30-9-2022
Middlemarch
Thế giới Middlemarch được xây dựng trên những bình diện nào?
Trước hết, thế giới ấy được hình dung là một sự lặp thần bí. Mỗi nhân vật, mỗi quan hệ con người trong đó đều là một cái bóng, một biến thể, một tấm gương của nhau và cho nhau. Dorothea, một mặt, là Saint Theresa - người phụ nữ Tây Ban Nha sống cách nàng ba trăm năm và, cũng như nàng, quằn quại tìm một nền tảng lòng tin vững vàng giữa trật tự tinh thần đang tan rã. Mặt khác, nàng là bà Bulstrode trong quan hệ với người chồng mà nàng từng coi là “Tổng lãnh thiên thần” để rồi khiến nàng ê chề tủi nhục, là Mary Garth trong quan hệ với người thanh niên giàu nhiệt tâm tìm thấy ở nàng sự nâng đỡ không thể thay thế cho cuộc Bildung. Các chuỗi biến thể kỳ ảo, xây dựng trên rất nhiều tầng của thế giới ấy không khỏi gợi nhắc tới cấu trúc của Hồng Lâu Mộng: Lâm Đại Ngọc là tiên thảo Giáng Châu đầu thai làm người để trả nợ ân tình trên thượng giới, nhưng Lâm Đại Ngọc trong tương quan với Tiết Bảo Thoa cũng là Tình Văn trong tương quan với Tập Nhân. Có một số dạng tinh thần, một số câu chuyện phải lặp cho tới cạn kiệt, và sống - với mỗi người - là cuộc lang thang tìm mẫu gốc giữa vô vàn bóng, cuộc chắp nối các dấu hiệu phập phù hòng, một ngày kia, nhận lại được khuôn mặt thất lạc của mình.
Dorothea tưởng đã tìm được số phận mình khi nhìn ra Casaubon là Locke, là Bossuet, là Saint Augustine - tức là nối ông với Milton, Hooker - những con người vĩ đại nhưng chịu nhiều bất hạnh mà nàng tin sứ mệnh của mình là tuân phục và phò trợ. Nhưng nàng nhầm, nhầm đau đớn - không chỉ về phẩm cách của chồng mà còn về công trình lớn của ông. Nếu như tầng bên kia của Hồng Lâu Mộng là thế giới của thần thì ở Middlemarch, khải ngộ ngây ngất nhất, công trình tham vọng nhất vẫn khép kín trong thế giới của người. Không hề có, dẫu chỉ trong mơ, ân sủng của cú liếc mắt vào cuốn sách số phận đặt mỗi người vào đúng vai của mình như ở Thái Hư Ảo Cảnh. Chìa khóa Thần thoại của Casaubon (và, ở chừng mực nào đó, cuộc tìm kiếm mô nguyên thủy của Lydgate) là nỗ lực tuyệt vọng của kẻ lạc thiên đường. Casaubon tin rằng chỉ cần tập hợp đủ các mảnh thần thoại, trật tự nguyên thủy sẽ hiện ra - xác tín sẽ được biện minh, một lần cho mãi mãi, bằng tri thức hoàn bị. Dorothea - tâm hồn khốn khổ không lúc nào ngớt băn khoăn về “tri hành hợp nhất” cũng đã tưởng Chìa khóa ấy sẽ cứu được nàng thoát khỏi mê cung của những dấu hiệu phập phù phản trắc, những quy tắc bạc nhược không khép được tâm hồn vào sự tự nguyện vâng lời. Nhưng chính lúc nàng tưởng mê cung đã kết thúc, nó mới thực sự mở ra.
