Khác Đọc

Một cuộc đọc Balzac (phần 1)

[trích từ Maurice Bardèche, Một cuộc đọc Balzac (Une lecture de Balzac), Les Sept Couleurs, 1964

Cuốn sách của Bardèche trình bày một sự đọc Vở kịch con người (La Comédie humaine) dưới dạng bao quát, không bỏ qua những tác phẩm của Balzac hay bị xem nhẹ và ít được biết tới. Đặc biệt, Một cuộc đọc Balzac đặt cái nhìn trung tâm - và cũng mở đầu cho cuốn sách - vào phần triết học của Vở kịch con người.

Đó là giai đoạn (ngay sau Thế chiến thứ hai), người ta bắt đầu nhận ra, đọc Balzac như thời gian trước đó - chỉ quan tâm đến sự miêu tả xã hội, dẫu coi đó là miêu tả lớn tới mức nào - là cả một nhầm lẫn: không chỉ người ta có thể hiểu được rất nhiều điều sâu sắc bằng cách rút từ việc đọc tác phẩm Balzac các ý lớn, mà những ý đó đã nằm ngay trong tác phẩm, nếu biết cách đọc. Kể từ đó, việc đọc Balzac đã trở nên phong phú hơn nhiều, dẫu cho - vào cùng khoảng thời gian - văn chương Balzac rơi vào tầm ngắm phê phán mạnh mẽ của Tiểu thuyết Mới (Nouveau Roman): giờ đây, rất ít người còn đọc Tiểu thuyết Mới, nhưng Balzac thì vẫn còn lại. Điều này cũng nhờ không ít vào vô số sự đọc Balzac trong lịch sử: sự đọc kéo dài sự tồn tại, hay nói đúng hơn, nó đặt tác phẩm vào đúng chỗ.

Tác giả, Maurice Bardèche là một nhân vật nổi tiếng và tai tiếng. Đây là một người theo phát xít, rất thân với Robert Brasillach (bị xử bắn hồi Giải phóng), không xa lạ với Lucien Rebatet hay Thierry Maulnier. Bardèche từng là học sinh École Normale Supérieure de la rue d’Ulm, đặc biệt tài năng khi bình luận Stendhal và Balzac - và thuộc vào số những nhân vật vĩnh viễn không gột được vết nhơ dính dáng với chủ nghĩa phát xít, như Pierre Drieu La Rochelle hay Céline.]


Phần thứ nhất{.center}

Études philosophiques


I{.center}

“Hệ thống” của Balzac

Miếng da lừa-Louis Lambert-Những kẻ tuẫn đạo không ai biết

Suốt một thời gian dài, người ta đã đọc những tiểu thuyết của Balzac. Người ta hay đọc một số cuốn, ít để ý đến các cuốn khác. Người ta nhận ra những kiệt tác được cấp bằng chứng nhận, được xếp vị trí, ấy là các địa điểm lịch sử nơi người ta kính cẩn mà bước chân vào: và chẳng mấy khó khăn gì người ta chấp nhận mình gặp ở bên cạnh chúng nhiều lộn xộn cùng sự lố lăng, nơi một tác phẩm đáng kính trọng bởi khối đồ sộ của nó. Đó là một nhầm lẫn đầu tiên, mà người ta đã nhận thấy. Rốt cuộc thì người ta cũng đã hiểu được rằng Balzac viết chỉ một cuốn sách duy nhất giống Proust và rằng cần phải đánh giá ông dựa trên chính cuốn sách to lớn ấy. Vở kịch con người không dễ cắt nhỏ thành các khoanh hơn so với Tìm thời gian mất. Đó cũng không phải mộ của một Pharaon. Không có những phòng trang hoàng lộng lẫy với các thỏi vàng còn nguyên và đá hoa cương thì óng ánh và, bên dưới, những hầm mộ khổng lồ bị chất xan-pết gặm nhấm, nơi chỉ các kiến trúc sư thảng hoặc có vào. Nhưng, vốn dĩ là chốn dở dang, nó khiến người ta nghĩ tới một cung điện nhiều vang âm cũ kỹ nào đó: những hiên dạo chơi vỡ nát của nó, những sảnh đổ lỏng chỏng của nó, chính do chúng, dẫu ta chẳng hay biết, mà chúng ta thấy các khu vườn đầy ngập bí ẩn tươi mát làm vậy, và các phòng để vũ khí thì sâu làm vậy, những hành lang âm vang mà chúng ta ngưỡng mộ.

