3-4-2023
Về Poe (Phần 1):
I Miss Your Voice
Ngày 28 tháng Hai năm 1829, người phụ nữ tên Frances Allan qua đời ở Richmond. Đêm sau tang lễ mẹ nuôi, chàng trai Edgar Allan Poe - bấy giờ hai mươi tuổi, đang phục vụ trong quân đội ở cảng Boston - mới về được đến nhà. Allan là cái tên được thêm vào khi cậu bé Edgar Poe - hai tuổi - được vợ chồng Allan nhận nuôi khi mẹ cậu - một diễn viên gốc Anh - qua đời ở tuổi hai mươi tư vì bệnh lao (cha cậu đã bỏ hai mẹ con từ sớm). Đây là lần thứ ba trong đời Edgar mất hiện diện nâng đỡ và xoa dịu của một người mẹ. Trước đó, ở tuổi mười lăm, cậu đã phải chứng kiến cái chết (rất trẻ) của Jane Stith Stanard - mẹ một người bạn thơ ấu và, cũng như Frances Allan, là người hiếm hoi tin tưởng và ủng hộ thiên hướng văn chương của Edgar. Không lâu trước tuổi mười lăm cũng chính là thời điểm Edgar bắt đầu viết - những bài thơ mang âm hưởng Lord Byron, sẽ được tập hợp trong tập Tamerlane and Other Poems, in dưới cái tên ẩn danh “Người Boston”, khi cậu mười tám tuổi. Bấy giờ, Edgar vừa bỏ học và đang mâu thuẫn gay gắt với cha nuôi. Cậu dạt tới Boston - nơi cậu sinh ra, cũng là trung tâm xuất bản và văn chương thời ấy, hòng lập một con đường riêng cho mình - cái tên “Người Boston” cho thấy quyết tâm độc lập với nhà Allan ở Richmond. Nhưng tập thơ đầu tiên không mở cửa cho Edgar ngay. Khi nó in được, cậu đã ở trong quân đội, sau khi thử vài công việc ở hiệu buôn, tòa báo mà chẳng đến đâu. Tập thơ ẩn danh ấy chìm nghỉm và Edgar cũng rất nhanh thoát hẳn “kiểu Byron” - cứ như thể viết ra, in ra chỉ là cách để thanh toán món nợ văn chương thời bé. Trong quân đội, chàng thanh niên dùng một cái tên giả - “Edgar A. Perry” và sau hai năm đã thành Trung sĩ Pháo binh - cấp bậc cao nhất có thể đối với một hạ sĩ quan. Nhưng hai năm ấy đủ cho Edgar nhận ra đây không phải chỗ của mình. Cậu nhận được đặc cách của một thượng cấp rất yêu quý cậu: cho phép cậu rời quân ngũ (vốn dĩ phải ở lại ít nhất năm năm) với điều kiện có thư đồng ý của cha nuôi - người, tuy thế, kiên quyết không ưng thuận. Chính ở đây, cái chết của người mẹ nuôi giúp cho Edgar: mối bất đồng cha con dịu đi; John Allan cho phép cậu giải ngũ, đồng thời giúp cậu được nhận vào Trường quân sự West Point. Ngay trước chuyến đi New York để nhập học, Edgar về Baltimore sống một thời gian với gia đình ruột của mình và ở đây in được tập thơ thứ hai - cũng chật vật không kém tập đầu tiên.
Nhưng chỉ sau hai năm kể từ ngày mẹ nuôi qua đời, mồng 3 tháng Giêng năm 1831, Edgar viết thư cho cha nuôi thông báo mình sắp bỏ học. Đây là lần bỏ học thứ hai, nguyên nhân cũng giống lần đầu, khi Edgar rời Đại học Virginia bốn năm trước: thiếu tiền. Đó là một lá thư dài, một bản hạch tội đích thực: Edgar căn vặn John Allan vì sao lại lấy mình khỏi tay ông nội - một người giàu có và yêu thương cậu, một anh hùng Baltimore trong cuộc chiến giành độc lập - trong khi không chịu cấp cho cậu những chi phí học hành cần thiết: gửi cậu đi học “như một đứa ăn mày”, khiến cậu phải đánh bạc để kiếm tiền. Giống như hồi bỏ quân ngũ, bỏ West Point, Edgar vẫn phải xin thư đồng ý của cha nuôi để được nhận một khoản đủ lộ phí từ trường, nhưng cậu nói thẳng luôn là dù có cho hay không thì cậu cũng vẫn bỏ. John Allan, như lần trước, lờ bẵng đề đạt của Edgar. Chàng trai trẻ đến được New York trong tình trạng không xu dính túi, ốm thập tử nhất sinh nhưng vẫn xoay xở in được tập thơ thứ ba nhờ sự ủng hộ của các bạn đồng học West Point trước khi về lại Baltimore sống với cô, em họ, và người anh trai Henry mà Edgar vô cùng thân thiết. Nhưng chỉ năm tháng sau khi anh em đoàn tụ, Henry chết - trong cùng căn phòng ở với Edgar, cũng ở tuổi hai mươi tư, cũng bệnh lao như người mẹ. Cái chết của Henry là cú đẩy cuối cùng để Edgar Allan Poe nhận lấy số phận mình. Cửa mở.
