Khác Đọc

Mansfield

                                                                                                                                                          Từ Chí Ma

[Từ Chí Ma, thuộc vào số danh sĩ Trung Hoa hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 rất am hiểu phương Tây, từng gặp Katherine Mansfield và kể lại câu chuyện ấy.

Cũng nhờ bài viết này, ta biết được nhiều điều về việc dịch văn chương Mansfield tại Trung Quốc, được thực hiện từ rất sớm và bởi tay nhiều nhân vật lớn.]

"Sướng vui nơi sâu thẳm tâm linh

Bát ngát này là miền tình tự

Mặc thiên đường rơi, mặc địa ngục mở

Sao phá được bảo tàng trong ta."

<Khang hà vãn chiếu tức cảnh>

Ký ức về cái đẹp là sở hữu quý nhất trong đời. Năng lực nhận thức cái đẹp là chìa khóa ma thuật mở vào Thiên đường mà Thượng đế trao ta.

Một vài người, tôi chẳng hạn, có tính khí dao động như thời tiết. Chốc nắng chốc mây, vừa cuồng phong bạo vũ đã xuân quang tươi đẹp. Đã mấy phen huyễn tưởng tiêu vong, khiến tôi yếm thế bi quan, tim tôi như bị đè nặng, chẳng khác nào sương đông ảm đạm, mặt đất phủ băng, không chút sinh khí. Tôi đâm hoài nghi hết thảy: vũ trụ, nhân sinh, chính mình. Thảy đều là huyễn vọng. Tình người, hy vọng, lý tưởng, đều chỉ là phù phiếm mà thôi.

"Ah, human nature, how,

If utterly frail thou art and vile,

If dust thou art and ashes, is thy heart so great?

If thou art noble in part,

How are thy loftiest and impulses and thoughts

By so ignoble causes kindled and put out?"

<Sopra un ritratto di una bella donna>

Mấy câu trên xuất từ ngòi bút nhà thơ bi quan hạng nhất, Leopardi. Trên bia mộ bỏ hoang khắc chân dung đẹp tươi của người dưới mộ. Cái đẹp ấy bắt nhà thơ nhìn vào câu hỏi quan yếu: nếu đời người có thể cắt nghĩa, cớ sao nhiều mâu thuẫn làm vậy? Đẹp, nếu chỉ là huyễn ảnh, sao kích khởi hồi ứng sâu sắc đến thế trong lòng người? Nếu là thực, sao mục nát hệt những thứ tầm thường? Trí lực của Leopardi khác nào ánh sáng hải đăng, xé màn huyễn tượng của thế giới vật chất này, thậm chí bóc trần tôn giáo chỉ là mộng. Ấy nhưng, ông chẳng phủ nhận nổi cái đẹp, chỉ đành coi sự sáng tạo cái đẹp là thần kỳ. Ông cũng vô pháp phủ nhận sự cao khiết của tình yêu tinh thần, dẫu không tin phụ nữ có thể chạm tới cảnh giới ấy. Giữa những sát na của cái đẹp và tình yêu thuần túy, ông buộc lòng thừa nhận những dấu hiệu thiên đường hiển lộ, thừa nhận rằng những cảm xúc ấy là kinh nghiệm quý báu nhất đời. Mỗi khi tôi chán chường cực điểm, chính hồi ức về cái đẹp thuần túy ấy khơi động một dòng ấm nóng từ đáy tim băng lạnh, làm tan rã khối phiền não bồi tụ, cùng lớp trầm tích bi quan.

To see a world in a grain of sand,

And a Heaven in a wild flower,

Hold Infinity in the palm of your hand,

And eternity in an hour…

<Auguries of Innocence - William Blake>

Cảm giác về điều bí áo dĩ nhiên không phổ biến, cũng không dễ gặp. Kẻ đầu óc thực tế đương nhiên trào phúng chủ nghĩa thần bí, chẳng đời nào tin rằng hệ thần kinh, mà chức năng được khoa học lý giải, có thể cùng lúc tạo ra một cảm giác kỳ bí nằm ngoài tầm với của khoa học. Ấy nhưng, thế giới này có những điều “chỉ có thể nói cùng người biết, không nói được với người không hay”.

Xưa kia, vào thế kỷ 16, một mục sư học giả tới vùng nông thôn nước Anh. Ông thấy đồng cỏ bát ngát linh lăng nở rộ dưới ánh mặt trời, tựa hồ nước lấp lánh hoàng kim đang ca múa. Quá chừng hoan hỉ, ông tức khắc quỳ xuống nguyện cầu với Thượng đế, cảm tạ đã cho ông thấy vẻ đẹp này, kỳ cảnh thiên nhiên này. Hành vi quái đản ấy tất nhiên bị người làng cười cợt. Chuyện tôi trải qua, mà tôi sắp kể ra đây, tôi nghĩ, phần nào tương tự. Nhưng chắc hẳn, trong số bạn đọc của tôi sẽ vài người hiểu thấu, vả tôi đâu sợ bị mấy kẻ nhà quê chê cười!

