Khác Đọc

Bruno Schulz, hay sự huyền thoại hóa thế giới

Linda Lê

Trong Các kỷ niệm về Ba Lan, Gombrowicz nhớ lại, ở cuộc gặp đầu tiên với Bruno Schulz, mình đã bị ấn tượng mạnh bởi thái độ lu mờ, sợ sệt, tức là tương phản một cách kỳ khôi với sự tàn nhẫn cùng sự nghiêm khắc che giấu “nơi đáy cặp mắt gần như trẻ con của ông”. Schulz, theo Gombrowicz, có một cái gì đó của “nhà sư phạm nhỏ bé ngơ ngẩn và tỉnh lẻ”, cả đời ở lại Drohobych (vào thời ấy thuộc lãnh thổ của nền quân chủ Áo-Hung), nhưng cũng có một cái gì khó mà nói rõ của ông hoàng đi chu du incognito, của một nhà thơ “nhạy cảm đến mức cực điểm với hình thức, với sắc thái, người tuôn văn xuôi có tính cách baroque lối mỉa mai của mình như một bài ca”.

Với chỉ hai cuốn sách, Những hiệu quế và Dưỡng đường đồng hồ cát, Bruno Schulz đã trở thành, trước Thế chiến thứ hai, một trong các nhà văn châu Âu huyền bí nhất và nhiều đổi mới nhất. Tinh thần say đắm với những táo bạo trong sáng tạo đó, sẵn lòng nói rằng mình lặn sâu vào thế giới của trí tưởng tượng nhằm tự đền bù cho các chối bỏ nơi thế giới thực, con người bất khuất thường xuyên bị quật ngã bởi những khủng hoảng luân lý ấy, nơi đối với ông thật khó, như ông kể trong các bức thư của mình, giữ được trong chính ông phấn hứng sáng tạo, vì mọi điều, xung quanh ông, đều bị lây nhiễm bởi sự vụn vãi, nhà giả kim thuật của ngôn từ ấy, người không bao giờ bỏ qua dịp nào để nhắc rằng thơ, “đó là những đoản mạch của giác quan diễn ra giữa các từ, đó là một trào ra đột ngột của những huyền thoại nguyên thủy”, đã liên tục sống với cái mà ông gọi là một mặc cảm về cuộc đời bị hoài phí, không chỉ vì, để tồn tại, ông phải dạy vẽ tại một trường trung học nơi, ông nói, bọn nhóc con giở với ông đủ mọi trò, không chỉ vì ông bị dằn vặt bởi các tra hỏi về nghệ thuật của mình và những nỗi nghi ngờ về nghĩa tồn tại của ông, chúng, nếu không có các cuộc đào thoát, chính là những khoảnh khắc ông viết và vẽ - trước mọi điều nhằm tìm lại tuổi thơ “nhờ một đường vòng”, bởi lý tưởng của ông là “trưởng thành” để đạt đến tuổi thơ - khiến ông có cảm giác mình bị “kết án vĩnh viễn”, “bị cho vào một cái bình thủy tinh để làm mẫu” từ đó hẳn ông sẽ chẳng bao giờ thoát ra được. Khi còn chưa xuất bản gì, trong một bức thư, một hôm ông kể một giấc mơ mà ông đã có hồi bảy tuổi, nó, ông bảo, nói trước số phận ông: “Tôi mơ thấy mình ở trong rừng, đang là đêm, trời rất tối, tôi dùng con dao cắt đi dương vật của tôi, tôi đào một cái hố dưới đất và chôn nó vào đó. Đấy chỉ mới là một dạo đầu, đó là phần của giấc mơ không đi kèm âm điệu thuộc tình cảm. Giờ mới tới giấc mơ đúng nghĩa: tôi hồi lại, tôi nhận ra sự gớm ghiếc, nỗi kinh hoàng của tội lỗi đã làm. […] Tôi như thể ở bên ngoài thời gian, đối diện với vĩnh cửu, kể từ nay đối với tôi nó sẽ là một ý thức gây khiếp hãi về lỗi, cảm giác về một mất mát mãi mãi không thể sửa chữa.”

