8-1-2023
Mặt thứ nhất: Căn phòng của Baudelaire
Cứ nhấc một đốt sống đi, và thế là hai mẩu của phăng te di
ngoằn ngoèo này sẽ chẳng khó nhọc gì mà nối lại với nhau.
I
Tôi đọc Fleurs du mal như tụng kinh - cuộc chuyển hóa bồng bềnh của sự đọc lên, hết vòng này đến vòng khác dưới bức bách của một ma lực không sao hiểu nổi. Và ở một thời điểm nào đó, luôn như không ngờ, sự đọc bỗng tìm được - cùng lúc - tốc độ đúng và nhịp đúng: cơn sóng xô đổ bức tường chắn cuối cùng, làm hiện ra chân trời bao la phẳng lặng. Chỉ còn sự trong suốt của lời và sự đầy của hữu thể:
Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.
Không phải thơ nào cũng chứa trong nó sức mạnh ấy - lời mời lên đường đến chốn “bất cứ đâu ngoài đây” - xa vô tận nhưng lại ở ngay chính căn phòng này.
*
Một căn phòng giống với một mộng tưởng, một căn phòng thực sự là tinh thần, nơi bầu không khí đọng quánh điểm chút hồng và xanh.
Và cũng chính căn phòng ấy: cái ổ chuột đờ đẫn, những món đồ sứt góc, cửa sổ buồn thiu, nỗi chán chường lưu cữu.
Một căn phòng là Vĩnh Cửu, một căn phòng là Thời Gian. Thời Gian ăn Cái Sống.
Vĩnh Cửu khó hình dung chừng nào thì nỗi buồn mang tên ennui cũng khó hình dung chừng ấy: một ngày nó mọc ra như một căn bệnh không nguyên cớ, mỗi lần biến đi chỉ để trở lại mạnh hơn. Chống cưỡng nó, trốn chạy nó, nguyền rủa nó, cầu xin nó cút đi, nó càng nhờn mặt. Cuối cùng, ta chỉ đành buồn bã nhìn nó như nhìn một người bạn cũ đầy chật những ve vuốt khốn khổ và tráo trở, một món nợ buộc cứng vào cổ không cách gì gỡ được.
Thi sĩ của Hiện Đại gọi nó - cái tên thảm khốc: Ác Hoa, ennui, spleen.
II
Nhưng cái đó thực ra là gì? Hiểu nó cách nào? Nếu không cẩn thận, ta sẽ rơi ngay vào ma trận của “vague terms” - ta tưởng dán được một cái tên khoa học lên một thứ xa mờ tức là đã tóm được nó.
Rất dễ nghĩ Baudelaire - tác giả của những từ đã trở thành đại chúng - là một người gò chữ. Nhưng không phải, Baudelaire biết rõ tự các từ chỏng chơ chẳng có mấy ý nghĩa - ta đã ở rất xa khí hậu của các Ý Platon. Thế giới Baudelaire rặt những chữ tầm thường.
Điều này được nói không thể rõ hơn trong hai câu đầu của Correspondances (Cảm ứng): Tự Nhiên là một ngôi đền, các cột của nó đôi khi trao giọng cho những từ lạc rối. Các từ đã luôn có sẵn đó nhưng không được đặt vào trật tự đúng. Vì thế chúng chẳng nói gì. Được đặt vào trật tự nghĩa là tìm được giọng, thoát được lặng câm cố hữu. Giọng ấy có thể là giọng hát, giọng thì thầm, giọng cầu kinh, hoặc giống như nhân vật trong Tìm Tuyệt Đối của Balzac, là tiếng rên ngay trước khi gục chết mà vẫn không bật ra được cái từ bí hiểm. Thơ B sinh ra từ một sự cầu xin hướng tới sống và biểu đạt; đó là âm nhạc thiêng đòi được đọc lên, tụng, niệm - hết lượt này đến lượt khác. Có chữ nào có thể đơn giản hơn thế này?
Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.
Vậy nhưng đó là sự thật - sự thật cất được thành lời - lời thỉnh du, cũng là lời tiên tri.
*
Câu thứ hai của Cảm ứng: con người lang thang trong khu rừng các biểu tượng - chúng lặng lẽ nhìn nó (con người) bằng đôi mắt hiểu. Như vậy không chỉ nói (tức là nghe) mà còn nhìn (tức là bị nhìn). Nhưng biểu tượng là gì?
