Khác Đọc

“Hựu nhật tân”

(Về chương hai và chương ba của tiểu luận Họa sĩ của cuộc sống hiện đại)

Cần nhắc lại một ý của Baudelaire trong đoạn cuối của chương thứ nhất: một trong hai điều ông chỉ trích Stendhal, là đã “tháo gỡ quá nhậm lẹ nghệ thuật khỏi tính cách quý tộc của nó”.

Nhưng đã thế thì cũng cần nhắc lại cả điều kia: dẫn câu của Stendahl “bảo rằng Cái Đẹp chỉ là lời hứa về hạnh phúc”, Baudelaire bình luận rằng Stendhal như vậy đã đặt “cái đẹp” vào vị thế quá “quy thuận” tính cách thất thường “vô chừng mực” của “hạnh phúc”; và trong sự phản đối này lóe lên ánh sáng suốt, ít nhiều Khắc kỷ luận, của tính cách tinh hoa.

Rất có vẻ ta không nên quên “tính cách quý tộc của nghệ thuật” khi xem “nghệ thuật” đi vào “cuộc sống hiện đại” này; hơn nữa, như Baudelaire nhắc lại ngay trong đoạn đầu của chương thứ hai, “Những bức tranh khắc nhiều sắc độ của thế kỷ 18 đã lại giành được các ân sủng của mốt, như tôi vừa nói ngay ở trên; pastel, eau-forte, aquatinte đã lần lượt cung cấp những đội ngũ của mình cho quyển từ điển mênh mông ấy về cuộc sống hiện đại” - điều ấy có thể hiểu là thời hiện đại này vốn đã có các vị Tiền Hô của nó - các sử gia sẽ không ngạc nhiên - và như thế, “tính cách quý tộc của nghệ thuật”, Baudelaire nhắc nhở, đã thuộc vào kết cấu tinh thần của nó.

Chương thứ hai, rất ngắn, của tiểu luận này, cho một toát yếu về biểu hiện của tính hiện đại: “cuộc sống bourgeois cùng các cảnh tượng của mốt” mà “trong cuộc sống vụn vặt, trong biến hóa thường nhật của những thứ bên ngoài, có một chuyển động thật mau” - ngần ấy thứ, đã có gì thực sự khác đi đâu nhỉ, với cốt lõi nơi “cuộc sống bourgeois” dẫu cho bao nhiêu “biến hóa thường nhật” nó đã kinh qua.

Dĩ nhiên ở đây Baudelaire chỉ ra nó từ cái nhìn qua “croquis phong hóa” - và nếu, chỉ cần thay vào croquis đó bằng các tiến hóa của nhiếp ảnh, documentaries rồi TV cùng những cameraman và cứ thế, sẽ thấy là vẫn đúng như in trong tương quan cả với các mô tả về người chép phong hóa: “… thiên tài của nghệ sĩ chuyên vẽ phong hóa là một thiên tài thuộc một bản tính hỗn hợp, tức là nơi một phần lớn nó đẫm tinh thần văn chương. Nhà quan sát, kẻ thơ thẩn, triết gia, hãy gọi anh ta như bạn muốn … Thỉnh thoảng anh ta là nhà thơ; thường xuyên hơn anh ta xích lại gần tiểu thuyết gia hoặc luân lý gia; anh ta là họa sĩ của hoàn cảnh và của mọi thứ gì mà nó gợi ý ở khía cạnh vĩnh cửu.”

Đây là tính hiện đại được mô tả không chút mơ hồ, từ một cảm năng luận - như đã nói, lược bỏ câu hỏi trừu tượng cách nào đó dễ dông dài, để đi vào các sự  “hiện tại”, tức tính thơ “nơi phẩm chất cốt yếu về hiện tại của nó” cách hoàn toàn cụ thể và thực. Cảm năng luận Baudelaire đánh giá cách xác thực tầm mức của tính hiện đại đó, ở trình hiện của các croquis phong hóa, dĩ nhiên: “… nhiệm vụ to lớn ấy, vốn dĩ hết sức nhỏ mọn ở về bề ngoài. Chúng ta có nơi thể loại đó những tòa công trình đúng nghĩa. Người ta đã gọi rất đúng các tác phẩm của Gavarni và của Daumier là những phụ tố của Vở kịch con người. Chính Balzac, tôi rất tin vào điều này, hẳn đã không ở xa chỗ chọn lấy ý đó”.

