Khác Đọc

Rụt rè & lịch thiệp

Alain nói, trong Đoản luận về giáo dục, rằng những người đọc hời hợt thấy nhàm chán khi đọc Bông huệ trong thung hay Tu viện thành Parme. Cái mà người đọc nói chung muốn là những cuốn sách nào họ hiểu được ngay, không cần phải suy nghĩ gì. Chưa cần đẩy suy nghĩ đi xa đến những khái quát hóa như vậy (khái quát hóa thông thường thì nguy hiểm - thông thường cũng lại hay nguy hiểm), ta thử mở lại đoạn đầu của Tu viện thành Parme:

“Ngày 15 tháng Năm năm 1796, tướng Bonaparte tiến vào Milan, dẫn đầu đội quân trẻ trung vừa vượt cây cầu Lodi, và cho thế giới biết rằng sau biết bao nhiêu thế kỷ César cùng Alexandre đã có truyền nhân.” (chương 1, “Milan năm 1796”)

Ta thấy thật khó hiểu tại sao một cuốn tiểu thuyết có mở đầu như thế lại có thể khiến độc giả hờ hững được. Công lao của Alain cùng thế hệ Alain hết sức lớn ở điểm làm cho văn chương Stendhal trở nên sáng giá - cho đến tận Maupassant vẫn coi đó là một tiểu thuyết gia hạng hai, tuy kiệt xuất. Làm cho những thứ đã tồn tại trở về đúng vị trí của chúng, đó chính là một việc rất khó và cũng rất quan trọng; chỉ khi ấy ta mới hiểu được, quả thật thế giới có trật tự, mặc cho mọi sự hỗn loạn ở vẻ bề ngoài. Vả lại, Stendhal đã biết ngay từ đầu, rằng phải năm mươi năm sau khi mình chết, người ta mới hiểu văn chương của Stendhal có giá trị như thế nào.

Nhưng, cần phải quay lại với sự đọc: ví dụ ở trên khiến ta hiểu một điều, rằng sự đọc là không giống nhau ở tất cả mọi người: nó không hề đồng chất, cũng như đối với nhiều người, ham muốn và tình yêu bị lẫn lộn với nhau.

Và Alain khẳng định, đọc là một việc rất khó. Quay trở lại với khởi đầu của đọc - tức là tập đọc - cần phải thấy, như Alain, rằng đánh vần thì không phải là đọc. Đọc, đó là chỉ một ánh mắt đã đủ để nắm bắt những gì một cái gì đó nói, chẳng hạn như một tấm biển báo, “người ta phải biết đọc chữ in như một nhạc sĩ thành thạo đọc nhạc” (Đoản luận về giáo dục, XXXVIII). Vẫn trong so sánh giữa học nói chung và học nhạc, Alain bảo, chẳng ai ngạc nhiên khi một học trò tập piano đánh đi đánh lại không biết bao nhiêu lần vài dòng nhạc trên một tổng phổ, và cũng thế, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi học sinh ở trường phải bỏ nhiều công sức để nắm được một điều gì đó. Để dạy cho học sinh đọc, Alain chọn “phương pháp cứng rắn” (vẫn ở cùng chương): tức là cần phải “đi nhanh” (ta đã sang chương kế tiếp, XXXIX), phải nhận ra cả câu bằng chỉ một cái nhìn, giống thủy thủ nhận ngay ra con tàu. Bằng không, chuyện là vô nghĩa: không phải nhìn thấy các từ thì hiểu được, vì các từ không giải thích cho một câu, mà chính câu mới giải thích cho từ. Vả lại - theo Alain, “học đọc” cũng chính là “học nghĩ”.

Khi đặt việc đọc vào trung tâm hoạt động tinh thần của con người - và là việc thực sự khó - Alain đã ngay lập tức đặt toàn bộ vấn đề vào một thứ, nó sẽ trở nên sáng sủa hẳn lên cho dù luôn luôn tạo cảm giác về sự mù mờ: văn hóa. Một cuốn sách như Đoản luận về giáo dục giúp ta hiểu rằng chủ nghĩa nhân văn không phải là đặc thù của thời Phục hưng, mà đó là con đường liên tục. Chính vì thế, Alain liên tục nhấn mạnh vào Cổ văn học, vào tiếng Hy Lạp và tiếng Latin.

“Socrate từng nhận thấy rằng dù một ông bố có lỗi lạc đến đâu cũng không biết cách dạy dỗ con mình cho tốt.” (Đoản luận về giáo dục, X) Alain thực sự quan trọng với chúng ta vào thời điểm hiện nay, khi các lý thuyết giáo dục (hay được gọi là “triết lý giáo dục”) đang chiến trận cực điểm với phần thắng dần dà nghiêng về phía các phương pháp mới.

Nhưng một ông thầy giáo thuần thành (vì ta có thể coi Alain là một người như vậy, thuộc về một hạng mục hết sức hiếm hoi) như Alain hẳn sẽ không có chút nào tin vào những phương pháp như “lấy học sinh làm trung tâm”, và kể cả chuyện các giáo viên tìm cách trở nên thân thiết với học sinh. Rất có thể, trước hiện tượng ấy, Alain sẽ buông một câu: “Nhưng đó là mị dân, đó không phải là dạy học”.