Ở Rome, nàng tìm thấy đúng cái nàng đã mong chờ - một trưng bày ngồn ngộn những kho báu tinh thần của nhân loại. Nhưng sự quy tập này - thay vì nâng tâm hồn lên sự chiêm ngưỡng tinh thuần, ngây ngất - lại nhấn chìm nó trong tê cứng rã rời. Nàng thấy khuôn mặt mình mất hút trong vũ hội hóa trang ma quái của vô vàn mặt nạ, và nàng dần hiểu ra sự vô vọng trong nỗ lực siêu nhân của Casaubon. Không có con đường sáng nào nối thẳng từ tri thức đến xác tín tâm hồn - và từ chỗ coi sự uyên bác là lối duy nhất ở thời đại mà những phương cách cũ để tìm đến Chúa đã tha hóa, nàng quyết liệt cự tuyệt nó để bảo toàn ngọn lửa bên trong: “Xin đừng gọi nó bằng bất kỳ cái tên nào […] Anh sẽ nói đó là một ý niệm đến từ Ba Tư hay một vùng nào khác. Nhưng với tôi, đó chỉ là cuộc đời tôi thôi. Tôi đã tìm ra nó, và tôi không thể xa lìa nó. Tôi đã luôn tự lần mò tìm kiếm đức tin của mình, kể từ khi còn nhỏ. Tôi từng cầu nguyện rất nhiều - giờ tôi gần như chẳng bao giờ cầu nguyện nữa.” Dorothea đã chấp nhận rằng số phần mình sẽ bị vùi trong tăm tối, trong chập chờn hốt hoảng, chỉ đôi khi được biết ánh sáng của ngọn lửa bên trong. Nhưng nàng thà sống với những run rẩy nóng bỏng hiếm hoi ấy còn hơn vờ tin vào ánh sáng thường hằng, lạnh lẽo và giả tạo của thứ tri thức không còn gắn với rung động tâm hồn. Saint Theresa hậu sinh đã bỏ dở cuộc tuẫn đạo, nhưng nàng sẽ tìm thấy nó ở một chốn không ngờ tới.
Chính lúc này, sân khấu đích thực cho những đấu tranh tinh thần của nàng mới hiện ra. Đó không phải là giáo xứ nghèo khó nơi những ngôi nhà kiên cố cho tá điền sẽ được xây lên như giấc mơ thời thiếu nữ, cũng không phải thư viện tối tăm của những giờ lao lực bên người chồng vĩ đại như người phụ nữ chớm nở trong nàng từng tin tưởng. Mê cung của Dorothea là những cảnh lặp mãi như không bao giờ có thể thoát ra - rặng cây đổ bóng trong chiều tà, “chuồng giữ súc vật đi lạc” mà nàng cứ rơi vào hết lần này đến lần khác, và nhất là căn buồng lục-lam với những vật cũ kỹ buồn rầu bầu bạn với nàng qua bao nhiêu sụp quỳ nức nở, trong những khoảnh khắc của tận cùng hy vọng và tuyệt vọng. Trong Middlemarch không hề có giấc mơ nào nhưng lại có những cảnh mơ vô cùng đáng nhớ - những bông hoa ký ức sẽ đột ngột nở bung trong những khoảnh khắc quyết định, làm hiện ra cả một thế giới tưởng sẽ mãi chôn chặt dưới những tầng sâu. Cùng với lịch sử, các cảnh mơ làm nên một tầng nữa, một thế giới gương nữa để con người Middlemarch soi mình vào và lạc trong; không tầng nào cung cấp mẫu gốc, lời giải chung quyết cho câu hỏi “ta là ai” nhưng cần phải đủ các tầng thì mới có một tồn tại thực.
George Eliot rạch ròi, không chút nương tay trong đánh giá giá trị: có những người đúng là được tạo thành từ chất hiếm và quý hơn đa số. Con đường họ phải đi - đã được xác định từ trước bởi các mẫu chuẩn - những người không cùng hạng không có phần. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi kết quả đã được xác định từ đầu. Ngược hẳn lại. Con đường là thử thách; thậm chí tiềm năng càng lớn, khả năng hỏng càng cao - như trường hợp Casaubon. Sự bình đẳng của con người nằm ở chỗ ai cũng có thử thách - cũng chính là cơ hội - của riêng mình. Thử thách của tâm hồn trong Middlemarch được tinh luyện đến độ trong mọi trường hợp, gần như không có kẽ hở ngoại giới nào: tội lỗi không bị xét tra, vinh quang không người biết. Những khoảnh khắc đẹp nhất là khi tâm hồn, sau rất nhiều vật lộn, kiên quyết quay lưng khỏi một việc nó có thể làm và nếu làm, nó sẽ đắc thắng, hả hê. Nó mềm đi trong sự chịu đựng nhẫn nại, trong lòng xót thương hào hiệp ôm trùm và chính bằng cách xuống thật thấp, nó được nâng lên thật cao và thành một với ánh sáng bên trong nó. Trong trạng thái ấy, tâm hồn được bứt ra khỏi sự vị kỷ cố hữu và thấy được toàn bộ thử thách mà một tâm hồn khác phải đối mặt, run rẩy và đau đớn như thể đó là thử thách của mình. Hóa thân của Saint Theresa là một người mù quáng, thường xuyên nhầm lẫn về những điều ai cũng biết, nhưng con người ấy cũng thấy rõ - trong mình và kẻ khác - sự thật quan trọng nhất: cuộc vật lộn của con người với chính mình. Đó là một tấm gương làm đúng việc của mình: soi vào đó, kẻ khác tìm được sự nâng đỡ tinh thần trong cuộc đối đầu với thử thách riêng của họ.