Một đoạn trong nhật ký, Baudelaire viết: “Ở hầu như mọi trạng thái nội giới siêu nhiên, độ sâu của cái sống được hé lộ trong cảnh - dẫu tầm thường đến đâu - mà ta thấy hiện ra trước mắt mình; cảnh ấy trở thành biểu tượng của cái sống.” Sự nhìn thấy-hiện ra, như vậy, chỉ xuất hiện ở một trạng thái tinh thần đặc biệt mãnh liệt; và cái hiện ra không phải là cõi thần tiên ma quỷ nào mà chính đây, căn phòng này, nhưng đã khác.
Ta sẽ quay lại điểm này sau. Ở đây chỉ cần phân biệt biểu tượng và phúng dụ. Phúng dụ tức là dùng cái này để nói cái kia; nó là một liên tưởng, phóng chiếu, minh họa và thường được ưa thích vì dễ phân tích. Nhưng bởi cơ chế hoạt động của nó là chắp nối, dồn kéo những tương tự, nó luôn lảo đảo, ngẫu nhĩ và về cơ bản không phải là thơ dù có vẻ na ná thơ. Viễn tượng thơ không bao giờ lảo đảo. Nó sinh ra từ một bức bách và áp xuống một bức bách. Một đoạn từ thư giữa Goethe và Schiller có thể nói rõ hơn điều này: “Phúng dụ chỉ là một ví dụ của cái phổ quát, còn biểu tượng là bản tính của thơ - nó trao biểu đạt cho cái đặc thù mà không cần viện đến cái phổ quát. Kẻ nào tóm chắc được cái đặc thù ở mức đầy tràn cái sống của nó thì đồng thời tóm được cái phổ quát nhưng sẽ không nhận ra điều đó, hoặc chỉ nhận ra khi đã qua rồi.” Biểu tượng không phải là ảo giác, mộng mị, cũng không phải là liên tưởng phập phù mà là một khải ngộ tức thời của cái bất khả thuyết, là nội tại kèm siêu vượt. Phúng dụ, giống “vague terms”, thì rõ ràng, gây cảm giác đã biết. Trong khi đó, biểu tượng luôn gợi lên một cái gì quá tầm tay với, không thể bị biểu đạt làm cạn kiệt. Hình ảnh bày ra chỉ để khơi động vô số hình ảnh vắng - một cái đó vừa quyến mị vừa giày vò nằm bên kia mọi hình ảnh.
III
Cái đó có thể được hình dung như một chốn khác - một trong các chủ đề lớn nhất của văn chương thời Baudelaire. Đó có thể là quê hương, là xứ Phi Lai, là chốn lưu đày, nhưng cũng có thể, trong hình dung của không ít nam thanh nữ tú thời ấy, là đồng quê hoa lá tung tăng, hẳn cũng không khác mấy phong trào rủ nhau đi trốn thời chúng ta. Baudelaire, tất nhiên, không có gì ngoài khinh bỉ cho thứ ailleurs mỹ ký ấy. Về dạng tranh phong cảnh nhờ nhợ bốc ra từ thứ ảo tưởng đặc bourgeois này, B viết: “Những tay thợ vẽ đó có nhìn thấy gì ngoài cái hữu hình.” (Salon de 1846). Nhưng cái hữu hình thì bóp chết tưởng tượng, cũng như cái đèm đẹp là một sự báng bổ đối với cái đẹp. Bachelard - một độc giả lớn của Baudelaire - nói rất chuẩn xác: “Chuyến đi đích thực của trí tưởng tượng là chuyến đi đến vùng đất của cái tưởng tượng, chính nơi địa hạt của cái tưởng tượng.” Và chuyến đi lạ lùng nhất, thiết thân nhất của nó là đến đây, chính căn phòng này.
Căn phòng hiện ra: ta biết hữu thể đã đi vào, đã ở bên trong chuyển động. Bồng bềnh trong niềm khơi động nhẹ nhõm và êm dịu, ta nhìn thấy các sắc thái trong vô tận chuyển, lay, vờn, biến: những món đồ mộng du duỗi mình uể oải; lũ hoa nói một ngôn ngữ lặng câm, giống như bầu trời; một thoáng hương tuyệt mảnh trườn qua bầu không khí ấm mềm ôm lấy tâm hồn đang tan ra trong nuối tiếc và ham muốn. “Tôi yêu những đám mây… những đám mây bay ngang… ở đó… ở đó… những đám mây tuyệt diệu!” Nhưng đó không phải là những đám mây mà loài người hằng thấy. Tôi yêu chúng, ở đó, và chỉ ở đó, như chúng vừa hiện ra.
