Khác Đọc

Ta nói gì khi ta nói về tiểu thuyết?

Thường thì anh ta [học giả rởm] sẽ không chịu công khai thừa nhận rằng “Tác dụng của tri thức là thế đấy: để tiến thân.”

Tất tật những gì anh ta [học giả rởm] nói có thể chính xác nhưng thảy đều vô dụng, bởi anh ta chỉ đi vòng quanh những cuốn sách thay vì đi thẳng vào, xuyên qua chúng, anh ta không đọc, hoặc không biết đọc cho đúng.

Lại còn tinh thần chính trực của ông [Walter Scott] nữa - thà không có còn hơn, vì đó là tinh thần chính trực thuần luân lý‎ và thương mại.

Anh ta [tiểu thuyết gia] có thể khiến tình yêu trường tồn, và người đọc dễ dàng ưng thuận, vì một trong những ảo tưởng gắn với tình yêu là tình yêu sẽ kéo dài mãi. Chưa từng có chuyện đó - sẽ không có chuyện đó.

Bất kỳ cảm xúc mạnh nào đều mang ảo tưởng về sự trường tồn, và tiểu thuyết gia đã nắm bắt điểm này. Họ thường kết thúc tiểu thuyết bằng hôn nhân, và chúng ta không phản đối bởi chúng ta cho họ mượn giấc mơ của mình.

“Nếu Chúa có thể kể câu chuyện về Vũ trụ, vậy Vũ trụ sẽ là hư cấu.”

Thế nhưng, không có lý do gì để làm khó Aristotle. Ông chỉ đọc một vài tiểu thuyết và không tiểu thuyết nào là hiện đại - ông đọc Odyssey chứ không phải Ulysses.

Tôi có thể trích vài chục câu viết hài hước, nhưng không kém phần thẳng thắn, như trên xuyên suốt Các khía cạnh của tiểu thuyết. Nhẹ nhàng, hài hước, thú vị và lôi cuốn, tập sách mỏng này là chuyên khảo phê bình văn học duy nhất của nhà văn Anh E. M. Forster và xuất phát từ loạt bài giảng thuộc chương trình Clark Lectures của Trinity College, Cambridge, mà ông đã thực hiện trong tám tuần, từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1927.

Clark Lectures, được tổ chức hằng năm, có lẽ là loạt bài giảng nổi tiếng nhất về văn chương Anh. Rất nhiều nhà sử học, kịch tác gia, hay nhà thơ nổi tiếng đã được mời làm giảng sư trong chương trình này. Tuy nhiên, phải đến năm học 1926-27, lần đầu tiên vinh dự này mới thuộc về một tiểu thuyết gia, người đã viết những tiểu thuyết nổi tiếng như A Room with a View (1908), Howards End (1910) hay A Passage to India (1924). Forster thừa nhận mình đã phải chịu nhiều áp lực khi nhận lời mời và đã dành rất nhiều thời gian chuẩn bị [để đọc thêm tiểu thuyết, không còn cách nào khác]. Loạt bài giảng này của Forster đã thành công vang dội và được xuất bản thành sách vào tháng Mười năm đó.

Là tiểu thuyết gia, không những thế còn là tiểu thuyết gia thành công, rõ ràng Forster được trông đợi sẽ nói về các khía cạnh bếp núc của sự viết, từ góc độ của người thực hành, chứ không phải nhà lý thuyết. Và đúng như vậy, Forster nói về tiểu thuyết, về chất liệu, nội dung, hình thức nghệ thuật và các khía cạnh khác của nó, với giọng đặc witty, thậm chí sarcasm, đúng típ một gentleman người Anh. (“Học thuật đích thực là không thể truyền đạt, học giả đích thực luôn hiếm. Có một vài học giả, đã thành hình hoặc đang ở dạng tiềm năng, ở trong số người nghe hôm nay, nhưng chỉ là một vài, và chắc chắn không có ai trên bục giảng này cả.” - Chương 1)

Xuyên suốt bài giảng, Forster trình bày về bảy khía cạnh mà ông cho là quan trọng với tiểu thuyết, từ những gì quen thuộc, như Câu chuyệnCốt truyện và Nhân vật, cho đến các góc nhìn ít truyền thống hơn, như Huyễn tưởngTiên triMẫu và Nhịp. Theo Forster, cơ sở của tiểu thuyết chính là câu chuyện, được mở rộng thành cốt truyện - tức là, cấu trúc tổng thể của tiểu thuyết, với sự tham gia hành động của nhân vật được sắp đặt trong bối cảnh thời gian và không gian, xen lẫn với những huyễn tưởng và tiên tri của cốt truyện. Các tiểu thuyết gia khác nhau trong quá trình sáng tác sẽ hình thành nên mẫu riêng. Còn nhịp tức là sự lặp của một hình ảnh và những biến đổi khác nhằm tạo hiệu ứng cho tiểu thuyết.