Một tối tháng Bảy năm ngoái, trời mưa ẩm ướt. Tôi một mình đội mưa đi khắp đường phố ở Hampstead, hỏi cảnh sát, hỏi người qua đường, lối nào tới số 10 phố Pond[i]. Tối đó là lần đầu, mà bất hạnh thay, cũng là lần cuối, tôi gặp gỡ Mansfield - “hai mươi phút bất diệt” đời tôi.

Tôi vốn biết John Middleton Murry, chủ biên tờ Athenaeum, một nhà thơ và nhà phê bình danh tiếng, cũng là người kề cận nhất bên Mansfield trong mười năm cuối đời.

Họ bắt đầu chung sống từ năm 1913, nhưng nàng vẫn luôn dùng bút danh từ ngày định cư ở London, Katherine Mansfield. Nàng sinh tại New Zealand, tên gốc Kathleen Beauchamp, con gái Ngài Harold Beauchamp, chủ tịch Ngân hàng New Zealand. Khi chúng tôi gặp mặt, nàng đã rời quê nhà mười lăm năm. Nàng tới Anh lần đầu cùng ba chị em gái, theo học Queen’s College, Đại học London[ii]. Từ nhỏ sẵn tiếng xinh đẹp thông minh, hiềm nỗi sức khỏe thường không tốt. Khoảng thời gian ở Đức, nàng viết những truyện đầu tiên, in trong tập In a German Pension (Ở nhà trọ Đức). Trong chiến tranh, nàng chủ yếu ở Pháp. Mấy năm gần đây, nàng thường tới Thụy Sỹ, Ý và miền Nam nước Pháp. Vì đau yếu, không chịu nổi khí hậu London sương mù ẩm ướt, nàng dành nhiều thời gian ở nước ngoài. Để bầu bạn nàng, Murry phải bỏ một phần công việc của mình (vì thế mà tờ Athenaeum hợp nhất với tờ London Nation), theo bước người vợ tựa thiên thần ấy trên hành trình kiếm tìm sức khỏe. Sau chiến tranh, nàng mắc bệnh lao, được bác sĩ tiên đoán chỉ còn hai, ba năm sống tiếp. Thời gian Murry còn được bên nàng, vì thế, đếm từng ngày. Thêm một lần trông mặt trời lặn, thêm một lần thấy nắng sớm lên, là nhan sắc nàng bởi cái chết gần đến mà thêm phần mỹ lệ, sức sống nàng cũng dần cạn kiệt. Số mệnh ấy khiến người ta liên tưởng câu để đời của Trà hoa Nữ, mắc trọng bệnh vẫn say sưa phóng túng tìm vui: “You know I have not long to live**. Therefore I will live fast!” [chúng tôi đã thử tìm câu này trong Dame aux Camélias của Alexandre Dumas fils, nhưng không thấy - XBK]

Dịu dàng đa tình như Murry, ngắm tịch dương diễm lệ nhất đời chầm chậm tiêu tán mà lực bất tòng tâm, nỗi bi thương ấy phải mãnh liệt ngần nào? Tôi khó lòng hiểu thấu.

Cách Mansfield “sống nhanh” khác hẳn Trà hoa Nữ, không chìm đắm trong say sưa hoan lạc, mà dành hết tâm sức vào việc viết. Tựa chim đỗ quyên giữa rừng du đêm hè, nàng lấy máu trong tim mình mà hát lên những bản tình ca, tới khi máu cạn họng khô, vẫn không quên sứ mệnh, đem toàn bộ sức lực còn sót mà tô điểm cho tự nhiên, cho thế gian khổ đau này một chút an ủy của nghệ thuật.

Tâm huyết của nàng tựu thành hai tập truyện: BlissThe Garden Party (Tiệc vườn) (xuất bản năm trước). Bằng hai tập ấy, nàng đã xác lập vị thế của mình trong văn giới Anh. Truyện của người khác đa phần chỉ là truyện, nhưng truyện của nàng là văn chương thuần túy, là nghệ thuật đích thực. Trong khi những nhà văn hạng trung cầu danh tiếng nhất thời, mua sự hoan nghênh của quần chúng, nàng mong lưu lại thế giới này những viên pha lê thực thụ, bụi thời gian không cách nào che ám. Nàng truy tầm sự tán thưởng từ thiểu số tri âm.

Văn của nàng là văn thuần túy, ánh sáng của nó, bởi thế, không hiển lộ bề ngoài, mà náu sâu bên trong, phải dụng tâm nghiền ngẫm mới hòng thể hội tinh túy. Tôi được tác giả đích thân cho phép tuyển dịch các truyện ngắn; giờ nàng đã tạ thế, tôi càng phải trân trọng nhiệm vụ đã nhận lãnh này, dẫu còn những hoài nghi liệu mình xứng hay chăng. Cảm tạ bạn tốt của tôi, Trần Thông Bá[iii], người uyên bác về văn học châu Âu hơn bất cứ ai ở Bắc Kinh, từng giảng về Mansfield ở Đại học Bắc Kinh trong khóa học về truyện ngắn, gần đây đã đồng ý dịch một số tác phẩm của nàng. Hy vọng sẽ có dịp anh thuyết giảng thêm về nghệ thuật truyện ngắn của Mansfield.

