1-12-2023
Sự lên men của vật chất
Với tập truyện thứ hai và cũng là cuối cùng của Bruno Schulz sắp ra mắt trong tiếng Việt, nhan đề Dưỡng đường đồng hồ cát, giờ đây ta đã có thể nhìn lại toàn bộ văn chương tuyệt vời ấy. (Ảnh bìa có hình con mắt giữa vòng tròn, như là nhìn qua ống nhòm; sự nhìn, không chỉ riêng với tập truyện thứ hai, bao quát tổng thể văn chương Bruno Schulz.) Vẫn cùng một giọng mê hoặc và những chủ đề đã được đề cập đến ở tập Những hiệu quế.
Sự thống trị của nền kinh tế đối với đời sống xã hội, ở thời đầu, dẫn đến suy thoái từ “là” xuống thành “có”… giờ đây, khi mà đời sống xã hội đã hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi các sản phẩm dồn ứ của nền kinh tế, diễn ra sự trượt từ “có” sang “có vẻ”… Guy Debord đã viết như thế trong một đoạn rất tiêu biểu của La société du spectacle (1967),những cảnh tượng giả là thứ được nhắm đến. Và để chứng minh rằng chúng có giá trị, sự vật phải vơ lấy, rốt cuộc chịu ảnh hưởng và phụ thuộc trực tiếp vào những quan niệm chung của xã hội, thứ vốn xa lạ với cá nhân. Hay nói cách khác, sự vật đã đi đến chỗ buộc phải tỏ ra rằng chúng không có thật. Dường như cũng chính giữa một vẻ phỉnh phờ toàn thể mà sự viết của Bruno Schulz thành hình. Văn chương ấy không kể những câu chuyện lạ lùng: bịa ra một nhân vật mang hình thức hoàn toàn mới không phải việc Bruno Schulz làm. Ông lần theo những dấu vết nhỏ xíu, những tín hiệu mập mờ tự chúng luôn muốn xóa bỏ hay lặn mất đi. Sự vật hiện lên trang giấy kia đã được căn chỉnh, thổi phồng, đẩy đến cùng cực ánh sáng và bóng tối, kéo dãn dải màu ra hết cỡ, nhờ đó chúng tách rời, có được sắc độ riêng và tiến lại gần nhất có thể với sự thật về bản thân chúng. Ngay cả một con người, ông bố, cũng hiện ra với vô vàn sắc thái, biến hình không ngớt, lúc là một con cua, lúc lại là ruồi. Những phát ngôn kỳ dị của ông cũng diễn ra theo cách thức đó, những lời lẽ khi hùng hồn khi thì thào rợn tóc gáy ấy chẳng phải chỉ là một chuỗi cường điệu đơn giản. Có thể nói, những gì cốt yếu nhất của văn chương Bruno Schulz đã được thể hiện ở chuỗi truyện ngắn về ma nơ canh. Nhưng nếu cho rằng đó chỉ là Bruno Schulz để cho người bố thay mình phát biểu những ý tưởng kia, chuyện hẳn sai lệch. Những đòi hỏi và kêu gọi, những rao giảng với lời lẽ như thay mặt và được bảo trợ bởi thế lực dị giáo ấy đã vượt lên quá xa, suýt chút nữa khiến cái nhìn kia hoàn toàn sụp đổ, hoặc giả chỉ làm nảy ra những cái nhếch mép khinh rẻ trước chứng gàn của kẻ khùng. Có lẽ nên hiểu rằng, những lời kia là một quá độ của viễn kiến văn chương ấy, nó được bắt nguồn từ cái nhìn hướng vào vật chất và hình thức.