Nhưng Middlemarch không phải chỉ là tập hợp của những khoảnh khắc sáng. Ngược lại: chất liệu chủ yếu của nó là tối, là sự mò mẫm, nhầm đường: mọi nhân vật - bao gồm người kể chuyện - đều để mình bị dẫn dụ bởi đủ loại liên tưởng, so sánh giữa các tầng rồi bẽ bàng nhận ra tất cả chỉ là ảo tưởng. Sự hài hước rất mực tinh tế của George Eliot nằm ở độ căng và rộng tạo nên từ những động tác tưởng như trái ngược: dùng rất nhiều phúng dụ, đồng thời chỉ ra sự bất khả tín của chúng; thương xót những nhầm lẫn của con người, đồng thời khẳng định rằng sẽ chẳng có điều gì lớn lao nếu không có sự mù quáng và huyễn tưởng ban đầu. Mọi chi tiết nhỏ nhặt - con chó, ngọn lửa, ánh tà, tấm khăn,… - đều như ấp ủ một dấu hiệu, như đi cùng một nhịp với chuyển động bên trong, nhưng diễn giải đúng luôn vuột khỏi bàn tay con người; người kể chuyện không phải là thánh mà chỉ là một người sống giữa loài người - phơi bày những nhầm lẫn trong đánh giá của mình và của nhân vật với cùng sự nghiêm khắc và độ lượng. Chỉ cái nhìn ấy mới nắm bắt được - một cách không khoan nhượng và đầy cảm thông - cơ chế của sự tự huyễn hoặc, không chỉ ở các nhân vật đầy lý tưởng như Dorothea hay Lydgate mà, sâu sắc hơn hết, ở những tâm hồn nhiều ngóc ngách như Bulstrode và Casaubon. Vấn đề không nằm ở chỗ đó là những người xấu xa, giả trá. Vấn đề là họ muốn tốt và thành thực tin rằng mình có thể tốt, chỉ có điều họ đã chọn cho mình một lòng tin quá tiện, đã làm tất cả những gì cần làm trừ bước khó nhất: nhìn thẳng vào sự thật tàn khốc ở đáy sâu. Cuộc đời họ là một cuộc chạy trốn sự thật hòng giữ tròn sự yên ổn lương tâm, và mọi thứ hoàn toàn có thể tiếp tục như vậy nếu không có một sự biến bất ngờ, một tác động ngoại giới ném họ vào cuộc phán xét cuối cùng. Sự biến này là ngẫu nhĩ, tất nhiên, nhưng, như trong mọi tiểu thuyết đủ rộng, cái ngẫu nhĩ trong Middlemarch được nâng lên mức của tất yếu. Nếu tất yếu trong thế giới Balzac được ấn định bởi bộ máy xã hội và dục vọng thì ở George Eliot, tất yếu ấy thuộc về một câu chuyện không thể khác của điều kiện con người, giống như lời tiên tri nghiệt ngã về Oedipus Rex: chính vào thời điểm đắc thắng nhất, khi tin rằng con đường thênh thang, bằng phẳng đã mở ra cho việc hoàn thành nghĩa vụ, Thử Thách sẽ đến gõ cửa, và con người nhận ra nghĩa vụ thực sự bao giờ cũng là vực thẳm; con đường trốn chạy nó lại dẫn thẳng đến nó. Có một chiều sâu bi kịch bên dưới câu chuyện tưởng cà kê dông dài về những cuộc đời nhạt nhòa của một thị trấn tỉnh, nhưng người kể chuyện dường như tránh tọc mạch nhìn khoảnh khắc gay cấn nhất trong cuộc đấu tranh của mỗi tâm hồn. Ta biết những yếu tố nào chi phối họ, nhưng ta mất dấu họ ngay khi họ bước vào căn phòng tạo nên từ những ấn tượng ám ảnh, những cảnh mơ đã bầu bạn với họ qua nhiều thử thách trước kia. Ta thấy họ quỳ sụp lặng câm, và rồi khi đứng lên, họ đã là một người khác. Sự tế nhị và tiết chế của cái nhìn này, dẫu có thể không làm ta thỏa mãn ở khía cạnh phân tích tâm lý, lại phú cho nhân vật cái sống của sử, của một tồn tại đã từng. Vì sao nhân vật, vào thời điểm ấy, lại hành động như thế này thay vì như thế kia - đến tận cùng, đó vẫn là chuyện không thể giải thích, không thể quy về một cơ chế tâm lý nhất thiết. Mỗi thử thách là độc nhất, là cơ hội nhưng thường không được nhận ra cho đến khi nó đã qua rồi. Nhưng thử thách của con người cũng thuộc vào “những thí nghiệm thiên biến vạn hóa của Thời Gian”: các hỗn hợp chất khác nhau được đặt trong các điều kiện khác nhau, và thấp thoáng bên trên Middlemarch là đôi mắt - thích thú hay lạnh lẽo - quan sát và ghi nhận kết quả trong những thí nghiệm của thế giới người phàm. Có lẽ vẫn có một trật tự chung quyết, chỉ có điều trật tự ấy con người không bao giờ nắm được.