Giờ, để tôi kể bạn nghe về cái đêm tôi gặp Mansfield. Trước đó mấy ngày, tôi cùng Murry thảo luận trạng huống văn chương Anh, Pháp trong quán cà phê ABC ầm ĩ đằng sau Charing Cross. Nhân thể, tôi nhắc tới xu hướng phục hưng văn nghệ Trung Quốc những năm gần đây. Tôi nói tiểu thuyết gia Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu nhất từ các nhà văn Nga; nghe thế, anh vui sướng suýt nhảy cẫng lên, bởi vợ chồng anh đều sùng bái các tác gia Nga. Anh từng nghiên cứu Dostoievsky và viết một quyển sách nhan đề Dostoievsky: A Critical Study. Mansfield thì ưa Chekhov. Họ vẫn lấy làm tiếc rằng văn học Nga quá ít được người Anh để ý, chính vì thế mà nội dung và hình thức sáng tác, tới nay, vẫn chưa thoát được ảnh hưởng từ Philistinism thời Victoria. Tiện đó, tôi hỏi thăm Mansfield. Murry nói tạm thời nàng vẫn ổn, anh đã đưa nàng về London được hai tuần. Anh cho tôi địa chỉ và mời tôi tới gặp nàng cùng bạn hữu của họ vào tối thứ Năm tuần sau.

Vậy là, tôi có thể gặp Mansfield. Còn gì may mắn bằng. Thứ Tư tiếp theo, tôi tới thăm H. G. Wells ở căn nhà nông thôn vùng Easton Glebe, rồi trở lại London cùng vợ ông vào hôm sau. Ngày đó trời mưa tầm tã. Còn nhớ, về tới nhà, tôi đã ướt sũng toàn thân.

Tìm nhà Mansfield thực không dễ dàng. (Tìm đường ở London vô cùng vất vả, tôi thậm ghét cái London đường sá lắt léo này.) Mãi rồi cũng tới nơi, một ngôi nhà hai tầng nhỏ. Murry ra mở cửa. Tôi hơi lúng túng khi đứng đó, tay cầm ô, ôm theo vài bức họa và thư pháp một người bạn mới trả. Vào nhà, sau khi cởi áo mưa, tôi được dẫn vào một căn phòng bên phải. Tới lúc ấy, tôi vẫn mang niềm kính ngưỡng với Mansfield, nhà văn nữ tuổi trẻ lừng danh. Về phần phong tư mỹ mạo, tôi chưa từng nghĩ tới, chỉ cho rằng nàng là nữ văn sĩ cùng dạng Rose Macaulay, Virginia Woolf, Roma Wilson, Mrs Lucas hay Vanessa Bell. Các nam nghệ sĩ, văn sĩ vẫn thường có tiếng lập dị. Các nữ văn sĩ thời nay xem chừng còn ra sức cổ quái hơn. Dễ thấy nhất là lối ăn vận của họ: nhạt nhòa đơn giản hết mức, cố cho lạc thời và “phản nữ tính”. Tóc cắt ngắn, không chải vuốt, lòa xòa trên vai. Bít tất bằng sợi thô, giày dính không bùn thì bụi, luôn là kiểu dáng xấu nhất. Váy hoặc ngắn kỳ dị, hoặc dài quá đà. Đôi lúc họ vẽ “hào quang thiên tài”[iv] giữa chân mày, hoặc đeo kính đồi mồi kiểu Mỹ to tướng chướng mắt. Mặt không trang điểm, tay không trang sức, cùng lắm chỉ thấy vệt thuốc lá trên tay. Mười lần hết chín, giọng cười của họ còn to hơn cánh đàn ông. Tướng đi ngực ưỡn bụng lồi, nhìn không ra dáng vẻ hậu thế của Eva. Mở miệng liền nói những câu đàn ông cũng không dám thốt. Thích nhất là thảo luận về Freudian Complex, birth control, hay những tác phẩm xuất bản tư nhân của George Moore và James Joyce, như A Storyteller’s HolidayUlysses. Tóm lại, chỉnh thể con người họ là một biếm họa về nữ quyền (nghe nói Amy Lowell miệng không rời điếu xì gà!). Ở cùng những phụ nữ “trí tuệ trên hết”, quyết tâm nghịch lại ý Chúa này, tất nhiên cũng thú. Nhưng thi thoảng, không tránh khỏi cảm thấy họ làm bộ làm tịch, khiến đàn ông như tôi thấy phản cảm.

Tôi không mảy may trông đợi Mansfield là kiểu futuristic, tất nhiên cũng chẳng hình dung nàng như mẫu hình nữ tính lý tưởng. Vậy nên, khi đẩy cửa vào, tôi dường đợi thấy một phụ nữ trung niên hòa ái, nhỏm dậy từ sofa trước lò sưởi mà mỉm cười chào và bắt tay tôi.

