Khác Đọc

Một cuộc đọc Balzac (phần 2)

Phần 1

Tuyên ngôn của hệ thống Balzac trước hết được trình bày trong Miếng da lừa, cuốn tiểu thuyết mà ông viết ở tuổi ba mươi và đấy là tác phẩm đầu tiên trong số những tác phẩm lớn áp đặt tên ông lên công chúng. Ai cũng biết “chủ đề” của Miếng da lừa. Một món bùa được đưa cho nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, tên là Raphaël. Món bùa ấy là một dạng da thú, nó có quyền năng hiện thực hóa mọi mong muốn. Nhưng mỗi lần một ham muốn trở thành thật, miếng da đó co lại một chút và độ rộng còn lại trình hiện một cách chính xác thời gian sống còn thuộc về người sở hữu nó. Miếng da lừa ấy là biểu tượng của sự sống con người. Nó trình hiện tổng số quyền năng sống có ở mỗi người chúng ta. Tư bản sống đó giảm bớt mỗi lần nào người ta theo đuổi một ham muốn, lao thân thật mãnh liệt vào một dục vọng, hoặc để cho mình bị cuốn đi bởi một cơn say của óc nào đó. Balzac tóm tắt thành một định lý nền tảng hệ thống năng lượng sống của ông: “Sự sống giảm đi bắt nguồn theo lối trực tiếp từ sức mạnh của các ham muốn hoặc từ sự phung phí các ý.” Và lão già đưa cho Raphaël món bùa có tính cách biểu tượng: “Anh khá để cho ta chỉ nói vài câu là rõ cả sự bí-mật của đời người. Người ta mà tàn héo đi rồi chết, chỉ bởi có hai việc, tự-nhiên mà làm ra, làm ra bao nhiêu, thì cái nguồn sống lại cạn đi bấy nhiêu. Hai việc ấy là việc ước với việc được. […] Chữ ước thì đốt cháy lòng ta; chữ được thì hủy-hoại mình ta.” [mọi trích dẫn từ Miếng da lừa đều lấy từ bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh]. Và lão vừa đưa anh miếng da lừa vừa nói: “Đây là cái ước với cái được thu vào làm một. Những ý-tưởng của các anh về xã-hội ở đó, những sự ao-ước thèm-muốn quá đỗi của các anh, những sự vô tiết-độ của các anh, những cuộc vui-thú nó giết các anh; những nỗi đau-đớn nó làm cho các anh sống lâu quá, đều là ở đó cả!

Và, quả thật, thoạt tiên Raphaël có một cuộc đời hào nhoáng nơi tất tật những ước muốn của anh đều được hiện thực hóa, nơi sự nghiệp rực rỡ nhất mở ra trước anh. Nhưng một hôm, anh nhận thấy miếng da lừa đã nhỏ đi. Nỗi sợ túm chặt lấy anh. Anh đi hỏi những người thông thái nhất thời của anh. Y học, khoa học, triết học bất lực. Anh bị kết án phải sống một cuộc đời cơ học, trong một sự bất động gần như tuyệt đối. Đã quá muộn. Tư bản sống của anh đã cạn kiệt. Cuộc sống máy móc, cả nó nữa, không thoát được khỏi các ham muốn bản năng, khỏi những ý nghĩ mà người ta chẳng thể làm chủ. Và Raphaël chết, như người ta đã báo trước cho anh, vào cái ngày không còn lại gì từ món bùa của anh nữa.