Và Alain miêu tả không thể rõ hơn, cũng như không thể sắc bén hơn, về tình trạng vô chính phủ khi trong lớp có một ông thầy nào tìm cách gần gũi với học trò mình. Một ông thầy không phải là một ông bố, cũng như một ông bố thì không phải là một ông thầy. Nhất là, trong cái nhìn của Alain, nhất định không có chuyện trường học là một gia đình, cho dù là theo một con đường ẩn dụ.

Như vậy cũng đồng nghĩa với phân biệt thật rạch ròi hai thứ rất dễ lẫn vào với nhau: văn hóa và sinh học. Chắc chắn đây là điểm rất mấu chốt trong tiến hóa của con người: văn hóa không bao giờ trùng hợp với sinh học.

Chính vì vậy, Alain là hết sức cần thiết với chúng ta. Và Alain cần thiết như thế không phải vì đấy là một nhà thông thái, cho dù quả thật Alain rất thông thái, mà vì đấy là một tinh thần nghiêm khắc. Một tinh thần nghiêm khắc tức là một tinh thần không vì cái gì mà ngả theo những thứ đang thịnh hành và thời thượng; và cũng chỉ một tinh thần nghiêm khắc mới có khả năng đưa mọi thứ về đúng chỗ của chúng. Điều này là hết sức quan trọng, dẫu rất thường xuyên, nó gây khó chịu, cũng như khó hiểu.

Ta cũng thấy khó mà hiểu nổi, tại sao một triết gia ở tầm cỡ như Alain lại có thể viết vô vàn “đoản luận” (propos) như vậy. Đây là một nghịch lý: Alain là một con người của hệ thống, nhưng các propos của Alain lại như thế lúc nào cũng phá tung các hệ thống. Những “propos” của Alain: André Maurois, khi viết lời tựa cho ấn bản của tủ sách La Pléiade in các propos của Alain, viết: “Đây là một trong những cuốn sách đẹp nhất trên đời.” Tuy Maurois là học trò của Alain nhưng ta có thể tin, khi Maurois bảo, “Tôi đặt nó [cuốn sách in các propos của Alain] ngang mức với Montaigne và Montesquieu.” Sự xếp “ngang mức” này là một chứng nhận cho một điều: chính là sự nghiêm khắc đã nói ở trên. Các nhân vật như vậy (Montaigne, Montesquieu, Alain) làm cho thế giới có thể có trật tự.

André Maurois là một dạng “đại sứ” cho Alain, nhất là ở bên Anh (dẫu Alain vô cùng thích tiểu thuyết Anh và viết cả một cuốn sách về Dickens, thì Alain vẫn không hẳn được biết đến nhiều ở bên kia biển Manche: chuyện rất khác so với, chẳng hạn Montaigne, mà người Anh đã rất sớm dịch sang ngôn ngữ của mình các “essai” - phải cho đến “propos” của Alain thì mới thực sự có một cái gì đó ngang tầm dược với những “essai” của Michel de Montaigne): vì Maurois giới thiệu, trong một loạt bài giảng lừng danh, được in thành sách dưới nhan đề Aspects of the Novel, E. M. Forster đã trích dẫn Alain. Maurois cũng trở thành nhân vật của loạt thuyết trình danh tiếng ấy, vào một năm khác.

Những người học trò của Alain, như Maurois, đã được rèn giũa bởi một tinh thần nghiêm khắc đến thế, rất hiểu lịch thiệp là một trong những phẩm chất mà Alain thấy là cần đặt cao hơn cả, một phẩm chất hết sức quan trọng. Alain thể hiện sự lịch thiệp của mình - một phần không nhỏ - chính bằng cách viết các “propos”, những đoản luận (chúng giống như các tiếng vọng từ một phần lõi hết sức khắc kỷ của tinh thần), viết ngày ngày, với một tiêu chí nho nhỏ tự đặt ra, là không gạch xóa: một nét vẽ của họa sư bậc thầy, không thêm bớt, nhấc tay lên là đã xong, và không sửa chữa được nữa.

Lịch thiệp là sản phẩm của văn hóa được hiểu đúng. Ngược lại, rụt rè, đối với Alain, là một khiếm khuyết rất lớn của tinh thần, và gây ra các hệ quả cùng tổn thất nặng nề cho nhiều thứ, kể cả cho cơ thể (Alain dường như không thấy có phân chia nào thực sự có ý nghĩa giữa tinh thần và cơ thể: chính vì vậy, triết học của Alain đặc biệt dễ tiếp nhận - đấy là nếu như tinh thần tiếp nhận nó chịu được và không sợ sự nghiêm khắc). Ít nhất thì một người rụt rè không bao giờ lịch thiệp.

Trường học (như Đoản luận về giáo dục thể hiện) là địa điểm rất quan trọng của văn hóa con người, nó chữa cho người ta khỏi sự rụt rè và dạy người ta cần phải biết lịch thiệp.

Cao Việt Dũng

Tags: Alain Cao Việt Dũng