Vở kịch con người, đúng như nó vốn dĩ, rốt cuộc, quả thật không tương ứng với những dự đồ rộng hơn thế vô chừng, của Balzac. Vài chuỗi đã không thể được phát triển như tác giả mong muốn. Kế hoạch của ông gồm ba tảng lớn: Études de moeurs, Études philosophiques, Études analytiques, giảm dần đi về độ rộng, Études de moeurs [phần về phong hóa] tạo nên phần nền của kim tự tháp ấy, Études philosophiques [phần về triết học] cung cấp tảng ở đoạn giữa còn Études analytiques [phần phân tích], thì đỉnh chóp. Thế nhưng, trong số ba tảng này, một thiếu mất hoàn toàn, ấy là Études analytiques, và hai tảng còn lại thì không đầy đủ. Études philosophiques lẽ ra còn phải nhận nhiều thêm vào quan trọng. Études de moeurs, đúng như chúng ta đọc ngày hôm nay, bị hụt một phần lớn thuộc Scènes de la vie politique [các tiểu thuyết về cuộc sống chính trị] và Scènes de la vie de campagne [các tiểu thuyết về cuộc sống nông thôn], còn tổng thể Scènes de la vie militaire [các tiểu thuyết về cuộc sống nhà binh] lẽ ra cũng phải được phát triển ngang mức với những tổng thể rộng lớn của Scènes de la vie parisienne [các tiểu thuyết về cuộc sống Paris] và Scènes de la vie de province [các tiểu thuyết về cuộc sống ở tỉnh]. Như vậy, toàn bộ kết luận bị thiếu, và cũng thiếu nhiều mảnh lớn mà người ta có thể giả định rằng hẳn sẽ khiến chúng ta cảm thấy một số xoáy, những sóng ngầm dưới đáy, các bí ẩn giải thích xã hội Pháp hồi thế kỷ 19.

Các thiếu hụt đó lại càng trầm trọng hơn vì Balzac ước lượng rằng tác phẩm của ông không thuần có tính cách miêu tả và rằng nó có một tầm vóc triết học mà ông coi là cốt yếu. Những tác phẩm trong đó ông tính định hình kết luận triết học cho Vở kịch con người của ông là, trong mắt ông, các tác phẩm quan trọng nhất. Thế nhưng, cái chết đã bắt chợt ông trước khi ông có thời gian viết những tác phẩm ấy.

Rất quan trọng, việc tính đến, khi người ta đọc Balzac, các phần chỉ mới được phác sơ sài hoặc dánh dấu trên bức họa lớn mà ông đã để lại cho chúng ta. Chúng điều hành các tỉ lệ cùng biểu nghĩa của toàn bộ bức tranh. Một số củng cố cho phần lịch sử, thứ cho thấy những diễn tiến và cơ chế của các nguyên nhân; một số khác hẳn nhấn mạnh và làm nổi bật nhất thể của bố cục bằng cách cô đặc cái tổng bởi một đánh giá. Cái tấm gương của thế giới ấy có rễ trong quá khứ, sự phóng vào trong tương lai và toàn bộ nó dựa trên một giải thích nhất định về con người. Bằng cách ấy, miêu tả được nuôi dưỡng và làm cho lớn thêm lên nhờ một quy chiếu thường hằng tới một viễn kiến bao trùm về mọi sự.

Vì người ta quá thường coi nhẹ cấu trúc này cùng những nền móng đó của tác phẩm Balzac, chỉ mỗi tảng thuộc miêu tả tách riêng ra và người ta ngưỡng mộ ở nó, như chừng ấy điều bí ẩn, độ sâu cùng tính cách tiên tri: thế là người ta đưa ra những giải thích thuần lời lẽ về chúng, những cái khiến đám ngẫn phải ngây ra, người ta coi là “thấu thị”, người ta nói đến “trực giác thiên tài” của ông, các giải thích cũng rõ ràng như “tác dụng gây ngủ” của anh túc. Đối lại, Études philosophiques, bị cô lập bởi thao tác ấy, đánh mất sự nổi bật và biểu nghĩa của chúng. Chúng chỉ còn hiện ra như một tối nghĩa khổng lồ, một dạng nền lạ thường và không thể hiểu nổi mà người ta gắn lỏng toẹt vào phần còn lại của tác phẩm, mà người ta chẳng mấy đọc, mà người ta tha thứ, có thể nói vậy, như là một kỳ quái của thiên tài.