Dưới hình thức ấy, Miếng da lừa là một công thức y học về sự sống con người. Nó kết án các dục vọng, những ý quá khêu gợi hoạt tác như một thứ rượu, nó báo hiệu sự mòn đi bởi cuộc sống xã hội, dưới mọi hình thức của cái cuộc sống đó và chủ yếu là dưới các hình thức tiến hóa hơn cả. Nó cho thấy rằng cuộc sống huy hoàng, sự xa xỉ, những khoái lạc, thì giống một thuốc độc đối với tổ chức cơ thể của chúng ra, rằng tất tật các “chất kích thích hiện đại”, những thứ vốn dĩ làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn cũng khiến nó ngắn hơn, rằng rất nguy hiểm nếu dính chặt vào đó: độ căng của tất tật các lực nhằm chinh phục có sức bào mòn không kém so với sự cạn kiệt của cùng những lực ấy trong những khoái lạc có được từ chiến thắng. Các hân hưởng mà nền văn minh đề xuất chứa đựng một đe dọa của cái chết. Bởi mọi cuộc sống theo văn minh đều dễ dàng trở thành một cuộc sống chống lại tự nhiên. Sự thông thái nằm ở chỗ phải sống theo cuộc sống nông dân, theo nhịp của các mùa, không vội vã, không bạo lực, phải thu mình lại và ở mọi điều phải quy phục bản tính của những vật. Người ta nhận ra một suy nghĩ của Rousseau ở nơi nền móng hệ thống đó. Xã hội là một điều ác, Rousseau từng nói, kết án nó, ở tư cách luân lý gia. Xã hội là công cụ của cái chết, Balzac nói, ở tư cách nhà sinh lý học và ở tư cách bác sĩ. Và ông ghi, như một chìa khóa, ở đầu tác phẩm của ông câu lừng danh của Jean-Jacques [tức Rousseau], mà ông sẽ mang tới toàn bộ nghĩa: “Con người suy nghĩ là một con thú đồi bại.

Cần phải dừng lại một chốc lát ở câu này; nó là cốt tử trong hệ thống Balzacien. Suy nghĩ, đối với Balzac là tất tật những thao tác thuộc trí năng, ý chí, dục vọng, các ý. Mọi hành động trí năng, dẫu nó tốt hay xấu ở mục đích của nó, đối với ông đều có vẻ chết người, về cốt yếu, trong các hiệu ứng của nó. Con người suy nghĩ, tức là người cảm thấy, người hoạt động, người cảm thấy một cách mạnh mẽ, thì vuột thoát khỏi đích đến thuộc sinh lý học tự nhiên của anh ta. Sự thoát ra đó có thể trác tuyệt. Nó luôn luôn và về cốt yếu gây chết. Típ tồn tại vượt trội ấy hàm ý một sự mòn đi đầy định mệnh cho con thú người. Con người nào muốn [ước] và muốn thật mạnh mẽ là một con thú chối từ số phận thuần thú vật của nó và chấp nhận một sự mạo hiểm cao quý, nhưng là một mạo hiểm chắc chắn: đó là một cỗ máy sinh lý học chuyển qua một chế độ bất thường và cái chế độ bào mòn đó khơi lên, ít nhiều mau chóng, nhưng là chắc chắn, sự hủy diệt anh ta.

Miếng da lừa chỉ là một tuyên ngôn, một công thức mạnh và gây choáng váng. Trên thực tế, lý thuyết đầy đủ của ông về bản tính con người, Balzac sẽ trình bày nó trong một cuốn tiểu thuyết mà ông bắt đầu viết vài tháng sau đó và luôn luôn là cuốn sách mà ông thích nhất, Louis Lambert lừng danh của ông. [tham khảo: IX. Louis Lambert]

Louis Lambert giải thích điều sau đây, Balzac cho thấy bằng cách nào con người thiên tài bị giết chết bởi suy nghĩ. Chúng ta sẽ thấy, ở xa hơn, điều Balzac muốn nói ở đây. Nhưng, vào lúc này, điều quan trọng với chúng ta, ấy là Louis Lambert hoàn chỉnh Miếng da lừa vì ở đó Balzac bày ra chính bản tính của suy nghĩ và, tiếp sau đó, các tương quan giữa suy nghĩ và tổ chức cơ thể.