Phải có một bàn tay cứng cỏi tuyệt đối mới áp đặt được luật lên cái toàn thể, với những quy tắc không thể bị nghi ngờ. Nhưng hầu như chẳng cần tài năng để bắt chước và mô phỏng, hay tạo ra những thứ quái đản không sức sống. Trong thế giới của Schulz, như thể mọi thứ đều mang sẵn nỗi khốn khổ thiếu vắng một vị chúa đích thực. Mất đi cây cọc ấy, như cách nói của Baudelaire, một Thyrse, một cây gậy cứng để dây leo bám, tất tật chỉ còn chờ để bùng nổ, để thoát ra khỏi hình hài kỳ khôi bị số phận ác nghiệt áp đặt. Thiếu mất một hướng đúng, những vật chất ấy có vô vàn hướng để dặt dẹo phình ra. Trong tình trạng không có vua ấy, chúng lại không bao giờ thiếu những vị vua giả để suy tôn, những niềm tin cằn cỗi méo mó như một idée fixe, những thứ dịch vụ và tiện nghi với mục đích chiều chuộng bản thân được ngụy trang dưới lớp vỏ khoa học tiến bộ.
Ít vật chất đi, thêm hình thức, ông bố thốt lên trong Ma nơ canh. Quá nhiều vật chất nhưng chẳng có mấy những hình thức mới cho riêng chúng, chúng buộc phải tự nhại lại, hoặc rơi vào những hình thức kỳ quái vô nghĩa lý nảy sinh từ dục vọng con người. Những ma nơ canh được tạo ra với mục đích mô phỏng lại các dáng vẻ hay động tác xa lạ với chính bản thân chúng kia khổ sở khôn nguôi. Rốt cuộc những vật chất thừa thãi hỏng hóc ấy chất lên đầy ứ, bị bỏ mặc… Tất tật chúng cấu thành những huyễn cảnh, ảo tưởng, những hình dung sai lệch, hay là kết quả của một lên men kỳ quái của vật chất. Có lẽ điều này rất gần với những spectacle của Guy Debord, hay nguồn cơn của spleen nơi Baudelaire.
Những cảnh vẻ giả dạng, những huyễn tưởng mơ hồ không ngừng biến đổi kia, chúng dường như không có giới hạn nào, sum suê ứ đầy, luôn luôn bành trướng nhân bội vô cớ. Chúng gây khiếp hãi cho những tâm hồn ngây thơ nhút nhát. Đêm, thời điểm những vật chất khổ sở kia thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa, chúng lẩn vào chiều sâu tăm tối, biến hình và xáo trộn trật tự, dẫu là một đêm tháng Bảy trời tối đen hay một đêm trắng tuyệt diệu, kẻ liều mình từ bỏ nơi trú ẩn an toàn bước vào đó thật khó tránh khỏi nguy cơ lạc đường. Những ngày hội cũng là một nơi mà đám vật chất kia điên cuồng thả trôi mình vào, khi ấy toàn cảnh trông như một cơn phát ban những mẩn đỏ bệnh hoạn, mắt người lấp lánh hân hoan nhưng lại toát lên vẻ xấu xa, hoàng hôn bị lấp kín bởi cơn hủi lây lan của đám mặt nạ rơi rụng… Như một định mệnh, đám chim quái vật tìm về với nơi chúng sinh ra trong một đêm hội như thế. Và một vũ hội hóa trang chính là điều mà Schulz nhìn ra nơi các chi tiết sống sượng của tòa dinh thự mờ ám, mà các phân khu chức năng chẳng mấy tương thích với mục đích sử dụng. Những vật chất giả ấy quằn quại và bối rối trong hình thức mà chúng bị ép buộc, rồi chực vỡ oà khi cực điểm, hay khi chúng tìm ra một cái cớ để một lần và mãi mãi vứt bỏ cái hình dạng khốn nạn mà chúng bị khuôn định, chẳng hạn một đám cháy… Định mệnh của những vật chất giả ấy, của những thứ tạo ra để mô phỏng, là oằn xuống, méo đi và vỡ vụn. Sự dồn nén đến mức căng cứng suốt quãng tồn tại của chúng khiến mọi bùng nổ bạo liệt sau đó chỉ như một tiếng thở dài khoan khoái.