Thế nhưng, trong căn phòng ấy, một căn phòng dài và hẹp, với lò sưởi hướng ra phía cửa, chẳng có một ai, chỉ thấy ánh đèn vàng nhạt tĩnh lặng. Tường treo tranh, mặt lò sưởi bày những đồ trang trí đủ màu sắc. Vài cái ghế có họa tiết đặt trước lò sưởi. Murry mời tôi ngồi rồi mở lời trò chuyện; chúng tôi nói về những điểm tương đồng giữa Quan Âm của phương Đông, Đức Mẹ đồng trinh Mary của Thiên Chúa giáo, Trinh nữ Hy Lạp Diana, Nữ thần Ai Cập Isis và Virgin của Mithra giáo Ba Tư… Tựa hồ, tôn giáo nào cũng không thể thiếu hình tượng thánh nữ đồng trinh. Giữa lúc đàm luận hăng say, có tiếng gõ cửa. Một phụ nữ trẻ tuổi bước vào, mỉm cười đứng bên cửa. “Lẽ nào là Mansfield? Trẻ quá…” tôi tự nhủ. Cô có mái tóc xoăn nâu, khuôn mặt tròn nhỏ nhắn, mắt hoạt bát, miệng linh động. Cô ăn vận sặc sỡ; giày da sơn, tất lụa màu lục, áo lụa màu hoa hồng, cùng váy nhung màu mận. Cô đứng thẳng tắp, như tulip đón gió. Murry đứng dậy, giới thiệu chúng tôi. Không phải Mansfield, mà là chủ nhà, Miss Beir hay Beek (tôi không nhớ chính xác[v]. Murry hiện sống tạm ở nhà cô. Cô là họa sĩ, tác giả của phần lớn tranh treo tường kia. Cô ngồi vào ghế đối diện tôi, lấy từ mặt lò sưởi một máy phát điện nhỏ hình dạng như động cơ, nắm trong tay, rồi đeo cặp tai nghe giống kiểu của người chuyên nghe điện thoại. Khi nói chuyện, cô rướn sang thật gần tôi. Ban đầu tôi tưởng thứ cô đeo là thứ đồ chơi bằng điện nào đó, sau mới phát hiện thính giác cô gái xinh đẹp này có vấn đề, phải dùng công cụ máy móc để bù đắp. (Khi ấy, tôi nghĩ, một bài thơ về “The Deaf Beauty” sẽ hay biết mấy. “Nói lời đường mật” với quý cô này ư, bất khả!).

Cô vừa ngồi xuống, thì chuông cửa reo vang; tôi thấy tiếng chuông nhà này to khác thường. Người tới là Sydney Waterlow, tôi từng gặp ở nhà ông Roger Fry. Ông là người cực kỳ hài hước; có lần, ông lấy từ cái túi to tướng của mình bảy, tám cái tẩu, đủ cỡ đủ màu, khiến chúng tôi thích thú. Vừa vào, ông đã hỏi Murry xem Katherine hôm ấy ra sao. Tôi lắng tai nghe: “Đêm nay cô ấy không xuống đâu. Hôm nay thời tiết tệ hại quá. Bọn tôi không ai chịu nổi.” Ông Waterlow hỏi có thể lên thăm nàng chăng, Murry đồng ý. Vậy là ông lịch thiệp cáo lui với Miss B; sắp ra khỏi cửa, Murry tiến đến và thấp giọng nói: “Sydney, don’t talk too much!

Trên lầu có tiếng chân nhè nhẹ. W đã vào phòng của Katherine. Lúc ấy lại thêm hai người tới, Mr. M, người thấp, vừa du lịch từ Hy Lạp về, và một quý ông điển trai cao lớn tên Sullivan, giữ mục khoa học cho tờ London Nation and Athenaeum. M kể cho chúng tôi về chuyến đi Hy Lạp, điểm tên những danh thắng Hy Lạp cổ đại như Parnassus và Mycenae. S cũng hỏi về Katherine. Murry đáp đêm nay Katherine không xuống, và W đang trên lầu với nàng. Nửa giờ sau, tiếng bước chân nặng nề của W vang trên cầu thang. S hỏi ông Katherine mệt chăng. “Không, xem dáng vẻ thì không. Nhưng tôi chẳng dám chắc. Tôi sợ làm cô ấy mệt, nên tôi xuống.” Một hồi sau, S cũng được Murry cho phép lên lầu, cùng căn dặn đừng làm nàng mệt như trước. Murry hỏi tôi về thư họa Trung Hoa, tôi bèn lấy mấy cuộn thư họa mang theo, mở ra giới thiệu cho họ: một bức “Thảo thư pháp họa mai” của Triệu Chi Khiêm, một bức chữ thảo của Vương Giác Tư, một bức chữ hành của Lương Sơn Chu. Miss B ngồi gần tôi, tay giữ máy trợ thính, vẻ vui thích với những gì tôi nói.