Những năm bùng nhùng trước đó đã thu thập cho Poe gần đủ những địa điểm hợp thành mê cung cuộc đời: Boston, Richmond, New York, Baltimore. Chỉ còn một thành phố: Philadelphia, nơi Poe sẽ sống sáu năm. Không giống người anh trai đi biển và nhiều văn nhân thời ấy, cả đời Poe sẽ không rời nước Mỹ, thậm chí không đi đâu ngoài bờ Đông (chuyến đi Anh hồi rất nhỏ là được gia đình Allan cắp theo, vì công việc). Con đường của Poe là cuộc đi trong mê cung - cứ quay lại mãi một số điểm như bị hút bởi những bí ẩn không thể cưỡng, bị đẩy bởi những lực không thể thoát. Đó không phải là con đường vạch bởi hai đầu: quê hương và xứ lạ; kinh nghiệm của Poe không phải là cuộc trở về của Odysseus. Poe cũng không giống, chẳng hạn, Dostoyevsky, nhất định phải thoát khỏi những vòng danh vọng - những nhà tù êm ái luôn chực chụp xuống các tài năng lớn. Chưa bao giờ Poe thuộc một “circle” nào; kể cả khi đã đụng chạm đến mọi cái tên lớn thời ấy và trở thành một bỉnh bút hiển hách, Poe vẫn chẳng thuộc về đâu. Nếu có điều gì tương tự con đường của Poe thì lại chính là “Manifest Destiny” - khái niệm sẽ trở nên rất mốt vào mấy năm cuối đời Poe: cuộc tiến vào hoang dã, cuộc chinh phục cái không biết mà nước Mỹ coi là định mệnh của mình. Hồi cuối năm 1828, trong thư nài John Allan giúp mình giải ngũ, Poe viết: “Richmond và nước Mỹ quá nhỏ với tôi. Thế giới mới đúng là sân khấu của tôi.” Những lời này sẽ ứng nghiệm theo cách chính Poe hẳn cũng không ngờ. Thế giới mà Poe tìm thấy và mở rộng đến khôn cùng thuộc về một chiều khác hẳn không gian vật lý. Và quả thật nó quá cỡ so với người Mỹ. Cần đến những người nước ngoài - cái nhìn từ khoảng cách - để nước Mỹ phát hiện ra thiên tài của nó.
Năm 1835, bốn năm sau quyết định toàn tâm toàn ý với văn chương là một bước ngoặt: Poe nhận được vị trí biên tập cho một tờ báo và lấy vợ. Cú đúp này, đúng kiểu Poe, cũng rất lằng nhằng: nhận việc ở tờ *Southern Literary Messenger,*Richmond, được vài tuần, Poe bị đuổi vì rượu chè, ngay sau đó quay về Baltimore lấy vợ rồi mới quay lại Richmond nhận lại việc, mang theo vợ và mẹ vợ. Trước đó đã có một cú lấy vợ hụt: người tình thời niên thiếu của Poe - đã được giới thiệu với ông anh Henry và còn đi vào một truyện của Henry - bị cha ép bỏ chàng thanh niên Edgar để lấy một thương gia giàu có. Với người vợ tên Virginia, chuyện cũng suýt như vậy: Virginia hẳn đã nhận lời một Poe khác (Neilson Poe) nếu không nhờ lá thư (hết sức lâm li) của Edgar gửi cho bà mẹ - cũng chính là cô của Edgar. Trong thư, Poe nói đã dọn sẵn và trang hoàng một ngôi nhà nhỏ có vườn rộng để đón hai người thân duy nhất trên đời về sống cùng. Poe van xin bà cô - Maria Clemm - và cô em họ đừng tước đi hơi ấm duy nhất mình còn lại. “Pity me, my dear Aunty, pity me. I have no one now to fly to.” Trái với vô số lá thư vô vọng trước đó và cả sau này - đời Poe, ngoài những cuộc gây sự, còn là những cuộc tủi nhục dài - lá thư này hiệu nghiệm: Poe cùng lúc có cả vợ cả mẹ - hai nhân vật cực kỳ quan trọng đối với Poe. Baudelaire, một người hiểu rất rõ vai trò của sự dịu dàng phụ nữ đối với một tinh thần dạng mình (Et pourtant aimez-moi, tendre coeur! soyez mère, Même pour un ingrat, même pour un méchant) dành nhiều dòng cảm động cho Virginia và nhất là bà Maria Clemm - người, không giống những người mẹ trước của Poe, sẽ sống rất lâu sau khi cả Poe và Virginia đã chết. Thời điểm ấy, Poe hăm sáu tuổi, Virginia mới mười ba.
