Khác Đọc

Viện điều dưỡng đồng hồ cát

Nhắc tới The Hourglass Sanatorium (Viện điều dưỡng Đồng hồ cát) ngoài giải Ban giám khảo của Cannes 1973, người ta thường nói đến bối cảnh chính trị của Ba Lan vào thời kỳ đó, với cách những can phim được tuồn ra để gửi sang Pháp; hay bóng dáng Thế chiến thứ hai và Holocaust về phía cuối phim; hoặc là phát súng của một sĩ quan Gestapo đã giết Bruno Schulz - tác giả của tập truyện gốc Sanatorium Pod Klepsydrą khi ông đi mua ổ bánh mì.

Những chuyện bên lề đó đôi khi làm lu mờ giá trị của một thứ điện ảnh đích thực.

Để nói về phim Viện điều dưỡng Đồng hồ cát, ta cần phải đặt nó bên cạnh tập truyện ngắn đem lại cảm hứng cho đạo diễn Wojciech Has, hay nói đúng hơn, phải đặt nó bên cạnh tất cả những gì Schulz viết, bởi Has đọc Schulz từ khi còn trẻ, và đã mang chất thơ ấy vào tất cả các tác phẩm điện ảnh của mình. Nếu để ý kỹ, có thể thấy cả Những hiệu quế trong Viện điều dưỡng, ở không khí đặc quánh, sánh quyện của những thứ vô cùng đối lập: cái ngột ngạt tù túng của một thị trấn nhỏ lại chứa đựng một thế giới vô biên của tưởng tượng, cái nóng rực thiêu đốt tràn đầy của nắng trong sự dài rộng trống trải mênh mông của ngày nối ngày với nỗi buồn chán của đứa trẻ đợi chờ một điều gì không rõ.

Hãy nhớ Schulz còn là một hoạ sĩ kiêm giáo viên dạy mỹ thuật. Ông viết với con mắt hoạ sĩ. Gần như trong mỗi trang sách đều có các sắc và màu, và hình khối.

"Cửa sổ mở, và những con bồ câu và chim cu rùng mình trong gió xuân. Quay nghiêng đầu về một bên, chúng để lộ đôi mắt thủy tinh trong và tròn, như thể sợ hãi rồi bay toán loạn. Những ngày sắp tàn thường trở nên mềm, chuyển màu opal, rồi trong mờ, rồi sang sắc ngọc trai trở lại và đầy vị ngọt của sương mù.

Tôi ngồi trên sàn. Rải đầy quanh tôi nào là những bút sáp và viên màu vẽ: những màu chúa, những xanh da trời thở hơi thở tươi mới, những xanh lục lang thanh tới tận giới hạn của khả thể. Và khi tôi nhặt một cây sáp đỏ trong tay, sắc thẫm phô trương hạnh phúc diễu hành bước vào thế giới, mọi ban công đều sáng rực sắc đỏ như vẫy cờ, và nhà cửa sắp hàng trên phố thành những con đường hân hoan. Đám rước của lính cứu hỏa mặc đồng phục màu đỏ anh đào diễu hành trong những con phố sáng bừng hạnh phúc, và các quý ông nhấc mũ màu đỏ dâu lên chào. Vị ngọt của màu đỏ anh đào và đám chim sẻ cũng đỏ anh đào bay đầy bầu trời tỏa hương lavender.

Và khi tôi với tay nhặt màu xanh dương, ánh phản chiếu của mùa xuân xanh cô-ban rơi xuống mọi cửa sổ trên phố; những ô kính rung lên, lần lượt từng ô, đầy màu xanh da trời và lửa thiên đường; rèm cửa phất phơ như báo động; và một đóa hoa hồng vui tươi trên đường giữa những tấm rèm vải mu-xơ-lin và những cây trúc đào trên ban công trống, như thể ai đó ở xa xuất hiện phía bên kia đại lộ dài và sáng và giờ đang tiến tới, ai đó tỏa sáng, được dẫn trước nhờ những đợt thủy triều, nhờ linh cảm, được báo trước nhờ đàn chim nhạn bay, nhờ pháo hiệu tuôn lửa từng dặm nối dặm."

Hơn thế nữa, Schulz, bằng ngôn từ, còn vẽ cả thời gian. Không ai vẽ ra được thời gian gợi cảm đến thế:

"Vừa bước xuống bậc, anh thấy anh hoàn toàn một mình bên bờ một quảng trường rộng, trống trải, nơi buổi chiều ấy dường như mang hình dáng một quả bầu; như một năm còn mới, chưa được khai mở. Shloma đứng trên ngưỡng cửa, xám xịt và lu mờ, chìm khuất trong sắc xanh buồn thảm và không thể đưa ra một quyết định nào phá vỡ vòng tròn hoàn hảo của một ngày chưa dùng đến."

Làm sao để từ đó tạo ra một tác phẩm điện ảnh mà không làm thất vọng độc giả của Schulz? Và làm sao để ai chưa đọc ông thì cũng vẫn hoàn toàn có thể bị thôi miên trước mê cung của màu sắc, âm thanh, nhịp điệu và câu chuyện được viết lại từ nhiều chuyện nhỏ?