Ở nơi đầy rẫy cảnh vẻ giả tạo, kể cả thời gian cũng chăm chăm muốn thoát khỏi hình hài của nó. Với Bruno Schulz, thời gian không còn vững chãi như ta thường nghĩ, không còn gây yên lòng với cái chiều tiến lên duy nhất đều đều vốn dĩ nữa (sự hối thúc về mặt thời gian, như thể luôn luôn đúng, đôi khi lại là lời nói dối đê tiện nhất). Thứ dường như được kiểm soát bởi con người, chia nhỏ đến mức quá chi li như thể mọi thời khắc đều bình đẳng với nhau ấy, đến cả nó cũng oằn lên kháng cự; thoát khỏi sự cảnh giác, nó ngay lập tức bắt đầu những trò bịp, chạy điên cuồng, chơi khăm ác ý một cách vô trách nhiệm và lạm dụng những trò hề rồ dại. Còn khi thời gian giữ được nhịp đều đều buồn tẻ của nó thì sự nhàm chán thống trị, chính nó hiện lên rõ ràng là mối nguy, như vốn thế đối với mọi tôn giáo. Sự buồn tẻ đờ đẫn ấy là nguồn cơn cho những trò hề chẳng ác ý để lại hậu quả khôn lường, ở đó, dục vọng không cạn kiệt mà được nuôi dưỡng và rình rập lao vào một cơn giải tỏa điên rồ. Bất lực trước cơn ủ dột thẫn thờ, mọi thứ chẳng còn cách nào khác đành buộc phải sinh sôi nảy nở đến mức bệnh hoạn phi lý, lặp đi lặp lại, quẫy đạp tứ tung, rồi tan biến rất nhanh như thể người ta vừa tỉnh lại sau khi bất chợt thiếp đi giữa đường.
Trước sự lặp lại và nhân bội không ngớt ấy, mọi vật, dẫu lẫn vào vẻ nhạt nhòa chung, lại thể hiện nỗi cô đơn cùng quẫn. Cùng lúc mất đi cá tính, con người lại bị tách biệt hoàn toàn. Không phải là người ta không nhận thấy, trong cảnh vui nhộn hội hè đầy ắp những hành động tiên phong và những tuyên ngôn khẳng định tiến bộ bứt phá, sự nghèo nàn của cá nhân mình, cùng với đó là sự lặp lại mà bản thân họ sớm muộn cũng nhận ra là hoàn toàn chẳng có gì xuất chúng. Không còn nắm bắt được mối tương quan giữa bản thân và những tồn tại xung quanh, tất tật đều chịu đựng trong cô độc nỗi khốn khổ của riêng mình và đề phòng tất thảy. Các truyện của Schulz đưa ra cho ta vô vàn những sinh vật cô độc khốn khổ. Và cả nỗi khốn cùng ấy cũng chẳng rõ hình hài, bị che lấp cùng tất tật những thứ khác, nó chỉ hiện ra trong vô thức, khi tất cả chìm vào giấc ngủ là lúc những tiếng ngáy, những lời nói mê, những dục vọng ấp ủ trỗi lên thành hình.
Văn chương kỳ lạ của Bruno Schulz, dẫu ít ỏi và mang vẻ ngoài dị biệt (thường được gắn nhãn fantasy, trừu tượng… phần lớn là những cách thức nhằm xếp riêng ra một chỗ và xem như một món đồ chơi quá đẹp và lạ lùng nên phải cất đi), lại rất biết cách hiện ra với những người đọc luôn luôn cảm thấy một nỗi lo lắng về thực tại, thường xuyên cảm thấy mông lung và lạc đường, không biết phải chọn lấy gì giữa vô vàn lựa chọn dễ dãi bày ra ngay trước mắt. Cả việc lựa chọn ấy cũng có thể là những cái bẫy giăng ra trong bầu khí lên men… Thường xuyên anh ta cảm thấy một sự giấu giếm lập lờ nơi những định nghĩa mới đặt ra và được lặp đi lặp lại hòng khuôn định một hình thức chung như là chân lý; những phát minh công nghệ và đổi mới hừng hực mọi lúc nhân danh con người, những tòa nhà và tiện nghi vô nghĩa lý mà thường ngày lướt qua bên cạnh, thậm chí ở