Nhưng tôi khi ấy cảm thấy tương đối thất vọng. Đội mưa tới gặp tác giả Bliss, kết quả nàng không thể xuống tiếp bạn bè. Cách W, S và Murry đối đãi nàng càng trân trọng, nỗi hiếu kỳ của tôi càng tăng. Tôi thấy vận khí mình thật quá kém; nàng đóng cửa trong phòng, xem chừng chỉ bạn cũ mới được vào. Tôi vừa là người lạ, vừa là người ngoại quốc, hẳn không đến lượt. Đã mười rưỡi đêm, tôi đành đứng lên cáo biệt. Murry tiễn tôi ra cửa. Lúc anh giúp tôi mặc áo, tôi nói thật tiếc Miss Mansfield không thể xuống lầu, tôi hy vọng được gặp nàng biết bao. Không ngờ, Murry thật chân thành nói: “Nếu anh không ngại, mời lên lầu gặp cô ấy.” Tôi mừng rỡ quá chừng, lập tức cởi áo khoác, theo chân anh từng bước lên lầu.

Lên tới nơi, chúng tôi gõ cửa rồi vào. Sau lời giới thiệu, S và Murry rời phòng, đóng cửa. Mansfield mời tôi ngồi, tôi theo lời, nàng cũng an vị. Cả quá trình dài dòng phức tạp, dường như nháy mắt diễn ra, kỳ thực tôi còn không hề cảm giác, chỉ đoán đã trải qua những thủ tục ấy. Lúc bấy giờ, chỉ thấy mơ hồ. Giờ đây mỗi lần hồi tưởng, cũng vẫn mơ hồ như vậy. Bước từ đường sá tối tăm vào căn nhà rực rỡ đèn đuốc, hay từ phòng ốc lờ nhờ bước ra ánh dương chói lọi, ta đều quay cuồng với ánh sáng bất chợt, phải đứng định một hồi mới nhìn ra sự vật trước mắt. Chính là “senses overwhelmed by excessive light.” Không chỉ ánh sáng quá mức, ngay màu mạnh cũng có hiệu ứng “gây choáng ngợp” giác quan ta như vậy. Tối đó, kể cả không ngợp trước con người xuất chúng của Mansfield, những giác quan chưa kịp chuẩn bị của tôi cũng choáng váng trước ánh đèn phòng nàng, màu sắc xán lạn rực rỡ từ nữ trang và y phục của nàng. Có thể lý giải.

Tôi không có ấn tượng rõ rệt về phòng nàng. Khi nàng nói, tôi không sao tách mình ra mà thâu nhận xung quanh cho nổi. Chỉ nhớ, căn phòng khá nhỏ. Một cái giường lớn chiếm gần trọn không gian. Vài bức sơn dầu treo trên tường dán giấy, có lẽ cũng là tác phẩm của chủ nhà. Nàng cùng tôi ngồi trên trường kỷ dựa tường, bên trái giường ngủ. Nàng thẳng lưng trong khi tôi tựa người, nên trông cao hơn tôi nhiều (quả thật, trước mặt nàng, ai không có vẻ thấp bé?). Tôi ngờ rằng hai chụp đèn màu đỏ; bằng không, tại sao cứ luôn gắn phòng nàng với hình ảnh “nến đỏ cháy cao”? Nhưng bối cảnh suy cho cùng chẳng quan trọng. Trọng yếu là Mansfield, và “mỹ cảm thuần túy nhất” - the purest aesthetic feeling - nàng gợi lên trong tôi. Nàng khiến tôi sử dụng chiếc chìa ma thuật vào Thiên đường mà Thượng đế đã trao; nàng cho linh hồn tôi thêm trân bảo. Ngôn ngữ cầu kỳ như thế cũng không đủ miêu tả nàng đêm ấy! Đừng nói khắc họa căn cốt tính cách nàng, ngay việc tả lại ấn tượng của tôi hôm đó thôi, cũng đủ khó rồi. Xưa kia, có người mộng thấy mình tới Thiên đường, cực kỳ vui vẻ. Sáng hôm sau, ngay khi thức dậy, liền đến gặp bạn bè, hòng kể tường tận diệu cảnh trong mơ. Thế nhưng, một chữ cũng nói không nổi, mới phát hiện bao nhiêu biểu đạt học được ở thế gian này đều không đủ biểu hiện cảnh sách Thiên đường trong mơ. Anh ta tức tối hậm hực, từ ấy quyết không mở miệng, cuối cùng chết trong hoài nhớ. Khi cố tìm từ tái hiện Mansfield, tôi cũng có cảm giác từa tựa; nhưng tôi thà mạo hiểm tội hoen ố thần linh, còn hơn chết uất ức như vị quân tử thật thà kia. Trang phục của nàng giống Miss B, cũng giày da sơn bóng, tất xanh sáng màu, váy nhung màu rượu chát kèm áo lụa vàng nhạt tay lửng, cổ đeo chuỗi ngọc trai hạt mảnh. Tóc nàng đen, cẳt ngắn giống Miss B, nhưng cách chải thì tôi chưa từng thấy ở Âu Mỹ. Tôi ngờ nàng cố tình mô phỏng kiểu Trung Quốc, bởi lẽ tóc nàng đen nhánh, thẳng chứ không quăn, mái bằng trước trán, chải mượt cực kỳ. Dẫu khó lòng diễn đạt, tôi cũng cảm thấy mái tóc nàng đẹp hiếm có trên đời.