Đâu là đám mây đẹp nhất trong thế giới Baudelaire? Rất có thể chính là đám mây ruồi nhặng chập chờn trên xác vữa (Une Charogne) - bông hoa rữa tan trong bừng nở - âm nhạc lạ lùng, âm nhạc đích thực của tâm hồn. Ta không nghe nó bằng tai. Ta cảm thấy rùng rùng trong mình cuộc chuyển hóa trác tuyệt ấy. Đó là trạng thái viết của B.
Thăng hoa và chết - Baudelaire gần gũi nỗi chết vô cùng. Căn phòng Phi Lai phải là căn phòng kép. Ở độ cao chói sáng của nó, viễn tượng tan biến. Ta rơi. Chuyến đi của Baudelaire đúng vì luôn hết vòng: quyến rũ và phản trắc, thương hại kẻ khác và cười nhạo chính mình, ngây ngất và ghê tởm, ngây ngất run rẩy và tra tấn dày vò. Đi hết vòng thì tránh được một điều: rơi vào sự trơ lì của cái đèm đẹp đóng khung, thứ không chỉ ngu xuẩn mà còn vô đạo đức - căn phòng của Baudelaire tất nhiên không dung chứa loại họa phẩm ấy. Đi hết vòng, không để lại gì thì mới bảo vệ được một điều: sự mới, tức là cơ hội để lặp sự bắt đầu, sự tạo ra.
Không có gì nằm ngoài cuộc bay/ rơi được ghi lại ấy, kể cả bài thơ. Một bài thơ đẹp giống như thuốc phiện - cũng khơi động như thế, cũng phản trắc như thế. Gọi nó là ảo tượng, ta vẫn bị hút vào nó, bởi nó ứng với một nhu cầu sâu kín của tâm hồn ta, là một vực thẳm chỉ thở được nơi vực thẳm. Con người nào sinh ra cũng là thi nhân, dẫu muốn hay không. Những kẻ tự khoác cái tên ấy lên mình chỉ khác chúng ta ở chỗ họ muốn nó có lẽ nhiều hơn và không ngừng tìm nó. Do đó: lời cầu nguyện. Đây, lời cầu nguyện của một nhà thơ khác: “Đã bao phen nơi gờ giếng, trên tảng đá cũ phủ đầy rau chút chít hoang và dương xỉ, tôi từng thì thầm tên những loài chim xa ngái, tên của cái thế giới đã bị nuốt chửng đi… Đã bao phen vũ trụ đột nhiên đáp lời tôi.” Và khi lời cầu nguyện không được đáp? Hãy đọc Chant d’automne (Thu tụng). Tâm hồn tôi như tòa tháp gục - đó là trạng thái thường trực của nhà thơ.
Baudelaire, hơn bất cứ ai, biết đặt lời cầu nguyện lên môi người cần nó. Ta khởi sự uể oải, và bỗng nhiên, như dưới sức mạnh của câu thần chú, ta nghe thấy lời gọi mấp máy trong chính miệng mình. Những chữ kia, được viết bởi một người xa lạ, dường như chỉ là vọng âm từ đâu đó nơi ta. Ta run rẩy trong cuộc buông mình. Chẳng còn gì khiến ta thờ ơ nữa. Ta đã bị hút vào cỗ máy ma thuật của hồi ứng vô tận vô cùng.
Hiện tượng này, khó giải thích không kém ennui, là thuốc giải duy nhất của ennui - thứ buồn chán đặc trưng của Hiện Đại, mà một nhà văn Việt Nam đã gọi chuẩn xác là “thời bệnh”.
*
Nhưng vì sao thơ lại là như thế? Điều kiện của nhà thơ, tức là của con người: sự thiếu thốn bản thể, thường được hình dung như sự lạc khỏi một quê hương, một thiên đường đã biệt mọi tích hình. Cần phải tìm cách trở về, dẫu biết là vô vọng, dẫu không có chỉ dẫn nào ngoài tiếng gọi mơ hồ thấp thoáng như vẳng ra từ một căn phòng nào đó.
Trong ngôn ngữ, điều kiện này biểu hiện ở nỗi khó ở đến tê liệt về lời. Ta đã trượt khỏi thứ ngôn ngữ thần bí nơi từ nối thẳng đến vật. Ta muốn nói điều đó - nhưng điều gì? Chẳng có gì ngoài hỗn độn - những từ chỏng chơ lạc linh hồn. Ta chỉ đành câm lặng, hướng về nó. Và đột nhiên, luôn như ở cận kề đứt phựt, những chuỗi âm-ảnh vọt ra. Ta không tóm được ngay toàn bộ nó - biểu đạt mà ta tìm kiếm. Nhưng khi kiên nhẫn chờ đợi những vụt trào này, ta có cảm giác tràn đầy về một suối nguồn sâu kín, không bao giờ cạn kiệt, đã ở đó từ đầu và sẽ luôn ở đó, nơi mọi kinh nghiệm đã được viết sẵn chờ ta.