Trước đó hai năm, Poe đã kịp tìm ra thế giới của mình. “MS. Found in a Bottle” - câu chuyện về lá thư gửi từ con tàu ma đoạt giải thưởng của một tờ báo Baltimore, mang về cho Poe năm mươi đô (trong khi hồi đó Poe thuê nhà chỉ mất năm đô một tháng) - một trong những ghi nhận hiếm hoi suốt văn nghiệp hẩm hiu của Poe. Cuối cái năm bước ngoặt 1835, Poe sẽ cho đăng lại truyện này trên tờ Southern Literary Messenger mà mình biên tập. Poe biết mình đã tìm ra được một thế giới và sẽ phải thật kiên nhẫn đi trong đó. Thế giới ấy đã hoàn chỉnh từ đầu; đặc ngữ của Poe không cần những bước phát triển, lần mò như nhiều văn chương khác. Cửa đã mở: mê cung đã hiện ra.
Nhưng đà của báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong cái viết của Poe (dù về sau Poe viết báo được nhìn nhận ít hơn Poe viết văn nhiều). Nhờ các tờ báo (Poe viết vô cùng nhiều, gần một nghìn bài) mà Poe có đà nảy ra được nhiều thứ hẳn sẽ chẳng bao giờ xuất hiện nếu không có báo. Một trong đó là “marginalia” - những ý nghĩ viết bên lề sách, sau này sẽ nhận được một bình luận quan trọng của Paul Valéry. Về cơ bản, cái viết của Poe trên báo đều là marginalia - những mảnh bật ra để chuẩn bị cho công trình lớn. Không hiếm khi Poe dùng lại các ý, có khi bê nguyên câu trong các bài đọc của mình cho các bài dựng lý thuyết, và chính ở đây ta thấy chuyển động thông nhau giữa viết và đọc. Poe viết bài đọc cực kỳ nhiều - không chỉ văn chương mà hầu như mọi thứ thượng vàng hạ cám, thậm chí cả lịch, tạp chí y khoa. Thôi thúc cái đọc và viết của Poe là một số câu hỏi xuyên suốt, có thể nhận diện bằng những khái niệm do chính Poe gò nên. Đọc là địa điểm không thể thiếu giúp Poe dựng và thử bộ khung định giá trị đồng thời hướng lối cái viết của mình, và một hệ quả tất yếu (rất hay được mang ra để chỉ trích Poe nhà phê bình) là sự thiếu nhất quán trong đánh giá về một nhân vật nào đó. Nhưng dám thiếu nhất quán - bởi vì luôn luôn phải điều chỉnh cái nhìn - lại là nhất thiết đối với người làm công việc phê bình - người xác định nguyên tắc, đánh giá giá trị nhưng không phải từ một độ cao biệt lập mà luôn luôn trong dòng chảy, trong thế đối mặt và đối đầu. Poe cũng ý thức rõ mình là một kiểu người mới hẳn và rất cần cho một nền báo chí non trẻ. Bình luận William Hazlitt của nước Anh, Poe viết, “Đó là một nhà phê bình đích thực - chói gắt, đầy châm biếm, gây kinh ngạc, nghịch lý và gợi mở - chứ không phải kiểu mực thước thâm trầm.” Poe đặc biệt thích mắng, nhất là mắng tập đoàn các nhà xuất bản, nhà in, minh họa, phát hành - mà Poe thường xuyên gọi là vô đạo đức, cũng không nể nang cả những cơn dớ dẩn của tác giả. Với tác giả, đến phải nghĩ là Poe càng khen nhiều thì càng mắng nhiều, và bao giờ cũng mắng phủ đầu, nhưng đó là việc cần làm. Nhưng chính vì luôn luôn nhìn thẳng, Poe ngự sử tránh được một thứ: sự chua chát - cũng là một kiểu hèn nhát. Baudelaire - cũng là một nhà phê bình của Hiện Đại - nhận ra ngay vai trò giáo dục độc giả, khuôn nắn