Về đường nét khuôn mặt, tôi không cách nào tái hiện được một phần vạn vẻ thanh tú trong vắt như pha lê kia. Đứng trước nàng, bạn như đối diện một kiệt tác thiên nhiên: hồ trên núi nước thu trong vắt, chiều tà nhuộm đẫm tầng tầng mây, đêm biển Nam trời sao lấp loáng; hoặc như một kiệt tác nghệ thuật: giao hưởng của Beethoven, opera của Wagner, tượng của

Michelangelo, tranh của Whistler, Corot. Chỉ thấy đẹp hoàn chỉnh, đẹp thuần túy, đẹp toàn vẹn, đẹp không thể phân tích, cảm không thể dùng lời. Phảng phất được trực tiếp lĩnh hội ý chí của tạo hóa, thể nghiệm sâu sắc tột độ niềm sung sướng vô hạn, tâm hồn được thanh tẩy trong sự hiện diện của một nhân cách lớn. Trong mắt tôi, dung mạo Mansfield chẳng khác nào loại ngọc bích Ấn Độ thuần chất nhất, mục quang sống động hiển lộ tinh thần, thần thái ôn hòa mềm mại tựa gió xuân, cảm giác ấy chỉ có thể gọi bằng một từ “toàn mỹ”. Nàng như pha lê trong suốt, người ta chỉ còn biết trầm trồ trước sự khiết tịnh của tinh thần nàng, không lẫn mảy may tạp chất. Y phục sặc sỡ của nàng, người khác mặc có lẽ đã bị tiếng khen chê, nhưng trên người nàng, lại thực thuận mắt, như lá xanh cạnh mẫu đơn, là phụ trợ không thể thiếu. H. M. Tomlinson, hảo hữu của nàng, từng ví sắc đẹp thoát tục của nàng với tuyết trắng tinh khôi trên đỉnh Alps. Tôi thấy so sánh này rất tuyệt. Ông nói:

“Người ta gọi cô là mỹ nhân. Cách nói ấy chẳng đúng mấy. Sắc đẹp, như ta thường hiểu, là sự thu hút. Nét đẹp của Katherine Mansfield đúng là thu hút, nhưng cũng tuyệt tục, có phần lạnh lẽo, như tuyết cao vời trên đỉnh Alps. Mặt trời rọi tuyết, thành một khoảnh thế giới tươi đẹp, nhưng không thuộc về chúng ta. Nước da xanh trắng như ngà, đường nét thanh tú mang nét tinh xảo Trung Hoa, khuôn mặt đầy đặn, mắt đen huyền, tóc mái suôn dày, thần vận cô tĩnh. Dáng dấp mảnh mai, tới độ kẻ đứng gần ắt thấy mình thở quá mức thô, rõ, phạm đến quầng sáng êm của thân nến gầy, tới vì sao đạm màu là bí tích cho điều chưa tỏ.”

Ông còn viết về ánh nhìn tinh nhạy của nàng, như trực tiếp xuyên vào phần sâu nhất của linh hồn, chiếu rọi tất thảy bí mật ẩn tàng nơi ấy; có quỷ khí, cũng có tiên khí. Khi nàng nhìn ai, cái nàng thấy không phải bề ngoài, mà là tâm tư sâu thẳm. Nhưng nàng không dò thám, không tọc mạch, đơn thuần đồng cảm mà thôi. Bên nàng, không cần cẩn mật cảnh giác. Ta không nói, nàng đều biết; ta nói, nàng chẳng ngạc nhiên. Không chê trách, không tán thưởng, không cổ động, không đưa ra lời khuyên thực tế. Nàng sẽ chỉ lắng nghe, thật im lặng, rồi mới đưa ra những kiến giải thông tuệ, vượt trên đạo đức cố hữu.

Ấn tượng của Tomlinson thuộc về người may mắn có nhiều năm giao hảo với nàng. Những hiểu biết ấy, làm sao tôi đạt được trong vỏn vẹn hai mươi phút. Nhưng, từ mục quang đầy linh khí của nàng, tôi dám nói những ấn tượng ấy vô cùng chuẩn.

Đêm đó, khi chúng tôi ngồi trên trường kỷ bọc nhung xanh, một quầng sáng dịu êm nhẹ bọc lấy nàng. Tôi như bị thôi miên, chỉ ngây nhìn đôi mắt thần bí ấy, để mâu quang như kiếm sắc, sóng giọng như nhạc hay tràn phủ hồn tôi như triều dâng mưa rào. Ý niệm còn lại trong tôi chính như Keats:

My heart aches, and a drowsy numbness pains

My sense, as though of homlock I had drunk…

Tis not through envy of thy happy lot.