Học thuyết của Balzac trở nên, trong Louis Lambert, một dạng hệ thống triết học gắn chặt vào với một số trong những truyền thống mờ tối nhất, khó nhất, nhưng cũng cổ xưa nhất của suy nghĩ con người. Truyền thống huyền bí, xưa kia được truyền lại thông qua sự khai trí và suốt thời gian dài chỉ dành cho các giáo sĩ, sau đó được trình hiện trong suy nghĩ cổ đại thông qua trường phái Pythagore, trộn lẫn, theo nhiều cách, vào với quãng thời gian đầu của Ki-tô giáo, được kéo dài và duy trì nhờ những người thực hành Kabbalah Do Thái và Alexandrie, rồi nhờ người Ả-rập, rốt cuộc được tiếp sức, vào thế kỷ 18, bởi phong trào Rose-Croix, từng biết đến, hồi cuối thế kỷ 18, một dạng phục sinh nơi không thể tách rời hai cái tên, Saint-Martin mà người ta đặt cho biết danh triết gia xa lạ và Swedenborg. Chính từ họ mà Balzac mượn các điểm xuất phát cho những hình dung chính yếu của ông. Ngoài ra, những khám phá của cuối thế kỷ 18 về từ tính, các tranh luận đi kèm với chúng, những lý thuyết y học có dính dáng đến đó hồi đầu thế kỷ tiếp sau cũng đã mang tới cho ông nhiều yếu tố cho suy tư.

Balzac tin rằng mọi con người đều được cấu tạo từ một bản tính nhân đôi, một phần con người bên ngoài vốn dĩ là cái người mà chúng ta nhìn thấy, mà chúng ta biết, mà khoa học có thể đạt tới, và mặt khác con người bên trong, mà ngũ quan chúng ta không thể biết, mà khoa khoa học không thể nghiên cứu, ở mỗi người con người bên trong ấy thường rất khác so với con người bên ngoài. Chính tồn tại của con người bên trong vô thể và vô hình, nhưng không hoàn toàn phi vật chất, là thứ giải thích cho tất tật các hiện tượng, tất tật những dạng quyền năng đối với chúng ta dường siêu nhiên vì chúng ta đã đánh mất bí mật của chúng, nhưng chúng được các truyền nhân của truyền thống khái trí biết rõ.

Con người bên trong, Louis Lambert giải thích, có cuộc sống riêng, những lực riêng, các thao tác riêng. Nơi phần lớn những con người và trong tồn tại bình thường, con người đó trùng hợp một cách chính xác với con người bên ngoài và chỉ tách ra khỏi trong giấc mơ. Nhưng, ở những người có đặc quyền, hoặc dưới ảnh hưởng của một số tác nhân, một số trạng thái đặc biệt, con người bên trong có thể rời vỏ bọc da thịt và sống, trong một khoảng thời gian ít nhiều ngắn, cuộc sống riêng của mình. Đấy là cái giải thích một số hiện tượng mà khoa học hiện đại bất lực không giải thích được và chúng, từ khi Balzac còn nhỏ, hành hạ trí tưởng tượng của ông. Các “nhân đôi lên” hay sự truyền suy nghĩ chỉ là một trường hợp đặc biệt cho những cú vượt thoát của con người bên trong, những lúc như thế con người ấy có thể, trong vòng rất ít thời gian, băng ngang các khoảng cách vô cùng lớn. Louis Lambert dẫn ví dụ của Alphonse-Marie de Liguori cô độc, tri nhận được, tại sa mạc ở Ai Cập của mình, cái chết của giáo hoàng Ganganelli, đúng vào giây phút nó xảy ra. Ở chỗ khác, một phụ nữ Anh trẻ tuổi, nhờ sự nhìn rõ đầy siêu nhiên mà tình yêu mang tới cho cô tìm lại được người tình của cô mà không cần người dẫn đường, trong sa mạc. Ông của Louis Lambert những khi có sự biến lớn hỏi ý kiến bà vợ đã chết từ nhiều năm của ông và bà chỉ cho ông phải tìm ở đâu các hóa đơn mà người ta tưởng đâu đã mất. Tác phẩm của Balzac đầy ngập những phép mầu ấy. Ursule Mirouët trông thấy, trong lúc ngủ, cái buổi tối khi, vài tháng trước đó, người họ hàng Minoret của cô đã làm biến mất bản di chúc có liên quan đến cô, cô biết kẹp trong quyển sách nào ở thư viện những biên lai ghi tiền lợi tức đã không bị hủy, và là nhìn thấy từ xa, trong giấc mơ, thậm chí cô có thể đọc được số hiệu của chúng. [tham khảo: Ursule Mirouët; Ursule Mirouët (tiếp)]. Trong Người trưng binh [đã có bản dịch tiếng Việt in thành sách], Mme de Dey chết bất đắc kỳ tử ở trên giường, đúng vào giờ khắc những viên đạn của đội hành quyết giết chết con trai độc nhất của bà trên bãi biển Quiberon. Tất tật những hiện tượng về nhìn đó được phú cho cùng lời giải thích. Cũng như sự thờ ơ về mặt thể chất của những người tuẫn đạo, ở họ con người bên trong có năng lực tự trừu tượng hóa thông qua cơn phấn hứng, và có được, ngay vào khoảnh khắc khổ hình, tất tật các lực của tâm hồn cho một chiêm ngưỡng, thứ giật họ ra khỏi đau đớn.