Trong thời gian dài, như vậy, người ta đã chỉ muốn thấy ở Balzac một “họa sĩ” lỗi lạc của xã hội thế kỷ 19 và không gì nữa; người ta chỉ biến ông thành một cỗ máy chuyên ghi nhận. Khi cái máy miêu tả lỗi lạc ấy lấn cấn với suy nghĩ, thì người ta liền mỉm cười độ lượng. Ấy là nhìn ngược tác phẩm của Balzac và người ta có thể chắc chắn rằng hẳn chẳng gì khiến ông buồn hơn so với trò lờ tịt đi nỗ lực của ông đó. Con người của Balzac được giải thích theo một hình dung nhất định về bản tính người, xã hội của Balzac tùy thuộc vào một cái nhìn các vấn đề xã hội nhất định. Mọi điều đều đứng vững trong tác phẩm của ông: nếu những nhân vật lớn đối với chúng ta mạnh mẽ đến thế, thì đó là vì ý niệm của ông về con người có, tự thân nó, một cái gì thật hùng mạnh và nhiều kịch tính, và tương tự, hình ảnh xã hội của ông thì buốt nhói và khủng khiếp đến vậy là vì ông đã sáng suốt mà nhìn thấy cái ác mà thế giới hiện đại phải chịu. Là đọc vớ đọc vẩn và đánh giá bố láo, khi hy sinh Louis Lambert cho Père Goriot. Ấy là hai mặt của cùng một suy nghĩ. Người ta chỉ hiểu rõ Balzac khi có thể tái tạo cho tác phẩm của ông một sự soi sáng, thứ cho phép độc giả nắm được nhất thể suy nghĩ của ông.

Đó là điều mà người ta [tức là tác giả] đã thử làm trong cuộc trình bày này. Thay vì nghiên cứu tác phẩm của Balzac theo trật tự truyền thống, cái hy sinh mọi sự cho vượt trội của miêu tả xã hội, và đặt ở hàng hai và có thể nói thòng rơ-moóc những tác phẩm thuộc suy nghĩ mà Balzac coi là cốt yếu, trước hết chúng tôi sẽ trưng cái soi sáng và điều hành tổng thể và rồi, diễu đằng sau, cái nhìn xã hội tỏa ra từ đó. Thay vì nói: “Đây là một miêu tả xã hội, và rồi tiếp theo đây là một số suy tư mà tác giả nhất quyết cho thêm vào, các vị cứ giữ lấy cho các vị những gì các vị muốn”, chúng tôi sẽ nói: “Đây là một giải thích con người và xã hội nhất định, và tiếp sau đó đây là sự, bằng cách nào mỗi nảy nở của cuộc sống xã hội chảy ra từ đó, lần lượt nối đuôi.” Balzac từng so sánh tác phẩm của ông với tác phẩm của Geoffroy Saint-Hilaire, nó, khởi đi từ một động vật duy nhất, giải thích sự sinh ra của các giống loài khác nhau nơi giới động vật. Chúng tôi nghĩ mình làm đúng với suy nghĩ của ông khi đi theo cùng thức trưng bày và khi cho thấy, tương tự, trong tác phẩm của Balzac, trước hết là con người, sau đó là các dạng xã hội.

Vậy nên chúng tôi sẽ bắt đầu, trái ngược với thông lệ, bằng Études philosophiques. Chúng sẽ, cách nào đó, là mào đầu cho tác phẩm. Người ta sẽ dễ dàng thấy, lúc đã hiểu được hình dung về con người toát ra từ mào đầu ấy, rằng chủ đề nền tảng này của suy nghĩ Balzac được tìm thấy lại với một cường độ đi theo chiều giảm mức tại các phân khu khác nhau của xã hội Pháp mà Balzac đã nghiên cứu trong tác phẩm của ông. Như vậy, người ta sẽ thấy ở đầu một nhóm tác phẩm giống như một dạng tuyên ngôn của Vở kịch con người, rồi nguyên tắc trung tâm này sẽ được chứng minh ở các vùng khác nhau của cuộc sống xã hội, khởi đầu bằng những vùng nào cho thấy có thể áp dụng nó lối trực tiếp và khỏi cần nhọc công để rồi kết thúc, sau một loạt trung chuyển, bằng những vùng nơi nó hiện ra kém mạnh mẽ, và có thể nói đã suy yếu và chỉ lờ mờ như một dạng vân chìm.

Phần 2

Maurice Bardèche, Cao Việt Dũng dịch

Tags: Cao Việt Dũng Balzac