But being too happy in thy happiness…

Thanh âm của Mansfield, lại là một miracle nữa. Nốt theo nhau rơi từ thanh quản mỏng manh, khai mở bên tai phàm của tôi một thế giới thần kỳ, tựa hồ sao mọc nối sao trên nền trời xanh thẳm. Giống như nghe một loại nhạc chưa biết, nhưng lại thấy như đã từng nghe, có lẽ từ trong mơ, có lẽ từ kiếp trước. Giọng nàng đâu chỉ êm tai, mà dường chạm thẳng tới đáy lòng, vuốt dịu những khổ đau u uẩn, nhen lại những hy vọng bán tàn, rửa trôi những tục lụy buộc trói, thêm sinh khí cho tinh thần. Như thể nàng thầm thì bên tai của linh hồn, truyền đạt tin tức từ tiên giới ta chưa từng mơ về. Nay khi hồi tưởng, tôi vẫn thấy cảm khái bi thương, nước mắt chực trào. Nàng đã tạ thế. Giọng nói, nét cười đã như ảo ảnh biến tan, tôi chỉ còn cách học Abt Vogler, tự an ủy bằng cách tin rằng:

Whose voice has gone forth, but each survives for the melodies when eternity affirms the conception of an hour…

Enough that he heard it once; we shall hear it by and by.

Tôi đã nói rằng Mansfield mắc bệnh lao. Tôi gặp nàng khoảng sáu tháng trước khi nàng mất. Đêm đó, âm giọng nàng cao, phế quản rung lên như ống sáo, và mỗi khi nói xong, nàng đều có vẻ hụt hơi, đôi má đỏ ửng. Nghe khí tức yếu ớt từ phổi nàng, tôi cực kỳ bức bối khó chịu. Một chút hưng phấn cũng khiến nàng cao giọng, mà âm càng cao, tiếng rít trong phổi cũng càng nặng, thấy gần rõ lồng ngực phập phồng. Đáng thương sao! Tôi đành hạ thấp giọng, mong nàng thấy thế mà theo. Quả nhiên, giọng nàng dịu hẳn. Nhưng mỗi thời khắc bắt đầu say sưa nói, giọng nàng lại theo đà mà cao lên. Sau cùng, tôi không chịu nổi cảnh nàng vì mình mà hao tổn tinh lực, và nhớ Murry dặn đi dặn lại W cùng S ra sao, bèn từ giã. Từ lúc đặt chân vào phòng tới khi ra, tổng cộng chưa quá hai mươi phút. Nàng đứng bên cửa tiễn tôi.

Cuộc đối thoại của chúng tôi khá lý thú. Phần lớn thời gian, nàng chia sẻ cái nhìn về vài tiểu thuyết gia lúc bấy giờ được yêu thích ở Anh: Rebecca West, Roma Wilson, Hutchinson, Swinnerton, cùng một hai người khác. Chỉ e hiếm người thấy quen thuộc với các nhà văn này, quan điểm của nàng cũng vì thế mà khó gây hứng thú. Nhưng Murry, một trong những người có học thức nhất trong lứa phê bình trung tuổi ở Anh, người năm ngoái từng phát biểu về “The Problem of Style” tại Oxford, người được đánh giá có cống hiến quan trọng nhất tới nền phê bình từ sau Matthew Arnold, thường xuyên ca ngợi tài bình phẩm văn chương kiệt xuất, khả năng “đã nói là trúng” của Mansfield. Bởi thế, sẽ vô cùng đáng tiếc nếu không thuật lại một ít nhận xét tùy hứng của nàng tối đó. Nàng kể với tôi mình vừa từ Thụy Sĩ trở về, ở đó nàng sống gần vợ chồng Russells. Họ thường nói về những ưu điểm của phương Đông. Sẵn niềm kính ngưỡng Trung Quốc, nàng càng thêm ái mộ đất nước này. Nàng nói mình thích nhất thơ Trung Quốc qua bản dịch của Arthur Waley, nghĩ rằng nghệ thuật thi ca Trung Quốc ở phương Tây thực là “a wonderful revelation”. Nhưng nàng thất vọng với các bản dịch của Amy Lowell, nói tới đó, nàng bèn dùng mẫu câu ưa thích: “That’s not the thing!” Nàng hỏi tôi từng dịch chăng, rồi liên tục cổ vũ tôi thử xem thế nào. Nàng tin rằng, thơ Trung Quốc, chỉ người Trung Quốc mới dịch được.

Nàng lại hỏi tôi có viết tiểu thuyết không, muốn biết người Trung Quốc thích nhất truyện nào của Chekhov, chất lượng dịch những truyện ấy thế nào, và nhà văn nào khác có ảnh hưởng tới văn học Trung Hoa.

Nàng hỏi tôi thích tiểu thuyết gia nào nhất. Tôi kể tên Hardy, Conrad. Nàng nhướng mày, cười nói:

“Isn’t it! We have to go back to the old masters for good literature - the real thing!”

Nàng hỏi tôi sẽ làm gì khi về Trung Quốc, hy vọng tôi không đi vào chính trị. Chính trị hiện đại, khắp thế giới này, đều chồng chất tội ác, bạo tàn.

Rồi tới trước tác của chính nàng. Tôi nói, tác phẩm của nàng thuần túy nghệ thuật, có thể vượt tầm lĩnh hội của người thường.

That’s just it. Then of course, popularity is never the thing for us.

Tôi có thể sẽ dịch một số truyện của nàng, mong nàng cho phép. Nàng vừa cao hứng, sẵn sàng đồng ý, lại vừa băn khoăn liệu văn của mình có đáng bỏ sức phiên dịch hay chăng.