Những trường hợp bất thường đó có lợi thế là rọi sáng cho lý thuyết, thật rõ ràng. Nhưng đó chỉ là những ngoại lệ, thoạt tiên người ta bày chúng ra như là một sự phóng to thuận tiện. Khó khăn đích thực, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ giải thích nơi con người bình thường, các tương quan của con người bên trong với con người bên ngoài.

Và sau đây là lời giải thích của Balzac. Con người bên trong là người nhận và cũng là người phát lực sống: đối với con người ấy, những ham muốn thoáng qua hơn cả, những ý định, những suy nghĩ chóng vánh nhất, những ao ước bí mật nhất là các thể động và được tính là những thể động, tức là làm con người ấy bị mòn đi chính xác giống các thể động thực sự được thực thi làm mòn con người bên ngoài. Chẳng hạn Balzac, trong áp dụng lý thuyết của ông, đã muốn cho thấy một kẻ ăn năn lớn lao bị giết chết bởi cuộc thú tội “trong đó ông ta lược qua trong suy nghĩ mọi tội lỗi người ta buộc cho mình”. Đấy là vì quả thật các ý định, ham muốn, ao ước, suy nghĩ, cảm tri, toàn bộ những gì mà Balzac gọi tên bằng chỉ một từ, suy nghĩ, đều là những bốc lên thực, có tính cách vật chất, của con người bên trong: các ý của một con người, Louis Lambert giải thích, có các phẩm chất hoặc các khiếm khuyết, chúng khéo léo, rõ ràng, xinh xẻo, hay ngược lại nặng, vụng, cụt; những muốn, cảm, khát khao, nói tóm lại các thể động thuộc tưởng tượng nhìn chung giống các hạt được phát ra theo lối thường hằng bởi cái con người bên trong, giống các rung động hay các sóng, giống những nguyên tử bí hiểm. Con người bên trong thì tương tự với một hòn đá sống nơi mỗi con người, ít nhiều phát lân quang, ít nhiều phong phú và tích cực, thường trực phóng đi những rung động ấy, mà số lượng và cường độ rốt cuộc hư vô hóa nó. Đó là cái mà Balzac gọi trong Louis Lambert là lý thuyết về vật chất tính của suy nghĩ. Người ta thấy đến tận mức nào nó song song với huyền thoại của Miếng da lừa. Con người bên trong, theo Louis Lambert, nhìn chung, ấy là miếng da lừa nơi mỗi chúng ta.

Miếng da lừa là tuyên ngôn, còn Louis Lambert, nghiên cứu lâm sàng.

Maurice Bardèche, Cao Việt Dũng dịch

Tags: Cao Việt Dũng Balzac