Bằng việc đặt các croquis phong hóa vào kho đạo cụ sân khấu và biểu diễn cho Vở kịch con người, Baudelaire xác nhận cái khao khát lớn của tính hiện đại “mà nó gợi ý ở khía cạnh vĩnh cửu”: nắm bắt lấy cốt yếu của sự thể qua các “chuyển động thật mau” của các “hoàn cảnh”.

Định vị rõ ràng cái “vĩnh cửu và bất biến” trong điều kiện chuyển biến “thật mau” của “yếu tố thứ hai” “tương đối, thuộc hoàn cảnh” - hai yếu tố cấu thành của đẹp-nghệ thuật trong “lý thuyết” cảm năng mà ông đề xuất, như thế, như cái nền, Baudelaire chuyển sang điều mà hết thảy thường đề cập ngay khi nói về cái/tính hiện đại: sự mới, cái mới, phẩm chất  mới. Nhưng tất nhiên Baudelaire không bàn về cái mới ở địa hạt của các “Mốt”.

Đó là điều ta thấy, hay đúng hơn nó mở ra, trong chương thứ ba của tiểu luận này, NGHỆ SĨ, HOMME DU MONDE, NGƯỜI CỦA ĐÁM ĐÔNG VÀ ĐỨA TRẺ. Ở chương rất đặc thù này, ta gặp nhiều đoạn không khác gì thơ Baudelaire - thậm chí nên nói rằng toàn bộ chương này là như vậy. Chẳng hạn, một trong các đoạn Baudelaire viết cái nhìn của M.G - nhân vật của tiểu luận này:

“Và ông lên đường! và ông nhìn dòng sông sức sống chảy, uy nghi biết bao và rực rỡ biết bao. Ông ngưỡng mộ sự đẹp vĩnh cửu và sự hài hòa gây kinh ngạc của sự sống nơi các thủ đô, sự hài hòa được duy trì lối thiên hựu xiết bao nơi ồn ĩ của tự do con người. Ông chiêm ngưỡng các phong cảnh của thành phố lớn, những phong cảnh đá được làn sương ve vuốt hoặc bị đánh quật bởi những cú táng của mặt trời. Ông hưởng thụ các cỗ xe đẹp, lũ ngựa kiêu hãnh, sự sạch sẽ bóng bảy của các anh groom, sự thiện xảo của đám gia nhân, dáng điệu của những phụ nữ lượn sóng, những đứa trẻ con xinh đẹp, sung sướng được sống và được ăn mặc đẹp; nói ngắn gọn, cuộc sống phổ quát. Nếu một mốt, một nhát kéo cắt trên trang phục bị biến đổi đi chút ít, nếu những cái nơ ruy băng, những vòng khóa bị tiếm ngôi bởi các huy hiệu, nếu mũ trùm đã rộng ra và nếu búi tóc rơi xuống một nấc nơi gáy, nếu xanh tuya đã được nâng cao lên và cái jupe thì nới rộng ra, thì hãy tin rằng từ khoảng cách rất xa con mắt đại bàng của ông đã đoán được điều đó rồi.”

Chẳng nghi ngờ gì, đấy cũng là một mô tả “con mắt đại bàng” của chính Baudelaire - nhãn quan và tầm nhìn siêu vượt của chính ông. Mặt khác, cũng không sai, Baudelaire nhận ra sự mới có phẩm chất đó trong cái nhìn của một nhà “họa sĩ của hoàn cảnh” “lối thiên hựu”: cái nhìn nắm bắt sự “chảy” của “dòng sông sức sống” mà, chẳng hạn, những tình tiết hoạt kê lối thơ như “sự thiện xảo của đám gia nhân, dáng điệu của những phụ nữ lượn sóng” cho đến “một nhát kéo cắt trên trang phục bị biến đổi đi chút ít” vân vân đã rõ ràng hàm ngụ thời độ-“chảy” của các động tác và chuyển biến hết mức đa dạng, ngắn và dài hơn, khác biệt hoặc gần gũi, do sự “chảy” nên luôn luôn  mới, mà tổng thành được “sự hài hòa” “vĩnh cửu” đến độ biểu đạt được “cuộc sống phổ quát”.

Theo đó, hẳn nên thấy cốt lõi của mới nằm trong cái nhìn, và rồi, trong “sự chóng về thực thi” của nhà “họa sĩ của hoàn cảnh”. Đây chẳng phải yếu chỉ của tinh thần luận về nghệ thuật hiện đại sao.