Cái nhìn sử gia của George Eliot về Cải cách có một sức căng rất lớn được duy trì nhờ độ phức tạp của nó. Eliot thấy ngay rằng Lãng mạn và Cách mạng làm nên động lực của Cải cách, nhưng trong sân khấu mà Eliot chọn, Lãng mạn và Cách mạng - cũng như cuộc tìm vàng ở Mỹ và cuộc thống trị của người giàu - chỉ là những chấp chới bên ngoài, bị ngờ vực cũng ngang với được chào đón. Xã hội tỉnh Middlemarch không được đặt trong đối lập với thành thị như ở Balzac hay Flaubert. Nó tự đủ trong chính nó, với những quy tắc vẫn rất vững vàng: nó là một hòn đảo đích thực. Những ngoại lai đều tưởng nó là một tờ giấy trắng, tưởng rằng họ có thể thỏa thuê viết cuộc chinh phục lớn của mình lên đó mà không gặp lực cản nào. Nhưng cuối cùng Middlemarch vẫn đánh cho thảm thê những tham vọng ngạo nghễ nhất, những trí tuệ sắc sảo nhất - sức mạnh của nó không thể quy về một vài cá nhân, cũng không thể đổ cho sự ngu muội hay bảo thủ cự tuyệt mọi thay đổi. Sự ngu muội của nó gắn chặt, không thể tách rời với sự khôn ngoan của nó, và một người đã được chuẩn bị về mọi mặt như Lydgate cũng phải nhận rằng Middlemarch đánh bại anh không phải bằng một đòn chí mạng mà bằng cách dẫn dụ anh từng bước trượt dần mà vẫn tưởng mình đang đi đúng hướng. Hai kẻ lạ đầy hoài bão - Lydgate và Ladislaw - cuối cùng phải rời Middlemarch, mang theo hai người phụ nữ về cơ bản không thuộc về xã hội ấy, vì những lý do rất khác nhau: Dorothea đòi hỏi một nền tảng vững vàng cho tâm hồn, không chấp nhận những quy tắc đã chỉ còn là những quy ước ngẫu nhĩ phập phù, tuy vẫn đủ sức gắn kết xã hội tỉnh nơi nàng sống; Rosamond không thỏa mãn với trật tự thứ bậc tạo nên sự kiêu hãnh và vững vàng của Middlemarch trước những yếu tố ngoại lai - nàng muốn sự xa hoa thị thành, muốn không còn dính dáng gì đến những khuôn mặt cũ. Sự lý tưởng của Dorothea và sự hãnh tiến của Rosamond cùng tuyên bố một điều: vũ trụ kín bưng của Middlemarch đã lung lay tận gốc rễ, tuy vẫn đủ sức đánh bật mọi yếu tố ngoại lai. Middlemarch sau Cải cách có thực sự khác với trước Cải cách hay không? Cái kết tuần tự, điềm nhiên của truyện dễ khiến ta tưởng là không, nhưng câu trả lời đúng có thể là chưa, đúng hơn là chưa được nhận ra. Cải cách không phải là kết thúc mà chỉ là bắt đầu. Những hiện tượng hỗn loạn được gộp dưới cái tên chung là “Cải cách” chỉ là các dấu hiệu phần nhiều không được hiểu của một quá trình đã không còn có thể đảo ngược.
Anh Hoa