thẩm mỹ của Poe ở một đất nước quá nhiều mô ve gu, một nền xuất bản về cơ bản là vô nguyên tắc: các nhà xuất bản Mỹ thời ấy vẫn thích in lậu sách Anh hơn là trả tiền cho tác phẩm mới của các tác giả Mỹ. Mặc dù là một trong những người Mỹ đầu tiên sống được (dẫu lúc nào cũng bấp bênh) bằng nghề viết và là một bỉnh bút cực kỳ ăn khách (Poe khoe trong một thư là đã làm lượng độc giả của tờ *Southern Literary Messenger *tăng từ 700 lên 3500), việc xuất bản sách với Poe vẫn rất chật vật. Điều này liên quan nhiều đến việc Poe không bao giờ thuộc một nhóm nào và, dẫu cổ vũ việc xuất bản các tác giả Mỹ, lại rất khinh bỉ kiểu văn chương Mỹ theo khuynh hướng quốc gia, anh hùng ca chật hẹp đang là mốt thời ấy. Cả trong văn chương và báo chí, Poe luôn luôn đứng một mình.
Quay lại với thế giới văn chương Poe, đặc biệt là phần truyện. Rất dễ nhầm, bởi những cái chết liên tiếp của những người phụ nữ trong đời, rằng Poe là một người tình than khóc. Nhưng Baudelaire rất chính xác khi nhận xét rằng truyện của Poe không có tình yêu, rằng cả “Eleonora” hay “Ligeia” cũng không thực sự là truyện tình. Câu chuyện hồng nhan bạc mệnh chỉ ở đó để che đi một câu chuyện khác, và đó mới là câu chuyện chính. Cái chết là sự mở ra một thế giới khác. Baudelaire, trong phác họa về Poe, hình dung các chân dung phụ nữ của Poe như sau: “Đó là những phụ nữ mang hào quang trên đầu, ánh sáng tỏa ra từ màn sương thần bí của họ khiến ta choáng váng; đó là những chân dung được họa bởi một kẻ quỳ sụp tôn sùng.” Ngay sau đó, Baudelaire họa chân dung Poe: “Gương mặt, chính vì được phú cho quá nhiều nét đẹp, gây một ấn tượng không hoàn toàn dễ chịu. Đôi mắt lớn vừa u uẩn vừa đầy một ánh sáng kỳ dị; màu mắt rất khó xác định - một sắc u ám ngả dần về tím. Sống mũi cao quý sắc sảo; khuôn miệng đẹp và buồn cho dù luôn luôn thoáng nét cười; nước da nâu rất trong, mặt phủ một quầng nhợt nhạt; dáng vẻ lơ đãng, phảng phất nét u sầu gần như không thể nhận ra.” Baudelaire chưa bao giờ gặp Poe, thậm chí lúc phát hiện Poe (chỉ ba năm trước khi Poe qua đời) còn tưởng Poe là một văn sĩ đã thành công vang dội và cực kỳ giàu có. Chỉ sau khi Poe chết, Baudelaire mới nhận ra số phận đã bất công đến thế nào với thiên tài nước Mỹ. Chân dung Poe của Baudelaire - viết ba năm sau cái chết của Poe - là một chân dung tưởng tượng và tưởng niệm, và chính ở đây Baudelaire cho thấy mình gần gũi đến thế nào với Poe: Poe họa những người phụ nữ còn Baudelaire họa Poe: cùng một động tác, cùng một tư thế. Dễ nhận thấy những tương đồng của hai chân dung được gợi ra: công tua chập chờn bất định, quầng u uẩn như có như không và nhất là ánh sáng kỳ dị như hút ta vào: ta đã được mang đến một thế giới khác. Đây chính là câu chuyện lặp đi lặp lại của Poe. “The Oval Portrait”: người vợ ngồi làm mẫu cho chồng vẽ; nàng cứ xanh dần, yếu dần cho đến khi, sau nhiều tuần, chồng nàng cuối cùng cũng hoàn tất bức tranh, kêu lên, “Đây, đây chính là cái Sống!” thì nhận ra nàng đã chết.
Anh Hoa