúng vậy, cả ông và tôi đều tìm kiếm sự ngưỡng mộ, sự xác nhận… bởi vì một khoảng chân không sẽ làm ta kiệt sức… Liệu kiểu hòa hợp này có ổn thỏa với phong cách của chúng tôi? Thứ phù hợp hơn với phong cách chúng tôi chính xác là sự đảo ngược lộn xộn của sự việc, thứ mà ở đó bàn tay chìa ra của ông không chạm tay tôi - tình huống điển hình Schulzian này, chắc chắn cũng chẳng lạ lùng với tôi, ít nhất cho phép chúng tôi bảo tồn sự tự do kì lạ của những sinh vật chưa được sinh ra, sự ngây thơ đặc quyền của phôi thai - điều này, bởi vậy, khiến chúng tôi nhẹ nhõm khi đương đầu với Hình thức.

Và cũng như sự ngưỡng mộ - hay sự thiếu nó - điều chúng tôi thực sự quan tâm, bởi cả hai chúng tôi đều không thực sự là nhà văn.

Thứ Năm

Chúng ta đừng quên đề cập đến người lính ngự lâm thứ ba. Witkacy. Người phục sức với mớ lông chim như một dandy siêu hình, kẻ điên vĩnh viễn bị loại bỏ. Tôi không thích ông ấy. Ông ấy làm tôi bực, và những thử nghiệm của ông ấy với hình thức, có lẽ là bạo nhất, không thuyết phục được tôi - chúng quá trí tuệ và không có khả năng vượt ra khỏi một vẻ mặt cau có… Tôi cảm thấy ông ấy thiếu tài năng. Và những mánh của ông ấy, giống cách Dalí dùng để làm ngạc nhiên, quá cổ điển trong kiểu siêu thực của họ đối với tôi.

Giống vua Lear, Witkacy luôn xuất hiện với một đoàn tùy tùng những cận thần và những gã hề, chủ yếu được tuyển từ những thứ văn vẻ méo mó khác nhau (giống như tất cả những tên độc tài, ông ấy chỉ chịu được những kẻ kém hơn). Khi nhìn thấy Schulz hay tôi cùng với ông chủ, nhiều kẻ trong đám hầu cận ấy hẳn xem chúng tôi như thành viên của triều đình Witkacy, vì chẳng có cách giải thích nào khác lọt được vào những cái đầu lệ thuộc của họ - và bởi vậy mà có tin đồn rằng Schulz và tôi xuất thân từ môn phái của Witkacy. Chẳng có gì là như vậy. Bruno, như tôi nhớ lại, không kiếm chác được gì và chẳng nồng nhiệt với ông ấy, và tôi không thấy dấu vết nào của Witkacy trong tác phẩm của ông.

Nhưng chúng tôi, dù thế nào đi nữa, cũng là một bộ ba khá đặc trưng. Witkiewicz: sự khẳng định có chủ ý về cơn điên của “hình thức thuần khiết” thông qua việc trả thù cũng như việc hoàn thành số phận bi kịch của ông, kẻ điên quẫn trí. Schulz: tự hủy trong hình thức, kẻ điên chết chìm. Tôi: khao khát cháy bỏng sử dụng hình thức để đạt đến “tôi” và cái thực của mình, kẻ điên trong cuộc phản loạn.

Trích từ chương I, Nhật ký Gombrowicz, 1961

Bản dịch tiếng Anh của Lillian Vallee

Xuân Trường dịch


[1] Luận về ma nơ canh.

[2] Artur Sandauer, nhà phê bình người Ba Lan, người nghiên cứu về Schulz và Gombrowicz.

[3] Aleje Ujazdowskie và Służewska là những phố nằm trong khu vực trang nhã của Vác-sa-va, thời chiếm đóng thuộc về quân đội Đức và cấm người Do Thái lai vãng.

[4] Stanisław Ignacy Witkiewicz: kịch tác gia, tiểu thuyết gia, họa sĩ và triết gia người Ba Lan. Zofia Nałkowska: tiểu thuyết gia người Ba Lan.

[5] Tập truyện ngắn đầu tay của Gombrowicz xuất bản năm 1933, còn có tên khác là Bakakaj.

[6] Thơ Virgil, Aneneid I, 118: Họ xuất hiện như những vận động viên hiếm hoi bơi trong xoáy nước.

[7] Một tạp chí văn học Ba Lan.

[8] Một trong năm vùng văn hóa của Lithuania.

Tags: Bruno Schulz Gombrowicz Witkacy Xuân Trường