*
Căn phòng của Baudelaire - nó thế nào? Ta đã biết một điều: đó là nơi mọi thứ mất vẻ trơ ì cố hữu, nơi hữu thể đắm trong chú tâm ngây ngất và trễ nải thăng hoa (mà B gọi là “la paresse féconde”). Cuộc chuyển hóa của sự vật ứng với cuộc chuyển hóa nơi ta: không còn bên ngoài và bên trong nữa.
Căn phòng ấy thông với căn phòng của Louis Lambert - một hóa thân của Balzac (ta sẽ thấy, khi dựng chân dung Poe, cũng là dựng chân dung chính mình, Baudelaire đã đặt ngay Balzac vào cùng phả hệ tinh thần).
Khi nào tôi muốn, anh nói với tôi bằng ngôn ngữ riêng của anh, mà các kho báu của kỷ niệm truyền thông một sự độc đáo thoáng qua, tôi phủ một lớp màn lên mắt tôi. Đột nhiên tôi quay trở ngược vào trong chính tôi, và tôi tìm thấy ở đó một căn phòng đen nơi các bất trắc của tự nhiên cũng xuất hiện và tự tái tạo dưới một hình thức thuần khiết hơn so với hình thức chúng đã dùng trước đó để xuất hiện với các giác quan bên ngoài của tôi.
Khác với phúng dụ, biểu tượng là cái bắt được mọi thứ chính trong chuyển động tái tạo của chúng. Khải ngộ không phải là một hình ảnh chờn vờn bên ngoài mà là một thứ bọc lấy ta, cùng lúc nâng ta lên và nhấn chìm ta như những đợt sóng khôn cùng. Kể cả khi đó là một hình ảnh tầm thường (điều gì có thể tầm thường hơn một căn phòng quen?), trong thể động thơ nó luôn hiện ra như thể tâm hồn vừa thấy nó lần đầu và, còn hơn thế, đang tạo ra nó, đồng thời được tạo ra trong nó. Niềm ngây ngất được bọc trong này, nơi căn phòng của Baudelaire (cũng giống như của Poe) hiện ra ở cái ôm mềm của những tấm rèm. “Mút-xơ-lin khóc ròng trước các cửa sổ và trước giường; nó giãi bày bằng những dòng thác tuyết.”
Và ta đọc:
Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.
Âm nhạc thiêng, một khi đã được tìm thấy, gây phản ứng vật lý tức thì. Ta cảm thấy sự run rẩy nơi tay người viết truyền đến môi ta, ghì lên nhịp thở ta, và ta cất lời trong niềm bức bách đồng thời là xác tín vừa tìm thấy lại. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ở Spleen, Baudelaire muốn giải phóng thơ khỏi những gò ép vần - nhịp. Vốn dĩ Ác Hoa, ở đỉnh điểm hồi ứng nơi người đọc, đã thoát khỏi mọi nhịp giả: từng từ chiếm lấy ta, ta trú ngụ trong trong vô biên của nó, trong sự ngân lên-trở thành của hữu thể ta. Đó là trạng thái không-thời gian, là Vĩnh Cửu.
Thể động của thơ không nằm nơi một hình ảnh (mọi hình ảnh đều phản trắc) mà ở niềm khơi động này, cái có khả năng khiến tâm hồn bị chiếm hữu bởi cả những hình ảnh tầm thường nhất. Ở tận cùng cuộc chuyển hóa bắt đầu bằng cảm năng được đẩy đến cực hạn ấy, tất cả biến mất: chỉ còn vô biên, vô tận sóng không thể quy về một khởi điểm nào.
Đó là khi tâm hồn tìm thấy sứ mệnh của nó: làm tấm gương cho vô biên. Đó là tự ý thức của vô biên.
Kinh nghiệm này - vừa tuyệt đối phổ quát, vừa tuyệt đối thiết thân - là một con đường nối các thế giới với nhau. Tìm được/ tạo được ra căn phòng của mình, Baudelaire đồng thời đến được căn phòng của Balzac, của Poe, của De Quincey - ở đó, dưới đáy sâu thung lũng, bao bọc bởi trắng xóa những rặng cây, tôi khởi hành cuộc đi vào vĩnh cửu.
Anh Hoa