Như người ta nói tiểu luận này của Baudelaire báo trước xuất hiện hội họa của Manet, song, có lẽ phải nói cái nhìn của Baudelaire vốn đã trông xa hơn nữa, tới chỗ cực hạn của tính hiện đại, như ông mô tả model M.G của mình:

“Khi rốt cuộc cũng tìm được ông, trước hết tôi đã thấy rằng mình không chính xác có việc phải làm với một nghệ sĩ, mà đúng hơn là với một homme du monde. Hãy hiểu ở đây, tôi xin bạn, từ nghệ sĩ trong một nghĩa rất hẹp, và homme du monde trong một nghĩa rất rộng. Homme du monde, tức là con người của toàn thế giới, cái con người hiểu thế giới và những lý do bí hiểm và hợp thức nơi tất tật các cách dùng của nó; nghệ sĩ, tức là chuyên gia, người gắn bó với pa lét của anh ta giống nông nô gắn chặt vào mảnh đất. M. G. không thích bị gọi là nghệ sĩ. Chẳng phải ông có chút đúng? Ông quan tâm đến cả thế giới; ông muốn biết, hiểu, coi trọng toàn bộ những gì diễn ra trên bề mặt cầu của chúng ta. … Trừ dăm ba ngoại lệ chẳng tích sự gì mà nêu ra, phần lớn các nghệ sĩ là, cần phải nói rõ điều này, những kẻ thô lậu rất khéo léo, các thợ tay chân thuần túy, các trí năng của làng, các bộ óc của thôn. Trò chuyện của họ, nhất thiết bó hẹp vào một vòng tròn rất hẹp, rất mau chóng trở nên không sao chịu nổi với homme du monde, cho công dân trí tuệ của vũ trụ.”

Ắt là nói gì thêm kiểu nối-Điêu vào đây đều thừa - trường nghệ thuật từ hơn hai trăm năm qua đến nay đã lần lượt cung cấp bằng chứng đa dạng và ngoạn mục cho tiên đoán này của Baudelaire rồi. Chỉ cần nhấn mạnh thêm, hoàn toàn do khoái thú, vào mô tả của Baudelaire về cái bản sinh của homme du monde đó, mà, theo lối thơ của Baudelaire một công-dân-trí-tuệ-vũ-trụ, được ví von với cái tò mò ở một người mới ốm dậy, và đặc biệt , cái tò mò của một đứa trẻ:

“Vậy nên, để bước vào sự hiểu M. G., hãy ngay lập tức ghi nhận điều sau đây: ấy là sự tò mò có thể được coi như là điểm xuất phát cho thiên tài của ông. … Sự tò mò đã trở nên một dục vọng định mệnh, không sao cưỡng nổi! … Đứa trẻ thấy mọi điều như mới; lúc nào nó cũng say. Chẳng gì giống hơn với cái mà người ta gọi là cảm hứng nữa, niềm vui với đó đứa trẻ con hấp thụ hình thức và màu. Tôi sẽ cả gan đẩy đi xa hơn; tôi khẳng định rằng cảm hứng có tương quan nào đó với sung huyết, và rằng mọi suy nghĩ trác tuyệt đều được đi kèm bởi một lay động thần kinh, ít nhiều mạnh, nó vang lên tận đến trong tiểu não. Con người chứa thiên tài có những dây thần kinh vững chắc; đứa bé thì có chúng ở dạng yếu. Nơi người này, lý trí đã chiếm một vị trí đáng kể; ở kẻ kia, sự nhạy cảm chiếm gần như toàn bộ bản sinh. Nhưng thiên tài chỉ là tuổi thơ tìm lại được tùy ý, giờ đây là tuổi thơ được phú cho, nhằm tự diễn tả, các bộ phận nam tính cùng tinh thần phân tích, thứ cho phép nó lập trật tự cho tổng số các chất liệu được thu thập lại lối ngoài chủ đích. Chính vào sự tò mò sâu sắc và vui tươi ấy mà cần phải phải gán cho ánh mắt chăm chăm và phấn hứng lối thú vật của bọn trẻ con trước cái mới, dẫu đó có là gì, khuôn mặt hay phong cảnh, ánh sáng, sự mạ vàng, các màu, những thứ vải lóng lánh, sự bỏ bùa của đẹp được toilette làm cho đẹp thêm lên. … Ngay ở trên tôi đã cầu xin bạn coi M. G. như một người mới ốm dậy vĩnh cửu; để hoàn chỉnh hình dung của bạn, cũng hãy xem ông là một đàn ông-trẻ con, là một người sở hữu vào mỗi phút thiên tài của tuổi thơ, tức là một thiên tài với đó chẳng khía cạnh nào của sống bị nhão đi .”