bên trong, anh ta luôn luôn cảm thấy xa lạ và tách biệt; những kẻ buồn chán bày trò chọc cười và những trò đùa khoác lên vẻ hiền lành vô hại, những tâm hồn què quặt ẩn náu khắp mọi hình hài tưởng chừng vô hại nhất… Và chẳng phải thật khiếp hãi hay sao, khi bất chợt hoặc sau một quá trình dồn nén, bằng cách nào đó, anh ta rớt ra khỏi cái nhịp chung hừng hực tưởng chừng là chung quyết ấy, lờ mờ nhận ra những quặt quẹo sai lệch, những thứ trật khớp, chẳng thể gọi tên bất cứ gì, chẳng biết phải cảm thấy thế nào trước những mơ hồ dai dẳng ấy. Phải chăng vẫn là cùng những vật chất giả và những ảo tưởng lên men? Dẫu bứt rứt không nguôi, ta không thể làm gì khác, vì cũng chính trong đó ta tìm được những sự nâng đỡ giả dạng, những giải khuây dễ dàng giúp làm cho mọi thứ dễ chịu hơn, những góc nhọn hay mấu lồi khiến rách toạc được viền lại và vuốt nhẵn…
(Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng ủ dột và đầy ắp nguy cơ nổ tan tành. Đâu đó giữa quãng đời bất lực, trước một mùa thu ác nghiệt, vẫn có một vài ngày đặc biệt dễ chịu. Hình ảnh ông già ngồi ngắm những người thợ xẻ gỗ làm công việc bắt nguồn từ cổ xưa và vẫn không thay đổi gì nhiều ấy, cắt ra từng khoanh gỗ, thứ vật chất thật, chắc nịch và tươi sáng, như một sự an ủi, một thứ gì đó vững chãi và làm an lòng giữa những cơn gió chộn rộn kích động.)
Đơn độc đứng trước mê cung, người ta cần một thứ gì đó để lần theo, một thứ gì đủ mạnh để kích hoạt, đưa gần lại hay làm rõ lên những thứ mờ mờ ở rất xa, nhắc nhở về sự kỳ diệu bị lãng quên; một tác phẩm văn chương nghệ thuật, hay chỉ giản dị như một quyển sách thời thơ ấu, một tập tem. Bên trong chúng chứa đựng sự kỳ diệu, cái đẹp đích thực có sức sống dai dẳng, hay một ảo tưởng lớn, dẫu bị vùi lấp giữa đống vỏ mùn thối rữa và bao năm tháng lãng quên, luôn luôn biết cách sống dậy và bắn ra những tín hiệu nhỏ li ti, hết sức thuần khiết, nhưng rủi thay, cũng vô cùng nhạy cảm; quá e thẹn, chúng luôn tìm cách lẩn đi khỏi cái bề mặt mà đôi khi chúng ngoi lên thăm dò. Cần chấp nhận nguy cơ ấy, như cậu bé dũng cảm lần theo những rung động hết sức mong manh, dẫu rốt cuộc cũng lung lay và phải thừa nhận mình chỉ là một tên huênh hoang ảo tưởng. Cách đối mặt ấy được Schulz nói ra cụ thể hơn trong truyện “Nỗi cô đơn”, giống như một ghi chép ngắn hơn là truyện, qua đó hé mở một tia sáng của văn chương, dẫu mang vỏ bọc ảo não của một người cô độc nhận thấy cả ảnh của mình trong gương cũng mang vẻ xa cách thờ ơ với mình. (Rất hay bắt gặp những tấm gương im lìm phản chiếu hành động con người trong truyện của Schulz.) Bị vây khắp xung quanh bởi những xa lạ và hãi hùng, và buộc phải tìm lại, trong nỗ lực xiết bao nhọc nhằn và đơn độc, dấu vết của những tuyệt diệu huy hoàng cũ… người kể, bằng cách nào đó lại thấy mình ở trong căn phòng tuổi thơ, giờ đây kín bưng bốn bức tường. Phải tìm cách đi ra khỏi căn phòng. Và câu trả lời luôn luôn sẵn sàng ở đó, chỉ cần tưởng tượng ra một cánh cửa, nhưng với điều kiện không thể thiếu, phải đủ mạnh để xem là có cánh cửa ấy.
Xuân Trường