Nàng hy vọng tôi sớm ngày trở lại châu Âu, mời tôi ghé thăm nàng nếu tới Thụy Sĩ. Nàng kể cho tôi nàng yêu cảnh sắc Thụy Sĩ biết bao, Hồ Geneva đẹp tươi thế nào. Nghe nàng nói, tôi tưởng như đang cùng nàng chơi hồ ngắm núi, thấy những đợt sóng khẽ vỗ mạn thuyền.

Clear, placid leman!..

Thy soft murmuring Soundss weet as if a Sister’s voice reproved.

That I with stern delights should ever have been so moved…

(Lord Byron)

Tôi hứa khi nào quay lại châu Âu, nhất định sẽ tới thăm nàng.

Tôi lo nàng đã quá mệt. Trước lúc rời đi, tôi bộc bạch nỗi tiếc nuối gặp nhau quá muộn, hy vọng tương lai có cơ hội gặp lại. Nàng tiễn tôi đến cửa, ấm áp bắt tay tôi.

Bốn tuần trước, tôi hay tin Mansfield đã mất ở Fontainebleau, Pháp. Bài văn này, tôi định viết từ sớm, khi nàng còn tại thế, mà biếng nhác kéo dài, không chịu động bút, hay đâu lại thành văn tế nàng. Tôi cũng làm một bài thơ, có lẽ diễn tả đầy đủ hơn niềm thương tiếc sâu đậm của mình.

Khóc Mạn Thù Phi Nhĩ

Đêm qua mộng lạc vào u cốc,

Nghe tử quy khốc máu giữa rừng ly.

Đêm qua mộng đứng tựa cao sơn,

Thấy lệ sáng từ giời già rỏ xuống.

Mộ viên nẻo Tây thành La Mã,

Thi nhân lạc nhà nằm ngủ giữa chi la.

Trăm năm sau bánh xe Diêm Vương lại

Gầm giữa Phong Đan Bạch Lộ hoa.

Nếu vũ trụ là máy móc vô tình

Thì sao lý tưởng lại bùng lên như đuốc cháy?

Nếu tạo hóa là chân thiện mỹ hiện hình

Thì sao cầu vồng không ở mãi thiên biên?

Chỉ gặp nhau một lần,

Hai mươi phút hóa thành vĩnh cửu!

Ngờ đâu người tiên thoắt lìa trần

Như sương như hoa vô mịch xứ.

Nhưng phải đâu! Nhân gian là mộng ảo

Linh hồn thiêng được Chúa cứu soi rồi.

Ba mươi năm tự đàm hoa ngẫu hiện

Mắt lệ trông tiên cười mỉn về trời.

Mạn Thù Phi Nhĩ, Mạn Thù Phi Nhĩ,

Còn nhớ chăng lời ước hẹn Luân Đôn?

Giờ lẻ một bóng người vọng mây khóc dập dồn

Bên nước Cầm Ni vẫn muôn đời soi Bạch Lãng Ky tuyết ảnh.

Nhớ thuở đầu được biết hình sự sống,

Biết đến tình trong cõi mộng hoa.

Tình lớn lên, và ta mở mắt ra,

Rồi cái chết dạy ta rằng sống và tình níu cùng dây oan nghiệt.

Nòi tình thương nhau là pha lê bất diệt

Một chữ tình là sự sống đời ta.

Cái chết là hỏa lò bí ẩn, bao la

Nung cho chín lẽ huyền minh tạo hóa.

Nguyện sầu bi biến ta thành chớp lóa

Vút đến trời để chạm được hồn thiêng

Hỡi gió ngàn có cảm chút lệ riêng

Mà cho biết cửa tử sinh đến khi nào chịu vỡ?

                                                                                                                            23 tháng Giêng năm 1923

Hạo Nguyệt dịch

(riêng bài thơ của Từ Chí Ma ở cuối: Anh Hoa dịch)


[i] Từ Chí Ma có thể đã nhầm lẫn đôi chút về thời gian và địa chỉ của cuộc gặp (phải là tháng Tám, tại số 6 phố Bond).

[ii] Một nhầm lẫn khác, Queen’s College mà Mansfield theo học không hề liên kết hay thuộc Đại học London.

[iii] Trần Tây Oánh: một nhân vật trí thức Anh học nổi danh đầu thế kỷ XX của Trung Quốc, từng giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, tham gia viết và dịch các truyện ngắn của Katherine Mansfield, Turgenev… và thân thiết với Từ Chí Ma. Tuy nhiên, tên tuổi Trần Tây Oánh còn gắn với hai nhân vật văn chương đặc biệt khác của Trung Quốc: ông là chồng của Linh Thư Hoa (Ling Shuhua - 凌叔华), một nhà văn nữ tiên phong của Trung Quốc, sở trường truyện ngắn; đồng thời là “tử địch” của Lỗ Tấn với loạt bút chiến trên các tờ báo về phong trào học sinh, sinh viên tháng Ba năm 1925.

[iv] Có thể là một trào lưu trang điểm thời bấy giờ.

[v] Chính xác là Brett.

Tags: Katherine Mansfield Leopardi Anh Hoa Hạo Nguyệt