Cảm giác về tội và tang đó, Bruno Schulz sẽ không chỉ dịch vào hai cuốn sách đã in và có lẽ trong tác phẩm đã vĩnh viễn mất đi, Đấng Cứu Thế, mà ông đang tiếp tục viết thì chiến tranh bùng nổ và ông sẽ sớm chết, bị sát hại ngay giữa phố bởi một viên sĩ quan Gestapo, mà cả trong các bức họa cùng tranh khắc thuộc Livre idolâtre [tên cuốn sách in tranh của Schulz]. Ông kể với những ai muốn nghe rằng còn chưa biết nói thì mình đã nguệch ngoạc lên tất tật giấy cùng lề những tờ báo. Một số hình ảnh, ông nói, đến với chúng ta trong tuổi thơ và sẽ có với chúng ta một biểu nghĩa có tính cách quyết định: “Chúng đóng vai trò của những sợi dây trong một dung dịch hóa học quanh đó được kết tinh hóa đối với chúng ta nghĩa của thế giới.” Ông ngưỡng mộ Rilke, người tự định nghĩa mình là một kẻ làm ra các ký hiệu, mà đối với ông thơ là một thứ trợ lực những lúc nào các thử nghiệm viết của chính ông làm ông kiệt sức hoặc những lúc, đang vẽ, ông tìm cách đặt thành hình thức sự hỗn độn mà ông mang trong mình và nó chứa một nỗi khiếp hãi kiểu Goya hay một sự cuốn hút về phía khác tối tăm mà Alfred Kubin là một chủ trò vô song. Bruno Schulz từng luôn luôn hướng tới chỗ tìm ra cái mà ông gọi là “các huyền thoại riêng” của mình, trong đó sức căng về phía “cái không thể nói và cái ít nghĩa lý” được đi kèm với một tìm kiếm tính chất phổ quát. Tuy nhiên ông bị hành hạ bởi các nỗi lo lắng lớn đến nỗi rất thường, ông chỉ chực quay đi khỏi những cuốn sách của mình, không được hiểu mấy bởi một số người, khỏi những bức tranh của mình, bị đánh giá là bậy bạ. Ông tự nhắc đi nhắc lại rằng mình đã đánh lừa thế giới của mình với chút xuất sắc, nhưng ông đâu phải cả một họa sĩ lẫn một nhà văn, thậm chí cũng không phải một ông thầy giáo tốt.

Trong Các kỷ niệm về Ba Lan, Gombrowicz đã không quay trở lại với bức thư mà ông từng cho đăng trên một tờ tạp chí, trong đó ông thuật lại những lời của vợ một bác sĩ, người tự hỏi không biết Bruno Schulz có phải là một con bệnh thần kinh hay không, hay đó là một kẻ thích tạo dáng. Khả năng cao nhất là một kẻ tạo dáng, bà ta đưa phán quyết. Trước bức thư đáng kinh ngạc ấy, Schulz đã trả lời theo cách thức trí tuệ: “Hẳn anh muốn thu hút tôi, Witold yêu quý của tôi, vào trường đấu vây quanh là một đám đông hiếu kỳ, hẳn anh muốn thấy tôi, con bò tót điên cuồng, chạy đuổi theo cái khăn huơ lên bởi tay vợ ông bác sĩ, cái pe nhoa màu huyết dụ của bà ta trở thành tấm khăn lớn rũ xuống đằng sau đó những nhát đâm từ thanh gươm của anh đợi sẵn tôi.” Bằng tông giọng không phải của một người bị tổn thương do bị đặt thành vấn đề, mà là tông giọng của một người cấu không cười kiên quyết bảo vệ các vị thế của mình, Schulz kết thúc lời hồi đáp của mình bằng cách trách Gombrowicz việc đem so sánh cuộc sống của họ, các nghệ sĩ, với cuộc sống của vợ ông bác sĩ, thứ, đối với ông, thực hơn, “thả neo sâu hơn xuống mặt đất”, trong khi họ, “những thợ xây bên dưới các đám mây, thả sức theo đuổi những huyễn tưởng, dưới sức ép của hàng trăm tầng khí quyển của buồn chán”, chưng cất những tác phẩm hữu ích của họ. Và kết luận như sau: “Nỗi buồn chán, Witold, nỗi buồn chán đầy cứu rỗi! Chính đó là sự khổ cạnh cao vời của chúng ta, đòi hỏi cao vời của chúng ta, nó ngăn cấm chúng ta chung đụng với các bữa tiệc thừa mứa của cuộc đời, đó là sự bất khuất nơi gu của chúng ta, vốn dĩ hướng về những món kỳ quặc, chưa được biết tới.”

Đòi hỏi cao vời của Bruno Schulz đã dẫn ông đến cửa địa ngục. Ông cho rằng các nghệ sĩ không phát hiện được gì mới, họ chỉ học cách hiểu bí mật đã được giao phó cho họ ở khởi đầu. Bí mật của tác giả Livre idolâtre, ấy là thế giới cần huyền thoại hóa và trong sự huyền thoại hóa đó, có một tiền-vị của những gì vượt quá những giới hạn của nỗi mê hoặc.

Cao Việt Dũng dịch

Tags: Linda Lê Bruno Schulz Gombrowicz Cao Việt Dũng