Qua cái nhìn sâu sắc và độc đáo về nhiều vấn đề cốt yếu trong tiểu thuyết, như hình thức, điểm nhìn hay mối tương quan giữa nghệ thuật và đời thực [Henry James vs H. G. Wells], Forster đã đề cập đến khá nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử tiểu thuyết tiếng Anh, với những hình ảnh liên tưởng thú vị [nhốt một nhóm nhà văn khác thời vào cùng một căn phòng, ép họ sáng tác và xóa nhòa khoảng cách về không gian và thời gian giữa họ], những nhận định cụ thể, trực quan [George Elliot vs Fyodor Dostoevsky], những bình luận sâu, sắc về nghệ thuật tiểu thuyết [Henry James, Marcel Proust]. Tuy nhiên, luận điểm đáng chú ý nhất và thú vị nhất của Forster có lẽ là ý về nhân vật phẳng và nhân vật tròn [Chương 4], dù cũng gây nhiều tranh cãi về sau.

Hấp dẫn và lôi cuốn, có vẻ Các khía cạnh của tiểu thuyết hướng đến khán giả mục tiêu của mình là người đọc bình thường, dẫu cho trong những người ngồi dưới giảng đường nghe Forster nói có không ít học giả tên tuổi [như F. R. Leavis]. Xuyên suốt cuốn sách, hầu như ông không mấy sử dụng thuật ngữ chuyên ngành văn chương, thay vào đó dùng lời lẽ như đang chuyện phiếm với bạn bè, ít tính tranh luận học thuật và kết cấu chặt chẽ. Ngoài ra, dù được mời để nói về phê bình văn học, nhưng đôi lúc Forster dường như lại tỏ ra nghi ngờ giá trị của phê bình. ("Thơ, tôn giáo, dục vọng - chúng ta chưa tìm được chỗ cho chúng, và vì chúng ta là nhà phê bình - chỉ là nhà phê bình - chúng ta phải tìm cách đặt chỗ cho chúng, để xếp cho đủ các sắc cầu vồng. - Chương 5)

Tất nhiên, Các khía cạnh của tiểu thuyết cũng có những hạn chế của nó. Là con người, là tiểu thuyết gia, chắc chắn Forster không tránh thể khỏi cảm tính và taste cá nhân khi bày tỏ suy nghĩ của mình. Ta có quyền đặt câu hỏi rằng ông có thực sự công bằng không với những nhận định về cảm năng của một số nhà văn lớn, như Henry James, hay tiểu thuyết lớn, như Adam Bede? Bên cạnh đó, Forster cũng nhấn mạnh vào luật nhân quả của cốt truyện, hay đòi hỏi cần phải có một dénouement [mở nút, kết thúc] chặt chẽ. Điều đó khiến việc dùng Các khía cạnh tiểu thuyết để đọc tác phẩm kinh điển có vẻ “an tâm”, nhưng sẽ khó để quy chiếu với tiểu thuyết hiện đại.

Rõ ràng, một sự phê bình thú vị, khơi gợi tranh luận nghiêm túc như Các khía cạnh của tiểu thuyết vẫn có nhiều ý nghĩa, đặc biệt khi đặt vào thực tại ngày nay. Ngoài ra, dẫu Forster không nhắc một chút nào đến tiểu thuyết của mình, nhưng cuốn sách có thể là một cửa ngõ, đường hoàng và chắc chắn, để người đọc đi vào thế giới của Forster Tiểu thuyết gia. Ra đời cách đây gần 100 năm, Các khía cạnh của tiểu thuyết đến giờ vẫn được xem là nền tảng của phê bình tiểu thuyết Anh-Mỹ, khi giúp người đọc, người viết hiểu hơn về cảm năng tiểu thuyết, trước khi đi vào những gì đó cao hơn.

Trở lại với câu hỏi trong titlecủa bài viết, Foster có một đáp án rõ ràng. Ông hy vọng, cuốn sách sẽ mang lại “những cách khác nhau ta có thể nhìn một tiểu thuyết và những cách khác nhau một tiểu thuyết gia có thể nhìn tác phẩm của mình”. Nhưng, làm thế nào để nhìn một tiểu thuyết? Câu trả lời cũng là của Forster. Đó là chẳng có cách nào khác ngoài việc đọc, và dầu không may là sự đọc mất nhiều thời gian, nhưng đấy là “cách duy nhất để biết xem chúng [tiểu thuyết] chứa những gì”. Vì:

#Sách_là_để_đọc

Phan Lương

Tags: E. M. Forster Phan Lương