Has đã đưa tinh thần Schulz vào phim mình trọn vẹn khi khiến người xem cũng nửa tỉnh nửa mơ, theo chân Józef trên chuyến tàu siêu thực tới Viện điều dưỡng Đồng hồ cát kia, nơi cha anh tới “điều trị” sau khi chết để kéo dài những ngày sống bằng thời gian đã sử dụng của những người khác.

Thế giới song trùng trong truyện được tái thiết trong phim thành các ngã rẽ tới những những giấc chiêm bao trộn lẫn ký ức và fantasy thuở nhỏ, đưa Józef về quảng trường náo nhiệt nơi gia đình anh từng có cửa hiệu vải, căn nhà tuổi thơ có bà mẹ lúc nào cũng lo lắng sổ sách, còn người cha thì kỳ dị với bộ sưu tập chim chóc lạ lùng, gặp lại cậu bạn Rudolf với cuốn sổ tem chứa cả thế giới, và cô nàng Bianca anh thầm ngưỡng mộ thuở nhỏ…

Để phô bày được sự giàu có ngôn từ ấy, bên cạnh cinematography độc đáo, thiết kế bối cảnh của phim riêng nó đã là một tác phẩm nghệ thuật đậm chất baroque, khiến cho đến giờ đây vẫn được coi là tác phẩm lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Ba Lan về mặt chi phí và độ cầu kỳ của set decor. Nếu muốn so sánh, vâng, một việc luôn luôn không nên, đôi khi người ta vẫn đem so nó với phim của Jororowsky, Terry Guilliam hay tranh của Chagall về mặt hình ảnh, thậm chí Viện điều dưỡng… còn có phần rực rỡ và đồ sộ hơn. Bởi quá choáng ngợp, nên có những phân đoạn âm thanh tuyệt hay đã bị phần thị giác lấn át. Vậy nên hãy chú ý hơn tới tiếng động và “nhạc tính” của âm thanh trong những phân đoạn đầu phim khi ta còn thở được.

Quay lại những cặp đối lập, những hình ảnh tương phản trong phim, Has đã khéo dùng thủ pháp ấy để chia phim thành hai nửa. Nửa đầu mở ra qua thế giới quan của đứa trẻ con, đầy màu sắc và náo nhiệt, bồn chồn và háo hức, khi chiếc đồng hồ cát ẩn dụ đã được lật một lần và thời giờ bắt đầu điểm, đứa trẻ không để ý tới cát đang rơi. Nửa sau, nhận ra thứ thời gian dùng lại ấy chỉ là ảo ảnh, đứa trẻ đã lớn nhận ra mọi thứ đều mục ruỗng, xám xịt như tấm vải của bố nó bán trong cửa hàng ở quảng trường thị trấn trống hoác nơi có viện điều dưỡng giờ bên ngoài đã biến thành nghĩa địa đang chờ.

So với truyện gốc, phim của Has đậm đặc màu sắc Do Thái, khiến những ai không ưa thì coi nó như một sự trình diễn folklore, không hơn. Tuy nhiên, đây chính là điểm khiến phim không phải là màn minh họa thông thường cho tác phẩm văn học. Chứng kiến những lụi tàn của văn hóa dân gian, qua những cuộc diệt chủng và dưới những thể chế toàn trị bài Do Thái, Sanatorium với Has còn là ẩn dụ về cái chết khó cưỡng của một nền di sản từng rực rỡ một thời.

Cũng vì phải tìm cách xoay xở làm phim trong bối cảnh bị kiểm soát khi nhiều đồng nghiệp đã tháo chạy ra nước ngoài, Has một lần nữa nhắc tới chủ đề yêu thích của mình: hành trình của người đàn ông bị mắc kẹt - ở đây là trong mê cung ký ức và tưởng tượng, không gian và thời gian, với những chỉ dấu tới ý niệm về tự do, nhất là tự do tư tưởng. Cùng một đoạn thoại trích từ “Mùa xuân”, dưới sự khéo léo của đạo diễn đồng thời cũng là người viết kịch bản, lớp nghĩa ấy được hiển lộ dưới một ánh sáng mới.

Józef khi bị bắt sau khi cố giải cứu Bianca do một nhầm lẫn, tay lính nói với anh:

“Ngài có biết rằng, giấc mơ của ngài đã được ghi lại và bị chỉ trích nặng nề ở những nơi cao nhất?”

Lời thoại trong phim được gần như trích nguyên từ hai truyện ngắn “Mùa xuân” và “Viện điều dưỡng Đồng hồ cát”. Chi tiết cuốn sách thần kỳ tuổi thơ được tìm thấy thì lấy từ “Quyển sách”. Những truyện này đều nằm trong "Sanatorium Pod Klepsydrą, tập truyện ngắn thứ hai của Bruno Schulz, xuất bản năm 1937, ba năm sau khi Những hiệu quế được in.

Nghiêm Quỳnh Trang

Tags: Bruno Schulz Nghiêm Quỳnh Trang