Một lần nữa ta lại thấy một tín điều cho nghệ thuật thời hiện đại, rằng làm cho “thấy mọi điều như mới”, và dĩ nhiên, đó trước tiên vẫn là việc của một cái nhìn. Nhưng hẳn cũng nên lưu ý là Baudelaire buộc cái nhìn như thế cùng “thiên tài” như đã vậy vào với cái “bản sinh”. Trong mô tả này của ông, cái bản sinh cũng, như cảm năng luận ông đề xuất, có một cấu tạo nhân đôi - “lý trí” và “sự nhạy cảm”; song, hẳn chẳng nên coi “lý trí” đó như là thuộc về cái biểu hiện thông thường của lý tính phổ biến cấp độ ngày ngày, sẽ luôn luôn thành ra mệt và không ngừng "bị nhão đi "; mà hẳn nên hình dung một “lý trí” lúc nào cũng “nhạy cảm” - và Baudelaire, dĩ nhiên qua model M.G này của ông, cho ta biết cái bản sinh ấy đã giữ lý trí-nhạy cảm của mình thế nào:

“Đám đông là địa hạt của ông, như không khí là địa hạt của chim, như nước là địa hạt của cá. Dục vọng của ông và nghề của ông, ấy là cưới lấy đám đông. Đối với người thơ thẩn hoàn hảo, đối với người quan sát đẫm dục vọng, thật là cả một hân hưởng to lớn, việc được chọn lấy chỗ ở trong số lớn, trong cái uốn lượn, trong chuyển động, trong cái thoáng qua và cái vô tận. Được ở ngoài nhà mình, và thế nhưng ở đâu cũng cảm thấy đang nhà mình; thấy thế giới, ở trung tâm của thế giới và vẫn bị giấu đi trước thế giới, đó là một số trong những khoái lạc nhỏ hơn cả của các tinh thần độc lập, đầy dục vọng, không thiên vị ấy, mà ngôn ngữ chỉ có thể định nghĩa một cách vụng về. Người quan sát là một prince được hưởng ở khắp nơi incognito của mình. A ma tơ về cuộc sống biến thế giới thành gia đình của anh ta, giống a ma tơ về phái đẹp cấu tạo nên gia đình của mình từ tất tật những giai nhân tìm được, có thể tìm và không thể tìm; giống a ma tơ về tranh sống trong một xã hội nhiệm mầu gồm toàn các giấc mơ vẽ trên toan. Thế nên kẻ đem lòng yêu cuộc sống phổ quát bước vào đám đông như vào một bình chứa điện to lớn. Người ta cũng có thể so sánh người đó với một tấm gương cũng mênh mông như đám đông kia; với một kính vạn hoa được phú cho ý thức, nó, nơi mỗi chuyển động của mình, trình hiện sự sống vô số kể cùng sự duyên nhiều chuyển động của tất tật các yếu tố của sống. Ấy là một cái tôi không sao thỏa với cái không-tôi, thứ, vào mọi giây phút, trả nó lại và diễn tả nó bằng những hình ảnh sống động hơn chính sự sống, vốn dĩ lúc nào cũng thiếu ổn định và thoáng qua.”

Với các mô tả này, những người quen buộc cái mới vào địa hạt các cái gọi được là khách thể hẳn cũng thấy chút thỏa lòng chăng. “Đám đông” quả là một khái niệm điển hình và thật hiện đại. Baudelaire, như thế, đã trông thấy hết, với, dĩ nhiên, yếu tính của “đám đông” “vốn dĩ lúc nào cũng thiếu ổn định và thoáng qua” như “chính sự sống” mà nó là một biểu đạt điển hình. Vậy là thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn - cái bản sinh độc đáo kia có dục vọng “cưới lấy đám đông”. Baudelaire mô tả một nghịch lý hiển nhiên như vậy - “một cái tôi không sao thỏa với cái không-tôi,” đã khiến nó đi vào đám đông như cá vào trong nước, đem mình vào hưởng thụ đó không như một ý thức trục lợi thông thường mà như một ý thức làm “một tấm gương cũng mênh mông như đám đông kia” với “cả một hân hưởng to lớn” cho một lý trí-nhạy cảm. Đó chẳng phải thuộc về nghệ thuật vị nghệ thuật hay sao! Mà bởi thế, nó thu nhận “đám đông” mà hẳn chẳng hề “tháo gỡ” “tính cách quý tộc” của nghệ thuật. Và, sau cùng nhưng chưa hết, có gì mới hơn được “những hình ảnh sống động hơn chính sự sống” mà homme du monde “trả lại” cho nghệ thuật đây!

Nguyễn Chí Hoan

Tags: Baudelaire Nguyễn Chí Hoan